Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 9–15 tháng Mười Một. Ê The 1–5: “Xé Rách Được Tấm Màn Vô Tín Ngưỡng”


“Ngày 9–15 tháng Mười Một. Ê The 1–5: ‘Xé Rách Được Tấm Màn Vô Tín Ngưỡng,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 9–15 tháng Mười Một. Ê The 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020

Hình Ảnh
Dân Gia Rết đi qua vùng hoang dã

The Jaredites Leaving Babel (Dân Gia Rết Rời Tháp Ba Bên), tranh do Albin Veselka họa

Ngày 9–15 tháng Mười Một

Ê The 1–5

“Xé Rách Được Tấm Màn Vô Tín Ngưỡng”

Những sự thật gì anh chị em đã học được trong khi tự học Ê The 1–5 mà anh chị em có thể chia sẻ với những người mình giảng dạy? Anh chị em có thể cho họ những cơ hội nào để chia sẻ điều họ đã học được?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Cân nhắc cách thức sáng tạo này để mời chia sẻ: Phát những viên đá cho 16 thành viên trong lớp và mời một vài người trong số họ chia sẻ một sự thật mà họ nhớ được từ việc học tập riêng cá nhân hoặc chung với gia đình của họ về Ê The 1–5. Họ sẽ làm gì bởi vì những điều họ đã học được?

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Ê The 1–3; 4:8–19

Khi chúng ta liên tục khẩn cầu Chúa, Ngài sẽ tiết lộ ý muốn của Ngài.

  • Mỗi người chúng ta đều đã gặp khó khăn để tìm câu trả lời cho một vấn đề hoặc câu hỏi. Làm thế nào những kinh nghiệm của anh của Gia Rết có thể giúp những người mà anh chị em giảng dạy biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ Chúa? Anh chị em có thể vẽ một bảng biểu lên bảng với các cột được viết tiêu đề Câu hỏi của anh của Gia Rết, Hành động của anh của Gia Rết,Sự đáp lại của Chúa. Sau đó, anh chị em có thể chia lớp thành ba nhóm và chỉ định một cột cho mỗi nhóm. Mỗi nhóm có thể làm việc cùng nhau để đọc lướt Ê The 1:33–432:16–3:6 và viết những điều họ tìm thấy vào cột họ được chỉ định. Sau đó, lớp có thể thảo luận những câu hỏi như: Chúng ta học được gì về những cách khác nhau mà Chúa sẽ chọn để giúp chúng ta? Chúng ta học được gì về vai trò của mình trong tiến trình nhận được sự mặc khải? Các thành viên trong lớp có thể chia sẻ các ví dụ khác từ thánh thư mà dạy các nguyên tắc tương tự. Lời phát biểu của Anh Cả Richard G. Scott trong các “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về cách Chúa đáp ứng những lời cầu nguyện.

  • Lời cầu nguyện của anh của Gia Rết trong Ê The 3:1–5 có thể soi dẫn cho các thành viên trong lớp biết đánh giá những lời cầu nguyện cá nhân của họ. Có lẽ các thành viên trong lớp có thể tưởng tượng rằng họ đang đưa ra lời khuyên cho một người đang mới học cách cầu nguyện. Họ sẽ đưa ra lời khuyên gì? Sau đó, họ có thể tra cứu Ê The 3:1–5 và tóm tắt mỗi câu thành một hoặc hai lời khuyên hoặc nguyên tắc về cách cầu nguyện hiệu quả. Cân nhắc việc cho các thành viên trong lớp một vài phút để suy nghĩ về những lời cầu nguyện của riêng họ và làm thế nào họ có thể noi theo tấm gương của anh của Gia Rết để làm cho lời cầu nguyện của họ có ý nghĩa hơn.

  • Sau khi chia sẻ kinh nghiệm mặc khải của anh của Gia Rết trong Ê The 3, Mô Rô Ni đưa ra lời khuyên trong Ê The 4 về cách chúng ta có thể nhận được sự mặc khải từ Chúa. Để giúp các thành viên trong lớp từ lời khuyên này, anh chị em có thể trưng bày bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô và mời họ tra cứu Ê The 4:8–10 để tìm những điều có thể ngăn chúng ta nhận được sự mặc khải hoặc lẽ thật từ Chúa. Khi các thành viên trong lớp chia sẻ những điều họ tìm thấy, anh chị em có thể từ từ che bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô bằng một miếng vải hoặc mảnh giấy. Làm thế nào chúng ta có thể tránh những rào cản thuộc linh này trong cuộc sống của chúng ta? Tiếp theo, các thành viên trong lớp có thể tra cứu Ê The 4:7, 11–15, tìm kiếm cách giúp chúng ta có thể có đủ điều kiện để nhận lẽ thật từ Chúa. Khi các thành viên trong lớp chia sẻ những điều họ tìm thấy, hãy lấy miếng vải hoặc mảnh giấy ra. Việc “biết thực hành đức tin nơi … Chúa … như anh của Gia Rết đã làm” có nghĩa là gì? (Ê The 4:7; xin xem thêm Ê The 3:1–9). Việc “xé rách được tấm màn vô tín ngưỡng” trong cuộc sống của chúng ta có nghĩa là gì? (Ê The 4:15). Làm thế nào chúng ta có thể giúp người khác làm như vậy? Các thành viên trong lớp cũng có thể tìm kiếm những lẽ thật về sự mặc khải cá nhân trong sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson. “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta” (Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 93–96).

Ê The 2:14–15

Qua sự sửa phạt của Ngài, Chúa mời gọi chúng ta ăn năn và đến với Ngài.

