“4. Giới Lãnh Đạo và Các Hội Đồng trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2021).
“4. Giới Lãnh Đạo và Các Hội Đồng trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.
4.
Giới Lãnh Đạo và Các Hội Đồng trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô
4.0
Lời Giới Thiệu
Với tư cách là vị lãnh đạo trong Giáo Hội, anh chị em đã được kêu gọi bởi sự soi dẫn qua các tôi tớ đã được Chúa ủy quyền. Anh chị em có đặc ân trợ giúp trong công việc của Cha Thiên Thượng “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Anh chị em làm điều này bằng cách khuyến khích các tín hữu tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao cho chính họ, gia đình họ và những người khác (xin xem chương 1). Anh chị em sẽ tìm thấy niềm vui khi phục vụ con cái của Thượng Đế.
Khi noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em sẽ thường phục vụ người khác, từng người một. Anh chị em cũng sẽ có cơ hội để lãnh đạo trong các buổi họp và các sinh hoạt của Giáo Hội. Ngoài ra, anh chị em cũng có thể đưa ra sự phục vụ quan trọng qua các hội đồng. Những buổi họp này có thể gồm có các buổi họp của chủ tịch đoàn, các buổi họp hội đồng tiểu giáo khu và những buổi họp khác. Các phần 4.3 và phần 4.4 đưa ra những hướng dẫn dành cho các hội đồng hiệu quả. Các chi tiết về các buổi họp hội đồng cụ thể được ghi lại trong chương 29.
Sự phục vụ tận tâm của anh chị em đòi hỏi phải hy sinh thời gian, nhưng đừng xao lãng các nhu cầu của mình và của gia đình mình. Tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp anh chị em cân bằng và làm tròn các trách nhiệm của anh chị em (xin xem Mô Si A 4:27).
4.1
Mục Đích của Sự Lãnh Đạo trong Giáo Hội
Các vị lãnh đạo khuyến khích các tín hữu tham gia vào công việc của Thượng Đế bằng cách trở thành “những tín đồ chân chính của … Chúa Giê Su Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:48). Để làm điều này, trước hết các vị lãnh đạo cố gắng làm các môn đồ trung tín của Đấng Cứu Rỗi bằng cách tuân theo những lời giảng dạy và noi gương Ngài (xin xem Lu Ca 18:22). Sau đó, họ có thể giúp những người khác đến gần Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, và Đức Thánh Linh hơn. Trong tiến trình giúp đỡ những người khác, bản thân họ trở thành những môn đồ tốt hơn (xin xem Mô Si A 18:26; Giáo Lý và Giao Ước 31:5).
Việc làm một môn đồ trung tín để giúp những người khác trở thành môn đồ trung tín là mục đích đằng sau mọi chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội. Mỗi chức vụ kêu gọi gồm có các cơ hội để phục vụ, lãnh đạo và củng cố những người khác.
4.2
Các Nguyên Tắc Lãnh Đạo trong Giáo Hội
Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã nêu gương lãnh đạo cho Giáo Hội của Ngài. Mục đích chính của Ngài là làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng và giúp những người khác hiểu cùng sống theo phúc âm của Ngài (xin xem Giăng 5:30; Mô Si A 15:7). Ngài yêu thương những người mà Ngài dẫn dắt và cho thấy tình yêu thương đó bằng cách phục vụ họ (xin xem Giăng 13:3–5).
Đấng Cứu Rỗi đã gia tăng khả năng của những người khác bằng cách giao cho họ trách nhiệm và các cơ hội để tăng trưởng (xin xem Ma Thi Ơ 10:5–8; Giăng 14:12). Ngài khuyến khích và sửa chỉnh một cách rõ ràng và với tình yêu thương (xin xem Giăng 21:15–17).
Chúa phán: “Mọi người phải học hỏi bổn phận của mình, và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định” (Giáo Lý và Giao Ước 107:99). Những lời này áp dụng cho tất cả những người nhận trách nhiệm để phục vụ và lãnh đạo trong Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi.
