2016
Một Công Thức để Học Tập
October 2016


Một Công Thức để Học Tập

Tác giả hiện sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Hãy thử bốn cách này để làm cho lời của Thượng Đế được ngon ngọt đối với tâm hồn của các em.

Hình Ảnh
recipe for learning

Khi còn trẻ, tôi đã dành nhiều thời giờ quan sát mẹ tôi nấu ăn trong bếp. Bà thường nấu những bữa ăn, làm bánh mì, bánh quy, và bánh nướng ngon nhất cho gia đình chúng tôi. Sau một thời gian, tôi bắt đầu đọc các công thức nấu ăn, làm theo các chỉ dẫn, và nấu ăn. Tôi không cần phải dựa vào mẹ tôi—tôi có thể tự mình làm được việc đó.

Cũng giống như việc học nấu ăn, chúng ta học phúc âm và phát triển chứng ngôn của mình bằng cách thực hành. Sau khi Lê Hi kể cho gia đình ông nghe về giấc mơ của ông về cây sự sống, Nê Phi nói rằng ông muốn tự mình “nhìn thấy và nghe, và biết những điều này” (1 Nê Phi 10:17). Nói cách khác, đối với Nê Phi việc lắng nghe chứng ngôn của cha ông là không đủ. Ông muốn tìm hiểu điều mà cha ông đã biết.

Công thức để học phúc âm có một vài bước đơn giản. Các em có thể sử dụng bốn ý kiến sau đây để giúp việc học phúc âm của các em với gia đình của mình, ở nhà thờ, hoặc trong thời gian học riêng cá nhân của mình.

1. Chuẩn bị học tập.

Bắt đầu việc học tập riêng cá nhân với một lời cầu nguyện. Cầu xin Cha Thiên Thượng giúp các em hiểu được điều mà mình đang đọc. Viết xuống một hoặc hai câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời. Đức Thánh Linh sẽ làm chứng về lẽ thật khi các em đọc, suy ngẫm, và cầu nguyện (xin xem Mô Rô Ni 10:5).

Chuẩn bị cho việc học phúc âm ở nhà thờ bằng cách đọc bài học trước khi các em đi nhà thờ. Các bài học Come, Follow Me có thể được tìm thấy trên trang mạng LDS.org và trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm.

2. Tích cực tham gia vào việc học tập.

  • Đọc để có được sự hiểu biết. Số trang các em đọc hoặc việc các em đọc nhanh như thế nào cũng không quan trọng bằng việc hiểu điều các em đọc. Các em có thể phải đọc lại vài lần một số câu. Sử dụng một quyển tự điển để tra các từ mà các em không biết. Ví dụ, gian kỳ có nghĩa là gì? Các em có thể sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư để tìm hiểu.

  • Đặt câu hỏi về điều các em đang đọc. Có lẽ các em tự hỏi: “Điều gì đã xảy ra ở Giê Ru Sa Lem vào lúc Lê Hi và gia đình ông bỏ đi? Tại sao dân chúng không nghe theo Lê Hi?”

  • Cố gắng trả lời ba câu hỏi này về bất cứ điều giảng dạy phúc âm nào: Tại sao điều này là quan trọng cho dân chúng vào lúc đó? Điều này áp dụng cho chúng ta như thế nào ngày nay? Điều này áp dụng cho tôi như thế nào?

  • Tìm kiếm các khuôn mẫu và các mối liên hệ. Ví dụ, tôi có thể nhận ra các khuôn mẫu nào trong cách Nê Phi phản ứng với nghịch cảnh? Cuộc hành trình của gia đình ông trong vùng hoang dã giống như cuộc hành trình của dân Y Sơ Ra Ên ra khỏi Ai Cập như thế nào?

  • Hãy viết cảm nghĩ và các ấn tượng của các em trong nhật ký. “Khi các em viết xuống những ấn tượng quý báu, thì thường thường sẽ có thêm nhiều ấn tượng nữa. Ngoài ra, sự hiểu biết các em nhận được sẽ có sẵn trong suốt cuộc sống của các em” (Richard G. Scott, “To Acquire Knowledge and the Strength to Use It Wisely,” Liahona, tháng Tám năm 2002, 12, 14). Đặc biệt hãy viết những ý kiến này có ý nghĩa gì trong cuộc sống của các em.

  • Vẽ hình. Một cách khác để ghi lại điều các em đang học là vẽ hình. Có một lần khi tôi đến thăm một người bạn trong buổi họp tối gia đình, bà ngoại của chị ấy đã chia sẻ những câu chuyện cá nhân về đức tin và sự cầu nguyện. Trước khi bài học bắt đầu, người bạn của tôi đã đưa giấy và bút chì màu cho mấy đứa con nhỏ của mình để chúng có thể vẽ hình những câu chuyện trong khi bà cố của chúng nói chuyện. Việc vẽ hình đã giúp cho chúng tập trung chú ý, và chúng còn đặt ra những câu hỏi trong lúc sinh hoạt để làm sáng tỏ các phần của câu chuyện.

3. Học tập và sống theo phúc âm mỗi ngày.

Việc học tập đòi hỏi nỗ lực; chúng ta cần phải áp dụng bản thân mình vào việc hiểu biết (xin xem Mô Si A 12:27). Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ khuyên chúng ta phải “thiết lập một thời gian và một chỗ để nghiên cứu thánh thư hàng ngày, cho dù chỉ là một vài phút mà thôi” (“When Shall These Things Be?” Ensign, tháng Mười Hai năm 1996, 60). Khi chúng ta nghiên cứu thường xuyên, thì việc học tập trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ, tôi thấy rằng khi tôi thực sự đọc các chương của Ê Sai trong Sách Mặc Môn (thay vì bỏ qua các chương này), thì các chương này bắt đầu có ý nghĩa đối với tôi.

Khi nói đến việc học phúc âm, thì việc biết các sự kiện về một điều nào đó là không đủ. Chúng ta cũng cần phải hành động theo điều chúng ta học. Khi chúng ta hành động theo lẽ thật, thì Đức Thánh Linh xác nhận điều đó với chúng ta, và chứng ngôn của chúng ta tăng trưởng. Khi sống theo lẽ thật đó một cách kiên định, thì chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi, trở nên được cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô.

4. Chia sẻ điều các em đang học.

Việc nói cho người khác nghe về một nguyên tắc phúc âm bằng lời riêng của mình sẽ giúp chúng ta ghi nhớ nguyên tắc đó và cảm thấy Thánh Linh củng cố chứng ngôn của chúng ta. Thường thì một thời gian thích hợp để chia sẻ là trong buổi họp tối gia đình. Các em cũng có thể chia sẻ khi nói chuyện với bạn bè ở trường học hoặc với những người trong gia đình vào giờ ăn tối.

Khi tuân theo bốn bước đơn giản này và siêng năng tìm cách biết Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta được hứa rằng “Những điều kín nhiệm của Thượng Đế sẽ được vén lên cho [chúng ta] biết, nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh” (1 Nê Phi 10:19).