Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu
Đứng trong Khu Rừng Thiêng Liêng


Đứng trong Khu Rừng Thiêng Liêng

Buổi Họp Đặc Biệt CES Devotional dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi •  ngày 6 tháng Năm năm 2012 • Sacramento, California

Các em thân mến. Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn nhưng cũng thật khiêm nhường được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đặc biệt chỉ định để ngỏ lời cùng các em buổi tối hôm nay. Để bắt đầu, tôi muốn các em biết rằng mặt tôi đã từng không có vết nhăn, tóc tôi đã từng là màu đen, và tôi cũng từng có đầy sức sống---một phần của điều mà thánh thư gọi là “các thế hệ đang vươn lên.” Tôi không chắc từ trái nghĩa hay ngược lại với vươn lên chính xác là gì---có lẽ là “chìm” hay “suy giảm” gì đó---nhưng bất cứ là gì đi nữa thì điều đó mô tả giai đoạn hiện tôi đang sống, và không có vẻ là đầy triển vọng lắm đối với tôi!

Mặc dù đang nói chuyện với các em từ một giáo đường xinh đẹp gần Đền Thờ Sacramento California, nhưng tôi có thể hình dung ra hằng chục ngàn các em—nói gần 40 thứ tiếng khác nhau—đang quy tụ lại trên khắp thế giới. Tôi đã được ban phước để đi thăm nhiều quốc gia của các em, để nghe các em nói chuyện và chia sẻ chứng ngôn bằng tiếng mẹ đẻ của mình, và trực tiếp chứng kiến đức tin và lòng tận tụy của các em đối với Chúa. Tôi yêu mến và khen ngợi các em về sự ngay chính của các em. Tôi biết cuộc sống ở tuổi của các em có thể đầy thử thách, và tôi biết đôi khi chúng ta làm điều lầm lỗi và cần phải hối cải. Nhưng tôi chân thành cám ơn các em đã tìm cách đứng vững vàng trong đức tin nơi Đấng Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Điều tôi mong muốn nhất buổi tối hôm nay là tôi có thể được ban phước để nói chuyện bằng quyền năng của Đức Thánh Linh và do đó góp phần làm gia tăng đức tin của các em.

Chốn Thiêng Liêng

Có những nơi trên thế gian này đã trở thành thiêng liêng bởi điều đã xảy ra ở đó. Theo như Kinh Cựu Ước, một trong những nơi này là Si Nai, Hô Rép, hoặc là “núi của Đức Chúa Trời,” (Xuất Ê Díp Tô Ký 3:1; xin xem thêm Xuất Ê Díp Tô Ký 3:12; 34:2), nơi đó Chúa đã hiện đến cùng Môi Se trong bụi gai cháy. Khi Môi Se đến gần bụi gai cháy, Chúa phán đã phán cùng ông: “Chớ lại gần chốn nầy, hãy cổi giầy ngươi ra, vì chỗ ngươi đang đứng là đất thánh” (Xuất Ê Díp Tô 3:5).

Có lần, gia đình tôi và tôi được ban phước sống tại một nơi thiêng liêng. Vào năm 1993—bốn năm sau khi tôi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi—chúng tôi được yêu cầu phục vụ trong hai năm trong Phái Bộ Truyền Giáo New York Rochester của Giáo Hội. Phái bộ truyền giáo đó gồm có thị trấn Palmyra (là nơi Joseph Smith và gia đình ông sống hầu hết trong thời gian thập niên 1820), và Fayette (là nơi Giáo Hội được tổ chức vào tháng Tư năm 1830). Khoảng 177 kilômét về phía nam Palmyra ở Tiểu Bang Pennsylvania, là Harmony (nơi đó Joseph Smith gặp Emma Hale và là nơi họ sống khi mới kết hôn với nhau trong khi hầu hết Sách Mặc Môn được phiên dịch vào cuối thập niên 1820). Khu vực chung này được biết là “Cái Nôi của Sự Phục Hồi,” tức là chính nơi đây Giáo Hội đã ra đời. Đó là một vùng đẹp như trong tranh, đầy dẫy những ngọn đồi cây cối trải dài, hồ và suối trong vắt, cùng dân cư thân thiện, đa chủng tộc. Đó cũng là nơi được trở thành thiêng liêng nhờ những điều đã xảy ra nơi đó.

Khu Rừng Thiêng Liêng

Trong một khu rừng đầy những cây sồi, dẻ, phong và các loại cây cao chót vót khác, khoảng 40 kilômét nằm ở phía tây căn nhà của gia đình Joseph và Lucy Mack Smith, thiếu niên Joseph Smith 14 tuổi đã thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô trong khải tượng vào mùa xuân năm 1820. Để đáp ứng lời cầu nguyện của Joseph nhằm biết được lẽ thật về tôn giáo và cách ông có thể nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình, sự biểu hiện thiêng liêng này bắt đầu sự Phục Hồi của phúc âm trong gian kỳ cuối cùng này. Sự kiện này cũng làm cho khu rừng cây đó trở thành một chốn tôn nghiêm trong lịch sử của Giáo Hội---một nơi chúng ta tôn kính với cái tên: “Khu Rừng Thiêng Liêng.”

Trong khi tôi phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo, gia đình tôi và tôi bắt đầu yêu mến khu rừng cây đó và cảm nhận được tính chất thiêng liêng của khu rừng đó. Chúng tôi thường đi đến đó. Mỗi tháng, khi những người truyền giáo mới đến và khi những người đã hoàn tất công việc truyền giáo của họ ra về, thì chúng tôi đều đưa họ đến đấy. Thói quen của chúng tôi là quy tụ lại ở cửa vào khu rừng và sau khi hát bài thánh ca mở đầu buổi tối hôm nay”---Lời Cầu Nguyện Đầu Tiên của Joseph Smith”1 thì chúng tôi mời các anh cả và các chị truyền giáo tách ra và tìm kiếm một nơi vắng vẻ trong khu rừng nơi mà mỗi người có thể giao tiếp với Thượng Đế trong lời cầu nguyện và lập cũng như tường trình lên Ngài sự cam kết cá nhân của họ. Những chuyến đi đến Khu Rừng Thiêng Liêng đã và đang là những kinh nghiệm trân quý đối với tất cả những người được phước có được những kinh nghiệm đó.

