Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
26. Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ


“26. Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“26. Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

Hình Ảnh
vị giám trợ phỏng vấn người đàn ông

26.

Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ

26.0

Lời Giới Thiệu

Việc vào đền thờ là một đặc ân thiêng liêng. Các vị lãnh đạo tiểu giáo khu và giáo khu khuyến khích tất cả các tín hữu nên sống xứng đáng để có một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành ngay cả khi họ không sống gần một ngôi đền thờ.

Các vị lãnh đạo Giáo Hội cố gắng hết sức để thấy rằng tất cả những ai vào đền thờ đều xứng đáng được nắm giữ một giấy giới thiệu (xin xem Thi Thiên 24:3–5). Các vị lãnh đạo chức tư tế có thẩm quyền thực hiện các cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ và cấp giấy giới thiệu đi đền thờ cho các tín hữu trả lời các câu hỏi phỏng vấn một cách thích hợp và chân thành (xin xem phần 26.3). Chúa hứa rằng nếu những ai vào đền thờ đều là trong sạch thì sự hiện diện của Ngài sẽ ở đó (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 97:15–16).

Các tín hữu cần phải có một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành để vào một đền thờ. Trẻ em dưới 8 tuổi mà được làm lễ gắn bó với cha mẹ mình hoặc chứng kiến lễ gắn bó của anh chị em ruột với cha mẹ mình đều không cần giấy giới thiệu (xin xem đoạn 26.4.4).

Chương này cung cấp những chỉ dẫn dành cho các vị lãnh đạo để cấp giấy giới thiệu đi đền thờ. Vị giám trợ tham khảo ý kiến với chủ tịch giáo khu của ông, nếu ông có những thắc mắc về giấy giới thiệu đền thờ mà không được giải đáp trong chương này. Chủ tịch giáo khu có thể liên lạc với Văn Phòng của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nếu có thắc mắc.

26.1

Các Loại Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ

Giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành cho phép một tín hữu vào tất cả các đền thờ. Các vị lãnh đạo chức tư tế bảo đảm rằng các tín hữu nhận được giấy giới thiệu chính xác cho hoàn cảnh của họ. Có ba loại giấy giới thiệu:

  1. Giấy giới thiệu đi đền thờ dành cho các tín hữu chưa làm lễ thiên ân. Những giấy giới thiệu này dành cho các tín hữu chưa làm lễ thiên ân để được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ hoặc thực hiện phép báp thêm và lễ xác nhận thay cho người chết. Những giấy này được cấp qua hệ thống Những Nguồn Tài Liệu của Vị Lãnh Đạo và Thư Ký (LCR). Để biết thêm thông tin, xin xem phần 26.4.

  2. Giấy giới thiệu đi đền thờ để thực hiện các giáo lễ cho người sống. Những giấy giới thiệu này là dành cho các tín hữu tiếp nhận lễ thiên ân của họ hoặc được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu. Các giấy giới thiệu này được cấp từ tập giấy giới thiệu 2. Giấy giới thiệu để thực hiện các giáo lễ cho người sống được kèm theo một giấy giới thiệu thông thường để đi đền thờ dành cho các tín hữu đã làm lễ thiên ân (được mô tả bên dưới). Đền thờ giữ lại giấy giới thiệu để thực hiện giáo lễ dành cho người sống khi giáo lễ này được thực hiện. Tín hữu giữ lại giấy giới thiệu thông thường và sử dụng nó khi trở lại đền thờ.

  3. Giấy giới thiệu đi đền thờ dành cho các tín hữu đã được làm lễ thiên ân. Những giấy giới thiệu này là dành cho các tín hữu đã từng được làm lễ thiên ân. Những giấy này được cấp qua hệ thống LCR. Các giấy giới thiệu này cho phép một tín hữu tham gia vào tất cả các giáo lễ của đền thờ dành cho người chết. Các giấy giới thiệu này cũng được sử dụng khi một tín hữu đã được làm lễ thiên ân sẽ được làm lễ gắn bó với cha mẹ hoặc con cái còn sống hay đã chết. Để biết thêm thông tin, xin xem phần 26.3.

