2022
Sức Mạnh của Đà Thúc Đẩy Phần Thuộc Linh
Tháng Năm 2022


Sức Mạnh của Đà Thúc Đẩy Phần Thuộc Linh

Tôi xin đề nghị năm hành động cụ thể mà chúng ta có thể làm để giúp chúng ta duy trì cái đà thúc đẩy phần thuộc linh tích cực.

Thưa các anh chị em, tôi yêu mến các anh chị em. Tôi trân quý cơ hội này được nói chuyện với anh chị em ngày hôm nay. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện rằng anh chị em sẽ được bảo vệ khỏi những cuộc tấn công khốc liệt của kẻ nghịch thù và có sức mạnh để tiếp tục tiến bước mặc cho bất cứ thử thách nào anh chị em gặp phải.

Một số thử thách là gánh nặng rất riêng tư mà không một ai khác có thể thấy được. Một số thử thách khác diễn ra công khai trên thế giới. Cuộc xung đột vũ trang ở Đông Âu là một trong số thử thách đó. Tôi đã nhiều lần đến Ukraine và Nga. Tôi yêu thương hai đất nước đó, dân tộc và ngôn ngữ của họ. Tôi khóc và cầu nguyện cho tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này. Chúng ta là một Giáo Hội đang làm hết sức mình để có thể giúp đỡ những người đang đau khổ và vất vả để sống còn. Chúng tôi mời tất cả mọi người tiếp tục nhịn ăn và cầu nguyện cho tất cả những người đang bị tổn thương bởi tai ương này. Cuộc chiến tranh nào cũng là một sự vi phạm khủng khiếp đối với mọi điều mà Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy và ủng hộ.

Không ai trong chúng ta có thể kiểm soát các quốc gia, hoặc hành động của những người khác, hay thậm chí những người trong gia đình của mình. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát bản thân mình. Anh chị em thân mến, lời kêu gọi của tôi ngày hôm nay là hãy chấm dứt những xung đột đang hoành hành trong lòng của anh chị em, trong nhà của anh chị em và cuộc sống của anh chị em. Hãy chôn giấu bất cứ và tất cả các khuynh hướng nào mà gây tổn thương người khác—cho dù những khuynh hướng đó là tính nóng nảy, miệng lưỡi sắc bén hay là nỗi oán hận đối với người đã nhiều lần làm tổn thương anh chị em. Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho chúng ta phải đưa má bên kia cho họ vả vào,1 phải yêu kẻ thù của chúng ta, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ chúng ta.2

Có thể rất khó để trút bỏ cơn tức giận mà ta cảm thấy là rất chính đáng. Dường như việc tha thứ cho những kẻ có hành động phá hoại mà hay làm tổn thương người vô tội là điều bất khả thi. Tuy nhiên, Đấng Cứu Rỗi đã khuyên chúng ta “phải biết tha thứ tất cả mọi người.”3

Chúng ta là tín đồ của Hoàng Tử Bình An. Giờ đây hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự bình an mà chỉ Ngài mới có thể mang lại mà thôi. Làm thế nào chúng ta có thể kỳ vọng có được hòa bình tồn tại trên thế giới khi mà mỗi người chúng ta không tìm kiếm sự bình an và hòa hợp cá nhân? Thưa anh chị em, tôi biết điều tôi đang đề nghị là không dễ dàng. Nhưng các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô nên nêu gương cho cả thế giới noi theo. Tôi khẩn nài với anh chị em hãy làm hết sức mình để chấm dứt những xung đột cá nhân hiện đang hoành hành trong tâm hồn và trong cuộc sống của anh chị em.

Tôi xin được nhấn mạnh lời kêu gọi để hành động này bằng cách thảo luận một khái niệm mà tôi đã nhớ được gần đây khi xem một trận đấu bóng rổ.

Trong trận đấu đó, hiệp đầu là trận đấu cò cưa, qua lại. Sau đó, trong năm giây cuối cùng của hiệp đầu, người hậu vệ dẫn bóng của một đội đã làm một cú ném ba điểm thật đẹp mắt. Chỉ còn lại một giây nữa thì đồng đội của người ấy đã cướp được bóng và ném bóng vào trong rổ vừa lúc chuông đổ hết giờ! Vì vậy, đội đó đã đi vào phòng thay đồ thắng được bốn điểm rõ ràng là với cảm giác có được cái đà thúc đẩy đáng kể. Họ đã có thể mang theo cái đà thúc đẩy đó vào hiệp thứ hai và giành chiến thắng trong trận đấu.

