Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 4–10 tháng Bảy. 2 Các Vua 2–7: “Trong Y Sơ Ra Ên Có Tiên Tri”


“Ngày 4–10 tháng Bảy. 2 Các Vua 2–7: ‘Trong Y Sơ Ra Ên Có Tiên Tri,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 4–10 tháng Bảy. 2 Các Vua 2–7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Ê Li Sê chỉ cho người tôi tớ thấy những cỗ xe bằng lửa

Hình minh họa Ê Li Sê chỉ cho người tôi tớ thấy những cỗ xe bằng lửa, © Review & Herald Publishing/licensed từ goodsalt.com

Ngày 4–10 tháng Bảy

2 Các Vua 2–7

“Trong Y Sơ Ra Ên Có Tiên Tri”

Trong khi anh chị em đọc thánh thư, Đức Thánh Linh có thể làm anh chị em chú ý đến những cụm từ hoặc đoạn nhất định. Hãy nghĩ đến việc ghi xuống lý do tại sao những đoạn đó có ý nghĩa đối với anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Nhiệm vụ chính của một vị tiên tri là giảng dạy và làm chứng về Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, biên sử của chúng ta về tiên tri Ê Li Sê không có nhiều những lời giảng dạy hoặc làm chứng của ông. Biên sử này ghi lại những phép lạ mà Ê Li Sê đã thực hiện, bao gồm cứu sống một đứa trẻ đã chết (xin xem 2 Các Vua 4:18–37), cho một đám đông ăn chỉ với một lượng nhỏ thức ăn (xin xem 2 Các Vua 4:42–44), và chữa lành một người mắc bệnh phong (xin xem 2 Các Vua 5:1–14). Vì thế, mặc dù chúng ta không có những lời của Ê Li Sê làm chứng về Đấng Ky Tô, nhưng qua giáo vụ của Ê Li Sê, chúng ta có những sự biểu hiện mạnh mẽ về quyền năng ban sự sống, nuôi dưỡng, và chữa lành của Chúa. Những biểu hiện như vậy xuất hiện đầy dẫy trong cuộc đời chúng ta nhiều hơn là những gì mà đôi khi chúng ta nhận ra được. Để thấy được chúng, chúng ta cần tìm kiếm phép lạ mà Ê Li Sê đã tìm kiếm khi ông cầu nguyện thay cho người tôi tớ trẻ tuổi đang sợ hãi của mình: “Đức Giê Hô Va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được” (2 Các Vua 6:17).

Để có thêm thông tin về 2 Các Vua, xin xem “Vua, Các” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

2 Các Vua 2–6

Thượng Đế có thể làm những phép lạ trong cuộc sống của tôi.

Các phép lạ thường giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trên trần thế—trong thời của Ê Li Sê, một vùng đất khô cằn cần nước sạch và một lưỡi rìu bị rớt mất cần được tìm lại (xin xem 2 Các Vua 2:19–22; 6:4–7). Nhưng các phép lạ cũng hướng lòng chúng ta về với Chúa và dạy chúng ta những bài học thuộc linh. Trong khi đọc 2 Các Vua 2–6, hãy nghĩ đến việc lập một bản liệt kê những phép lạ mà anh chị em tìm thấy, và suy ngẫm những bài học thuộc linh mà anh chị em học được từ mỗi phép lạ đó. Những phép lạ này dạy anh chị em điều gì về Chúa và điều gì Ngài có thể làm trong cuộc sống của anh chị em?

Xin xem thêm 2 Nê Phi 26:12–13; 27:23; Mặc Môn 9:7–21; Mô Rô Ni 7:35–37; Donald L. Hallstrom, “Phải Chăng Thời của Những Phép Lạ đã Chấm Dứt?Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 88–90.

2 Các Vua 4:8–17; 7:1–16

Lời của Chúa qua các vị tiên tri của Ngài sẽ được ứng nghiệm.

Như được ghi lại trong 2 Các Vua 4:8–17; 7:1–16, Chúa đã soi dẫn cho Ê Li Sê tiên tri về những việc sẽ xảy đến—những việc mà từ quan điểm của những người khác dường như sẽ chẳng xảy ra. Trong khi anh chị em đọc các câu này, hãy nghĩ về cách mà mình đáp lại lời của Chúa qua các vị tiên tri của Ngài ngày nay. Anh chị em nghe được những lời giảng dạy, lời tiên tri, hoặc lời hứa nào từ các vị tiên tri tại thế? Anh chị em đang làm gì để hành động trong đức tin dựa theo những lời hứa đó?

Xin xem thêm 3 Nê Phi 29:6; Giáo Lý và Giao Ước 1:37–38.

2 Các Vua 5

Nếu tôi khiêm nhường và vâng lời, thì Chúa Giê Su Ky Tô có thể chữa lành tôi.

