Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 13–19 tháng Sáu. 1 Sa Mu Ên 8–10; 13; 15–18: “Đức Giê Hô Va là Chúa của Chiến Trận”


“Ngày 13–19 tháng Sáu. 1 Sa Mu Ên 8–10; 13; 15–18: ‘Đức Giê Hô Va là Chúa của Chiến Trận,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 13–19 tháng Sáu. 1 Sa Mu Ên 8–10; 13; 15–18,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
thiếu niên Đa Vít với cái trành ném đá

David and Goliath (Đa Vít và Gô Li Át), tranh do Steve Nethercott họa

Ngày 13–19 tháng Sáu

1 Sa Mu Ên 8–10; 13; 15–18

“Đức Giê Hô Va là Chúa của Chiến Trận”

Những gợi ý trong đại cương này có thể giúp anh chị em nhận ra một vài nguyên tắc quan trọng trong các chương này. Anh chị em có thể tìm thấy các nguyên tắc khác trong khi học.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Kể từ khi các chi tộc Y Sơ Ra Ên cư ngụ tại đất hứa, dân Phi Li Tin đã luôn là một mối đe dọa cho sự an toàn của họ. Nhiều lần trong quá khứ, Chúa đã giải thoát cho dân Y Sơ Ra Ên khỏi kẻ thù của họ. Nhưng giờ đây các trưởng lão Y Sơ Ra Ên lại yêu cầu: “Phải có một vua … [để] đi trước đầu chúng tôi, mà đánh giặc cho chúng tôi” (1 Sa Mu Ên 8:19–20). Chúa nhượng bộ ý muốn của họ, và Sau Lơ được xức dầu làm vua. Mặc dù vậy khi gã khổng lồ đầy dọa nạt Gô Li Át đưa ra lời thách đấu với các đạo quân Y Sơ Ra Ên, Sau Lơ—cũng như cả quân đội mình—đều “sợ hãi lắm” (1 Sa Mu Ên 17:11). Vào ngày đó, không phải Vua Sau Lơ đã cứu Y Sơ Ra Ên mà chính là một thiếu niên chăn cừu khiêm nhường có tên Đa Vít, chẳng mặc áo giáp gì cả mà chỉ khoác lên mình một đức tin nơi Chúa không gì xuyên thủng được. Trận chiến này đã chứng tỏ với Y Sơ Ra Ên, và với bất kỳ ai đang lâm vào những trận chiến thuộc linh, rằng “Đức Giê Hô Va không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo,” và rằng “Đức Giê Hô Va là Chúa của chiến trận” (1 Sa Mu Ên 17:47).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

1 Sa Mu Ên 8

Chúa Giê Su Ky Tô chính là Vua của tôi.

Trong khi anh chị em đọc 1 Sa Mu Ên 8, hãy lưu ý điều Chúa cảm thấy về mong muốn của dân Y Sơ Ra Ên để có một vị vua khác ngoài Ngài. Việc chọn Chúa để “cai trị [anh chị em]” có nghĩa là gì? (1 Sa Mu Ên 8:7). Anh chị em cũng có thể nghĩ về những cách mà mình bị cám dỗ để thuận theo những khuynh hướng bất chính của thế gian thay vì nghe theo Chúa. Làm thế nào anh chị em có thể cho thấy rằng mình muốn Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Vua Vĩnh Cửu của mình?

Xin xem thêm Các Quan Xét 8:22–23; Mô Si A 29:1–36; Neil L. Andersen, “Thắng Thế Gian,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 58–62.

1 Sa Mu Ên 9:15–17; 10:1–12; 16:1–13

Thượng Đế kêu gọi con người bằng lời tiên tri để phục vụ trong vương quốc Ngài.

Thượng Đế đã chọn Sau Lơ và Đa Vít là vua qua lời tiên tri và sự mặc khải (xin xem 1 Sa Mu Ên 9:15–17; 10:1–12; 16:1–13). Đây cũng là cách Ngài kêu gọi những người nam và người nữ phục vụ trong Giáo Hội Ngài ngày nay. Anh chị em học được điều gì từ những câu chuyện này về ý nghĩa của việc “được Thượng Đế kêu gọi bằng lời tiên tri”? (Những Tín Điều 1:5). Các phước lành nào đến từ việc được kêu gọi và sắc phong bởi các tôi tớ có thẩm quyền của Chúa?

Hình Ảnh
Sa Mu Ên xức dầu cho Sau Lơ

Hình minh họa Sa Mu Ên xức dầu cho Sau Lơ, © Lifeway Collection/licensed từ goodsalt.com

1 Sa Mu Ên 13:5–14; 15

“Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ.”

Mặc dù Sau Lơ rất cao lớn về hình thể, nhưng ông cảm thấy “[nhỏ bé] tại mắt [mình]” khi ông trở thành vua (1 Sa Mu Ên 15:17). Tuy nhiên, khi được ban phước với thành công, ông bắt đầu tin cậy bản thân mình nhiều hơn so với tin cậy Chúa. Anh chị em thấy bằng chứng nào về điều này trong 1 Sa Mu Ên 13:5–14; 15? Nếu anh chị em ở cùng với Sau Lơ khi ấy, anh chị em sẽ nói điều gì với ông mà có thể giúp ông khắc phục được “sự bội nghịch” và “sự cố chấp” của mình? (1 Sa Mu Ên 15:23).