Đà thúc đẩy là một khái niệm mạnh mẽ. Chúng ta đều đã trải qua điều đó dưới hình thức này hay hình thức khác—ví dụ, trong một chiếc xe đang tăng tốc hoặc với một cuộc bất đồng ý kiến mà đột nhiên biến thành một cuộc tranh cãi.

Vậy tôi xin hỏi, điều gì có thể kích thích cái đà thúc đẩy phần thuộc linh? Chúng ta đã thấy những ví dụ về đà thúc đẩy tích cực lẫn tiêu cực. Chúng ta biết những tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đã trở nên cải đạo và tăng trưởng trong đức tin của họ. Nhưng chúng ta cũng biết về những tín đồ đã từng cam kết nhưng giờ lại sa ngã. Đà thúc đẩy có thể đi theo cả hai hướng.

Chúng ta chưa bao giờ cần cái đà thúc đẩy phần thuộc linh tích cực hơn như bây giờ để chống lại tốc độ mà điều ác và những dấu hiệu đen tối hơn của thời kỳ đang gia tăng. Đà thúc đẩy phần thuộc linh tích cực sẽ giúp cho chúng ta tiếp tục tiến bước giữa nỗi sợ hãi và tình trạng bấp bênh do đại dịch, sóng thần, núi lửa phun trào và các hành động thù địch có vũ trang gây ra. Đà thúc đẩy phần thuộc linh có thể giúp chúng ta chống lại những cuộc tấn công không ngừng và tà ác của kẻ nghịch thù cùng ngăn cản những nỗ lực của nó nhằm xói mòn nền tảng thuộc linh cá nhân của chúng ta.

Nhiều hành động có thể kích thích cái đà thúc đẩy phần thuộc linh tích cực. Sự vâng lời, tình yêu thương, lòng khiêm nhường, sự phục vụ và lòng biết ơn4 chỉ là một số ít ví dụ của những thuộc tính này.

Hôm nay, tôi xin đề nghị năm hành động cụ thể mà chúng ta có thể làm để giúp chúng ta duy trì cái đà thúc đẩy thuộc linh tích cực.

Thứ nhất: Bước trên con đường giao ước và hãy ở lại đó.

Cách đây không lâu, tôi đã có một giấc mơ sống động, trong đó tôi gặp một nhóm đông người. Họ hỏi tôi nhiều câu hỏi mà trong đó thường nhất là về con đường giao ước và lý do tại sao điều đó lại quan trọng như vậy.

Trong giấc mơ của mình, tôi giải thích rằng chúng ta bước vào con đường giao ước bằng cách chịu phép báp têm và lập giao ước đầu tiên của chúng ta với Thượng Đế.5 Mỗi lần dự phần Tiệc Thánh, chúng ta hứa một lần nữa là sẽ mang danh của Đấng Cứu Rỗi, tưởng nhớ đến Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.6 Đổi lại, Thượng Đế cam đoan với chúng ta rằng chúng ta luôn có thể có Thánh Linh của Chúa ở cùng chúng ta.

Sau đó, chúng ta lập thêm các giao ước trong đền thờ, nơi chúng ta nhận được những lời hứa còn lớn lao hơn nữa. Các giáo lễ và giao ước cho chúng ta tiếp cận với quyền năng của Thượng Đế. Con đường giao ước là con đường duy nhất dẫn đến sự tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu.

Trong giấc mơ của tôi, lúc đó, một người phụ nữ hỏi nếu một người nào đó đã vi phạm các giao ước của họ thì làm sao có thể quay trở lại con đường đó. Câu trả lời của tôi cho câu hỏi của người ấy dẫn đến đề nghị thứ hai của tôi:

Khám phá niềm vui của sự hối cải hằng ngày.

Sự hối cải quan trọng như thế nào? An Ma dạy rằng chúng ta “không được thuyết giảng những điều gì khác hơn là sự hối cải và đức tin nơi Chúa, là Đấng đã cứu chuộc dân Ngài.”7 Sự hối cải là cần thiết cho mỗi người có trách nhiệm mong muốn được vinh quang vĩnh cửu.8 Không có ngoại lệ. Trong một điều mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã khiển trách các vị lãnh đạo Giáo Hội ban đầu vì đã không dạy phúc âm cho con cái họ.9 Sự hối cải là chìa khóa để tiến triển. Đức tin thuần khiết giúp chúng ta tiến bước trên con đường giao ước.

