Thư Viện
Bài Học 1: Vai Trò của Học Viên


Bài Học 1

Vai Trò của Học Sinh

Lời Giới Thiệu

Mục đích của bài học này là nhằm giúp các học sinh làm tròn vai trò của họ trong việc học hỏi phúc âm. Đôi khi các học sinh nghĩ rằng trách nhiệm về việc học hỏi của họ chỉ dựa vào giảng viên mà thôi. Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói về sự cần thiết cho học sinh lẫn giảng viên để tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

“Những rắc rối và cám dỗ các học sinh của chúng ta gặp phải chỉ cách đây năm năm đều rất nhỏ so với điều chúng ta thấy bây giờ, và càng khó hơn nữa với thời gian sắp tới. Tôi đã cảm thấy … rằng điều chúng ta đã làm và đang làm sẽ không đủ đâu. Chúng ta cần có nhiều khả năng hơn nữa để giúp các học sinh hiểu và sống theo phúc âm với một mức độ sâu hơn. …

“Các anh chị em cần phải có Thánh Linh làm bạn đồng hành thường xuyên của mình để giảng dạy với quyền năng, và các học sinh của các anh chị em sẽ không sống sót về phần thuộc linh nếu không có Thánh Linh làm bạn đồng hành của họ” (“The Spirit Must Be Our Constant Companion” [bài ngỏ cùng các nhà giáo dục tôn giáo CES, ngày 7 tháng Hai năm 2003], 1, si.lds.org).

Khi giảng dạy bởi quyền năng của Đức Thánh Linh và giúp các học sinh học hỏi cũng bởi quyền năng đó, các anh chị em có thể giúp họ trở nên được cải đạo thật sự theo phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em cần phải thường xuyên xem lại các nguyên tắc được giảng dạy trong bài học này để nhắc nhở các học sinh về trách nhiệm của họ trong lớp học.

Những Đề Nghị để Giảng Dạy

Trách nhiệm của cá nhân để học hỏi bằng cách nghiên cứu và bằng đức tin

Mời một học sinh đứng ra trước phòng học. Giải thích rằng các anh chị em muốn giúp người học sinh đó được mạnh mẽ hơn về phần thể chất. Rồi yêu cầu một học sinh thứ hai bước ra phía trước và hít đất năm lần.

Sau khi người học sinh thứ hai đã hít đất xong, hãy hỏi người học sinh thứ nhất:

  • Những lần hít đất đó có làm cho em mạnh mẽ hơn không?

Hỏi lớp học:

  • Ví dụ về việc tập thể dục này liên quan như thế nào đến trách nhiệm của các em để học hỏi phúc âm? Ai là người có trách nhiệm cho việc học hỏi phúc âm của các em?

Mời một học sinh đọc to Giáo Lý và Giao Ước 88:118.

  • Các em nghĩ “hãy tìm kiếm … bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” có nghĩa là gì? (Các anh chị em có thể cần phải nêu lên rằng việc học hỏi bằng sự nghiên cứu và đức tin đòi hỏi nỗ lực cá nhân).

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về ý nghĩa của việc học hỏi bằng đức tin. Khuyến khích các học sinh viết câu này ở một nơi nào đó (có lẽ trong các nhật ký ghi chép việc học thánh thư hay sổ tay ghi chép trong lớp học) để họ có thể tham khảo câu này thường xuyên trong suốt năm học lớp giáo lý:

“Việc học hỏi bằng đức tin đòi hỏi nỗ lực tinh thần, tình cảm và thể chất chứ không phải chỉ lãnh nhận một cách thụ động. … Một học sinh cần phải sử dụng đức tin và hành động để đạt được sự hiểu biết cho bản thân mình” (“Seek Learning by Faith” [bài ngỏ cùng các nhà giáo dục tôn giáo CES, ngày 3 tháng Hai năm 2006], 3, si.lds.org).

Tự học hỏi thánh thư mỗi ngày

Giải thích rằng việc tự học hỏi thánh thư mỗi ngày là một phần quan trọng của việc tìm cách học hỏi bằng sự nghiên cứu và đức tin.

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 3:29–30.

  • Các em nghĩ có sự khác biệt nào giữa việc đọc thánh thư một cách không nghiêm túc với việc “có được lời của Thượng Đế”?

