Kinh Cựu Ước năm 2022
Những Điều Cần Ghi Nhớ: Gia Tộc Y Sơ Ra Ên


“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Gia Tộc Y Sơ Ra Ên,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Gia Tộc Y Sơ Ra Ên,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
hình biểu tượng ghi nhớ

Những Điều Cần Ghi Nhớ

Gia Tộc Y Sơ Ra Ên

Ở nơi nào đó trong vùng hoang dã phía đông Ca Na An, Gia Cốp đã lo lắng chờ đợi cuộc gặp với người anh song sinh Ê Sau của ông. Lần cuối Gia Cốp gặp Ê Sau, khoảng 20 năm trước đó, Ê Sau đã đe dọa giết chết ông ấy. Gia Cốp đã dành cả đêm vật lộn trong vùng hoang dã, để tìm kiếm một phước lành từ Thượng Đế. Kết quả từ đức tin, sự kiên trì, và quyết tâm đó của Gia Cốp là Thượng Đế đã đáp ứng cho những lời ông cầu nguyện. Đêm đó, tên của Gia Cốp được đổi thành Y Sơ Ra Ên, một cái tên có ý nghĩa là “người vật lộn [bền chí] cùng Thượng Đế” (Sáng Thế Ký 32:28; xin xem thêm Sáng Thế Ký 32:24–32).1

Hình Ảnh
sông Gia Bốc

Gần sông Gia Bốc, Gia Cốp nhận cái tên Y Sơ Ra Ên.

Đây là lần đầu tiên cái tên Y Sơ Ra Ên xuất hiện trong Kinh Thánh, và đó là cái tên được gìn giữ trong cả quyển Kinh Thánh và suốt lịch sử. Cái tên này sớm được dùng để nói đến không chỉ một người. Y Sơ Ra Ên có 12 người con trai, và các hậu duệ của họ được gọi chung là “gia tộc Y Sơ Ra Ên,” “các chi phái (hoặc chi tộc) Y Sơ Ra Ên,” “con cái Y Sơ Ra Ên,” hoặc “dân Y Sơ Ra Ên.”

Trong suốt lịch sử, các con cháu của Y Sơ Ra Ên luôn xem trọng dòng dõi của họ xuất phát từ một trong mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên. Dòng dõi của họ là một phần quan trọng để nhận ra giao ước của họ. Sứ Đồ Phao Lô tuyên bố rằng ông thuộc vào “chi phái Bên Gia Min” (Rô Ma 11:1). Khi Lê Hi phái các con trai mình đến Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng, một lý do là vì trên các bảng khắc có “gia phả của tổ phụ ông” (1 Nê Phi 5:14; xin xem thêm 1 Nê Phi 3:3). Lê Hi đã khám phá ra ông là con cháu của Giô Sép, và sự hiểu biết của con cháu ông về mối liên hệ của họ với gia tộc Y Sơ Ra Ên đã trở nên quan trọng đối với họ trong nhiều năm sau này (xin xem An Ma 26:36; 3 Nê Phi 20:25).

Trong Giáo Hội ngày nay, anh chị em có thể nghe về Y Sơ Ra Ên trong các từ ngữ như “sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên.” Chúng ta hát về “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên.” 2 Trong các trường hợp này, chúng ta không chỉ nói hoặc hát về vương quốc cổ xưa của dân Y Sơ Ra Ên hoặc quốc gia mang tên Israel ngày nay. Thay vì vậy, chúng ta đang nói đến những người đã được quy tụ từ các quốc gia trên thế gian vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta đang nói đến những người đã bền chí với Thượng Đế, thành tâm tìm kiếm các phước lành của Ngài, và những người mà qua phép báp têm đã trở thành dân giao ước của Ngài.

Phước lành tộc trưởng của anh chị em tuyên bố mối liên hệ của anh chị em với một trong các chi tộc thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên. Điều đó có ý nghĩa nhiều hơn là một thông tin thú vị cho lịch sử gia đình. Việc là một phần trong gia tộc Y Sơ Ra Ên có nghĩa là anh chị em có một mối quan hệ giao ước với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó có nghĩa là anh chị em, giống như Áp Ra Ham, được định để “thành một nguồn phước” cho con cái của Thượng Đế (Sáng Thế Ký 12:2; Áp Ra Ham 2:9–11). Theo lời của Phi E Rơ, điều đó có nghĩa là “anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (1 Phi E Rơ 2:9). Điều đó có nghĩa là anh chị em là người “vật lộn [bền chí] với Thượng Đế” trong khi tôn trọng các giao ước của mình với Ngài.

Ghi Chú

  1. Có thể có những ý nghĩa khác cho cái tên Y Sơ Ra Ên, gồm có “Thượng Đế cai trị” hoặc “Thượng Đế tranh đấu hoặc bền chí.”

  2. Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 5.

Hình Ảnh
gia phả của Gia Cốp

Hình minh họa gia phả của Gia Cốp, do Keith L. Beavers thực hiện