2007
Ngày Hôm Nay
Tháng Năm năm 2007


Ngày Hôm Nay

Tất cả chúng ta đều sẽ cần đến sự giúp đỡ của Ngài để tránh thảm kịch của sự trì hoãn về điều mà chúng ta cần phải làm ngay trước mắt để có được cuộc sống vĩnh cửu.

Hình Ảnh

Có một sự nguy hiểm trong câu nói “Một ngày nào đó”, khi nó có nghĩa là “không phải là ngày hôm nay.” “Một ngày nào đó tôi sẽ hối cải.” “Một ngày nào đó tôi sẽ tha thứ cho anh ấy.” “Một ngày nào đó tôi sẽ nói chuyện với người bạn của tôi về Giáo Hội.” “Một ngày nào đó tôi sẽ đóng tiền thập phân.” “Một ngày nào đó tôi sẽ trở lại đền thờ.” “Một ngày nào đó… .”

Thánh thư giải thích rõ ràng về nguy cơ của sự trì hoãn. Đó là điều mà chúng ta có thể khám phá ra rằng chúng ta không còn đủ thời gian. Thượng Đế là Đấng ban cho chúng ta mỗi ngày như là một điều quý báu mà sẽ đòi hỏi một sự giải thích. Chúng ta sẽ khóc, và Ngài sẽ khóc, nếu chúng ta đã có ý định hối cải và phục vụ Ngài vào những ngày nào đó mà sẽ không bao giờ đến hoặc mơ ước về những ngày đã qua khi không còn cơ hội để hành động nữa. Ngày hôm nay là một ân tứ quý báu của Thượng Đế. Ý nghĩ, “Một ngày nào đó tôi sẽ,” có thể là một sự tước đoạt những cơ hội về thời gian và các phước lành vĩnh cửu.

Có sự cảnh cáo và khuyên bảo nghiêm khắc trong những lời đã được chép trong Sách Mặc Môn:

“Và giờ đây, như tôi đã nói với các người trước đây, vì các người đã có biết bao nhiêu điều minh chứng, vì thế mà tôi tha thiết mong các người chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình cho đến lúc cuối cùng; vì sau những ngày tháng của cuộc sống này, là thời gian chúng ta được ban cho để chuẩn bị cho thời vĩnh cửu, này, nếu chúng ta không dùng thời giờ của mình một cách hữu hiệu hơn khi còn trong cuộc sống này, thì lúc đêm tối mịt mù đến … sẽ chẳng còn công việc gì có thể thực hiện được nữa.

“Các người không thể nói rằng: tôi sẽ hối cải, tôi sẽ trở về với Thượng Đế của tôi, khi các người bị đưa vào trong cơn khủng hoảng đáng sợ đó. Không, các người không thể nói như vậy được; vì cũng chính linh hồn đã làm chủ phần xác của các người khi các người vừa ra khỏi cuộc đời này, thì cũng chính linh hồn ấy sẽ có quyền năng để làm chủ thể xác các người trong thế giới vĩnh cửu ấy.”1

Rồi A Mu Léc cảnh cáo rằng việc trì hoãn sự hối cải và phục vụ của các anh chị em có thể làm cho Thánh Linh của Chúa rút lui khỏi các anh chị em.

Nhưng ông đã đưa ra niềm hy vọng này cùng với lời cảnh cáo: “Về điều này tôi biết, vì Chúa có phán là Ngài không ngự trong những đền thờ không thánh thiện, mà Ngài chỉ ở trong tim những người ngay chính; phải, và Ngài cũng phán rằng, những người ngay chính sẽ được ngồi trong vương quốc của Ngài và không còn phải đi ra ngoài nữa; nhưng y phục của họ sẽ được tẩy trắng nhờ máu của Chiên Con.”2

Thánh thư đầy dẫy những tấm gương của các tôi tớ khôn ngoan của Thượng Đế là những người đã quý trọng thời gian mà họ đang sống và đã chọn làm điều mà họ có thể làm để đem đến sự tẩy sạch. Giô Suê là một tấm gương như thế. Ông nói: “Ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê Hô Va.”3

Sự phục vụ Ngài mời gọi Đức Thánh Linh ở cùng với chúng ta. Và Đức Thánh Linh là Đấng tẩy sạch tội lỗi.

Ngay cả Đấng Cứu Rỗi là Đấng không hề phạm tội đã làm gương về sự cần thiết không trì hoãn. Ngài phán:

“Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Đấng đã sai ta đến; tối lại, thì không ai làm việc được.

