Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 15–21 tháng Sáu. An Ma 13–16: “Bước Vào Chốn An Nghỉ của Chúa”


“Ngày 15–21 tháng Sáu. An Ma 13–16: ‘Bước Vào Chốn An Nghỉ của Chúa”’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 15–21 tháng Sáu. An Ma 13–16,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020

Hình Ảnh
An Ma và A Mu Léc bước ra khỏi ngục thất

Tranh minh họa An Ma và A Mu Léc được giải thoát khỏi ngục thất, do Andrew Bosley họa

Ngày 15–21 tháng Sáu

An Ma 13–16

“Bước Vào Chốn An Nghỉ của Chúa”

Sự cải đạo lâu dài đòi hỏi nhiều hơn một bài học Trường Chủ Nhật đầy soi dẫn một lần mỗi tuần. Khuyến khích các thành viên trong lớp tìm kiếm các kinh nghiệm thuộc linh suốt tuần.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Điều gì có thể thúc giục các thành viên trong lớp chia sẻ với nhau những kinh nghiệm về việc học hỏi và sống theo phúc âm? Anh chị em có thể mời họ chia sẻ một ý tưởng họ tìm thấy trong An Ma 13–16 mà đã làm họ ngạc nhiên hoặc họ chưa từng nghĩ đến trước đây. Khi họ chia sẻ, hãy hỏi họ cảm thấy sự hiểu biết sâu sắc mới này sẽ tạo ra một sự khác biệt trong cuộc đời của họ như thế nào.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

An Ma 13:1–19

Các giáo lễ chức tư tế giúp con cái của Thượng Đế nhận sự cứu chuộc qua Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Một số thành viên trong lớp của anh chị em có thể tìm thấy điều gì đó mà làm cho sự biết ơn của họ dành cho chức tư tế sâu sắc hơn khi họ học tập An Ma 13. Mời họ chia sẻ điều họ tìm được. Anh chị em cũng có thể đọc cùng nhau câu 2 và 16 và hỏi một câu hỏi như “Làm thế nào các giáo lễ chức tư tế giúp các anh chị em ‘trông đợi Vị Nam Tử của [Thượng Đế] cho sự cứu chuộc’?” Nếu có ích, một danh sách các giáo lễ có thể tìm thấy trong Trung Thành với Đức Tin, trang 109–110.

    Hình Ảnh
    các thiếu niên tại bàn tiệc thánh

    Các giáo lễ của chức tư tế giúp chúng ta biết cách hướng tới Chúa Giê Su Ky Tô để được cứu chuộc.

  • Nhiều người ở A Mô Ni Ha đã theo Nê Hô, là người dạy những ý kiến sai lạc về vai trò của các thầy tư tế. Để giúp các thành viên học về bản chất thật của chức tư tế, anh chị em có thể yêu cầu họ đối chiếu cách nhìn của Nê Hô về những điều các thầy tư tế nên làm (xin xem An Ma 1:3–6) với những gì An Ma đã dạy (xin xem An Ma 13:1–12). Trong những phương diện nào mà những lời giảng dạy của Nê Hô tương tự với cách nhìn của thế gian về quyền năng và sự lãnh đạo? Những lời giảng dạy của An Ma khác biệt như thế nào?

  • Việc đọc An Ma 13:1–19 có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về việc “được chuẩn bị từ lúc thế gian mới được tạo dựng” cho những trách nhiệm của chúng ta trong công việc của Chúa. An Ma 13:3 gợi ý điều gì về cách chúng ta nên nhìn nhận hoặc tiếp cận những trách nhiệm này? (xin xem thêm GLGƯ 138:56).

An Ma 13

Chúa mời gọi chúng ta bước vào chốn an nghỉ của Ngài.

  • An Ma đã dạy rằng chức tư tế giúp chúng ta “bước vào chốn an nghỉ của Chúa” (An Ma 13:16). Để bắt đầu một cuộc thảo luận về ý kiến này, anh chị em có thể yêu cầu các thành viên trong lớp đọc An Ma 13:6, 12–13, 16, và 29 và chia sẻ những gì các câu này dạy về “chốn an nghỉ của Chúa.” Họ cũng có thể nhận ra đặc tính của những người “bước vào chốn an nghỉ của Chúa.” Chúng ta có thể làm gì để có kinh nghiệm về chốn yên nghỉ của Chúa trong cuộc sống hữu diệt của mình?

