2021
Giá Trị của Mỗi Con Người
Tháng Một năm 2021


Hãy Đến Mà Theo Ta: Giáo Lý và Giao Ước trang 18–19

Giá Trị của Mỗi Con Người

Tại sao chúng ta có giá trị lớn lao như vậy đối với Cha Thiên Thượng của chúng ta?

Gần đây tôi cảm thấy có ấn tượng phải kết nối lại với một gia đình mà người bạn đồng hành của tôi và tôi đã giảng dạy và làm báp têm khi tôi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi cách đây gần 40 năm ở Brussels, Bỉ. Đã khá lâu kể từ khi tôi nói chuyện với bất cứ ai trong số họ.

Qua sự kỳ diệu của công nghệ ngày nay, tôi đã tìm ra người mẹ của gia đình này trên phương tiện truyền thông xã hội. Tôi đã có thể có được một cuộc trò chuyện video chat tuyệt vời với chị ấy. Chúng tôi nhắc lại những kinh nghiệm thiêng liêng mà chúng tôi đã cùng có cách đây nhiều năm khi gia đình của chị ấy tìm hiểu về phúc âm phục hồi.

Sức khỏe của chị ấy không được tốt lắm và hoàn cảnh chia cắt chị ấy với gia đình của mình. Trong khi chúng tôi nói chuyện, tôi đã cảm nhận được tình yêu thương sâu đậm mà Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi dành cho chị phụ nữ hiền lành này. Tôi cảm nhận được giá trị vĩnh cửu lớn lao của chị ấy mặc dù chị ấy đã phần nào không còn tích cực trong Giáo Hội. Tôi bày tỏ tình yêu thương của mình dành cho chị ấy và làm chứng rằng Thượng Đế yêu thương chị và quan tâm đến chị. Mắt chúng tôi nhòa lệ trong khi chúng tôi bày tỏ tình yêu thương cho nhau. Chúng tôi hứa sẽ liên lạc thường xuyên hơn. Tôi rất biết ơn Thượng Đế toàn tri và nhân từ đã soi dẫn cho tôi để liên lạc với người bạn thân yêu của tôi ngày hôm đó.

Lý Do Tại Sao Thượng Đế Yêu Thương Chúng Ta

Khi Nê Phi được một thiên sứ hỏi về tấm lòng hạ cố của Thượng Đế thì ông khiêm nhường trả lời: “Tôi biết Ngài yêu thương con cái của Ngài; tuy nhiên, tôi không hiểu được ý nghĩa của mọi sự việc” (1 Nê Phi 11:17). Tôi đã thường tự hỏi làm thế nào Nê Phi tiến đến việc hiểu được lẽ thật đơn giản, tuyệt vời này: Thượng Đế yêu thương con cái của Ngài. Rõ ràng là ông đã biết giáo lý của Đấng Ky Tô như đã được “gia đình nề nếp” của ông dạy dỗ (1 Nê Phi 1:1). Nhưng ông cũng biết lý do của Đấng Cứu Rỗi. Và lý do đó là gì?

Tại sao Thượng Đế đã sẵn lòng để cho Con Trai của Ngài làm một của lễ hy sinh? Tại sao Ngài đã gửi chúng ta đến đây để được chứng tỏ và thử thách? Vì, như được giảng dạy trong một lẽ thật không kém phần tuyệt vời, “dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao” (Giáo Lý và Giao Ước 18:10).

Tại sao chúng ta có giá trị lớn lao đối với Ngài như vậy? Dĩ nhiên, vì chúng ta là con cái của Ngài nên Ngài yêu thương chúng ta. Nhưng trong một vài câu tiếp theo, Ngài mô tả ân tứ tuyệt vời được ban cho mỗi người chúng ta vì tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta—Con Trai Độc Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài đã gửi đến Con Trai của Ngài để “chịu chết trong xác thịt; do đó Ngài đã chịu sự đau đớn của tất cả mọi người, để cho tất cả mọi người có thể hối cải mà đến cùng Ngài. Và Ngài đã từ cõi chết sống lại, để Ngài có thể dẫn tất cả mọi người về cùng Ngài, qua những điều kiện của sự hối cải” (Giáo Lý và Giao Ước 18:11–12). Ngài phán với chúng ta: “Đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39).

