Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 3–9 tháng Hai. 2 Nê Phi 1–5: “Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc”


“Ngày 3–9 tháng Hai. 2 Nê Phi 1–5: ‘Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (2020)

“Ngày 3–9 tháng Hai. 2 Nê Phi 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
A Đam và Ê Va rời khỏi Vườn Ê Đen

Adam and Eve (A Đam và Ê Va), tranh do Douglas Fryer họa

Ngày 3–9 tháng Hai

2 Nê Phi 1–5

“Chúng Tôi Được Sống Trong Hạnh Phúc”

Thánh thư có thể mở cánh cửa dẫn đến sự mặc khải cá nhân. Trong khi đọc 2 Nê Phi 1–5, anh chị em có thể tìm ra Chúa có một điều cụ thể nào đó muốn dạy cho anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Nếu biết rằng cuộc đời mình sắp kết thúc, thì anh chị em sẽ muốn chia sẻ những lời nhắn nhủ cuối cùng nào với những người mình yêu thương nhất? Khi tiên tri Lê Hi cảm thấy đang gần đất xa trời, ông đã tụ họp con cái mình lại một lần cuối để tiên tri và chia sẻ các lẽ thật phúc âm mà ông yêu mến với những người ông yêu thương. Ông dạy về sự tự do, sự vâng lời, Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, sự cứu chuộc qua Chúa Giê Su Ky Tô, và niềm vui. Không phải tất cả con cái ông chấp nhận chứng ngôn cuối cùng của ông, nhưng những người đã chấp nhận—cùng với hàng triệu người đọc chứng ngôn đó ngày nay—đã tìm thấy trong đó những nguyên tắc để sống “trong hạnh phúc” (2 Nê Phi 5:27).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

2 Nê Phi 2

Tôi được tự do lựa chọn cuộc sống vĩnh cửu.

Anh Cả D. Todd Christofferson đã nói rằng: “Thượng Đế muốn con cái của Ngài phải hành động theo quyền tự quyết về mặt đạo đức mà Ngài đã ban cho họ. … Chính là kế hoạch của Ngài và ý muốn của Ngài rằng chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định trong cuộc đời mình” (“Được Tự Do Mãi Mãi, Tự Hành Động Lấy Một Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 16). Trong những lời giảng dạy của ông về quyền tự quyết, Lê Hi đã nêu ra các điều kiện thiết yếu để có thể có được quyền tự quyết và làm cho chúng ta có khả năng đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình, gồm có như sau:

  1. Sự hiểu biết điều thiện và điều ác (2 Nê Phi 2:5)

  2. Luật pháp được ban cho loài người (2 Nê Phi 2:5)

  3. Những sự lựa chọn tương phản, đầy hấp dẫn (2 Nê Phi 2:11)

  4. Quyền để hành động (2 Nê Phi 2:16)

Khi đọc 2 Nê Phi 2, anh chị em học được gì về mỗi điều kiện này của quyền tự quyết và mối liên hệ của chúng với nhau? Điều gì sẽ xảy ra với quyền tự quyết của chúng ta nếu thiếu đi một hoặc nhiều điều kiện này? Anh chị em học được điều gì khác về quyền tự quyết từ những lời của Lê Hi?

2 Nê Phi 2:22–29

Sự Sa Ngã và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là những phần thiết yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Nhiều người coi Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va là một bi kịch. Tuy nhiên, những lời Lê Hi giảng dạy về Sự Sa Ngã tiết lộ lý do tại sao đó là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng cho sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Khi đọc các câu này, anh chị em hãy tìm lý do tại sao Sự Sa Ngã cần phải xảy ra để cho chúng ta—con cái của Cha Thiên Thượng—tiến triển. Bằng cách nào sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi đã cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã?

Xin xem thêm Môi Se 5:9–12; 6:51–62; “Sa Ngã của A Đam và Ê Va, Sự,” Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, topics.ChurchofJesusChrist.org.

2 Nê Phi 3:6–24

Joseph Smith đã được tiền sắc phong để phục hồi phúc âm.

Phần cuối của 2 Nê Phi 3 có một lời tiên tri được ban cho Giô Sép ở Ai Cập về một vị tiên kiến trong tương lai mang cùng tên với ông (xin xem các câu 14–15)—Joseph Smith. Phần này cũng nói nhiều về sứ mệnh của Joseph Smith. Các câu 6–24 nói rằng Joseph Smith, một “vị tiên kiến chọn lọc,” sẽ làm gì để ban phước cho dân của Thượng Đế? Công việc của Joseph Smith đã “có một giá trị lớn lao” như thế nào đối với anh chị em?

Một phần quan trọng trong sứ mệnh của Joseph Smith là mang những điều được hậu tự của Joseph viết ra, có trong Sách Mặc Môn. Anh chị em học được gì từ chương này về tầm quan trọng của Sách Mặc Môn?

Xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 50:24–38 (trong phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư).

Hình Ảnh
tiên tri Joseph Smith

Prophet of the Lord (Vị Tiên Tri của Chúa), tranh do David Lindsley họa

2 Nê Phi 4:15–35

Tôi có thể hướng về Thượng Đế trong sự yếu kém của tôi.

