Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 20–26 tháng Tư. Mô Si A 4–6: “Một Sự Thay Đổi Lớn Lao”


“Ngày 20–26 tháng Tư. Mô Si A 4–6: ‘Một Sự Thay Đổi Lớn Lao,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 20–26 tháng Tư. Mô Si A 4–6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2020

Hình Ảnh
Vua Bên Gia Min giảng dạy dân của ông

In the Service of Your God (Phục Vụ Thượng Đế của Mình), tranh do Walter Rane họa

Ngày 20–26 tháng Tư

Mô Si A 4–6

“Một Sự Thay Đổi Lớn Lao”

Những lời giảng dạy nào của Vua Bên Gia Min trong Mô Si A 4–6 sẽ giúp trẻ em mà anh chị em giảng dạy bắt đầu cảm nhận được “một sự thay đổi lớn lao” (Mô Si A 5:2) trong lòng? Hãy ghi lại những ấn tượng của anh chị em khi anh chị em thành tâm tìm kiếm sự hướng dẫn.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Viết tên của mỗi đứa trẻ trong lớp của anh chị em lên trên một mảnh giấy và để các mảnh giấy đó vào trong một cái hộp. Khi anh chị em bốc tên của mỗi em ra khỏi cái hộp, hãy mời em đó chia sẻ một điều gì đó em ấy nhớ được từ bài học tuần trước hoặc điều gì đó em ấy học được từ Mô Si A 4–6 ở nhà trong tuần này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Mô Si A 4:1–3, 10

Sự hối cải mang đến niềm vui.

Hãy giúp trẻ em học về ân tứ tuyệt diệu của sự hối cải có được nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Sử dụng Mô Si A 4:1–3 và 10 để giảng dạy trẻ em về ý nghĩa của sự hối cải. Ví dụ, hãy giúp chúng khám phá ra rằng dân của Vua Bên Gia Min cảm thấy đau buồn về những tội lỗi của họ và kêu cầu được tha thứ (các câu 1–2), và Vua Bên Gia Min đã nói với họ hãy từ bỏ (hoặc ngừng phạm phải) các tội lỗi ấy (câu 10). Đọc câu 3 cho các em nghe và hỏi rằng dân chúng đã cảm thấy như thế nào khi họ hối cải.

  • Hỏi xem trẻ em sẽ cảm thấy như thế nào khi chúng ta vấy bẩn quần áo của mình. Chúng ta cảm thấy như thế nào khi được sạch sẽ trở lại? Giải thích rằng giống như việc giặt quần áo bẩn, chúng ta có thể hối cải khi lầm lỗi. Cho thấy một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô và làm chứng rằng Ngài có quyền năng để cất bỏ các tội lỗi của chúng ta và làm cho chúng ta được thanh sạch trở lại nếu chúng ta hối cải.    

Mô Si A 4:13–26

Tôi nên đối xử với người khác bằng tình yêu thương và lòng tốt.

Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng Mô Si A 4:13–26 để dạy trẻ em “biết thương yêu nhau và phục vụ cho nhau”? (câu 15).

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Vẽ một hình trái tim nhỏ lên trên bảng. Mời trẻ em chia sẻ những cách mà chúng có thể đối xử tốt với người khác. Mỗi lần chúng chia sẻ, hãy xóa hình trái tim đó đi và vẽ một hình trái tim khác lớn hơn. Làm chứng rằng tình yêu thương của chúng ta dành cho người khác sẽ gia tăng khi chúng ta đối xử tốt với họ. Đưa cho trẻ em những trái tim bằng giấy và mời chúng vẽ lên trái tim đó những cách chúng có thể cho thấy tình yêu thương và lòng tốt.

  • Giúp trẻ em nghĩ ra những động tác để thực hiện trong khi hát một bài hát về tình yêu thương dành cho người khác, ví dụ như “Lòng Nhân Nên Khởi Từ Tôi” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 63).

Mô Si A 5:5–15

Khi lập giao ước với Thượng Đế, tôi mang lên mình danh của Đấng Ky Tô.

Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể giúp trẻ em mà mình giảng dạy chuẩn bị lập các giao ước báp têm với Thượng Đế và được “gọi là con cái của Đấng Ky Tô” (Mô Si A 5:7).

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Giúp trẻ em làm những chiếc huy hiệu có ghi tên “Chúa Giê Su Ky Tô” và dán lên ngực áo ở trên trái tim của chúng (xin xem trang sinh hoạt của tuần này). Giải thích rằng Vua Bên Gia Minh đã dạy dân của ông rằng khi chúng ta lập giao ước, hoặc lời hứa với Thượng Đế, điều đó giống như chúng ta “ghi khắc [danh của Đấng Ky Tô] … vào tim mình luôn luôn” (Mô Si A 5:12). Chúng ta hứa sẽ làm gì khi chịu phép báp têm và dự phần Tiệc Thánh? (xin xem Mô Si A 5:8; GLGƯ 20:37, 77, 79).

  • Hỏi xem trẻ em sẽ làm gì để làm bạn với một người nào đó (ví dụ, trò chuyện với họ, chơi với họ, và dành thời gian với họ). Đọc Mô Si A 5:13 cho trẻ em. Chúng ta có thể làm gì để tiến đến việc biết Chúa Giê Su Ky Tô rõ hơn để Ngài không “xa lạ” đối với chúng ta?

