2007
Quyền Năng Chữa Lành của Sự Tha Thứ
Tháng Năm năm 2007


Quyền Năng Chữa Lành của Sự Tha Thứ

Nếu chúng ta có thể tìm được sự tha thứ trong lòng mình đối với những người đã gây ra đau khổ và tổn thương cho mình, thì chúng ta sẽ vươn tới mức độ cao hơn của lòng tự trọng và sự an lạc.

Hình Ảnh

Các anh chị em và các bằng hữu thân mến, tôi đến trước mặt các anh chị em và các bằng hữu trong sự khiêm nhường và thành tâm. Tôi muốn được nói về quyền năng chữa lành của sự tha thứ.

Trên những ngọn đồi xinh đẹp ở Pennsylvania có một nhóm người Ky Tô hữu thuần thành sống một cuộc sống giản dị không xe hơi, điện lực hoặc máy móc tân kỳ. Họ làm việc siêng năng và sống một cuộc sống trầm lặng, thái bình tách rời khỏi thế gian. Đa số thức ăn của họ có từ nông trại của họ. Các phụ nữ may vá, đan thêu và dệt quần áo giản dị và đơn sơ của họ. Họ được biết là người Amish.

Một người 32 tuổi lái xe vận tải chở sữa sống với gia đình mình trong cộng đồng Nickel Mines của họ. Người ấy không phải là người Amish, nhưng lộ trình lái xe chở hàng của người ấy dẫn người ấy đến nhiều nông trại sản xuất bơ sữa của người Amish, nơi mà người ấy bắt đầu được biết đến là một người đi giao sữa trầm lặng. Tháng Mười năm ngoái, người ấy bỗng nhiên mất hết lý trí và sự tự chủ. Trong đầu óc bị dày vò của mình, người ấy trách cứ Thượng Đế về cái chết của đứa con đầu lòng của mình và một số ký ức vô căn cứ. Người ấy xông vào trường Amish mà không có lý do gì, thả ra các em trai và những người lớn, bắt trói 10 em gái. Người ấy bắn các em gái này, giết chết năm em và gây thương tích cho năm em kia. Rồi người ấy tự tử.

Sự bạo động đầy kinh hoàng này gây ra nỗi đau khổ lớn chứ không phải sự tức giận giữa cộng đồng người Amish. Có sự đau đớn nhưng không căm thù. Họ đã lập tức tha thứ. Họ cùng nhau bắt đầu tìm cách giúp đỡ gia đình đang đau khổ của người đi giao sữa. Khi gia đình của người đi giao sữa họp lại trong nhà của người ấy một ngày sau khi vụ nổ súng xảy ra, thì một người láng giềng Amish đã đến, choàng tay qua vai người cha của kẻ sát nhân đã chết, và nói: “Chúng tôi tha thứ cho các bạn.”1 Các vị lãnh đạo Amish đi thăm vợ con của người đi giao sữa để chia buồn, tha thứ, giúp đỡ và yêu thương. Khoảng một nửa số người đi đưa đám tang tại tang lễ của người đi giao sữa là người Amish. Đổi lại, người Amish đã mời gia đình của người đi giao sữa đến tham dự tang lễ của các em gái đã bị giết chết. Đã có một sự bình an phi thường nơi người Amish khi đức tin của họ hỗ trợ họ trong cơn khủng hoảng này.

Một người dân địa phương đã hùng hồn tóm lược kết quả của thảm cảnh này khi ông nói: “Chúng ta đều nói cùng một thứ tiếng, và không chỉ là tiếng Anh không thôi mà còn là một thứ tiếng chăm sóc, một thứ tiếng của cộng đồng, [và] một thứ tiếng phục vụ. Và, đúng thế, một thứ tiếng tha thứ.”2 Đó là một đức tin trọn vẹn, dạt dào kỳ diệu của họ nơi những lời giảng dạy của Chúa trong Bài Giảng trên Núi: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”3

Gia đình của người đi giao sữa là người đã giết chết năm em bé gái đã gửi ra lá thư sau đây cho công chúng:

“Kính gửi các bạn bè người Amish, láng giềng và cộng đồng địa phương của chúng tôi:

Gia đình chúng tôi muốn mỗi quý vị biết rằng chúng tôi được tràn đầy sự tha thứ, ân điển, và lòng thương xót mà quý vị đã dành cho chúng tôi. Tình yêu thương của quý vị dành cho gia đình chúng tôi đã giúp cung ứng sự chữa lành mà chúng tôi rất cần. Những lời cầu nguyện, các bó hoa, các tấm thiệp và các món quà mà quý vị tặng cho đã cảm động lòng chúng tôi trong một cách thức mà không một lời nào có thể tả được. Lòng trắc ẩn của quý vị đã vượt lên trên gia đình của chúng tôi, cộng đồng của chúng ta, và đang thay đổi thế giới của chúng ta và chúng tôi thành thật cám ơn quý vị về điều này.

