Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 13–19 tháng Tư. Mô Si A 1–3: “Tràn Đầy Lòng Thương Yêu đối với Thượng Đế và Tất Cả Mọi Người”


“Ngày 13–19 tháng Tư. Mô Si A 1–3: ‘Tràn Đầy Lòng Yêu Thương đối với Thượng Đế và Tất Cả Mọi Người,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)

“Ngày 13–19 tháng Tư. Mô Si A 1–3,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2020

Hình Ảnh
Vua Bên Gia Min giảng dạy dân của ông

Minerva K. Teichert (1888–1976), King Benjamin’s Farewell Address (Bài Diễn Văn Từ Biệt của Vua Bên Gia Min), năm 1935, tranh sơn dầu trên nền đá masonite, 36 x 48 inches (84 x 122 cm). Brigham Young University of Art

Ngày 13–19 tháng Tư

Mô Si A 1–3

“Tràn Đầy Lòng Yêu Thương đối với Thượng Đế và Tất Cả Mọi Người”

Khi anh chị em đọc Mô Si A 1–3, hãy cầu nguyện để biết cách anh chị em có thể giúp trẻ em mà mình giảng dạy hiểu các lẽ thật quan trọng Vua Bên Gia Min đã giảng dạy. Hãy ghi lại những sự hiểu biết đến với anh chị em từ Đức Thánh Linh.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Cho thấy bức tranh Vua Bên Gia Min đang giảng dạy, được tìm thấy trong đề cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Yêu cầu trẻ em chia sẻ những điều chúng biết về bức tranh này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Mô Si A 2–3

Khi phục vụ người khác, tôi cũng đang phục vụ Thượng Đế.

Anh chị em sẽ làm gì để giúp trẻ em hiểu rằng việc phục vụ người khác cũng là một cách để phục vụ Thượng Đế?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Để cho trẻ em thay phiên nhau đội một chiếc vương miện (trang sinh hoạt của tuần này có một ví dụ) và đứng trên một cái ghế hoặc ghế đẩu giả vờ làm Vua Bên Gia Min. Các em có thể đóng giả làm Vua Bên Gia Min trong khi anh chị em chia sẻ một số điều Vua đã giảng dạy cho dân của ông, được tìm thấy trong Mô Si A 2–3. Xin xem thêm “Chương 12: Vua Bên Gia Min” (Sách Truyện Mặc Môn, trang 32–35, hoặc đoạn video tương ứng trên trang ChurchofJesusChrist.org.)

  • Mời trẻ em lặp lại câu sau đây, mỗi lần một vài từ, trong khi vỗ tay theo mỗi chữ với anh chị em: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17). Lặp lại cho đến khi trẻ em đã học được một vài từ hoặc toàn bộ câu. Làm chứng rằng khi giúp đỡ người khác, chúng ta cũng đang giúp đỡ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su và làm cho Các Ngài vui lòng. Yêu cầu trẻ em chia sẻ những cách chúng có thể giúp đỡ người khác.

  • Giúp trẻ em vẽ bàn tay của chúng lên trên một tờ giấy và vẽ một điều gì đó chúng có thể làm để phục vụ gia đình mình. Hãy cùng nhau hát một bài hát về sự phục vụ.

Hình Ảnh
trẻ em đang xếp gọn một cái khăn

Vua Bên Gia Min giảng dạy rằng chúng ta có thể phục vụ Thượng Đế bằng cách phục vụ người khác.

Mô Si A 2:19–25

Tất cả các phước lành của tôi đều đến từ Cha Thiên Thượng.

Khi nhận ra Thượng Đế chính là nguồn gốc của tất cả các phước lành của chúng, trẻ em sẽ trở nên khiêm nhường và biết ơn.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Giải thích rằng Vua Bên Gia Min đã giảng dạy rằng tất cả các phước lành của chúng ta đều đến từ Cha Thiên Thượng. Mời trẻ em lắng nghe một phước lành Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta khi anh chị em đọc Mô Si A 2:21. Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta những phước lành nào khác? Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng mình biết ơn về những điều này? (xin xem Mô Si A 2:22).

  • Chơi một trò chơi trong đó trẻ em chuyền tay nhau một món đồ trong khi hát hoặc nghe một bài hát về lòng biết ơn. Hãy thường xuyên ngừng hát hoặc ngừng nhạc, và mời đứa trẻ đang cầm món đồ chia sẻ một phước lành mà em ấy biết ơn.

Mô Si A 3:1–20

Tôi tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Một thiên sứ đã nói cho Vua Bên Gia Min biết các lẽ thật quan trọng về cuộc đời và giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm trong các câu này những lẽ thật về Chúa Giê Su mà anh chị em cảm thấy là quan trọng để trẻ em học hỏi.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Trưng bày hình ảnh của một số sự kiện được nhắc đến trong Mô Si A 3:5–10 (xin xem, ví dụ, Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 30, 41, 42, 5759). Hỏi trẻ em xem điều gì đang xảy ra trong các bức hình, và hãy giúp đỡ chúng nếu cần. Chậm rãi đọc Mô Si A 3:5–10 và mời trẻ em giơ tay lên khi anh chị em đọc về một điều gì đó được mô tả trong một trong các bức hình. Mời trẻ em chia sẻ những điều khác mà chúng biết Chúa Giê Su đã làm khi Ngài còn ở trên thế gian.

