2002
Củng Cố Nhà Cửa và Gia Đình
THÁNG BẢY NĂM 200


Củng Cố Nhà Cửa và Gia Đình

Ba nguyên tắc mà sẽ giúp các em củng cố nhà cửa và gia đình mình là chăm sóc, hy sinh và cầu nguyện.

Trong khi chúng ta theo dõi Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002 kết thúc, chúng ta không thể không nghĩ đến những người đã đoạt được huy chương vàng. Có rất nhiều vận động viên với những năm tháng chuẩn bị đã cùng đến để tranh tài và hy vọng thắng. Là các thiếu nữ trong Giáo Hội, các em cũng đang chuẩn bị và tranh tài cho một huy chương khi Thánh Linh nung đốt hừng hực trong lòng các em.

Chương trình Hội Thiếu Nữ có thể cung ứng một khía cạnh huấn luyện tuyệt vời để giúp mỗi em đạt được các mục tiêu của mình, và chủ đề của Hội Thiếu Nữ là một nhắc nhở liên tục rằng chúng ta không đơn độc trong cuộc tranh tài. Chúng ta thuộc vào đội của Chúa và Ngài sẽ luôn hiện diện vì chúng ta để giúp chúng ta thành công.

Là các con gái của Thượng Đế, một số em có thể có khả năng thể lực nhưng tất cả các em đã được ban phước với nhiều tài năng và ân tứ. Một trong các ân tứ có ý nghĩa nhất là khả năng của các em để “củng cố nhà cửa và gia đình [mình],” một cụm từ mới đã được thêm vào chủ đề của Hội Thiếu Nữ. Các em có nhận ra những chữ này không? Một trong các công việc chỉ định cho chúng ta với tư cách là các em gái và các phụ nữ trong vương quốc là yêu thương và củng cố gia đình mình.

Đêm nay lời cầu nguyện của tôi là Thánh Linh sẽ nung đốt trong lòng các em để các em sẽ có được một ước muốn lớn lao hơn để củng cố gia đình các em hiện tại và chuẩn bị cho gia đình tương lai của các em. Thánh thư có đầy dẫy các phương cách để giảng dạy chúng ta cách thức củng cố gia đình mình. Không có người thầy nào lỗi lạc hơn Đấng Cứu Rỗi. Khi các em học hỏi những lời giảng dạy của Ngài và noi theo tấm gương của Ngài, các em có thể làm cho cuộc sống trong gia đình mình tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy cùng nói về ba nguyên tắc mà sẽ giúp các em củng cố nhà cửa và gia đình mình:

  • Chăm sóc

  • Hy sinh

  • Cầu nguyện

CHĂM SÓC

Ai không thích vui đùa với một đứa trẻ nhỏ hay bế một trẻ sơ sinh trong tay mình? Là phụ nữ, chúng ta được sinh ra với một khả năng tự nhiên để yêu thương và chăm sóc những người khác. Chăm sóc có nghĩa là hỗ trợ lẫn nhau, khuyến khích lẫn nhau, nuôi dưỡng và yêu thương nhau. Chúng ta có đang làm điều này trong gia đình mình không?

Chính Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta biết chăm sóc. Ngài đã nhiều lần phán: “Đã biết bao lần ta quy tụ các ngươi lại như gà mẹ nhóm gà con dưới cánh nó, và ta đã nuôi dưỡng các ngươi” (3 Nê Phi 10:4).

Khi gia đình các em quy tụ lại, các em có thể cố gắng nhiều để mời gọi một tinh thần đoàn kết. Lần cuối các em choàng tay ôm cha hay mẹ mình và cám ơn họ về tất cả những gì họ làm là khi nào? Cha mẹ làm hầu hết công việc chăm sóc nhưng họ cũng cần được chăm sóc.

Là phụ nữ, chúng ta có thể chăm sóc và bảo vệ con cái mình với tình yêu thương và sự dịu dàng. Mới đây tôi nhìn một người mẹ trẻ nói chuyện cùng đứa con hai tuổi của mình. Khi đứa bé khóc và người mẹ không thể hiểu đứa bé muốn gì, người mẹ đã nói: “Con đừng khóc. Mà hãy nói ra. Nói cho mẹ biết điều gì làm cho con khó chịu.” Người mẹ đã cho thấy sự quý trọng đứa bé hai tuổi này nên đứa bé đã ngừng khóc và “nói ra.” Người mẹ trẻ này đang học cách chăm sóc.