Tìm kiếm sự soi dẫn của Chúa để giúp anh chị em học hỏi và làm tròn các bổn phận của chức vụ kêu gọi của anh chị em. Khi anh chị em học thánh thư, hãy tìm kiếm các nguyên tắc lãnh đạo mà Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy và giảng dạy. Việc áp dụng các nguyên tắc trong chương này cũng sẽ giúp anh chị em lãnh đạo một cách hiệu quả hơn trong Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi.
4.2.1
Chuẩn Bị Phần Thuộc Linh
Chúa Giê Su đã tự chuẩn bị về phần thuộc linh cho sứ mệnh trần thế của Ngài (xin xem Lu Ca 4:1–2). Anh chị em cũng chuẩn bị phần thuộc linh bằng cách đến gần Cha Thiên Thượng qua sự cầu nguyện, học thánh thư và tuân theo các lệnh truyền của Ngài. Việc tuân theo các vị tiên tri của Ngài cũng giúp anh chị em chuẩn bị phần thuộc linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 21:4–6).
Tìm kiếm sự mặc khải để hiểu nhu cầu của những người mà anh chị em lãnh đạo và cách để làm tròn công việc mà Thượng Đế đã kêu gọi anh chị em phải làm. Qua các nỗ lực của mình để đến gần Chúa hơn, anh chị em có thể nhận được sự hướng dẫn trong cuộc sống cá nhân, các trách nhiệm gia đình và chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội của anh chị em.
Chúa cũng đã hứa sẽ ban cho các ân tứ thuộc linh cho những người tìm kiếm các ân tứ này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 46:8). Khi anh chị em khiêm nhường kêu cầu Cha Thiên Thượng để nhận được các ân tứ này thì Ngài sẽ gia tăng khả năng của anh chị em để lãnh đạo và nâng đỡ những người mà anh chị em phục vụ.
4.2.2
Phục Sự cho Tất Cả Con Cái của Thượng Đế
Chúa Giê Su đã đích thân phục sự cho mọi người, tìm cách nâng đỡ và giảng dạy cho những người cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng hoặc lạc lối. Bằng lời nói và hành động, Ngài đã cho mọi người thấy rằng Ngài yêu thương họ. Ngài công nhận thiên tính và giá trị vĩnh cửu của mỗi người.
Hãy yêu thương những người mà anh chị em phục vụ giống như Chúa Giê Su đã làm. Cầu nguyện “với tất cả mãnh lực của lòng mình” để lòng mình được tràn đầy tình yêu thương của Ngài (Mô Rô Ni 7:48). Thiết lập tình bạn chân thành. Tìm đến những người có thể cô đơn, cần được an ủi hoặc có những nhu cầu khác. Tình yêu thương của anh chị em sẽ ban phước cho cuộc sống của họ và giúp mọi người mong muốn đến cùng Đấng Ky Tô.
Giúp các cá nhân gia tăng sự cải đạo của họ và củng cố đức tin của họ nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Giúp họ chuẩn bị lập giao ước khi họ nhận được giáo lễ kế tiếp. Khuyến khích họ tuân giữ các giao ước mà họ đã lập và dự phần vào các phước lành của sự hối cải. Giúp họ biết rằng họ có thể tiến triển hướng đến việc làm tròn tiềm năng thiêng liêng của mình bất kể những thử thách họ gặp phải.
4.2.3
Giảng Dạy Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô
Tất cả những người lãnh đạo đều là giảng viên. Cố gắng noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi với tư cách là một giảng viên (xin xem chương 17; Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi). Qua lời nói và hành động của anh chị em, hãy giảng dạy giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô và các nguyên tắc phúc âm của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 11:32–33; Giáo Lý và Giao Ước 42:12–14). Việc giảng dạy hữu hiệu truyền cảm hứng cho mọi người để củng cố mối quan hệ của họ với Thượng Đế và sống theo phúc âm, tiến triển hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.
Việc giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi không chỉ là lời nói thôi mà còn gồm có việc lắng nghe và đặt câu hỏi theo cách Ngài đã làm (xin xem Ma Thi Ơ 16:13–17).
Các giảng viên hiệu quả cũng là những người siêng năng học hỏi. Đặt việc học lời của Thượng Đế thành một ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của anh chị em. Hiểu rằng việc học hỏi là một tiến trình suốt đời. Tìm cách học hỏi từ những người khác, kể cả những người mà anh chị em giảng dạy. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:122.)