Xin đừng sợ hãi hoặc trì hoãn việc hối cải. Sa Tan vui mừng trong sự khốn khổ của anh chị em. Hãy chặn lời nó. Hãy loại bỏ ảnh hưởng của nó ra khỏi cuộc sống của anh chị em! Bắt đầu từ hôm nay, hãy cảm nhận niềm vui của việc cởi bỏ con người tự nhiên.10 Đấng Cứu Rỗi luôn yêu thương chúng ta nhưng đặc biệt là khi chúng ta hối cải. Ngài đã hứa rằng “dù núi sẽ dời, đồi sẽ chuyển, … lòng nhân từ của ta sẽ chẳng bao giờ rời khỏi ngươi.”11

Nếu anh chị em cảm thấy mình đã đi lạc khỏi con đường giao ước quá xa hoặc quá lâu và không có cách nào để quay trở lại, thì điều đó là hoàn toàn không đúng.12 Xin hãy liên lạc vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh. Vị ấy là người đại diện của Chúa và sẽ giúp anh chị em cảm nhận được niềm vui và sự nhẹ nhõm khi hối cải.

Giờ đây, một lời cảnh báo: Việc quay trở lại con đường giao ước không có nghĩa là cuộc sống sẽ dễ dàng. Con đường này rất khắc nghiệt và đôi khi sẽ cảm thấy giống như một cuộc leo dốc.13 Tuy nhiên, con đường đi lên này là nhằm thử thách và dạy dỗ chúng ta, tinh luyện bản tính của chúng ta, và giúp chúng ta trở nên thánh. Đó là con đường duy nhất dẫn đến sự tôn cao. Một vị tiên tri14 đã mô tả “trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần; và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng … [và] ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”15

Việc bước đi trên con đường giao ước, cùng với sự hối cải hằng ngày, thúc đẩy cái đà thuộc linh tích cực.

Đề nghị thứ ba của tôi: Tìm hiểu về Thượng Đế và cách làm việc của Ngài.

Một trong những thử thách gay go nhất của chúng ta ngày nay là phân biệt các lẽ thật của Thượng Đế với những điều dối trá của Sa Tan. Đó là lý do tại sao Chúa đã cảnh cáo chúng ta phải “cầu nguyện luôn luôn ,… để [chúng ta] có thể chiến thắng được quỷ Sa Tan, và … thoát khỏi bàn tay các tôi tớ của nó là những kẻ ủng hộ việc làm của nó.”16

Môi Se đã nêu gương về cách phân biệt giữa Thượng Đế với Sa Tan. Khi Sa Tan đến cám dỗ Môi Se, ông đã nhận ra sự lừa dối vì ông vừa có một cuộc giao tiếp mặt đối mặt với Thượng Đế. Môi Se nhanh chóng nhận ra Sa Tan là ai và ra lệnh cho nó phải cút đi.17 Khi Sa Tan vẫn khăng khăng tiếp tục, Môi Se biết cách kêu cầu Thượng Đế giúp đỡ nhiều hơn. Môi Se nhận được sức mạnh thiêng liêng và quở trách quỷ dữ một lần nữa: “Hỡi Sa Tan, hãy đi khỏi ta, vì ta chỉ thờ phượng một Thượng Đế này mà thôi.”18

Chúng ta nên noi theo tấm gương đó. Hãy loại bỏ ảnh hưởng của Sa Tan ra khỏi cuộc sống của anh chị em! Xin đừng đi theo nó xuống “vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận” của nó.19

Với tốc độ đáng sợ, một chứng ngôn không được nuôi dưỡng hằng ngày bằng “lời nói tốt lành của Thượng Đế”20 thì có thể bị vỡ vụn. Vậy nên, liều thuốc giải độc cho mưu kế của Sa Tan là rất rõ ràng: chúng ta cần có kinh nghiệm thờ phượng Chúa và nghiên cứu phúc âm của Ngài hằng ngày. Tôi khẩn nài với anh chị em hãy để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của anh chị em. Hãy chia sẻ với Chúa một phần thời gian của anh chị em. Khi anh chị em làm vậy, hãy để ý xem điều gì sẽ xảy ra cho cái đà thúc đẩy thuộc linh tích cực của anh chị em.

