Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
31. Các Cuộc Phỏng Vấn và Các Buổi Họp Khác với Tín Hữu


“31. Các Cuộc Phỏng Vấn và Các Buổi Họp Khác với Tín Hữu,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“31. Các Cuộc Phỏng Vấn và Các Buổi Họp Khác với Tín Hữu,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

Hình Ảnh
những người đàn ông đang bắt tay nhau

31.

Các Cuộc Phỏng Vấn và Các Buổi Họp Khác với Tín Hữu

31.0

Lời Giới Thiệu

Chúa Giê Su Ky Tô thường phục sự những người khác, từng người một (để có ví dụ, xin xem Giăng 4:5–26; 3 Nê Phi 17:21). Ngài yêu thương mỗi người con của Thượng Đế. Ngài giúp đỡ riêng từng người.

Với tư cách là người lãnh đạo trong Giáo Hội và là tôi tớ của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em cũng có cơ hội giúp đỡ mỗi người con của Thượng Đế trong sự tiến bộ thuộc linh của họ. Một cách quan trọng mà anh chị em có thể làm điều này là qua các cuộc phỏng vấn và các buổi họp trực tiếp khác. Một vài sự phục vụ có ý nghĩa nhất của anh chị em sẽ diễn ra trực tiếp. Trong những bối cảnh này, anh chị em có thể ban phát tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô, nâng “những bàn tay rũ rượi” và làm vững mạnh “những đầu gối suy nhược” (Giáo Lý và Giao Ước 81:5).

Trong chương này, thuật ngữ cuộc phỏng vấn muốn đề cập đến một buổi họp giữa một vị lãnh đạo và một cá nhân để xác định xem người đó có nên tham gia vào một giáo lễ hay tiếp nhận một sự kêu gọi không (xin xem phần 31.2). Nói chung, những cuộc phỏng vấn này được thực hiện bởi một thành viên trong giám trợ đoàn hoặc chủ tịch đoàn giáo khu. Thuật ngữ cuộc phỏng vấn cũng đề cập đến các cuộc phỏng vấn phục sự được thực hiện bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ hoặc chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả (xin xem phần 21.3).

Ngoài những cuộc phỏng vấn này, còn có nhiều lý do khác mà vị lãnh đạo Giáo Hội có thể họp với mỗi tín hữu (xin xem phần 31.3). Ví dụ, giám trợ đoàn thường xuyên lên lịch hẹn gặp từng thanh thiếu niên trong tiểu giáo khu (xin xem đoạn 31.3.1). Ngay cả khi anh chị em không phục vụ trong giám trợ đoàn, vị giám trợ cũng có thể yêu cầu anh chị em họp với một tín hữu đang cần được hỗ trợ và phục sự liên tục. Hoặc một tín hữu có thể đến với anh chị em khi họ đang gặp thử thách của cá nhân hoặc gia đình.

Chương này có thể giúp tất cả các vị lãnh đạo nào có cơ hội nhóm họp với từng tín hữu. Những người lãnh đạo này có thể gồm có những người lãnh đạo Hội Phụ Nữ, nhóm túc số các anh cả, và Hội Thiếu Nữ, những người anh em và những người chị em phục sự, hoặc những người khác mà vị giám trợ chỉ định.

31.1

Các Nguyên Tắc Hướng Dẫn

31.1.1

Chuẩn Bị Phần Thuộc Linh

Nếu anh chị em có trách nhiệm nhóm họp với một tín hữu, Chúa sẽ ban phước cho anh chị em với nguồn cảm hứng mà anh chị em cần khi tìm kiếm nó. Chuẩn bị bản thân về phần thuộc linh qua việc cầu nguyện, học thánh thư và sống ngay chính. Hãy lắng nghe những lời mách bảo của Đức Thánh Linh. Ngài sẽ hướng dẫn anh chị em bằng những ấn tượng, ý nghĩ và cảm nghĩ. Ngài có thể giúp anh chị em ghi nhớ những lời dạy mà anh chị em đã học trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri ngày sau mà có thể giúp đỡ cho người mà anh chị em đang họp với (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:85; 100:5–8).

Thư Viện Phúc Âm có bộ sưu tập Counseling Resources (Những Nguồn Tài Liệu Tư Vấn). Khi anh chị em chuẩn bị họp với một tín hữu, hãy cân nhắc xem xét thông tin về các đề tài áp dụng cho người ấy.

Đức Thánh Linh cũng có thể hướng dẫn người tín hữu mà anh chị em đang họp với. Anh chị em cũng có thể cân nhắc việc mời người ấy chuẩn bị phần thuộc linh cho buổi họp của mình.

Cân nhắc việc cầu nguyện với người tín hữu đó khi anh chị em bắt đầu buổi họp. Điều này có thể mời gọi tinh thần khiêm nhường và đức tin khi anh chị em cùng nhau cầu xin Thượng Đế giúp đỡ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:32; 29:6).

Trong cuộc phỏng vấn hoặc buổi họp, một vấn đề hoặc thắc mắc có thể nảy sinh mà anh chị em cảm thấy chưa sẵn sàng để giải quyết. Anh chị em có thể đề nghị rằng anh chị em và người tín hữu đó, mỗi người hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa—ví dụ, qua việc học tập, cầu nguyện và nhịn ăn. Anh chị em cũng có thể tham khảo thông tin liên quan trong Counseling Resources hoặc Giúp Đỡ trong Cuộc Sống trong Thư Viện Phúc Âm. Sau đó, anh chị em có thể gặp lại nhau để thảo luận thêm vấn đề.

Nếu người tín hữu đó đã phạm một tội nghiêm trọng, hãy chuyển họ đến gặp vị giám trợ.

31.1.2

Giúp Tín Hữu Cảm Nhận được Tình Yêu Thương của Thượng Đế

Là một người lãnh đạo trong Giáo Hội, anh chị em đại diện cho Đấng Cứu Rỗi. Một phần quan trọng của sứ mệnh của Ngài là truyền đạt tình yêu thương của Thượng Đế cho con cái Ngài (xin xem Giăng 3:16–17). Khi các tín hữu đến gặp anh chị em để được phỏng vấn hoặc nhờ giúp giải quyết một thử thách cá nhân, thì điều họ thường cần nhất là biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương họ. Tình yêu thương này có thể củng cố họ và truyền cảm hứng cho họ để đến cùng Đấng Ky Tô, hối cải tội lỗi và đưa ra những lựa chọn đúng đắn.

Thánh thư và những lời nói của các vị tiên tri ngày sau mời Thánh Linh đến và giảng dạy giáo lý thuần khiết. Thường xuyên sử dụng thánh thư, với sự nhạy cảm và tình yêu thương, khi anh chị em nhóm họp với các tín hữu. Sử dụng thánh thư để truyền cảm hứng và khuyến khích, không lên án, ép buộc hoặc gây sợ hãi (xin xem Lu Ca 9:56).

