Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý
Những Gợi Ý dành cho Các Hoàn Cảnh Giảng Dạy và Người Học Khác Nhau


“Những Gợi Ý dành cho Các Hoàn Cảnh Giảng Dạy và Người Học Khác Nhau,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và tại Nhà Thờ (năm 2022)

“Những Gợi Ý dành cho Các Hoàn Cảnh Giảng Dạy và Người Học Khác Nhau,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Hình Ảnh
người đàn ông đang giảng dạy cho gia đình

Những Gợi Ý dành cho Các Hoàn Cảnh Giảng Dạy và Người Học Khác Nhau

Các nguyên tắc giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi có thể áp dụng cho bất kỳ cơ hội giảng dạy nào—ở nhà, tại nhà thờ, và bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, mọi cơ hội đều đến với những hoàn cảnh riêng của nó. Phần này đưa ra các gợi ý bổ sung dành riêng cho những người học và các hoàn cảnh giảng dạy khác nhau.

Nhà Cửa và Gia Đình

Gia Đình Là Nơi Tốt Nhất để Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm

Chủ Tịch President Russell M. Nelson đã dạy rằng gia đình cần phải là “trung tâm học tập phúc âm” (“Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 113). Việc giảng dạy diễn ra tại nhà thờ hay ở lớp giáo lý đều quý báu và cần thiết, nhưng nó có mục đích là hỗ trợ cho việc giảng dạy diễn ra ở nhà. Nơi chính yếu—và nơi tốt nhất—cho việc học hỏi phúc âm, đối với bản thân lẫn gia đình chúng ta, là ở nhà của mình.

Nhưng điều đó không có nghĩa là việc học hỏi phúc âm sẽ tự động diễn ra tốt đẹp ở nhà, mà nó cần có nỗ lực tận tâm. Chủ Tịch Nelson đã đề nghị rằng anh chị em có thể cần để “biến đổi” hoặc “tổ chức lại nhà cửa của mình”—không nhất thiết phải bằng cách xé bỏ giấy dán tường hoặc lót lại sàn nhà mới, mà có thể bằng cách đánh giá mức độ thuộc linh trong tổng thể ngôi nhà của mình, kể cả sự đóng góp của anh chị em cho bầu không khí thuộc linh đó (“Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” trang 113). Ví dụ, hãy xem xét âm nhạc, video, và các phương tiện truyền thông khác trong nhà của anh chị em; các tranh ảnh treo tường; và cách mà các thành viên trong gia đình mình nói chuyện và đối đãi với nhau. Những điều này có mời ảnh hưởng của Đức Thánh Linh không? Anh chị em có dành thời gian cho việc học phúc âm, riêng cá nhân và chung với gia đình không? Các thành viên trong gia đình có cảm thấy được yêu thương, an toàn, và gần gũi Thượng Đế khi họ ở trong nhà anh chị em không?

Có lẽ anh chị em không cảm thấy mình có khả năng kiểm soát bầu không khí thuộc linh trong nhà mình. Nếu đúng như thế, thì hãy là người có ảnh hưởng tốt nhất có thể và cầu xin Chúa giúp đỡ. Ngài sẽ tôn vinh các nỗ lực ngay chính của anh chị em. Khi anh chị em cố gắng giảng dạy và học hỏi phúc âm, ngay cả khi không thấy ngay kết quả mong muốn, là anh chị em đang thành công.