  • Vẽ hình một ông mặt trời ở phía trên cùng của tấm bảng để tượng trưng cho thiên thượng. Vẽ nhiều con đường dẫn đến nhiều chỗ khác nhau ở khắp tấm bảng nhưng chỉ có một con đường dẫn đến thiên thượng. Hãy yêu cầu trẻ em tìm con đường đó và đặt một bức hình của Chúa Giê Su ở trên con đường đó. Đọc Mô Si A 3:17 và làm chứng rằng việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô là cách duy nhất để trở về với Cha Thiên Thượng.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Mô Si A 2:11–18

Khi phục vụ người khác, tôi cũng đang phục vụ Thượng Đế.

Làm thế nào anh chị em có thể giúp trẻ em học hỏi từ tấm gương của Vua Bên Gia Min về sự phục vụ?

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cho trẻ em thấy một bức tranh Vua Bên Gia Min đang giảng dạy dân của ông (xin xem đề cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình hoặc Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 74). Hãy giúp các em tìm kiếm trong Mô Si A 2:11–18 những việc Vua Bên Gia Min đã làm để phục vụ. Tại sao ông đã phục vụ dân của mình? Tại sao chúng ta nên phục vụ người khác?

  • Viết lên trên bảng các cụm từ trong Mô Si A 2:16–17 với một số chữ bị thiếu. Mời trẻ em tìm kiếm trong thánh thư những chữ bị thiếu. Yêu cầu các em giải thích các câu này có ý nghĩa gì đối với chúng. Mời các em chia sẻ những kinh nghiệm khi người khác đã phục vụ chúng hoặc chúng đã phục vụ người khác. Những kinh nghiệm này làm cho chúng cảm thấy như thế nào?

  • Đưa cho trẻ em những mảnh giấy dài để viết xuống những cách các em có thể phục vụ những người trong gia đình chúng, và đưa cho mỗi em một cái túi để đựng các mảnh giấy. Hãy khuyến khích các em bốc một mảnh giấy ra khỏi túi mỗi ngày và thực hiện hành động phục vụ đó cho một ai đó.

Mô Si A 2:15–25

Tôi không nên khoe khoang về sự phục vụ và những việc làm tốt của mình.

Hãy nghĩ về cách anh chị em có thể giúp trẻ em mà mình giảng dạy hiểu rằng sự phục vụ của chúng ta nên được soi dẫn bởi tình yêu thương của mình đối với người khác và Thượng Đế.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời trẻ em chia sẻ cách chúng định nghĩa từ khoe khoang hoặc giúp chúng tìm định nghĩa trong từ điển. Hãy giúp các em tìm kiếm trong Mô Si A 2:15–24 những lý do tại sao Vua Bên Gia Min đã không khoe khoang về sự phục vụ của ông dành cho người khác. Tại sao chúng ta nên phục vụ người khác? Sau khi trẻ em đã chia sẻ ý kiến, hãy giúp chúng hiểu rằng chúng ta nên tìm cách phục vụ người khác bởi vì chúng ta yêu thương họ và Thượng Đế chứ không phải vì chúng sẽ được người khác đánh giá tốt.

  • Yêu cầu các em chia sẻ những tình huống trong đó một người khoe khoang hoặc khoác lác về một điều gì đó. Tại sao việc khoe khoang trong những tình huống đó là sai? Mời các em sử dụng lời khuyên dạy từ bài diễn văn của Vua Bên Gia Min trong Mô Si A 2:15–24 để giúp chúng tìm câu trả lời.

Mô Si A 3:19

Chúa Giê Su Ky Tô thanh tẩy tôi khỏi tội lỗi và giúp tôi trở thành một thánh hữu.

Để trở nên giống như Cha Thiên Thượng của chúng ta, chúng ta cần nhiều hơn là chỉ được thanh tẩy khỏi tội lỗi của mình—tấm lòng của chúng ta cần phải thay đổi. Như Vua Bên Gia Min đã giảng dạy, chúng ta cần phải khắc phục các ước muốn tội lỗi của mình và trở thành các thánh hữu qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Những Sinh Hoạt Khả Thi

  • Vẽ hai hình người lên trên bảng—một hình tượng trưng cho “con người thiên nhiên” và hình kia tượng trưng cho một “thánh hữu.” (Anh chị em có thể cần phải định nghĩa các từ này.) Cùng nhau đọc Mô Si A 3:19 và mời trẻ em tìm kiếm những sự thay đổi mà con người thiên nhiên cần phải thực hiện để trở thành một thánh hữu. Trẻ em có thể cần sự trợ giúp để hiểu những từ và cụm từ nào khác?

  • Trẻ em mà anh chị em giảng dạy đã bao giờ phụ giúp cha mẹ chúng chuẩn bị thức ăn theo một công thức nấu ăn chưa? Nếu có, anh chị em có thể mời chúng sử dụng Mô Si A 3:19 để tạo ra một “công thức” cho cách chúng ta có thể trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô. Tại sao Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là “nguyên liệu” quan trọng nhất?

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời trẻ em sử dụng trang sinh hoạt tuần này để chia sẻ với gia đình hoặc bạn bè cách chúng sẽ noi theo tấm gương của Vua Bên Gia Min và phục vụ người khác.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Sự lặp lại mang lại lợi ích cho trẻ em. Đừng sợ phải lặp lại các sinh hoạt nhiều lần, đặc biệt là với trẻ em nhỏ tuổi. Sự lặp lại sẽ giúp các em ghi nhớ điều chúng học được.