Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 7–13 tháng Mười Một. Ô Sê 1–6; 10–14; Giô Ên: “Ta Sẽ Lấy Lòng Tốt Yêu Chúng Nó”


“Ngày 7–13 tháng Mười Một. Ô Sê 1–6; 10–14; Giô Ên: ‘Ta Sẽ Lấy Lòng Tốt Yêu Chúng Nó,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 7–13 tháng Mười Một. Ô Sê 1–6; 10–14; Giô Ên,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
cô dâu và chú rể trong khuôn viên đền thờ

Ngày 7–13 tháng Mười Một

Ô Sê 1–6; 10–14; Giô Ên

“Ta Sẽ Lấy Lòng Tốt Yêu Chúng Nó”

Hãy mời Thánh Linh dự phần vào việc học hỏi về Ô Sê và Giô Ên của anh chị em. Ghi chú lại các sứ điệp từ những ấn tượng của Thánh Linh trong tấm lòng và tâm trí anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Giao ước của Y Sơ Ra Ên với Chúa vốn rất sâu sắc và giàu ý nghĩa đến nỗi Chúa đã so sánh giao ước đó với một cuộc hôn nhân. Giao ước này, giống một cuộc hôn nhân, bao gồm sự cam kết vĩnh cửu, những kinh nghiệm cùng san sẻ, việc xây dựng cuộc sống với nhau, lòng chung thủy trọn vẹn, và nhất là, tình yêu thương hết lòng. Sự tận tâm như vậy đi cùng với những kỳ vọng cao—và hậu quả bi thảm khi bội ước. Qua tiên tri Ô Sê, Thượng Đế đã mô tả một số hậu quả mà dân Y Sơ Ra Ên đối mặt do vi phạm giao ước của họ. Và mặc dù vậy, sứ điệp của Ngài không phải là “Ta sẽ chối bỏ ngươi mãi mãi bởi sự phản bội của ngươi.” Thay vì vậy, sứ điệp của Ngài là “Ta sẽ mời người quay trở lại” (xin xem Ô Sê 2:14–15). “Ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự công bình,” Chúa đã tuyên phán (Ô Sê 2:19). “Ta sẽ chữa lành sự bội nghịch của chúng nó. Ta sẽ lấy lòng tốt yêu chúng nó” (Ô Sê 14:4). Đây cũng là sứ điệp mà Ngài ban cho chúng ta ngày nay khi chúng ta tìm cách sống theo các giao ước của mình với tình yêu thương và lòng tận tụy.

Giô Ên đã chia sẻ một sứ điệp tương tự: “Khá trở lại cùng Giê Hô Va Đức Chúa Trời các ngươi; vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn” (Giô Ên 2:13). “Đức Giê Hô Va là nơi ẩn náu cho dân mình, là đồn lũy cho con cái Y Sơ Ra Ên” (Giô Ên 3:16). Trong khi đọc Ô Sê và Giô Ên, hãy suy ngẫm về mối quan hệ của riêng anh chị em với Chúa. Hãy nghĩ về cách mà lòng chung thủy của Ngài soi dẫn cho anh chị em cũng một lòng một dạ với Ngài.

Để có thông tin khái quát về các sách Ô Sê và Giô Ên, xin xem “Ô Sê” và “Giô Ên” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ô Sê 1–3; 14

Chúa luôn luôn mời gọi tôi quay trở về với Ngài.

Vợ của Ô Sê là Gô Me, không chung thủy với ông, và Thượng Đế đã dùng sự kiện đáng buồn này để dạy dân Y Sơ Ra Ên về điều Ngài cảm thấy về họ và giao ước của họ với Ngài. Trong khi anh chị em đọc Ô Sê 1–3, hãy suy ngẫm cách Chúa nhìn nhận mối quan hệ của Ngài với dân giao ước Ngài. Anh chị em có thể suy ngẫm những cách thức mà anh chị em, giống như dân Y Sơ Ra Ên, có thể không trung tín với Chúa và cách Ngài đã tìm đến anh chị em. Ví dụ, Ô Sê 2:14–23Ô Sê 14 dạy anh chị em điều gì về tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa? Làm thế nào anh chị em cho Ngài thấy tình yêu thương và lòng trung thành của mình?

Xin xem thêm Dieter F. Uchtdorf, “Điểm Trở Về An Toàn,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 99–101.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang ngồi trên đất với người đàn ông đặt tay lên đầu

Gô Mê tội lỗi, người đại diện cho Y Sơ Ra Ên, được Chúa ban cho sự cứu chuộc. Hình minh họa do Deb Minnard thực hiện, có bản quyền từ goodsalt.com

Ô Sê 6:4–7; Giô Ên 2:12–13

Sự tận tâm với Thượng Đế phải được cảm nhận từ bên trong, chứ không chỉ bày tỏ ngoài mặt.