  • Ngay cả một vị tiên tri vĩ đại như anh của Gia Rết cũng nhận sự quở phạt từ Chúa. Thực tế, một phần của những điều làm cho ông trở nên tuyệt vời là cách ông phản ứng với sự sửa phạt. Để giúp các thành viên trong lớp học hỏi từ tấm gương của anh của Gia Rết, anh chị em có thể mời họ đọc Ê The 2:14–15 cùng nhau theo từng cặp. Sau đó, yêu cầu mỗi cặp đóng giả rằng một người sẽ là anh của Gia Rết và người còn lại là người vừa nhận được sự sửa phạt từ một người lãnh đạo Giáo Hội hoặc cha mẹ. Yêu cầu họ thảo luận hoặc đóng diễn những gì anh của Gia Rết có thể nói về kinh nghiệm của chính ông để giúp đỡ người này. Ông có thể đưa ra lời khuyên gì? Những bài học nào chúng ta học được mà sẽ giúp chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng hơn? Anh chị em cũng có thể thảo luận về cách Chúa sửa phạt và phản ứng của anh của Gia Rết có thể đã giúp chuẩn bị ông đối phó với kinh nghiệm mà ông có trong Ê The 3:1–20. Đây là một số nguồn tài liệu có thể giúp ích: Sứ điệp của Anh Cả D. Todd Christofferson “Phàm Những Kẻ Ta Yêu thì Ta Quở Trách Sửa Phạt” (Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 97–100) hoặc phần có tiêu đề “Kỷ Luật” trong sứ điệp của Anh Cả Lynn G. Robbins “Vị Quan Án Công Bình” (Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 96–97).

Ê The 5

Ba nhân chứng làm chứng về tính chân thật của Sách Mặc Môn.

  • Việc học hỏi thêm về lời tiên tri của Mô Rô Ni về Ba Nhân Chứng có thể giúp củng cố chứng ngôn của các thành viên trong lớp về Sách Mặc Môn. Một nửa lớp có thể đọc Ê The 5 và nửa còn lại có thể đọc “Chứng Ngôn của ba Nhân Chứng” (ở phần đầu Sách Mặc Môn) và chia sẻ với nhau cảm nhận của họ về mục đích của Chúa trong việc cho phép Ba Nhân Chứng nhìn thấy một thiên thần và những các bảng khắc. Họ cũng có thể thảo luận về các ví dụ khác mà trong đó nhiều nhân chứng xác lập lẽ thật (ví dụ, xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17; 18:15–16; Giăng 5:31–47; GLGƯ 128:3). Những lời chứng nào trong cuộc sống của chúng ta đã soi dẫn cho chúng ta để tin? “Quyền năng của Thượng Đế cùng với lời của Ngài” đã “biểu lộ” với chúng ta trong Sách Mặc Môn như thế nào? (Ê The 5:4).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học ở Nhà

Mời các thành viên trong lớp tưởng tượng rằng các nhà lãnh đạo chính trị của họ liên tục bắt bớ và tàn sát lẫn nhau. Trong Ê The 6–11, họ sẽ đọc về việc này đã xảy ra với con cháu của Gia Rết và anh của ông như thế nào. Họ cũng sẽ tìm thấy một số lời cảnh báo sẽ giúp họ tránh được những vấn đề mà dân Gia Rết gặp phải.

Hình Ảnh
hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Nhận ra sự đáp ứng cho lời cầu nguyện.

Anh Cả Richard G. Scott đã dạy:

“Khi chúng ta giải thích một vấn đề và một giải pháp được đề xuất, đôi khi Ngài trả lời được, đôi khi không được. Thường Ngài sẽ không trả lời, không phải vì thiếu quan tâm, mà vì Ngài yêu thương chúng ta—một cách hoàn hảo. Ngài muốn chúng ta áp dụng những lẽ thật mà Ngài đã ban cho chúng ta. Để phát triển, chúng ta cần tin tưởng vào khả năng của mình để đưa ra quyết định đúng. Chúng ta cần phải làm những gì chúng ta cảm thấy là đúng. Vào đúng thời điểm, Ngài sẽ trả lời. Ngài sẽ không quên chúng ta đâu. …

“… Ngài muốn chúng ta phải hành động để đạt được kinh nghiệm cần thiết:

“Khi Ngài trả lời được, thì điều đó cho chúng ta sự tin tưởng.

“Khi Ngài trả lời không được, thì điều đó là để ngăn ngừa lỗi lầm.

“Khi Ngài không trả lời, thì điều đó là để cho chúng ta tăng trưởng qua đức tin nơi Ngài, qua việc tuân theo các lệnh truyền của Ngài, và sự sẵn lòng để hành động theo lẽ thật. Chúng ta được kỳ vọng sẽ đảm nhận trách nhiệm bằng cách hành động theo một quyết định phù hợp với những điều giảng dạy của Ngài mà không có sự xác nhận trước. Chúng ta không được ngồi thụ động để chờ đợi hoặc ta thán vì Chúa đã không phán bảo. Chúng ta phải hành động” (“Learning to Recognize Answers to Prayer (Học Cách để Nhận Ra Sự Đáp Ứng cho Lời Cầu Nguyện),” Ensign, tháng Mười Một năm 1989, trang 31–32).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy tìm đến thánh thư trước nhất. Thánh thư nên là nguồn tài liệu ưu tiên trong việc học tập và chuẩn bị của anh chị em. Đừng quên rằng những lời của các vị tiên tri thời hiện đại bổ sung cho các tác phẩm tiêu chuẩn và cũng là thánh thư (xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 17–18).