Việc Học Hỏi ở Nhà Được Thiết Lập Trên Các Mối Quan Hệ

Việc “yêu mến những người anh chị em giảng dạy” áp dụng cho mọi hoàn cảnh giảng dạy phúc âm, nhưng khi ở nhà, tình yêu thương phải đến một cách tự nhiên và được cảm nhận sâu sắc nhất. Ngay cả khi gia đình của anh chị em không hoàn hảo, thì nó vẫn được định là trung tâm của việc giảng dạy phúc âm bởi vì đó là nơi mà các mối quan hệ lâu bền nhất của chúng ta được xây đắp. Các giảng viên bên ngoài gia đình có thể có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc được huấn luyện làm giảng viên, nhưng họ không bao giờ có thể tạo ra những mối quan hệ yêu thương, vĩnh cửu mà chỉ tồn tại trong gia đình. Vì thế, hãy nuôi dưỡng những mối quan hệ đó. Hãy dành thời gian và nỗ lực cần thiết để lắng nghe các thành viên trong gia đình của mình và xây dựng lòng tin cậy cũng như sự thấu hiểu với họ. Điều này sẽ giúp tạo nền tảng vững chắc cho các nỗ lực của anh chị em để giảng dạy và học hỏi phúc âm ở nhà.

Việc Học Hỏi ở Nhà Có Thể Được Hoạch Định nhưng Cũng Có Thể Tự Phát

Hầu hết các lớp học tại Nhà Thờ diễn ra một tuần một lần, với sự bắt đầu và kết thúc theo thời gian biểu, nhưng ở nhà, việc này không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Anh chị em có thể có thời gian biểu cho bài học trong buổi họp tối gia đình hay học thánh thư chung với gia đình, nhưng cơ hội giảng dạy trong gia đình thường xảy ra trong những giây phút thường nhật—trong bữa ăn, lúc làm việc nhà, chơi trò chơi, trên đường đi làm hoặc đến trường, khi đang đọc một quyển sách, hay đang xem một bộ phim với nhau. Một cơn giông có thể là một cơ hội để nói về cách Đấng Cứu Rỗi che chở cho chúng ta trong nhiều cơn bão thuộc linh. Một thiếu niên với một quyết định khó khăn có thể sẵn sàng để tìm hiểu về sự mặc khải cá nhân. Chứng ngôn của anh chị em về Đấng An Ủi có thể giúp ích cho một đứa trẻ đang sợ hãi. Những đứa trẻ ngỗ nghịch hoặc bắt nạt nhau có thể được dạy về sự hối cải và tha thứ.

Vì những giây phút như vậy đều là ngoài kế hoạch, nên anh chị em không thể chuẩn bị cho những giây phút đó theo cách anh chị em chuẩn bị cho một bài học truyền thống. Tuy nhiên, anh chị em có thể chuẩn bị bản thân bằng cách nhạy bén với Thánh Linh và cố gắng “thường thường sẵn sàng” (1 Phi E Rơ 3:15). Bất kỳ khoảnh khắc nào cũng có thể trở thành giây phút giảng dạy hay học hỏi.

Việc Học Hỏi ở Nhà Gồm Những Nỗ Lực Nhỏ Bé, Đơn Thuần, và Kiên Định

Đôi khi cha mẹ cảm thấy nản lòng khi nỗ lực giảng dạy phúc âm tại nhà của họ dường như không thành công. Nếu thực hiện riêng lẻ, chỉ một buổi họp tối gia đình, một buổi học thánh thư, hoặc một cuộc trò chuyện về phúc âm có vẻ như không đạt được kết quả gì to tát. Nhưng sự tích lũy của những nỗ lực nhỏ bé, đơn giản, được lặp đi lặp lại một cách kiên định theo thời gian, có thể trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn và vững chãi hơn là một khoảnh khắc phi thường hoặc một bài học quan trọng, nhưng hiếm hoi. Chúa đã phán: “Mọi sự việc phải xảy ra vào thời kỳ của nó.” “Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn” (Giáo Lý và Giao Ước 64: 32–33; xin xem thêm An Ma 37:6–7). Vì vậy, đừng bỏ cuộc, và đừng lo lắng về việc đạt được một điều gì đó lớn lao mỗi lần. Chỉ cần kiên định trong các nỗ lực của anh chị em.