  • Theo như các câu chúng ta vừa đọc, các phước lành nào sẽ có từ việc có được lời của Thượng Đế?

  • Các phước lành nào khác sẽ đến qua việc học thánh thư hằng ngày?

  • Khi nào các em đã nhận được các phước lành qua việc học thánh thư riêng hằng ngày?

Khi các học sinh trả lời những câu hỏi này, hãy chắc chắn rằng họ hiểu là việc nghiên cứu thánh thư hằng ngày sẽ củng cố chứng ngôn của chúng ta, mời gọi Đức Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta và giúp chúng ta học phúc âm.

Mời các học sinh trả lời một trong số các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ:

  • Các em có thể cải tiến việc học Sách Mặc Môn của mình trong năm nay bằng cách nào?

  • Trong những cách nào việc đọc Sách Mặc Môn đã ảnh hưởng đến cảm nghĩ của các em về Chúa Giê Su Ky Tô?

Mời các học sinh đề ra một mục tiêu để học Sách Mặc Môn hằng ngày trong năm nay. Cũng mời các học sinh đặt ra mục tiêu để đọc hết quyển Sách Mặc Môn trong năm học lớp giáo lý. Các anh chị em có thể đề nghị họ viết các mục tiêu này vào nhật ký về việc học thánh thư của họ. Hãy nhắc họ rằng các mục tiêu này có thể giúp họ với những điều kiện đòi hỏi cho chương trình Bổn Phận đối với Thượng Đế và Sự Tiến Triển Cá Nhân.

Học Hỏi bằng Thánh Linh

Sao vẽ lại biểu đồ sau đây lên trên bảng. Bỏ ra những chữ trên biểu đồ. Các anh chị em sẽ viết những chữ này trong khi dạy bài học.

Hình Ảnh
Triangle Diagram

Mời một học sinh đọc to Giáo Lý và Giao Ước 50:17–18.

  • Theo như các câu này, thì Chúa đòi hỏi điều gì ở một giảng viên phúc âm? (Phải giảng dạy lẽ thật bằng quyền năng của Thánh Linh).

Viết Đức Thánh LinhGiảng Viên lên trên biểu đồ như đã cho thấy ở trên. Chia sẻ những ý nghĩ của các anh chị em về việc tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong khi giảng dạy. Giúp các học sinh biết rằng trong việc chuẩn bị và giảng dạy của các anh chị em, các anh chị em đã có một nỗ lực chân thành để được Thánh Linh hướng dẫn.

Yêu cầu các học sinh làm dấu trong sách Giáo Lý và Giao Ước 50 (vì họ sẽ trở lại đoạn này một lát nữa). Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 33:1.

  • Đức Thánh Linh làm gì cho học sinh khi phúc âm được giảng dạy?

Giải thích rằng để học hỏi phúc âm theo cách của Chúa, chúng ta cần phải chấp nhận trách nhiệm học hỏi bằng quyền năng của Đức Thánh Linh. Mời các học sinh đọc thầm Giáo Lý và Giao Ước 50:19–21.

  • Chúng ta nên viết gì ở phía dưới bên góc tay phải của hình tam giác này? (Viết Học sinh.)

  • Các anh chị em nghĩ việc nhận được lẽ thật bởi Thánh Linh có nghĩa là gì?

Các anh chị em có thể muốn giảng dạy một số nguyên tắc về việc nhận ra ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Giúp các học sinh hiểu rằng Thánh Linh thường truyền đạt với chúng ta một cách thầm lặng, qua những cảm nghĩ và trong tâm trí chúng ta (xin xem 1 Nê Phi 17:45; GLGƯ 8:2–3). Đức Thánh Linh cũng mang đến những cảm nghĩ yêu thương, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, nhu mì, hiền lành, đức tin và hy vọng (xin xem Ga La Ti 5:22–23; GLGƯ 11:12).

  • Các anh chị em có thể làm gì trong lớp giáo lý để chuẩn bị cho mình học hỏi bằng Thánh Linh?

Là một phần thảo luận này, hãy giúp các học sinh hiểu rằng một cách quan trọng để học hỏi bằng Thánh Linh là sẵn lòng chia sẻ các chứng ngôn của chúng ta với nhau. Đọc câu nói sau đây của Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

“Khi các học sinh phát biểu về các lẽ thật, [các lẽ thật này] được xác nhận trong tâm hồn họ và củng cố chứng ngôn cá nhân của họ” (“To Understand and Live Truth” [bài ngỏ cùng các nhà giáo dục tôn giáo CES, ngày 4 tháng Hai năm 2005], 3, si.lds.org).

