Kinh Cựu Ước năm 2022
Những Điều Cần Ghi Nhớ: Đền Tạm và Sự Hy Sinh


“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Đền Tạm và Sự Hy Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Đền Tạm và Sự Hy Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
hình biểu tượng ghi nhớ

Những Điều Cần Ghi Nhớ

Đền Tạm và Sự Hy Sinh

Trong khi chúng ta đọc Kinh Cựu Ước, đôi khi chúng ta tìm thấy những đoạn dài viết về những điều rõ ràng là quan trọng với Chúa nhưng có lẽ chúng ta cảm thấy không liên quan trực tiếp đến mình ngày nay. Xuất Ê Díp Tô Ký 25–30; 35–40; Lê Vi Ký 1–9; 16–17 là những ví dụ. Các chương này mô tả chi tiết đền tạm của Y Sơ Ra Ên trong đồng vắng và việc dâng các con vật làm của lễ hy sinh được thực hiện tại đó.1 Đền tạm là một đền thờ lưu động, là nơi Chúa ngự xuống giữa dân Ngài.

Các đền thờ hiện tại của chúng ta cũng tương tự như đền tạm của Y Sơ Ra Ên, nhưng chắc chắn là khác với lời mô tả trong Xuất Ê Díp Tô Ký. Và chúng ta không giết các con vật trong đền thờ của mình—Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã chấm dứt việc dâng các con thú làm của lễ hy sinh vào hơn 2.000 năm trước. Mặc dù có những sự khác biệt này, ngày nay, việc đọc về những hình thức thờ phượng của dân Y Sơ Ra Ên thời xưa vẫn có một giá trị lớn lao, đặc biệt nếu chúng ta nhìn nhận việc đó giống như dân của Thượng Đế trong Sách Mặc Môn đã làm—xem đó như một cách “giúp củng cố đức tin của họ nơi Đấng Ky Tô” (An Ma 25:16; xin xem thêm Gia Cốp 4:5; Gia Rôm 1:11). Khi chúng ta hiểu ý nghĩa tượng trưng của đền tạm và việc dâng thú vật làm của lễ hy sinh, chúng ta có thể có được những sự hiểu biết thuộc linh sâu sắc mà cũng sẽ củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng Ky Tô.

Hình Ảnh
dân chúng mang con chiên đến cho các thầy tư tế tại đền tạm

Hình ảnh minh họa dân Y Sơ Ra Ên mang một con chiên đến đền tạm, do Robert T. Barrett thực hiện

Đền Tạm Củng Cố Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Khi Thượng Đế truyền lệnh cho Môi Se xây cất một đền tạm trong trại dân Y Sơ Ra Ên, Ngài đã phán dạy mục đích của nó: “[để] ta sẽ ở giữa họ” (Xuất Ê Díp Tô Ký 25:8). Bên trong đền tạm, sự hiện diện của Thượng Đế được tượng trưng bởi hòm giao ước—một thùng gỗ được bọc vàng, chứa đựng biên sử viết về giao ước của Thượng Đế với dân Ngài (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 25:10–22). Hòm này được cất giữ trong gian phòng thiêng liêng nhất, nằm trong cùng, tách biệt với phần còn lại của đền tạm bởi một bức màn che. Bức màn này tượng trưng cho sự chia cắt chúng ta với sự hiện diện của Thượng Đế bởi Sự Sa Ngã.

Ngoài Môi Se, chúng ta biết là chỉ có duy nhất một người có thể bước vào “nơi chí thánh” đó (Xuất Ê Díp Tô Ký 26:34)—thầy tế lễ thượng phẩm. Giống với các thầy tế lễ khác, trước hết ông ấy phải được tắm và xức dầu (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 40:12–13) và mặc trang phục thiêng liêng tượng trưng cho chức phẩm của ông ấy (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 28). Mỗi năm một lần, vào ngày được gọi là Ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ dâng các của lễ hy sinh thay cho dân chúng trước khi một mình bước vào đền tạm. Tại bức màn che, ông ấy sẽ đốt hương (xin xem Lê Vi Ký 16:12). Làn khói hương bay lên trời tượng trưng cho những lời cầu nguyện của dân chúng dâng lên đến Thượng Đế (xin xem Thi Thiên 141:2). Rồi thầy tế lễ thượng phẩm mang theo máu của con vật hiến tế, đi qua tấm màn che và tiến đến ngai của Thượng Đế, được tượng trưng bởi hòm giao ước (xin xem Lê Vi Ký 16:14–15).