Hoạch định dành nhiều thời gian cho buổi họp. Người tín hữu không nên cảm thấy rằng anh chị em quá bận rộn. Hãy dành cho người ấy sự quan tâm đầy đủ của anh chị em.

31.1.3

Giúp Tín Hữu Tiếp Nhận Quyền Năng của Đấng Cứu Rỗi

Chúa Giê Su Ky Tô đã tự gánh lấy tội lỗi của chúng ta “để Ngài có thể xóa bỏ sự phạm tội của [chúng ta] tùy theo quyền năng giải thoát của Ngài” (An Ma 7:13). Ngài cũng tự gánh lấy những thống khổ, đau đớn và yếu đuối của chúng ta “để Ngài có thể … biết được cách giúp đỡ dân Ngài” (xin xem An Ma 7:11–12).

Khuyến khích các tín hữu tìm đến Ngài. Giúp họ nhận được quyền năng củng cố, an ủi và cứu chuộc của Ngài. Quyền năng này đến bằng cách thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, noi theo gương của Ngài, tiếp nhận các giáo lễ của chức tư tế, tuân giữ các giao ước và hành động theo những thúc giục từ Đức Thánh Linh.

31.1.4

Giúp Tín Hữu Cảm Thấy Thoải Mái và An Toàn

Một số tín hữu đã có những kinh nghiệm làm cho họ cảm thấy lo lắng hoặc choáng ngợp khi gặp một người lãnh đạo trong Giáo Hội. Tìm cách giúp họ cảm thấy bình tĩnh, an toàn và thoải mái. Tìm hiểu từ tín hữu những gì anh chị em có thể làm để giúp đỡ.

Luôn để cho tín hữu tùy chọn có người khác hiện diện trong một cuộc phỏng vấn hoặc buổi họp. Khi nhóm họp với một tín hữu khác giới, một đứa trẻ hoặc một thanh thiếu niên, hãy chắc chắn rằng cha hay mẹ hoặc một người lớn khác có mặt. Người này có thể tham dự buổi họp hoặc đợi bên ngoài phòng, tùy thuộc vào ý thích của người tín hữu mà anh chị em đang họp với.

Nếu buổi họp tại nhà hội làm cho người tín hữu không được thoải mái thì hãy cùng nhau quyết định một nơi khác để họp. Tìm một nơi mà Đức Thánh Linh có thể hiện diện và anh chị em có thể giữ được sự kín nhiệm. Cũng nên xem xét sự an toàn của chính anh chị em và sự an toàn của người tín hữu. Để biết thông tin về buổi họp với các tín hữu trực tuyến, xin xem 31.4.

Một phần quan trọng khác để giúp các tín hữu cảm thấy an toàn là giữ kín nhiệm. Bảo đảm với người tín hữu rằng cuộc trò chuyện của anh chị em sẽ được giữ kín.

Không chia sẻ thông tin kín nhiệm với bất cứ ai—kể cả người phối ngẫu của anh chị em hoặc những người lãnh đạo khác của Giáo Hội—trừ khi người tín hữu đó cho phép. Tiếp tục giữ kín nhiệm những vấn đề như vậy ngay cả sau khi anh chị em được giải nhiệm. Việc vi phạm sự kín nhiệm có thể làm tổn hại đức tin, sự tin cậy và chứng ngôn của một tín hữu. Các tín hữu có lẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người lãnh đạo của Giáo Hội nếu họ biết rằng những gì họ chia sẻ sẽ được giữ kín nhiệm.

Để biết thêm thông tin về tính bảo mật, kể cả thông tin về pháp lý, xin xem đoạn 32.4.4.

31.1.5

Đặt Ra Những Câu Hỏi Đầy Cảm Hứng và Lắng Nghe Kỹ

Khi họp với một tín hữu, hãy đặt những câu hỏi mà giúp anh chị em hiểu được hoàn cảnh của họ. Tạo cơ hội cho người tín hữu để bày tỏ ý nghĩ và cảm nghĩ của mình một cách thoải mái.

Trong khi người tín hữu đang nói, hãy lắng nghe kỹ và chăm chú. Tìm cách hiểu trọn vẹn trước khi trả lời. Nếu cần, hãy đặt các câu hỏi tiếp theo để chắc chắn rằng anh chị em hiểu. Nhưng đừng thăm hỏi thêm một cách không cần thiết.

Việc lắng nghe giúp gây dựng lòng tin cậy. Việc này giúp người khác cảm thấy được thông cảm, quý trọng và yêu thương. Người ta thường cần một người nào đó mà họ tin cậy để lắng nghe khi họ đang trải qua những thử thách. Việc lắng nghe cũng có thể giúp anh chị em mở rộng lòng đón nhận những lời thúc giục từ Đức Thánh Linh.

31.1.6

Khuyến Khích Sự Tự Lực

Vì tình yêu thương của mình dành cho các tín hữu, anh chị em có thể muốn ngay lập tức đưa ra những giải pháp cho các vấn đề của họ. Tuy nhiên, anh chị em sẽ ban phước cho họ nhiều hơn bằng cách giúp họ tự tìm ra những giải pháp của họ và tự đưa ra những quyết định (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 9:8).

Giúp họ phân tích các vấn đề hoặc các thắc mắc của họ trong ngữ cảnh phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch cứu rỗi. Dạy họ cách tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa qua thánh thư, lời của các vị tiên tri tại thế và sự mặc khải cá nhân. Bằng cách này, anh chị em giúp các tín hữu chuẩn bị đối phó với những thử thách khác trong tương lai. Họ cũng sẽ có khả năng giúp đỡ người khác tốt hơn, kể cả gia đình của họ.

31.1.7

Hỗ Trợ Các Nỗ Lực Hối Cải

Đôi khi một tín hữu có thể tìm sự giúp đỡ để hối cải tội lỗi. Anh chị em có thể làm nhiều điều để truyền cảm hứng về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và khuyến khích tín hữu nên tìm kiếm sự tha thứ.

Chỉ vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu mới có thể giúp một người giải quyết những tội lỗi nghiêm trọng. Một số tội lỗi này được liệt kê trong phần 32.6. Nếu đã phạm bất cứ tội lỗi nào trong số những tội lỗi này thì người tín hữu nên họp với vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu ngay lập tức.

Mỗi giám trợ và chủ tịch giáo khu là “một vị phán quan ở Y Sơ Ra Ên” (Giáo Lý và Giao Ước 107:72). Nhờ thẩm quyền này, họ giúp các tín hữu hối cải tội lỗi và đến cùng Đấng Ky Tô là Đấng đã tha thứ tội lỗi (xin xem phần 32.1 và phần 32.3).

