Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 12–18 tháng Tám. Rô Ma 7–16: ‘Hãy Lấy Điều Thiện Thắng Điều Ác’


“Ngày 12–18 tháng Tám. Rô Ma 7–16: ‘Hãy Lấy Điều Thiện Thắng Điều Ác’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)

“Ngày 12–18 tháng Tám. Rô Ma 7–16,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019

Hình Ảnh
La Mã

Ngày 12–18 tháng Tám

Rô Ma 7–16

“Hãy Lấy Điều Thiện Thắng Điều Ác”

Chỉ có một vài nguyên tắc phúc âm trong Rô Ma 7–16 có thể được bao gồm trong đại cương này, vì vậy không nên tự giới hạn mình chỉ học về những điều sẽ được đề cập đến ở đây. Chú ý đến sự soi dẫn anh chị em nhận được trong khi học.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Khi Phao Lô mở bức thư của ông gửi cho dân La Mã, ông chào đón các tín hữu Giáo Hội ở Rô Ma bằng cách gọi họ là “những người yêu dấu của Đức Chúa Trời” là những người “được gọi làm thánh đồ.” Ông nhận xét rằng “đức tin [của họ] đã đồn khắp cả thế gian” (Rô Ma 1:7–8). Mặc dù Phao Lô dành ra hầu hết bức thư của ông sửa chỉnh những ý tưởng sai lạc và hành vi sai lầm, dường như ông cũng muốn bảo đảm với những người cải đạo Ky Tô hữu mới này rằng họ thực sự là Các Thánh Hữu yêu dấu của Thượng Đế. Bằng cách khiêm nhường cho thấy sự đồng cảm, Phao Lô thừa nhận rằng đôi khi ông cảm thấy như là một kẻ “khốn nạn” (Rô Ma 7:24), nhưng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho ông quyền năng để khắc phục tội lỗi (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Rô Ma 7:22–27). Ông tiếp tục chia sẻ lời khuyên bảo dịu dàng cho tất cả chúng ta là những người vật lộn với việc cảm thấy được yêu thương và những người dường như khó cảm thấy tinh thần thánh thiện. Ông nói “Đừng để điều ác thắng mình,” —cả điều ác trên thế gian và điều ác bên trong mình—“nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô Ma 12:21).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập riêng cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân

Rô Ma 7–8

Nếu tôi tuân theo Thánh Linh, tôi có thể khắc phục tội lỗi và chuẩn bị cho sự thừa kế với Thượng Đế.

Thậm chí ngay sau khi bước vào một “đời mới” qua giáo lễ báp têm (Rô Ma 6:4), có lẽ anh chị em đã cảm thấy có phần nào mâu thuẫn nội tâm mà Phao Lô đã mô tả trong Rô Ma 7—sự “giao chiến” giữa con người thiên nhiên và ước muốn ngay chính của chúng ta (Rô Ma 7:23). Nhưng Phao Lô cũng nói về niềm hy vọng trong Rô Ma 8:23–25. Những lý do nào cho niềm hy vọng này anh chị em tìm thấy trong chương 8? Anh chị em cũng có thể tìm kiếm những phước lành đến từ việc có “Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình” (Rô Ma 8:9). Làm thế nào anh chị em có thể tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh nhiều hơn trong cuộc sống của mình?

Rô Ma 8:17–39

Vinh quang vĩnh cửu mà chờ đợi người trung tín thì lớn lao hơn nhiều so với những thử thách trên trần thế.

Chỉ vài năm sau khi Phao Lô viết bức thư này, Các Thánh Hữu ở La Mã đã phải chịu đựng sự ngược đãi khủng khiếp. Anh chị em tìm thấy gì trong Rô Ma 8:17–39 mà có thể đã giúp Các Thánh Hữu này khi họ bị ngược đãi? Những lời này áp dụng cho anh chị em và những thử thách anh chị em hiện đang gặp phải như thế nào?

Tìm kiếm những mối liên hệ giữa các câu này và lời khuyên này từ Chị Linda S. Reeves: “Tôi không biết lý do tại sao chúng ta có rất nhiều thử thách như vậy, nhưng thưa các chị em, cá nhân tôi nghĩ rằng phần thưởng là rất lớn, vĩnh cửu và trường cửu, đầy niềm vui và vượt quá sự hiểu biết của chúng ta đến nỗi trong ngày nhận phần thưởng đó, chúng ta có thể cảm thấy phải thưa với Đức Chúa Cha đầy lòng thương xót và nhân từ: ‘Chỉ đòi hỏi bao nhiêu thôi sao!’ Tôi tin rằng nếu hàng ngày chúng ta có thể ghi nhớ và nhận ra mức độ sâu thẳm của tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi dành cho mình, thì chúng ta sẽ sẵn lòng làm bất cứ điều gì hai Ngài yêu cầu để được trở lại nơi hiện diện của hai Ngài một lần nữa. Điều chúng ta đã chịu đựng ở đây sẽ quan trọng không nếu cuối cùng, những thử thách đó chính là những điều làm cho chúng ta xứng đáng với cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao trong vương quốc của Thượng Đế với Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Rỗi?” (“Xứng Đáng với Các Phước Lành Đã Được Hứa của Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 11).

