Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
20. Các Sinh Hoạt


“20. Sinh Hoạt,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“20. Sinh Hoạt,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

Hình Ảnh
người thiếu nữ với máy phun nước

20.

Các Sinh Hoạt

20.1

Các Mục Đích

Các sinh hoạt của Giáo Hội mang các tín hữu Giáo Hội và những người khác lại gần nhau với tư cách là “người đồng quốc với các thánh đồ” (Ê Phê Sô 2:19). Mục đích cho các sinh hoạt có thể gồm có những điều sau đây:

  • Xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Tạo sự vui thú và thúc đẩy tình đoàn kết.

  • Tạo các cơ hội cho sự tăng trưởng cá nhân.

  • Củng cố các cá nhân và gia đình.

  • Giúp các tín hữu tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao (xin xem phần 1.2).

Một số ví dụ về các sinh hoạt của Giáo Hội gồm có:

  • Sự phục vụ để ban phước cho người khác và xây đắp mối quan hệ trong cộng đồng.

  • Công việc truyền giáo, công việc đền thờ và công việc lịch sử gia đình.

  • Các cơ hội để phát triển tính tự lập và kỹ năng lãnh đạo.

  • Đạt được học vấn và học nghề.

  • Các sinh hoạt ngoài trời.

  • Các cơ hội để phát triển tài năng và biết thưởng thức văn hóa nghệ thuật.

  • Thể dục thể thao.

  • Lễ kỷ niệm các dịp đặc biệt, chẳng hạn như ngày lễ hoặc các sự kiện lịch sử Giáo Hội hoặc địa phương.

Như được sử dụng trong sách hướng dẫn này, thuật ngữ sinh hoạt Giáo Hội chỉ một sinh hoạt được tài trợ bởi một đơn vị, nhóm túc số hoặc tổ chức của Giáo Hội.

20.2

Hoạch Định Các Sinh Hoạt

Trước khi hoạch định một sinh hoạt, các vị lãnh đạo cân nhắc những nhu cầu về thuộc linh và vật chất của các tín hữu. Các vị lãnh đạo tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh khi quyết định xem loại sinh hoạt nào sẽ giúp đáp ứng những nhu cầu đó.

20.2.1

Trách Nhiệm đối với Việc Hoạch Định Các Sinh Hoạt

Để biết thông tin về việc hoạch định các sinh hoạt giáo khu và đa giáo khu, xin xem phần 20.3.

Các sinh hoạt của tiểu giáo khu có thể được hoạch định theo bất cứ cách nào sau đây, dựa trên các nhu cầu của địa phương:

  • Hội đồng tiểu giáo khu có thể giám sát việc lập kế hoạch.

  • Hội đồng tiểu giáo khu có thể chỉ định các tổ chức cụ thể để giúp hoạch định cho một hoặc nhiều sinh hoạt hơn.

  • Khi cần và ở những nơi có đủ tín hữu, giám trợ đoàn có thể tổ chức một ủy ban sinh hoạt của tiểu giáo khu. Giới trẻ có thể được kêu gọi với tư cách là ủy viên. Ủy ban này làm việc dưới sự hướng dẫn của hội đồng tiểu giáo khu. Hội đồng tiểu giáo khu chỉ định một thành viên thường xuyên liên lạc với ủy ban sinh hoạt.

Để biết thông tin về việc lập kế hoạch các sinh hoạt của giới trẻ trong tiểu giáo khu, xin xem mục 10.2.1.311.2.1.3.

20.2.2

Mời Tất Cả Mọi Người Tham Gia

Những người hoạch định các sinh hoạt nên tìm đến tất cả mọi người, nhất là những tín hữu mới, những tín hữu kém tích cực, giới trẻ, những người thành niên độc thân, những người khuyết tật, và những người thuộc tín ngưỡng khác. Những người lập kế hoạch nên nhạy cảm đối với những giới hạn về thể chất của những người tham gia. Họ cũng nên nhạy cảm đối với những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.

Những người hoạch định các sinh hoạt tìm cách để mời những người khác tham gia. Ví dụ, họ có thể mời các tín hữu và những người khác sử dụng các kỹ năng và tài năng của họ trong sinh hoạt.

Mặc dù sự quy tụ trong các sinh hoạt có thể là một phước lành nhưng các tín hữu không nên cảm thấy bắt buộc phải tham gia mọi sinh hoạt. Các sinh hoạt không nên đặt gánh nặng quá mức lên những người lãnh đạo và các tín hữu.

20.2.3

Các Tiêu Chuẩn

Các sinh hoạt Giáo Hội nên nâng đỡ và nhấn mạnh đến những điều gì “đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt, hay đáng khen” (Những Tín Điều 1:13). Các sinh hoạt không được gồm vào bất cứ điều gì trái với những lời dạy của Giáo Hội. Các sinh hoạt không được gồm có phương tiện truyền thông hoặc giải trí khác mà làm cho bất cứ điều gì không phù hợp mà lại dường như có thể chấp nhận được.

Những chất trái với Lời Thông Sáng đều không được cho phép tại các sinh hoạt của Giáo Hội hoặc trên bất động sản của Giáo Hội. Những người nào đang bị ảnh hưởng của rượu hoặc ma túy đều không được tham dự các sinh hoạt của Giáo Hội. Nếu một tình huống như vậy xảy ra, các vị lãnh đạo đáp ứng một cách đầy trắc ẩn.

20.2.4

Sự Cân Bằng và Đa Dạng

Các vị lãnh đạo lập kế hoạch cân bằng các sinh hoạt, kể cả sự phục vụ, văn hóa nghệ thuật và các sinh hoạt về thể chất (xin xem phần 20.1). Các tín hữu cần có cơ hội để tham gia vào các sinh hoạt hấp dẫn đối với sở thích của họ. Họ cũng nên hỗ trợ người khác vì lợi ích của họ.

Các phần sau đây đưa ra một số ví dụ về các sinh hoạt lành mạnh.

20.2.4.1

Sự phục vụ

Các sinh hoạt phục vụ tạo cơ hội để cho thấy tình yêu thương đối với người khác, cảm thấy niềm vui để giúp đỡ họ và cải thiện các cộng đồng.

Các sinh hoạt này có thể gồm có việc thăm viếng người bệnh hay người cô đơn, làm đẹp các tòa nhà và sân vườn của Giáo Hội, và tham gia vào những dự án trong cộng đồng. Ở nơi nào có thể được, trang mạng JustServe.org gợi ý các cơ hội phục vụ cộng đồng.

Các sinh hoạt phục vụ nên tuân theo các hướng dẫn an toàn (xin xem mục 20.7.6.1).

20.2.4.2

Văn Hóa Nghệ Thuật

Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tạo cơ hội cho các tín hữu phát triển và chia sẻ các tài năng của họ. Những sinh hoạt này cũng khuyến khích sự sáng tạo, sự tin tưởng và hợp tác. Chúng có thể bao gồm các phần trưng bày nghệ thuật và thủ công, các màn trình diễn tài năng hoặc khiêu vũ, âm nhạc và kịch. Chúng cũng có thể gồm có các lễ kỷ niệm văn hóa, những ngày lễ, lịch sử địa phương hoặc trung ương của Giáo Hội.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang may đồ

20.2.4.3

Giải Trí, Sức Khỏe, Thể Lực và Thể Thao

Với tư cách là cá nhân, gia đình, và các nhóm trong Giáo Hội, các tín hữu được khuyến khích tham gia các sinh hoạt giúp ích cho sức khỏe và thể lực. Một số sinh hoạt giải trí của Giáo Hội có thể được hoạch định để các tín hữu trong gia đình có thể cùng nhau tham gia.