Trong những trách nhiệm này, những người lãnh đạo này đại diện cho Chúa. Họ cố gắng sử dụng “sự xét xử mà [Ngài] sẽ ban cho [họ]” (3 Nê Phi 27:27). Họ dạy rằng sự hối cải gồm có việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, có một tâm hồn thống hối, từ bỏ tội lỗi, tìm kiếm sự tha thứ, đền bù và tuân giữ các giáo lệnh với sự tái cam kết mới.

Để giúp họ làm tròn vai trò của mình, các giám trợ và chủ tịch giáo khu được ban phước với ân tứ phân biệt của Thánh Linh. Ân tứ này giúp họ phân biệt lẽ thật, hiểu được tấm lòng của tín hữu và nhận ra các nhu cầu của họ (xin xem 1 Các Vua 3:6–12; Giáo Lý và Giao Ước 46:27–28).

Mặc dù sự thú tội xảy ra với một “vị phán quan ở Y Sơ Ra Ên,” với sự cho phép của người tín hữu, nhưng các vị lãnh đạo khác có thể hỗ trợ các nỗ lực hối cải của họ. Điều này đặc biệt hữu ích khi sự hối cải sẽ mất nhiều thời gian đáng kể. Xin xem phần cuối của đoạn 32.8.1 để có những hướng dẫn.

31.1.8

Ứng Phó Thích Hợp với Hành Vi Lạm Dụng Ngược Đãi

Hành vi lạm dụng ngược đãi không thể được dung thứ dưới bất cứ hình thức nào. Nghiêm túc báo cáo về hành vi lạm dụng ngược đãi. Nếu anh chị em biết rằng ai đó đã bị lạm dụng ngược đãi thì hãy báo cáo hành vi lạm dụng ngược đãi đó với cơ quan dân sự và tư vấn với vị giám trợ. Những hướng dẫn để báo cáo và đối phó với hành vi lạm dụng ngược đãi được ghi lại trong đoạn 38.6.2.

Để biết thông tin về điều các giám trợ và chủ tịch giáo khu nên làm khi họ biết được về hành vi lạm dụng ngược đãi, xin xem mục 38.6.2.1.

Để biết thông tin về cách giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng ngược đãi, xin xem “Abuse (Help for the Victim)” trong Counseling Resources. Anh chị em cũng có thể giới thiệu các tín hữu tham khảo các nguồn tài liệu về nạn lạm dụng ngược đãi trong Giúp Đỡ trong Cuộc Sống.

Để biết thông tin về việc giúp đỡ các nạn nhân bị hãm hiếp hoặc bị tấn công tình dục theo hình thức khác, xin xem mục 38.6.18.2.

31.2

Các Cuộc Phỏng Vấn

31.2.1

Mục Đích của Các Cuộc Phỏng Vấn

Nói chung, những người lãnh đạo trong Giáo Hội phỏng vấn các tín hữu để xác định xem họ có:

  • Chuẩn bị để tiếp nhận hoặc tham gia vào một giáo lễ.

  • Nên được kêu gọi vào một chức vụ trong Giáo Hội.

Hầu hết các cuộc phỏng vấn kiểu này được thực hiện bởi một thành viên của giám trợ đoàn hoặc chủ tịch giáo khu. Những cuộc phỏng vấn này không thể được giao phó cho những người lãnh đạo khác trong tiểu giáo khu. Tuy nhiên, một chủ tịch giáo khu có thể ủy quyền một số cuộc phỏng vấn cho các ủy viên hội đồng thượng phẩm như đã được mô tả trong Biểu Đồ Những Sự Kêu Gọi (xin xem phần 30.8).

31.2.2

Các Loại Phỏng Vấn

Vị giám trợ được kêu gọi là “một vị phán quan thông thường” trong tiểu giáo khu của mình (Giáo Lý và Giao Ước 107:74; xin xem thêm đoạn 7.1.3). Chủ tịch giáo khu cũng phục vụ với tư cách là một vị phán quan thông thường (xin xem đoạn 6.2.3). Những người lãnh đạo này nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để cho phép tiếp nhận các giáo lễ. Vì những lý do này nên chỉ có họ mới có thể tiến hành một số cuộc phỏng vấn nhất định. Họ có thể giao phó các cuộc phỏng vấn khác cho các cố vấn. Bảng sau đây liệt kê những người có thể thực hiện mỗi cuộc phỏng vấn.

Ai có thể thực hiện cuộc phỏng vấn

Mục đích của cuộc phỏng vấn

Ai có thể thực hiện cuộc phỏng vấn

Chỉ dành cho vị giám trợ

Mục đích của cuộc phỏng vấn

  • Cấp một giấy giới thiệu đi đền thờ cho một tín hữu sẽ tiếp nhận lễ thiên ân của họ hoặc được làm lễ gắn bó cho một người phối ngẫu (xin xem đoạn 26.3.1).

  • Cấp một giấy giới thiệu đi đền thờ cho một người mới cải đạo (xin xem đoạn 26.4.2).

  • Sắc phong cho một người nam mới cải đạo một chức phẩm trong Chức Tư Tế A Rôn (xin xem mục 38.2.9.1).

  • Sắc phong cho một thiếu niên hoặc một người nam chức phẩm thầy tư tế (xin xem đoạn 18.10.2).

  • Giới thiệu một người nam được sắc phong anh cả hoặc thầy tư tế thượng phẩm (xin xem đoạn 31.2.6). Cần có sự chấp thuận của chủ tịch đoàn giáo khu để thực hiện cuộc phỏng vấn này.

  • Giới thiệu một tín hữu phục vụ với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian (xin xem đoạn 24.4.2).

  • Kêu gọi một tín hữu phục vụ với chủ tịch tổ chức bổ trợ trong tiểu giáo khu.

  • Kêu gọi một thầy tư tế để phục vụ với tư cách là phụ tá trong nhóm túc số các thầy tư tế.

  • Giúp một tín hữu hối cải một tội lỗi nghiêm trọng (xin xem chương 32).

  • Chứng thực một tín hữu ghi danh hoặc tiếp tục ghi danh tại một trường đại học hoặc cao đẳng của Giáo Hội.

  • Chứng thực một tín hữu để nhận được một khoản vay của Quỹ Giáo Dục Luân Lưu, nếu có.

  • Cho phép một tín hữu khai báo tình trạng của mình là người đóng tiền thập phân (xin xem mục 34.3.1.2).

  • Cho quyền sử dụng quỹ tiền nhịn ăn (xin xem đoạn 31.3.4 và đoạn 22.6.1).

Ai có thể thực hiện cuộc phỏng vấn

Vị giám trợ hoặc một cố vấn ông chỉ định

Mục đích của cuộc phỏng vấn

  • Gia hạn một giấy giới thiệu đi đền thờ (xin xem đoạn 26.3.1).

  • Cấp một giấy giới thiệu đi đền thờ để tham gia vào các lễ báp têm và lễ xác nhận làm thay (xin xem đoạn 26.4.3).