“Đương khi ta còn ở thế gian, ta là sự sáng của thế gian.”4

Là Đấng Cứu Rỗi đã được phục sinh, Ngài hiện giờ và sẽ mãi mãi là Sự Sáng của Thế Gian. Chính Ngài là Đấng mời gọi chúng ta đến cùng Ngài và phục vụ Ngài, mà không có sự trì hoãn. Lời khuyến khích của Ngài cho các anh chị em và cho tôi là như vầy: “Ta yêu mến những người yêu mến ta, Phàm ai tìm kiếm ta sẽ gặp ta.”5

Điều này đúng không những cho một ngày mà còn cho luôn cả cuộc đời. Một lời cầu nguyện buổi sáng và sự tra cứu thánh thư sáng sớm để biết điều chúng ta cần làm cho Chúa thì có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt trong ngày. Chúng ta có thể biết công việc nào trong tất cả những công việc mà chúng ta có thể chọn, là quan trọng nhất đối với Thượng Đế và rồi với chúng ta. Tôi đã học được rằng một lời cầu nguyện như thế sẽ luôn luôn được đáp ứng nếu chúng ta cầu xin và suy ngẫm với sự quy phục như con trẻ, sẵn sàng hành động ngay, không trì hoãn để thi hành ngay cả công việc nhỏ nhặt nhất.

Có nhiều ngày, có những việc quan trọng nhất sẽ không dễ dàng để làm. Điều này không phải là dễ. Mục đích của Thượng Đế trong sự sáng tạo là để cho chúng ta tự chứng tỏ. Kế hoạch này đã được giải thích cho chúng ta ở thế giới linh hồn trước khi chúng ta sinh ra. Nơi đó, chúng ta đã có đủ can đảm để hội đủ tiêu chuẩn cho cơ hội để chọn chống lại sự cám dỗ nơi đây nhằm chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ quý báu nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế. Chúng ta vui mừng để biết rằng sự thử thách sẽ chính là sự trung tín vâng lời dù rằng điều đó sẽ không dễ dàng: “Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”6

Chúng ta đã biết rằng sự thử thách không phải là dễ dàng, nhưng chúng ta cảm thấy hân hoan vì chúng ta đã tin tưởng rằng chúng ta có thể vượt qua được. Sự tin tưởng của chúng ta xuất phát từ sự hiểu biết rằng Chúa Giê Su sẽ đến thế gian với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Ngài sẽ khắc phục cái chết. Ngài sẽ giúp chúng ta có thể được tẩy sạch tội lỗi bằng cách hội đủ điều kiện cho quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài.

Chúng ta cũng đã biết một số sự kiện mà làm chúng ta yên tâm về điều chúng ta cần phải làm để nhận được tiến trình thanh sạch mà chúng ta sẽ cần. Mọi điều mà tẩy sạch tội lỗi của chúng ta thì sẽ đòi hỏi … phép báp têm bằng thẩm quyền, sự tiếp nhận Đức Thánh Linh dưới bàn tay của những người mang chức tư tế đã được cho phép, sự tưởng nhớ tới Ngài và nhờ đó có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta, và rồi sự tuân giữ các giáo lệnh của Ngài … tất cả những điều này sẽ có thể được ban cho những người khiêm nhường nhất trong chúng ta. Điều đó sẽ không đòi hỏi kiến thức vượt bậc, hay sự giầu có, hay cuộc sống lâu dài. Và chúng ta biết rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ mang chúng ta đến gần Ngài và Ngài sẽ có quyền năng để giúp đỡ chúng ta khi sự thử thách trở nên gay go và sự cám dỗ để trì hoãn thì mạnh mẽ. An Ma, vị tiên tri cao trọng, đã miêu tả cách thức Đấng Ky Tô nhận được khả năng đó:

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là; Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.

“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”7

Tất cả chúng ta đều sẽ cần đến sự giúp đỡ của Ngài để tránh thảm kịch của sự trì hoãn về điều mà chúng ta cần phải làm ngay trước mắt để có được cuộc sống vĩnh cửu. Đối với đa số chúng ta sự cám dỗ để trì hoãn sẽ xuất phát từ một hoặc cả hai cảm nghĩ. Hai cảm nghĩ này hoàn toàn khác nhau: một là sự tự mãn về điều mà mình đã làm; còn cảm nghĩ kia là cảm thấy bị dồn dập với sự cần thiết để làm thêm.