Trong Gia Đình, Việc Học Hỏi và Sống Theo Không Thể Tách Rời

Phúc âm tạo ra ảnh hưởng trực tiếp trong gia đình. Ở đó, những người mà anh chị em đang học phúc âm cùng cũng là những người mà anh chị em sẽ sống theo phúc âm cùng—mỗi ngày. Thật vậy, phần lớn thời gian, việc sống theo phúc âm cho thấy cách chúng ta học phúc âm. Vì vậy khi anh chị em học hỏi và giảng dạy phúc âm ở nhà, hãy tìm cách kết nối những điều anh chị em đang học với những việc mà mình đang làm. Trong nhà của anh chị em, hãy để phúc âm trở thành một điều gì đó mà anh chị em cố gắng sống theo, chứ không phải chỉ là một điều mà anh chị em nói đến.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang giảng dạy con cái

Cơ hội giảng dạy trong gia đình thường xảy ra trong những giây phút bình dị, thường ngày.

Giảng Dạy Trẻ Em

Trẻ Em Cần Sự Đa Dạng

Tất cả các trẻ em đều khác nhau, và khi chúng phát triển, nhu cầu của chúng cũng sẽ thay đổi. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy của anh chị em sẽ giúp anh chị em đáp ứng các nhu cầu khác nhau của chúng. Ví dụ, cân nhắc sử dụng những điều sau đây:

  • Câu Chuyện. Các câu chuyện giúp trẻ em thấy cách áp dụng phúc âm vào cuộc sống hằng ngày. Sử dụng các câu chuyện từ thánh thư, từ chính cuộc sống của anh chị em, lịch sử gia đình mình, hay từ các tạp chí của Giáo Hội, đặc biệt là các câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi. Hãy hoạch định những cách để chúng tham gia vào câu chuyện—bằng cách cầm các tấm hình, lặp lại các cụm từ, hoặc đóng diễn các nhân vật.

  • Dụng cụ trợ huấn trực quan. Tranh ảnh, video, và các đồ vật có thể giúp trẻ em hiểu và nhớ các nguyên tắc phúc âm. Nhiều tranh ảnh và video có trong Thư Viện Phương Tiện Truyền Thông trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

  • Âm nhạc. Các bài thánh ca và các bài ca thiêng liêng có thể giúp trẻ em cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế, cảm thấy Thánh Linh, và học hỏi các lẽ thật phúc âm. Các giai điệu, nhịp điệu, và vần điệu đơn giản có thể giúp chúng ghi nhớ các lẽ thật phúc âm trong nhiều năm sau đó. Khi anh chị em hát với trẻ em, hãy giúp chúng khám phá và hiểu được các nguyên tắc được dạy trong các bài hát.

Hầu hết các trẻ em học hỏi tốt nhất khi được sử dụng nhiều giác quan. Hãy tìm cách giúp các em sử dụng các giác quan như thị giác, thính giác và xúc giác khi chúng học hỏi. Trong một số trường hợp, anh chị em còn có thể tìm ra cách để cho chúng sử dụng vị giác và khứu giác nữa!

Trẻ Em Rất Sáng Tạo

Khi mời các em vẽ, dựng, tô màu, hoặc viết một điều gì đó liên quan đến một nguyên tắc phúc âm, anh chị em giúp chúng hiểu rõ hơn nguyên tắc đó và đang cho chúng một lời nhắc nhở hữu hình về điều chúng đã học được. Chúng cũng có thể sử dụng những thứ đã sáng tạo ra để chia sẻ điều chúng học được với những người khác. Mỗi số tạp chí Bạn Hữu đều có các sinh hoạt sáng tạo dành cho trẻ em.

Trẻ Em Rất Tò Mò

Khi các em đặt câu hỏi, hãy xem đó là các cơ hội, chứ không phải những điều sao lãng. Những câu hỏi của trẻ em là một dấu hiệu cho thấy chúng đã sẵn sàng học hỏi, và những câu hỏi của chúng cho anh chị em sự hiểu biết quý giá về điều chúng đang suy nghĩ và cảm nhận. Hãy giúp chúng thấy rằng những câu trả lời cho những câu hỏi thuộc linh của chúng có thể được tìm thấy trong thánh thư và lời của các vị tiên tri tại thế.