Xin biết rằng chúng tôi rất đau lòng bởi tất cả những điều đã xảy ra. Lòng chúng tôi ngập đầy phiền muộn đối với tất cả những người láng giềng Amish của chúng tôi là những người mà chúng tôi đã yêu mến và tiếp tục yêu mến. Chúng tôi biết rằng sẽ có nhiều ngày khó khăn trước mặt đối với tất cả các gia đình đã mất người thân, vậy nên chúng tôi sẽ tiếp tục đặt hy vọng và sự tin cậy của mình vào Thượng Đế của mọi sự an ủi, khi chúng ta đều cố gắng tạo dựng lại cuộc đời của mình.”4

Làm thế nào toàn thể nhóm người Amish có thể biểu lộ lòng tha thứ như vậy được? Đó là nhờ vào đức tin của họ nơi Thượng Đế và sự tin cậy nơi lời của Ngài, tức là một phần của con người họ. Họ nhận mình là các môn đồ của Đấng Ky Tô và muốn noi theo gương Ngài.

Khi nghe về thảm cảnh này, nhiều người đã gửi tiền cho người Amish để trả tiền cho sự chăm sóc y tế của năm em bé gái còn sống sót và cho những phí tổn chôn cất của năm em gái bị giết chết. Để cho thấy thêm vai trò môn đồ của mình, người Amish đã quyết định chia sẻ một số tiền với người góa phụ của người đi giao sữa và ba đứa con của bà vì họ cũng là nạn nhân trong thảm cảnh khủng khiếp này.

Sự tha thứ không phải luôn luôn xảy ra ngay lập tức như trong trường hợp của người Amish. Khi các trẻ em vô tội bị quấy rối tình dục hoặc giết chết thì đa số chúng ta không nghĩ trước hết đến sự tha thứ. Phản ứng tự nhiên của chúng ta là tức giận. Chúng ta còn có thể cảm thấy là điều chính đáng để “trả đũa” bất cứ ai gây ra tổn hại cho chúng ta hoặc gia đình chúng ta.

Tiến Sĩ Sidney Simon, một chuyên gia đã được nhìn nhận về sự thực hiện theo các tiêu chuẩn đạo đức, đã đưa ra một định nghĩa xuất sắc về sự tha thứ khi nó áp dụng cho mối quan hệ của con người:

“Sự tha thứ là giải tỏa và sử dụng đúng chỗ hơn sinh lực mà đã có lần tiêu hao trong sự hận thù, ấp ủ sự oán giận, và nuôi dưỡng những vết thương còn lỡ miệng. Đó là sự khám phá lại sức mạnh mà chúng ta luôn luôn có và sử dụng khả năng vô hạn của mình để hiểu và chấp nhận những người khác và bản thân mình.”5

Đa số chúng ta cần thời gian để trải qua nỗi đau đớn và mất mát. Chúng ta có thể tìm ra tất cả các lý do để trì hoãn sự tha thứ. Một trong số các lý do này là chờ người phạm tội hối cải trước khi chúng ta tha thứ cho họ. Tuy nhiên, một sự trì hoãn như vậy làm cho chúng ta bị lấy đi sự bình an và hạnh phúc mà có thể thuộc về chúng ta. Nỗi rồ dại của việc tiếp tục nghĩ đến nỗi đau đã có từ lâu thì không mang đến hạnh phúc.

Một số người hận thù suốt đời mà không biết rằng việc can đảm tha thứ những người đã cư xử xấu với chúng ta là điều bổ ích và là phương thuốc chữa lành.

Sự tha thứ đến một cách sẵn lòng hơn khi, giống như người Amish, chúng ta có đức tin nơi Thượng Đế và sự tin cậy nơi lời Ngài. Đức tin như vậy “giúp cho người ta có thể chống lại những điều tệ hại nhất của nhân loại. Nó cũng giúp cho người ta có thể nghĩ về người khác. Quan trọng hơn nữa, nó giúp cho họ có thể tha thứ.”6