Chúa đã truyền lệnh cho dân Ngài dâng của lễ hy sinh bằng thú vật. Nhưng ngay cả khi dân chúng trong thời của Ô Sê vẫn tuân theo luật pháp này, thì họ vẫn đang vi phạm các lệnh truyền quan trọng hơn (xin xem Ô Sê 6:4–7). Anh chị em nghĩ ý nghĩa của việc Chúa “ưa sự nhân từ và không ưa của lễ, ưa sự nhận biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu” là gì? (Ô Sê 6:6). Anh chị em nghĩ sự ngay chính giống như đám mây hoặc như giọt sương có nghĩa là gì? Sự ngay chính của chúng ta cần phải giống cái gì? (xin xem Ê Sai 48:18; 1 Nê Phi 2:9–10).

Anh chị em cũng có thể đọc Ma Thi Ơ 9:10–13; 12:1–8 để thấy cách Đấng Cứu Rỗi sử dụng Ô Sê 6:6 trong giáo vụ của Ngài. Các đoạn này giúp anh chị em hiểu những lời của Ô Sê như thế nào?

Khi đọc Giô Ên 2:12–13, có thể là điều hữu ích để biết rằng theo truyền thống, việc xé áo quần của một người là một dấu hiệu tỏ ra bên ngoài của sự than khóc hoặc ăn năn (để có ví dụ, xin xem 2 Sử Ký 34:14–21,27). Việc xé lòng chúng ta khác với xé trang phục của chúng ta như thế nào?

Xin xem thêm Ê Sai 1:11–17; Ma Thi Ơ 23:23; 1 Giăng 3:17–18.

Giô Ên 2

“Ta sẽ đổ Thần ta trên cả loài xác thịt.”

Khi Giô Ên tiên tri về “ngày Đức Giê Hô Va đến,” ông mô tả ngày đó là “ngày mờ mịt và tối tăm,” “lớn và đáng khiếp” (Giô Ên 2:1–2, 11). Y Sơ Ra Ên đã đối mặt với nhiều ngày lớn và khủng khiếp trong lịch sử của họ, và dân giao ước của Thượng Đế sẽ còn đối mặt với thêm nhiều ngày như vậy trong tương lai. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về lời khuyên dạy Chúa ban trong Giô Ên 2:12–17? Cũng hãy lưu ý những phước lành Ngài hứa trong Giô Ên 2:18–32. Tại sao những phước lành được hứa trong các câu 27–32 đặc biệt có giá trị trong những thời kỳ như được mô tả trong Giô Ên 2, kể cả thời đại chúng ta?

Anh chị em nghĩ việc Chúa sẽ “đổ Thần [của Ngài] trên các loài xác thịt” có nghĩa là gì? (Giô Ên 2:28). Những lời tiên tri trong Giô Ên 2:28–29 đang được ứng nghiệm như thế nào? (Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1–21; Joseph Smith—Lịch Sử 1:41.)

Anh chị em có thể suy ngẫm những lời này từ Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, hướng dẫn, và an ủi liên tục của Đức Thánh Linh” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96). Tại sao sự mặc khải là thiết yếu đối với sự tồn tại thuộc linh của chúng ta? Bằng cách nào anh chị em có thể gia tăng khả năng của mình để tiếp nhận sự mặc khải cá nhân?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ô Se 2:19–20.Chúa đã sử dụng phép ẩn dụ về cuộc hôn nhân để mô tả mối quan hệ giao ước của Ngài với Y Sơ Ra Ên (xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Chàng Rể,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Gia đình anh chị em có thể thảo luận lý do tại sao hôn nhân có thể là một phép ẩn dụ tốt cho các giao ước của chúng ta với Thượng Đế. Ô Sê 2:19–20 giúp chúng ta hiểu điều Thượng Đế cảm nhận về mình như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể trung tín với các giao ước của chúng ta với Ngài?

Ô Sê 10:12.Trẻ em có thể thích vẽ hình một cái đồng hồ và hoạch định những cách mà chúng có thể tìm kiếm Chúa vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

Giô Ên 2:12–13.Để giúp gia đình anh chị em trò chuyện về Giô Ên 2:12–13, anh chị em có thể đặt một bức hình Đấng Cứu Rỗi ở một phía của căn phòng và từ tội lỗi ở phía đối diện. Hãy mời mọi người trong gia đình lần lượt quay mặt về phía tấm bảng ghi chữ rồi quay về phía Đấng Cứu Rỗi khi họ chia sẻ những điều có thể giúp chúng ta hướng về Ngài “hết lòng mình.” Khuyến khích mọi người nghĩ về tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của họ, kể cả các sinh hoạt, công việc, trường học, và các mối quan hệ.

Giô Ên 2:28–29.Việc Thánh Linh được “đổ” trên chúng ta có nghĩa là gì? Có lẽ anh chị em có thể minh họa điều này bằng cách đổ một chất lỏng và rồi so sánh việc đó với việc để chất lỏng nhỏ giọt hoặc chảy với lượng nhỏ.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Hãy Làm Điều Tốt,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 34.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy giảng dạy giáo lý. “[Đừng] bao giờ bỏ qua cơ hội quy tụ con cái lại để học hỏi về giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Những giây phút như vậy rất hiếm nếu so với các nỗ lực của kẻ nghịch thù” (Henry B. Eyring, “The Power of Teaching Doctrine,” Ensign, tháng Năm năm 1999, trang 74).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su đứng ở ngưỡng cửa

Hãy Đến Cùng Ta, tranh do Kelly Pugh họa