Giảng dạy từ thánh thư và những lời của các vị tiên tri ngày sau (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 52:9). Hãy nhớ rằng “việc giảng đạo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn … bất cứ điều gì khác” (An Ma 31:5).
Tìm kiếm ảnh hưởng của Thánh Linh khi anh chị em chuẩn bị và giảng dạy. Đức Thánh Linh truyền lẽ thật tới tâm hồn và tâm trí của những người mà chúng ta giảng dạy (xin xem 2 Nê Phi 33:1).
Dạy các tín hữu biết tận tụy để thành tâm học phúc âm riêng cá nhân lẫn chung với gia đình họ.
Nếu anh chị em được kêu gọi hoặc được chỉ định chủ tọa một buổi họp hoặc sinh hoạt của Giáo Hội, hãy bảo đảm rằng việc giảng dạy có tính cách gây dựng và đúng về mặt giáo lý (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 50:21–23).
4.2.4
Chủ Tọa trong Sự Ngay Chính
Chúa đã mặc khải rằng “cần phải có các vị chủ tịch hay các chức sắc chủ tọa” trong Giáo Hội của Ngài (Giáo Lý và Giao Ước 107:21). Những người nào nắm giữ các chìa khóa chức tư tế đều chủ tọa trong các lãnh vực trách nhiệm của họ, chẳng hạn như một nhóm túc số hoặc tiểu giáo khu.
Các tổ chức khác trong Giáo Hội, kể cả Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ, Hội Thiếu Nhi và Trường Chủ Nhật, cũng do một chức sắc chủ tọa lãnh đạo. Những vị lãnh đạo này được kêu gọi, phong nhiệm và được ủy quyền bởi một người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế hoặc một người nào đó mà ông đã ủy quyền cho (xin xem đoạn 3.4.3).
Mỗi chức sắc chủ tọa phục vụ dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế (xin xem đoạn 3.4.1). Cơ cấu này cung cấp sự trật tự và hệ thống trách nhiệm giải trình rõ ràng khi thực hiện công việc của Chúa.
Một chức sắc chủ tọa có thể ủy quyền cho một người khác một sự chỉ định tạm thời để chủ tọa. Ví dụ, nếu chủ tịch Hội Phụ Nữ vắng mặt trong một buổi họp ngày Chủ Nhật của Hội Phụ Nữ, thì chị ấy sẽ chỉ định đệ nhất cố vấn của mình chủ tọa buổi họp đó. Nếu đệ nhất cố vấn cũng sẽ vắng mặt, chị chủ tịch sẽ chỉ định đệ nhị cố vấn của mình để chủ tọa.
Một vị lãnh đạo chủ tọa một tổ chức, buổi họp hoặc sinh hoạt của Giáo Hội bảo đảm rằng các mục đích của Chúa đều được hoàn thành. Khi làm điều này, vị lãnh đạo tuân theo các nguyên tắc phúc âm, chính sách của Giáo Hội và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.
Những người nào chủ tọa đều noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô trong việc phục vụ với sự dịu dàng, nhu mì và tình yêu thương thuần khiết (xin xem Giăng 13:13–15). Một sự kêu gọi hoặc sự chỉ định để chủ tọa không làm cho người nhận được sự kêu gọi hay sự chỉ định đó trở nên quan trọng hoặc có giá trị hơn những người khác (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:109–10).
Nếu anh chị em đã được kêu gọi hoặc được chỉ định để chủ tọa, thì hãy tuân theo lời dạy của Đấng Cứu Rỗi rằng “trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Ma Thi Ơ 20:27; xin xem các câu 26–28). Hội ý với những người khác và tìm kiếm sự đoàn kết trong việc hiểu ý muốn của Chúa cùng làm công việc của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 41:2; xin xem thêm phần 4.4 trong sách hướng dẫn này).
Khát vọng được chủ tọa bất cứ tổ chức nào trong Giáo Hội của Chúa là điều không thích đáng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:34–37). Thay vì thế, hãy khiêm nhường và trung thành phục vụ trong chức vụ mà anh chị em đã được kêu gọi. Cố gắng thực hiện công việc của Chúa với con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 4:5). Hãy tin rằng Chúa sẽ cho anh chị em cơ hội để tăng trưởng và ban phước cho con cái của Cha Thiên Thượng.
