Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý
Cho Dù Anh Chị Em Đang Giảng Dạy Điều Gì Đi Nữa, Hãy Luôn Giảng Dạy về Chúa Giê Su Ky Tô


“Cho Dù Anh Chị Em Đang Giảng Dạy Điều Gì Đi Nữa, Hãy Luôn Giảng Dạy về Chúa Giê Su Ky Tô,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi: Dành Cho Tất Cả Những Ai Giảng Dạy ở Nhà và tại Nhà Thờ (năm 2022)

“Cho Dù Anh Chị Em Đang Giảng Dạy Điều Gì Đi Nữa, Hãy Luôn Giảng Dạy về Chúa Giê Su Ky Tô,” Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Hình Ảnh
Chúa Giê Su và các môn đồ của Ngài trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng

Peace I Leave with You (Ta Để Sự Bình An Lại cho Các Ngươi), tranh do Walter Rane họa

Cho Dù Anh Chị Em Đang Giảng Dạy Điều Gì Đi Nữa, Hãy Luôn Giảng Dạy về Chúa Giê Su Ky Tô

Có quá nhiều điều để giảng dạy trong phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô—các nguyên tắc, các lệnh truyền, những lời tiên tri, và các câu chuyện thánh thư. Nhưng tất cả đều là các cành trên cùng một cây, vì tất cả đều có một mục đích: để giúp tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô và được toàn thiện trong Ngài (xin xem Gia Rôm 1:11; Mô Rô Ni 10:32). Vậy nên, cho dù anh chị em đang giảng dạy điều gì đi nữa, hãy nhớ rằng anh chị em đang thật sự giảng dạy về Chúa Giê Su Ky Tô và cách để trở nên giống như Ngài. Đức Thánh Linh có thể giúp anh chị em nhận biết các lẽ thật về Đấng Cứu Rỗi và quyền năng cứu chuộc của Ngài trong mỗi nguyên tắc, lệnh truyền, và lời giảng dạy của các vị tiên tri (xin xem Gia Cốp 7:10–11).

Anh chị em đang giảng dạy về sự hy sinh phải không? Hãy cân nhắc cùng học viên tìm hiểu xem những sự hy sinh mà chúng ta thực hiện giúp hướng tâm hồn chúng ta đến “sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng” ra sao (An Ma 34:10). Anh chị em đang giảng dạy về sự đoàn kết chăng? Hãy cân nhắc thảo luận về sự đoàn kết của Chúa Giê Su Ky Tô với Cha Ngài và việc Ngài mời gọi chúng ta hãy hiệp một với Hai Ngài (xin xem Giăng 17). Hãy xem mọi đề tài phúc âm đều là cơ hội để giảng dạy và học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô.

Mỗi lệnh truyền cũng đều mang lại cơ hội này. Đừng chỉ tập trung vào luật pháp của phúc âm—cũng hãy học hỏi về Đấng ban hành luật pháp đó. Nếu anh chị em thảo luận về Lời Thông Sáng và chỉ dừng lại ở những điều nên và không nên để có lối sống lành mạnh, thì anh chị em đã bỏ lỡ cơ hội để suy ngẫm về việc Chúa Giê Su Ky Tô chắc hẳn quan tâm sâu sắc đến chúng ta biết bao—cả về phương diện thuộc linh lẫn sức khỏe thể chất—khi ban cho chúng ta luật pháp này. Hãy tập trung vào việc mà Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng và thiết tha như thế nào để ban phước cho chúng ta với quyền năng của Ngài để giúp chúng ta sống theo luật pháp của Ngài. Tất cả mọi lệnh truyền Ngài ban cho chúng ta đều tiết lộ một điều gì đó về tâm trí, ý muốn và tấm lòng của Ngài—hãy tìm niềm vui khi cùng nhau khám phá điều này!

Nhấn Mạnh vào Tấm Gương của Chúa Giê Su Ky Tô

Chúng ta có thể đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm của việc giảng dạy và học hỏi bằng cách nhìn nhận và nhấn mạnh rằng Ngài là tấm gương hoàn hảo về tất cả các nguyên tắc phúc âm. Là môn đồ, chúng ta không chỉ tuân theo các nguyên tắc—mà chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Khi chúng ta tập trung vào tấm gương hoàn hảo của Đấng Cứu Rỗi, Đức Thánh Linh sẽ làm chứng về Ngài và soi dẫn chúng ta noi theo Ngài.

Hãy hình dung ra một khoảnh khắc mà anh chị em đang giảng dạy nguyên tắc kiên trì đến cùng. Một cuộc thảo luận về cách mà Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương kiên trì đến cùng có thể mang lại những cảm nghĩ tôn kính tuyệt vời về Ngài. Những người mà anh chị em giảng dạy có thể học và cảm nhận được gì từ tấm gương của Ngài?

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi chữa lành một người đàn ông đang nằm trên đất

Đấng Cứu Rỗi nêu gương hoàn hảo cho tất cả chúng ta. He Healed Them All (Ngài Chữa Lành Tất Cả), tranh do Michael Malm họa

Giảng Dạy về các Danh Xưng, Vai Trò, và Thuộc Tính của Chúa Giê Su Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô có rất nhiều danh xưng trong thánh thư. Mỗi một danh xưng đều phản ánh một trong các vai trò của Ngài trong kế hoạch của Thượng Đế và dạy chúng ta các thuộc tính thiêng liêng của Ngài. Anh chị em có thể cân nhắc việc cùng với người học tìm hiểu về điều mà những danh xưng như Chiên Con của Thượng Đế, Đấng Biện Hộ, Đấng Cuối Cùng của Đức Tin Chúng Ta, và Sự Sáng của Thế Gian dạy chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Ngoài ra, khi anh chị em giúp người học tiến đến việc biết thêm về Đấng Cứu Rỗi, thì đừng dừng lại ở điều Ngài đã nói và làm mà hãy thảo luận cả về Ngài là ai và Ngài muốn đóng vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta. Khi anh chị em cùng nhau học hỏi về các phẩm chất và thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi, Đức Thánh Linh sẽ gia tăng sự hiểu biết và tình yêu thương của anh chị em dành cho Ngài.

Hãy Tìm Những Biểu Tượng Làm Chứng về Chúa Giê Su Ky Tô

“Tất cả mọi vật,” Chúa phán, “đều được sáng tạo và làm ra để làm chứng về ta” (Môi Se 6:63; xin xem thêm 2 Nê Phi 11:4). Khi luôn ghi nhớ về lẽ thật đó, chúng ta có thể học cách để nhìn thấy vô số biểu tượng trong thánh thư làm chứng về Đấng Cứu Rỗi. Những biểu tượng đó bao gồm cả những sự vật như bánh, nước, và sự sáng. Một khi chúng ta hiểu được các vật này liên quan như thế nào đến Đấng Cứu Rỗi, thì chúng có thể dạy chúng ta về quyền năng và các thuộc tính của Ngài. Anh chị em có thể tìm thấy những điểm tương đồng với cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của các vị tiên tri và những người nam và người nữ trung tín khác trong thánh thư. Hãy tìm kiếm các biểu tượng cho thấy các lẽ thật về Đấng Cứu Rỗi ở những đoạn mà anh chị em có thể bỏ sót.