Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 18–24 tháng Bảy. Ê Xơ Ra 1; 3–7; Nê Hê Mi 2; 4–6, 8: “Ta Mắc Làm Công Việc Lớn”


“Ngày 18–24 tháng Bảy. Ê Xơ Ra 1; 3–7; Nê Hê Mi 2; 4–6, 8: ‘Ta Mắc Làm Công Việc Lớn’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 18–24 tháng Bảy. Ê Xơ Ra 1; 3–7; Nê Hê Mi 2; 4–6; 8” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
đền thờ của Xô Rô Ba Bên

Hình minh họa đền thờ của Xô Rô Ba Bên, do Sam Lawlor thực hiện

Ngày 18–24 tháng Bảy

Ê Xơ Ra 1; 3–7; Nê Hê Mi 2; 4–6; 8

“Ta Mắc Làm Công Việc Lớn”

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy: “Lời của Thượng Đế … có quyền năng để củng cố các Thánh Hữu và chuẩn bị họ với Thánh Linh để họ có thể chống lại điều ác, giữ vững điều tốt, và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống này” (Teachings of Presidents of the Church: Ezra Taft Benson [năm 2014], trang 118).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Người Do Thái đã bị tù đày tại Ba By Lôn trong khoảng 70 năm. Họ đã mất Giê Ru Sa Lem và đền thờ, và nhiều người quên đi cam kết của họ đối với luật pháp của Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế không quên họ. Thực ra, Ngài đã tuyên phán qua vị tiên tri của Ngài rằng: “Ta sẽ thăm viếng các ngươi, sẽ làm trọn lời tốt lành cho các ngươi, khiến các ngươi trở về đất này” (Giê Rê Mi 29:10). Đúng với lời tiên tri này, Chúa đã mở đường cho dân Do Thái quay về, và Ngài dựng lên những tôi tớ để thực hiện “công việc lớn” cho dân Ngài (Nê Hê Mi 6:3). Những tôi tớ này gồm có một tổng đốc tên là Xô Rô Ba Bên, người trông coi việc tái xây cất nhà cho Chúa; Ê Xơ Ra, một thầy tế lễ và thầy thông giáo đã làm lòng dân chúng hướng về luật pháp Chúa; và Nê Hê Mi, một tổng đốc sau này của Giu Đa đã dẫn dắt công việc tái xây dựng các tường thành bảo vệ quanh Giê Ru Sa Lem. Dĩ nhiên, họ gặp sự chống đối, nhưng cũng nhận được sự hỗ trợ từ những nguồn không ngờ đến. Các kinh nghiệm của họ có thể giúp chúng ta thêm hiểu biết và truyền cảm hứng cho chúng ta, bởi vì chúng ta cũng đang làm một công việc lớn. Và giống như họ, công việc của chúng ta cũng phần lớn liên quan đến nhà của Chúa, luật pháp của Chúa, và sự bảo vệ thuộc linh mà chúng ta tìm kiếm nơi Ngài.

Để có được thông tin khái quát về các sách Ê Xơ Ra và Nê Hê Mi, xin xem “Ê Xơ Ra” và “Nê Hê Mi” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ê Xơ Ra 1

Chúa soi dẫn cho mọi người để thực hiện các mục đích của Ngài.

Sau khi Phe Rơ Sơ (nước Ba Tư) chinh phục Ba By Lôn, Vua Phe Rơ Sơ là Si Ru được Chúa soi dẫn để gửi một nhóm người Do Thái về Giê Ru Sa Lem để tái xây dựng đền thờ. Trong khi anh chị em đọc Ê Xơ Ra 1, hãy ghi chú điều mà Si Ru sẵn lòng làm để hỗ trợ dân Do Thái trong công việc quan trọng này. Anh chị em thấy bằng cách nào Chúa làm việc qua những người nam và nữ quanh mình, kể cả những người không phải là tín hữu của Giáo Hội Ngài? Việc này gợi ý cho anh chị em điều gì về Chúa và công việc Ngài?

Xin xem thêm Ê Sai 44:24-28.

Ê Xơ Ra 3:8–13; 6:16–22

Những ngôi đền thờ có thể mang lại niềm vui cho tôi.

Khi người Ba By Lôn xâm chiếm Giê Ru Sa Lem, họ cướp bóc đền thờ và thiêu rụi đền thờ (xin xem 2 Các Vua 25:1–10; 2 Sử Ký 36:17–19). Anh chị em nghĩ mình sẽ cảm thấy ra sao nếu ở trong số những người Do Thái đã chứng kiến việc này? (xin xem Thi Thiên 137). Hãy lưu ý điều mà dân Do Thái đã cảm thấy, hàng thập kỷ sau đó, khi họ được phép quay trở về và tái xây dựng đền thờ (xin xem Ê Xơ Ra 3:8–13; 6:16–22). Hãy suy ngẫm những cảm nghĩ riêng của anh chị em về đền thờ. Tại sao đền thờ là một nguồn vui sướng? Làm thế nào để anh chị em có thể cho thấy lòng biết ơn của mình dành cho Chúa về đền thờ?

Hình Ảnh
gia đình đang tản bộ trong khuôn viên đền thờ

Đền thờ có thể là một nguồn vui sướng trong cuộc sống chúng ta.