Tuy nhiên, tôi nhận biết rằng chỉ một số ít các em sẽ có thể đích thân đi thăm Khu Rừng Thiêng Liêng. Vì lý do đó, vào mùa xuân năm nay, năm 2012192 năm sau Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith—tôi muốn các em thực sự đi với tôi đến Khu Rừng Thiêng Liêng. Hãy đứng với tôi ở đó, trong khi tôi chia sẻ với các em một số quang cảnh thực sự của khu rừng, lý do tại sao tôi yêu mến nơi thiêng liêng đó, và các bài học quý báu của cuộc sống mà một người có thể học được ở đó.

Tôi mang ơn Anh Robert Parrott, một nhà lâm nghiệp và tự nhiên học, làm việc cho Giáo Hội, hiện đang sống ở Palmyra, anh ấy đã khiến tôi chú ý đến một số điều hiểu biết về Khu Rừng Thiêng Liêng mà tôi sẽ chia sẻ sau. Mặc dù chưa cùng tín ngưỡng với chúng ta, nhưng Anh Parrott kính trọng Khu Rừng Thiêng Liêng và chăm sóc khu rừng đó rất cẩn thận và có chuyên môn.

Hình Ảnh trong Thánh Thư Liên Quan đến Cây Cối

Trong khi kính cẩn đi bộ xuyên qua Khu Rừng Thiêng Liêng hoặc ngồi suy nghĩ trên các băng ghế có sẵn ở đó, tôi đã thường suy ngẫm về vô số hình ảnh trong thánh thư liên quan đến cây cối, cành, rễ, hạt, trái và rừng rậm. Hai bậc tổ phụ và tổ mẫu của chúng ta, A Đam và Ê Va, chắc chắn đã nhận được bài học đầu tiên trong ngành trồng trọt cây. Khi trích dẫn lời của Giê Nốt trong Sách Mặc Môn, Gia Cốp đã chia sẻ một chuyện ngụ ngôn khó hiểu hay câu chuyện về các cây ô liu lành và các cây ô liu dại khi ông giảng dạy về sự phân tán và quy tụ của dân Y Sơ Ra Ên (xin xem Gia Cốp 5). Và ai trong chúng ta lại chưa đọc, đọc lại và thành tâm suy ngẫm về hạt giống đức tin mà An Ma đã mời chúng ta gieo với sự chăm sóc nhẫn nại và nuôi dưỡng thích hợp để trở thành “một cây lớn mạnh cho tới cuộc sống vĩnh viễn” (An Ma 32:41; xin xem các câu 27–43) chứ?

Đối với Khu Rừng Thiêng Liêng thì cũng giống như vậy. Một người quan sát kỹ lưỡng về thiên nhiên—nhất là khi được kèm theo bởi một nhà tự nhiên học tẫm cỡ như Anh Robert Parrott—có thể học được một số bài học quan trọng từ hệ sinh thái ở đó. Tôi muốn được chia sẻ vắn tắt bốn trong số các bài học ấy với các em buổi tối hôm nay:

Các Bài Học về Sự Sống từ Khu Rừng Thiêng Liêng

Bài Học số  1: Cây cối luôn luôn mọc lên theo hướng ánh sáng.

Một hiện tượng rất thú vị để quan sát trong Khu Rừng Thiêng Liêng là cây cối mọc lên ở bìa rừng nguyên thủy, cũng như cây cối mọc dọc theo nhiều lối đi bên trong. Chúng đã mọc hướng ra ngoài---để tránh các tàng lá che phủ lên chúng—và rồi mọc hướng lên trên để hấp thụ càng nhiều ánh nắng mặt trời càng tốt. Các thân cây và cành cây cong của chúng hoàn toàn mọc ngược chiều với cây cối bên cạnh đang mọc gần như thẳng tắp. Giống như tất cả các sinh vật, cây cối cũng cần ánh sáng để tồn tại và phát triển. Chúng sẽ cố gắng hết sức để hấp thụ được càng nhiều ánh nắng mặt trời càng tốt để xúc tiến quá trình quang hợp---tức là tiến trình chuyển đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa chất hay “nhiên liệu” mà được hầu hết mọi sinh vật sử dụng.

Tôi chắc rằng trí óc trẻ trung, thông minh của các em đã biết rằng ẩn dụ này từ Khu Rừng Thiêng Liêng đang đưa chúng ta đi đâu! “Ánh sáng” là một chất xúc tác còn quan trọng hơn nhiều về phương diện thuộc linh so với tầm quan trọng của nó đối với thiên nhiên. Điều đó là như vậy vì ánh sáng là thiết yếu đối với sự phát triển thuộc linh của chúng ta và sự nhận biết về tiềm năng trọn vẹn của chúng ta với tư cách là các con trai và con gái của Thượng Đế.

Bóng tối lại trái ngược với ánh sáng và tượng trưng cho các lực lượng trên thế gian đang tìm cách tách rời chúng ta khỏi Thượng Đế và làm cho kế hoạch thiêng liêng của Ngài dành cho cuộc sống chúng ta bị thất bại. Thường thường sau khi trời tối hoặc trong những nơi tối tăm, các lực lượng tà ác sử dụng ảnh hưởng mãnh liệt nhất của chúng. Trong cuộc sống của các em, việc vi phạm vào luật trinh khiết, hành vi trộm cắp, cờ bạc, vi phạm Lời Thông Sáng, và các hành vi khác bị Cha Thiên Thượng nghiêm cấm, đều thường được thực hiện trong bóng tối. Cho dù chúng ta chọn làm điều sai lúc ánh sáng ban ngày huy hoàng đi nữa---chẳng hạn như gian lận trong một kỳ thi, đạo văn người khác, nói xấu một người nào đó, dùng lời lẽ báng bổ, hay nói dối---thì chúng ta đều không thể nào không có cảm giác của bóng tối trong các trường hợp đó.

May mắn thay, Thánh Linh của Đấng Ky Tô “ban sự sáng cho mọi người bước vào thế gian; và Thánh Linh soi sáng cho mọi người ở khắp thế gian, là những người biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh.

“Và người nào biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh sẽ đến với Thượng Đế, tức là Đức Chúa Cha” (GLGƯ 84:46–47).