Khi Cha Thiên Thượng giới thiệu Đấng Cứu Rỗi cùng thế gian, Ngài đã cho thấy sự chăm sóc tốt lành bằng cách dùng một giọng dịu dàng. Thánh thư cho biết: “Họ bỗng nghe một tiếng nói hình như phát ra từ trên trời;… giọng nói đó không khàn và cũng không lớn; và mặc dù đó là một giọng nói nhỏ nhẹ nhưng nó lại xuyên thấu tận trái tim” (3 Nê Phi 11:3).

Trong nhà của chúng ta, điều này có thể là một tấm gương cho cách thức chúng ta nói chuyện cùng những người trong gia đình mình. Chúng ta chớ lớn tiếng, mà phải dùng giọng dịu dàng khi chúng ta nói với những người chúng ta yêu thương. Đây là cách thức mà Cha Thiên Thượng nói cùng con cái của Ngài.

HY SINH

Nguyên tắc thứ nhì là hy sinh. Là thiếu nữ, các em đang học hỏi hy sinh hằng ngày. Chúng tôi rất cảm kích với tất cả những điều tốt lành mà các em đang làm.

  • Các em giữ em sau giờ học khi mẹ các em cần làm việc. Các em phụ giúp nấu ăn tối và đem các em bé đi ngủ.

  • Các em ở nhà không dự các buổi tiệc vào cuối tuần bởi vì các em không chịu xem các cuốn phim không thích hợp bất luận loại gì.

  • Hằng ngàn các em thức dậy vào lúc năm giờ sáng mỗi ngày để tham dự lớp giáo lý buổi sáng sớm trước khi đi học.

Đấng Cứu Rỗi rất hãnh diện về các em. Ngài biết những gì các em đang trải qua. Ngài hiểu rằng rất khó cho các em để hy sinh. Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta hy sinh. Ngài hy sinh mạng Ngài cho tất cả nhân loại.

Sau khi Ngài được phục sinh, điều đầu tiên Ngài giảng day cho dân Nê Phi là cách Ngài đã hy sinh. Ngài phán: “Ta đã uống cạn chén đắng mà Đức Chúa Cha đã ban cho ta… . Ta đã cam chịu theo ý muốn của Đức Chúa Cha trong mọi sự việc” (3 Nê Phi 11:11). Ngài đã làm những gì mà Cha Thiên Thượng muốn Ngài làm.

Cha Thiên Thượng muốn chúng ta tạo nên một gia đình ngay chính. Việc trở thành một người vợ và người mẹ có thể giới hạn cơ hội về nghề nghiệp của các em, nhưng điều đó có thể rất đáng làm. Lúc còn là một người mẹ trẻ, tôi nhớ đã đàn một bài ca cho các con gái nhỏ của tôi trong khi chúng nhảy nhót quanh phòng. Bài ca có thể nghe hơi ngớ ngẩn nhưng nó chứa đựng đầy ý nghĩa:

Khi tôi lớn lên, tôi muốn thành một người mẹ và có gia đình:

Một đứa bé, hai đứa bé, ba đứa bé con ruột của tôi.

Trong số tất cả các việc làm cho tôi, tôi sẽ không chọn việc gì khác.

Tôi sẽ có một gia đình… .

Và tôi sẽ yêu thương chúng suốt ngày

và cho chúng bánh, sữa và bong bóng màu vàng.

Và ôm ấp chúng khi có điều gì không ổn,

và đọc cho chúng nghe các câu chuyện và hát cho chúng nghe những giai điệu hay.

(Janeen Brady, “I Want to Be a Mother,” trong Beloved Songs [1987], 10–13)

Vậy thì các em đã hiểu được ý nghĩa. Việc làm mẹ là một phước lành lớn lao chứ không phải là một sự hy sinh.

CẦU NGUYỆN

Thứ ba, Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta cầu nguyện.

Khi các em giúp củng cố gia đình mình, sự cầu nguyện phải là một việc thường xuyên hằng ngày trong cuộc sống của các em. Sự cầu nguyện sẽ bảo vệ các em khỏi kẻ nghịch thù, cho các em sự bình an và giúp gia đình các em biết yêu thương nhau hơn.

Khi Đấng Cứu Rỗi viếng thăm dân Nê Phi, Ngài chỉ có một vài ngày để giảng dạy họ về phúc âm trọn vẹn. Trong hầu hết thời gian đó, Ngài đã chú trọng đến việc cầu nguyện. Các em có biết rằng trong các chương 17 đến 20 của Sách Ba Nê Phi, chữ cầu nguyện đã được đề cập đến khoảng 44 lần không? Ngài đã nhiều lần truyền lệnh cho dân chúng phải cầu nguyện. Ngài quỳ xuống đất và cầu nguyện cho họ. Ngài dạy họ cách thức cầu nguyện. Ngài ban phước cho các trẻ nhỏ và cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng cho chúng. Ngài truyền lệnh cho chúng phải luôn cầu nguyện trong lòng.