Đề nghị số 4: Tìm kiếm và trông chờ phép lạ.

Mô Rô Ni cam đoan với chúng ta rằng “Thượng Đế vẫn chưa hết là một Thượng Đế có nhiều phép lạ.”21 Mỗi thánh thư đều cho thấy Chúa sẵn lòng can thiệp như thế nào vào cuộc sống của những người tin nơi Ngài.22 Ngài đã rẽ Hồng Hải cho Môi Se, giúp Nê Phi lấy lại các bảng khắc bằng đồng, và phục hồi Giáo Hội của Ngài qua Tiên Tri Joseph Smith. Mỗi một phép lạ này đều mất thời gian và có thể không đúng như những gì mà những người đó đã cầu xin Chúa lúc ban đầu.

Tương tự như vậy, Chúa sẽ ban phước cho anh chị em với những phép lạ nếu anh chị em tin nơi Ngài, “mà không nghi ngờ gì.”23 Làm công việc thuộc linh để tìm kiếm phép lạ. Hãy thành tâm cầu xin Thượng Đế giúp anh chị em thực hành đức tin đó. Tôi hứa rằng anh chị em có thể tự mình cảm nhận là Chúa Giê Su Ky Tô “ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức.”24 Ít có điều gì sẽ thúc đẩy cái đà thuộc linh của anh chị em bằng việc nhận biết rằng Chúa đang giúp anh chị em chuyển dời một ngọn núi trong cuộc sống của anh chị em.

Đề nghị số 5: Hãy chấm dứt xung đột trong cuộc sống cá nhân của anh chị em.

Tôi lặp lại lời kêu gọi của tôi là phải chấm dứt những xung đột trong cuộc sống của anh chị em. Hãy thực hành lòng khiêm nhường, can đảm và sức mạnh cần thiết để tha thứ lẫn tìm kiếm sự tha thứ. Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng “nếu [chúng ta] tha thứ cho kẻ phạm tội nghịch cùng chúng ta, thì Cha Thiên Thượng cũng sẽ tha thứ cho [chúng ta].”25

Hai tuần nữa kể từ hôm nay, chúng ta sẽ kỷ niệm lễ Phục Sinh. Từ giờ đến đó, tôi mời anh chị em tìm cách chấm dứt cuộc xung đột cá nhân mà đã làm cho anh chị em mệt mỏi. Có thể nào có một hành động thích hợp hơn để biết ơn Chúa Giê Su Ky Tô về Sự Chuộc Tội của Ngài không? Nếu dường như không thể tha thứ được bây giờ, thì hãy khẩn cầu để có được sức mạnh nhờ máu chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô nhằm giúp đỡ anh chị em. Khi anh chị em làm như vậy, tôi hứa rằng sẽ có sự bình an cá nhân và sự bùng phát mạnh mẽ của cái đà thúc đẩy thuộc linh.

Khi Đấng Cứu Rỗi chuộc tội cho toàn thể nhân loại, Ngài đã mở ra một con đường mà những ai đi theo Ngài đều có thể tiếp cận với quyền năng chữa lành, củng cố và cứu chuộc của Ngài. Những đặc ân thiêng liêng này dành sẵn cho tất cả những ai muốn nghe lời Ngài và làm theo Ngài.

Anh chị em thân mến, với tấm lòng khẩn nài, tôi khuyên nhủ anh chị em hãy bước trên con đường giao ước và ở lại đó. Hãy cảm nhận được niềm vui của sự hối cải hằng ngày. Học hỏi về Thượng Đế và cách làm việc của Ngài. Tìm kiếm và mong đợi phép lạ. Cố gắng chấm dứt xung đột trong cuộc sống của anh chị em.

Khi anh chị em thực hiện những mục tiêu này, tôi hứa rằng anh chị em sẽ có khả năng tiến bước trên con đường giao ước với cái đà thúc đẩy gia tăng, cho dù có gặp phải bất cứ trở ngại nào. Và tôi hứa rằng anh chị em sẽ có thêm nhiều sức mạnh hơn để chống lại cám dỗ, có sự an tâm hơn và thoát khỏi nỗi sợ hãi, cùng có tình đoàn kết chặt chẽ hơn trong gia đình mình.

Thượng Đế hằng sống! Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô! Ngài hằng sống! Ngài yêu thương chúng ta và sẽ giúp đỡ chúng ta. Tôi làm chứng về điều này trong thánh danh của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 3 Nê Phi 12:39.

