2005
Sự Thiêng Liêng của Thể Xác
Tháng Mười Một năm 2005


Sự Thiêng Liêng của Thể Xác

Chúa muốn chúng ta được tạo lại—theo hình ảnh của Ngài, chứ không phải hình ảnh của thế gian, bằng cách thụ nhận hình ảnh của Ngài trong sắc mặt của mình.

Tôi vừa trở về từ một chuyến thăm viếng nơi mà tôi chào đón đứa cháu ngoại bé bỏng mới nhất vừa ra đời của chúng tôi, Elizabeth Claire Sandberg. Nó thật là hoàn hảo! Lòng tôi tràn đầy sự thán phục, giống như mỗi khi tôi thấy một đứa bé sinh ra, với các ngón tay, các ngón chân, tóc, con tim đang đập và các đặc tính riêng của gia đình nó—mũi, cằm, lúm đồng tiền trên má. Các anh chị của nó cũng phấn khởi và mê đứa em gái bé nhỏ, hoàn hảo của chúng. Dường như chúng cảm giác được một sự thiêng liêng trong nhà chúng vì sự hiện diện của một linh hồn từ thiên thượng mới vừa kết hợp với một thể xác thanh khiết.

Trong tiền dương thế, chúng ta học biết được rằng thể xác là một phần của kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Thượng Đế dành cho chúng ta. Như được nói trong bản tuyên ngôn gia đình: “Những người con trai và con gái linh hồn biết và thờ phượng Thượng Đế là Đức Cha Vĩnh Cửu của họ và chấp nhận kế hoạch của Ngài mà qua đó các con cái của Ngài có thể nhận được một thể xác và đạt được kinh nghiệm trần thế để tiến triển đến sự toàn hảo và cuối cùng ý thức được số mệnh thiêng liêng của mình với tư cách là một người thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49). Quả vậy, chúng ta “cất tiếng reo mừng” (Gióp 38:7) vì được làm một phần tử trong kế hoạch này.

Tại sao chúng ta đã phấn khởi như vậy? Chúng ta đã hiểu các lẽ thật vĩnh cửu về thể xác của mình. Chúng ta biết rằng thể xác của mình được tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Chúng ta biết rằng thể xác của chúng ta là nơi trú ngụ của linh hồn mình. Chúng ta cũng hiểu rằng thể xác của chúng ta sẽ chịu đau đớn, bệnh hoạn, khuyết tật và cám dỗ. Nhưng chúng ta sẵn lòng, ngay cả hăm hở, chấp nhận những thử thách này vì chúng ta biết rằng chỉ với linh hồn và nguyên tố kết hợp nhau một cách không thể tách rời được thì chúng ta mới có thể tiến triển để trở thành giống như Cha Thiên Thượng (xin xem GLGƯ 130:22) và “tiếp nhận niềm vui trọn vẹn” (GLGƯ 93:33).

Với phúc âm trọn vẹn trên thế gian, chúng ta một lần nữa có đặc ân để biết các lẽ thật này về thể xác. Joseph Smith đã dạy: “Chúng ta đến thế gian này để chúng ta có thể có một thể xác và trình diện thể xác thanh khiết này lên Thượng Đế trong Thượng Thiên Giới. Nguyên tắc hạnh phúc vĩ đại này gồm có việc có một thể xác. Quỷ Dữ không có thể xác và đó là hình phạt của nó” (The Words of Joseph Smith, do Andrew F. Ehat và Lyndon W. Cook [1980] xuất bản, 60).

Sa Tan cũng biết được các lẽ thật này về thể xác, nhưng hình phạt của nó là nó không có thể xác. Vậy nên, nó cố gắng làm mọi cách nó có thể làm để khiến chúng ta lạm dụng hoặc dùng sai ân tứ quý báu này. Nó làm thế gian đầy dẫy sự dối trá và lừa gạt về thể xác. Nó cám dỗ nhiều người làm mất tính chất thiêng liêng của ân tứ lớn lao về thể xác này qua sự không trinh khiết, tính không đoan trang, sự buông thả và nghiện ngập. Nó dụ dỗ một số người xem thường thân thể họ; nó cám dỗ những người khác thờ phượng thân thể họ. Trong cả hai trường hợp, nó đều lôi cuốn thế gian xem thân thể chỉ là một đồ vật. Vì có quá nhiều điều dối trá của Sa Tan về thể xác, nên hôm nay tôi muốn nói lên để hỗ trợ cho sự thiêng liêng của thể xác. Tôi làm chứng rằng thể xác là một ân tứ và phải được đối xử với lòng biết ơn và kính trọng.