Trẻ Em Cần Được Yêu Thương Ngay Cả Khi Chúng Nghịch Ngợm

Đôi khi một đứa trẻ có những hành động gây gián đoạn việc học tập của những em khác. Hầu hết việc gây rối này xuất phát từ nhu cầu chưa được đáp ứng. Khi điều này xảy ra, hãy kiên nhẫn, yêu thương, và thông cảm với những vấn đề mà đứa trẻ có thể gặp phải. Em ấy có thể cần thêm nhiều cơ hội để tham gia vào bài học một cách tích cực—ví dụ như, cầm một tấm hình, vẽ một cái gì đó, hoặc đọc một câu thánh thư.

Nếu một đứa trẻ tiếp tục gây rối thì việc nói chuyện riêng với em đó có thể là điều hữu ích. Trong tinh thần yêu thương và kiên nhẫn, hãy giải thích những kỳ vọng và sự tin tưởng của anh chị em rằng em ấy có thể làm được. Hãy khen ngợi đứa trẻ khi em ấy đưa ra những lựa chọn tốt hơn.

Trẻ Em Có Nhiều Điều Để Chia Sẻ

Khi trẻ em học một điều mới, chúng tự nhiên muốn chia sẻ điều đó với những người khác. Hãy khuyến khích ước muốn này bằng cách cho chúng cơ hội để giảng dạy các nguyên tắc phúc âm cho nhau, cho những người trong gia đình của chúng, và bạn bè của chúng. Cũng hãy yêu cầu chúng chia sẻ với anh chị em những ý nghĩ, cảm nghĩ, và kinh nghiệm của chúng liên quan đến các nguyên tắc anh chị em đang giảng dạy. Anh chị em sẽ thấy rằng chúng có những sự hiểu biết đơn giản, thanh khiết và có tác động mạnh mẽ.

Trẻ Em Có Thể Cảm Nhận Được Thánh Linh nhưng Có Thể Cần Được Giúp Đỡ Để Nhận Biết Ảnh Hưởng Của Ngài

Ngay cả những đứa trẻ chưa nhận được ân tứ Đức Thánh Linh cũng có thể cảm nhận được ảnh hưởng của Ngài, đặc biệt là khi chúng đang học về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Khi các em đưa ra những lựa chọn đúng đắn, chúng có thể cảm nhận được sự chấp thuận của Đấng Cứu Rỗi qua Thánh Linh. Hãy giảng dạy trẻ em về những cách thức khác nhau mà Thánh Linh giao tiếp với chúng ta. Giúp chúng nhận biết tiếng nói của Ngài khi Ngài ngỏ lời với chúng. Điều này sẽ giúp chúng phát triển thói quen tìm kiếm và hành động theo sự mặc khải cá nhân trong suốt cuộc sống của chúng.

Giảng Dạy Giới Trẻ

Giới Trẻ Có Tiềm Năng Lớn Lao

Giới trẻ có tiềm năng để làm những điều phi thường trong khi phục vụ Chúa. Nhiều kinh nghiệm được ghi lại trong thánh thư cho thấy rằng Thượng Đế tin tưởng vào khả năng thuộc linh của những người trẻ tuổi. Nếu giới trẻ cảm nhận được là anh chị em tin tưởng chúng, thì niềm tin của chúng nơi tiềm năng thiêng liêng của bản thân sẽ phát triển, và chúng sẽ làm cho anh chị em ngạc nhiên với điều chúng có thể hoàn thành. Hãy yêu thương giúp đỡ các em thấy được con người mà Cha Thiên Thượng biết chúng có thể trở thành. Noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi bằng cách tiếp tục yêu thương và khuyến khích các em, kiên nhẫn làm việc với chúng, và không bao giờ từ bỏ chúng.