26.2

Giữ Gìn An Toàn Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ

26.2.1

Các Vị Lãnh Đạo Chức Tư Tế Giữ Gìn An Toàn Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ

Các vị lãnh đạo chức tư tế được phép có các tập giấy giới thiệu đi đền thờ đều phải giữ kỹ các tập giấy này. Không một người nào khác được quyền sử dụng các tập giấy này. Khi Giáo Hội cập nhật tập giấy giới thiệu đi đền thờ, các vị lãnh đạo sẽ hủy bỏ những tập giấy lỗi thời.

Các vị lãnh đạo chức tư tế cũng bảo đảm rằng các cá nhân không được phép đều không truy cập được vào thông tin về giấy giới thiệu đi đền thờ qua hệ thống LCR.

26.2.2

Cách Bỏ Các Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ Đã Quá Hạn

Các thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu và phái bộ truyền giáo yêu cầu trả lại các giấy giới thiệu cũ đi đền thờ khi họ phỏng vấn các tín hữu để cấp cho một giấy giới thiệu mới. Họ hủy bỏ giấy giới thiệu cũ.

26.2.3

Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ Bị Thất Lạc hoặc Bị Đánh Cắp

Vị giám trợ yêu cầu các tín hữu thông báo cho ông càng sớm càng tốt nếu giấy giới thiệu của họ bị thất lạc hoặc bị đánh cắp. Vị này hay một cố vấn được chỉ định hoặc thư ký sử dụng hệ thống LCR để hủy bỏ giấy giới thiệu càng sớm càng tốt. Nếu không có sẵn hệ thống này, vị giám trợ liên lạc với văn phòng đền thờ để yêu cầu hủy bỏ giấy giới thiệu.

Ngay sau khi hủy bỏ giấy giới thiệu bị thất lạc hoặc bị đánh cắp, vị giám trợ hoặc một cố vấn được chỉ định thực hiện một cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ với người tín hữu đó để cấp một giấy giới thiệu mới.

26.2.4

Những Người Nắm Giữ Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ Không Sống Theo Các Tiêu Chuẩn về Sự Xứng Đáng

Nếu quyết định rằng một tín hữu đang có giấy giới thiệu hiện hành nhưng không sống theo các tiêu chuẩn xứng đáng (xin xem phần 26.3), thì vị giám trợ yêu cầu người tín hữu này trả lại giấy giới thiệu. Vị này sử dụng hệ thống LCR để hủy bỏ giấy giới thiệu. Nếu không có sẵn hệ thống này, vị giám trợ liên lạc với văn phòng đền thờ để yêu cầu hủy bỏ giấy giới thiệu.

26.3

Những Chỉ Dẫn Tổng Quát để Cấp Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ

Các vị lãnh đạo chức tư tế được cho phép đều thực hiện các cuộc phỏng vấn trước khi một tín hữu có thể nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ. Những chỉ dẫn được ghi trong hệ thống LCR. Các vị lãnh đạo chức tư tế chỉ nên cấp giấy giới thiệu nếu người tín hữu trả lời những câu hỏi về giấy giới thiệu đi đền thờ một cách thích hợp.

Các cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ cho phép các tín hữu chứng minh rằng họ có chứng ngôn và đang cố gắng tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế và tuân theo các vị tiên tri của Ngài. Các vị lãnh đạo chức tư tế cũng khẳng định, qua cuộc phỏng vấn, rằng tín hữu đó là xứng đáng.

Và không nên vội vã khi phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ. Các cuộc phỏng vấn cần phải được riêng tư. Tuy nhiên, người được phỏng vấn có thể mời một người thành niên khác hiện diện. Một em thanh thiếu niên có thể mời một người cha, mẹ hoặc một người thành niên khác có mặt trong cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu.