Thánh thư dạy rằng thể xác là một đền thờ. Chính Chúa Giê Su là Đấng đã đầu tiên so sánh thể xác của Ngài với một đền thờ (xin xem Giăng 2:21). Về sau Phao Lô đã nói: “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Vì có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ” (1 Cô Rinh Tô 3:16–17).

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thật sự đối xử với thể xác của mình như là đền thờ? Kết quả sẽ là một sự gia tăng phi thường về sự trinh khiết, đoan trang, tuân giữ Lời Thông Sáng và một sự giảm thiểu tương tự nơi các vấn đề về hình ảnh sách báo khiêu dâm và sự lạm dụng, ngược đãi, vì chúng ta sẽ xem thể xác, giống như đền thờ, là nơi trú ngụ của Thánh Linh. Cũng giống như việc không có vật gì ô uế có thể vào đền thờ thì chúng ta sẽ thận trọng để ngăn giữ không cho bất cứ thứ gì ô uế vào đền thờ của thể xác mình.

Tương tự như thế, chúng ta sẽ giữ cho bên ngoài của đền thờ của thể xác mình trông sạch sẽ và xinh đẹp để phản ảnh tính chất thiêng liêng và thánh thiện của điều bên trong, cũng giống như Giáo Hội làm như vậy với các đền thờ của Giáo Hội. Chúng ta phải ăn mặc và hành động trong những cách thức mà phản ảnh tinh thần thiêng liêng ở bên trong chúng ta.

Cách đây không lâu, trong khi tôi đi viếng thăm các thành phố nổi tiếng đầy du khách trên thế giới, lòng tôi đã tràn ngập nỗi buồn vì có rất nhiều người trên thế gian đã là nạn nhân của sự lừa gạt bởi Sa Tan rằng thân thể của chúng ta chỉ là đồ để chưng diện và phô trương một cách công khai. Hãy tưởng tượng sự trái ngược và niềm vui của tôi khi tôi bước vào một lớp học của các thiếu nữ ăn mặc đoan trang và thích đáng mà diện mạo của các em ấy rạng ngời sự tốt lành. Tôi nghĩ: “Đây là tám em thiếu nữ xinh đẹp mà biết cách cho thấy sự kính trọng đối với thân thể của mình và biết lý do tại sao các em làm điều đó.” Trong Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ có nói: “Thân thể của các em là sự sáng tạo thiêng liêng của Thượng Đế. Hãy kính trọng thân thể mình là một sự ban cho từ Thượng Đế, và chớ làm nó ô uế trong bất cứ hình thức nào. Qua cách ăn mặc và diện mạo của mình, các em có thể cho Chúa thấy rằng các em biết thân thể của mình là quý báu biết bao… . Cách ăn mặc của các em phản ảnh con người bên trong của các em” ([2001], 14–15).

Tính đoan trang còn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ một vấn đề tránh ăn mặc lộ liễu. Nó không những mô tả chiều dài của gấu áo và chiều cao của cổ áo mà còn cả thái độ của tấm lòng chúng ta. Chữ đoan trang có nghĩa là “được đo lường.” Chữ đoan trang liên quan đến chữ nhã nhặn, nhu mì. Nó bao gồm “sự lịch sự và đúng đắn … trong ý nghĩ, lời lẽ, cách ăn mặc và hành vi” (trong Daniel H. Ludlow, xuất bản, Encyclopedia of Mormonism, 5 tập [1992], 2:932).

Sự tiết chế và sự thích đáng phải chi phối tất cả những thèm muốn vật chất của chúng ta. Cha Thiên Thượng nhân từ đã ban cho chúng ta vẻ xinh đẹp và lạc thú của thể xác để cả hai “vừa làm cho vui mắt, vừa để làm cho lòng người hân hoan” (GLGƯ 59:18), nhưng với lời cảnh cáo này: chúng đã “được làm ra để con người sử dụng, bằng một cách có suy tính, không quá độ mà cũng không có sự cưỡng bách” (GLGƯ 59:20). Chồng của tôi dùng câu thánh thư này để dạy cho con cái của chúng tôi về luật trinh khiết. Anh ấy nói rằng “chữ cưỡng bách … thật sự có nghĩa là ‘vặn vẹo.’ Việc sử dụng … thân thể của chúng ta không được vặn vẹo trái với … các mục đích đã được Thượng Đế quy định và ban cho. Lạc thú của thể xác thì tốt vào đúng lúc và đúng chỗ của nó, nhưng dù như thế nó cũng không được trở thành thượng đế của chúng ta” (John S. Tanner, “The Body as a Blessing,” Ensign, tháng Bảy năm 1993, 10).

