2007
Sự Giảng Dạy, Không Có Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nào Bằng
Tháng Năm năm 2007


Sự Giảng Dạy, Không Có Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nào Bằng

Trong số báo đại hội này, những tài liệu hướng dẫn được cung cấp để bổ sung cho Sách Chức Tư Tế A Rôn 2Sách Hội Thiếu Nữ 2. Trong những khu vực mà không có các quyển sách này, những phần tuyển chọn sau đây từ Sự Giảng Dạy, Không Có Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nào Bằng (danh mục số 36123) được cung ứng để giúp các vị lãnh đạo, các giảng viên và các bậc cha mẹ cải tiến các nỗ lực giảng dạy của họ.

GIỮ CHO GIÁO LÝ ĐƯỢC RÕ RÀNG MẠCH LẠC

Thật là điều khiêm nhường và soi dẫn để suy ngẫm về cái giá mà nhiều người đã trả để có được lẽ thật. Nhiều người đã chịu phép báp têm mặc dù bị gia đình họ hắt hủi vì quyết định của họ. Các vị tiên tri và nhiều người khác nữa đã chết thay vì chối bỏ chứng ngôn của họ. Khi nói về sự tuẫn đạo của Joseph và Hyrum Smith, Anh Cả John Taylor đã tuyên bố rằng Sách Mặc Môn và sách Giáo Lý và Giao Ước “đã tốn bằng những giọt máu quý giá nhất của thế kỷ mười chín để cho ra đời hai cuốn sách này” (GLGƯ 135:6).

Mỗi người mà giảng dạy phúc âm thì được đòi hỏi phải truyền đạt cho những người khác, trong một hình thức rõ ràng minh bạch và không bóp méo xuyên tạc, các lẽ thật mà những sự hy sinh lớn lao như vậy đã được thực hiện. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã phát biểu: “Tôi đã nói trước đây về tầm quan trọng của việc giữ cho giáo lý của Giáo Hội được rõ ràng rành mạch, và chắc chắn rằng giáo lý đó được giảng dạy trong tất cả các buổi họp của chúng ta. Tôi lo lắng về điều này. Những điều sai lạc nhỏ trong việc giảng dạy giáo lý có thể đưa đến những sai lầm lớn và xấu xa” (Teachings of Gordon B. Hinckley [1997], 620).

Trách Nhiệm của Các Anh Chị Em với Tư Cách Là Giảng Viên

Khi chuẩn bị và trình bày các bài học, các anh chị em cần phải cẩn thận để chắc chắn rằng các anh chị em giảng dạy lẽ thật theo như Chúa đã mặc khải.

Giảng Dạy bằng Thánh Linh từ Thánh Thư và Những Lời của Các Vị Tiên Tri

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy: “Nguồn giảng dạy kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế Vĩnh Cửu cần phải là điều gì? Thánh thư, dĩ nhiên—nhất là Sách Mặc Môn. Điều này cũng cần phải gồm có những điều mặc khải hiện đại khác. Những điều mặc khải này phải được sử dụng chung với những lời của Các Sứ Đồ và các vị tiên tri và những lời thúc giục của Thánh Linh” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1987, 107; hoặc Ensign, tháng Năm năm 1987, 85).

Sử Dụng Các Tài Liệu Học Do Giáo Hội Sản Xuất

Để giúp chúng ta giảng dạy từ thánh thư và những lời của các vị tiên tri ngày sau, Giáo Hội đã sản xuất các sách học và các tài liệu khác. Chúng ta ít cần đến những bài bình luận hoặc tài liệu tham khảo khác. Chúng ta nên học thánh thư, những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau, và các tài liệu học một cách thấu đáo để chắc chắn rằng chúng ta hiểu giáo lý một cách đúng đắn trước khi chúng ta giảng dạy giáo lý đó.

Giảng Dạy Các Lẽ Thật của Phúc Âm chứ Không Phải Những Điều Khác

Khi An Ma sắc phong các thầy tư tế để giảng dạy cho những người mà ông đã làm phép báp têm trong dòng suối Mặc Môn, “ông ra lệnh cho họ không được giảng dạy những điều gì ngoài các điều ông đã dạy, và những điều do từ miệng các thánh tiên tri đã nói ra” (Mô Si A 18:19). Khi mười hai môn đồ người Nê Phi giảng dạy dân chúng, họ “đã thuyết giảng cùng những lời mà Chúa Giê Su đã phán dạy—không thay đổi một chút nào những lời mà Chúa Giê Su đã phán dạy” (3 Nê Phi 19:8). Khi giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, các anh chị em cần phải noi theo các tấm gương này.