Các vị lãnh đạo chức tư tế không nên thêm bất cứ đòi hỏi nào vào những điều kiện đã được mô tả trong tập giấy giới thiệu của đền thờ. Họ cũng không nên loại bỏ bất cứ đòi hỏi nào. Tuy nhiên, khi cấp giấy giới thiệu cho giới trẻ, các vị lãnh đạo điều chỉnh các câu hỏi cho phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh của giới trẻ.

Đôi khi các tín hữu có thắc mắc trong cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ. Vị lãnh đạo chức tư tế có thể giải thích các nguyên tắc phúc âm cơ bản. Ông cũng có thể giúp các tín hữu hiểu các câu hỏi về giấy giới thiệu đi đền thờ nếu cần. Tuy nhiên, ông không nên trình bày niềm tin, sở thích hoặc cách giải thích cá nhân của mình như là giáo lý hoặc chính sách của Giáo Hội.

Trong giáo khu, một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một thư ký giáo khu kích hoạt giấy giới thiệu đi đền thờ trong hệ thống LCR sau khi giấy này được cấp. Trong giáo hạt, một thành viên của chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo hoặc một thư ký của phái bộ truyền giáo kích hoạt giấy giới thiệu. Các giấy giới thiệu để làm phép báp têm và lễ xác nhận thay cho người chết được kích hoạt khi chúng được in ra bởi một thành viên trong giám trợ đoàn hoặc bởi chủ tịch chi nhánh. Vị ấy sử dụng hệ thống LCR để in ra các giấy giới thiệu.

26.3.1

Các Cuộc Phỏng Vấn về Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ dành cho Các Tín Hữu trong Các Tiểu Giáo Khu và Chi Nhánh

Trong một tiểu giáo khu, vị giám trợ hoặc một cố vấn được chỉ định thực hiện các cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ và cấp giấy giới thiệu cho những người xứng đáng. Trong một chi nhánh, chỉ có chủ tịch chi nhánh mới thực hiện các cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ và cấp giấy giới thiệu.

Trong một tiểu giáo khu, đích thân vị giám trợ phỏng vấn các tín hữu là những người:

  • Đang xin tiếp nhận lễ thiên ân của chính họ (xin xem phần 27.1 và phần 27.2).

  • Đang xin làm lễ gắn bó với một người phối ngẫu (xin xem phần 27.3).

Trong những trường hợp khẩn cấp, khi vị giám trợ vắng mặt, thì ông có thể cho phép một trong các cố vấn của ông thực hiện các cuộc phỏng vấn này.

Trong các tiểu giáo khu lớn dành cho người thành niên trẻ tuổi độc thân, các giám trợ có thể cho phép các cố vấn có kinh nghiệm thực hiện các cuộc phỏng vấn này.

Trước khi cấp một giấy giới thiệu trong bất cứ trường hợp nào trong các trường hợp đã được liệt kê ở trên, vị giám trợ xem xét hồ sơ tín hữu, để kiểm chứng rằng hồ sơ này không gồm có phần chú thích về sự hạn chế tư cách tín hữu của Giáo Hội. Đối với các tín hữu đang xin tiếp nhận lễ thiên ân của họ hoặc được làm lễ gắn bó với người phối ngẫu, ông cũng bảo đảm rằng:

  • Phép báp têm và lễ xác nhận của người đó được ghi vào hồ sơ tín hữu.

  • Các anh em đã nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Đôi khi, những ngày tháng của phép báp têm và lễ xác nhận của một tín hữu hoặc lễ sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc chưa được ghi vào. Trong những tình huống này, các giáo lễ cần phải được kiểm chứng và ghi lại, thông qua hoặc thực hiện lại lần nữa (xin xem đoạn 38.2.6).

Sau khi cuộc phỏng vấn bởi một thành viên trong giám trợ đoàn hoặc bởi chủ tịch chi nhánh, một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu phỏng vấn các tín hữu đang sống trong một giáo khu. Ông ký giấy giới thiệu của những người xứng đáng. Một thành viên trong chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo thực hiện cuộc phỏng vấn thứ hai cho các tín hữu đang sống trong một giáo hạt. Ông cũng ký giấy giới thiệu của những người xứng đáng. Một chủ tịch giáo hạt không thực hiện các cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ trừ khi được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cho phép.