Có lẽ trong một sinh hoạt của Hội Hỗ Tương của các thanh thiếu niên, các em có thể mang theo thánh thư của mình, đọc lớn bốn chương đó và gạch đít mỗi khi chữ cầu nguyện được đề cập đến—chia sẻ các câu chuyện và các chứng ngôn về quyền năng của sự cầu nguyện. Tôi hứa rằng các em sẽ cảm nhận được Thánh Linh của Chúa và phát triển một chứng ngôn vững mạnh hơn về sự cầu nguyện.

Các tiên tri của chúng ta đã nói rằng họ không lo lắng về những người trẻ mà cầu nguyện hai lần mỗi ngày. Giờ đây, nếu họ không lo lắng cho chúng ta nữa, thì chúng ta cũng không cần phải lo lắng cho bản thân mình, miễn là chúng ta chân thành cầu nguyện hai lần mỗi ngày.

Hãy nghe một câu chuyện tuyệt vời do bà mẹ của Tiên Tri Joseph Smith kể lại về cái đêm mà ông đi lấy các bảng khắc bằng vàng. Bà viết: “[Đêm đó] tôi thức rất khuya… Vào khoảng mười hai giờ Joseph đến gặp tôi và hỏi tôi có một cái rương với ổ khóa và chìa khóa không… Và vì tôi không có cái rương nào nên tôi đã lo lắng rất nhiều… . Nhưng Joseph… đã nói: ‘Không sao, con có thể … không cần đến nó—mẹ hãy bình tĩnh—mọi việc đều tốt đẹp.’’’

Sau đó chẳng bao lâu Joseph và Emma dọn nhà đi, đem theo một con ngựa và chiếc xe kéo. Giờ đây hãy nghe mẹ ông nói gì: “Tôi bỏ ra cả đêm cầu nguyện và khẩn cầu Thượng Đế, bởi vì mối lo âu trong tâm trí tôi không làm cho tôi ngủ được.” Lời khẩn cầu của một người mẹ, một người con gái ngay chính của Thượng Đế, đã an ủi vị Tiên Tri và bảo vệ các bảng khắc bằng vàng. Trong nhiều năm tháng, những lời cầu nguyện liên tục của bà đã giúp củng cố nhà cửa và gia đình bà (xin xem Lucy Mack Smith, History of Joseph Smith, do Preston Nibley xuất bản [1979], 102).

Làm thế nào các em có thể sử dụng sự cầu nguyện để củng cố gia đình mình? Bởi vì Cha Thiên Thượng yêu mến các em như thế, nên Ngài muốn các em thưa chuyện cùng Ngài. Bất cứ trở ngại nào mà các em có thể có, các em đều có thể cầu nguyện về bất cứ điều gì:

  • Các em có thể cầu xin sự giúp đỡ trong việc tuân giữ các qui luật trong gia đình, chẳng hạn về nhà đúng giờ.

  • Các em có thể cầu nguyện rằng gia đình mình sẽ có được ước muốn cùng nhau học hỏi thánh thư .

  • Các em có thể cầu nguyện rằng các em sẽ có được sự cảm thông tốt hơn với mẹ hay cha mình

  • Các em có thể cầu nguyện rằng các em sẽ kiên nhẫn hơn với một người chị, em hay anh, em, giúp họ giải quyết những vấn đề của họ.

Hãy cầu nguyện về những vấn đề mà làm các em lo lắng! Đừng đầu hàng. Cha Thiên Thượng có thể và sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của các em. Tôi có nhiều lời cầu nguyện mà đã được đáp ứng. Tôi cũng có những lời cầu nguyện mà chưa được đáp ứng. Những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng theo kỳ định của Chúa khi chúng ta đã sẵn sàng.

Đêm nay tôi đã nói về ba nguyên tắc để giúp các em củng cố nhà cửa và gia đình mình:

  • Chăm sóc

  • Hy sinh

  • Cầu nguyện

Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc và người bạn của chúng ta, đã chỉ lối cho chúng ta. Khi các em thực hành những lời giảng dạy của Ngài, các em có thể chẳng bao giờ đoạt được huy chương bạc hay vàng của Thế Vận Hội, nhưng việc đạt được huy chương của Hội Thiếu Nữ có thể mang đến một phần thưởng lớn lao hơn và giúp giữ cho ngọn lửa của Đức Thánh Linh nung đốt hừng hực trong lòng của mỗi em. Khi các em học hỏi và phát triển một sự yêu thích thánh thư, tôi cầu nguyện là các em sẽ tìm thấy các cách thức khác đầy ý nghĩa để củng cố nhà cửa và gia đình mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.