Đoạn này từ sách Giáo Lý và Giao Ước mô tả một cách tuyệt vời tầm với hướng thượng của con người, bản năng thuộc linh tự nhiên được Thượng Đế ban cho mọi người chúng ta—nếu chúng ta đừng giấu giếm bản năng của mình—để đi hướng tới ánh sáng và khi làm như vậy, đi tới hướng đến Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài và trở thành giống như hai Ngài hơn. Đấng Ky Tô đã phán về Ngài: “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12).

Để hiểu thánh thư, các em có thể biết được về một từ thường đi kèm với những từ khác. Trong khi học thánh thư, các em hãy lưu ý đến bao nhiêu lần những từ ánh sáng, Thánh Linh, lẽ thật Chúa Giê Su Ky Tô được thấy là rất gần gũi nhau. Những từ này hầu như là đồng nghĩa, và tất cả những từ này nâng chúng ta hướng tới một cuộc sống cao quý và thiêng liêng hơn.

Tôi hết lòng khuyến khích các em hãy tránh bóng tối của tội lỗi trong tất cả các hình thức xấu xa của nó và chan hòa cuộc sống của các em với Thánh Linh, lẽ thật và ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Các em có thể làm điều này bằng cách tìm kiếm những người bạn cao quý, âm nhạc và nghệ thuật đầy soi dẫn, kiến thức từ những quyển sách hay nhất (nhất là thánh thư), những giây phút cầu nguyện chân thành, những lúc yên tĩnh với thiên nhiên, những cuộc chuyện trò lành mạnh, và một cuộc sống đặt trọng tâm vào Đấng Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài về tình yêu thương và phục vụ. Hãy luôn luôn ghi nhớ và nhất là trong việc tìm kiếm một người bạn đời vĩnh cửu, lời phán của Chúa rằng “lẽ thật quấn quít với lẽ thật; đức hạnh thương yêu đức hạnh, ánh sáng gắn bó với ánh sáng” (GLGƯ 88:40). Nguyên tắc này về lòng nhân từ thu hút lòng nhân từ và mang đến hy vọng rằng nếu chúng ta sống một cuộc sống trong ánh sáng phúc âm, thì cuối cùng chúng ta sẽ tìm ra một người bạn đời bước đi trên con đường song song với sự ngay chính. Tôi biết rằng chúng ta càng cố gắng để làm cho cuộc sống của mình tràn ngập ánh sáng thì càng ít chỗ dành cho bóng tối và cuối cùng chúng ta sẽ tiến đến gần việc trở thành giống như Đấng Ky Tô, tức là Sự Sáng của Thế Gian.

Vì phước lành đặc biệt của tôi trong buổi tối hôm nay để ngỏ lời cùng các em là Các Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi phi thường, tôi muốn cất cao tiếng nói cảnh cáo nhưng cũng là tiếng nói khuyến khích và hy vọng về bóng tối mà sẽ chắc chắn xâm chiếm cuộc sống của các em nếu các em trở nên dính líu đến hình ảnh sách báo khiêu dâm. Việc sử dụng tài liệu khiêu dâm trong bất cứ phương diện nào đều xúc phạm đến Thượng Đế và vi phạm lệnh truyền của Ngài là chúng ta không được phạm tội ngoại tình “hay làm bất cứ điều gì tương tự điều này” (GLGƯ 59:6). Việc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm hầu như lúc nào cũng dẫn đến việc vi phạm luật trinh khiết nhiều hơn. Việc tiếp cận nhiều lần với hình ảnh sách báo khiêu dâm và tham gia vào những hình thức phạm giới về mặt tình dục thường đi kèm theo thì có thể tạo ra một thói nghiện mà cần phải đối phó và trị liệu cùng cách chăm sóc những người nghiện rượu hay ma túy.

Nếu hình ảnh sách báo khiêu dâm đã gây tai hại cho cuộc sống của các em, và là một vấn đề vẫn còn tái diễn, thì tôi khẩn nài các em hãy tìm kiếm sự giúp đỡ trong Giáo Hội lẫn từ những người chuyên môn. Xin hãy biết rằng một thói nghiện hình ảnh sách báo khiêu dâm không phải chỉ là “một vấn đề nhỏ nhặt” mà các em có thể bí mật chế ngự bằng sự cầu nguyện, học thánh thư và sự tự chủ mạnh mẽ hơn đâu.

Vì một thói nghiện hình ảnh sách báo khiêu dâm có thể làm giảm bớt sức mạnh của ý chí để chọn điều thiện thay vì điều ác, nên các em sẽ cần phải nhu mì và khiêm nhường để chấp nhận Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và được ban phước bởi quyền năng có thể ban phước của Sự Chuộc Tội. Ý nghĩa của điều này là trong thực tế, nếu các em sử dụng nỗ lực tốt nhất của mình---tức là gồm có việc trải qua tiến trình hối cải với sự giúp đỡ của vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh của mình để được tha thứ tội lỗi và trải qua một tiến trình phục hồi gồm việc được cố vấn về chuyên môn và có thể được hỗ trợ theo nhóm để khắc phục thói nghiện của các em thì quyền năng có thể thực hiện được của Sự Chuộc Tội (mà Tự Điển Kinh Thánh mô tả là một phương tiện thiêng liêng để giúp đỡ hay sức mạnh2), quyền năng này sẽ giúp các em khắc phục ám ảnh của thói nghiện hình ảnh sách báo khiêu dâm và cuối cùng chữa lành hậu quả gậm nhấm của nó. Nhờ vào quyền năng của Sự Chuộc Tội, cả sự tha thứ tội lỗi lẫn sự phục hồi từ thói nghiện đều có thể thực hiện được và cả hai điều này đều tuyệt diệu.

Xin hãy tránh xa bóng tối, giống như cây cối luôn luôn tìm cách phát triển theo hướng của ánh sáng.

Bài Học số 2: Cây cối cần có sự tương phản để đáp ứng với mức độ sáng tạo của chúng.

Trong nhiều năm, việc trông coi rừng đã được người ta tuân theo nhiều ý kiến khác nhau để chăm sóc Khu Rừng Thiêng Liêng. Có lần một mảnh đất đã được chọn để thí nghiệm, và người ta đã sử dụng một phương pháp được biết đến là “giải phóng bớt”. Điều đó được thực hiện như sau: Những người trông coi rừng cảm thấy cây nào có tiềm năng là to và mạnh nhất trên mảnh đất thí nghiệm, rồi họ chặt bớt và tỉa xén những cái cây có ít triển vọng hơn cũng như những bụi cây thấp đang mọc chen vào. Họ thiết tưởng rằng bằng cách loại bỏ sự tranh giành nước, ánh nắng mặt trời, và chất dinh dưỡng trong đất, thì các cây được chọn sẽ “được giải phóng” để mọc lên và phát triển một cách phi thường.