Ê Xơ Ra 4–6; Nê Hê Mi 2; 46

Tôi có thể giúp công việc của Thượng Đế tiến triển mặc cho sự chống đối.

Công việc của Chúa hiếm khi không bị chống đối, và điều này thật sự đúng đối với những nỗ lực do Xô Rô Ba Bên và Nê Hê Mi dẫn dắt. Trong cả hai trường hợp, “các [kẻ] thù nghịch của Giu Đa” (Ê Xơ Ra 4:1) là những người Sa Ma Ri—là hậu duệ của Y Sơ Ra Ên lẫn với người Dân Ngoại. Khi đọc về việc họ phản đối xây dựng đền thờ (xin xem Ê Xơ Ra 4–6), anh chị em có thể suy ngẫm về sự chống đối công việc của Thượng Đế ngày nay và cách anh chị em có thể phản ứng khi sự chống đối xảy ra.

Tương tự, phần đọc về công việc sửa chữa các bức tường thành Giê Ru Sa Lem của Nê Hê Mi (xin xem Nê Hê Mi 2; 4; 6) có thể khiến anh chị em ngẫm nghĩ về công việc mà Thượng Đế muốn anh chị em làm. Anh chị em học được điều gì từ tấm gương của Nê Hê Mi?

Xin xem thêm Dieter F. Uchtdorf, “Ta Mắc làm Công Việc Lớn, Xuống Không Đặng,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 59–62.

Ê Xơ Ra 7; Nê Hê Mi 8

Tôi được phước khi học thánh thư.

Ngay cả sau khi đền thờ được tái xây cất, dân Y Sơ Ra Ên vẫn gặp khó khăn thuộc linh, một phần lý do là trong nhiều thế hệ, họ bị hạn chế tiếp xúc với “quyển sách luật pháp của Môi Se” (Nê Hê Mi 8:1). Thầy thông giáo Ê Xơ Ra nhận được sự cho phép từ vua Phê Rơ Sơ để đi đến Giê Ru Sa Lem, nơi ông “đem luật pháp đến trước mặt hội chúng” (Nê Hê Mi 8:2). Làm thế nào anh chị em có thể noi theo tấm gương của Ê Xơ Ra như được mô tả trong Ê Xơ Ra 7:10? Trong khi đọc Nê Hê Mi 8 kể về câu chuyện Ê Xơ Ra đọc luật pháp cho dân chúng, anh chị em có những ý nghĩ nào về quyền năng của lời của Thượng Đế trong cuộc sống mình?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ê Xơ Ra 3:8–13; 6:16–22.Dân Do Thái đã cho thấy niềm vui của họ đối với đền thờ khi nó được tái xây cất và khi được cung hiến như thế nào? Chúng ta đang làm gì để cho thấy niềm vui của mình đối với đền thờ? Có lẽ gia đình anh chị em có thể nhìn vào những bức ảnh đền thờ và nói về cách mà đền thờ mang lại niềm vui cho mình (xin xem temples.ChurchofJesusChrist.org).

Ê Xơ Ra 7:6, 9–10, 27–28.Nhiều lần trong những câu thánh thư này, Ê Xơ Ra đã viết rằng tay Chúa đã phù trợ ông trong khi ông hành trình về Giê Su Ra Lem. Cụm từ này có lẽ mang ý gì? Chúng ta đã cảm thấy tay Chúa phù trợ mình như thế nào? Có lẽ mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những ví dụ từ cuộc sống của họ.

Nê Hê Mi 2; 46.Câu chuyện của Nê Hê Mi có thể soi dẫn cho mọi người trong gia đình khi họ đối mặt với sự chống đối khi làm “công việc lớn” (Nê Hê Mi 6:3). Mọi người trong gia đình có thể xây một bức tường từ những vật dụng mình có quanh nhà trong khi cùng nhau đọc những đoạn then chốt (như là Nê Hê Mi 2:17–20; 4:13–18; 6:1–3). Chúng ta học được điều gì từ Nê Hê Mi về cách đối mặt với sự chống đối? Công việc lớn mà Chúa muốn chúng ta làm là gì? Chúa đã củng cố chúng ta như thế nào để vượt qua sự chống đối công việc này?

Nê Hê Mi 8:1–12.Trong Nê Hê Mi 8, Ê Xơ Ra đọc luật pháp của Môi Se cho một dân tộc háo hức nghe lời của Thượng Đế. Phần đọc các câu 1–12 có thể gia tăng lòng cảm kích của gia đình anh chị em đối với lời của Thượng Đế. Dân chúng đã cảm thấy như thế nào về luật pháp của Thượng Đế? Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ nhau “hiểu lời [đã] đọc”? (câu 8).

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Chúa Ban Cho Tôi một Đền Tạm,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 62.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy chia sẻ thánh thư cùng với gia đình. Trong việc học thánh thư cùng gia đình của mình, hãy cho mọi người chia sẻ các đoạn thánh thư từ việc học cá nhân của họ mà đặc biệt có ý nghĩa đối với họ.

Hình Ảnh
Ê Xơ Ra đọc thánh thư cho dân chúng

Hình minh họa Ê Xơ Ra đọc thánh thư cho dân chúng tại Giê Ru Sa Lem, do H. Willard Ortlip thực hiện, © Providence Collection/licensed từ goodsalt.com