Sự tự mãn là một điều nguy hiểm đối với tất cả chúng ta. Nó có thể xảy ra cho giới trẻ ngây thơ mà lại nghĩ rằng mình sẽ có nhiều thời gian trong tương lai cho những sự việc thuộc linh. Họ có thể nghĩ rằng họ đã làm đủ rồi về thời gian ngắn ngủi mà mình đã sống. Tôi biết từ kinh nghiệm về cách thức mà Chúa có thể giúp đỡ một người trẻ tuổi như thế để thấy rằng em ấy hiện nay đang ở giữa những điều thuộc linh. Ngài có thể giúp các em thấy rằng bạn bè cùng lớp đang chú ý đến các em. Ngài có thể giúp các em thấy rằng tương lai vĩnh cửu của họ được ảnh hưởng bởi điều mà họ thấy các em làm hoặc không làm. Những lời cám ơn giản dị của các em vì ảnh hưởng tốt của họ đối với các em có thể nâng đỡ họ nhiều hơn là các em có thể tưởng tượng được. Khi các em cầu xin Thượng Đế, Ngài có thể và sẽ tiết lộ cho các em biết những cơ hội để nâng đỡ những người khác cho Ngài, là những người mà Ngài đã đặt xung quanh các em từ lúc các em còn thơ ấu.

Sự tự mãn còn có thể ảnh hưởng đến những người lớn tuổi từng trải. Khi các anh chị em càng phục vụ tận tụy và lâu dài thì có lẽ kẻ nghịch thù lại càng cố gắng hơn để gieo rắc lời lừa gạt này vào tâm trí các anh chị em; “Các anh chị em đáng được nghỉ ngơi.” Các chị em có thể đã hai lần làm chủ tịch Hội Thiếu Nhi trong chi nhánh nhỏ của mình. Hoặc các anh chị em có lẽ đã làm việc nhiều và khó nhọc trong lúc đi truyền giáo và đã hy sinh quá nhiều để phục vụ. Hoặc có lẽ các anh chị em là người tiền phong trong Giáo Hội nơi các anh chị em sinh sống. Các anh chị em có thể nghĩ: “Tại sao không để cho những người mới phục vụ. Tôi đã làm xong phần vụ của mình rồi.” Sự cám dỗ sẽ là sự tin tưởng rằng các anh chị em sẽ trở lại phục vụ, một ngày nào đó.

Chúa có thể giúp các anh chị em thấy sự nguy hiểm trong việc nghỉ ngơi tại vì các anh chị em cảm thấy rằng mình đã làm đủ rồi. Ngài đã giúp đỡ tôi bằng cách để cho tôi nói chuyện với một trong số các tôi tớ lớn tuổi của Ngài. Ông là một người ốm yếu, thân thể ông trở nên suy yếu vì nhiều thập niên làm việc trung tín và vì bệnh tật. Các bác sĩ của ông không cho phép ông ra khỏi nhà của mình nữa. Do lời yêu cầu của ông, tôi đã báo cáo về một chuyến đi của tôi trong việc phục vụ Chúa, ngang qua vài quốc gia, trong vài chục buổi họp, và trong nhiều cuộc phỏng vấn riêng tư khi giúp đỡ những cá nhân và gia đình. Tôi kể cho ông nghe về sự bày tỏ của các tín hữu với tôi về lòng biết ơn của họ đối với ông và về nhiều năm phục vụ của ông. Ông hỏi xem tôi có sắp sửa đi công tác nữa không. Tôi nói cho ông biết về một chuyến đi công tác dài nữa mà tôi sắp có. Ông đã làm tôi ngạc nhiên và ông đã cho tôi một sự phòng ngừa tính tự mãn mà tôi hy vọng rằng sẽ tồn tại mãi mãi, khi ông nắm lấy tay tôi và nói: “Ôi, xin làm ơn cho tôi đi với.”

Thật khó để biết được khi nào chúng ta đã làm đủ cho Sự Chuộc Tội để thay đổi bản tính của mình và hội đủ điều kiện để hưởng được cuộc sống vĩnh cửu. Và chúng ta không biết mình phải cần phục vụ trong bao lâu để có được sự thay đổi lớn lao đó. Nhưng chúng ta biết rằng mình sẽ có đủ thời gian chỉ khi nào chúng ta không phí phạm nó. Đây là tin mừng:

“Và những ngày tháng cuộc đời của con cái loài người được kéo dài, thể theo ý muốn của Thượng Đế để họ có thể hối cải khi họ còn ở trong xác thịt, vậy nên, tình trạng của họ đã trở nên một tình trạng thử thách, và thời gian của họ được kéo dài thể theo những lệnh truyền của Đức Chúa Trời ban cho con cái loài người.”8

Sự bảo đảm đó của Đức Thầy có thể giúp đỡ những người trong chúng ta đang có cảm giác dồn dập vì những hoàn cảnh. Trong những thời gian thử thách gay go nhất, miễn là các anh chị em có quyền năng để cầu nguyện, thì các anh chị em có thể cầu xin một Thượng Đế nhân từ: “Xin cho con phục vụ vào ngày hôm nay. Nếu con chỉ làm được ít điều thôi thì cũng không quan trọng đối với con. Xin cho con biết điều mà con có thể làm. Con sẽ tuân theo vào ngày hôm nay. Con biết con có thể làm được, với sự giúp đỡ của Ngài.”

