2019
Hãy Thử Một Số Truyền Thống Mới của Lễ Phục Sinh
Tháng Tư năm 2019


Hãy Thử Một Số Truyền Thống Mới của Lễ Phục Sinh

Vào mùa lễ Phục Sinh này, hãy dành thêm một số thời gian hơn để tưởng nhớ ân tứ lớn lao nhất đã được ban cho từ trước đến nay.

Hình Ảnh
baby Jesus, Mary and Joseph

Chi tiết từ For Unto Us a Child is Born, của Lynne Millman Weidinger

Lễ Giáng Sinh thường được chú ý nhất trong số mọi kỳ lễ. Tuy nhiên, nếu không có các sự kiện đã xảy ra từ lâu mà chúng ta kỷ niệm mỗi lễ Phục Sinh, thì sẽ không có lễ Giáng Sinh.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) có lần đã dạy: “Sẽ không có lễ Giáng Sinh nếu không có lễ Phục Sinh. Hài nhi Giê Su ở Bết Lê Hem sẽ chỉ là một hài nhi bình thường nếu không có Đấng Ky Tô cứu chuộc ở Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ, và lẽ thật đầy đắc thắng của Sự Phục Sinh.”1

Sau đây là một vài truyền thống mà anh chị em có thể suy xét để thêm vào những kỳ lễ kỷ niệm hằng năm của mình.

1. Đi Đến Từng Nhà và Hát trong Ngày Lễ Phục Sinh

Hình Ảnh
kids singing

Nếu bỏ qua một bên những hình ảnh kỳ quái về con tuần lộc và những người lùn đi theo ông già Nô Ên, thì các bài hát mừng Giáng Sinh đều là về Chúa Giê Su Ky Tô. Lễ Phục Sinh là thời gian lý tưởng cho âm nhạc về Đấng Cứu Rỗi, và vâng, thậm chí còn được hát ở trước cửa nhà của những người hàng xóm của anh chị em.

Nếu ý kiến của anh chị em bị bế tắc thì hãy xem phần “đề tài” của quyển thánh ca dưới các đề tài “Lễ Phục Sinh” và “Sự Chuộc Tội” dành cho các bài hát. Bất cứ bài hát nào kỷ niệm Chúa Giê Su Ky Tô đều thích hợp để hát cho lễ Phục Sinh.

2. Tha Thứ cho Một Người Nào Đó

Hình Ảnh
girls hugging

Có bao nhiêu lần anh chị em đã biết ơn ân tứ về sự hối cải? Lễ Phục Sinh mang đến một cơ hội để suy nghĩ thêm về cách chúng ta có được cùng một thái độ tha thứ đó cho người khác.

Chúa Giê Su đã dạy: “Vậy nên, ta nói cho các ngươi hay, các ngươi phải biết tha thứ cho nhau. …

“Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người” (Giáo Lý và Giao Ước 64:9–10).

Hãy tự hỏi: Anh chị em đang còn giận ai? Hãy cầu nguyện để có được sức mạnh đặng tha thứ cho người này và để Đấng Cứu Rỗi giúp cho những cảm nghĩ đau đớn đó biến mất.

3. Trình Diễn một Hoạt Cảnh, Vở Kịch hoặc Buổi Trình Diễn Khác

Hình Ảnh
boy dressed up

Anh chị em có thể sắp xếp một buổi trình diễn cho lễ Phục Sinh. Một ví dụ đơn giản có thể là đọc thánh thư trong buổi họp tối gia đình hoặc một buổi hòa nhạc và cùng nhau hát theo trong cộng đồng.

5. Thăm Mộ của Những Người Thân

Hình Ảnh
family visiting graves

Nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô nên sự chết đã mất đi cái nọc của nó (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:55). Dành thời gian đi thăm các ngôi mộ của những người thân để suy ngẫm về tin lành này.

Thậm chí anh chị em còn có thể đọc to một số câu thánh thư ưa thích về Sự Phục Sinh trong khi anh chị em đi thăm những ngôi mộ này. Một vài (trong số rất nhiều) câu thánh thư để suy nghĩ sẽ đọc là 1 Cô Rinh Tô 15:20–22; An Ma 11:42–44; và Giáo Lý và Giao Ước 88:14–16.

5. Hãy Tốt Hơn Một Chút

Hình Ảnh
Christ visiting the Americas

Chi tiết từ Jesus Christ Visits the Americas, của John Scott

Lễ Phục Sinh tôn vinh các sự kiện của Vườn Ghết Sê Ma Nê, những gì đã xảy ra trên cây thập tự, việc Đấng Cứu Rỗi sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba, và sau đó việc Ngài phục sự trong 40 ngày trước khi thăng lên trời.

Ngoài ra, chẳng bao lâu sau khi thăng lên trời, Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng dân Nê Phi và phục sự họ (xin xem 3 Nê Phi 11–28). Có rất nhiều điều để kỷ niệm!

Tại sao không gia tăng thời gian để kỷ niệm mùa lễ Phục Sinh của anh chị em? Hãy để tâm hồn của anh chị em vui thích lâu hơn trong những phép lạ của lễ Phục Sinh. Hãy nỗ lực một cách có ý thức để trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn trong 40 ngày sau lễ Phục Sinh. Để có được sự soi dẫn, hãy suy nghĩ về lời mời của Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Hãy hiến dâng một phần thời gian của mình mỗi tuần để nghiên cứu mọi điều mà Chúa Giê Su đã phán và làm theo như đã được ghi chép trong Kinh Cựu Ước, vì Ngài là Đức Giê Hô Va của Kinh Cựu Ước. Hãy nghiên cứu các luật pháp của Ngài như đã được ghi chép trong Kinh Tân Ước, vì Ngài là Đấng Ky Tô của Kinh Tân Ước. Hãy nghiên cứu giáo lý của Ngài như đã được ghi chép trong Sách Mặc Môn, vì không có thánh thư nào mà trong đó sứ mệnh và giáo vụ của Ngài lại được mặc khải rõ ràng hơn. Và hãy nghiên cứu những lời của Ngài như đã được ghi chép trong Giáo Lý và Giao Ước, vì Ngài tiếp tục dạy cho dân Ngài trong gian kỳ này.”2

Các Truyền Thống của Anh Chị Em Đang Chờ Đợi

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Để tìm được ngày quan trọng nhất lịch sử, chúng ta phải quay lại buổi tối gần 2.000 năm trước trong Vườn Ghết Sê Ma Nê khi Chúa Giê Su Ky Tô quỳ xuống trong lời khẩn cầu mãnh liệt và phó mạng mình làm giá cứu chuộc tội lỗi cho chúng ta.”3

Các sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử là đáng để dành thời gian ra suy ngẫm mỗi năm. Các truyền thống giúp chúng ta làm điều đó cho dù những truyền thống từ bản liệt kê này hoặc bất cứ truyền thống nào do anh chị em tự chọn.

Anh chị em sẽ thử làm theo năm nay không?

Ghi Chú

  1. Gordon B. Hinckley, “The Wondrous and True Story of Christmas,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2000, trang 5.

  2. Russell M. Nelson, “Các Vị Tiên Tri, Sự Lãnh Đạo và Luật Pháp Thiêng Liêng” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 8 tháng Một năm 2017), broadcasts.lds.org.

  3. Dieter F. Uchtdorf, “Kìa, Xem Người Này!” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 108.