4.2.5
Giao Phó Trách Nhiệm và Bảo Đảm Trách Nhiệm Giải Trình
Đấng Cứu Rỗi ban cho các môn đồ của Ngài các nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng (xin xem Lu Ca 10:1). Ngài cũng cho họ cơ hội để giải trình về công việc họ được giao cho làm (xin xem Lu Ca 9:10).
Là vị lãnh đạo, anh chị em có thể giúp những người khác tăng trưởng bằng cách giao nhiệm vụ cho họ. Bằng cách này, anh chị em cũng sẽ giúp họ nhận được các phước lành từ việc phục vụ. Cố gắng mời tất cả các tín hữu làm công việc của Thượng Đế.
Việc ủy quyền sẽ làm cho sự phục vụ của anh chị em hiệu quả hơn. Nếu cố gắng làm quá nhiều, thì anh chị em sẽ “bị đuối chẳng sai” (Xuất Ê Díp Tô Ký 18:18). Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh về điều gì phải ủy quyền để anh chị em có thể tập trung vào các ưu tiên cao nhất của mình.
Việc ủy quyền còn nhiều hơn là chỉ giao cho một công việc chỉ định. Việc này cũng gồm có giảng dạy và tin cậy một người khác để hoàn thành sự chỉ định đó. Việc này thường gồm có những yếu tố sau đây:
-
Họp với người đó để mời người đó phục vụ Chúa trong một nhiệm vụ. Giúp người đó hiểu được nhiệm vụ và các mục đích của nhiệm vụ đó, kể cả cách họ phục vụ cũng sẽ ban phước cho người khác.
-
Cùng nhau hội ý về nhiệm vụ, những ai khác có thể tham gia và khi nào thì nên hoàn tất. Bảo đảm rằng người đó hiểu và sẵn lòng chấp nhận sự chỉ định này. Bày tỏ sự tin tưởng nơi khả năng của người đó.
-
Khuyến khích người đó tìm kiếm sự cảm hứng về cách để hoàn thành nhiệm vụ. Cho thấy sự tin cậy của anh chị em và giúp người đó thành công. Đưa ra sự hướng dẫn và hỗ trợ khi cần.
-
Một cách định kỳ, yêu cầu người đó báo cáo về nhiệm vụ được giao cho. Chấp nhận các nỗ lực tốt nhất của người đó và bày tỏ lòng biết ơn về điều người đó đã làm.
4.2.6
Chuẩn Bị cho Những Người Khác để Trở Thành Lãnh Đạo và Giảng Viên
Đấng Cứu Rỗi đã chuẩn bị cho Các Sứ Đồ để trở thành người lãnh đạo trong Giáo Hội của Ngài. Anh chị em cũng giúp cho người khác chuẩn bị để trở thành người lãnh đạo và giảng viên. Công việc của Chúa tập trung vào việc giúp đỡ mọi người chứ không chỉ thực hiện các chương trình của Giáo Hội. Các chương trình này không tự chúng kết thúc. Chúng tồn tại để giúp mọi người tăng trưởng.
Khi cân nhắc xem ai có thể phục vụ trong sự kêu gọi hoặc chỉ định của Giáo Hội, hãy thành tâm cầu nguyện. Hãy nhớ rằng Chúa sẽ làm cho những người nào mà Ngài kêu gọi hội đủ điều kiện. Điều quan trọng nhất mà họ sẵn lòng phục vụ, sẽ khiêm nhường tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa, và đang cố gắng để trở nên xứng đáng. Những chức vụ kêu gọi và những sự chỉ định có thể giúp họ tăng trưởng bằng cách tạo cơ hội để thực hành đức tin của họ, làm việc siêng năng và thấy rằng Thượng Đế đang làm vinh hiển những nỗ lực của họ. Hướng dẫn và trợ giúp giới trẻ, các tín hữu mới và những người khác mà có thể cần hỗ trợ thêm trong việc làm tròn chức vụ kêu gọi của họ.