Giảng Dạy Các Lẽ Thật Phúc Âm Một Cách Rõ Ràng Để Không Một Ai Sẽ Hiểu Lầm Các Lẽ Thật Đó

Chủ Tịch Harold B. Lee đã nói: “Các anh chị em phải giảng dạy các giáo lý cổ xưa, không giản dị đến nỗi họ có thể thật sự hiểu, mà các anh chị em phải giảng dạy các giáo lý của Giáo Hội một cách minh bạch đến nỗi không ai có thể hiểu lầm được (“Loyalty,” trong Charge to Religious Educators, xuất bản lần thứ nhì [1982], 64).

Lời Báo Trước cho Các Giảng Viên Phúc Âm Phải Thận Trọng

Khi cố gắng giữ cho giáo lý được rõ ràng mạch lạc, các anh chị em cần phải tránh những vấn đề như sau.

Sự Suy Đoán

“Trong việc trình bày một bài học, có rất nhiều cách cho một giảng viên vô kỷ luật đi lạc khỏi con đường dẫn đến mục tiêu của người ấy. Một trong những cám dỗ thông thường nhất là suy đoán các vấn đề mà Chúa đã phán rất ít về chúng. Người giảng viên mà có kỷ luật thì có can đảm để nói: ‘Tôi không biết,’ và để nó như thế. Như Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nói: ‘Không có sự mất thể diện về trí tuệ hoặc sự liêm chính của chúng ta khi nói thẳng với hằng trăm câu hỏi có tính chất suy đoán: “Tôi không biết”’ [Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 9]” (Joseph F. McConkie, “The Disciplined Teacher,” Instructor, tháng Chín năm 1969, 334–35).

Trích Dẫn Sai

“Người giảng viên có kỷ luật sẽ biết chắc những nguồn trích dẫn của mình và cũng sẽ nỗ lực để xác định xem một lời phát biểu có tiêu biểu một cách thích đáng về giáo lý của Giáo Hội hay chỉ là ý kiến của tác giả” (Instructor, tháng Chín năm 1969, 334–35).

Chúng ta không được quy những lời phát biểu cho các vị lãnh đạo Giáo Hội mà không xác nhận nguồn gốc của những lời phát biểu đó. Khi trích dẫn thánh thư, chúng ta cần phải chắc chắn rằng việc chúng ta sử dụng chúng phải phù hợp với văn cảnh của chúng.

Nguyên Tắc Phúc Âm Được Ưa Thích Đặc Biệt

“Các giảng viên cũng cần phải tránh chỉ giảng dạy một nguyên tắc phúc âm được ưa thích đặc biệt—một nguyên tắc phúc âm độc đáo và duy nhất” (Instructor, tháng Chín năm 1969, 334–35).

Chủ Tịch Joseph F. Smith nói: “Các nguyên tắc được ưa thích đặc biệt cho những người chủ trương chúng một khía cạnh sai lầm về phúc âm của Đấng Cứu Chuộc; họ bóp méo và thay đổi không phù hợp với các nguyên tắc và những lời giảng dạy của phúc âm. Quan điểm thì gượng ép. Mỗi nguyên tắc và sự thực hành được Thượng Đế mặc khải là thiết yếu cho sự cứu rỗi của loài người, và đặt lên trước bất cứ nguyên tắc nào một cách không thích đáng, che giấu và làm mờ đi tất cả những nguyên tắc khác, thì là điều dại dột và nguy hiểm; nó gây nguy hiểm cho sự cứu rỗi của chúng ta, vì nó làm vẩn đục đầu óc chúng ta và làm mù mờ sự hiểu biết của chúng ta” (Gospel Doctrine, 116–17).