Để có thông tin về các sinh hoạt thể thao, xin xem đoạn 20.5.9.

20.2.5

Lên Lịch Các Sinh Hoạt

Các sinh hoạt Giáo Hội nên được hoạch định trước càng lâu càng tốt nếu có thể được. Các vị lãnh đạo luôn báo cho các cha mẹ biết về các sinh hoạt dành cho trẻ em và giới trẻ.

Các sinh hoạt nên được tổ chức vào giờ giấc hợp lý. Chúng nên được kết thúc đủ sớm để những người tham gia có thể đi về nhà an toàn.

Nếu một sinh hoạt sẽ được tổ chức tại một nhà hội hoặc một cơ sở khác của Giáo Hội, thì cơ sở đó nên được đặt trước để tránh xung đột về lịch trình.

Các buổi tối thứ Hai được dành riêng cho buổi họp tối gia đình (xin xem đoạn 20.5.3).

20.2.6

Tài Trợ cho Các Sinh Hoạt

Hầu hết các sinh hoạt phải đơn giản và chi phí ít hoặc không cần chi phí. Mọi chi phí phải được giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn giáo khu chấp thuận trước.

Các tín hữu thường không nên trả tiền để tham gia vào các sinh hoạt. Đối với các chính sách và hướng dẫn về việc tài trợ các sinh hoạt, xin xem phần 20.6.

20.3

Các Sinh Hoạt của Giáo Khu, Đa Giáo Khu, và Giáo Vùng

20.3.1

Những Chỉ Dẫn Tổng Quát

Hầu hết các sinh hoạt của Giáo Hội đều được tổ chức ở cấp tiểu giáo khu. Các vị lãnh đạo cũng được khuyến khích tổ chức các sinh hoạt giáo khu và đa giáo khu theo định kỳ khi các sinh hoạt đó sẽ giúp hoàn tất các mục đích trong phần 20.1.

Các sinh hoạt giáo khu và đa giáo khu là đặc biệt có lợi ích cho giới trẻ, các tín hữu độc thân và các phụ nữ, nhất là ở những khu vực có ít tín hữu. Các sinh hoạt giáo khu và đa giáo khu được hoạch định kỹ đều có thể nới rộng vòng tròn tình bạn cho các tín hữu. Các vị lãnh đạo nhận ra các nhu cầu của những người mà họ phục vụ và cân nhắc liệu các sinh hoạt như vậy có giúp đáp ứng những nhu cầu đó hay không. Sau đó, các vị lãnh đạo này đề nghị các sinh hoạt với chủ tịch đoàn giáo khu.

20.3.2

Các Sinh Hoạt của Giáo Khu

Các chủ tịch đoàn của Hội Thiếu Niên, Hội Thiếu Nữ, Hội Phụ Nữ và Hội Thiếu Nhi bắt đầu tiến trình hoạch định các sinh hoạt của giáo khu cho tổ chức của họ.

Ủy ban người thành niên trẻ tuổi độc thân bắt đầu tiến trình hoạch định các sinh hoạt của giáo khu dành cho những người thành niên trẻ tuổi độc thân.

Nếu một ủy ban của người thành niên độc thân được tổ chức, các ủy viên bắt đầu tiến trình hoạch định các sinh hoạt dành cho những người thành niên độc thân.

Nếu một ủy ban các sinh hoạt của giáo khu được tổ chức thì họ có thể hoạch định các sinh hoạt giáo khu và đóng vai trò là một nguồn lực cho các tổ chức giáo khu trong việc lập kế hoạch cho các sinh hoạt của họ như được mô tả trong mục 20.3.2.1.

Tất cả những sinh hoạt giáo khu đều cần có sự chấp thuận của chủ tịch đoàn giáo khu. Các sinh hoạt này được thu xếp trong các buổi họp hội đồng giáo khu.

Các vị lãnh đạo giáo khu thông báo cho các vị lãnh đạo tiểu giáo khu biết trước về các sinh hoạt của giáo khu. Họ cũng bảo đảm rằng các sinh hoạt của giáo khu bổ sung cho các sinh hoạt tiểu giáo khu chứ không cạnh tranh với các sinh hoạt đó.

20.3.2.1

Ủy Ban Sinh Hoạt Giáo Khu

Chủ tịch đoàn giáo khu có thể tổ chức một ủy ban sinh hoạt giáo khu để giúp hội đồng giáo khu hoạch định các sinh hoạt giáo khu. Ủy ban sinh hoạt giáo khu gồm có một chủ tịch (ủy viên hội đồng thượng phẩm) và các ủy viên (xin xem các mục 20.3.2.220.3.2.3). Chủ tịch đoàn giáo khu cũng có thể mời các tín hữu khác giúp hoạch định một hoặc nhiều sinh hoạt hơn.

20.3.2.2

Chủ Tịch Ủy Ban Sinh Hoạt Giáo Khu

Nếu chủ tịch đoàn giáo khu tổ chức một ủy ban sinh hoạt giáo khu, thì họ chỉ định một ủy viên hội đồng thượng phẩm làm chủ tịch của ủy ban đó. Các trách nhiệm của người này có thể gồm có:

  • Duy trì một lịch sinh hoạt giáo khu.

  • Giám sát các ủy viên trong việc hoạch định các sinh hoạt giáo khu.

  • Đề nghị một ngân sách chi tiết cho các sinh hoạt của giáo khu lên chủ tịch đoàn giáo khu trước khi bắt đầu mỗi năm. Ngân sách này không gồm có các sinh hoạt dành cho mỗi tổ chức giáo khu.

  • Phục vụ với tư cách là một nguồn lực cho các vị lãnh đạo của tổ chức giáo khu khi họ hoạch định các sinh hoạt.

20.3.2.3

Ủy Viên của Ủy Ban Sinh Hoạt Giáo Khu

Một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một ủy viên hội đồng thượng phẩm đã được chỉ định có thể kêu gọi các tín hữu phục vụ trong ủy ban sinh hoạt của giáo khu. Họ phục vụ dưới sự hướng dẫn của chủ tịch ủy ban. Các ủy viên giúp hoạch định và tổ chức các sinh hoạt trong giáo khu.

20.3.3

Các Sinh Hoạt Đa Giáo Khu và Giáo Vùng

Trong những khu vực có ít thanh thiếu niên, các vị lãnh đạo nên tổ chức các sinh hoạt đa giáo khu của giới trẻ theo định kỳ để giới trẻ có thể hưởng lợi ích từ việc giao tiếp trong các nhóm lớn hơn. Thỉnh thoảng cũng có thể tổ chức các sinh hoạt trong giáo vùng dành cho giới trẻ.