Khi đã biết về Chúa Giê Su Ky Tô và vai trò của Ngài trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng, anh chị em có thấy cách mà đền tạm hướng chúng ta đến Đấng Cứu Rỗi không? Cũng như đền tạm, và hòm giao ước bên trong đó, tượng trưng cho sự hiện diện của Thượng Đế giữa dân Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã là sự hiện diện của Thượng Đế ở giữa dân Ngài (xin xem Giăng 1:14). Giống như thầy tế lễ thượng phẩm, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Trung Gian giữa chúng ta và Thượng Đế Đức Chúa Cha. Ngài đã đi qua bức màn che để cầu xin cho chúng ta bởi máu từ sự hy sinh của chính Ngài (xin xem Hê Bơ Rơ 8–10).

Một vài khía cạnh về đền tạm của Y Sơ Ra Ên có thể quen thuộc với anh chị em, đặc biệt là nếu anh chị em đã đi đền thờ để tiếp nhận các giáo lễ cho chính mình. Giống với nơi chí thánh của đền tạm, căn phòng thượng thiên trong đền thờ tượng trưng cho sự hiện diện của Thượng Đế. Để bước vào, trước tiên, chúng ta phải được thanh tẩy và xức dầu. Chúng ta mặc trang phục thiêng liêng. Chúng ta cầu nguyện tại một bàn thờ mà từ đó những lời cầu nguyện sẽ lên đến Thượng Đế. Và cuối cùng, chúng ta đi qua một bức màn che để vào nơi hiện diện của Thượng Đế.

Có lẽ điểm giống nhau quan trọng nhất giữa các đền thờ ngày nay và đền tạm thời xưa là cả hai, nếu như được hiểu đúng, sẽ củng cố đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và làm chúng ta tràn đầy lòng biết ơn cho sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Thượng Đế mong muốn tất cả các con cái Ngài bước vào chốn hiện diện của Ngài; Ngài muốn cả “một nước thầy tế lễ” nam và nữ (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:6). Nhưng những tội lỗi của chúng ta ngăn cản chúng ta có được phước lành đó, vì “không một vật gì dơ bẩn có thể ở được cùng Thượng Đế” (1 Nê Phi 10:21). Vì thế, Thượng Đế Đức Chúa Cha đã gửi Chúa Giê Su Ky Tô đến, làm “thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau này” của chúng ta (Hê Bơ Rơ 9:11). Ngài vén bức màn che ra cho chúng ta và làm cho toàn thể dân của Thượng Đế “vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót” (Hê Bơ Rơ 4:16).

Ngày nay, mục đích của các đền thờ không chỉ nằm ở việc có được sự tôn cao cho bản thân chúng ta. Sau khi nhận được các giáo lễ cho chính mình, chúng ta đứng ra giúp các tổ tiên của mình bằng cách tiếp nhận các giáo lễ thay cho họ. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể trở thành giống như thầy tế lễ thượng phẩm thời xưa—cũng như Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Vĩ Đại—mở đường cho người khác bước vào nơi hiện diện của Thượng Đế.

Sự Hy Sinh Củng Cố Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Các nguyên tắc của sự chuộc tội và sự hòa giải được giảng dạy mạnh mẽ trong tập tục dâng thú vật làm của lễ hy sinh cổ xưa, mà đã tồn tại từ lâu trước khi có luật pháp Môi Se. Nhờ có phúc âm phục hồi, chúng ta biết rằng A Đam và Ê Va đã dâng của lễ hy sinh, hiểu được sự liên quan đầy tính biểu tượng của nó với sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi, và đã dạy con cái họ về điều này (xin xem Môi Se 5:4–12; xin xem thêm Sáng Thế Ký 4:4).