Những Câu Chuyện Kỳ Lạ

“Có lẽ sự cám dỗ lớn nhất của người giảng viên mà gặp khó khăn để duy trì sự chú ý của [một] lớp học là sử dụng câu chuyện kỳ lạ. Có một số câu chuyện như vậy, với căn nguyên đáng ngờ, và tiếp tục truyền tai trong khắp Giáo Hội… . Đây không phải là những dụng cụ giảng dạy: sự kiên quyết và chứng ngôn không phải được xây đắp trên những câu chuyện kỳ lạ. Sự hướng dẫn cho chúng ta từ Vị Tiên Tri được đưa ra qua những hệ thống thích đáng của chức tư tế. Cần phải chú ý cẩn thận đến các sứ điệp của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương trong các đại hội giáo khu và đại hội trung ương, và cần phải đọc thường xuyên các ấn phẩm của Giáo Hội. Cần phải quan tâm chú ý đến người giảng viên có tiếng là tuân thủ và hiểu biết đầy đủ giáo lý ” (Instructor, tháng Chín năm 1969, 334–35).1

Sửa Đổi Lịch Sử của Giáo Hội

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã cảnh giác: “Vẫn đang và sẽ có những cố gắng để mang triết lý [người đời] vào lịch sử của Giáo Hội chúng ta… . Điều nhấn mạnh là xem thường sự mặc khải và sự can thiệp của Thượng Đế trong những sự kiện quan trọng và làm cho các vị tiên tri của Thượng Đế quá tầm thường ngõ hầu những nhược điểm con người của họ trở nên hiển nhiên hơn những đức tính thuộc linh của họ” (“God’s Hand in Our Nation’s History,” trong 1976 Devotional Speeches of the Year [1977], 310).

Khi ngỏ lời về những cố gắng này, về sau Chủ Tịch Benson đã nói: “Chúng tôi muốn cảnh báo các anh chị em giảng viên có khuynh hướng này mà dường như là một nỗ lực để giải thích lại lịch sử của Giáo Hội ngõ hầu nó hợp lý hơn để thu hút thế gian” (The Gospel Teacher and His Message [bài ngỏ cho các nhà sư phạm về tôn giáo, ngày 17 tháng Chín 1976], 11).

Những Lời Giải Thích Riêng và Các Quan Niệm Khác Với Tín Ngưỡng của Chúng Ta

Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr. đã nói: “Chỉ có Vị Chủ Tịch của Giáo Hội, Thầy Tư Tế Thượng Phẩm Chủ Tọa, là được tán trợ là Vị Tiên Tri, Tiên Kiến và Mặc Khải cho Giáo Hội, và chỉ một mình vị ấy mới có quyền để nhận những điều mặc khải cho Giáo Hội, dù mới hay bổ sung, hoặc đưa ra những lời giải thích có thẩm quyền về thánh thư mà sẽ được áp dụng cho Giáo Hội, hoặc thay đổi trong bất cứ phương diện nào nơi các giáo lý hiện hành của Giáo Hội” (trong Church News, ngày 31 tháng Bảy năm 1954, 10). Chúng ta không được giảng dạy điều giải thích riêng của mình về các nguyên tắc phúc âm hoặc thánh thư.

Anh Cả Spencer W. Kimball đã nói: “Ngày nay, có những người mà dường như cảm thấy tự phụ trong việc bất đồng ý kiến với những lời giảng dạy đã được chấp nhận trong Giáo Hội và là những người trình bày ý kiến riêng của họ trái ngược với lẽ thật đã được mặc khải. Một số người có thể phần nào vô tội trong vấn đề này; những người khác đang nuôi dưỡng tính tự cao tự đại của mình; và một số dường như là có chủ tâm để làm như vậy. Con người có thể suy nghĩ về những gì mà họ thích, nhưng họ không có quyền áp đặt các quan điểm không đúng lên trên những người khác. Những người như vậy cần phải biết rằng tâm hồn của họ đang lâm nguy” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1948, 109).

DÀNH THỜI GIỜ RA ĐỂ CHUẨN BỊ

Sau khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh đã dành ra một ngày để giảng dạy cho dân Nê Phi, Ngài đã truyền lệnh cho họ phải dành thời giờ ra để chuẩn bị cho việc giảng dạy mà Ngài sẽ ban cho vào ngày hôm sau. Ngài phán: “Các người hãy trở về nhà mà suy ngẫm những điều ta đã phán dạy, và hãy cầu xin Đức Chúa Cha trong danh ta để các ngươi có thể hiểu được mà chuẩn bị tâm trí mình cho ngày mai, rồi ta sẽ trở lại cùng các ngươi” (3 Nê Phi 17:3). Các anh chị em có thể áp dụng nguyên tắc này trong việc chuẩn bị của mình với tư cách là một giảng viên. Khi dành thời giờ ra để chuẩn bị một cách thận trọng và thành tâm, thì các anh chị em sẽ được ban phước với một sự hiểu biết lớn lao hơn. Các anh chị em sẽ dễ lĩnh hội hơn với sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Bắt Đầu Việc Chuẩn Bị Bài Học Sớm