Các sinh hoạt đa giáo khu nên được tổ chức thường xuyên cho những người thành niên trẻ tuổi độc thân nơi mà việc nhóm họp lại không đòi hỏi quá nhiều thời gian hoặc chi phí. Thỉnh thoảng cũng có thể tổ chức các sinh hoạt trong giáo vùng dành cho những người thành niên trẻ tuổi độc thân.

Để biết thông tin về các sinh hoạt đa giáo khu dành cho các tín hữu độc thân, xin xem mục 14.2.1.3.

Các sinh hoạt đa giáo khu phải đơn giản và đa dạng.

Nếu các chủ tịch giáo khu cảm thấy rằng một sinh hoạt đa giáo khu sẽ có lợi ích cho các tín hữu trong giáo khu của họ, thì họ có thể xin phép Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng. Trước khi đề nghị một sinh hoạt đa giáo khu, các vị chủ tịch giáo khu xác định xem liệu sinh hoạt này có phải là cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu mà họ nhận ra hay không. Các chủ tịch giáo khu xem xét chi phí, thời gian, và việc đi lại mà sinh hoạt này đòi hỏi. Họ cũng xem xét sự an toàn (xin xem đoạn 20.7.6).

Các buổi họp để điều phối việc hoạch định của các sinh hoạt đa giáo khu có thể được tổ chức trước hoặc sau các buổi họp hội đồng giáo vùng và điều phối hội đồng (xin xem đoạn 5.2.3 và đoạn 5.2.4). Nếu cần, các vị lãnh đạo khác—kể cả các chủ tịch Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Niên và Hội Thiếu Nữ giáo khu—có thể được mời tham dự.

Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng có thể chỉ định các chủ tịch giáo khu hoặc Các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng để lãnh đạo các ủy ban hoạch định và thực hiện các sinh hoạt đa giáo khu hoặc giáo vùng. Các chủ tịch đoàn giáo khu có thể kêu gọi các tín hữu trong giáo khu của họ để phục vụ trong các ủy ban này.

Việc tài trợ cho hầu hết các sinh hoạt đa giáo khu đều được lấy ra từ quỹ ngân sách của các giáo khu tham gia. Việc tài trợ cho các sinh hoạt giáo vùng có thể đến từ ngân sách của giáo vùng hoặc trụ sở của Giáo Hội khi được chấp thuận.

20.3.4

Tuân Thủ Các Chính Sách Lữ Hành của Giáo Hội

Các sinh hoạt của giáo khu, đa giáo khu và giáo vùng nên tuân thủ các chính sách đi lại của Giáo Hội (xin xem đoạn 20.7.7). Việc đi lại cho các đại hội của FSY nên tuân thủ các chính sách đi lại của Giáo Hội trừ khi một quản trị viên FSY đưa ra những chỉ dẫn khác cho các vị lãnh đạo địa phương.

Hình Ảnh
mọi người đang trò chuyện

20.4

Đại Hội Giới Trẻ

Bắt đầu từ tháng Một của năm các em tròn 14 tuổi, các thanh niên và thiếu nữ được mời cùng nhau tham dự trong một đại hội giới trẻ. Các đại hội giới trẻ thường được tổ chức mỗi năm một lần ở cấp tiểu giáo khu hoặc giáo khu. Chúng cũng có thể được tổ chức ở cấp đa giáo khu hoặc giáo vùng. Vào năm mà giới trẻ được chỉ định tham dự một đại hội FSY, thì các giáo khu và tiểu giáo khu không nên tổ chức các đại hội giới trẻ.

Mục đích của các đại hội giới trẻ là để giúp giới trẻ:

  • Xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Củng cố chứng ngôn.

  • Phát triển tài năng.

  • Kết bạn mới.

  • Có giây phút vui vẻ với giới trẻ và cùng chia sẻ niềm tin và tiêu chuẩn.

Giới trẻ cũng có thể học các kỹ năng lãnh đạo khi các em giúp hoạch định cho đại hội giới trẻ.

Đại hội giới trẻ tiểu giáo khu được hoạch định và thực hiện bởi hội đồng giới trẻ của tiểu giáo khu, dưới sự hướng dẫn của giám trợ đoàn (xin xem đoạn 29.2.6). Giám trợ đoàn nhận được sự chấp thuận từ chủ tịch đoàn giáo khu về các kế hoạch cho đại hội giới trẻ.

Đại hội giới trẻ giáo khu được hoạch định và thực hiện bởi ủy ban lãnh đạo giới trẻ của giáo khu (xin xem đoạn 29.3.10). Giới trẻ nên được mời trợ giúp ủy ban càng nhiều càng tốt.

Kinh phí cho đại hội giới trẻ được tài trợ từ ngân sách của giáo khu hoặc tiểu giáo khu. Các tín hữu không nên được yêu cầu chi trả cho đại hội giới trẻ (xin xem phần 20.6).

Khi những người lãnh đạo và giới trẻ hoạch định đại hội giới trẻ, họ cần phải tuân theo các chính sách trong chương này và những chỉ dẫn sau đây:

  • Chọn một chủ đề phúc âm, chẳng hạn như một đoạn thánh thư, mà sẽ soi dẫn giới trẻ và giúp các em hiểu những kỳ vọng của đại hội. Chủ đề giới trẻ hằng năm của Giáo Hội có thể được sử dụng làm chủ đề đại hội. Giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn giáo khu cần chấp thuận chủ đề này.

  • Hoạch định các sinh hoạt phù hợp với chủ đề này.

  • Nhận được sự chấp thuận của giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn giáo khu cho tất cả những người nói chuyện và các sinh hoạt. Những người nói chuyện phải là tín hữu Giáo Hội được giảng dạy bởi Thánh Linh. Xin xem đoạn 38.8.18 để biết những hướng dẫn khác về những người nói chuyện.

  • Nếu một sự kiện được hoạch định cho ngày Chủ Nhật thì sự kiện đó phải phù hợp với ngày Sa Bát. Các buổi họp chứng ngôn, các cuộc thảo luận với giám trợ đoàn hoặc những buổi họp tương tự đều được cho phép. Tuy nhiên, các buổi lễ Tiệc Thánh không được tổ chức—và Tiệc Thánh không được thực hiện—ở bên ngoài nhà hội trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu. Mọi trường hợp ngoại lệ phải do Giáo Hội bảo trợ và phải được sự chấp thuận của Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng. Các nhóm không nên đi đến hoặc trở về từ đại hội giới trẻ vào ngày Chủ Nhật.

  • Hãy chắc chắn là phải có sự giám sát thích hợp của người thành niên vào mọi lúc (xin xem đoạn 20.7.1).

  • Tuân theo tất cả các hướng dẫn an toàn trong đoạn 20.7.6.

Các vị lãnh đạo thành niên được mời tham dự đại hội càng nhiều càng tốt. Những người này gồm có các thành viên của giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn giáo khu, chủ tịch đoàn Hội Thiếu Nữ tiểu giáo khu hoặc giáo khu và chủ tịch đoàn của Hội Thiếu Niên giáo khu. Các cố vấn của Hội Thiếu Nữ và Hội Thiếu Niên trong tiểu giáo khu cũng có thể được mời tham dự.

20.5

Các Chính Sách và Các Hướng Dẫn để Tuyển Chọn và Hoạch Định Sinh Hoạt

Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các chính sách và hướng dẫn sau đây đều được tuân theo trong việc tuyển chọn và hoạch định các sinh hoạt của Giáo Hội.