  • Cấp một giấy giới thiệu đi đền thờ để được làm lễ gắn bó với cha mẹ hoặc để chứng kiến lễ gắn bó của các anh chị em ruột với cha mẹ (xin xem đoạn 26.4.4).

  • Kêu gọi một tín hữu để phục vụ trong một sự kêu gọi trong tiểu giáo khu như đã được nêu ra trong phần 30.8.

  • Cho quyền làm phép báp têm và lễ xác nhận một đứa trẻ 8 tuổi là một tín hữu có tên trong hồ sơ hoặc có cha hay mẹ hay người giám hộ là tín hữu của Giáo Hội (xin xem mục 31.2.3.1).

  • Cho phép sắc phong một thiếu niên chức phẩm thầy trợ tế hoặc thầy giảng (xin xem đoạn 18.10.2).

  • Cấp một Giấy Giới Thiệu Tiếp Nhận Phước Lành Tộc Trưởng (xin xem phần 18.17).

  • Cho quyền một người nắm giữ chức tư tế thực hiện một giáo lễ của chức tư tế trong một tiểu giáo khu khác, nếu người đó không có giấy giới thiệu đi đền thờ. (Xin xem Mẫu Giấy Giới Thiệu để Thực Hiện một Giáo Lễ.)

Ai có thể thực hiện cuộc phỏng vấn

Chỉ dành cho chủ tịch giáo khu

Mục đích của cuộc phỏng vấn

  • Cấp giấy giới thiệu đi đền thờ cho một tín hữu sẽ nhận được lễ thiên ân của mình hoặc được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu (xin xem đoạn 26.3.1).

  • Giới thiệu một tín hữu phục vụ với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian (xin xem đoạn 24.4.2).

  • Giải nhiệm một người truyền giáo toàn thời gian đã trở về nhà (xin xem đoạn 24.8.2).

  • Khi được cho quyền, kêu gọi một tín hữu phục vụ với tư cách là cố vấn trong chủ tịch đoàn giáo khu, tộc trưởng, hoặc giám trợ (xin xem đoạn 30.8.1 và đoạn 30.8.3).

  • Kêu gọi một tín hữu phục vụ với tư cách là chủ tịch nhóm túc số các anh cả hoặc chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu.

  • Giúp một tín hữu hối cải một tội lỗi nghiêm trọng (xin xem chương 32).

Ai có thể thực hiện cuộc phỏng vấn

Chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn mà ông chỉ định

Mục đích của cuộc phỏng vấn

  • Gia hạn một giấy giới thiệu đi đền thờ (xin xem đoạn 26.3.1).

  • Cho quyền một người nam được sắc phong chức phẩm anh cả hoặc thầy tư tế thượng phẩm (xin xem đoạn 18.10.1).

  • Kêu gọi các tín hữu phục vụ trong những sự kêu gọi như đã được chỉ ra trong đoạn 30.8.1 và đoạn 30.8.3.

  • Kiểm chứng sức khỏe và sự xứng đáng của một người truyền giáo sắp lên đường ngay trước khi người đó được phong nhiệm (xin xem đoạn 24.5.3).

  • Chứng thực một tín hữu để ghi danh vào một trường đại học hoặc cao đẳng của Giáo Hội.

Những người truyền giáo toàn thời gian phỏng vấn những người cải đạo để được làm báp têm và lễ xác nhận (xin xem mục 31.2.3.2).

Các thành viên trong nhóm túc số các anh cả và các chủ tịch đoàn của Hội Phụ Nữ thực hiện các cuộc phỏng vấn phục sự (xin xem phần 21.3).

31.2.3

Các Cuộc Phỏng Vấn cho Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận

31.2.3.1

Trẻ Em Có Tên Trong Hồ Sơ Tín Hữu

Vị giám trợ nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để làm phép báp têm cho các tín hữu 8 tuổi có tên trong hồ sơ tín hữu trong tiểu giáo khu của mình. Vì lý do này, ông hoặc một cố vấn được chỉ định phỏng vấn những người sau đây để làm phép báp têm:

  • Trẻ em 8 tuổi có tên trong hồ sơ.

  • Trẻ em 8 tuổi không phải là tín hữu có tên trong hồ sơ nhưng có cha hoặc mẹ hay người giám hộ là tín hữu.

  • Các tín hữu có tên trong hồ sơ từ 9 tuổi trở lên mà lễ báp têm bị trì hoãn do bị thiểu năng trí tuệ.

Trong cuộc phỏng vấn, người thành viên trong giám trợ đoàn bảo đảm rằng đứa trẻ này hiểu các mục đích của phép báp têm (xin xem 2 Nê Phi 31:5–20). Ông cũng phải chắc chắn rằng đứa trẻ này hiểu giao ước báp têm và cam kết sống theo giao ước đó (xin xem Mô Si A 18:8–10). Ông ấy không cần phải sử dụng một danh sách các câu hỏi cụ thể. Đây không phải là một cuộc phỏng vấn để xác định sự xứng đáng, vì “các con trẻ không cần phải hối cải” (Mô Rô Ni 8:11).

Cần có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ trước khi một trẻ vị thành niên có thể được báp têm (xin xem mục 38.2.8.2).

Hình Ảnh
một người nam và một người nữ đang nói chuyện

31.2.3.2

Người Cải Đạo

Chủ tịch phái bộ truyền giáo nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để làm phép báp têm cho những người cải đạo. Vì lý do này, một người truyền giáo toàn thời gian phỏng vấn:

  • Những người từ 9 tuổi trở lên chưa bao giờ được làm phép báp têm và lễ xác nhận. Xin xem mục 31.2.3.1 để biết ngoại lệ về những người bị thiểu năng trí tuệ.

  • Trẻ em từ 8 tuổi trở lên có cha mẹ không phải là tín hữu của Giáo Hội.

  • Trẻ em từ 8 tuổi trở lên có cha hay mẹ cũng sẽ chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận.

Người lãnh đạo chi bộ hoặc khu bộ truyền giáo thực hiện cuộc phỏng vấn. Để biết thông tin về các tình huống mà cần có sự cho phép đặc biệt, xin xem mục 38.2.8.7.

Mỗi người cải đạo tương lai nên gặp vị giám trợ trước khi chịu phép báp têm. Tuy nhiên, vị giám trợ không phỏng vấn người đó về phép báp têm. Ông cũng không xác định sự xứng đáng. Mục đích của cuộc gặp gỡ này là xây đắp mối quan hệ với người đó.

Trong cuộc phỏng vấn, người truyền giáo tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh để xác định xem người đó có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước 20:37 hay không (xin xem thêm Mô Si A 18:8–10; Mô Rô Ni 6:1–4). Người truyền giáo sử dụng những câu hỏi sau đây. Người ấy sửa lại những câu hỏi này cho phù hợp với độ tuổi, mức trưởng thành và hoàn cảnh của người đó.