Thỉnh thoảng các anh chị em có thể nhận được những sự chỉ định giảng dạy mà đòi hỏi sự chuẩn bị vào phút chót. Nhưng thường thường các anh chị em sẽ có thể bắt đầu chuẩn bị kỹ trước từ lâu. Đây là một phần quan trọng của việc giảng dạy. Các anh chị em bắt đầu càng sớm về việc cầu nguyện, suy ngẫm và chuẩn bị cho bài học kế của mình thì các anh chị em sẽ càng có nhiều thời giờ hơn để được Thánh Linh hướng dẫn và tìm kiếm những ví dụ, những sự so sánh và những ý kiến khác để làm cho bài học được phong phú thêm. Các anh chị em sẽ có thời giờ để yêu cầu những người mà các anh chị em giảng dạy để chuẩn bị những sự chỉ định đặc biệt, như phần trình bày nhạc. Các anh chị em cũng sẽ có thời giờ để nhận ra và chuẩn bị để sử dụng các nguồn tài liệu có sẵn trong thư viện của nhà hội.

Việc bắt đầu suy nghĩ về một bài học sắp tới ngay khi các anh chị em đã giảng dạy bài học trước thì thường rất hữu dụng. Có lẽ các anh chị em quan tâm nhất đến những người mà các anh chị em giảng dạy và các nhu cầu và sở thích của họ ngay sau khi các anh chị em đã giảng dạy cho họ. Các anh chị em cũng sẽ ý thức được nhiều nhất về phản ứng của họ với điều giảng dạy của các anh chị em. Các anh chị em có thể đánh giá phương pháp và cách thức của mình trong khi các anh chị em còn nghĩ về những điều đó.

Tìm Được Niềm Vui trong Sự Chuẩn Bị

Một giảng viên đã mô tả niềm vui đến từ việc chúng ta dành thời giờ ra để chuẩn bị:

“Nhiều người đã khám phá ra niềm vui của việc giảng dạy phúc âm, nhưng có một niềm vui rõ rệt khác được tìm thấy trong sự liên kết với sự giảng dạy—niềm vui của việc chuẩn bị. Thường thường, việc chuẩn bị bài học được xem là một việc lặt vặt và bị hoãn lại cho đến phút cuối. Giống như một lời cầu nguyện vội vã, sự chuẩn bị vào phút cuối trở nên hời hợt và không hữu hiệu.

“Bản thân tôi đã biết về loại chuẩn bị đó. Đó không phải là điều thích thú, và nó không xây đắp sự tin tưởng. Tôi cũng đã trải qua niềm vui lớn lao trong việc chuẩn bị. Nó có thể là một thời gian cầu nguyện đầy ý nghĩa và những ý nghĩ sâu xa. Tôi đã thấy rằng đó là một thời gian thú vị để thờ phượng, tự xem xét nội tâm, hiểu biết và soi dẫn… .

“… Khi nếm được niềm vui của sự chuẩn bị, thì tôi khám phá ra những hạt trân châu quý giá của sự thông sáng và hiểu biết. Tôi thấy rằng tôi học được rất nhiều qua sự chuẩn bị của mình hơn là tôi sẽ có thời giờ để giảng dạy… .

“Bất cứ nơi nào lẽ thật được giảng dạy thì sự cần thiết để chuẩn bị cũng giống như vậy. Những người phát triển một con đường dẫn đến sự chuẩn bị thành công thì sẽ tìm ra một kinh nghiệm vui mừng đang chờ đợi họ” (“Random Sampler: Planning to Teach,” Ensign, tháng Mười năm 1995, 73).

Dành Thời Giờ cho Sự Chuẩn Bị Cá Nhân

Hãy nhớ rằng trong các nỗ lực của các anh chị em để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, việc chỉ chuẩn bị bài học thì không đủ. Các anh chị cũng cần phải tự chuẩn bị. Hãy dành thời ra để nghiên cứu lời khuyên dạy trong Sự Giảng Dạy, Không Có Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nào Bằng về điều mà các anh chị em có thể làm để tự chuẩn bị phần thuộc linh để giảng dạy phúc âm.