2016
Hãy Học theo Ta
tháng ba 2016


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Ba năm 2016

“Hãy Học theo Ta”

Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả chúng ta đều là giảng viên và học viên. Xin gửi tới tất cả mọi người lời mời gọi dịu dàng từ Chúa: “và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”1

Tôi mời tất cả Các Thánh Hữu Ngày Sau hãy suy ngẫm về những nỗ lực của mình để giảng dạy và học hỏi cùng trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi với tư cách là Đấng Hướng Dẫn khi làm những điều đó. Chúng ta biết rằng “giáo sư (này) từ Đức Chúa Trời đến”2 còn hơn chỉ là một thầy giảng. Ngài là đấng đã dạy cho chúng ta phải yêu thương Thượng Đế của chúng ta bằng hết tấm lòng, hết linh hồn, hết sức mạnh và hết tâm trí, cùng yêu người lân cận như chính mình vậy; Ngài là Đấng Bậc Thầy Tinh Thông và Đấng Gương Mẫu về cuộc sống hoàn hảo.

Ngài chính là đấng đã tuyên bố: “Hãy đến mà theo ta.”3 “ta đã làm gương cho các ngươi noi theo.”4

Nếu Các Ngươi Không Đổi Lại

Chúa Giê Su đã dạy một lẽ thật giản dị nhưng sâu sắc như đã được ghi trong sách Ma Thi Ơ. Sau khi Ngài và các môn đồ của Ngài đi xuống từ Núi Biến Hình, họ dừng lại ở Ga Li Lê và đi tới Ca Bê Na Um. Trong lúc đó, môn đồ lại gần Đức Chúa Jêsus, mà hỏi rằng:

“Ai là lớn hơn hết trong nước thiên đàng?

“Và Đức Chúa Giê Su gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ,

“mà phán rằng: quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.”5

Trong Giáo Hội, mục tiêu của việc giảng dạy phúc âm không phải là để trút thông tin vào tâm trí con cái của Thượng Đế, cho dù ở nhà, trong lớp học, hay trong công việc truyền giáo. Mục tiêu đó không phải là để cha mẹ, giảng viên, hay người truyền giáo cho thấy mức độ hiểu biết của mình. Hay đó cũng không phải chỉ là để gia tăng kiến thức về Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài.

Mục tiêu cơ bản của việc giảng dạy là nhằm giúp các con trai và con gái của Cha Thiên Thượng trở lại nơi hiện diện của Ngài và vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu với Ngài. Để làm điều này, việc giảng dạy phúc âm phải khuyến khích họ đi trên con đường của vai trò môn đồ và các giao ước thiêng liêng mỗi ngày. …Mục đích là nhằm soi dẫn các cá nhân suy nghĩ, cảm nhận và rồi làm một điều gì đó để sống theo các nguyên tắc phúc âm. Mục đích là nhằm tăng trưởng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và trở nên được cải đạo theo phúc âm của Ngài.

Việc giảng dạy mà ban phước, cải đạo và cứu rỗi là cách giảng dạy noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi. Các giảng viên là những người noi theo tấm gương yêu thương của Đấng Cứu Rỗi và phục vụ những người họ giảng dạy. Họ soi dẫn những người lắng nghe họ bằng các bài học vĩnh cửu về lẽ thật thiêng liêng. Họ sống một cuộc sống đáng để noi theo.

Yêu Thương và Phục Vụ

Toàn bộ giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi nêu gương về tình yêu thương với người lân cận. Thật vậy, bài học của Ngài thường là về tình yêu thương và sự phục vụ. Theo cách như vậy, các giảng viên mà tôi nhớ nhất là các giảng viên biết các học viên của họ cùng yêu thương, và quan tâm tới họ. Họ đã tìm ra con chiên đi lạc. Họ giảng dạy các bài học để đời mà tôi sẽ luôn nhớ mãi.

Một người giảng viên như vậy có tên là Lucy Gertsch. Bà ấy biết mỗi học sinh của mình. Bà luôn luôn ghé thăm những người đã bỏ lỡ một ngày Chủ Nhật hay cả những người chỉ là không đến. Chúng tôi biết bà quan tâm tới chúng tôi. Không một ai trong chúng tôi sẽ quên được bà và các bài học mà bà đã dạy.

Nhiều năm sau đó, vào lúc cuối đời của Lucy tôi đã tới thăm bà. Chúng tôi đã hồi tưởng lại về những ngày quá lâu trước khi bà trở thành giảng viên của chúng tôi. Chúng tôi nói về mỗi thành viên trong lớp và nói đến công việc họ đang làm bây giờ. Tình yêu thương và sự quan tâm của bà kéo dài cả cuộc đời.