Câu trả lời êm dịu cho các anh chị em có thể là để làm một điều đơn giản như tha thứ cho một người nào đó mà đã làm mình phật lòng. Các anh chị em có thể làm điều đó từ một cái giường ở bệnh viện. Có thể là đi giúp đỡ một người nào đó đang đói. Các anh chị em có thể cảm thấy bị dồn dập vì cảnh thiếu thốn của mình và công việc làm trong ngày của mình. Nhưng nếu các anh chị em quyết định không chờ cho đến khi mình có thêm sức mạnh và tiền bạc, và nếu các anh chị em cầu xin sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh mỗi ngày, thì các anh chị em sẽ biết phải làm gì và cách để giúp đỡ một người nào đó còn nghèo khổ hơn mình. Các anh chị em có thể thấy rằng khi các anh chị em đến giúp thì những người đó đang cầu nguyện và đang trông chờ một người nào đó như các anh chị em sẽ đến, trong danh của Chúa.

Đối với những người thất vọng vì hoàn cảnh của họ và do đó đã bị cám dỗ để cảm thấy rằng họ không thể phục vụ Chúa vào ngày hôm nay, thì tôi xin hứa với các anh chị em hai điều. Dù những sự việc dường như khó khăn ngày hôm nay, nhưng chúng sẽ đỡ hơn vào ngày mai nếu các anh chị em chọn phục vụ Chúa hết lòng vào ngày hôm nay. Hoàn cảnh của các anh chị em có thể không được hoàn toàn cải thiện theo như ý muốn của mình. Nhưng các anh chị em sẽ được ban cho sức mạnh mới để vác những gánh nặng của mình và niềm tin mới rằng khi nào gánh của các anh chị em trở nên quá nặng thì Chúa là Đấng mà các anh chị em phục vụ, sẽ vác lấy những gì mà mình không thể vác được. Ngài biết cách để làm. Ngài đã chuẩn bị từ lâu. Ngài đã chịu đựng những sự yếu đuối và đau khổ của các anh chị em khi Ngài còn sống trên thế gian để Ngài biết cách để cứu giúp các anh chị em bây giờ.

Điều thứ nhì mà tôi hứa với các anh chị em là khi các anh chị em chọn phục vụ Ngài vào ngày hôm nay, thì các anh chị em sẽ cảm thấy được tình yêu thương của Ngài và tiến đến việc yêu thương Ngài nhiều hơn. Các anh chị em có lẽ còn nhớ đoạn thánh thư sau đây:

“Tôi nói cho các người hay, tôi mong các người hãy ghi khắc tên đó vào tim mình luôn luôn … để các người phải để tai nghe và nhận biết tiếng gọi tên mình, và cũng để nhận biết tên mà Ngài sẽ dùng để gọi các người.

“Vì làm sao một người có thể nhận biết được chủ mà mình chưa bao giờ phục vụ, và là một người xa lạ đối với mình, xa lạ cả trong ý tưởng lẫn ý muốn trong tâm hồn mình?”9

Bằng cách phục vụ Ngài ngày hôm nay, các anh chị em sẽ tiến đến việc biết được Ngài rõ hơn. Các anh chị em sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự ghi nhận của Ngài. Các anh chị em sẽ không muốn trì hoãn việc nhận được phước lành đó. Và việc cảm nhận được tình yêu thương của Ngài sẽ mang các anh chị em trở lại phục vụ Ngài, và từ bỏ tính tự mãn và sự thất vọng.

Khi các anh chị em phục vụ Ngài, thì các anh chị em sẽ tiến đến việc biết rõ hơn tiếng nói mà qua đó các anh chị em sẽ được kêu gọi. Khi các anh chị em đi ngủ vào cuối của một ngày, thì các anh chị em có thể nhớ đến những lời nói: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ.”10 Tôi cầu xin có được lời cầu nguyện đó vào ngày hôm nay, vào mỗi ngày, và trong cuộc sống của chúng ta.

Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng hằng sống và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô hằng sống, Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, và chúng ta có thể chọn tìm niềm vui và sự bình an trong sự phục vụ Ngài vào ngày hôm nay. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. An Ma 34:33–34.

  2. An Ma 34:36.

  3. Giô Suê 24:15.

  4. Giăng 9:4–5.

  5. Châm Ngôn 8:17.

  6. Áp Ra Ham 3:25.

  7. An Ma 7:11–12.

  8. 2 Nê Phi 2:21.

  9. Mô Si A 5:12–13.

  10. Ma Thi Ơ 25:21; xin xem thêm câu 23.