Đôi khi anh chị em sẽ dễ dàng hơn để tìm thấy điều có ý nghĩa cá nhân trong thánh thư khi so sánh những sự việc cụ thể trong một câu chuyện với những sự việc thuộc linh. Ví dụ, trong khi đọc 2 Các Vua 5, anh chị em có thể so sánh bệnh phong của Na A Man với một thử thách thuộc linh mà anh chị em đang đối mặt. Giống như Na A Man, có lẽ anh chị em đã hy vọng rằng Chúa sẽ “[làm] một việc [lớn]” (câu 13) để giúp đỡ mình. Kinh nghiệm của Na A Man dạy anh chị em điều gì? Trong cuộc sống của mình, điều gì sẽ tương đương với việc làm theo lời khuyên răn đơn giản sau đây: “Hãy tắm, thì được sạch”?

Xin lưu ý cách mà kinh nghiệm của Na A Man đã ảnh hưởng đến đức tin của ông nơi Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên (xin xem câu 15). Những kinh nghiệm nào đã củng cố đức tin của anh chị em nơi Thượng Đế?

Xin xem thêm Lu Ca 4:27; 1 Phi E Rơ 5:5–7; An Ma 37:3–7; Ê The 12:27; L. Whitney Clayton, “Người Biểu Chi, Hãy Vâng Theo Cả,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 97–99.

2 Các Vua 6:8–23

“Những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.”

Anh chị em có bao giờ cảm thấy bị áp đảo và sợ hãi, nghi ngờ, giống như người tôi tớ trẻ tuổi của Ê Li Sê: “Chúng ta sẽ làm sao?” (xin xem 2 Các Vua 6:8–23). Anh chị em được soi dẫn điều gì về câu trả lời của Ê Li Sê? Câu chuyện này thay đổi cách anh chị em nghĩ và cảm thấy về những thử thách, trách nhiệm, hoặc nỗ lực để sống theo phúc âm như thế nào?

Trong khi suy ngẫm, hãy xem xét lời của Chủ Tịch Henry B. Eyring: “Giống như người tôi tớ đó của Ê Li Sê, có nhiều người ở cùng với các anh em hơn những người các anh em có thể nhìn thấy chống lại mình. Một số người ở cùng với các anh em thì không thấy được qua con mắt trần của các anh em. Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta và sẽ thỉnh thoảng làm điều đó bằng cách kêu gọi những người khác hỗ trợ chúng ta” (“Hỡi Các Ngươi Là Kẻ Bắt Tay Vào,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 58).

Xin xem thêm Thi Thiên 121; Giáo Lý và Giao Ước 84:88.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

2 Các Vua 2:1–14.Hãy nghĩ về những người đã trông thấy Ê Li Sê “lấy” cái áo tơi (áo choàng—một biểu tượng về sự kêu gọi làm tiên tri) của Ê Li. Việc này có thể đã ảnh hưởng như thế nào đến cách họ đáp lại giáo vụ của Ê Li Sê? (Xin xem thêm 1 Các Vua 19:19.) Có lẽ những người trong gia đình có thể lần lượt mặc một cái “áo tơi” và làm chứng về những cách thức mà họ đã thấy Chúa hỗ trợ và củng cố những người được kêu gọi để phục vụ trong Giáo Hội Ngài.

2 Các Vua 4.Anh chị em có thể mời mọi người đọc về một trong số những phép lạ trong 2 Các Vua 4 (xin xem các câu 1–7, 14–17, 32–35, 38–41, 42–44) và viết một manh mối để giúp những người còn lại đoán được người ấy đang mô tả phép lạ nào. Chúng ta học được điều gì về Chúa và những phép lạ của Ngài từ chương này? Chúng ta đã trông thấy những phép lạ nào, dù lớn hay nhỏ, trong cuộc sống của mình?

2 Các Vua 5:1–15.Trong khi anh chị em đọc những câu này và suy ngẫm điều đơn giản mà Na A Man được yêu cầu làm, hãy xem xét những điều đơn giản mà vị tiên tri của chúng ta đã mời chúng ta làm. Làm thế nào gia đình chúng ta có thể vâng theo lời khuyên bảo của ông một cách tốt hơn?

Gia đình anh chị em cũng có thể đọc câu chuyện “Ê Li Sê Chữa Bệnh cho Na A Man” (trong Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước).

2 Các Vua 5:20–27.Ghê Ha Xi có thể được lợi ích ra sao nhờ đọc “Tính Thành Thật và Liêm Chính” trong tài liệu Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ như thế nào? (trang 19). Tính không trung thực gây hại cho chúng ta như thế nào? Chúng ta được phước như thế nào nhờ trung thực?

2 Các Vua 6:13–17.Mọi người trong gia đình có thể thích vẽ tranh về kinh nghiệm của Ê Li Sê và người tôi tớ của ông mà được mô tả trong những câu này. Những câu này có thể giúp chúng ta như thế nào khi chúng ta cảm thấy lẻ loi hoặc bị quá sức chịu đựng?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 58.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy khuyến khích những câu hỏi. Những câu hỏi từ con cái là một dấu hiệu cho thấy chúng đã sẵn sàng học hỏi. Nếu anh chị em không biết giải đáp những câu hỏi của chúng, thì hãy tìm kiếm câu trả lời cùng với chúng. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 25–26.)

Hình Ảnh
Na A Man tắm dưới sông

Hình minh họa Na A Man được chữa khỏi căn bệnh phong, do Paul Mann thực hiện