Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 4–10 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 14–17: “Hãy Ở Đó, và … Xem Sự Giải Cứu [của] Đức Giê Hô Va”


“Ngày 4–10 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 14–17: ‘Hãy Ở Đó, và … Xem Sự Giải Cứu [của] Đức Giê Hô Va,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 4–10 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 14–17,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Biển Đỏ

Biển Đỏ

Ngày 4–10 tháng Tư

Xuất Ê Díp Tô Ký 14–17

“Hãy Ở Đó, và … Xem Sự Giải Cứu [của] Đức Giê Hô Va”

Thượng Đế đã truyền lệnh cho Môi Se viết về các kinh nghiệm của ông “trong sách làm kỷ niệm, và hãy nói cho Giô Suê biết” (Xuất Ê Díp Tô Ký 17:14). Tương tự, việc ghi lại những kinh nghiệm thuộc linh của anh chị em sẽ giúp anh chị em và những người thân yêu của mình ghi nhớ lòng nhân từ của Chúa.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Dân Y Sơ Ra Ên đã bị mắc kẹt. Biển Đỏ ở một bên, và phía bên kia, quân đội của Pha Ra Ôn đang tiến đến gần. Cuộc chạy trốn khỏi Ai Cập của họ dường như chỉ được một thời gian ngắn. Nhưng Thượng Đế có một sứ điệp cho dân Y Sơ Ra Ên mà Ngài muốn họ ghi nhớ qua nhiều thế hệ rằng: “Chớ sợ chi. … Đức Giê Hô Va sẽ chiến cự cho” (Xuất Ê Díp Tô Ký 14:13–14).

Kể từ khi đó, khi dân của Thượng Đế cần đức tin và lòng dũng cảm, họ thường nhớ lại câu chuyện này về sự giải thoát diệu kỳ của Y Sơ Ra Ên. Khi Nê Phi muốn truyền động lực cho các anh mình, ông đã nói: “Chúng ta hãy dũng mãnh như Môi Se; vì quả thật ông đã ra lệnh cho nước Biển Đỏ phải rẽ làm đôi để cho tổ phụ chúng ta vượt qua, thoát cảnh tù đày, như đi trên đất liền khô ráo” (1 Nê Phi 4:2). Khi Vua Lim Hi muốn những người dân đang bị trói buộc của mình “ngẩng đầu lên, [và] vui mừng,” ông cũng đã nhắc họ nhớ về câu chuyện này (Mô Si A 7:19). Khi An Ma muốn làm chứng với con trai ông về quyền năng của Thượng Đế, ông cũng đề cập đến câu chuyện này (xin xem An Ma 36:28). Và khi chúng ta cần sự giải thoát—khi cần thêm chút ít đức tin nữa, khi cần “[đứng vững] ở đó, và … xem sự giải cứu [của] Đức Giê Hô Va”—chúng ta có thể ghi nhớ cách mà “trong ngày đó, Đức Giê Hô Va đã giải cứu dân Y Sơ Ra Ên thoát khỏi tay người Ê Díp Tô” (Xuất Ê Díp Tô Ký 14:13, 30).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Xuất Ê Díp Tô Ký 14

Thượng Đế có quyền năng để giải cứu tôi.

Trong khi anh chị em đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 14:1–10, hãy tưởng tượng dân Y Sơ Ra Ên có thể cảm thấy ra sao khi trông thấy quân đội của Pha Ra Ôn đang tiến đến gần. Có lẽ anh chị em cảm thấy rằng mình cần một phép lạ để sống sót qua một thử thách khó khăn mà mình đang phải đối mặt. Anh chị em học được điều gì từ Xuất Ê Díp Tô Ký 14:13–31 mà có thể giúp bản thân tìm kiếm sự giải cứu của Thượng Đế trong cuộc sống mình? Anh chị em học được điều gì về những cách thức Thượng Đế cung ứng sự giải cứu khỏi nghịch cảnh? Hãy suy ngẫm xem anh chị em đã thấy quyền năng giải cứu của Ngài trong cuộc sống mình như thế nào.

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3; L. Tom Perry, “Quyền Năng Giải Cứu,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 94–97; Các Bản Đồ Kinh Thánh, bản đồ 2, “Sự Di Cư từ Ai Cập và Sự Đi Vào Xứ Ca Na An của Y Sơ Ra Ên.”

Xuất Ê Díp Tô Ký 15:22–27

Chúa có thể làm cho những gì đắng trở nên ngọt.

Trong khi đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 15:22–27 về những cuộc hành trình của Y Sơ Ra Ên đến vùng đất hứa, hãy nghĩ về những gì trong cuộc sống của anh chị em mà dường như “đắng” như nước ở đất Ma Ra. Hãy nghĩ về những câu hỏi sau đây trong khi suy ngẫm những câu thánh thư này: Làm thế nào Chúa có thể làm cho những đắng cay trong cuộc sống của anh chị em trở nên ngọt ngào? Những kinh nghiệm này có giá trị gì trong cuộc sống của anh chị em? Các câu 26 và 27 đề xuất điều gì về cách Chúa ban phước chúng ta khi chúng ta lắng nghe theo tiếng nói Ngài?

Xuất Ê Díp Tô Ký 15:23–27; 16:1–15; 17:1–7

Tôi có thể tin cậy Chúa, kể cả trong những lúc khó khăn.