Ý nghĩa biểu tượng của việc dâng thú vật làm của lễ hy sinh dường như đặc biệt thương tâm trong Ngày Lễ Chuộc Tội của Y Sơ Ra Ên thời xưa (gọi là “Yom Kippur” trong tiếng Hê Bơ Rơ). Sự cần thiết của nghi lễ hằng năm này được ghi rõ trong Lê Vi Ký 16:30: “Vì trong ngày đó người ta sẽ làm lễ chuộc tội cho các ngươi, để các ngươi được tinh sạch: chắc các ngươi sẽ được sạch những tội lỗi mình trước mặt Đức Giê Hô Va vậy.” Do đó sự hiện diện của Thượng Đế có thể tiếp tục ở giữa dân chúng. Sự chuộc tội này được thực hiện qua một loạt các nghi lễ. Một trong các nghi lễ này là một con dê bị giết để làm của lễ dâng cho tội lỗi của dân chúng, và thầy tế lễ thượng phẩm mang máu của con dê đó vào nơi chí thánh. Sau đó, thầy tế lễ thượng phẩm đặt tay ông lên một con dê sống và thú nhận những tội lỗi của con cái của Y Sơ Ra Ên—tượng trưng cho việc chuyển hết những tội lỗi đó sang cho con dê. Rồi con dê đó bị đuổi khỏi trại của dân Y Sơ Ra Ên.

Trong nghi thức này, các con dê tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô, gánh lấy tội lỗi của dân chúng. Tội lỗi không được phép tồn tại trong sự hiện diện của Thượng Đế. Nhưng thay vì hủy diệt hoặc đuổi những người phạm tội đi, Thượng Đế cung ứng một cách khác—đó là một con dê phải bị giết hoặc bị đuổi đi. “Vậy, con dê đực đó sẽ gánh trên mình các tội ác của dân Y Sơ Ra Ên” (Lê Vi Ký 16:22).

Tính biểu tượng của các nghi thức này chỉ ra cách mà Thượng Đế đã cung ứng để mang chúng ta trở về nơi hiện diện của Ngài—đó là Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Đấng Cứu Rỗi “đã mang sự đau khổ của chúng ta, và gánh lấy sự sầu muộn của chúng ta,” kể cả “tội lỗi của hết thảy chúng ta” (Ê Sai 53:4, 6). Ngài hiểu rõ hoàn cảnh của chúng ta, trao mạng sống của Ngài để trả giá cho tội lỗi, và rồi chiến thắng cái chết qua Sự Phục Sinh của Ngài (xin xem Mô Si A 15:8–9). Sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô là “sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng; phải, đó không phải là sự hy sinh của một người nào, cũng không phải một con vật nào” nhưng là “một sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu” (An Ma 34:10). Ngài làm trọn mọi điều mà những sự hy sinh thời xưa hướng tới.

Vì lý do này, sau khi sự hy sinh của Ngài đã hoàn tất, Ngài phán rằng: “Các ngươi sẽ không còn dâng hiến cho ta sự đổ máu nữa; phải, các của lễ hy sinh … sẽ được hủy bỏ. … Và các ngươi chỉ phải hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh” (3 Nê Phi 9:19–20).

Vì thế khi anh chị em thấy những đoạn trong Kinh Cựu Ước về của lễ hy sinh và đền tạm (hoặc sau này là đền thờ)—và anh chị em sẽ thấy những đoạn đó rất nhiều—thì hãy nhớ rằng mục đích chính yếu của tất cả những đoạn đó là để củng cố đức tin của anh chị em nơi Đấng Mê Si, tức là Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy để cho tấm lòng và tâm trí mình hướng về Ngài. Suy ngẫm điều Ngài đã làm để mang anh chị em trở về nơi hiện diện của Thượng Đế—và điều anh chị em sẽ làm để đi theo Ngài.

Ghi Chú

  1. Xuất Ê Díp Tô Ký 33:7–11 có nói đến một “hội mạc,” nơi Môi Se thưa chuyện với Chúa, nhưng đây không phải là nơi để dâng các của lễ hy sinh được mô tả trong Xuất Ê Díp Tô Ký và Lê Vi Ký. Những của lễ hy sinh đó được thực hiện trong đền tạm được mô tả trong Xuất Ê Díp Tô Ký 25–30, do Thượng Đế phán truyền cho Môi Se xây cất và chính là công trình mà con cái của Y Sơ Ra Ên đã dựng lên (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 35–40). Đền tạm này, nơi mà A Rôn và các con trai ông thực hiện hiến tế các con vật, cũng thường được đề cập đến là “hội mạc” (để có ví dụ, xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 28:43; 38:30; Lê Vi Ký 1:3).