Sau vài năm, sự trái ngược đã xảy ra thật hiển nhiên. Một khi đã được giải phóng không phải tranh giành nữa, các cây được chọn trở nên an phận. Thay vì mọc lên theo hướng ánh sáng, thì chúng chậm phát triển, sinh ra nhiều cành thấp hơn mà cuối cùng sẽ trở thành vô dụng khi bị những vòm lá che lại, và trở nên mập mạp hơn. Trong khi đó, những cái cây bị loại bỏ lại mọc thêm nhiều nhánh thành những bụi cây rậm rạp cành lá mà sẽ không tự mình sống sót được, nhưng tiếp tục sử dụng nước và chất dinh dưỡng. Mấy cái cây giống như bụi cây này tiếp tục thi đua với những cây đã được chọn ra, nhưng không theo cách mà sẽ mang đến sự tăng trưởng tích cực cho cả đôi bên. Do đó, không một nhóm cây nào trong mảnh đất thí nghiệm có thể so sánh được về kích thước hay sức sống với những cái cây được để cho mọc tự nhiên hơn và đã phải tranh đấu và khắc phục sự tương phản nhằm sống sót và phát triển.

Như các em biết, một trong các giáo lý chính của Sách Mặc Môn là phải có sự tương phản trong mọi điều. Một thế giới với những điều tương phản mang đến sự chọn lựa giữa điều thiện với điều ác, để quyền tự quyết có thể được thực hiện. Tuy nhiên, nguyên tắc rằng sự tương phản đó cần phải có để sự tăng trưởng thuộc linh được xảy ra thì cũng quan trọng không kém, hoặc như tổ phụ Lê Hi nói về điều đó, chính là vì “sự thánh thiện” phải được xảy ra (2 Nê Phi 2:11). Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc hiểu biết nguyên tắc này---rằng sự tăng trưởng thuộc linh cần phải có sự tương phản và nghịch cảnh—và chính là việc chấp nhận nguyên tắc này vào lứa tuổi của các em là chìa khóa để chấp nhận và vui vẻ với cuộc sống nói chung. Việc cần phải trải qua sự tăng trưởng và phát triển của cá nhân cũng là điều thiết yếu.

Sớm muộn gì thì tất cả chúng ta cũng sẽ gặp phải sự tương phản và nghịch cảnh. Một số điều đó sẽ chỉ đến như là kết quả của việc sống ở trần thế này trong một thế giới sa ngã. Đó là số phận chung của tất cả nhân loại. Sự tương phản như vậy có thể xảy ra dưới nhiều hình thức. Điều đó có thể gồm có sức mạnh của thiên nhiên. Điều đó có thể gồm có bệnh tật (dường như tôi có thể bị bệnh cúm mặc dù tôi đã chủng ngừa rồi!). Điều đó có thể đến với hình thức cám dỗ. Đối với một số người, điều đó sẽ có nghĩa là không đạt được những điều mình trông mong (tôi rất thích được cao 1 mét 95 , nhưng đã học cách vui lòng với độ cao 1 mét 75  như đã định đoạt cho tôi, và chắc chắn sẽ vui lòng với bục giảng đã được hạ thấp xuống bất cứ khi nào tôi đưa ra bài nói chuyện). Đó có thể là dưới hình thức cô đơn, hay cảm giác bất toàn và khiếm khuyết về mặt thể chất và tâm thần---bản liệt kê những lực lượng chống đối thì hầu như bất tận—và các phước lành của sự tăng trưởng và phát triển thì cũng như vậy nếu chúng ta có đức tin để có tầm nhìn xa và kiên trì chịu đựng giỏi. Tôi được an ủi nhiều nhờ những lời của Chúa phán cùng Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty vào lúc các gánh nặng của Joseph hầu như không thể chịu đựng được nổi nữa: “Hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi” (GLGƯ 122:7).

Đôi khi, sự tương phản và nỗi gian khổ xảy ra vì những điều chúng ta bị lừa dối để chọn. Sức khỏe kém hoặc thương tích có thể do một lối sống bất cẩn mà ra, nỗi đau khổ và buồn phiền đến tự việc vi phạm luật pháp của Thượng Đế, cảm giác hối tiếc mà chúng ta cảm thấy về sau khi không tận dụng thời gian và tài năng được ban cho mình—tất cả những điều này đều do chính chúng ta tạo ra. Chúng ta đều cần phải biết ơn Đấng Cứu Rỗi biết bao mà Sự Chuộc Tội của Ngài đã ban cho chúng ta con đường để sửa chữa tất cả những gì bị đổ vỡ.

Tôi thấy rằng khi gặp sự tương phản nghịch cảnh chúng ta thường hỏi “tại sao”. Tại sao lại là tôi? Tại sao lại là bây giờ? Tại sao lại là điều này? ---thay vì hỏi “điều gì” có lẽ có tính cách xây dựng hơn. Có lần tôi gửi một lá thư an ủi đến một cặp vợ chồng đang đau khổ vì người chồng sắp qua đời vì một chứng bệnh nan y. Thư hồi âm của họ đầy khiêm nhường: họ kể ra các phước lành Thượng Đế đã ban cho họ trong nhiều năm sống với nhau, và rồi họ trung tín muốn biết Thượng Đế đang cố gắng dạy họ “điều gì” trong bài học cuối cùng này.

Có những cái cây trong Khu Rừng Thiêng Liêng mà Anh Parrott gọi là “những cái cây có chí khí.” Đây là những cái cây cho thấy rằng sự tương phản nghịch cảnh có thể hữu hiệu vì lợi ích của chúng ta và rằng trong bước đường cùng của mình thì thường có nhiều điều để nhận được. Những cái cây này đã phải phản ứng và thích nghi cũng như đôi khi hồi phục từ nhiều hình thức tương phản hay nghịch cảnh khác nhau---sét đánh, cuồng phong thổi đến, tuyết hay băng chất chồng nặng nề, sự lấn chiếm và lạm dụng của con người, và thậm chí đôi khi còn bị một cái cây bên cạnh xâm lấn! Trong số những hoàn cảnh bất lợi này, còn có một số cây vững chắc nhất và trông thú vị nhất trong khu rừng. Chúng có thể thiếu điều gì đó trong vẻ đẹp cân xứng nhưng lại được bù đắp bằng sự kiên quyết và chí khí.