  1. Anh (chị, em) có tin rằng Thượng Đế là Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta không? Anh (chị, em) có tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian không?

  2. Anh (chị, em) có tin rằng Giáo Hội và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith không? Anh (chị, em) có tin rằng [Chủ Tịch hiện nay của Giáo Hội] là vị tiên tri của Thượng Đế không? Điều này có nghĩa gì đối với anh (chị, em)?

  3. Sự hối cải có nghĩa là gì đối với anh (chị, em)? Anh (chị, em) có cảm thấy rằng mình đã hối cải về các tội lỗi trong quá khứ chưa?

  4. Anh (chị, em) đã được giảng dạy rằng vai trò tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô gồm có việc sống theo các tiêu chuẩn phúc âm. Anh (chị, em) hiểu gì về các tiêu chuẩn sau đây? Anh (chị, em) có sẵn lòng tuân theo các tiêu chuẩn này không?

    • Luật trinh khiết là luật nghiêm cấm bất cứ quan hệ tình dục nào bên ngoài vòng hôn nhân hợp pháp giữa một người nam và một người nữ

    • Luật thập phân

    • Lời Thông Sáng

    • Giữ ngày Sa Bát được thánh, kể cả dự phần Tiệc Thánh hằng tuần và phục vụ người khác

  5. Anh (chị, em) có từng phạm một trọng tội không? Nếu có, hiện giờ anh (chị, em) có đang bị quản chế hay bị án treo không?

  6. Anh (chị, em) có từng tham gia vào một việc phá thai không? (xin xem đoạn 38.6.1).

  7. Khi chịu phép báp têm, anh (chị, em) giao ước với Thượng Đế rằng anh (chị, em) sẵn lòng mang lấy danh của Đấng Ky Tô, phục vụ người khác, đứng làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài trong suốt đời mình. Anh (chị, em) có sẵn sàng lập giao ước này và cố gắng trung thành với giao ước này không?

Để biết những chỉ dẫn nếu người đó trả lời có cho câu hỏi 5 hoặc 6, xin xem mục 38.2.8.7. Xin xem thêm mục 38.2.8.8.

Nếu người đó được chuẩn bị để nhận phép báp têm, người phỏng vấn điền vào Hồ Sơ Báp Têm và Lễ Xác Nhận (xin xem đoạn 18.8.3).

31.2.4

Các Cuộc Phỏng Vấn để Sắc Phong cho một Chức Phẩm trong Chức Tư Tế A Rôn

Vị giám trợ nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để truyền ban Chức Tư Tế A Rôn. Ông cũng nắm giữ các chìa khóa để sắc phong cho các chức phẩm thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế. Vị giám trợ hoặc một cố vấn được chỉ định phỏng vấn những người nào sẽ được sắc phong thầy trợ tế hoặc thầy giảng để xác định xem những người ấy đã được chuẩn bị về phần thuộc linh hay không. Vị giám trợ phỏng vấn các em trai mà sẽ được sắc phong là thầy tư tế.

Để biết thêm thông tin, xin xem đoạn 18.10.2.

31.2.5

Các Cuộc Phỏng Vấn để Cấp Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ

Đền thờ là nhà của Chúa. Việc bước vào đền thờ và tham gia vào các giáo lễ ở đó là một đặc ân thiêng liêng. Đặc ân này dành riêng cho những người được chuẩn bị về phần thuộc linh và cố gắng sống theo các tiêu chuẩn của Chúa, như được quyết định bởi các vị lãnh đạo chức tư tế có thẩm quyền.

Để quyết định điều này, các vị lãnh đạo chức tư tế phỏng vấn người tín hữu bằng cách sử dụng các câu hỏi trong Hệ Thống LCR (xin xem thêm những hướng dẫn trong phần 26.3). Các vị lãnh đạo không nên thêm hoặc bớt bất cứ điều kiện nào. Tuy nhiên, họ có thể sửa lại những câu hỏi cho phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh của người tín hữu.

31.2.6

Các Cuộc Phỏng Vấn để Sắc Phong cho một Chức Phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

Chủ tịch giáo khu nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để truyền ban Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Ông cũng là người nắm giữ các chìa khóa để sắc phong các chức phẩm anh cả và thầy tư tế thượng phẩm.

Với sự chấp thuận của chủ tịch đoàn giáo khu, vị giám trợ phỏng vấn người tín hữu sử dụng các câu hỏi dưới đây. Trước khi làm như vậy, ông kiểm chứng rằng hồ sơ tín hữu của người này không có kèm theo chú thích, sự hạn chế đối với một giáo lễ hoặc sự hạn chế đối với tư cách tín hữu của Giáo Hội.

Nếu sau cuộc phỏng vấn, vị giám trợ cảm thấy người tín hữu này đã sẵn sàng để được sắc phong thì vị ấy sẽ hoàn tất và nộp Hồ Sơ Sắc Phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Sau đó, một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu phỏng vấn người tín hữu đó, cũng sử dụng các câu hỏi dưới đây.

Một người nam tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc sẽ lập lời thề và giao ước của chức tư tế. Điều này được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44. Trong các cuộc phỏng vấn, vị giám trợ và người thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu bảo đảm rằng người tín hữu hiểu và đồng ý sống theo lời thề và giao ước này. Sau đó, vị lãnh đạo hỏi những câu hỏi sau đây:

  1. Anh có đức tin nơi và làm chứng về Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu; Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh không?

  2. Anh có chứng ngôn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và về vai trò của Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của anh không?

  3. Anh có chứng ngôn về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không?

  4. Anh có tán trợ Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải và là người duy nhất trên thế gian được quyền sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế không?

    Anh có tán trợ các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải không?

    Anh có tán trợ Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương khác và các vị lãnh đạo địa phương của Giáo Hội không?

  5. Chúa đã phán rằng tất cả mọi việc phải được “làm trong sự thanh sạch” trước mặt Ngài. (Giáo Lý và Giao Ước 42:41).

    Anh có cố gắng để có được sự thanh sạch về mặt đạo đức trong ý nghĩ và hành vi của anh không?

    Anh có tuân theo luật trinh tiết không?

  6. Anh có tuân theo những lời dạy của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong cách cư xử riêng tư và công khai với các tín hữu trong gia đình anh và những người khác không?

  7. Anh có hỗ trợ hoặc ủng hộ bất cứ lời dạy, sự thực hành hoặc giáo lý nào trái với lời dạy, sự thực hành và giáo lý của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không?

  8. Anh có cố gắng giữ ngày Sa Bát được thánh, ở nhà lẫn ở nhà thờ; tham dự các buổi họp của anh; chuẩn bị và dự phần một cách xứng đáng Tiệc Thánh; cùng sống cuộc sống của anh phù hợp với các luật pháp và những lệnh truyền của phúc âm không?