Đôi khi cũng những người này được kêu gọi nhiều lần vào các chức vụ lãnh đạo. Điều này có thể làm chồng chất gánh nặng của họ và gia đình họ và lấy đi cơ hội của những người khác. Tìm cách mang đến cho tất cả các tín hữu cơ hội để phục vụ và tăng trưởng.
Để biết thêm thông tin về những sự kêu gọi của Giáo Hội, xin xem chương 30.
4.2.7
Hoạch Định Các Buổi Họp, Các Bài Học và Các Sinh Hoạt với Mục Đích Rõ Ràng
Tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh trong việc hoạch định các buổi họp, các bài học và các sinh hoạt mà có mục đích rõ ràng. Những mục đích này nên củng cố các cá nhân và gia đình, đưa họ đến gần với Đấng Ky Tô hơn và giúp thực hiện công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế (xin xem chương 1 và 2). Khi hoạch định, hãy tuân theo các nguyên tắc trong các chương 20 và 29.
Lập các kế hoạch dài hạn cho tổ chức của anh chị em. Giữ một lịch trình hằng năm. Tập trung vào việc khuyến khích sự tăng trưởng thuộc linh của các tín hữu.
4.2.8
Đánh Giá Các Nỗ Lực của Anh Chị Em
Thường xuyên xem xét lại các trách nhiệm và sự tăng trưởng thuộc linh của anh chị em với tư cách là một lãnh đạo. Cũng xem xét sự tăng trưởng của những người mà anh chị em lãnh đạo. Các vị lãnh đạo đơn vị, nhóm túc số chức tư tế và tổ chức khác có thể xem xét các chỉ số chính, báo cáo hằng quý và các báo cáo khác trong Những Nguồn Tài Liệu của Vị Lãnh Đạo và Thư Ký để xem nơi nào có tiến độ và nơi nào có tiềm năng để tăng trưởng.
Sự thành công của anh chị em với tư cách là một người lãnh đạo được đo lường chủ yếu bằng sự cam kết của anh chị em để giúp con cái của Thượng Đế trở thành các môn đồ trung thành của Chúa Giê Su Ky Tô. Vì tất cả mọi người đều có quyền tự quyết nên một số người có thể chọn rời bỏ con đường giao ước. Đôi khi điều này có thể làm anh chị em nản lòng, nhưng khi anh chị em tìm đến Chúa, thì Ngài sẽ nâng đỡ và an ủi anh chị em (xin xem An Ma 26:27). Anh chị em có thể biết rằng Chúa hài lòng với các nỗ lực của anh chị em khi cảm nhận Thánh Linh tác động qua anh chị em.
4.3
Các Hội Đồng trong Giáo Hội
Cha Thiên Thượng đã thành lập các hội đồng làm một phần quan trọng để nhận được nguồn soi dẫn, đưa ra quyết định và hoàn tất công việc của Ngài. Các hội đồng hiện hữu trước khi thế gian được sáng tạo. Mỗi người trong chúng ta đều đã tham gia vào các hội đồng này trước khi đến thế gian. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:32; Áp Ra Ham 3:22–28.)
Theo mẫu mực này, Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được điều hành bởi các hội đồng ở mọi cấp. Ví dụ, Hội Đồng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ (xin xem mục 5.1.1.1), Các Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng (xin xem đoạn 5.2.1), các chủ tịch đoàn giáo khu và các giám trợ đoàn đều là tất cả các hội đồng. Ngoài các hội đồng giáo khu và giáo hạt ra, mỗi chủ tịch đoàn của một tổ chức, nhóm túc số hoặc lớp học của Giáo Hội cũng là một hội đồng.
Chúa đã chỉ dẫn cho các vị lãnh đạo của Giáo Hội Ngài phải cùng nhau hội ý để làm công việc của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 41:2-3). Các hội đồng tạo cơ hội cho các ủy viên hội đồng để nhận được sự mặc khải khi họ tìm cách hiểu các nhu cầu của con cái của Thượng Đế và lập kế hoạch về cách để giúp đáp ứng những nhu cầu này.
