Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 28 tháng Ba–Ngày 3 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 7–13: “Hãy Kỷ Niệm Ngày Này, Vì Là Ngày … Các Ngươi Ra Khỏi Xứ Ê Díp Tô”


“Ngày 28 tháng Ba–Ngày 3 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 7–13: ‘Hãy Kỷ Niệm Ngày Này, Vì Là Ngày … Các Ngươi Ra Khỏi Xứ Ê Díp Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 28 tháng Ba–Ngày 3 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 7–13,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Môi Se, A Rôn, và Pha Ra Ôn

Hình ảnh minh họa Môi Se và A Rôn trong cung điện của Pha Ra Ôn, do Robert T. Barrett thực hiện

Ngày 28 tháng Ba–Ngày 3 tháng Tư

Xuất Ê Díp Tô Ký 7–13

“Hãy Kỷ Niệm Ngày Này, Vì Là Ngày … Các Ngươi Ra Khỏi Xứ Ê Díp Tô”

Trong khi đọc và suy ngẫm Xuất Ê Díp Tô Ký 7–13, hãy ghi xuống những ấn tượng đến với anh chị em. Khi làm việc này thường xuyên, anh chị em sẽ gia tăng khả năng để nhận ra những lời mách bảo của Đức Thánh Linh.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Hết tai họa này đến tai họa khác đổ xuống Ai Cập, nhưng Pha Ra Ôn vẫn từ chối tha cho dân Y Sơ Ra Ên đi. Và mặc dù vậy, Thượng Đế tiếp tục chứng tỏ quyền năng của Ngài và cho Pha Ra Ôn cơ hội để chấp nhận “Ta là Đức Giê Hô Va” và “khắp thế gian chẳng có ai bằng Ta” (Xuất Ê Díp Tô Ký 7:5; 9:14). Trong khi đó, Môi Se và dân Y Sơ Ra Ên hẳn đã chứng kiến với sự kinh ngạc trước những sự biểu lộ quyền năng này của Thượng Đế vì họ. Chắc chắn rằng những dấu hiệu liên tục này đã xác nhận đức tin của họ nơi Thượng Đế và củng cố sự sẵn lòng của họ để vâng theo vị tiên tri của Ngài. Rồi, sau khi chín tai họa không thể giải thoát cho dân Y Sơ Ra Ên, tai họa thứ mười—cái chết của con trai đầu lòng, kể cả con trai đầu lòng của Pha Ra Ôn—cuối cùng đã chấm dứt sự tù đày. Việc này dường như phù hợp bởi vì trong mọi trường hợp bị cầm tù về mặt thuộc linh, thật sự chỉ có một cách thức để thoát ra. Bất kể chúng ta đã thử những cách nào khác trong quá khứ, chúng ta vẫn bị trói buộc, cũng giống như con cái Y Sơ Ra Ên. Chỉ có sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, Con Đầu Lòng—chỉ có máu của Chiên Con không tỳ vết—mới cứu được chúng ta.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Xuất Ê Díp Tô Ký 7–11

Tôi có thể chọn để mềm lòng.

Hy vọng ý muốn của anh chị em không bao giờ đối nghịch quá mức với ý muốn của Thượng Đế như là Pha Ra Ôn. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có những lúc cứng lòng thay vì chịu tiếp nhận ý muốn của Ngài, vậy nên có một điều gì đó để học hỏi từ những phản ứng của Pha Ra Ôn được ghi lại trong Xuất Ê Díp Tô Ký 7–10. Khi đọc về những tai ương trong các chương này, anh chị em ấn tượng điều gì về những phản ứng của Pha Ra Ôn? Anh chị em có nhận thấy bất kỳ khuynh hướng tương tự nào dẫn đến sự cứng lòng ở bản thân mình không? Hãy suy ngẫm điều anh chị em học được từ những chương này về ý nghĩa của việc có một tấm lòng mềm mỏng.

Lưu ý rằng Bản Dịch Joseph Smith cho Xuất Ê Díp Tô Ký 7:3, 13; 9:12; 10:1, 20, 27; 11:10 minh giải rằng Chúa đã không làm cứng lòng Pha Ra Ôn—mà chính Pha Ra Ôn đã tự mình chai đá trong lòng.

Anh chị em học được điều gì từ những câu thánh thư sau đây về cách phát triển một tấm lòng mềm mỏng? 1 Nê Phi 2:16; Mô Si A 3:19; An Ma 24:7–8; 62:41; Ê The 12:27.

Xin xem thêm bài của Michael T. Ringwood, “Ngoan Ngoãn và Sẵn Sàng Tin Theo,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 100–102.

Xuất Ê Díp Tô Ký 12:1–42

Lễ Vượt Qua tượng trưng cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cách duy nhất cho dân Y Sơ Ra Ên được tha khỏi tai họa thứ mười, được mô tả trong Xuất Ê Díp Tô Ký 11:4–5, là tuân theo chính xác những chỉ dẫn mà Chúa ban cho Môi Se trong Xuất Ê Díp Tô Ký 12, một nghi lễ được gọi là Vượt Qua. Lễ Vượt Qua dạy chúng ta bằng những biểu tượng rằng cũng như Chúa đã giải cứu dân Y Sơ Ra Ên khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, Ngài cũng có thể giải cứu chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Anh chị em tìm được gì trong những chỉ dẫn và biểu tượng của lễ Vượt Qua mà nhắc anh chị em nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài? Những biểu tượng và chỉ dẫn này gợi ý điều gì cho anh chị em về cách để nhận được các phước lành nhờ Sự Chuộc Tội của Ngài? Ví dụ như, việc bôi máu của chiên con lên các cột cửa có thể tượng trưng cho điều gì? (câu 7). Việc phải “chân mang giày, tay cầm gậy” có ý nghĩa gì đối với anh chị em? (câu 11).