Hãy nhắc các học sinh nhớ rằng các chương trình Bổn Phận đối với Thượng Đế và Sự Tiến Triển Cá Nhân gồm có những đề nghị để chia sẻ các lẽ thật phúc âm với những người khác. Hãy khuyến khích họ chia sẻ những kinh nghiệm của họ trong các lớp giáo lý, trong các buổi họp nhóm túc số hay lớp học, và trong những lúc trò chuyện với những người trong gia đình và bạn bè của họ. Nhấn mạnh rằng trong khi họ cố gắng giải thích, chia sẻ và làm chứng về các lẽ thật phúc âm, thì Thượng Đế sẽ gia tăng khả năng của họ để thảo luận phúc âm với những người khác.

Nhắc đến biểu đồ ở trên bảng một lần nữa. Yêu cầu một học sinh đọc to Giáo Lý và Giao Ước 50:14, 22.

  • Các câu này tóm lược về việc Đức Thánh Linh, giảng viên và học sinh đóng vai trò như thế nào trong việc học phúc âm? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng Đức Thánh Linh, cũng còn được gọi là Thánh Linh và Đấng An Ủi trong đoạn này, giảng dạy về lẽ thật. Giảng viên phải giảng dạy bằng quyền năng của Thánh Linh, và học sinh phải học hỏi với cùng quyền năng đó).

  • Điều gì xảy ra khi một học sinh học hỏi bằng Thánh Linh và giảng viên giảng dạy bằng Thánh Linh? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng gây dựng có nghĩa là xây đắp, củng cố, soi sáng hoặc cải tiến).

Trong Sách Mặc Môn, Ế Nót và An Ma là tấm gương về những người học hỏi bằng Thánh Linh. Yêu cầu các học sinh đọc thầm Ê Nót 1:4–10An Ma 5:45–47. (Các anh chị em có thể muốn viết những điều tham khảo này lên trên bảng). Rồi sau đó hỏi:

  • Ế Nót (hay An Ma) đã làm điều gì để học hỏi bằng Thánh Linh?

  • Thánh Linh đã làm gì cho Ế Nót (hay An Ma)?

Mời một học sinh đọc câu nói sau đây của Anh Cả Bednar:

“Chúng ta nên luôn luôn nhớ rằng Đức Thánh Linh chính là người thầy là người có thể thâm nhập vào tâm hồn của một học sinh qua lời mời thích hợp” (“Seek Learning by Faith,” 4).

  • Điều chúng ta đã học hỏi cho tới giờ áp dụng như thế nào cho các trách nhiệm cá nhân của chúng ta với tư cách là một thành sinh trong lớp học này? (Trong khi các học sinh trả lời, hãy chắc chắn rằng họ hiểu là khi chúng ta mở lòng mình ra và cầu xin Thượng Đế trong đức tin, thì Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta hiểu các lẽ thật phúc âm).

Để giúp các học sinh cân nhắc những cách họ có thể giúp nhau học hỏi bằng Thánh Linh, hãy hỏi:

  • Chúng ta có thể có những hành động nào để giúp mời Thánh Linh vào lớp học của mình? (Các câu trả lời có thể gồm có việc hát một bài thánh ca mở đầu, mang thánh thư đến lớp học và sử dụng thánh thư hằng ngày, sẵn lòng trả lời câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, cầu nguyện cho nhau, và cầu xin sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh).

Để giúp các học sinh hiểu rằng những hành động tiêu cực cũng có thể ảnh hưởng đến những người khác trong lớp học, hãy hỏi:

  • Những thái độ hay hành vi nào làm xúc phạm Thánh Linh trong một lớp giáo lý?

Mời các học sinh cân nhắc giá trị của việc có được Đức Thánh Linh làm người thầy của họ.

  • Các em đã trải qua việc Thánh Linh đóng vai trò của Ngài với tư cách là người thầy vào lúc nào?