  9. Anh có cố gắng lương thiện trong tất cả những gì anh làm không?

  10. Anh có phải là người đóng tiền thập phân trọn vẹn không?

  11. Anh có hiểu và tuân theo Lời Thông Sáng không?

  12. Anh có bất cứ bổn phận về tài chính hoặc bổn phận nào khác đối với người phối ngẫu cũ hoặc đối với con cái không?

    Nếu có, thì anh có hiện đang đáp ứng các bổn phận đó không?

  13. Có những tội lỗi nghiêm trọng nào trong cuộc sống của anh cần được giải quyết với các vị thẩm quyền của chức tư tế là một phần của sự hối cải của anh không?

  14. Anh có tự xem mình xứng đáng để được truyền ban cho một chức phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc không?

31.3

Các Cơ Hội Khác cho Những Người Lãnh Đạo Gặp Các Tín Hữu

Những người lãnh đạo có nhiều cơ hội để gặp riêng các tín hữu. Ví dụ:

  • Các tín hữu có thể yêu cầu gặp một người lãnh đạo trong Giáo Hội khi họ cần sự hướng dẫn thuộc linh hoặc có các vấn đề cá nhân chồng chất. Trong vài trường hợp, người lãnh đạo có thể cảm thấy được thúc giục để sắp xếp một buổi họp với một tín hữu. Các tín hữu không được khuyến khích liên lạc với Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương về các vấn đề cá nhân (xin xem đoạn 38.8.25).

    Để dành nhiều thời gian hơn cho giới trẻ, vị giám trợ có thể ủy quyền một số buổi họp này cho những người lãnh đạo khác trong tiểu giáo khu. Các thành viên của chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ, nhóm túc số các anh cả và Hội Thiếu Nữ có thể đặc biệt hữu ích. Tuy nhiên, vị giám trợ không được ủy thác những vấn đề đòi hỏi vai trò của ông với tư cách là một phán quan thông thường, chẳng hạn như hối cải tội lỗi nghiêm trọng.

  • Vị giám trợ hoặc một người nào đó mà ông chỉ định họp với các tín hữu có nhu cầu thế tục (xin xem đoạn 31.3.4 và phần 22.6).

  • Chủ tịch nhóm túc số các anh cả họp với từng thành viên trong nhóm túc số mỗi năm một lần. Họ thảo luận về sự an lạc của người tín hữu và gia đình của người ấy. Họ cũng thảo luận về các bổn phận của chức tư tế của người ấy. (Xin xem mục 8.3.3.2.)

  • Chủ tịch Hội Phụ Nữ họp với mỗi thành viên trong Hội Phụ Nữ mỗi năm một lần. Họ thảo luận về sự an lạc của người chị em đó và gia đình của chị ấy. (Xin xem mục 9.3.2.2.)

  • Một thành viên của giám trợ đoàn họp với mỗi em 11 tuổi khi em ấy chuyển từ Hội Thiếu Nhi sang nhóm túc số các thầy trợ tế hoặc một lớp Hội Thiếu Nữ. Trong buổi họp này, người thành viên của giám trợ đoàn cũng phỏng vấn các thiếu niên để nhận Chức Tư Tế A Rôn (xin xem đoạn 18.10.2).

  • Một thành viên của giám trợ đoàn họp với các tín hữu đang tham gia nghĩa vụ quân sự (xin xem đoạn 38.9.2).

  • Một thành viên của giám trợ đoàn họp với mỗi thanh thiếu niên hai lần một năm (xin xem đoạn 31.3.1).

  • Một thành viên của giám trợ đoàn họp với mỗi người thành niên trẻ tuổi độc thân ít nhất mỗi năm một lần (xin xem đoạn 31.3.2).

  • Các thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu, giám trợ đoàn và những người lãnh đạo khác họp thường xuyên với những người lãnh đạo phục vụ dưới sự hướng dẫn của họ (xin xem đoạn 31.3.3).

Khi những người lãnh đạo họp với các tín hữu, họ tuân theo các nguyên tắc trong phần 31.1.

Để biết thông tin hữu ích về các đề tài cụ thể có thể nảy sinh khi họp với các tín hữu, xin xem Những Nguồn Tài Liệu Tư Vấn trong Thư Viện Phúc Âm. Những người lãnh đạo cũng có thể giới thiệu các tín hữu tham khảo thông tin trong Giúp Đỡ trong Cuộc Sống.

31.3.1

Họp với Giới Trẻ

Trách nhiệm trước nhất của vị giám trợ là giúp thế hệ đang vươn lên trong tiểu giáo khu của ông tiến triển về phần thuộc linh. Một cách quan trọng mà ông thực hiện điều này là họp riêng với mỗi thanh thiếu niên (hoặc với một người lớn khác có mặt; xin xem đoạn 31.1.4). Vị giám trợ hoặc một trong các cố vấn của ông họp với mỗi thanh thiếu niên hai lần một năm. Ít nhất một trong những buổi họp này mỗi năm nên họp với vị giám trợ. Bắt đầu từ năm em thanh thiếu niên bước sang 16 tuổi thì cả hai buổi họp trong năm đều nên họp với vị giám trợ nếu có thể được.

Ngoài những buổi họp này, giới trẻ cũng nên cảm thấy thoải mái để hội ý với vị giám trợ bất cứ khi nào các em cần được hướng dẫn hoặc hỗ trợ. Vị giám trợ cố gắng xây đắp các mối quan hệ bền vững, tin cậy với giới trẻ để các em cảm thấy thoải mái khi hội ý với ông.

Chủ tịch Hội Thiếu Nữ cũng có trách nhiệm phục sự mỗi thiếu nữ. Chị ấy có thể làm điều này bằng cách họp với từng em thiếu nữ một (hoặc với một người lớn khác có mặt; xin xem đoạn 31.1.4).

Khi họp với giới trẻ, những người lãnh đạo tuân theo các nguyên tắc trong phần 31.1. Nhiều nguyên tắc trong số này là đặc biệt quan trọng khi họp với giới trẻ.

31.3.1.1

Liên Lạc với Cha Mẹ

Trong các nỗ lực của họ để củng cố giới trẻ, những người lãnh đạo phối hợp chặt chẽ với cha mẹ. Họ tìm cách hỗ trợ các cha mẹ trong trách nhiệm dạy dỗ con cái của họ về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những người lãnh đạo chia sẻ thông tin sau đây với giới trẻ và cha mẹ của các em trước buổi họp đầu tiên của họ:

  • Cha mẹ có trách nhiệm chính yếu để dạy dỗ và nuôi dưỡng con cái của mình.