Tất cả chúng ta đều bị tổn thương từ những kinh nghiệm mà dường như rất vô lý . Chúng ta không thể hiểu hoặc giải thích chúng được. Chúng ta có thể không bao giờ biết lý do tại sao một số điều xảy ra trong cuộc sống này. Lý do của một số nỗi đau khổ của chúng ta thì chỉ có Chúa biết mà thôi. Nhưng bởi vì nó xảy ra thì chúng ta phải chịu đựng. Chủ Tịch Howard W. Hunter đã nói rằng: “Thượng Đế biết điều chúng ta không biết và thấy điều chúng ta không thấy được.”7

Chủ Tịch Brigham Young đã đưa ra sự hiểu biết thấu đáo này rằng ít nhất một số nỗi đau khổ của chúng ta có một mục đích khi ông nói: “Mọi tai ương mà có thể đến với người trần sẽ được để cho xảy đến với một số người, để chuẩn bị cho họ vui hưởng sự hiện diện của Chúa… . Mọi thử thách và kinh nghiệm mà các anh chị em đã trải qua là cần thiết cho sự cứu rỗi của các anh chị em.”8

Nếu chúng ta có thể tìm được sự tha thứ trong lòng mình đối với những người đã gây ra đau khổ và tổn thương cho mình, thì chúng ta sẽ vươn tới mức độ cao hơn của lòng tự trọng và sự an lạc. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy rằng những người được dạy cho sự tha thứ thì trở nên “ít giận dữ hơn, hy vọng nhiều hơn, ít thất vọng hơn, ít lo âu và ít căng thẳng hơn,” là những điều dẫn đến sự an lạc lớn lao hơn về mặt thể xác.9 Một nghiên cứu khác trong số những nghiên cứu này kết luận “rằng sự tha thứ là một món quà tự do mà người ta có thể tự cho mình.”10

Trong thời chúng ta, Chúa đã khuyên nhủ chúng ta: “Các ngươi phải biết tha thứ cho nhau …” và rồi Ngài làm nó thành điều kiện tất yếu khi Ngài phán: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người.”11

Một chị nọ trải qua một cuộc ly dị đau khổ đã nhận được một lời khuyên tốt từ vị giám trợ của mình: “Hãy dành một chỗ trong lòng của chị cho sự tha thứ, và khi nó đến, hãy sẵn lòng tiếp nhận nó.”12 Đối với những người Amish, thì chỗ đó đã có sẵn nơi lòng của họ vì “sự tha thứ là ‘sự thành tâm’ của tôn giáo [của họ].”13 Tấm gương tha thứ của họ là một sự biểu lộ tuyệt vời về tình yêu thương của Ky Tô hữu.

Ở Thành Phố Salt Lake này đây vào năm 1985, Giám Trợ Steven Christensen, mặc dù không phải lỗi của anh, đã bị giết chết một cách tàn nhẫn và vô lý bởi một quả bom nhắm vào mạng anh. Anh là con trai của Mac và Joan Christensen, chồng của Terri, và cha của bốn đứa con. Với sự ưng thuận của cha mẹ của anh, tôi chia sẻ điều mà họ đã học được từ kinh nghiệm này. Sau hành vi khủng khiếp này, giới truyền thông không ngớt đi theo những người trong gia đình Christensen. Trong một dịp nọ, sự xâm phạm của giới truyền thông đã làm cho một trong những người trong gia đình bực mình đến nỗi cha của Steven, Mac, đã ngăn giữ người đó lại. Rồi Mac nghĩ: “Thảm cảnh này sẽ hủy diệt gia đình tôi nếu chúng tôi không tha thứ. Lòng căm thù và oán ghét sẽ không bao giờ kết thúc nếu chúng tôi không giải tỏa chúng ra khỏi lòng mình.” Sự chữa lành và bình an đã đến với gia đình đó khi họ tẩy rửa lòng mình khỏi sự tức giận, và đã có thể tha thứ cho người đã lấy đi mạng sống của con trai họ.

Chúng ta cũng mới vừa có hai thảm cảnh khác ở Utah này mà cho thấy đức tin và quyền năng chữa lành của sự tha thứ. Gary Ceran là người có vợ và hai đứa con bị chết trong đêm trước Lễ Giáng Sinh khi xe của họ bị một chiếc xe tải tông vào, đã lập tức bày tỏ sự tha thứ và mối quan tâm của mình đối với người lái xe được khẳng định là say rượu. Tháng Hai vừa qua, khi một chiếc xe tông vào xe của Giám Trợ Christopher Williams, ông đã chọn một quyết định và đó là “sự tha thứ vô điều kiện” cho người lái xe mà đã gây ra tai nạn ngõ hầu tiến trình chữa lành không thể bị cản trở.14