Thật dễ bị cám dỗ để chỉ trích dân Y Sơ Ra Ên bởi vì họ ta thán hoặc than phiền khi hoàn cảnh của họ trở nên khó khăn, thậm chí sau tất cả mọi điều Thượng Đế đã làm cho họ. Nhưng trong khi anh chị em đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 15:23–27; 16:1–15; 17:1–7, hãy nghĩ xem liệu anh chị em có từng giống như vậy không. Anh chị em học được gì từ những kinh nghiệm của dân Y Sơ Ra Ên mà có thể giúp bản thân bớt ta thán và tin cậy Chúa một cách trọn vẹn hơn? Ví dụ như, anh chị em nhận thấy những khác biệt gì trong cách phản ứng với những khó khăn của dân Y Sơ Ra Ên so với Môi Se? Những câu này giảng dạy cho anh chị em điều gì về Thượng Đế?

Xin xem thêm 1 Nê Phi 2:11–12.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang nhặt bánh ma na

Bánh ma na từ Thượng Đế đã giúp Y Sơ Ra Ên no về mặt thể chất; chúng ta cũng cần thức ăn thuộc linh mỗi ngày. Tranh bích họa fresco do Leopold Bruckner họa

Xuất Ê Díp Tô Ký 16

Tôi nên tìm kiếm thức ăn thuộc linh mỗi ngày.

Có nhiều bài học thuộc linh mà chúng ta có thể học được từ phép lạ về bánh ma na, có trong Xuất Ê Díp Tô Ký 16. Hãy lưu ý đến những chỉ thị chi tiết mà dân Y Sơ Ra Ên được ban cho về cách để thu gom, sử dụng, và bảo quản bánh ma na (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 16:16, 19, 22–26). Anh chị em tìm thấy điều gì trong những chỉ thị này mà áp dụng cho mình trong khi tìm kiếm thức ăn thuộc linh mỗi ngày?

Xin xem thêm Giăng 6:31–35, 48–58.

Xuất Ê Díp Tô Ký 17:1–7

Chúa Giê Su Ky Tô là đá thuộc linh và nước sự sống của tôi.

Hãy nghĩ về Đấng Cứu Rỗi trong khi anh chị em đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 17:1–7. Đối với anh chị em, Chúa Giê Su Ky Tô giống một hòn đá như thế nào? (xin xem Thi Thiên 62:6–7; Hê La Man 5:12). Ngài giống nước như thế nào? (xin xem Giăng 4:10–14; 1 Cô Rinh Tô 10:1–4; 1 Nê Phi 11:25).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Xuất Ê Díp Tô Ký 14:13–22.Gia đình anh chị em có thể thích thử “phân rẽ” nước trong một cái tô hoặc bồn tắm, như Môi Se phân rẽ nước Biển Đỏ. Giúp họ hiểu rằng nước Biển Đỏ không thể được phân rẽ mà không có quyền năng của Thượng Đế. Chúng ta đã thấy quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống mình và cuộc sống của tổ tiên mình như thế nào?

Xuất Ê Díp Tô Ký 15:1–21.Sau khi vượt qua Biển Đỏ một cách kỳ diệu, dân Y Sơ Ra Ên đã hát một bài ngợi khen được gọi là bài ca của Môi Se, có trong Xuất Ê Díp Tô Ký 15:1–21. Cả gia đình hãy tìm trong những câu thánh thư này các cụm từ mà làm chứng về điều Thượng Đế đã làm cho dân Y Sơ Ra Ên và những cụm từ đầy ý nghĩa khác. Rồi anh chị em có thể hát một bài thánh ca gợi nhắc gia đình mình về điều Thượng Đế đã làm cho mình.

Xuất Ê Díp Tô Ký 16:1–5; 17:1–7.Việc đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 16:1–517:1–7 có thể đưa đến một cuộc thảo luận về Đấng Cứu Rỗi như là Bánh của Sự Sống, Nước của Sự Sống và Đá của chúng ta. Những câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ về những điều mà Chúa Giê Su Ky Tô làm cho chúng ta như thế nào? Là một phần của cuộc thảo luận, anh chị em có thể đọc Giăng 4:10–14; 6:29–35, 48–51; Hê La Man 5:12; Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79.

Xuất Ê Díp Tô Ký 17:8–16.Anh chị em có thể đóng diễn câu chuyện A Rôn và Hu Rơ giơ tay cho Môi Se và thảo luận về việc sự kiện này có thể tượng trưng cho cách chúng ta tán trợ những người mà Thượng Đế kêu gọi để dẫn dắt chúng ta như thế nào. Anh chị em cũng có thể so sánh sự tương phản giữa tấm gương của A Rôn và Hu Rơ với việc dân Y Sơ Ra Ên ta thán Môi Se (được mô tả trong suốt các chương 15–17). Chúng ta có thể giúp đỡ và tán trợ các lãnh đạo của mình bằng một số cách nào? Các phước lành nào đến với chúng ta và các vị lãnh đạo khi chúng ta làm như vậy?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 5.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm những sự hiểu biết thuộc linh của riêng mình. Trong việc học tập cá nhân và với gia đình, đừng nên giới hạn bản thân anh chị em trong các câu được nhấn mạnh đến trong các đại cương này. Chúa có thể có những sứ điệp dành cho anh chị em trong các chương này mà không được nhấn mạnh ở đây. Hãy thành tâm tìm kiếm sự soi dẫn.

Hình Ảnh
Môi Se rẽ Biển Đỏ

Hình minh họa Môi Se rẽ Biển Đỏ, do Robert T. Barrett thực hiện