An Ma 14

Trong thời gian thử thách và bi kịch, chúng ta phải tin cậy Chúa.

  • An Ma 14 có thể là một cơ hội để thảo luận cách làm thế nào chúng ta phản ứng một cách trung tín khi chúng ta hay những người thân yêu của chúng ta đối mặt với sự ngược đãi hoặc những khó khăn kể cả khi chúng ta đang cố gắng trở nên ngay chính. Anh chị em có thể bắt đầu mời các thành viên trong lớp để tưởng tượng rằng họ là những nhà báo đang tường thuật một sự kiện trong An Ma 14. Những câu hỏi nào họ có thể hỏi An Ma và A Mu Léc về sự kiện này? Ví dụ, “Tại sao Chúa để cho anh chị em và những người ngay chính khác chịu đau khổ?” hay “Lời khuyên nào anh chị em dành cho những người đang trải qua những thử thách khó khăn?” Dựa trên những gì chúng ta biết từ An Ma 14, An Ma và A Mu Léc có thể trả lời những câu hỏi này như thế nào?

  • Hầu hết chúng ta có thể liên hệ phần nào theo cách mà A Mu Léc cảm thấy khi ông chứng kiến sự đau khổ của những người dân trung tín của A Mô Ni Ha: chúng ta “cũng thấy đau đớn” (An Ma 14:10), và chúng ta hy vọng mình có thể làm điều gì đó để giúp đỡ. Chúng ta học được gì từ điều An Ma đã nói trong hoàn cảnh này? (xin xem An Ma 14:8–13). Anh chị em có thể chia sẻ lời phát biểu của Chủ Tịch Spencer W. Kimball trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Các thành viên trong lớp có thể tóm tắt sứ điệp chính trong lời phát biểu của Chủ Tịch Kimball theo lời của họ.

An Ma 15:16, 18

Việc làm môn đồ đòi hỏi phải hy sinh.

  • Đại cương của tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình gợi ý liệt kê ra những điều A Mu Léc đã từ bỏ và những điều ông nhận được khi ông đón nhận phúc âm. Các thành viên trong lớp có thể sẽ sẵn lòng chia sẻ những bản liệt kê mà họ lập ra, hoặc họ có thể lập những bản liệt kê này trong lớp. Những câu thánh thư này có thể giúp đỡ: An Ma 10:4–5; 15:16, 18; 16:13–15; và 34:8. Tại sao A Mu Léc sẵn lòng thực hiện những sự hy sinh như vậy? Tại sao chúng ta sẵn lòng làm như vậy? Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tấm gương của An Ma, là người “làm cho [A Mu Léc] vững mạnh trong Chúa”?

An Ma 16:1–10

Lời của các vị tiên tri sẽ được ứng nghiệm.

  • An Ma 16 cho chúng ta những tấm gương về những người tin tưởng nơi một vị tiên tri và những người không tin. Để giúp các thành viên trong lớp học hỏi từ những tấm gương này, anh chị em có thể viết lên trên bảng hai tiêu đề sau đây: Giô RamDân A Mô Ni Ha. Các thành viên trong lớp có thể đọc An Ma 16:1–10 và viết dưới mỗi tiêu đề những từ ngữ mô tả thái độ của những người này với những lời của vị tiên tri An Ma. Chúng ta đang làm gì để cho Cha Thiên Thượng thấy rằng chúng ta có đức tin nơi những lời của các vị tiên tri tại thế?