Từ kinh nghiệm sống của mình, tôi có thể làm chứng rằng sự tương phản, nỗi gian nan và nghịch cảnh mang đến chí khí và sự phát triển. Một số kinh nghiệm đầy thử thách và khó khăn nhất của cuộc sống tôi—những cảm nghĩ không thích đáng và rụt rè trong thời thanh niên của tôi, công việc truyền giáo của tôi ở nước Đức khi còn thanh niên, cũng như việc học tiếng Đức, nhận bằng luật và thi đậu kỳ thi luật, các nỗ lực của tôi để làm chồng và làm cha có thể chấp nhận được và lo liệu về mặt thuộc linh lẫn vật chất cho gia đình có tám con của chúng tôi, việc mất cha mẹ tôi và những người thân khác, ngay cả tính chất phổ biến và thường xuyên căng thẳng của sự phục vụ của tôi với tư cách là một Thẩm Quyền Trung Ương (kể cả việc chuẩn bị và đưa ra bài nói chuyện này cho các em vào buổi tối hôm nay)---tất cả những điều này và còn nhiều điều khác nữa, mặc dù đầy thử thách và khó khăn, đều đã mang đến cho tôi kinh nghiệm và mang lại lợi ích cho tôi!

Tôi biết là không phải dễ dàng để thuyết phục các em là những người trẻ tuổi biết rằng một chút đau đớn là tốt cho các em, nhưng điều đó thì quả thật là như vậy. Nếu chúng ta sẽ nhận được “tất cả những gì Cha có” (GLGƯ 84:38), thì điều đó sẽ không xảy ra nếu không dâng trả lại tất cả những gì chúng ta có. Cha Thiên Thượng mong muốn có được các con trai và con gái cao quý, và như Lê Hi đã dạy, sự thiêng liêng chỉ có thể có được qua nghịch cảnh và thử thách. Giống như cây cối, người ta cần phải có sự tương phản để đáp ứng với mức độ sáng tạo của họ.

Bài Học số  3: Cây cối mọc lên tốt nhất trong rừng, không phải mọc riêng nơi vắng vẻ.

Nếu các em nghĩ về điều đó, theo lẽ tự nhiên, thì rất hiếm để thấy một cái cây đứng một mình. Chúng hầu như luôn luôn nhóm lại thành lùm cây, và cuối cùng, lùm cây có thể trở thành khu rừng. Tuy nhiên, Khu Rừng Thiêng Liêng còn to lớn hơn cả một nhóm cây. Đó là một hệ sinh thái phức tạp gồm có nhiều loài thực vật và động vật. Có một sự liên kết có thể quan sát được trong số tất cả các giống khác nhau của hoa dại, bụi cây, bụi rậm, cây cối, nấm, rêu, chim muông, động vật gặm nhấm, thỏ, nai và những tạo vật khác đang ở đó. Những loài này tương tác lẫn nhau và dựa vào nhau để có được thực phẩm, chỗ ở, và một môi trường hiệp lực và hợp quần là nơi chúng đều có thể trải qua chu kỳ cuộc sống của mình.

Kế hoạch của Thượng Đế dành cho cuộc sống của chúng ta cũng có được một mối liên kết và tính hợp quần tương tự đối với chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau, chứ không riêng rẽ, cố gắng thực hiện sự cứu rỗi của mình. Giáo Hội xây cất nhà hội, chứ không phải nơi ẩn dật. Chúng ta được yêu cầu phải tham dự một tiểu giáo khu hay chi nhánh cụ thể---chứ không phải chọn giáo đoàn của mình như trong một số tín ngưỡng khác. Chính sách khôn ngoan này đòi hỏi chúng ta phải học cách hòa hợp với nhau và chịu trách nhiệm đối với giám trợ hay chủ tịch chi nhánh về hành vi của mình; chứ không chạy trốn khi gặp khó khăn! Chúng ta được truyền lệnh phải yêu mến những người lân cận của mình (cũng gồm có những người trong gia đình của mình), và việc học cách yêu thương những người gần gũi với chúng ta nhất thì thường khó hơn là yêu thương “toàn thể thế gian” ở xa. Từ lúc ban đầu của Sự Phục Hồi, lệnh truyền đã đưa ra cho Các Thánh Hữu là phải “đến Si Ôn,” và quy trụ trong các cộng đồng nơi mà chúng ta có thể học cách sống hòa thuận và hỗ trợ lẫn nhau bằng cách tôn trọng giao ước báp têm của mình để “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau … sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; … và an ủi những ai cần được an ủi” (Mô Si A 18:8–9). Là con cái của Thượng Đế, chúng ta có thể không thịnh vượng nếu tách riêng ra như một cái cây đứng một mình. Cây cối khỏe mạnh cần có một hệ sinh thái; con người khỏe mạnh cần có nhau.

May thay, bên trong tất cả chúng ta đều có một niềm khát khao để sống hợp quần, tình bằng hữu, có những người bạn trung thành. Là những người thuộc vào gia đình vĩnh cửu của Thượng Đế, chúng ta đều ao ước được mãn nguyện và sự an toàn mà mối quan hệ lâu dài đó có thể mang lại. Các em sẽ biết rằng việc tạo ra mối quan hệ như vậy cần phải có thời gian, nỗ lực và lòng bác ái dồi dào. Như Mặc Môn đã nói về điều đó, “lòng bác ái … không tìm lợi lộc cho cá nhân mình”(Mô Rô Ni 7:45)—không phải theo lịch trình của nó, không phải theo sở thích của nó, không phải theo ý thích của nó. Mặc dù các mạng Internet và mạng xã hội chắc chắn mang lại một hình thức hợp quần, những chúng đều không thể thay thế cho một sự giao tiếp chân thành, công khai và trực tiếp, là điều thiết yếu để thiết lập mối quan hệ xác thực và lâu dài.