Kết thúc bằng cách mời các học sinh học hỏi bằng cách nghiên cứu và đức tin trong khi họ học Sách Mặc Môn trong lớp giáo lý trong năm nay. Các anh chị em có thể muốn theo dõi với các học sinh trong suốt niên học để khuyến khích họ tiếp tục trong nỗ lực này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Học thánh thư mỗi ngày

“Các tiên tri ngày sau khuyên bảo chúng ta phải hằng ngày học hỏi thánh thư, riêng cá nhân lẫn chung gia đình. Họ khuyến khích chúng ta, như Nê Phi khuyến khích các anh của ông, áp dụng thánh thư cho bản thân mình, tìm ra những cách thức các câu chuyện thiêng liêng thời xưa áp dụng vào cuộc sống của chúng ta ngày nay như thế nào (xin xem 1 Nê Phi 19:23–24). Họ khuyên nhủ chúng ta phải ‘dò xem Kinh Thánh’ (Giăng 5:39) và ‘nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô‘ (2 Nê Phi 32:3).

“Các anh chị em sẽ được hưởng nhiều lợi ích bằng cách tuân theo lời khuyên dạy này. Việc học hỏi thánh thư hằng ngày, đầy ý nghĩa sẽ giúp cho các anh chị em dễ lĩnh hội hơn với những lời mách bảo của Đức Thánh Linh. Việc học hỏi này xây đắp đức tin của các anh chị em, củng cố các anh chị em chống lại cám dỗ, và giúp các anh chị em đến gần Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Quý của Ngài.

“Hãy khai triển một kế hoạch cho việc học thánh thư của cá nhân mình. Hãy cân nhắc để dành ra mỗi ngày một số thời giờ nào đó để học thánh thư. Trong thời gian đó, hãy đọc kỹ, hãy chú ý đến những thúc giục của Thánh Linh. Cầu xin Cha Thiên Thượng giúp các anh chị em biết Ngài muốn các anh chị em học và làm điều gì.

“Hãy tiếp tục đọc thánh thư, nhất là Sách Mặc Môn, trong suốt cuộc sống của các anh chị em. Các anh chị em sẽ nhiều lần tái khám phá ra giá trị của thánh thư, tìm ra ý nghĩa mới và sự áp dụng nơi thánh thư khi các anh chị em học thánh thư trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc sống” (Trung Thành với Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], “Scriptures,” 156).

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói:

“Nếu chúng ta trở nên thờ ơ trong việc học thánh thư của mình, thì chúng ta cũng sẽ trở nên thờ ơ trong sự cầu nguyện của mình.

“Có thể chúng ta không ngưng cầu nguyện, nhưng những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ bị lặp đi lặp lại, một cách máy móc hơn, thiếu chủ ý thực sự. Lòng chúng ta không thể đến gần một Thượng Đế mà mình không biết, và thánh thư và những lời của các vị tiên tri tại thế giúp chúng ta biết Ngài rõ hơn” (“Sự Cầu Nguyện,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 16).

2 Nê Phi 33:1. Mở lòng chúng ta ra cho Đức Thánh Linh

Là một phần thảo luận của chúng ta về 2 Nê Phi 33:1, hãy cân nhắc việc đọc câu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Nê Phi dạy chúng ta: ‛Khi một người nói lên nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh thì quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ truyền sứ điệp ấy vào tâm hồn con cái loài người’ (2 Nê Phi 33:1). Xin hãy lưu ý cách quyền năng của Thánh Linh truyền sứ điệp ấy tới nhưng không nhất thiết là vào tâm hồn như thế nào. Một giảng viên có thể giải thích, cho thấy, thuyết phục, và làm chứng, cùng làm như vậy với quyền năng và sự hữu hiệu lớn lao về phần thuộc linh. Tuy nhiên, cuối cùng, nội dung của một sứ điệp và sự làm chứng của Đức Thánh Linh chỉ xuyên thấu vào lòng nếu người nhận cho phép sứ điệp và sự làm chứng này vào. …

“Học sinh sử dụng quyền tự quyết bằng cách hành động theo các nguyên tắc chính xác sẽ mở lòng của người ấy ra cho Đức Thánh Linh—và mời gọi điều giảng dạy, quyền năng làm chứng, và sự làm chứng đầy xác nhận của Ngài” (“Seek Learning by Faith” [bài ngỏ cùng Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES, ngày 3 tháng Hai năm 2006], 1, 3, si.lds.org).