4.4
Các Nguyên Tắc của Các Hội Đồng Hữu Hiệu
Một số nguyên tắc của các hội đồng hữu hiệu được mô tả trong phần này. Những nguyên tắc này có thể giúp đỡ những vị lãnh đạo trong các hội đồng Giáo Hội cũng như các cha mẹ trong các hội đồng gia đình của họ.
4.4.1
Mục Đích của Các Hội Đồng
Mục đích chính của các hội đồng là giúp các tín hữu cùng làm việc với nhau trong việc tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng về những vấn đề mà sẽ ban phước cho các cá nhân và gia đình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 43:8–9). Các hội đồng chú trọng đặc biệt đến việc giúp các tín hữu tiếp nhận các giáo lễ và tuân giữ các giao ước liên quan. Các ủy viên hội đồng cũng tìm kiếm sự cảm hứng về việc hoạch định và phối hợp công việc của Chúa trong lãnh vực trách nhiệm của họ.
Một số công việc hành chính, chẳng hạn như hoạch định lịch, có thể không đòi hỏi phải thảo luận trong một bối cảnh hội đồng. Phần lớn điều này có thể được giải quyết qua sự truyền đạt trước và sau các buổi họp.
Các ủy viên hội đồng quan tâm đặc biệt đến các cá nhân và gia đình có các nhu cầu cấp bách. Các hội đồng giúp phối hợp sự hỗ trợ. Để biết thông tin về một số nhu cầu này, cùng với các nguồn lực để hiểu và trợ giúp, xin xem Giúp Đỡ trong Cuộc Sống trong Thư Viện Phúc Âm.
4.4.2
Chuẩn Bị cho Các Buổi Họp Hội Đồng
Các chủ tịch đoàn và các hội đồng đều dự kiến sẽ họp thường xuyên. Mỗi chủ tịch đoàn và hội đồng có một vị lãnh đạo đã được kêu gọi và phong nhiệm. Những vị lãnh đạo này tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa trong việc hoạch định các buổi họp hội đồng. Họ cũng tìm kiếm ý kiến đóng góp từ các ủy viên hội đồng trong việc quyết định điều cần thảo luận.
Những vị lãnh đạo cho các ủy viên hội đồng biết về các vấn đề để thảo luận trước. Các ủy viên hội đồng chuẩn bị chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về những vấn đề này. Đối với các hội đồng tiểu giáo khu và giáo khu, phần lớn sự chuẩn bị này diễn ra trong các buổi họp của chủ tịch đoàn.
Các ủy viên hội đồng tự chuẩn bị phần thuộc linh để tham gia các buổi họp hội đồng. Họ tìm cách lãnh hội những thúc giục của Thánh Linh.
4.4.3
Thảo Luận và Quyết Định
Chúa phán: “Mỗi lần chỉ một người được nói, và tất cả mọi người phải lắng nghe người đó nói, để khi tất cả đều đã nói thì nhờ mọi người mà tất cả có thể được gây dựng, và để mọi người đều có thể có được đặc ân ngang nhau” (Giáo Lý và Giao Ước 88:122). Nguyên tắc này được áp dụng cho các hội đồng của Giáo Hội.
Trong một buổi họp hội đồng, vị lãnh đạo (hoặc người mà vị lãnh đạo chỉ định) giải thích vấn đề đang được cân nhắc. Sau đó, vị lãnh đạo khuyến khích cuộc thảo luận giữa tất cả các ủy viên hội đồng, đặt câu hỏi và tìm kiếm ý kiến.
Vị lãnh đạo khuyến khích các tín hữu nói chuyện một cách cởi mở và trung thực. Nguồn gốc xuất thân, độ tuổi, kinh nghiệm và quan điểm đa dạng của các ủy viên hội đồng giúp làm phong phú thêm cho hội đồng. Các ủy viên chia sẻ những gợi ý và lắng nghe lẫn nhau một cách tôn trọng. Khi họ tìm cách biết được ý muốn của Chúa, thì một tinh thần soi dẫn và đoàn kết có thể lan khắp.
Trong một hội đồng gồm có những người nam và người nữ, vị lãnh đạo tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc và ý kiến từ cả hai phái. Những người nam và người nữ thường có những quan điểm khác nhau để cung cấp sự cân bằng cần thiết. Những người nam và người nữ đạt đến những quyết định tốt hơn và có được sự thành công lớn hơn trong công việc phục vụ Chúa khi họ quý trọng những đóng góp của nhau và cùng nhau làm việc.
