Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 20–26 tháng Bảy. An Ma 36–38: “Hãy Chú Tâm hướng về Thượng Đế để Sống”


“Ngày 20–26 tháng Bảy. An Ma 36–38: ‘Hãy Chú Tâm hướng về Thượng Đế để Sống,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 20–26 tháng Bảy. An Ma 36–38” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2020

Hình Ảnh
một người đang cầu nguyện

Hình ảnh minh họa do Joshua Dennis thực hiện

Ngày 20–26 tháng Bảy

An Ma 36–38

“Hãy Chú Tâm hướng về Thượng Đế để Sống”

Khi thành tâm học tập An Ma 36–38, anh chị em có thể nhận được những ấn tượng về trẻ em mà mình giảng dạy. Hãy ghi lại những ấn tượng này; chúng có thể gợi lên những ý tưởng cho các sinh hoạt học hỏi.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Mời tất cả trẻ em chia sẻ một điều gì đó mà cha mẹ chúng đã giảng dạy cho chúng. Hỏi các em xem chúng có biết An Ma đã giảng dạy điều gì cho các con trai của ông không.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

An Ma 36:6, 20, 24

Sự hối cải mang đến cho tôi niềm vui.

Việc giảng dạy cho trẻ em về niềm vui của sự hối cải lúc còn nhỏ có thể soi dẫn các em hối cải khi lớn lên.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc An Ma 36:20 cho trẻ em nghe, và yêu cầu chúng lắng nghe xem An Ma đã cảm thấy như thế nào. Mời các em kể tên một số điều mang đến cho chúng niềm vui. Cho thấy một bức hình của Đấng Cứu Rỗi, và giải thích rằng An Ma cảm thấy vui mừng bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã tha thứ cho tội lỗi của ông.

  • Đưa cho mỗi em một tờ giấy có khuôn mặt tươi cười ở một mặt và khuôn mặt buồn ở mặt kia. Yêu cầu các em lắng nghe trong khi anh chị em đọc An Ma 36:6 và chọn khuôn mặt nào chúng nên giơ lên. Giải thích rằng An Ma đã hối cải và cảm thấy vui mừng bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã tha thứ cho ông về việc ông đã đưa ra những lựa chọn sai lầm. Yêu cầu trẻ em lắng nghe trong khi anh chị em đọc An Ma 36:24 về những lựa chọn đúng đắn mà về sau ông đã đưa ra và giơ lên khuôn mặt đúng.

  • Cùng nhau hát một bài hát về Chúa Giê Su Ky Tô. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng Chúa Giê Su đã đến thế gian để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và mang đến cho chúng ta niềm vui.

An Ma 37:6–7

“Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được.”

Làm thế nào anh chị em có thể giảng dạy cho trẻ em để nhận ra rằng Chúa sử dụng những chuyện nhỏ nhặt tầm thường để hoàn thành công việc của Ngài?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc An Ma 37:6–7, và mời trẻ em khum xuống mỗi lần anh chị em đọc từ “nhỏ.” Cho chúng thấy một số thứ nhỏ bé mà có thể làm ra hoặc hoạt động những thứ to lớn, chẳng hạn như cục pin hoặc chiếc chìa khóa xe. Những thứ to lớn nào xảy ra hoặc chuyển động bởi vì những thứ nhỏ bé này? Hãy giúp trẻ em suy nghĩ về một số điều nhỏ nhặt tầm thường mà Thượng Đế muốn chúng ta làm. Những điều to lớn nào có thể xảy ra bởi vì những lệnh truyền nhỏ nhặt tầm thường này?

  • Cho thấy một hoặc hai bức hình về những thứ nhỏ bé mà gom góp lại thành những thứ to lớn, chẳng hạn như một cọng cỏ và một cánh đồng hoặc một giọt mưa và một cái hồ. Làm chứng rằng ngay cả những hành động nhỏ nhặt tầm thường cũng có thể tạo ra một sự khác biệt lớn lao trong cuộc sống của chúng ta và của người khác. Hãy khuyến khích trẻ em nói về một số điều nhỏ nhặt tầm thường mà chúng có thể làm mỗi ngày hoặc chia sẻ những ví dụ của riêng anh chị em. Mời trẻ em chọn một điều nhỏ nhặt tầm thường mà chúng có thể làm tuần này và vẽ tranh về bản thân chúng đang làm điều đó. Mời các em mang tranh của mình về nhà và chia sẻ những bức tranh này với gia đình chúng.

An Ma 37:38–47

Thánh thư có thể giúp đỡ chúng ta mỗi ngày.