Chắc chắn là nơi dùng để thí nghiệm sớm nhất và tốt nhất để học cách hòa hợp với những người khác là trong mái gia đình. Chính tại nhà mà chúng ta học bài học phục vụ, vị tha, tha thứ, và kiên nhẫn thật cần thiết cho việc tạo ra mối quan hệ lâu dài với những người khác. Tôi nghĩ rằng chính là vì lý do này mà một phần của việc “xứng đáng vào đền thờ” đã đòi hỏi chúng ta cần phải sống trong tình yêu thương và hòa thuận với những người trong gia đình của mình.

May mắn thay, tổ chức đầy soi dẫn của Giáo Hội cũng mang đến các cơ hội và bối cảnh mà chúng ta có thể phát triển về mặt xã hội. Từ những năm nhỏ tuổi nhất đến những năm lớn tuổi nhất, chúng ta đều thuộc vào một tiểu giáo khu hay chi nhánh và ở trong hoàn cảnh có thể phát triển mối quan hệ với những người khác và tính hợp quần. Trong những sự kêu gọi, các buổi họp, lớp học, nhóm túc số, hội đồng, sinh hoạt và nhiều cơ hội khác nữa để kết giao, chúng ta đều phát huy các thuộc tính và kỹ năng giao tiếp nhằm giúp chuẩn bị chúng ta cho trật tự xã hội mà sẽ tồn tại trên thiên thượng. Khi nói về trật tự cao hơn này, Chúa đã phán qua Joseph Smith: “Và cùng cái xã hội tính mà tồn tại ở giữa chúng ta ở đây sẽ tồn tại ở giữa chúng ta ở trên đó, nhưng nó sẽ đi kèm với vinh quang vĩnh cửu, là vinh quang mà chúng ta hiện tại không thụ hưởng” (GLGƯ 130:2).

Nếu hy vọng được vui hưởng cái xã hội tính của thiên thượng và vinh quang liên quan trong thế giới mai sau, chúng ta cần phải tiếp tục trở nên chín chắn về mặt quan hệ xã hội cũng như thuộc linh trong khi ở trên thế gian này. Con người cũng giống như cây cối phát triển tốt nhất trong cộng đồng chứ không phải riêng rẽ.

Bài học cuối cùng, số 4: Cây cối lấy sức mạnh từ chất dinh dưỡng do cây cối thuộc thế hệ trước tạo ra.

Có một thời kỳ khi chăm sóc Khu Rừng Thiêng Liêng, những người phụ trách khu rừng đó quyết định rằng khu rừng đó cần phải có một bộ mặt lịch sự. Các dự án phục vụ cho giới trẻ và những người truyền giáo được tổ chức định kỳ để dọn dẹp cây cối trong rừng và cành lá bị gẫy, còi cọc, ngay cả những gốc cây và lá chết. Theo lối này, thì chẳng bao lâu trước khi sức sống của khu rừng bắt đầu giảm bớt. Cây cối mọc chậm, ít có cây cối mới đâm chồi hơn, một số loài hoa dại và thực vật bắt đầu biến mất, và số lượng của nhiều loài thú rừng và chim muông giảm bớt.

Cách đây vài năm, khi Anh Parrott tiếp quản khu rừng thì anh đề nghị rằng khu rừng cần phải được để nguyên trong trạng thái thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Cây cối và cành lá phải được để cho phân hủy và làm cho đất mầu mỡ. Lá phải được để nằm ở nơi nào lá rụng xuống. Khách tham quan được yêu cầu phải ở trên lối đi đã đánh dấu để cho khu rừng sẽ không bị phá rối và đất ở bên trong khu rừng ít bị đè nén hơn. Trong vòng chỉ một vài năm, khu rừng bắt đầu hồi sinh và tự tái tạo trong một cách phi thường. Ngày nay, khu rừng phát triển trong một trạng thái gần như tinh khôi, với cây cối sum sê và nhiều loại thú rừng.

Bài học mà tôi học được từ kinh nghiệm này về việc trông nom rừng thì rất quý báu đối với tôi. Tôi có đặc ân phục vụ với tư cách là sử gia và người ghi chép của Giáo Hội đã được bảy năm. Đây là một chức phẩm được Tiên Tri Joseph Smith tạo ra để đáp ứng với lệnh truyền của Chúa ban cho ông vào ngày Giáo Hội được tổ chức: “Này, một biên sử phải được lưu giữ giữa các ngươi” (GLGƯ 21:1). Từ ngày đó---bắt đầu với việc chỉ định Oliver Cowdery làm Sử Gia và Người Ghi Chép đầu tiên của Giáo Hội—và tiếp tục cho đến hiện tại—một biên sử phi thường về lịch sử của Giáo Hội đã được lưu giữ. John Whitmer thay thế Oliver Cowdery và được Chúa phán bảo để lưu giữ một lịch sử “Và hắn cũng phải tiếp tục viết và ghi chép lịch sử về tất cả những điều quan trọng … mà sẽ có lợi cho Giáo Hội, và cho những thế hệ tương lai mà sẽ lớn lên trên đất Si Ôn” (GLGƯ 69:3, 8).

Tại sao việc lưu giữ và sưu tập, bảo tồn, và chia sẻ lịch sử lại quan trọng đến như vậy trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô? Là một phần của “các thế hệ đang vươn lên”, tại sao là điều cần thiết để các em phải lưu tâm đến và nhận được sức mạnh từ các thế hệ đã qua?

Để trả lời, tôi đề nghị rằng chúng ta không thể nào sống trọn vẹn với hiện tại---hoạch định ít hơn cho vận mệnh tương lai của mình—mà không có nền tảng của quá khứ. Cách đây một vài tháng, lẽ thật này buộc tôi phải lưu tâm trong khi gặp gỡ một cặp vợ chồng tuyệt diệu đã trải qua một thử thách lạ lùng nhất mà tôi được cho phép chia sẻ. Sau vài năm kết hôn và sinh vài đứa con, người vợ bị tai nạn nặng. Bà nằm trong bệnh viện vài tuần trong tình trạng hôn mê. Khi tỉnh lại, bà bị mất trí nhớ hoàn toàn! Hậu quả của thương tích của bà khiến bà không nhớ được quá khứ. Vì không còn nhớ đến quá khứ của mình nữa, bà đã không thể hiểu được hiện tại. Bà không biết chồng con hay cha mẹ của mình! Khi người chồng kể lại câu chuyện này cho tôi nghe, ông đã tâm sự rằng trong những tháng đầu tiếp theo tai nạn đó, ông đã lo lắng rằng vợ của mình sẽ đi lang thang nếu không có ai trông chừng. Ông cũng sợ rằng vợ của mình sẽ không còn yêu ông nữa. Trong thời gian tìm hiểu, ông là một thanh niên gọn gàng, lực lưỡng, đầu có nhiều tóc. Giờ đây, vào tuổi trung niên, người ông đẫy đà và không còn nhiều tóc!