Một vị lãnh đạo hướng dẫn các cuộc thảo luận của hội đồng. Tuy nhiên, họ nên lắng nghe nhiều hơn là nói. Khi một vị lãnh đạo hội đồng chia sẻ quan điểm của mình quá sớm thì điều đó có thể hạn chế sự đóng góp của những người khác. Khi cần, vị lãnh đạo hội đồng nhẹ nhàng chuyển hướng hoặc tái tập trung vào cuộc thảo luận.
Sau khi thảo luận, vị lãnh đạo có thể quyết định một giải pháp hoặc trì hoãn một quyết định trong khi tìm kiếm thêm thông tin và hướng dẫn. Quyết định này nên được thông báo bởi cuộc thảo luận và xác nhận bởi Thánh Linh. Tiến trình của hội đồng giúp đưa ra những quyết định được truyền cảm hứng mà vượt ra khỏi sự đánh giá tốt nhất của vị lãnh đạo. Vị lãnh đạo cũng có thể chuyển vấn đề này đến một hội đồng khác.
Đôi khi các ủy viên hội đồng có thể có những cảm giác không dứt khoát về một quyết định quan trọng. Khi điều này xảy ra, vị lãnh đạo có thể đợi một buổi họp khác để xem xét thêm vấn đề và tìm kiếm sự xác nhận của Thánh Linh và sự đoàn kết. Trong một số trường hợp, một ủy viên hội đồng có thể muốn gặp riêng vị lãnh đạo để thảo luận về mối quan tâm của họ.
4.4.4
Sự Đoàn Kết
Chúa đã chỉ dẫn các môn đồ của Ngài “hãy hiệp làm một” (Giáo Lý và Giao Ước 38:27). Các ủy viên hội đồng tìm cách hiệp một trong ước muốn và mục đích với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cố gắng đạt được sự đoàn kết trong những cuộc thảo luận và quyết định của họ. Họ cũng tìm cách trở nên “đồng một lòng và một trí” khi cùng làm việc với nhau (Môi Se 7:18).
Các ủy viên hội đồng nên tránh tranh cãi, phê phán một cách bất chính và ngồi lê đôi mách (xin xem 3 Nê Phi 11:28–30). Khi họ hành động trong tình đoàn kết, Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho các nỗ lực của họ.
4.4.5
Hành Động và Trách Nhiệm Giải Trình
Các ủy viên hội đồng làm hầu hết công việc của họ trước và sau các buổi họp hội đồng. Trong các buổi họp, họ tìm kiếm nguồn cảm hứng trong việc phát triển các kế hoạch để thi hành các quyết định. Vị lãnh đạo hội đồng mời các thành viên hoàn tất những sự chỉ định liên quan đến các kế hoạch này. Các ủy viên hội đồng thường mời những người khác trong tổ chức của họ giúp đỡ. Các cá nhân không nên bị quá tải với những sự chỉ định.
Các ủy viên hội đồng báo cáo về những sự chỉ định của họ. Tiến độ thường đòi hỏi sự chú ý liên tục và phải theo dõi những sự chỉ định.
4.4.6
Sự Kín Mật
Tất cả thông tin cá nhân phải được xử lý một cách tôn trọng. Những vị lãnh đạo phải thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân với một hội đồng. Họ thường tìm kiếm sự cho phép của một tín hữu để chia sẻ thông tin này.
Hội đồng tôn trọng những mong muốn của bất cứ ai yêu cầu giữ cho được kín mật. Các ủy viên hội đồng không được chia sẻ thông tin cá nhân ra bên ngoài hội đồng trừ khi được yêu cầu để làm tròn một sự chỉ định từ vị lãnh đạo hội đồng.
Một số vấn đề quá nhạy cảm để đưa ra cho trước toàn thể hội đồng. Khi thích hợp, những vị lãnh đạo xem xét những vấn đề này với từng ủy viên hội đồng. Hoặc họ có thể chuyển một số vấn đề đến một hội đồng khác.