20.5.1

Các Sinh Hoạt Thương Mại hoặc Chính Trị

Các sinh hoạt được tổ chức vì bất cứ mục đích thương mại hoặc chính trị nào đều không được cho phép (xin xem đoạn 35.5.2).

20.5.2

Khiêu Vũ và Âm Nhạc

Trong tất cả các buổi khiêu vũ, việc ăn mặc, sự chỉnh tề, ánh sáng, kiểu khiêu vũ, lời ca, tiếng nhạc nên đóng góp cho một bầu không khí nơi Thánh Linh của Chúa có thể hiện diện (xin xem quyển sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ).

Các vị lãnh đạo sử dụng mẫu Hợp Đồng Trình Diễn khi thuê một ban nhạc, dàn nhạc hoặc DJ (người đảm trách phần chơi nhạc). Hợp đồng này giúp bảo đảm rằng cách cư xử và âm nhạc là thích hợp cho các buổi khiêu vũ của Giáo Hội. Các vị lãnh đạo đưa ra các thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản để những người đảm trách về âm nhạc cam kết phải tuân theo các tiêu chuẩn của Giáo Hội tại các sinh hoạt của Giáo Hội.

20.5.3

Các Buổi Tối Thứ Hai trong Tuần

Các tín hữu được khuyến khích tổ chức các sinh hoạt gia đình vào ngày thứ Hai hoặc lúc khác. Các sinh hoạt, buổi họp hoặc lễ báp têm không nên được tổ chức sau 6 giờ tối vào ngày thứ Hai.

Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các nhà hội và các cơ sở khác của Giáo Hội đều đóng cửa vào tối thứ Hai. Những buổi tiếp tân và các sinh hoạt tương tự khác không thể được tổ chức trong các cơ sở của Giáo Hội vào tối thứ Hai.

Là một trường hợp ngoại lệ, các tiểu giáo khu của người thành niên trẻ tuổi độc thân và các tiểu giáo khu của người thành niên độc thân có thể tổ chức các sinh hoạt vào tối thứ Hai, kể cả trong các tòa nhà của Giáo Hội. Cũng có thể là một trường hợp ngoại lệ khi Đêm Giao Thừa rơi vào ngày thứ Hai (xin xem đoạn 20.5.4).

20.5.4

Các Sinh Hoạt Đêm Giao Thừa

Nếu một tiểu giáo khu hoặc giáo khu hoạch định tổ chức một sinh hoạt vào Đêm Giao Thừa, và nếu Đêm Giao Thừa rơi vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hoặc thứ Hai thì các vị lãnh đạo nên tuân thủ các hướng dẫn sau đây.

Thứ Bảy. Chủ tịch giáo khu có thể sắp xếp một ngày Chủ Nhật khác thay thế để tuân thủ ngày nhịn ăn. Sinh hoạt này có thể kéo dài quá nửa đêm. Tuy nhiên, nó nên kết thúc sớm sau đó để những người tham gia có thể tham dự các buổi họp vào ngày Chủ Nhật.

Chủ Nhật. Các sinh hoạt của Giáo Hội có thể được hoạch định cho thứ Bảy ngày 30 tháng Mười Hai. Các hướng dẫn trong đoạn trước được áp dụng. Các gia đình có thể được khuyến khích ăn mừng Giao Thừa ở nhà của họ. Các sinh hoạt nên thích hợp với ngày Sa Bát.

Thứ Hai. Chủ tịch giáo khu hoặc vị giám trợ có thể cho phép sử dụng các tòa nhà của Giáo Hội vào tối thứ Hai.

20.5.5

Các Sinh Hoạt Qua Đêm

Cần có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ đối với tất cả các sinh hoạt qua đêm của Giáo Hội mà có sự tham dự của giới trẻ (xin xem đoạn 20.7.4).

Các sinh hoạt qua đêm của Giáo Hội dành cho các nhóm thiếu niên và thiếu nữ phối hợp phải được giám trợ và chủ tịch giáo khu chấp thuận. Cũng tương tự như vậy đối với các sinh hoạt dành cho các tín hữu nam và nữ độc thân. Các sinh hoạt như vậy rất hiếm. Các ví dụ gồm có các đại hội giới trẻ, các đại hội FSY hoặc các chuyến đi đền thờ mà đòi hỏi phải đi xa.

Những người nam và nữ tham dự cùng những người lãnh đạo là nam và nữ nên có chỗ ngủ riêng. Tuy nhiên, một cặp vợ chồng đã kết hôn có thể ở cùng phòng hoặc cùng lều. Mỗi giới trẻ nên có giường hoặc túi ngủ riêng.

Trong hầu hết các trường hợp, một thanh thiếu niên không được ở cùng lều hoặc cùng phòng với một người lớn trừ khi người lớn đó là cha mẹ hoặc người giám hộ của họ. Một ngoại lệ có thể được thực hiện nếu có ít nhất hai người lớn trong lều hoặc phòng cùng giới tính với người thanh thiếu niên.

Nếu những người lãnh đạo là người lớn và người trẻ tuổi cùng ở qua đêm trong các cơ sở, chẳng hạn như một căn nhà gỗ nhỏ, thì phải có ít nhất hai người lớn ở trong mỗi cơ sở và họ phải cùng giới tính với người trẻ tuổi đó.

Tất cả các sinh hoạt qua đêm của Giáo Hội đều phải gồm có ít nhất hai người lãnh đạo là người lớn.

Trong các sinh hoạt qua đêm, phải có đủ số lượng những người lớn nắm giữ chức tư tế hiện diện mọi lúc để hỗ trợ và bảo vệ. Đối với các sinh hoạt Hội Thiếu Nữ, những người nắm giữ chức tư tế cần phải ở trong các cơ sở riêng với các thiếu nữ.

Các vị lãnh đạo điền vào mẫu Hoạch Định Sự Kiện và Sinh Hoạt cho tất cả các sinh hoạt qua đêm.

Các sinh hoạt qua đêm tại nhà hội hoặc sân nhà hội của Giáo Hội đều không được chấp thuận.

Để biết thêm thông tin, xin xem “Các Câu Hỏi Thường Gặp—Tôi Nên Làm Gì?” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

20.5.6

Đóng Diễn Vai Thượng Đế

Không được đóng vai Thượng Đế Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh trong các buổi họp, vở kịch, hay nhạc kịch.

Nếu đóng vai Đấng Cứu Rỗi, thì phải làm điều đó với sự tôn kính và trang nghiêm. Chỉ có những người nam có nhân cách tốt mới được cứu xét cho vai này. Người đóng vai Đấng Cứu Rỗi không nên hát hay nhảy múa. Khi nói, người ấy chỉ nên sử dụng những đoạn trích dẫn từ thánh thư mà Đấng Cứu Rỗi đã phán. Khi kết thúc buổi trình diễn, người ấy nên thay đồ ngay rồi mặc lại quần áo thường.

Không nên để cho trẻ em đóng vai Đấng Cứu Rỗi ngoại trừ trong cảnh Chúa giáng sinh.