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Mô Si A 4:1–11

Tôi có thể hối cải.

Làm thế nào anh chị em có thể giúp trẻ em hiểu ý nghĩa của sự hối cải? Anh chị em cảm thấy các câu nào trong Mô Si A 4:1–11 sẽ giúp đỡ chúng?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Viết lên trên bảng từ sự tha thứ. Cùng nhau đọc Mô Si A 4:1–3 và yêu cầu trẻ em tìm kiếm những từ trong câu 3 mà mô tả các phước lành được ban cho khi chúng ta hối cải và nhận được sự tha thứ.

  • Yêu cầu trẻ em kể ra những điều chúng ta cần phải làm để hối cải một cách trọn vẹn và chân thành. Hãy giúp các em tìm một số những điều này trong Mô Si A 4:10 và thảo luận ý nghĩa của những từ và cụm từ tìm thấy trong câu đó. Chia sẻ một câu chuyện minh họa sự hối cải, có lẽ từ cuộc sống riêng tư của anh chị em hoặc từ một tạp chí mới đây của Giáo Hội.

  • Giúp trẻ em tìm những từ trong Mô Si A 4:6, 9, và 11 mà mô tả Cha Thiên Thượng. Tại sao điều quan trọng là phải hiểu Cha Thiên Thượng là Đấng như thế nào khi chúng ta cần hối cải? Chia sẻ chứng ngôn về việc làm thế nào anh chị em đã cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế khi hối cải.

Mô Si A 4:12–26

Phúc âm soi dẫn tôi đối xử với người khác bằng tình yêu thương và lòng tốt.

Vua Bên Gia Min dạy rằng khi đến cùng Đấng Ky Tô và nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình, chúng ta “được tràn đầy tình thương yêu của Thượng Đế” (Mô Si A 4:12) mà dẫn dắt chúng ta yêu thương và đối xử tốt với người khác.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Giúp trẻ em tìm kiếm Mô Si A 4:13–16, 26 và nhận ra những cụm từ mô tả cách chúng ta có thể phục vụ người khác. Mời trẻ em đóng diễn hoặc vẽ tranh về những điều này và để cho các em khác đoán cụm từ đó. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy tình yêu thương và lòng tốt ở nhà, ở trường học, hoặc ở nhà thờ?

  • Mời trẻ em chia sẻ một kinh nghiệm khi chúng đã yêu thương hoặc phục vụ một người nào đó và kinh nghiệm ấy đã giúp chúng cảm thấy như thế nào. Người ta có thể không muốn phục vụ người khác vì một số lý do nào? Hỏi trẻ em xem chúng sẽ nói gì với một ai đó để thuyết phục họ giúp những người đang gặp hoạn nạn. Các em có thể tìm thấy những ý tưởng trong Mô Si A 4:16–26.

Hình Ảnh
bé gái đang chơi với em bé

Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy chúng ta phải đối xử tốt với mọi người.

Mô Si A 5:5–15

Khi chịu phép báp têm và dự phần Tiệc Thánh, tôi mang lên mình danh của Đấng Ky Tô.

Nhiều trẻ em mà anh chị em giảng dạy có thể đã chịu phép báp têm và đang tái lập các giao ước của chúng qua Tiệc Thánh. Hãy nhắc các em rằng một phần quan trọng của giao ước báp têm của chúng là mang lên mình danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Vẽ một vòng tròn lên trên bảng và đặt một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô vào giữa vòng tròn đó. Mời trẻ em vẽ tranh về chính mình trong khi anh chị em đọc Mô Si A 5:8 cùng với chúng. Câu này nói chúng ta nên mang lên mình điều gì? Chúng ta “đã lập” điều gì? Mời trẻ em viết danh của Đấng Ky Tô lên trên các bức tranh tự họa của chúng và đặt bức hình đó vào trong vòng tròn cùng với Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta lập những giao ước nào khi chịu phép báp têm và dự phần Tiệc Thánh? (xin xem Mô Si A 18:8–9; GLGƯ 20:77, 79).

  • Nói với trẻ em về lý do tại sao người ta viết tên của mình lên trên đồ vật, ví dụ như bài tập ở trường, áo thể thao, và vân vân (xin xem Mô Si A 5:14–15). Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng mình “ghi khắc [danh của Đấng Ky Tô] … vào tim mình luôn luôn”? (Mô Si A 5:12).

  • Mời một thiếu niên hoặc thiếu nữ trong tiểu giáo khu đến lớp của anh chị em và giải thích các giao ước chúng ta tái lập bằng cách dự phần Tiệc Thánh. Đọc các lời cầu nguyện Tiệc Thánh trong Giáo Lý và Giao Ước 20:77 và 79 cùng với trẻ em và mời chúng tìm kiếm những cụm từ mô tả điều chúng ta giao ước sẽ làm và những điều Thượng Đế hứa với chúng ta.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời trẻ em vẽ tranh về một điều gì đó chúng học được ngày hôm nay và sử dụng bức hình đó để giảng dạy gia đình chúng.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Dạy trẻ em ghi lại những ấn tượng. Ngay cả trẻ em cũng có thể học được thói quen ghi lại những ấn tượng thuộc linh—chẳng hạn như đánh dấu trong thánh thư, vẽ tranh, hoặc viết những lời lẽ đơn giản vào trong nhật ký.