Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 16–22 tháng Ba. Gia Cốp 5–7: “Chúa Lao Nhọc với Chúng Ta”


“Ngày 16–22 tháng Ba. Gia Cốp 5–7: ‘Chúa Lao Nhọc với Chúng Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 16–22 tháng Ba. Gia Cốp 5–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020

Hình Ảnh
những người làm việc trong vườn ô liu

Allegory of the Olive Tree (Truyện Ngụ Ngôn về Cây Ô Liu), tranh do Brad Teare họa

Ngày 16–22 tháng Ba

Gia Cốp 5–7

Chúa Lao Nhọc với Chúng Ta

Bắt đầu sự chuẩn bị của anh chị em bằng cách đọc Gia Cốp 5–7 riêng cá nhân hoặc chung với gia đình. Anh chị em đã học được điều gì mà sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho những người anh chị em giảng dạy? Đại cương này có thể cung cấp cho anh chị em các ý kiến bổ sung.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Các thành viên trong lớp tìm thấy điều gì trong Gia Cốp 5–7 mà đã soi dẫn họ để “lao nhọc trong vườn nho” ở nơi họ sống? (Gia Cốp 5:15).

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý

Gia Cốp 5

Chúa mời gọi các tôi tớ của Ngài lao nhọc cùng với Ngài trong vườn nho của Ngài.

  • Bởi vì câu chuyện ngụ ngôn về cây ô liu dài và hơi phức tạp, anh chị em có thể muốn cả lớp làm việc cùng nhau để có một cái nhìn khái quát ngắn gọn về câu chuyện ngụ ngôn này. Ví dụ, anh chị em có thể vẽ những yếu tố chính của câu chuyện ngụ ngôn lên bảng hoặc tạo ra một biểu đồ các mốc thời gian hoặc sự kiện (một ví dụ, xin xem biểu đồ ở cuối đại cương này). Các thành viên trong lớp có thể thêm những đoạn thánh thư tham khảo hoặc những mô tả vào biểu đồ cùng thảo luận về một số biểu tượng có thể có ý nghĩa như thế nào, ví dụ như những cây ô liu lành và ô liu dại, Chúa vườn, tôi tớ, trái tốt và trái xấu. Trong cuộc thảo luận này, hãy ôn lại các câu 61–75, các câu này mô tả công việc của Chúa trong thời đại chúng ta. Chúng ta phục vụ trong vườn nho của Chúa như thế nào? Những câu này liên quan đến công việc chúng ta đang làm như thế nào?

  • Những lời của “Chúa vườn” có thể cung cấp sự an ủi cho các bậc cha mẹ có con cái lạc lối khỏi phúc âm. Ví dụ, Gia Cốp 5:41, 46–47 gợi ý điều gì về việc Cha Thiên Thượng của chúng ta cảm thấy như thế nào về những người con lạc lối của Ngài? Ngài cố gắng cứu họ như thế nào? (xin xem các câu 61-75).

  • Gia Cốp 5:61–75 dạy rằng Chúa làm việc cùng với những tôi tớ của Ngài trong vườn nho của Ngài. Các thành viên trong lớp có thể đọc những câu này theo từng nhóm nhỏ và thảo luận những kinh nghiệm mà đã cho họ thấy rằng Chúa đang làm việc với các tôi tớ của Ngài để thúc đẩy công việc của Ngài. Những ý kiến bổ sung nào mà các thành viên trong lớp có thể thêm vào từ sứ điệp của Chủ Tịch Henry B. Eyring “Chúa Dẫn Dắt Giáo Hội của Ngài”? (Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 81–84).

    Hình Ảnh
    cặp vợ chồng lớn tuổi ngồi trước máy vi tính cùng những người khác

    Chúng ta có thể lao nhọc với “Chúa vườn” ở trên thế gian này.

Gia Cốp 6:3–13

Chúa nhớ đến dân của Ngài trong tình yêu thương và lòng thương xót.

  • Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình mời mỗi chúng ta tìm kiếm trong Gia Cốp 6:3–5 những sứ điệp mà Gia Cốp muốn nhấn mạnh và sau đó tìm những sứ điệp đó trong chuyện ngụ ngôn về những cây ô liu (xin xem Gia Cốp 5). Có lẽ các thành viên trong lớp sẽ được lợi ích từ việc lắng nghe từ những người đã thực hiện sinh hoạt này hoặc từ việc thực hiện sinh hoạt này với cả lớp. Họ có thể liệt kê lên bảng những lẽ thật phúc âm họ tìm thấy trong Gia Cốp 6. Sau đó, ở bên dưới mỗi lẽ thật, họ có thể liệt kê những câu thánh thư từ biểu đồ trong Gia Cốp 5 mà nói lên sứ điệp đó. Làm thế nào các thành viên trong lớp nhìn thấy những sứ điệp tương tự được minh họa trong cuộc sống của chính họ?

  • Một nghĩa của từ gắn bó là gắn với điều gì đó một cách chắc chắn, gần gũi và không lay chuyển. Anh chị em có thể muốn chia sẻ định nghĩa này với lớp và hỏi định nghĩa này gợi ra cho họ những ý nghĩ nào về Gia Cốp 6:5.

Gia Cốp 7:1–23

Chúng ta có thể đứng vững khi những người khác thử thách đức tin của chúng ta.

  • Hầu hết chúng ta đã gặp phải sự chống đối đức tin của mình như Gia Cốp đã đối mặt khi ông gặp Sê Rem. Một cách thức để giúp các thành viên trong lớp chuẩn bị cho những sự chống đối như vậy là yêu cầu họ tìm kiếm trong Gia Cốp 7:1–23 những nguyên tắc đã giúp Gia Cốp đứng vững. Những tấm gương khác của việc đứng vững trong đức tin mà chúng ta có thể chia sẻ là gì—từ thánh thư, lịch sử gia đình của chúng ta hay từ chính cuộc sống của chúng ta? Có lẽ có những sứ điệp từ các vị lãnh đạo Giáo Hội mà đã giúp chúng ta khi những người khác tìm cách lay chuyển đức tin của chúng ta (ví dụ, xin xem Quentin L. Cook, “Quả Cảm trong Chứng Ngôn về Chúa Giê Su,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 40–43). Khuyến khích các thành viên trong lớp chia sẻ những sứ điệp mà họ thấy có ích.

  • Khi Gia Cốp đối mặt với Sê Rem, Sê Rem đã hy vọng lay chuyển đức tin của Gia Cốp, nhưng đức tin của Gia Cốp không thể nào bị lay chuyển (xin xem Gia Cốp 7:5). Các thành viên trong lớp có thể thích việc đóng diễn cuộc đối thoại giữa Gia Cốp và Sê Rem, bằng cách sử dụng Gia Cốp 7:1–23 làm kịch bản. Chúng ta có thể học điều gìvề những chiến thuật và lời dạy của những người chống đối công việc của Thượng Đế từ các câu này? Chúng ta có thể học được điều gì từ Gia Cốp về cách trở nên vững chắc hơn trong đức tin của mình?

Gia Cốp 7:24–25

Chúng ta có thể tin cậy nơi Thượng Đế.

  • Dân Nê Phi luôn sống trong mối đe dọa tấn công từ dân La Man. Mặc dù chúng ta có thể không phải đối mặt với những mối đe dọa hằng ngày về sự an lạc thể chất, nhưng chúng ta phải đối mặt với những sự đe dọa thuộc linh nào? Chúng ta học được điều gì từ phản ứng của dân Nê Phi đối với hoàn cảnh của họ, được mô tả trong Gia Cốp 7:24–25?    

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học tại Nhà

Để khuyến khích các thành viên trong lớp đọc Sách Ê Nót, hãy nói với họ rằng sách đó có thể dạy họ cách để làm cho lời cầu nguyện của họ có ý nghĩa hơn.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Tập trung việc giảng dạy của anh chị em vào giáo lý. Hãy đảm bảo các cuộc thảo luận của lớp tập trung vào giáo lý nền tảng trong thánh thư. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách yêu cầu các thành viên trong lớp đọc thánh thư và sau đó chia sẻ những lẽ thật mà họ tìm thấy, cũng như những kinh nghiệm từ việc sống theo các lẽ thật đó. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 20–21.)