20.5.7

Những Lời Cầu Nguyện và Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional tại Các Sinh Hoạt

Tất cả các sinh hoạt cần được mở đầu và kết thúc với lời cầu nguyện, vào lúc hợp lý. Có thể gồm vào một bài thánh ca, một sứ điệp thuộc linh ngắn, hoặc lời nhận xét của một vị lãnh đạo hoặc người tham gia.

20.5.8

Tuân Thủ Ngày Sa Bát

Không có cắm trại, sự kiện thể thao hoặc sự kiện giải trí nào được lên lịch vào ngày Chủ Nhật. Cũng như các nhóm giới trẻ và những người khác không được đi đến hoặc trở về từ sinh hoạt trại hè hoặc đại hội giới trẻ vào ngày Chủ Nhật.

Là một trường hợp ngoại lệ, khi vấn đề an toàn hoặc chi phí đi lại là những điều bận tâm thì một số sinh hoạt của giới trẻ có thể được lên lịch ngay sau các buổi thờ phượng trong ngày Chủ Nhật. Các sinh hoạt này không nên trùng với lịch họp vào ngày Chủ Nhật. Các sinh hoạt phải tuân theo tinh thần của ngày Sa Bát. Cần phải có sự chấp thuận của vị giám trợ và chủ tịch giáo khu.

20.5.9

Thể thao

Các sinh hoạt thể thao của Giáo Hội tạo cơ hội cho sinh hoạt thể chất và tình bằng hữu. Các sinh hoạt này nhấn mạnh sự tham gia, tinh thần thể thao và phát triển kỹ năng. Khi buổi sinh hoạt liên quan đến sự tranh tài thì cần cố gắng hết sức để tránh gây tranh chấp. Tất cả các thành viên trong đội nên có cơ hội chơi thường xuyên, bất kể trình độ kỹ năng.

Chủ tịch đoàn giáo khu giám sát các sinh hoạt thể thao được bảo trợ trong vòng giáo khu của họ. Họ cũng thiết lập những hướng dẫn (1) chỉ rõ độ tuổi mà người chơi có thể tham gia các môn thể thao của Giáo Hội và (2) xác định người chơi có đủ tư cách. Nên đưa ra những quyết định như vậy trước khi bắt đầu một mùa giải.

Nếu các sinh hoạt thể thao đa giáo khu được tổ chức thì Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng hoặc các Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng giám sát các sinh hoạt đó. Các sinh hoạt này được điều hành bởi các chuyên gia thể thao là những người được kêu gọi bởi các chủ tịch giáo khu đại diện do Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng chỉ định. Các giải thi đấu thể thao giáo vùng đều không được chấp thuận.

Những người tham gia các sinh hoạt thể thao do Giáo Hội bảo trợ không cần phải là tín hữu Giáo Hội. Tuy nhiên, họ nên sống trong ranh giới của đơn vị và đồng ý tuân theo các tiêu chuẩn và chính sách của Giáo Hội trong suốt buổi sinh hoạt.

Nếu được sử dụng, đồng phục của đội nên đơn giản, không đắt tiền và phù hợp với sinh hoạt. Áo thun màu hoặc áo cổ chui thì thường là được. Đồng phục cần phải được chi trả từ ngân sách của giáo khu hoặc tiểu giáo khu.

Việc trao phần thưởng hoặc trao cúp cho cá nhân hoặc đội thi đấu đều không được khuyến khích.

Hình Ảnh
những người đàn ông chơi đá bóng

20.5.10

Những Chuyến Đi Đền Thờ

Những chuyến đi đền thờ được tổ chức ở cấp tiểu giáo khu hoặc giáo khu trong phạm vi khu vực đền thờ đã được chỉ định.

Những chuyến đi đền thờ có tổ chức của tiểu giáo khu hoặc giáo khu ở bên ngoài khu vực đền thờ đã được chỉ định đều không được khuyến khích. Những chuyến đi đền thờ như vậy đòi hỏi sự chấp thuận của chủ tịch đoàn giáo khu. Những chuyến đi đền thờ qua đêm cũng cần phải được chủ tịch đoàn giáo khu chấp thuận.

Những chuyến đi đền thờ cần phải tuân theo các chính sách về việc đi lại trong đoạn 20.7.7. Những chuyến đi đền thờ qua đêm cũng phải tuân theo các chính sách trong đoạn 20.5.5.

20.5.11

Các Sinh Hoạt Không Được Chấp Thuận

Các đơn vị Giáo Hội không được bảo trợ các sinh hoạt mà không phù hợp với các hướng dẫn trong chương này. Các sinh hoạt này gồm có:

  • Các sinh hoạt có nguy cơ rủi ro cao về thương tích hoặc bệnh tật (xin xem đoạn 20.7.6).

  • Các sinh hoạt đòi hỏi chi phí hoặc sự đi lại bất thường (xin xem đoạn 20.7.7).

  • Các chương trình tập thể dục mà có âm nhạc, lời ca, cách ăn mặc, hoặc các yếu tố khác mà không hòa hợp với các tiêu chuẩn của Giáo Hội.

Nếu có thắc mắc về việc một sinh hoạt như vậy có thích hợp hay không, thì vị giám trợ nên hỏi chủ tịch giáo khu. Các chủ tịch giáo khu có thể gửi thẳng các câu hỏi này đến Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng.

20.6

Các Chính Sách và Hướng Dẫn để Tài Trợ Các Sinh Hoạt

Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các chính sách và hướng dẫn sau đây đều phải được tuân thủ trong tất cả các sinh hoạt của Giáo Hội.

20.6.1

Các Sinh Hoạt được Chi Trả bằng Quỹ Ngân Sách của Tiểu Giáo Khu hoặc Giáo Khu

Quỹ ngân sách của tiểu giáo khu hoặc giáo khu nên được sử dụng để chi trả cho tất cả các sinh hoạt—với những trường hợp ngoại lệ có thể được liệt kê trong đoạn 20.6.2.

Các tín hữu không nên cung cấp tài liệu, đồ tiếp liệu, lệ phí cho thuê hay phí vào cửa, hoặc tự túc chi phí cho phương tiện giao thông đường dài. Các tín hữu có thể cung cấp thực phẩm nếu làm như vậy không phải là một gánh nặng.

20.6.2

Tài Trợ cho Sinh Hoạt Trại của Giới Trẻ

Nếu ngân sách của tiểu giáo khu hoặc giáo khu không có đủ tiền để chi trả cho các sinh hoạt được liệt kê sau đây, thì các vị lãnh đạo có thể yêu cầu những người tham gia chi trả cho một phần hoặc tất cả số tiền:

  • Một chuyến cắm trại hoặc sinh hoạt tương tự hằng năm kéo dài của Chức Tư Tế A Rôn.

  • Một chuyến cắm trại hoặc sinh hoạt tương tự hằng năm kéo dài của Hội Thiếu Nữ.

  • Một ngày cắm trại hoặc sinh hoạt tương tự dành cho các em Hội Thiếu Nhi từ 8 đến 11 tuổi.

Các chi phí hoặc chi phí đi lại cho một chuyến cắm trại hằng năm không nên quá mức. Việc thiếu quỹ cá nhân không nên ngăn cản một tín hữu tham gia.

Nếu quỹ từ ngân sách của tiểu giáo khu và giáo khu và từ những người tham gia không đủ cho các chuyến cắm trại, thì vị giám trợ có thể cho phép một tiểu giáo khu tổ chức một sự kiện gây quỹ hằng năm. Sự kiện này phải tuân thủ các hướng dẫn trong đoạn 20.6.5.