Hối Cải và Tha Thứ

Dĩ nhiên Cha Thiên Thượng cảm thấy rất vui mừng khi chúng ta hối cải. Sự sẵn lòng hối cải của chúng ta là bằng chứng về lòng biết ơn sâu đậm của chúng ta đối với ân tứ tuyệt vời và vô song của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Chỉ nhờ và qua Chúa Giê Su Ky Tô mà chúng ta mới có thể trở nên xứng đáng để có được sự tin tưởng trong sự hiện diện của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:45).

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích: “Có quá nhiều người coi sự hối cải là hình phạt—một điều gì đó nên tránh ngoại trừ trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. Nhưng cảm giác bị trừng phạt này là do Sa Tan gây ra. Nó cố gắng ngăn chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng với vòng tay mở rộng đang hy vọng và sẵn lòng chữa lành, tha thứ, gột sạch, củng cố, thanh tẩy mở rộng và thánh hóa chúng ta. …

“Không có gì là tự do, cao quý, hoặc quan trọng đối với sự tiến bộ của cá nhân chúng ta hơn là một sự tập trung thường xuyên, hằng ngày vào sự hối cải. Sự hối cải không phải là một sự kiện mà là một tiến trình. Đó là bí quyết để có được hạnh phúc và sự an tâm. Khi được kết hợp với đức tin, sự hối cải cho chúng ta khả năng tiếp cận với quyền năng Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”1

Mời Gọi Phụ Giúp

Nhiều lần trong những điều mặc khải ngày sau, Chúa mời gọi các con cái tôi tớ của Ngài phụ giúp Ngài và Con Trai của Ngài làm công việc cứu rỗi và tôn cao (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:14). Hãy suy nghĩ về điều đó! Trong tình trạng không hoàn hảo của chúng ta, Thượng Đế của vũ trụ đưa ra lời mời gọi chúng ta giúp đỡ con cái của Ngài là những người có giá trị lớn lao để trở về cùng Ngài. Ngài biết công việc này rất khó khăn. Sẽ có nhiều người không chấp nhận lời mời của chúng ta để đến “nghe lời Ngài.” Tuy nhiên, Ngài khẳng định rằng Ngài là Thượng Đế của “cá nhân đó.” “Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!” (Giáo Lý và Giao Ước 18:15; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Anh chị em có thể tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để giúp ai đó đến cùng Đấng Ky Tô, hối cải và được ban phước bởi sự hy sinh chuộc tội của Ngài?”

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra lời khuyên bảo này về việc tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao: “Hãy hiểu rằng công việc của anh chị em không phải là để cải đạo mọi người. Đó là vai trò của Đức Thánh Linh. Vai trò của anh chị em là chia sẻ những gì trong đáy lòng anh chị em và kiên định sống theo niềm tin của mình.

“Vì vậy, xin đừng thất vọng nếu một người nào đó không chấp nhận sứ điệp phúc âm ngay lập tức. Đó không phải là lỗi của anh chị em.

“Đó là giữa cá nhân đó và Cha Thiên Thượng.

“Vai trò của anh chị em là yêu mến Thượng Đế và người lân cận của mình, tức là con cái của Ngài.

“Tin tưởng, yêu thương, làm theo.

“Hãy đi theo con đường này, và Thượng Đế sẽ làm phép lạ qua anh chị em để ban phước cho các con cái quý báu của Ngài.”2.

Ở Cả Hai Bên Bức Màn Che

Lời mời để đến cùng Đấng Ky Tô qua sự hối cải không phải chỉ dành cho những ai đang sống trên thế gian. “Những người chết nào hối cải sẽ được cứu chuộc, qua sự tuân theo các giáo lễ của ngôi nhà Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 138:58). Công việc đền thờ và lịch sử gia đình là những khía cạnh quan trọng của việc quy tụ Y Sơ Ra Ên đang bị phân tán ở cả hai bên của bức màn che. Chúng ta có thể cảm thấy rất vui mừng khi chúng ta làm công việc cho những người đã đi đến thế giới linh hồn vì biết rằng ở thế giới đó, như Chủ Tịch Wilford Woodruff (1807–1898) đã nói: “sẽ có rất ít người, nếu có, không chịu chấp nhận Phúc Âm.”3 Chắc chắn là họ sẽ mong đợi đến ngày mà các giáo lễ cứu rỗi được thực hiện cho họ trong ngôi nhà của Chúa.

Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Khi chúng ta thu thập lịch sử gia đình của mình và đi đến đền thờ thay cho tổ tiên mình, Thượng Đế sẽ làm tròn các phước lành đã được hứa ở cả hai bên bức màn che. Tương tự như vậy, chúng ta được phước khi giúp đỡ người khác trong tiểu giáo khu và giáo khu để làm điều này. Các tín hữu không sống gần đền thờ cũng nhận được các phước lành này bằng cách tham gia vào công việc lịch sử gia đình, thu thập tên của các tổ tiên họ để các giáo lễ đền thờ được thực hiện.”4

Thật tuyệt vời khi biết rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta yêu thương từng con cái của Ngài. Chúng ta có giá trị lớn lao đối với Ngài. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng phải phục sự các con cái của Ngài ở cả hai bên bức màn che và giúp họ nhận biết giá trị lớn lao của họ.

Giúp Họ Thấy Được Giá Trị của Họ

Tôi mời anh chị em tìm đến những người đã từng là một phần trong cuộc đời của anh chị em và có thể đã bị lãng quên trong một thời gian. Tìm đến những người đã rời khỏi con đường giao ước. Phục sự những người đang cần tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô. Kết nối với những người ở phía bên kia bức màn che qua công việc đền thờ và lịch sử gia đình kể cả lập dữ liệu chỉ mục về thông tin của những người đã qua đời. Giúp người khác cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế qua anh chị em.

Như đã hứa, tôi và chị bạn người Bỉ thân thiết của tôi đã nói chuyện vào Chủ nhật hàng tuần trong hơn bốn tháng. Tôi đã mời chị ấy tải xuống ứng dụng Thư viện Phúc âm. Chủ tịch chi nhánh tại địa phương biết đến chị ấy, và những người truyền giáo toàn thời gian đến thăm và ban phước lành chức tư tế. Tuần tiếp theo, lần đầu tiên sau hơn 30 năm, chị ấy tham dự buổi Tiệc Thánh. Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện, chị ấy vui mừng khôn siết vì đã được kết nối lại với Giáo hội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chị ấy cũng nói cho tôi biết về cô con gái đầu lòng của chị vẫn còn tham gia trong Giáo Hội. Tôi lập tức liên lạc với con gái của chị qua video chat. Cô ấy giới thiệu tôi với mỗi đứa con trong số bốn đứa con xinh đẹp của cô ấy, rồi sau đó cô ấy nói với tôi rằng những người truyền giáo toàn thời gian sẽ đến nhà họ vào tối hôm đó để ăn tối. Thật là một phước lành khi thấy rằng cô ấy vẫn là một tín hữu trung thành của Giáo Hội!

Trong khi nói chuyện với cô ấy thì tôi hiểu, trong một mức độ nhỏ nào đó, sứ điệp của câu thánh thư này: “Và giờ đây, nếu sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao với một người mà các ngươi đem về cho ta vào trong vương quốc của Cha ta, thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nhiều người!” (Giáo Lý và Giao Ước 18:16).

Giá trị của mỗi người rất lớn lao!

Ghi Chú

  1. Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67.

  2. Dieter F. Uchtdorf, “Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 17.

  3. Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff (năm 2004), trang 191.

  4. Dale G. Renlund, “Lịch Sử Gia Đình và Công Việc Đền Thờ: Sự Gắn Bó và Chữa Lành,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 49.

Lift Up The Hands That Hang Down (Nâng Đỡ Những Bàn Tay Rũ Rượi), tranh do J. Kirk Richards minh họa

“Công việc của anh chị em không phải là để cải đạo mọi người. Đó là vai trò của Đức Thánh Linh. Vai trò của anh chị em là chia sẻ những gì trong đáy lòng anh chị em và kiên định sống theo niềm tin của mình.”

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf

Lux Condivis (Ánh Sáng được Chia Sẻ), tranh do J. Kirk Richards họa

Mỗi người chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng phải phục sự các con cái của Cha Thiên Thượng ở cả hai bên bức màn che.

Breakthrough (Giao Tiếp Xuyên Qua Bức Màn Che), tranh do J. Kirk Richards họa