Quyết định điều anh chị em sẽ làm để “hàng ngày ghi nhớ và nhận ra” tình yêu thương của Thượng Đế cho anh chị em.

Rô Ma 8:29–30; 9–11

Phao Lô có ý nói gì bằng từ “định sẵn,” “lựa chọn,” và “biết trước”?

Phao Lô sử dụng những từ này để dạy rằng một số con cái của Thượng Đế đã được định sẵn, hoặc chỉ định trước, để nhận được các phước lành và bổn phận đặc biệt để họ có thể ban phước cho tất cả các quốc gia trên thế giới (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tuyển Chọn, Sự”). Điều này dựa vào sự biết trước của Thượng Đế về sự sẵn lòng của con cái Ngài để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và trở nên giống Ngài (xin xem thêm Ê Phê Sô 1:3–4; 1 Phi E Rơ 1:2). Tuy nhiên, Phao Lô nhấn mạnh trong Rô Ma 9–11 rằng bất kể cách thức nào mà chúng ta vào gia tộc Y Sơ Ra Ên—hoặc trở thành một tín hữu của Giáo Hội—thì tất cả mọi người đều cần phải nhận được sự cứu rỗi cá nhân qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và vâng theo các giáo lệnh của Ngài.

Để có thêm thông tin, xin xem An Ma 13:1–5.

Rô Ma 12–16

Phao Lô mời gọi tôi trở thành một Thánh Hữu chân chính và tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Năm chương cuối cùng của sách Rô Ma chứa đựng hàng chục những lời chỉ dẫn cụ thể về cách Các Thánh Hữu nên sống. Anh chị em có thể không áp dụng tất cả lời khuyên này một lúc, nhưng hãy lắng nghe Thánh Linh, và Ngài có thể giúp anh chị em tìm thấy một hoặc hai lời khuyên anh chị em có thể bắt đầu làm theo ngày hôm nay. Chia sẻ những ước muốn của anh chị em với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện, và cầu xin sự giúp đỡ của Ngài.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:

Rô Ma 7:23

Để giúp gia đình anh chị em hiểu thêm về từ “giao chiến” mà Phao Lô đã mô tả trong câu này, hãy cân nhắc việc chia sẻ câu chuyện về chó sói trong bài viết của Anh Cả Shayne M. Bowen “Agency and Accountability” (New Era, Sept. 2012, 8–9).

Rô Ma 9:31–32

Sứ điệp của Anh Cả Wilford W. Andersen “Âm Nhạc của Phúc Âm” (Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 54–56) có thể giúp minh họa điều Phao Lô giảng dạy về luật pháp, việc làm, và đức tin. Gia đình anh chị em có thể thích thảo luận về bài nói chuyện này và thử nhảy có nhạc và không có nhạc. Nhảy không có nhạc giống với việc tuân theo phúc âm mà không có đức tin như thế nào?

Hình Ảnh
cha và con gái đang khiêu vũ

Anh Cả Wilford W. Andersen dạy rằng: “Âm nhạc của phúc âm là [một] cảm nghĩ thuộc linh vui vẻ.”

Rô Ma 10:17; 15:4

Làm thế nào việc học lời của Thượng Đế mang đến các phước lành cho chúng ta như được mô tả trong các câu này? Có lẽ những người trong gia đình có thể chia sẻ một số câu thánh thư ưa thích của họ (xin xem thêm 2 Nê Phi 25:26).

Rô Ma 12

Làm cho bản thân chúng ta là “của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” có nghĩa là gì? (Rô Ma 12:1).

Rô Ma 14:13–21

Gia đình anh chị em có thể hưởng lợi ích từ việc nghiên cứu lời khuyên của Phao Lô về sự xét đoán và việc tranh cãi về những ưu tiên cá nhân của người khác. Có lẽ anh chị em có thể thảo luận những cách thức thích hợp để đáp ứng khi sự lựa chọn của người khác khác của mình. Làm thế nào chúng ta có thể có ý thức hơn về cách sự lựa chọn của mình ảnh hưởng đến người khác?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Để cho trẻ em biểu lộ sự sáng tạo của chúng. “Khi mời trẻ em sáng tạo một điều gì đó liên quan đến một nguyên tắc phúc âm, các anh chị em giúp chúng hiểu rõ hơn nguyên tắc đó. … Cho phép chúng lắp ráp, vẽ, tô màu, viết, và sáng tạo.” (xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 25).

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô với hai bàn tay dang rộng

Abide with Me (Hãy Cứ ở Trong Ta), tranh của Del Parson