Giới Trẻ Đang Tìm Hiểu về Bản Thân Chúng

Giới trẻ mà anh chị em giảng dạy đang định hình nền tảng chứng ngôn của các em. Các em đang trong tiến trình khám phá niềm tin và chính kiến của mình. Các em đang đưa ra những quyết định mà sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời mình. Để tồn tại về phần thuộc linh trong thời kỳ khó khăn này và để làm tròn sứ mệnh của Chúa dành cho chúng, giới trẻ mà anh chị em giảng dạy sẽ cần phải biết cách tìm kiếm sức mạnh trong những thử thách của mình, trả lời các câu hỏi của chúng, và can đảm để “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế” (Mô Si A 18:9).

Giới trẻ ngày càng mong muốn học hỏi mọi điều bằng cách lý luận và qua kinh nghiệm hơn là được chỉ bảo đơn thuần. Điều này có nghĩa là việc giảng dạy giới trẻ đòi hỏi kỹ năng lắng nghe tốt. Khi giới trẻ cảm thấy được thấu hiểu, các em sẽ cảm thấy cởi mở hơn với sự khuyên bảo và hướng dẫn. Hãy đảm bảo với các em rằng Chúa biết các em và sẽ giúp đỡ khi các em vật lộn với những câu hỏi và thử thách. Các em có thể thực hành đức tin nơi Ngài bằng cách phát triển thói quen cầu nguyện và học thánh thư hằng ngày cũng như phục vụ người khác. Việc khuyến khích giới trẻ tham gia các lớp học của Giáo Hội và tự học hỏi có thể giúp các em có những kinh nghiệm cá nhân để xây đắp chứng ngôn về di sản thiêng liêng của mình.

Nhiều Thanh Thiếu Niên Cảm Thấy Thoải Mái Khi Sử Dụng Công Nghệ

Nếu giới trẻ mà anh chị em giảng dạy có các thiết bị điện tử riêng, thì hãy nhớ rằng những thiết bị này là công cụ để cải thiện việc học tập. Hãy dạy các em cách sử dụng thánh thư điện tử và các nguồn tài liệu khác có trong Thư Viện Phúc Âm. Anh chị em cũng có thể gửi tin nhắn và đường liên kết đến giới trẻ để giúp các em chuẩn bị cho các bài học sắp tới.

Hình Ảnh
Lớp Trường Chủ Nhật

Giới trẻ cần phải biết được con người mà Cha Thiên Thượng biết các em có thể trở thành.

Giảng Dạy Người Thành Niên

Người Thành Niên Có Thể Chịu Trách Nhiệm về Việc Học Tập của Họ

Những người học thành niên có khả năng tự hành động trong các bối cảnh học hỏi phúc âm (xin xem 2 Nê Phi 2:26). Hãy mời họ chuẩn bị cho các cuộc thảo luận phúc âm bằng cách nghiên cứu trước một điều nào đó, và khuyến khích họ chia sẻ những gì họ đang học được qua Thánh Linh. Anh chị em cũng có thể hỏi họ những nguyên tắc phúc âm mà họ muốn dành thời gian để học hỏi với nhau.

Người Thành Niên Học Hỏi Dựa vào Kinh Nghiệm của Họ

Gióp tuyên bố rằng: “Người già cả có sự khôn ngoan, Kẻ hưởng trường thọ được điều thông sáng” (Gióp 12:12). Thông thường, sự khôn ngoan và hiểu biết thuộc linh có được sau nhiều năm kinh nghiệm. Khi giảng dạy người thành niên, hãy mời họ chia sẻ kinh nghiệm giúp họ xây đắp đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này sẽ cho họ cơ hội để làm chứng về cách họ đã tiến đến việc biết rằng các nguyên tắc phúc âm mà họ đang học hỏi là chân chính. Việc chia sẻ các kinh nghiệm cũng sẽ xây đắp mối quan hệ giữa những người mà anh chị em giảng dạy, giúp “tất cả … được gây dựng” (Giáo Lý và Giao Ước 88:122).