Xin xem thêm 2 Nê Phi 9:28–29; Hê La Man 12:4–5; Giáo Lý và Giao Ước 121:39–40; Thomas S. Monson, “Hãy Ban Bằng Cái Nẻo của Chân Con Đi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 86–88.

1 Sa Mu Ên 16:7

“Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng.”

Theo những cách thức nào mà con người ta hay phán xét những người khác “dựa vào vẻ bề ngoài”? Việc nhìn “thấy trong lòng,” giống như Chúa, có nghĩa là gì? (1 Sa Mu Ên 16:7). Hãy xem xét cách mà anh chị em có thể áp dụng nguyên tắc này vào cách mình nhìn nhận những người khác—và bản thân mình. Việc làm như vậy có thể ảnh hưởng đến những sự tương tác hoặc mối quan hệ của anh chị em với người khác ra sao?

1 Sa Mu Ên 17

Với sự giúp đỡ của Chúa, tôi có thể chiến thắng bất kỳ thử thách nào.

Trong khi anh chị em đọc 1 Sa Mu Ên 17, hãy suy ngẫm những lời nói của nhiều người khác nhau trong chương này (xin xem danh sách bên dưới). Những lời của họ tiết lộ điều gì về họ? Những lời nói của Đa Vít cho thấy lòng can đảm và đức tin của ông nơi Chúa như thế nào?

Hãy suy ngẫm về những trận chiến cá nhân mà anh chị em đang đối mặt. Anh chị em tìm thấy điều gì trong 1 Sa Mu Ên 17 mà củng cố đức tin của mình rằng Chúa có thể giúp đỡ mình?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

1 Sa Mu Ên 9:15–21; 16:7.Việc đọc các câu thánh thư này cùng với những lời sau đây của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf có thể soi dẫn cho một cuộc thảo luận về lý do Chúa đã chọn Sau Lơ và Đa Vít: “Nếu chúng ta nhìn bản thân mình chỉ qua đôi mắt trần, thì chúng ta có thể không thấy mình là đủ tốt. Nhưng Cha Thiên Thượng nhìn chúng ta theo con người thực sự của chúng ta và con người chúng ta có thể trở thành” (“Phúc Âm Rất Có Lợi Ích!Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 23). Có lẽ mọi người trong nhà có thể lần lượt nói về những phẩm chất tốt đẹp mà họ thấy trong tấm lòng của nhau (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7).

1 Sa Mu Ên 10:6–12.Có khi nào chúng ta thấy Thượng Đế ban phước cho một người nào đó với quyền năng thuộc linh để thực hiện một sự chỉ định hoặc sự kêu gọi giống như Ngài đã ban phước cho Sau Lơ? Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào khi “Đức Chúa Trời … đổi lòng [chúng ta] ra khác” hoặc “Thần của Đức Giê Hô Va cảm động [chúng ta]” trong khi phục vụ Ngài? (các câu 9–10).

1 Sa Mu Ên 17:20–54.Gia đình anh chị em có thể thích cùng nhau đọc câu chuyện về Đa Vít và Gô Li Át (“Đa Vít và Gô Li Át” trong Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước có thể hữu ích). Việc này có thể đưa đến một cuộc thảo luận về những thử thách chúng ta gặp phải mà có lẽ cảm thấy giống như “những gã Gô Li Át” đối với mình. Anh chị em cũng có thể viết một số những thử thách này lên một mục tiêu, hoặc vẽ hình Gô Li Át và lần lượt ném các vật (như các cục giấy vo tròn) vào nó.

Cũng có thể thú vị để đọc về áo giáp và các vũ khí mà Gô Li Át có (xin xem các câu 4–7). Đa Vít có gì? (xin xem các câu 38–40, 45–47). Chúa đã cung ứng điều gì để giúp chúng ta đánh bại những gã khổng lồ Gô Li Át của mình?

1 Sa Mu Ên 18:1–4.Đa Vít và Giô Na Than là bạn tốt với nhau ra sao? Những người bạn tốt ban phước cho chúng ta như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để là bạn bè tốt—kể cả với những người thân trong gia đình của mình?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Nào Cùng Nhau Bước Mạnh,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 10.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy thường xuyên chia sẻ chứng ngôn của anh chị em. “Lời chứng giản dị, chân thành của anh chị em về lẽ thật thuộc linh có thể có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến [gia đình của mình]. Một chứng ngôn mạnh mẽ nhất khi chứng ngôn đó thẳng thắn và chân thành. Chứng ngôn đó không cần phải hùng hồn hoặc dài dòng” (Giảng Dạy Theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 11).

Hình Ảnh
Đa Vít

Tranh minh họa Đa Vít, do Dilleen Marsh thực hiện