Mặc dù nhiều trẻ em nhỏ tuổi không biết đọc nhưng anh chị em có thể giúp các em có được một chứng ngôn về quyền năng của thánh thư để hướng dẫn cuộc sống hằng ngày của chúng.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Trưng bày hình ảnh quả cầu Li A Hô Na (như Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 68), hoặc mời trẻ em vẽ tranh về quả cầu trong khi chia sẻ những điều chúng nhớ về quả cầu này (xin xem 1 Nê Phi 16:10, 28–29). Giơ thánh thư lên và yêu cầu trẻ em chia sẻ xem thánh thư giống như quả cầu Li A Hô Na như thế nào. Hãy sử dụng An Ma 37:38–47 và trang sinh hoạt của tuần này để đóng góp vào cuộc thảo luận này.

  • Cùng nhau hát một bài hát về việc học tập thánh thư. Bài hát này nói về những phước lành nào của việc học tập thánh thư?

    Hình Ảnh
    người phụ nữ đang đọc thánh thư

    Thánh thư dạy chúng ta cách noi theo Thượng Đế.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

An Ma 36

Tôi có thể “được Thượng Đế sinh ra” khi noi theo Chúa Giê Su và hối cải tội lỗi của mình.

“Sự cải đạo … là một sự thay đổi trong bản chất con người chúng ta. Đó là một sự thay đổi đáng kể đến nỗi Chúa và các vị tiên tri của Ngài đã gọi điều này là một sự tái sinh” (“Conversion,” Gospel Topics, topics.ChurchofJesusChrist.org).

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Ôn lại cùng với trẻ em câu chuyện cải đạo của An Ma Con trong An Ma 36:6–21. Viết lên trên những mảnh giấy những từ và cụm từ từ các câu này mà mô tả cảm giác của An Ma và dán chúng lên trên bảng. Yêu cầu trẻ em phân loại các mảnh giấy này thành hai nhóm: những điều An Ma cảm thấy trước khi ông nhớ lại những điều cha ông đã giảng dạy về Đấng Cứu Rỗi và những điều ông cảm thấy sau khi ông nhớ lại. Hãy cùng nhau đọc An Ma 36:17–20 và làm chứng với trẻ em rằng Chúa Giê Su Ky Tô tha thứ cho chúng ta khi chúng ta hối cải.

  • Viết cụm từ Được Thượng Đế Sinh Lại và các câu thánh thư tham khảo sau đây lên trên bảng: 1 Giăng 4:7; Mô Si A 5:7; 27:25–26; An Ma 5:14; 22:15. Hãy giúp trẻ em đọc các câu này và tìm kiếm các cụm từ mà mô tả việc được Thượng Đế sinh lại có nghĩa là gì. Một người có hành động như thế nào sau khi được Thượng Đế sinh lại? Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng mình đã được Thượng Đế sinh lại?

An Ma 37:6–9, 38–47

“Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được.”

Hãy giúp trẻ em mà anh chị em giảng dạy thấy rằng việc đọc thánh thư ngay cả chỉ trong một thời gian ngắn mỗi ngày cũng có thể mang đến cho chúng những phước lành lớn lao.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Vẽ hoặc trưng bày một cái xô. Phải cần đến bao nhiêu giọt nước mới có thể làm đầy xô? Hãy giúp trẻ em nhận ra rằng phải cần đến rất nhiều giọt nước nhỏ mới có thể làm đầy xô. Việc này liên quan như thế nào đến An Ma 37:6–7? Việc đọc thánh thư giống việc thêm từng giọt nước nhỏ vào xô như thế nào?

  • Mời trẻ em tìm trong An Ma 37:6–9 những phước lành đến từ “các biên sử” hay thánh thư. Với tính cách là một lớp học, hãy lập ra một bản liệt kê những điều các em tìm thấy. Việc đọc thánh thư đã ban phước cho cuộc sống của chúng ta như thế nào? Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và khuyến khích trẻ em cùng chia sẻ chứng ngôn.

  • Cho thấy hoặc trưng bày hình ảnh của quả cầu Li A Hô Na (như Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 68) và mời trẻ em ôn lại những điều chúng nhớ về quả cầu Li A Hô Na từ 1 Nê Phi 16:10, 28. Giúp trẻ em đọc An Ma 37:38–42. Quả cầu Liahona đã hoạt động như thế nào? Quả cầu này giống thánh thư như thế nào? Hãy cùng nhau đọc các câu 43–47 để giúp trả lời câu hỏi này. Mời trẻ em hoàn thành trang sinh hoạt như là một phần của sinh hoạt này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Khuyến khích trẻ em chia sẻ một lý do tại sao chúng biết ơn về thánh thư và mời những người trong gia đình cùng chia sẻ.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Giúp trẻ em trở thành những người học hỏi giỏi hơn. Mục đích của anh chị em trong việc giảng dạy trẻ em không chỉ là truyền đạt lẽ thật cho chúng. Anh chị em cũng nên giúp chúng phát triển thành những người tự lực tìm kiếm lẽ thật. Ví dụ, thay vì chỉ đơn giản là nói với trẻ em về các lẽ thật được tìm thấy trong câu chuyện cải đạo của An Ma, anh chị em có thể hoạch định những sinh hoạt mà trong đó chúng có thể tự mình khám phá các lẽ thật trong câu chuyện.