  • Vị giám trợ hoặc một trong các cố vấn của ông họp với mỗi thanh thiếu niên ít nhất hai lần một năm. Chủ tịch Hội Thiếu Nữ cũng có thể họp định kỳ với mỗi thiếu nữ. Trong những buổi họp này, những người lãnh đạo có thể trả lời các câu hỏi, hỗ trợ, đưa ra những chỉ định và thảo luận về các đề tài được liệt kê trong mục 31.3.1.2.

  • Nhằm giúp giới trẻ chuẩn bị về mặt thuộc linh, cần phải có các cuộc phỏng vấn cho các vấn đề thiêng liêng như giấy giới thiệu đi đền thờ, các lễ sắc phong chức tư tế, và những sự kêu gọi đi truyền giáo. Các vị lãnh đạo cùng làm việc với cha mẹ để giúp giới trẻ chuẩn bị cho những cuộc phỏng vấn này.

  • Cha mẹ khuyến khích con cái họ hội ý với vị giám trợ hoặc một người lãnh đạo khác của Giáo Hội khi các em cần giúp đỡ về sự hướng dẫn thuộc linh hoặc với sự hối cải.

  • Khi một thanh thiếu niên họp với một người lãnh đạo của Giáo Hội, người cha hoặc mẹ hay một người lớn khác phải có mặt. Em thanh thiếu niên đó có thể mời người lớn tham dự buổi họp hoặc đợi bên ngoài phòng.

31.3.1.2

Các Đề Tài để Thảo Luận

Mục đích chính của các buổi họp với giới trẻ là xây đắp đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, cùng giúp giới trẻ noi theo Hai Ngài. Các buổi họp này phải là những kinh nghiệm thuộc linh nâng cao tinh thần. Những người lãnh đạo cố gắng giúp mỗi thanh thiếu niên cảm thấy được yêu thương, khuyến khích và được truyền cảm hứng để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.

Người thanh thiếu niên và người lãnh đạo có thể thảo luận:

  • Những kinh nghiệm thuộc linh đang xây đắp chứng ngôn của giới trẻ về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi.

  • Cách giới trẻ tuân giữ các giao ước báp têm của mình.

  • Những sự chuẩn bị của giới trẻ để lập và tuân giữ các giao ước đền thờ.

  • Các mục tiêu cá nhân của giới trẻ để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn trong mọi khía cạnh của cuộc sống (xin xem “Trẻ Em và Giới Trẻ”).

  • Tầm quan trọng của việc cầu nguyện và học thánh thư của riêng cá nhân và chung với gia đình.

  • Cách củng cố những mối quan hệ với cha mẹ và những người khác trong gia đình.

  • Những nguyên tắc và tiêu chuẩn trong tập sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

  • Những cách mà giới trẻ có thể tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế (xin xem phần 1.2).

  • Với một thiếu niên, những kinh nghiệm của em ấy khi làm tròn các bổn phận của chức tư tế và sự chuẩn bị của em ấy để được sắc phong cho chức phẩm kế tiếp của chức tư tế.

  • Các phước lành khi tham gia lớp giáo lý.

  • Chuẩn bị để phục vụ truyền giáo toàn thời gian (xin xem các phần 24.024.3). Chúa yêu cầu mỗi thiếu niên xứng đáng, có khả năng hãy chuẩn bị và phục vụ truyền giáo. Đối với các thiếu niên Thánh Hữu Ngày Sau, công việc phục vụ truyền giáo là một trách nhiệm của chức tư tế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 36:1, 4–7). Chúa cũng hoan nghênh các thiếu nữ xứng đáng, có khả năng hãy phục vụ truyền giáo nếu muốn. Đối với các thiếu nữ, công việc truyền giáo là một cơ hội mạnh mẽ, nhưng không bắt buộc. Sự chuẩn bị cho công việc truyền giáo sẽ ban phước cho một thiếu nữ cho dù em ấy có quyết định phục vụ với tư cách là người truyền giáo hay không.

    Các vị lãnh đạo nên nhạy cảm đối với những người không thể phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian (xin xem đoạn 24.4.4).

    Để biết thông tin về công việc truyền giáo phục vụ, xin xem đoạn 24.2.2.

Khi thảo luận về việc tuân theo các lệnh truyền, những người lãnh đạo có thể tham khảo các câu hỏi phỏng vấn để giới thiệu đi đền thờ và tập sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Họ bảo đảm rằng các cuộc thảo luận về sự thanh sạch đạo đức không khuyến khích sự tò mò hay thử nghiệm.

31.3.2

Họp với Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi Độc Thân

Vị giám trợ đặt ưu tiên cao vào sự tiến bộ về phần thuộc linh của những người thành niên trẻ tuổi độc thân trong tiểu giáo khu của mình. Ông hoặc một cố vấn được chỉ định họp với mỗi thành niên trẻ tuổi độc thân ít nhất một lần một năm.

Một thành viên trong giám trợ đoàn và người thành niên trẻ tuổi độc thân có thể thảo luận các mục liên quan trong 31.3.1.2. Họ cũng có thể thảo luận về những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với những người thành niên trẻ tuổi chẳng hạn như phát triển tính tự lực.

31.3.3

Họp với Các Tín Hữu để Thảo Luận về Những Sự Kêu Gọi và Trách Nhiệm của Họ

Các chủ tịch đoàn giáo khu, giám trợ đoàn và các vị lãnh đạo khác họp riêng với các tín hữu báo cáo cho họ biết về những sự kêu gọi của các tín hữu. Ví dụ:

  • Chủ tịch giáo khu họp thường xuyên với mỗi giám trợ trong giáo khu (xin xem mục 6.2.1.2).

  • Một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu họp thường xuyên với mỗi chủ tịch nhóm túc số các anh cả trong giáo khu (xin xem đoạn 8.3.1).

  • Vị giám trợ họp hằng tháng với chủ tịch Hội Phụ Nữ (xin xem đoạn 9.3.1). Ông cũng họp thường xuyên với chủ tịch nhóm túc số các anh cả và chủ tịch Hội Thiếu Nữ (xin xem đoạn 8.3.1 và đoạn 11.3.1).

  • Một thành viên của giám trợ đoàn họp thường xuyên với chủ tịch Hội Thiếu Nhi và chủ tịch Trường Chủ Nhật (xin xem đoạn 12.3.1 và đoạn 13.2.1).

  • Các thành viên của chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả và chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ họp với các anh em phục sự và các chị em phục sự (xin xem phần 21.3).

Trong những buổi họp này, người lãnh đạo truyền cảm hứng và chỉ dẫn người tín hữu trong trách nhiệm của họ. Người lãnh đạo bày tỏ lòng biết ơn đối với sự phục vụ của tín hữu và nói những lời khích lệ. Người tín hữu báo cáo về sự tiến bộ và an lạc của những người mà mình phục vụ. Họ cùng nhau thảo luận về các mục tiêu, thử thách và cơ hội. Nếu có thể được, họ cũng xem xét các ngân sách và các khoản chi phí.