Chúng ta đều có thể học được điều gì từ những kinh nghiệm như vậy? Chúng ta cần phải nhận biết và thừa nhận những cảm giác tức giận. Sẽ phải có sự khiêm nhường để làm điều này, nhưng nếu chúng ta chịu quỳ xuống và cầu xin Cha Thiên Thượng ban cho một cảm giác tha thứ, thì Ngài sẽ giúp chúng ta. Chúa đòi hỏi chúng ta “phải tha thứ tất cả mọi người”15 vì lợi ích của chúng ta bởi vì “lòng căm thù sẽ cản trở sự tăng trưởng phần thuộc linh.”16 Chỉ khi nào chúng ta tự mình từ bỏ lòng căm thù và sự cay đắng thì Chúa mới có thể ban sự an ủi cho tâm hồn của chúng ta cũng giống như Ngài đã làm cho cộng đồng người Amish, cho gia đình Christensen, gia đình Ceran, và gia đình William.

Dĩ nhiên, xã hội cần phải được bảo vệ khỏi những kẻ chai đá phạm tội ác vì “sự thương xót không thể cướp đoạt công lý .”17 Giám Trợ Williams đã đề cập đến quan niệm này rất hay khi ông nói: “Sự tha thứ là một nguồn quyền năng. Nhưng sự tha thứ không loại bỏ những hậu quả khỏi chúng ta.”18 Khi thảm cảnh xảy ra, chúng ta không nên đáp ứng bằng cách tìm cách trả thù cá nhân, mà thay vì thế hãy để cho công lý xét xử, và rồi quên đi. Không phải là điều dễ dàng để quên đi và trút sự oán giận day dứt ra khỏi lòng mình. Đấng Cứu Rỗi đã ban cho tất cả chúng ta một sự bình an quý báu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài nhưng điều này chỉ có thể đến được khi chúng ta sẵn lòng loại bỏ những cảm giác tiêu cực, tức giận, thù oán hoặc trả thù. Đối với tất cả chúng ta là những người tha thứ cho “những ai xúc phạm đến mình,”19 ngay cả những người phạm vào tội nghiêm trọng, thì Sự Chuộc Tội sẽ mang đến một mức độ bình an và an ủi.

Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta cần phải tha thứ để được tha thứ. Trong những lời của một bài thánh ca ưa thích của tôi: “Ôi, hãy tha thứ cho những người khác giống như ngươi muốn được ta tha thứ.”20 Tôi hết lòng và hết tâm hồn tin nơi quyền năng chữa lành mà có thể đến với chúng ta khi chúng ta tuân theo lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi “để tha thứ cho mọi người.”21 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Trong Joan Kern, “A Community Cries,” Lancaster New Era, ngày 4 tháng Mười năm 2006, trang A8.

  2. Trong Helen Colwell Adams, “After That Tragic Day, a Deeper Respect among English, Amish?” Sunday News, ngày 15 tháng Mười năm 2006, trang A1.

  3. Ma Thi Ơ 5:44.

  4. “Amish Shooting Victims,” www.800padutch.com/amishvictims.shtml.

  5. Với Suzanne Simon, Forgiveness: How to Make Peace with Your Past and Get On with Your Life (1990), 19.

  6. Marjorie Cortez, “Amish Response to Tragedy Is Lesson in Faith, Forgiveness,” Deseret Morning News, ngày 2 tháng Giêng năm 2007, trang A13.

  7. “The Opening and Closing of Doors,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 60.

  8. Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe tuyển chọn (1954), 345.

  9. Fred Luskin, trong Carrie A. Moore, “Learning to Forgive,” Deseret Morning News, ngày 7 tháng Mười năm 2006, trang E1.

  10. Jay Evensen, “Forgiveness Is Powerful but Complex,” Deseret Morning News, ngày 4 tháng Hai năm 2007, trang G1.

  11. GLGƯ 64:9, 10.

  12. Trong “My Journey to Forgiving,” Ensign, tháng Hai năm 1997, 43.

  13. Donald Kraybill, trong Colby Itkowitz, “Flowers, Prayers, Songs: Families Meet at Roberts’ Burial,” Intelligence Journal, ngày 9 tháng Mười năm 2006, trang A1.

  14. Xin xem Pat Reavy, “Crash Victim Issues a Call for Forgiveness,” Deseret Morning News, ngày 13 tháng Hai năm 2007, trang A1.

  15. GLGƯ 64:10.

  16. Orson F. Whitney, Gospel Themes (1914), 144.

  17. Xin xem An Ma 42:25.

  18. Trong Deseret Morning News, ngày 13 tháng Hai năm 2007, trang A8.

  19. Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:13.

  20. “Reverently and Meekly Now,” Hymns, số 185.

  21. GLGƯ 64:10.