Người Thành Niên Tìm Cách Áp Dụng Thực Tiễn

Những người thành niên mà anh chị em giảng dạy có thể có nhiều vai trò và trách nhiệm trong công việc làm, cộng đồng, các chức vụ kêu gọi của Giáo Hội, và gia đình. Khi học hỏi phúc âm, họ thường nghĩ xem những điều mà họ đang học có thể giúp họ như thế nào trong các vai trò đó. Mời họ thấy được cách mà lời của Thượng Đế liên quan như thế nào đến hoàn cảnh riêng của họ. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách hỏi họ xem các nguyên tắc phúc âm có ý nghĩa ra sao và có thể áp dụng cho cuộc sống của họ như thế nào.

Người Thành Niên Có Thể Suy Nghĩ Phức Tạp

Vì những kinh nghiệm và sự hiểu biết của họ, người thành niên biết rằng không phải lúc nào cũng có câu trả lời đơn giản cho các câu hỏi phúc âm. Họ có thể hiểu rằng một đoạn thánh thư có thể có nhiều ý nghĩa, và họ có thể áp dụng một nguyên tắc phúc âm vào nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống. Hãy mời họ suy ngẫm về cách các nguyên tắc phúc âm liên quan với nhau và với những điều đang diễn ra trong cuộc sống của họ như thế nào. Hãy khuyến khích họ tham gia và thảo luận để có thể học hỏi từ những quan điểm độc đáo của nhau.

Hình Ảnh
chị phụ nữ giảng dạy lớp học

Người thành niên có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm mà đã xây đắp đức tin của họ nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Giảng Dạy Người Khuyết Tật

Giúp Mỗi Người Phát Triển và Tiến Bộ

Joseph Smith đã dạy: “Tất cả tâm trí và linh hồn mà Thượng Đế đã từng gửi đến thế gian đều có thể phát triển được” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 226). Hãy cứ cho rằng tất cả con cái của Thượng Đế đều có khả năng gia tăng sự hiểu biết và tiến bộ. Hãy cầu xin Chúa giúp anh chị em biết cách để giúp đỡ mỗi người.

Tìm hiểu về Các Nhu Cầu Cụ Thể

Hãy trò chuyện với người học hoặc cha mẹ hoặc người chăm sóc của họ. Hãy tìm hiểu xem cách học tốt nhất của mỗi cá nhân là gì và phương pháp học tập nào mang lại nhiều lợi ích nhất. Anh chị em cũng có thể thảo luận với những người lãnh đạo và các giảng viên khác mà có kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc để chia sẻ. Để biết các phương pháp giảng dạy hữu ích, xin xem trang disabilities.ChurchofJesusChrist.org.

Tạo một Bầu Không Khí Tích Cực

Hãy tạo ra một bầu không khí tích cực, nơi mà mọi người cảm thấy an toàn và được yêu thương. Đừng cho rằng tất cả những học viên khuyết tật đều giống nhau, hãy đối xử với mỗi người bằng tình yêu thương và sự tôn trọng. Hãy khuyến khích người khác nên tử tế và chấp nhận mọi người.

Đảm Bảo Rằng Tất Cả Mọi Người Đều Có Thể Tham Gia

Những thay đổi nhỏ trong các sinh hoạt có thể được thực hiện để đảm bảo rằng tất cả người học đều có thể học hỏi, kể cả những em bị giới hạn về thể chất hoặc gặp khó khăn khi học hỏi. Ví dụ, nếu một sinh hoạt gợi ý cho xem hình ảnh thì thay vào đó, anh chị em có thể hát một bài hát có liên quan để có thể bao gồm cả những học viên khiếm thị.