Hình Ảnh
các phụ nữ đang nói chuyện

31.3.4

Họp với Các Tín Hữu để Thảo Luận về Những Nhu Cầu Vật Chất và Sự Tự Lực

Việc chăm sóc cho những người gặp hoạn nạn là một phần của công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế (xin xem phần 1.2). Khi các vị lãnh đạo họp với các tín hữu có nhu cầu thế tục, họ giúp các tín hữu này giải quyết các nhu cầu ngắn hạn và xây đắp tính tự lực dài hạn (xin xem phần 22.3).

Vị giám trợ có thể chỉ định những người khác trong tiểu giáo khu, chẳng hạn như các chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ và nhóm túc số các anh cả, để họp với các tín hữu mà có nhu cầu thế tục. Tuy nhiên, chỉ có vị giám trợ mới có thể chấp thuận cách sử dụng quỹ tiền nhịn ăn (xin xem đoạn 22.6.1).

Các nguyên tắc và chính sách bổ sung để giúp đỡ những người có nhu cầu thế tục được mô tả trong chương 22.

31.3.5

Họp với Các Tín Hữu về Hôn Nhân và Ly Dị

Những người lãnh đạo trong Giáo Hội không được khuyên bảo một người nên kết hôn với ai. Họ cũng không được khuyên bảo một người nên hay không nên ly dị người phối ngẫu của người ấy. Mặc dù ly dị là một sự lựa chọn thích hợp trong một số tình huống, nhưng các quyết định như vậy phải thuộc về cá nhân.

Tiếp theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, những người lãnh đạo trong Giáo Hội thường họp với các cặp vợ chồng và cá nhân đang ly thân hoặc ly dị. Những người lãnh đạo cũng có thể tìm cách giúp một cặp vợ chồng củng cố hôn nhân của họ. Họ dạy về sức mạnh và sự chữa lành đến từ việc tuân giữ các giao ước mà họ đã lập với Chúa và sống theo những lời dạy của Ngài. Những lời dạy này gồm có đức tin, sự hối cải, sự tha thứ, tình yêu thương và sự cầu nguyện.

Một tín hữu đang ly thân với người phối ngẫu của mình hoặc đang ly dị không nên hẹn hò tìm hiểu người khác cho đến khi có phán quyết cuối cùng của việc ly hôn.

31.3.6

Tham Vấn và Liệu Pháp Chuyên Nghiệp

Những người lãnh đạo trong Giáo Hội không phải được kêu gọi để trở thành người tham vấn chuyên nghiệp hoặc cung cấp liệu pháp. Sự trợ giúp mà họ đưa ra là về phần thuộc linh, tập trung vào sự củng cố, an ủi và quyền năng cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngoài sự giúp đỡ quan trọng và đầy cảm hứng này, một số tín hữu có thể được hưởng lợi ích từ sự tham vấn chuyên nghiệp nếu có được. Sự tham vấn hoặc liệu pháp như vậy có thể giúp các tín hữu hiểu và đối phó với những thử thách của cuộc sống theo những cách lành mạnh.

Việc gặp một người tham vấn chuyên nghiệp để có được sự hiểu biết sâu sắc và các kỹ năng nhằm vào sự an lạc về mặt cảm xúc không phải là một dấu hiệu của sự yếu kém. Thay vì thế, đó có thể là một dấu hiệu của sự khiêm tốn và sức mạnh.

Các tín hữu nên lựa chọn kỹ những người tham vấn chuyên nghiệp có uy tín và được cấp giấy phép hiện hành. Những người tham vấn nên tôn trọng quyền tự quyết, các giá trị và những niềm tin của những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ. Việc kết hợp các giá trị này là phù hợp về mặt đạo đức trong sự tham vấn chuyên nghiệp.

Giáo Hội phản đối bất cứ liệu pháp nào, kể cả liệu pháp chuyển đổi hoặc thay thế cho xu hướng tình dục hoặc bản sắc giới tính, khiến một người có hành vi lạm dụng ngược đãi. (Xin xem “Sự Thu Hút Đồng Tính” và “Người Chuyển Giới” trong Giúp Đỡ trong Cuộc Sống.)

Ở Hoa Kỳ và Canada, các giám trợ và chủ tịch giáo khu có thể liên lạc với Family Services (Dịch Vụ Gia Đình) để xác định các nguồn cung cấp sự tham vấn chuyên nghiệp mà phù hợp với các nguyên tắc phúc âm. Dưới đây là thông tin liên lạc:

1-801-240-1711

1-800-453-3860, số máy nhánh 2-1711

FamilyServices.ChurchofJesusChrist.org

Trong các khu vực khác, những người lãnh đạo có thể liên lạc với nhân viên Dịch Vụ Gia Đình hoặc vị giám đốc chương trình an sinh và tự lực trong văn phòng giáo vùng.

Nếu các tín hữu không thể tự trả tiền cho dịch vụ tham vấn chuyên môn hoặc qua bảo hiểm, các giám trợ có thể sử dụng quỹ nhịn ăn để trợ giúp (xin xem phần 22.4).

31.4

Họp Trực Tuyến với Các Tín Hữu

Thông thường, những người lãnh đạo họp trực tiếp với các tín hữu để phỏng vấn và giúp đỡ về phần thuộc linh cũng như phục sự. Tuy nhiên, là một trường hợp ngoại lệ, họ có thể họp trực tuyến với nhau khi việc họp trực tiếp là không thực tiễn. Ví dụ, một tín hữu có thể họp trực tuyến với một người lãnh đạo khi người tín hữu đó:

  • Sống ở một nơi xa xôi và bị giới hạn khả năng đi lại.

  • Có những thử thách về sức khỏe thể chất, tâm thần hoặc cảm xúc.

  • Đang chăm lo cho một người phải ở trong nhà và không thể ở một mình.

Các cuộc phỏng vấn giữa các chủ tịch phái bộ truyền giáo và những người truyền giáo toàn thời gian cũng có thể được thực hiện trực tuyến nơi nào được chấp thuận.

Không nên ghi lại các cuộc phỏng vấn và các buổi họp khác giữa những người lãnh đạo và các tín hữu.

Giống như các cuộc phỏng vấn và các buổi họp trực tiếp, người tín hữu có thể mời người khác có mặt trong một cuộc phỏng vấn hoặc buổi họp trực tuyến.

Khi một cuộc phỏng vấn cho giấy giới thiệu đi đền thờ được thực hiện trực tuyến, thì giấy giới thiệu đi đền thờ mới có thể được gửi đến người tín hữu đó sau khi được những người lãnh đạo chức tư tế ký tên vào. Tuy nhiên, thư ký giáo khu không được kích hoạt giấy đó cho đến khi người ấy đã kiểm chứng rằng người tín hữu ấy đã nhận được giấy đó.