Để có thông tin về việc tài trợ cho những sự kiện lớn đa giáo khu hoặc giáo vùng dành cho các thành niên trẻ tuổi độc thân, xin xem mục 14.2.1.3.

20.6.3

Tài Trợ cho Các Đại Hội FSY (Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ)

Giới trẻ có thể được yêu cầu đóng góp một khoản lệ phí để tham dự các đại hội Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ (FSY). Nếu chi phí sẽ làm cho một thanh thiếu niên không tham gia được thì vị giám trợ có thể sử dụng quỹ ngân sách của tiểu giáo khu để chi trả tất cả hoặc một phần lệ phí này. Xin xem FSY.ChurchofJesusChrist.org.

20.6.4

Tài Trợ cho Thiết Bị và Đồ Tiếp Liệu

Nếu có thể, thiết bị và đồ tiếp liệu mà tiểu giáo khu cần cho các chuyến cắm trại hằng năm của giới trẻ được mua với quỹ ngân sách của tiểu giáo khu. Nếu quỹ không đủ tiền thì vị giám trợ có thể cho phép một tiểu giáo khu tổ chức một sự kiện gây quỹ hằng năm. Sinh hoạt này phải tuân theo các hướng dẫn trong đoạn 20.6.5.

Thiết bị và đồ tiếp liệu được mua bằng quỹ ngân sách của tiểu giáo khu hoặc số tiền gây quỹ qua một sự kiện gây quỹ chỉ dành cho mục đích sử dụng của Giáo Hội. Chúng không được sử dụng cho mục đích cá nhân.

20.6.5

Những Sự Kiện để Gây Quỹ

Chi phí cho các sinh hoạt của giáo khu và tiểu giáo khu thường được thanh toán bằng quỹ ngân sách. Tuy nhiên, chủ tịch giáo khu hoặc vị giám trợ có thể cho phép một sự kiện gây quỹ mỗi năm chỉ cho các mục đích sau đây:

  • Để giúp chi trả cho các sinh hoạt được liệt kê trong đoạn 20.6.2.

  • Để giúp mua thiết bị mà đơn vị cần cho các chuyến cắm trại hằng năm như được mô tả trong đoạn 20.6.4.

Nếu được tổ chức, thì một sự kiện gây quỹ nên cung cấp một giá trị hoặc sự phục vụ có ý nghĩa.

Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng số tiền gây quỹ phải được phân phối đồng đều. Ngân sách dành cho các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn được dựa trên số lượng các thiếu niên trong tiểu giáo khu. Ngân sách dành cho các thiếu nữ được dựa trên số lượng các thiếu nữ trong tiểu giáo khu.

Các khoản đóng góp cho các sự kiện gây quỹ đều là tự nguyện. Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các tín hữu không cảm thấy bị bắt buộc phải đóng góp.

Các đơn vị bảo trợ cho các sự kiện gây quỹ không nên quảng cáo hoặc nài xin ở bên ngoài ranh giới của họ. Họ cũng không nên bán sản phẩm hoặc dịch vụ tận nhà.

Ví dụ về các sinh hoạt gây quỹ không được chấp thuận gồm có:

  • Các sinh hoạt mà có thể bị đánh thuế.

  • Các sinh hoạt được thực hiện có ăn tiền công, hoặc bởi nhân viên hoặc là theo hợp đồng.

  • Sinh hoạt giải trí mà giáo khu hoặc tiểu giáo khu trả tiền cho những người biểu diễn về các dịch vụ của họ.

  • Việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ từ một kinh doanh thương mại.

  • Các trò chơi may rủi, chẳng hạn như xổ số, lô tô và bingo.

  • Các sinh hoạt không an toàn.

Bất cứ trường hợp ngoại lệ nào đối với các chỉ dẫn này phải được Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng chấp thuận.

20.7

Các Chính Sách An Toàn và Các Hướng Dẫn cho Các Sinh Hoạt

Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các chính sách và hướng dẫn an toàn sau đây đều được tuân thủ trong tất cả các sinh hoạt của Giáo Hội.

20.7.1

Sự Giám Sát của Người Lớn

Ít nhất phải có hai người lớn có mặt tại tất cả các sinh hoạt của Giáo Hội mà trẻ em và giới trẻ tham dự. Có thể cần thêm người lớn tùy thuộc vào số lượng người trong nhóm, các kỹ năng cần thiết cho sinh hoạt hoặc các yếu tố khác. Các cha mẹ được khuyến khích nên giúp đỡ.

Tất cả những người làm việc với trẻ em và giới trẻ phải hoàn tất phần huấn luyện về sự bảo vệ trẻ em và giới trẻ. Xin xem ProtectingChildren.ChurchofJesusChrist.org.

20.7.2

Điều Kiện về Tuổi Tác để Tham Gia Các Sinh Hoạt dành cho Giới Trẻ

Với sự chấp thuận của cha mẹ các em, giới trẻ có thể tham dự các chuyến cắm trại qua đêm bắt đầu vào tháng Một của năm các em lên 12 tuổi. Các em ấy có thể tham dự các buổi khiêu vũ, các đại hội của giới trẻ và các đại hội FSY bắt đầu vào tháng Một của năm mà các em lên 14 tuổi.

20.7.3

Bảo Hiểm

20.7.3.1

Bảo Hiểm Xe Cộ Cá Nhân

Xin xem đoạn 20.7.7.

20.7.3.2

Bảo Hiểm Sức Khỏe Cá Nhân và Bảo Hiểm Tai Nạn

Trong nhiều khu vực trên thế giới, chương trình bảo hiểm sức khỏe và tai nạn đều có sẵn qua chương trình do các chủ doanh nghiệp hoặc chính phủ tài trợ. Các tín hữu nào có bảo hiểm này nên được hưởng tất cả các quyền lợi hiện có nếu họ bị thương trong một sinh hoạt của Giáo Hội trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ bảo hiểm sinh hoạt của Giáo Hội (xin xem mục 20.7.3.4).

20.7.3.3

Bảo Hiểm Trách Nhiệm Cá Nhân

Giáo Hội khuyên bảo các tín hữu và các vị lãnh đạo giám sát các sinh hoạt của Giáo Hội phải tự bảo vệ mình, nếu có thể, bằng cách mua bảo hiểm trách nhiệm với số tiền bồi thường hợp lý. Loại bảo hiểm như vậy có thể có sẵn qua bảo hiểm bất động sản hoặc các hợp đồng bảo hiểm khác. Để biết thêm thông tin, xin xem “Các Câu Hỏi Thường Gặp—Tôi Nên Làm Gì?” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

20.7.3.4

Chương Trình Trợ Giúp Về Y Tế cho Sinh Hoạt của Giáo Hội

Tại Hoa Kỳ và Canada, chương trình Trợ Giúp về Y Tế cho Sinh Hoạt của Giáo Hội (CAMA) cung cấp sự trợ giúp y tế và nha khoa phụ cho những thương tích gặp phải trong khi tham gia một sinh hoạt của Giáo Hội. Chương trình này cũng cung cấp sự trợ giúp cho tang lễ nếu cần. Chương trình này là nhằm để bổ sung, chứ không phải thay thế, cho bảo hiểm sức khỏe và tai nạn của riêng một người. Để biết thêm thông tin, xin xem “Các Câu Hỏi Thường Gặp—Tôi Nên Làm Gì?” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