Thiết Lập Những Thói Quen và Nề Nếp Nhất Quán

Một cách để thiết lập một thói quen là tạo ra một tấm áp phích với thời gian biểu. Thời gian biểu của anh chị em có thể bao gồm những lời cầu nguyện, thời gian giảng dạy, và thời gian sinh hoạt. Việc tuân theo một thời gian biểu có thể giúp giảm bớt cảm giác bấp bênh và lo âu của một số người học.

Hiểu Tại Sao Những Hành Vi Gây Khó Khăn Xảy Ra

Hãy tìm hiểu về những khuyết tật hoặc hoàn cảnh mà có thể gây ảnh hưởng đến một người khiến người ấy hành động một cách không thích hợp. Cẩn thận chú ý đến những điều đang xảy ra khi các hành vi gây khó khăn xuất hiện. Thành tâm cân nhắc cách thay đổi tình huống để có thể hỗ trợ người học một cách tốt hơn.

Để biết thêm thông tin về việc giảng dạy người khuyết tật, xin xem disabilities.ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
Lớp Hội Thiếu Nữ

Giảng viên có thể tạo ra một môi trường học hỏi tích cực, nơi mà mọi người cảm thấy được đón nhận và yêu thương.

Giảng Dạy Trực Tuyến

Làm Quen với Công Nghệ

Trước buổi họp hoặc lớp học của anh chị em, hãy dành thời gian làm quen với công nghệ mà anh chị em sẽ sử dụng. Tìm hiểu một số tính năng của công nghệ, chẳng hạn như cách chia sẻ video hoặc hình ảnh. Cân nhắc tổ chức một buổi họp “thử” với bạn bè hoặc những người trong gia đình.

Hầu hết các tiểu giáo khu và giáo khu đều có chuyên viên công nghệ. Anh chị em cũng có thể biết những người khác mà có kinh nghiệm với các buổi họp trực tuyến. Hãy xin lời khuyên hoặc sự hướng dẫn từ họ.

Loại Trừ Những Điều Có Thể Gây Sao Lãng

Nếu có thể, hãy tìm một nơi yên tĩnh để tham dự buổi họp của anh chị em. Những tiếng ồn xung quanh có thể gây sao lãng. Khuyến khích người học cũng làm như vậy hoặc tắt âm thanh micrô của mình nếu họ đang không nói chuyện.

Sử Dụng Camera

Nếu có thể, hãy mở camera của anh chị em lên để người học có thể nhìn thấy anh chị em. Hãy mời (nhưng đừng bắt buộc) người học cũng mở camera của họ lên. Điều này có thể giúp tạo ra tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.

Sử Dụng Tính Năng Trò Chuyện Trực Tuyến

Nhiều chương trình nhóm họp trực tuyến cho phép người tham gia gửi những câu hỏi hoặc lời nhận xét vào một cửa sổ chat. Một số chương trình cũng có thể cho phép người tham gia giơ tay bằng biểu tượng. Hãy cho người học biết về các tính năng này. Anh chị em có thể muốn chỉ định một người nào đó để quan sát khi có biểu tượng giơ tay hoặc các nhận xét trong cuộc trò chuyện để anh chị em có thể tập trung dẫn dắt cuộc thảo luận.

Tìm Cách Giúp Người Học Tham Gia

Môi trường học hỏi trên trực tuyến đôi khi khó để mọi người được nhìn thấy và được lắng nghe. Hãy chú tâm nỗ lực để giúp những người nào sẵn lòng được tham gia. Đôi khi điều này có nghĩa là tạo ra các nhóm nhỏ hơn (ví dụ, bằng cách chia nhỏ một lớp học Trường Chủ Nhật đông đúc). Đôi khi nó có nghĩa là mời trước học viên tham gia bằng một cách cụ thể. Đừng để những hạn chế của công nghệ khiến anh chị em quên hoặc bỏ qua những người hăng hái và sẵn lòng học hỏi.