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 89:21.

Hình Ảnh
mọi người đang dự phần Tiệc Thánh

Tiệc Thánh giúp chúng ta tưởng nhớ đến Đấng Giải Cứu chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Xuất Ê Díp Tô Ký 12:14–17, 24–27; 13:1–16

Tiệc Thánh giúp tôi tưởng nhớ đến sự giải thoát cho tôi nhờ Chúa Giê Su Ky Tô.

Đấng Cứu Rỗi muốn dân Y Sơ Ra Ên luôn luôn ghi nhớ rằng Ngài đã giải cứu họ, kể cả sau khi sự tù đày của họ trở thành ký ức đã xa. Đây là lý do tại sao Ngài truyền lệnh cho họ tuân giữ lễ Vượt Qua vào mỗi năm. Khi đọc chỉ thị của Ngài trong Xuất Ê Díp Tô Ký 12:14–17, 24–27; 13:1–16, hãy nghĩ về điều anh chị em đang làm để ghi nhớ những phước lành Thượng Đế ban cho mình. Anh chị em có thể làm gì để lưu truyền sự tưởng nhớ này “trải [xuống] các đời [con cháu mình]”? (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 12:14, 26–27).

Anh chị em thấy được những điểm tương đồng nào giữa các mục đích của lễ Vượt Qua và Tiệc Thánh? Việc đọc về lễ Vượt Qua nhắc anh chị em về Tiệc Thánh và bổ sung cho ý nghĩa của giáo lễ đó như thế nào? Hãy nghĩ về điều anh chị em có thể làm để “luôn luôn tưởng nhớ” Chúa Giê Su Ky Tô (Mô Rô Ni 4:3; 5:2; xin xem thêm Lu Ca 22:7–8, 19–20).

Anh chị em cũng có thể suy ngẫm những điều khác mà Chúa muốn mình ghi nhớ, xin xem Hê La Man 5:6–12; Mô Rô Ni 10:3; Giáo Lý và Giao Ước 3:3–5, 10; 18:10; 52:40 để có ví dụ.

Xin xem thêm Giăng 6:54.

Hình Ảnh
family study icon

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Xuất Ê Díp Tô Ký 7–12.Có lẽ sau khi đọc về các tai họa mà Chúa đã đổ xuống người dân Ai Cập làm dấu cho quyền năng của Ngài, gia đình anh chị em có thể chia sẻ các cách mà Chúa đang cho thấy quyền năng của Ngài ngày nay.

Xuất Ê Díp Tô Ký 8:28, 32; 9:27–28, 34–35.Những câu này có thể được sử dụng để bắt đầu một cuộc thảo luận về tầm quan trọng của việc giữ lời. Có lẽ mọi người trong gia đình có thể chia sẻ các kinh nghiệm khi họ thấy người khác thực hiện điều họ đã đồng ý làm.

Xuất Ê Díp Tô Ký 12:1–42.Sau khi cùng nhau đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 12:1–42, anh chị em có thể viết lên các mảnh giấy những điều gia đình mình có thể làm cùng nhau để tưởng nhớ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Bởi vì máu của chiên con trên các cột cửa (xin xem câu 23) tượng trưng cho Đấng Cứu Rỗi, anh chị em có thể gắn những mảnh giấy đó ở cửa nhà mình. Anh chị em cũng có thể ăn một số món ăn có trong lễ Vượt Qua, như là bánh không men (bánh quy cracker hoặc bánh tortilla) hoặc rau đắng (rau đắng, rau cải bẹ xanh, hoặc rau parsley hay horseradish), và thảo luận làm thế nào lễ Vượt Qua giúp chúng ta ghi nhớ cách mà Thượng Đế đã giải cứu dân Ngài. Ví dụ như, bánh không men nhắc họ nhớ rằng không có thời gian cho bánh của họ lên men trước khi họ thoát khỏi cảnh tù đày. Rau đắng nhắc họ nhớ về sự đắng cay của cảnh tù đày.

Xuất Ê Díp Tô Ký 12:14, 24–27.Có lẽ anh chị em có thể đọc lại những câu này cùng gia đình mình trước buổi lễ Tiệc Thánh kế tiếp. Những câu này liên quan đến Tiệc Thánh như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể làm cho Tiệc Thánh thành “lễ tưởng nhớ” một cách trọn vẹn hơn cho những gì mà Đấng Cứu Rỗi đã làm vì chúng ta?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Ta Cất Tiếng Hát Vinh Danh Giê Su,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 25.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy chia sẻ các bài học sử dụng đồ vật. Mời mọi người trong gia đình tìm các đồ vật mà giúp họ hiểu các nguyên tắc trong các câu thánh thư mà anh chị em đang đọc. Ví dụ như, những vật mềm và cứng có thể giúp mọi người thảo luận sự khác biệt giữa việc có một tấm lòng mềm mỏng và một tấm lòng cứng cỏi.

Hình Ảnh
Gia đình Hê Bơ Rơ với bữa ăn Vượt Qua

Hình minh hoạt một bữa tối Vượt Qua, do Brian Call thực hiện