Đích thân chủ tịch giáo khu hoặc phái bộ truyền giáo phỏng vấn các tín hữu là những người:

  • Đang xin tiếp nhận lễ thiên ân của chính họ.

  • Đang xin làm lễ gắn bó với một người phối ngẫu.

Nếu chủ tịch giáo khu vắng mặt thì ông có thể cho phép các cố vấn của ông thực hiện các cuộc phỏng vấn này.

Một chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể cho phép các cố vấn của mình thực hiện các cuộc phỏng vấn này nếu cần.

Trong một giáo khu của người thành niên trẻ tuổi độc thân, chủ tịch giáo khu có thể cho phép các cố vấn thực hiện các cuộc phỏng vấn này.

26.3.2

Hình Ảnh
biểu tượng, những chỉ dẫn để thích ứng
Các Cuộc Phỏng Vấn về Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ dành cho Các Tín Hữu ở Những Vùng Hẻo Lánh

Một số tín hữu sinh sống trong các vùng mà thường đòi hỏi chi phí đi lại đắt đỏ hoặc vô cùng khó khăn để gặp một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu hoặc phái bộ truyền giáo. Trong những tình huống này, một chủ tịch đền thờ có thể phỏng vấn người đó và ký vào giấy giới thiệu. Trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn, vị này tham khảo ý kiến với chủ tịch giáo khu hoặc phái bộ truyền giáo. Vị giám trợ, một cố vấn đã được cho phép, hoặc chủ tịch chi nhánh phải đã phỏng vấn người tín hữu đó và đã ký giấy giới thiệu rồi.

Chính sách này cũng áp dụng cho các tín hữu trong quân đội đang ở những vùng hẻo lánh. Trước hết, họ nên được phỏng vấn bởi vị giám trợ của tiểu giáo khu nhà của họ hoặc đơn vị hỗ trợ trạm đóng quân của họ.

Hình Ảnh
giới trẻ ở bên ngoài đền thờ

26.4

Cấp Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ cho Các Tín Hữu Chưa Làm Lễ Thiên Ân

26.4.1

Những Chỉ Dẫn Tổng Quát

Trong một tiểu giáo khu, vị giám trợ hay một cố vấn được chỉ định phỏng vấn các tín hữu chưa làm lễ thiên ân để nhận giấy giới thiệu đi đền thờ. Trong một chi nhánh, chỉ có chủ tịch chi nhánh thực hiện các cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ. Vị lãnh đạo này tuân theo những chỉ dẫn trong phần 26.3. Vị này cấp giấy giới thiệu đi đền thờ nếu người đó xứng đáng.

Giấy giới thiệu đi đền thờ được cấp cho các tín hữu chưa làm lễ thiên ân như sau:

  • Cho các tín hữu 11 tuổi trở lên để chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận thay cho người chết. (Các em thiếu nữ và các em thiếu niên đã được sắc phong sẽ có đủ điều kiện để có một giấy giới thiệu đi đền thờ bắt đầu từ tháng Một của năm mà các em tròn 12 tuổi.)

  • Cho các tín hữu từ 8 đến 20 tuổi để được làm lễ gắn bó với cha mẹ. Trẻ em dưới 8 tuổi không cần giấy giới thiệu để được làm lễ gắn bó với cha mẹ của các em (xin xem đoạn 26.4.4).

  • Cho các tín hữu từ 8 đến 20 tuổi được chứng kiến lễ gắn bó của cha mẹ họ với anh chị em ruột, anh chị em không phải ruột thịt hay anh chị em khác cha hay khác mẹ của họ mà còn sống.

Các tín hữu đã được làm lễ thiên ân trước đây sẽ không được cấp bất cứ giấy giới thiệu nào được giải thích trong phần này.

Một nam tín hữu Giáo Hội đã đủ tuổi để nắm giữ chức tư tế cần phải được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế trước khi có thể nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ.