Những lạc thú của thân thể có thể trở thành một ám ảnh đối với một số người; sự chú ý mà chúng ta mang đến cho diện mạo bên ngoài của mình cũng có thể như vậy. Đôi khi có một sự ích kỷ quá mức trong việc tập thể dục, ăn kiêng, trang điểm và tiêu tiền vào thời trang mới nhất (xin xem An Ma 1:27).

Tôi băn khoăn bởi sự điểm trang thái quá. Hạnh phúc có được từ việc chấp nhận thân thể mà chúng ta đã được ban cho là các ân tứ thiêng liêng và gia tăng các thuộc tính tự nhiên của chúng ta, chứ không phải làm lại thân thể mình theo hình ảnh của thế gian. Chúa muốn chúng ta được tạo lại—theo hình ảnh của Ngài, chứ không phải hình ảnh của thế gian, bằng cách thụ nhận hình ảnh của Ngài trong sắc mặt của mình (xin xem An Ma 5:14, 19).

Tôi nhớ rất rõ sự thiếu tự tin của tôi khi còn niên thiếu với mặt đầy mụn trứng cá. Tôi cố gắng chăm sóc làn da của mình một cách thích đáng. Cha mẹ tôi giúp tôi có được sự chăm sóc y tế. Trong nhiều năm, tôi đã không hề ăn sô cô la và thức ăn béo của các nhà phục vụ món ăn nhanh là các sinh hoạt mà các thanh thiếu niên thường làm, nhưng cũng không nhận được những kết quả chữa lành rõ rệt. Rất khó cho tôi vào lúc ấy để cảm kích trọn vẹn thân thể này mà đã mang đến cho tôi nhiều phiền muộn. Nhưng người mẹ tốt của tôi đã dạy tôi một luật pháp cao hơn. Bà lặp đi lại lại rằng: “Con phải làm mọi điều mà con có thể làm được để làm cho diện mạo của con xinh đẹp, nhưng ngay khi con bước ra khỏi cửa, thì hãy quên mình và bắt đầu nghĩ về những người khác.”

Như thế đó. Mẹ của tôi dạy cho tôi về nguyên tắc vị tha giống như Đấng Ky Tô. Lòng bác ái, hoặc tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, “không ganh tỵ, không cao ngạo, không tìm lợi lộc cho cá nhân mình” (Mô Rô Ni 7:45). Khi nghĩ nhiều hơn về những người khác hoặc trở nên vị tha, thì chúng ta phát triển một vẻ đẹp bên trong rực chiếu nơi diện mạo bên ngoài của mình. Đây là cách thức chúng ta tự thay đổi mình theo hình ảnh của Chúa hơn là hình ảnh của thế gian và thụ nhận hình ảnh của Ngài trong sắc mặc của mình. Chủ Tịch Hinckley đã nói về chính vẻ đẹp này mà có được khi chúng ta biết tôn trọng thân thể, tâm trí và tinh thần. Ông nói:

“Trong tất cả các vật sáng tạo của Đấng Toàn Năng, không có thứ gì xinh đẹp, không có thứ gì được soi dẫn hơn một người con gái yêu kiều của Thượng Đế là người bước đi trong đức hạnh với một sự hiểu biết lý do tại sao mình phải làm vậy, là người kính trvà tôn kính thân thể của mình là một điều thiêng liêng và thánh thiện, là người trau dồi tâm trí mình và liên tục nới rộng chân trời hiểu biết của mình, là người nuôi dưỡng linh hồn của mình với lẽ thật vĩnh cửu” (“Understanding Our Divine Nature,” Liahona, tháng Hai năm 2002, 24; “Our Responsibility to Our Young Women,” Ensign, tháng Chín năm 1988, 11).

Tôi xin chân thành cầu nguyện rằng tất cả những người nam và những người nữ sẽ tìm kiếm vẻ đẹp được vị tiên tri ca ngợi—vẻ đẹp của thân thể, tâm trí và linh hồn!