  2. Xin xem 3 Nê Phi 12:44.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 64:10; xin xem thêm câu 9.

  4. Như Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “Phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa” (1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:18). Một trong những liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho nỗi tuyệt vọng, chán nản và sự thờ ơ về mặt thuộc linh là lòng biết ơn. Chúng ta có thể tạ ơn Thượng Đế về một số điều gì? Hãy tạ ơn Ngài về vẻ đẹp của trái đất, về Sự Phục Hồi của phúc âm, và về vô số cách mà Ngài và Con Trai của Ngài đã làm cho quyền năng của hai Ngài có sẵn cho chúng ta ở trên thế gian này đây. Hãy tạ ơn Ngài về thánh thư, về các thiên thần đã đáp ứng lời cầu xin của chúng ta lên Thượng Đế để được giúp đỡ, về sự mặc khải, và về gia đình vĩnh cửu. Và trên hết, hãy tạ ơn Thượng Đế về sự ban cho Con của Ngài và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, mà làm cho chúng ta có thể hoàn thành các sứ mệnh mà chúng ta đã được gửi đến thế gian để thực hiện.

  5. Để hiểu được con đường giao ước, điều quan trọng là phải hiểu rằng một giao ước là một sự cam kết hai chiều giữa Thượng Đế với một người con của Ngài. Trong một giao ước,Thượng Đế đặt ra các điều kiện và chúng ta đã đồng ý với các điều kiện đó. Đổi lại, Thượng Đế lập lời hứa với chúng ta. Nhiều giao ước đi kèm với các dấu hiệu bên ngoài—hoặc các giáo lễ thiêng liêng—mà trong đó chúng ta tham gia với các nhân chứng hiện diện. Ví dụ, phép báp têm là một dấu hiệu cho Chúa biết rằng người được báp têm đã lập giao ước để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.

  6. Xin xem Mô Rô Ni 4:3; 5:2; Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79.

  7. Mô Si A 18:20.

  8. Xin xem Môi Se 6:50, 57.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:40–48.

  10. Xin xem Mô Si A 3:19.

  11. Ê Sai 54:10, sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm 3 Nê Phi 22:10. Lòng nhân từ được dịch từ thuật ngữ hesed trong tiếng Hê Bơ Rơ, là một từ mạnh mẽ với ý nghĩa sâu sắc bao gồm lòng nhân từ, lòng thương xót, tình yêu thương theo giao ước và còn nhiều nữa.

  12. Chỉ có thể đền bồi cho một số tội lỗi nào đó chứ không phải là cho những tội lỗi khác. Nếu một người lạm dụng hoặc tấn công một người khác, hoặc nếu một người lấy đi mạng sống của người khác, thì không thể đền bồi trọn vẹn được. Trong những trường hợp đó, người phạm tội chỉ có thể hết sức đền bồi đến mức nào đó rồi còn lại là phần lớn tội lỗi. Nhờ sự sẵn lòng của Chúa để tha thứ cho phần tội lỗi còn lại nên chúng ta có thể đến với Ngài dù cho chúng ta đã đi lạc đường bao xa. Khi chúng ta thành tâm hối cải, Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta. Bất cứ phần còn lại nào giữa tội lỗi của chúng ta và khả năng đền bồi trọn vẹn của chúng ta chỉ có thể được đền trả bằng cách áp dụng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng có thể ban cho lòng thương xót. Sự sẵn lòng của Ngài để tha thứ cho phần tội lỗi còn lại của chúng ta là một sự ban cho vô giá.

  13. Xin xem 2 Nê Phi 31:18–20.

  14. Vua Bên Gia Min, vị tiên tri người Nê Phi.

  15. Mô Si A 2:41.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 10:5; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  17. Xin xem Môi Se 1:16; xin xem thêm các câu 1–20.

  18. Môi Se 1:20.

  19. Hê La Man 5:12.

  20. Mô Rô Ni 6:4.

  21. Mô Rô Ni 9:15; xin xem thêm câu 19.

  22. Sứ đồ Giăng tuyên bố rằng ông đã chép lại các phép lạ của Đấng Cứu Rỗi để “cho [chúng ta] tin rằng Đức Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô” (Giăng 20:31).

  23. Mặc Môn 9:21.

  24. Ê Sai 40:29.

  25. Ma Thi Ơ 6:14.