Tôi yêu thích một lệnh truyền của Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước:

“Ta ban cho các ngươi một lệnh truyền rằng các ngươi phải giảng dạy lẫn nhau về giáo lý của vương quốc.

“Các ngươi hãy siêng năng giảng dạy lẫn nhau, rồi ân điển của ta sẽ ở với các ngươi.”6

Lucy Gertsch đã siêng năng giảng dạy bởi vì bà yêu thích việc đó một cách trì chí.

Mang Đến Hy Vọng và Lẽ Thật

Sứ Đồ Phi E Rơ đã dạy: “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em.”7

Có lẽ hy vọng lớn nhất mà một giảng viên có thể mang đến là hy vọng vào các lẽ thật của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

“Và các người sẽ hy vọng điều gì?” Mặc Môn đã nói: “Này, tôi nói cho các người hay rằng, qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô cùng quyền năng phục sinh của Ngài, các người sẽ có hy vọng được sống lại vĩnh cửu, và sở dĩ được vậy là nhờ các người có đức tin nơi Ngài.”8

Hỡi các giảng viên, hãy cất cao tiếng nói của mình và làm chứng về thiên tính thật sự của Thiên Chủ Đoàn. Hãy làm chứng về Sách Mặc Môn. Hãy truyền đạt các lẽ thật vinh quang và tuyệt vời được chứa đựng trong kế hoạch cứu rỗi. Hãy sử dụng các tài liệu đã được Giáo Hội chấp thuận, đặc biệt là thánh thư, để giảng dạy các lẽ thật về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô theo sự thanh khiết và giản dị của chúng. Hãy nhớ tới lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi là: ″Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy.”9

Hãy giúp con cái của Thượng Đế hiểu được điều gì là có thật và quan trọng trong cuộc sống này. Giúp họ phát triển sức mạnh để lựa chọn các lối đi mà sẽ giúp họ được an toàn trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Hãy giảng dạy lẽ thật, và Đức Thánh Linh sẽ giúp cho nỗ lực của anh chị em.

“Hãy Học theo Ta”

Bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô hoàn toàn vâng lời và phục tùng Đức Cha của Ngài, nên Ngài “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.”10 Chúng ta có quyết tâm để làm giống như vậy không? Giống như Chúa Giê Su “nhận được từ ân điển này đến ân điển khác,”11 chúng ta phải kiên nhẫn và kiên trì kiếm tìm ánh sáng và kiến thức từ Thượng Đế trong nỗ lực học phúc âm.

Lắng nghe là một phần quan trọng của việc học hỏi. Khi chuẩn bị giảng dạy, chúng ta hãy thành tâm kiếm tìm sự soi dẫn và sự xác nhận từ Đức Thánh Linh. Chúng ta suy ngẫm, cầu nguyện, áp dụng các bài học phúc âm, và chúng ta kiếm tìm ý muốn của Đức Chúa Cha đối với chúng ta.12

Chúa Giê Su đã “lấy thí dụ dạy dỗ họ nhiều điều,”13 mà đòi hỏi đôi tai để lắng nghe, đôi mắt để nhìn thấy, và trái tim để thấu hiểu. Khi chúng ta sống xứng đáng, chúng ta có thể nghe được rõ hơn những lời thì thầm của Đức Thánh Linh, mà có thể “dạy dỗ [chúng ta] mọi sự, nhắc lại cho [chúng ta] nhớ mọi điều.”14

Khi chúng ta đáp ứng lại lời mời gọi dịu dàng của Chúa, “Hãy học theo ta,” thì chúng ta trở thành những người dự phần vào quyền năng thiêng liêng của Ngài. Do đó, chúng ta hãy tiến tới trong tinh thần của sự vâng lời, noi theo Đấng Gương Mẫu bằng việc giảng dạy như cách Ngài phán bảo chúng ta giảng dạy và học hỏi như cách Ngài phán bảo chúng ta học hỏi.

Giảng dạy từ sứ điệp này

Chủ tịch Monson mời chúng ta “suy ngẫm các nỗ lực [của chúng ta] để giảng dạy và học hỏi cùng trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi với tư cách là Đấng Hướng Dẫn của chúng ta khi làm các công việc đó.” Anh em có thể cân nhắc việc tra cứư thánh thư với những người mình đến thăm để tìm ra những hiểu hiết sâu sắc về các cách mà Chúa Giê Su Ky Tô đã giảng dạy và học hỏi. Anh em có thể bắt đầu với một vài câu thánh thư mà Chủ Tịch Monson đã đề cập tới, như là Ma Thi Ơ 11:29, Giăng 5:30, và Mác 4:2. Anh em có thể thảo luận cách mà anh em học hỏi về Đấng Ky Tô có thể giúp mình “trở thành những người dự phần vào quyền năng thiêng liêng của Ngài.”