May thay đối với tất cả những điều lo lắng, ít nhất là có một phần ghi chép đã được lưu giữ. Người chồng đã để dành những lá thư mà vợ ông đã viết trước và trong khi ông đi truyền giáo. Những lá thư này cung cấp bằng chứng rằng hai người họ quả thật đã yêu nhau. Ông cũng đã lưu giữ một quyển nhật ký có ghi những điều hữu ích. Dần dần, sau vài năm, người vợ đã có thể phục hồi lại nhiều điều trong quá khứ của bà nhờ những người thân của bà chia sẻ lịch sử đó.

Tình huống độc nhất vô nhị và đầy cảm động này minh họa rất rõ mối quan hệ quan trọng của quá khứ với hiện tại và với tương lai. Điều này giúp chúng ta biết ơn trọn vẹn hơn về định nghĩa của Chúa về lẽ thật đã được Joseph Smith tiết lộ: “Lẽ thật là sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có” (GLGƯ 93:24). Sự hiểu biết chúng ta có về quá khứ của mình nhờ vào những biên sử đã được lưu giữ, và về tương lai của mình nhờ vào thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế, mang đến cho chúng ta phạm vi cho phép việc sử dụng khôn ngoan quyền tự quyết của chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Thật vậy, sự hiểu biết này mang đến cho chúng ta một triển vọng tin kính hơn vì nó sẽ mang chúng ta đến gần hơn khả năng của Ngài để có “tất cả mọi vật đều ở trước mắt [Ngài]” (GLGƯ 38:2).

Là các tín hữu của Giáo Hội từ nhiều quốc gia, chúng ta đều cùng chia sẻ lịch sử ban đầu của Giáo Hội. Thật là điều quan trọng đối với tất cả chúng ta để trở nên quen thuộc với lịch sử của Giáo Hội, nhất là điều mà tôi gọi là “các câu chuyện cơ bản” của Giáo Hội. Những câu chuyện này—Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, sự ra đời của Sách Mặc Môn, những lần hiện đến thiêng liêng của Giăng Báp Tít, Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, Ê Li, Ê Li A, và những người khác— chứa đựng các lẽ thật cơ bản mà Sự Phục Hồi phúc âm được căn cứ vào đó.

Đáng tiếc thay, trong thời đại công nghệ đầy dẫy thông tin này---một số sự kiện và con người thiết yếu trong lịch sử của Giáo Hội—đức tin của một số Thánh Hữu Ngày Sau trở nên dao động và họ bắt đầu ngờ vực niềm tin đã có từ lâu. Đối với những người nghi ngờ như vậy, tôi xin bày tỏ tình yêu thương và sự hiểu biết cùng bảo đảm rằng nếu họ chịu tuân theo các nguyên tắc phúc âm và thành tâm theo đuổi việc học hỏi về lịch sử Giáo Hội—học hỏi đủ để đạt được một sự hiểu biết bao hàm toàn diện hơn là chỉ một sự hiểu biết rời rạc hay không đầy đủ—Đức Thánh Linh sẽ xác nhận đức tin của họ trong những sự kiện thiết yếu của lịch sử Giáo Hội bằng cách phán sự bình an vào tâm trí họ. Theo cách này, họ có thể trở nên tin chắc đối với lịch sử của Giáo Hội phục hồi và sẽ không còn bị “dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê Phê Sô 4:14). Tôi đã đặt hết cuộc sống của mình hướng đến những cảm nghĩ bình an như vậy về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith và các sự kiện còn phôi thai khác của phúc âm phục hồi, và tôi biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị thất vọng cả.

Dưới hình thức cơ bản nhất của lịch sử, là một phần ghi chép về con người và cuộc sống của họ cũng như từ cuộc sống của những người đó, những câu chuyện và bài học đã được cho ra đời để có thể củng cố điều chúng ta tin, điều chúng ta ủng hộ, và điều chúng ta cần làm khi đối phó với nghịch cảnh. Không phải tất cả những câu chuyện tạo thành lịch sử của chúng ta đều có tính chất là một thiên hùng ca về Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith hay về công việc truyền giáo của Wilford Woodruff ở nước Anh. Thật ra, một số câu chuyện thật sự phi thường đều từ cuộc sống của Các Thánh Hữu Ngày Sau bình thường như hầu hết chúng ta mà ra. Các câu chuyện này rất thân quý và đặc biệt bổ ích đối với chúng ta khi chúng có liên quan đến tổ tiên của chúng ta.

Chẳng hạn, vào thập niên 1920, mặc cho nhiều giờ dài lao động vất vả— ông bà nội Jensen của tôi bị bắt buộc phải trả lại nông trại mà họ đã mua và nơi họ đang sống cho người bán nông trại ở đó trong Tiểu Bang Idaho. Họ muốn cùng với các con nhỏ của họ trở lại quê hương ở Utah nhưng không thể rời Idaho cho đến khi họ trả hết số tiền nợ 350 đô la. Ngày nay, dường như đó là một số tiền nhỏ nhưng lúc ấy lại là một số tiền đáng kể. Ông Nội tôi cố gắng vay tiền từ những người có tiền, nhưng không thành công. Họ không thể mượn tiền ngân hàng vì hoàn cảnh nghèo túng của họ. Mỗi ngày, Ông Bà Nội tôi cầu nguyện để được giúp đỡ. Một sáng Chủ Nhật nọ, tại buổi họp chức tư tế, một người mà Ông Nội quen biết sơ qua đã đến gần ông và nói với ông rằng người ấy nghe nói Ông Nội đang gặp khó khăn và sẽ cho Ông Nội mượn 350 đô la với hy vọng rằng khi ông nội trở lại Utah, Ông Nội sẽ trả lại cho người ấy càng sớm càng tốt. Họ hoàn toàn đồng ý với một cái bắt tay và Ông Nội đã giữ lời hứa.