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học tại Nhà

Cân nhắc việc hỏi các thành viên trong lớp nếu họ đã từng mong muốn mình có thể trở nên tốt hơn trong việc chia sẻ phúc âm. Việc đọc An Ma 17–22 có thể soi dẫn họ với những ý kiến để giúp họ hoàn thành mục tiêu này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng các nguồn tài liệu

Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung

Thượng Đế không luôn luôn ngăn chặn bi kịch.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã từng nhận xét về nhiều bi kịch xảy ra trên thế giới mà dường như không thể lý giải được:

“Thượng Đế có thể ngăn chặn những bi kịch này không? Câu trả lời là: Có. Chúa là Đấng toàn năng, với tất cả quyền năng để kiểm soát cuộc sống của chúng ta, cứu chúng ta khỏi đau đớn, ngăn ngừa mọi tai nạn, … thậm chí [bảo vệ chúng ta] khỏi cái chết, nếu Ngài muốn. Nhưng Ngài sẽ không làm thế. …

“Nếu tất cả những người bệnh mà chúng ta cầu nguyện cho đều được chữa lành, nếu tất cả những người ngay chính đều được bảo vệ và kẻ ác bị hủy diệt, thì toàn bộ chương trình của Đức Chúa Cha sẽ bị hủy bỏ và nguyên tắc cơ bản của phúc âm, quyền tự quyết, sẽ kết thúc. Không có người nào sẽ phải sống bằng đức tin. …

“… Nếu chúng ta đóng cửa khi đau khổ và buồn phiền, chúng ta có thể ngăn cách những người bạn và những ân nhân lớn nhất của chúng ta. Sự đau khổ có thể làm cho mọi người trở nên các thánh hữu khi họ biết kiên nhẫn, chịu đựng lâu dài và tự chủ. …

“… Tôi biết ơn rằng ngay cả qua chức tư tế, tôi cũng không thể chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Tôi có thể chữa lành những người sắp chết. Tôi có thể làm giảm bớt nỗi đau khổ cho những người đang khổ sở. Nhưng tôi sợ rằng tôi sẽ làm hỏng các mục đích của Thượng Đế.

“Tôi có sức mạnh vô hạn, nhưng với tầm nhìn và sự hiểu biết hạn chế, tôi có thể đã cứu A Bi Na Đi khỏi ngọn lửa khi ông bị đốt cháy trên cột gỗ, và nếu làm như vậy, tôi có thể đã gây hại cho ông một cách không thể khắc phục được. Ông đã chết như một người tuẫn đạo và nhận được phần thưởng của một người tuẫn đạo—sự tôn cao.

“Tôi chắc chắn sẽ bảo vệ Phao Lô chống lại tai họa của ông nếu sức mạnh của tôi là vô biên. Tôi chắc chắn sẽ chữa lành ông khỏi ‘cái dằm xóc vào thịt.’ [2 Cô Rinh Tô 12:7.] Và nếu làm như vậy thì tôi có thể đã làm hỏng chương trình của Chúa. …

“Tôi sợ rằng nếu tôi đã ở trong ngục thất Carthage vào ngày 27 tháng 6 năm 1844, tôi có thể đã làm chệch hướng những viên đạn xuyên qua cơ thể của Vị Tiên Tri [Joseph Smith] và Tộc Trưởng [Hyrum Smith]. Tôi có thể đã cứu họ khỏi những đau khổ và buồn phiền, nhưng làm họ mất cái chết và phần thưởng của một người tuẫn đạo. …

“Với sức mạnh không kiểm soát được như vậy, tôi chắc chắn sẽ cảm thấy nên bảo vệ Chúa Giê Su Ky Tô khỏi nỗi thống khổ trong vườn Ghết Sê Ma Nê, những lời lăng mạ, mão gai, sự phẫn nộ trong tòa án và những vết thương thể xác. Tôi sẽ kiểm soát những vết thương của Ngài và chữa lành chúng, cho Ngài nước mát thay vì giấm. Tôi có thể cứu Ngài khỏi đau khổ và cái chết, và làm thế giới mất đi sự hy sinh chuộc tội của Ngài. …

“Khi đối mặt với bi kịch hiển nhiên, chúng ta phải đặt niềm tin vào Thượng Đế, biết rằng mặc cho quan điểm hạn chế của chúng ta, mục đích của Ngài sẽ không thất bại” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [năm 2006], trang 14–17, 20).

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Khuyến khích việc siêng năng học hỏi. “Khi các anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, thay vì nghĩ: ‘Tôi sẽ làm gì để giảng dạy?’ thì hãy tự hỏi: ‘Các học viên của tôi sẽ làm gì để học hỏi?’” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 29).