Nếu có một vấn đề rắc rối xảy ra trong một sự kiện do Giáo Hội bảo trợ, các vị lãnh đạo xác định xem liệu có thể cần CAMA hay không. Bất cứ vị lãnh đạo nào cũng có thể báo cáo một vấn đề rắc rối trong hệ thống Báo Cáo Vấn Đề Rắc Rối Toàn Cầu tại trang mạng incidents.ChurchofJesusChrist.org. Nếu vị lãnh đạo chỉ ra rằng cần có sự điều trị vượt quá khả năng sơ cứu thì vị giám trợ sẽ được thông báo và sẽ nhận được thông tin ghi danh. Vị giám trợ xem xét khả năng của một người để thanh toán chi phí y tế bằng các phương tiện khác, chẳng hạn như bảo hiểm cá nhân hoặc các nguồn lực khác. Ông có thể cho phép sử dụng quỹ CAMA nếu ông cảm thấy là thích hợp.

Để biết thêm thông tin, xin xem trang mạng Church Activity Medical Assistance Handbook. Để có được quyển sách hướng dẫn này, thì xin liên lạc:

Deseret Mutual Benefit Administrators

P.O. Box 45530

Salt Lake City, UT 84145-0530

Số điện thoại: 1-801-578-5650 hoặc 1-800-777-1647

Email: churchactivity@dmba.com

Trang Mạng: dmba.com/churchactivity

20.7.3.5

Giấy Chứng Nhận Bảo Hiểm

Giáo Hội thường được yêu cầu cung cấp bằng chứng về bảo hiểm dành cho các sinh hoạt. Những yêu cầu này đến vì các thỏa thuận cho thuê, hợp đồng hoặc giấy phép liên quan đến các sinh hoạt.

Tại Hoa Kỳ và Canada, các vị lãnh đạo có thể có được một giấy chứng nhận cho thấy bằng chứng về bảo hiểm tại trang mạng InsuranceCertificates.ChurchofJesusChrist.org. Ở ngoài Hoa Kỳ và Canada, các giám trợ nên liên lạc với văn phòng giáo vùng. Các yêu cầu này nên gồm có:

  • Tên và địa chỉ của tổ chức đòi hỏi bằng chứng về bảo hiểm.

  • Một phần mô tả và địa điểm của cơ sở, nếu thuê một cơ sở.

  • Bắt buộc có các giới hạn trách nhiệm.

  • Thông tin liên quan khác về sinh hoạt.

Các vị lãnh đạo nên hoạch định trước để cho phép đủ thời gian nhằm chuẩn bị những giấy chứng nhận.

20.7.4

Sự Cho Phép của Cha Mẹ

Trẻ em và giới trẻ không được tham gia vào một sinh hoạt của Giáo Hội mà không có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ của các em. Đối với các sinh hoạt của Giáo Hội mà gồm có ở lại qua đêm, đi xa dài ngày, hoặc rủi ro cao hơn bình thường, cần phải có sự đồng ý bằng văn bản. Một số sinh hoạt có thể cần có thêm kế hoạch bổ sung để giảm thiểu rủi ro. Sự an toàn luôn luôn nên là một yếu tố cân nhắc quan trọng. Xin xem mục 20.7.6.1.

Cha mẹ và người giám hộ ưng thuận bằng cách ký vào Permission and Medical Release form (mẫu Giấy Cho Phép và Chứng Nhận Y Tế). Người lãnh đạo sinh hoạt nên có một mẫu đơn có chữ ký cho mỗi người tham gia.

20.7.5

Những Báo Cáo về Sự Lạm Dụng Ngược Đãi

Bất cứ sự lạm dụng ngược đãi nào xảy ra trong một sinh hoạt của Giáo Hội nên được báo cáo cho các chính quyền dân sự. Cần liên lạc ngay với vị giám trợ. Những chỉ dẫn cho các tín hữu nằm trong mục 38.6.2.7. Những chỉ dẫn cho các giám trợ nằm trong mục 38.6.2.1.

Để biết định nghĩa về sự lạm dụng, xin xem mục 38.6.2.3 và mục 38.6.2.4.

20.7.6

Các Biện Pháp Phòng Ngừa để Được An Toàn, Ứng Phó Tai Nạn và Báo Cáo Tai Nạn

20.7.6.1

Phòng Ngừa để Được An Toàn

Các vị lãnh đạo và những người tham gia đánh giá kỹ các sinh hoạt để bảo đảm giảm thiểu rủi ro thương tích hoặc bệnh tật. Các sinh hoạt cũng gồm có rủi ro tối thiểu làm hư hỏng cơ sở. Trong suốt thời gian sinh hoạt, các vị lãnh đạo bỏ ra mọi nỗ lực để bảo đảm sự an toàn. Bằng cách hoạch định một cách hiệu quả và tuân theo các biện pháp phòng ngừa để được an toàn, các vị lãnh đạo có thể giảm thiểu rủi ro tai nạn.

Các sinh hoạt nên gồm có sự huấn luyện và giám sát thích hợp. Các sinh hoạt cũng nên cần phải thích hợp với độ tuổi, khả năng và mức độ chín chắn của những người tham dự.

Các vị lãnh đạo chỉ dẫn tất cả những người tham dự về việc thực hành sự an toàn cho buổi sinh hoạt. Khi các sinh hoạt đòi hỏi những kỹ năng thể chất hoặc kinh nghiệm cụ thể thì có thể cần phải có sự huấn luyện chuyên biệt hoặc sử dụng những hướng dẫn chuyên nghiệp.

Các vị lãnh đạo nên chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp. Họ cũng cần biết trước cách liên lạc với nhân viên công lực và những dịch vụ khẩn cấp. Để biết thêm thông tin, xin xem “Các Câu Hỏi Thường Gặp—Tôi Nên Làm Gì?” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
nhóm người đào đất

20.7.6.2

Ứng Phó với Tai Nạn

Nếu một tai nạn hoặc thương tích xảy ra trên bất động sản của Giáo Hội hoặc trong một sinh hoạt của Giáo Hội, thì các vị lãnh đạo tuân thủ các hướng dẫn sau đây, nếu thích hợp:

  • Chăm sóc sơ cứu. Nếu một người cần được chăm sóc thêm về y tế thì xin liên lạc với các dịch vụ y tế khẩn cấp. Cũng xin liên lạc với cha, mẹ, người giám hộ hoặc người thân khác của họ và vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu.

  • Nếu một người nào đó bị mất tích hoặc bị chết, thì hãy thông báo ngay cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương. Hãy hoàn toàn hợp tác với họ.

  • Cung cấp sự hỗ trợ về tinh thần.

  • Đừng khuyến khích hoặc ngăn cản hành động pháp lý. Đừng thay mặt Giáo Hội để cam kết.

  • Thu thập và lưu giữ tên của các nhân chứng, thông tin liên lạc của họ, bản báo cáo về điều đã xảy ra và hình ảnh.

  • Báo cáo tai nạn (xin xem mục 20.7.6.3).