Nê Phi vừa mất đi người cha của ông. Trách nhiệm dẫn dắt gia đình giờ đây đè nặng lên vai ông. Ông cảm thấy bị vây quanh bởi cám dỗ và thất vọng vì những tội lỗi của mình. Dù là hoàn cảnh của anh chị em khác với Nê Phi nhưng anh chị em vẫn có thể hiểu được một số ý nghĩ và cảm xúc của ông được ghi lại trong 2 Nê Phi 4:15–35. Điều gì đã giúp Nê Phi trong những nỗi đau khổ của ông? Phản ứng của Nê Phi trước những thử thách của ông có thể giúp anh chị em đối mặt với những nỗi vất vả của mình như thế nào?

2 Nê Phi 5

Hạnh phúc có được khi sống theo phúc âm.

Các anh chị em định nghĩa hạnh phúc là gì? Nê Phi đã viết rằng dân ông sống “trong hạnh phúc” (2 Nê Phi 5:27). Anh chị em có thể tìm kiếm những sự lựa chọn của Nê Phi và dân ông mà đưa đến niềm hạnh phúc—cách họ hỗ trợ lẫn nhau cùng gia đình họ, điều họ trân quý trong cộng đồng mình, và vân vân. Anh chị em học được điều gì mà có thể giúp tạo nên một cuộc sống hạnh phúc, như dân của Nê Phi?

2 Nê Phi 5:20–21

Sự nguyền rủa nào đã giáng xuống dân La Man?

Trong thời kỳ của Nê Phi, dân La Man đã bị nguyền rủa rằng họ “bị loại trừ khỏi sự hiện diện [của Chúa] … vì những điều bất chính của họ” (2 Nê Phi 5:20–21). Điều này có nghĩa là Thánh Linh của Chúa bị rút khỏi cuộc sống của họ. Về sau, khi dân La Man chấp nhận phúc âm thì “sự rủa sả của Thượng Đế không còn theo họ nữa” (An Ma 23:18).

Sách Mặc Môn cũng nêu lên rằng dấu hiện của nước da đen đã giáng xuống dân La Man sau khi dân Nê Phi tách ra khỏi họ. Chúng ta không thể hiểu hết bản chất và sự biểu lộ bề ngoài của dấu hiệu này. Ban đầu, dấu hiệu này phân biệt dân La Man với dân Nê Phi. Về sau, khi cả dân Nê Phi và dân La Man đều đã trải qua những thời kỳ tà ác cũng như ngay chính thì dấu hiệu này không còn ý nghĩa là một dấu chỉ vị thế của dân La Man trước Thượng Đế nữa.

Các vị tiên tri đã khẳng định trong thời kỳ của chúng ta rằng nước da đen không phải là dấu của sự ghét bỏ hay nguyền rủa thiêng liêng. Giáo Hội tuân theo lời giảng dạy của Nê Phi rằng Chúa “không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ” (2 Nê Phi 26:33). Chủ Tịch Russell M. Nelson tuyên bố: “Chúa đã nhấn mạnh giáo lý thiết yếu của Ngài về cơ hội bình đẳng dành cho con cái Ngài. … Những sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, giới tính, sắc tộc, và quốc tịch dần trở nên vô nghĩa khi những người trung tín bước vào con đường giao ước và đến cùng Đấng Cứu Chuộc yêu quý của chúng ta” (“President Nelson Remarks at Worldwide Priesthood Celebration” [ngày 1 tháng Sáu năm 2018], newsroom.ChurchofJesusChrist.org).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh sẽ giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Sau đây là một số ý kiến.

2 Nê Phi 1:13–25

Các câu này dạy cho chúng ta điều gì về những ước muốn lớn lao nhất của một người cha hoặc mẹ ngay chính dành cho con cái mình?

2 Nê Phi 3:6

Hãy cùng nhau đọc “Vị Tiên Kiến” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Làm thế nào Joseph Smith là một vị tiên kiến? Tại sao chúng ta phải biết ơn cho công việc Joseph Smith đã thực hiện? (xin xem 2 Nê Phi 3:6–24).

2 Nê Phi 4:20–25

Khi cùng nhau đọc 2 Nê Phi 4:20–25, anh chị em hãy ngừng lại sau mỗi câu, và mời các thành viên gia đình chia sẻ lúc họ đã trải qua hoặc cảm nhận được điều Nê Phi mô tả. Thượng Đế đã làm gì cho gia đình anh chị em?

2 Nê Phi 5

Một số cách thức nào cho thấy gia đình anh chị em đang sống “trong hạnh phúc”? Khi gia đình đọc 2 Nê Phi 5, anh chị em có thể thảo luận những điều dân Nê Phi quan tâm: gia đình (câu 6), các lệnh truyền (câu 10), thánh thư (câu 12), giáo dục (câu 15), đền thờ (câu 16), công việc làm (câu 17), và những sự kêu gọi trong Giáo Hội (câu 26). Một cách để làm vậy là tìm những đồ vật tiêu biểu cho một số điều này và nói về cách chúng ta cho thấy rằng chúng ta cũng trân quý những điều này giống như dân Nê Phi.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy quan sát. Nếu chú ý đến điều đang xảy ra trong cuộc sống của con cái mình thì anh chị em sẽ tìm thấy những cơ hội giảng dạy tuyệt vời. Lời góp ý từ con cái hoặc thắc mắc chúng đưa ra cũng có thể tạo cơ hội cho những giây phút giảng dạy. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 16.)

Hình Ảnh
Gia đình Lê Hi quỳ trên bờ biển

Lehi and His People Arrive in the New World (Lê Hi và Dân Ông Đến Tân Thế Giới), tranh do Clark Kelley Price họa