Phúc âm phục hồi dạy rằng có một sự kết hợp tự nhiên giữa thân thể, tâm trí và linh hồn. Ví dụ, trong Lời Thông Sáng, linh hồn và thể xác được kết hợp chặt chẽ với nhau. Khi tuân theo luật sức khỏe của Chúa về thể xác của mình, chúng ta cũng được hứa sự khôn ngoan cho linh hồn của mình và sự hiểu biết cho tâm trí của mình (xin xem GLGƯ 89:19–21). Linh hồn và thể xác đã thật sự kết hợp với nhau.

Tôi còn nhớ một việc xảy ra trong nhà mình nơi mà tinh thần bén nhạy của mẹ tôi đã bị ảnh hưởng bởi một sự ham mê vật chất. Bà đã thử làm một công thức bánh ngọt mới. Chúng rất to, rất ngọt và ngon—và làm đầy bụng. Ngay cả các anh em trai trong tuổi niên thiếu của tôi cũng không thể ăn hơn một cái bánh. Đêm đó lúc gia đình cầu nguyện chung, cha tôi gọi Mẹ cầu nguyện. Bà ôm đầu mình và không trả lời. Ông nhẹ nhàng thúc bà: “Có điều gì không ổn chăng?” Cuối cùng bà nói: “Em không cảm thấy có Thánh Linh đêm nay. Em mới ăn ba cái bánh ngọt đó.” Tôi thiết tưởng đôi khi nhiều người trong chúng ta cũng đã làm tổn thương tinh thần của mình bởi sự ham mê vật chất. Nhất là những chất liệu bị cấm trong Lời Thông Sáng có một ảnh hưởng tai hại cho thân thể của chúng ta và một ảnh hưởng làm tê liệt sự bén nhạy của tinh thần chúng ta. Không một ai trong chúng ta có thể bác bỏ sự kết hợp này của tinh thần và thể xác của chúng ta.

Các thể xác thiêng liêng này, mà chúng ta rất biết ơn, chịu đựng những hạn chế tự nhiên. Một số người sinh ra với khuyết tật và chịu đau đớn vì bệnh tật trong suốt đời họ. Khi lớn tuổi, tất cả chúng ta trải qua giai đoạn thân thể của mình dần dần bắt đầu suy yếu. Khi điều này xảy ra, chúng ta mong muốn đến ngày mà thân thể chúng ta sẽ được chữa lành và khỏe mạnh. Chúng ta trông chờ Sự Phục Sinh mà Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho có thể có được, khi mà “linh hồn sẽ được phục hồi với thể xác, và thể xác trở về với linh hồn; phải, mọi tứ chi và khớp xương đều được phục hồi lại với thể xác; phải, ngay cả một sợi tóc trên đầu cũng không mất; trái lại tất cả sẽ được phục hồi lại trong hình thể thích hợp và trọn vẹn” (An Ma 40:23). Tôi biết rằng qua Đấng Ky Tô chúng ta có thể trải qua một niềm vui trọn vẹn mà chỉ có được khi linh hồn và nguyên tố kết hợp nhau một cách không thể tách rời được (xin xem GLGƯ 93:33).

Thể xác của chúng ta là đền thờ của chúng ta. Chúng ta giống không kém mà còn có thể nói là giống Cha Thiên Thượng hơn vì chúng ta có thể xác. Tôi làm chứng rằng chúng ta là con cái của Ngài, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, với tiềm năng trở thành giống như Ngài. Chúng ta hãy chăm sóc kỹ lưỡng ân tứ thiêng liêng này về thể xác. Một ngày nào đó, nếu xứng đáng, chúng ta sẽ nhận được một thể xác vinh quang toàn hảo—thanh khiết và trong sạch giống như đứa cháu ngoại bé nhỏ mới của tôi, trừ phi nó sẽ được kết hợp với linh hồn một cách không thể tách rời được. Và chúng ta sẽ reo mừng (xin xem Gióp 38:7) để tiếp nhận ân tứ này lần nữa là điều mà chúng ta đã mong muốn (xin xem GLGƯ 138:50). Cầu xin cho chúng ta tôn trọng sự thiêng liêng của thể xác trong cuộc sống trần thế để Chúa có thể thánh hóa và tôn cao thể xác đó trong thời vĩnh cửu. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.