Câu chuyện giản dị này được bà nội tôi ghi lại như là một kho tàng của gia đình. Câu chuyện này soi dẫn tôi bằng cách minh họa các thuộc tính siêng năng, lương thiện, khắc phục nghịch cảnh, tình đoàn kết gia đình, và quan trọng hơn hết, cho thấy bàn tay của Thượng Đế trong cuộc sống của ông bà nội trung tín của tôi. Tôi nhận được sức mạnh và lời khuyến khích lớn lao từ tấm gương của họ và từ tấm gương của những người khác, những người tuyệt vời lẫn phổ biến của các thế hệ trước.

Các em có thể tìm ra những câu chuyện tương tự tại quốc gia nơi mình đang sống và trong gia đình của mình. Nơi nào có những câu chuyện tương tự, thì tôi khuyến khích các em thu thập những câu chuyện này, giữ gìn và chia sẻ chúng. Hãy chuyên tâm chuyền những câu chuyện này từ thế hệ này đến thế hệ khác. Con cái của tôi (và bây giờ hầu như là các cháu của tôi) luôn luôn ưa thích khi tôi kể cho chúng nghe những câu chuyện về “khi cha hay ông còn bé”! Tôi đã nghe nói rằng một dân tộc không thể nào vĩ đại bằng những câu chuyện của dân tộc đó, và tôi cũng tin như vậy đối với các gia đình. Những câu chuyện hay---nếu có thật---sẽ làm nên lịch sử vĩ đại. Hãy nhớ rằng con người cũng giống như cây cối nhận được sức mạnh từ những chất bổ dưỡng do các thế hệ trước tạo ra.

Kết luận

Giờ đây, để kết luận, tôi muốn các em trở lại Khu Rừng Thiêng Liêng với tôi và đứng với tôi gần một cái cây được gọi là “cây đã chứng kiến.” Đây là những cái cây lớn lên trong khu rừng cách đây 192 năm vào lúc Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith. Có ba cây vẫn sống trong khu rừng và ba cây đã chứng kiến và đã chết nhưng vẫn còn đứng thẳng nhờ vào các nỗ lực gìn giữ khéo léo của Anh Parrott.

Khi chúng tôi phục vụ truyền giáo gần Palmyra, thỉnh thoảng tôi thường một mình đi vào Khu Rừng Thiêng Liêng và đứng nghiêm trang cạnh bên cái cây chứng kiến mà tôi ưa thích. Tôi thường tưởng tượng rằng nếu cái cây đó có thể nói được thì nó sẽ kể cho tôi nghe nó đã chứng kiến điều gì vào cái ngày mùa xuân đó vào năm 1820. Nhưng tôi thực sự không cần cái cây đó kể cho tôi nghe—tôi đã biết rồi. Nhờ những kinh nghiệm thuộc linh và những cảm nghĩ bắt đầu trong thời thơ ấu của mình và tiếp tục cho đến tận bây giờ, tôi đã dần dần tự mình biết, chứ không phải nhờ vào bất cứ người nào khác, rằng Thượng Đế, Đức Chúa Cha, hằng sống. Tôi cũng biết rằng Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của tất cả nhân loại. Tôi biết rằng hai Đấng vinh quang này đã hiện đến cùng Joseph Smith trong Khu Rừng Thiêng Liêng vào mùa xuân năm 1820. Hai Ngài đã nâng Joseph lên với tư cách là vị tiên tri đặt nền móng cho gian kỳ phúc âm sau cùng này. Dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của hai Ngài, Joseph đã phiên dịch Sách Mặc Môn, nhận được các chìa khóa và thẩm quyền của chức tư tế, và tổ chức Giáo Hội của Đấng Ky Tô một lần nữa trong những ngày sau này. Chúng ta được phước vô cùng để được sống vào thời kỳ này và làm tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô.

Các lẽ thật vinh quang này mà tôi đã làm chứng đã bắt đầu trong Khu Rừng Thiêng Liêng. Như các em đã cùng tưởng tượng đang đứng với tôi trong Khu Rừng Thiêng Liêng buổi tối hôm nay, vậy hãy luôn luôn đứng với tâm trí của mình ở trong chốn thiêng liêng ấy và sống trung thành với các lẽ thật mà Thượng Đế đã bắt đầu mặc khải ở đó.

Cũng hãy nhớ rằng các bài học của cuộc sống mà Khu Rừng Thiêng Liêng dạy:

  1. Khi các quyền lực của bóng tối tìm cách hủy diệt các em---như chúng đã từng làm như vậy với thiếu niên Joseph Smith đang muốn tìm hiểu, thì hãy đứng trong khu rừng và nhớ đến luồng ánh sáng, còn sáng hơn cả ánh sáng mặt trời (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–17).

  2. Khi sự chống đối và tương phản cùng nghịch cảnh tiến đến bao vây các em và hy vọng tàn lụi, thì hãy đứng trong khu rừng và nhớ rằng “tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi” (GLGƯ 122:7).

  3. Nếu số mệnh của các em là cô đơn và cô độc, và các em vất vả để thiết lập mối quan hệ đầy mãn nguyện với người khác, thì hãy đứng trong khu rừng với cộng đồng Thánh Hữu Ngày Sau là những người đã giao ước để giúp chia sẻ gánh nặng và an ủi các em trong lúc hoạn nạn.

  4. Và khi những kinh nghiệm hay những người hoặc những luận điệu mâu thuẫn với lẽ thật thách thức đức tin của các em và tạo ra mối nghi ngờ về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì hãy đứng trong khu rừng và nhận lấy sức mạnh và lời khuyến khích từ các thế hệ của Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín là những người đã kiên quyết đứng ở đó trước các em.

Các bạn trẻ thân mến của tôi, đây là lời cầu nguyện của tôi cho các em, tôi dâng lên với tình yêu thương và trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

© 2012 do Intellectual Reserve, Inc. giữ mọi bản quyền. Bản tiếng Anh chuẩn nhận: 5/12. Bản dịch chuẩn nhận: 5/12. Bản dịch Stand in the Sacred Grove.Vietnamese. PD50039048 435

Ghi Chú

  1. Hymns, số  26.

  2. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sự Chuộc Tội,” scriptures.lds.org.