20.7.6.3

Báo Cáo về Tai Nạn

Những tình huống sau đây nên được báo cáo trực tuyến tại trang mạng incidents.ChurchofJesusChrist.org. Vị giám trợ, chủ tịch giáo khu, hoặc tín hữu mà ông chỉ định và là người biết về sự việc sẽ báo cáo kịp thời.

  • Một tai nạn hoặc thương tích xảy ra trên bất động sản của Giáo Hội hoặc trong một sinh hoạt của Giáo Hội.

  • Một người đang tham gia vào một sinh hoạt của Giáo Hội bị mất tích.

  • Tài sản tư nhân, công cộng, hoặc của Giáo Hội bị hư hại trong một sinh hoạt của Giáo Hội.

  • Hành động pháp lý bị đe dọa hoặc dự đoán trước.

Nếu một sự kiện khiến cho một người bị thương nặng, tử vong hoặc mất tích thì chủ tịch giáo khu, vị giám trợ hoặc tín hữu mà ông chỉ định sẽ thực hiện ngay một trong những hành động sau đây:

  • Ở Hoa Kỳ hoặc Canada, trước hết xin gọi cho Risk Management Division (Ban Quản Lý Rủi Ro) tại trụ sở Giáo Hội (1-801-240-4049 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-4049; sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần, xin gọi 1-801- 240-1000 hoặc 1-800-453-3860, và tổng đài sẽ liên lạc ngay với một người nào đó). Sau đó liên lạc với Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng.

  • Bên ngoài Hoa Kỳ và Canada, hãy thông báo cho văn phòng giáo vùng.

Chủ tịch giáo khu hoặc vị giám trợ cũng báo cáo các thương tích và thiệt hại liên quan đến các cơ sở hoặc tài sản của Giáo Hội cho người quản lý cơ sở của Giáo Hội.

Để biết thêm thông tin, xin xem “Các Câu Hỏi Thường Gặp—Tôi Nên Làm Gì?” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

20.7.6.4

Bảo Hiểm và Các Câu Hỏi

Nếu thương tích xảy ra trong một sự kiện của Giáo Hội thì các vị lãnh đạo xác định xem chương trình Trợ Giúp về Y Tế cho Sinh Hoạt của Giáo Hội có áp dụng hay không (xin xem mục 20.7.3.4).

Trong một số trường hợp, chủ tịch giáo khu hoặc vị giám trợ có thể có những câu hỏi về các vấn đề an toàn hoặc các tuyên bố chống lại Giáo Hội. Chủ tịch giáo khu (hoặc một vị giám trợ dưới sự hướng dẫn của ông) chuyển những câu hỏi như vậy tới Ban Quản Lý Rủi Ro hoặc tới văn phòng giáo vùng.

20.7.7

Việc Đi Lại

Việc đi lại cho các sinh hoạt của Giáo Hội nên được vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu chấp thuận. Chuyến đi này không nên đặt gánh nặng quá mức lên các tín hữu. Việc đi xa để đến các sinh hoạt đều không được khuyến khích.

Trong một số tình huống ngoại lệ, chủ tịch giáo khu hoặc vị giám trợ có thể cảm thấy rằng chuyến đi xa đó để tham dự một sinh hoạt là chính đáng. Ông ấy thành tâm cân nhắc những lợi ích thuộc linh tiềm ẩn của sinh hoạt, chi phí và hiệu quả đối với gia đình. Nếu ông ấy chấp thuận chuyến đi như vậy thì các tín hữu không nên tự mình chi trả cho chuyến đi.

Những việc đi lại và sự áp dụng các hướng dẫn trong phần này cần phải nhất quán giữa các đơn vị trong cùng một khu vực hoặc hội đồng phối hợp. Các chủ tịch giáo khu có thể thảo luận và ưng thuận về những việc đi lại trong các buổi họp hội đồng phối hợp.

Các vị lãnh đạo điền vào một Event and Activity Plan form (mẫu Hoạch Định Sự Kiện và Sinh Hoạt) dành cho các sinh hoạt liên quan đến chuyến đi xa.

Khi một sinh hoạt của Giáo Hội dành cho giới trẻ có liên quan tới chuyến đi xa hoặc ngủ qua đêm thì cha mẹ hoặc những giám hộ cần có sự cho phép bằng văn bản để cho con cái họ tham dự (xin xem đoạn 20.7.4). Cần phải có sự giám sát của người lớn có trách nhiệm (xin xem đoạn 20.7.1).

Khi khả thi, các nhóm của Giáo Hội nên sử dụng phương tiện giao thông thương mại để đi đường xa. Nó cần được cấp phép và được bảo vệ bởi bảo hiểm trách nhiệm.

Khi các nhóm của Giáo Hội di chuyển bằng xe riêng chở khách, mỗi xe phải ở trong tình trạng hoạt động an toàn. Mỗi người phải thắt dây an toàn. Mỗi người lái xe cần phải là một người lớn có bằng lái xe, và là người có trách nhiệm. Tất cả xe cộ và người lái xe cần phải có bảo hiểm với một số tiền bảo hiểm trách nhiệm hợp lý cho xe hơi. Các kế hoạch nên được thực hiện để bảo đảm rằng những người lái xe vẫn tỉnh táo và cảnh giác. Bất cứ khi nào có thể được, một người lớn không nên ở một mình với một thanh thiếu niên trên xe trừ khi em thanh thiếu niên đó là con của họ.

Các tổ chức Giáo Hội có thể không sở hữu hoặc mua xe hơi hoặc xe buýt cho việc đi theo nhóm.

Một người nam và một người nữ không nên đi một mình cùng với nhau trong các sinh hoạt, buổi họp, hoặc những chỉ định của Giáo Hội trừ khi họ đã kết hôn hoặc cả hai đều độc thân.

Để biết thêm thông tin, xin xem “Các Câu Hỏi Thường Gặp—Tôi Nên Làm Gì?” trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

20.8

Chính Sách Điều Hành Sinh Hoạt

Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các chính sách và hướng dẫn sau đây đều được tuân thủ khi điều hành tất cả các sinh hoạt của Giáo Hội.

20.8.1

Các Tài Liệu Có Bản Quyền

Xin xem đoạn 38.8.11.

20.8.2

Việc Thuê Các Cơ Sở Không Thuộc Giáo Hội cho Các Sinh Hoạt

Khi các cơ sở của Giáo Hội không thích hợp với một sinh hoạt của giáo khu hoặc đa giáo khu, thì có thể thuê các cơ sở với sự chấp thuận của chủ tịch giáo khu. Những yêu cầu như vậy được người quản lý cơ sở của Giáo Hội giải quyết.

Các đơn vị địa phương có thể được yêu cầu chứng minh là có bảo hiểm trách nhiệm khi thuê hoặc sử dụng các cơ sở không phải do Giáo Hội sở hữu. Để biết thông tin về cách có giấy chứng nhận bảo hiểm, xin xem mục 20.7.3.5.

20.8.3

Các Sinh Hoạt Có Thể Bị Đánh Thuế

Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các sinh hoạt không nên gây nguy hiểm đến tình trạng miễn thuế của Giáo Hội. Để biết những chỉ dẫn, xin xem đoạn 34.8.1.