Khi cấp giấy giới thiệu đi đền thờ, một thành viên của giám trợ đoàn hoặc chủ tịch chi nhánh phỏng vấn riêng từng người. Tuy nhiên, người đó có thể mời một người cha hay mẹ hoặc một người thành niên khác hiện diện.

26.4.2

Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ dành cho Các Tín Hữu Mới Chịu Phép Báp Têm

Vị giám trợ phỏng vấn các tín hữu mới ở độ tuổi thích hợp để nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ chỉ để làm phép báp têm và lễ xác nhận thay cho người chết. Ông sớm thực hiện cuộc phỏng vấn này tiếp theo lễ xác nhận của người tín hữu đó, thường là trong vòng một tuần (xin xem đoạn 26.4.1). Đối với những người nam, cuộc phỏng vấn này có thể được thực hiện như là một phần của cuộc phỏng vấn để tiếp nhận Chức Tư Tế A Rôn. Các nam tín hữu của Giáo Hội cần phải được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế trước khi nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ.

Các tín hữu thành niên và xứng đáng có thể nhận được lễ thiên ân riêng của họ trong vòng một năm sau khi được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội (xin xem mục 27.2.1.1).

26.4.3

Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ Chỉ Để Thực Hiện Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận Thay Cho Người Chết

Giấy giới thiệu đi đền thờ mà được cấp để thực hiện phép báp têm và lễ xác nhận thay cho người chết chỉ có thể được sử dụng cho mục đích đó mà thôi. Các giấy giới thiệu này được in ra bằng cách sử dụng hệ thống LCR. Các giấy này chỉ cần chữ ký của người tín hữu và của một thành viên trong giám trợ đoàn hoặc chủ tịch chi nhánh.

Để có thông tin về việc sắp xếp lịch trình của lễ báp têm và lễ xác nhận thay cho người chết, xin xem đoạn 28.2.1.

26.4.4

Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ để Làm Lễ Gắn Bó Con Cái Còn Sống với Cha Mẹ

Các tín hữu chưa làm lễ thiên ân từ 8 đến 20 tuổi được cấp cho giấy giới thiệu đi đền thờ để tham gia trong lễ gắn bó như sau:

  • Được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ

  • Để chứng kiến lễ gắn bó của cha mẹ mình với anh chị em ruột, anh chị em con riêng của cha hay mẹ kế hoặc anh chị em khác cha hay khác mẹ của mình mà còn sống

Những người nào được cấp cho giấy giới thiệu đi đền thờ để tham gia trong lễ gắn bó thì cần phải được một thành viên của giám trợ đoàn hay chủ tịch chi nhánh phỏng vấn. Họ cũng được phỏng vấn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu hoặc phái bộ truyền giáo.

Một thành viên của giám trợ đoàn hay chủ tịch chi nhánh in ra các giấy giới thiệu đi đền thờ này bằng cách sử dụng hệ thống LCR. Giấy giới thiệu đi đền thờ để thực hiện lễ gắn bó có thể được cấp riêng cho mỗi người con hay cho chung một nhóm con cái trong cùng một gia đình. Cùng một giấy giới thiệu đó có thể được sử dụng để liệt kê những người con mà sẽ được làm lễ gắn bó và những người con đến chứng kiến lễ đó.

Con cái dưới 8 tuổi không cần giấy giới thiệu để được làm lễ gắn bó với cha mẹ của mình. Hoặc các em ấy không cần giấy giới thiệu để chứng kiến lễ gắn bó của cha mẹ mình với anh chị em ruột, anh chị em con riêng của cha hay mẹ kế hoặc anh chị em khác cha hoặc khác mẹ của mình.

Các tín hữu từ 21 tuổi trở lên có thể được làm lễ gắn bó với cha mẹ của họ hoặc chứng kiến lễ gắn bó nếu họ (1) đã được làm lễ thiên ân và (2) có giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành.

Xin xem đoạn 27.4.4 và đoạn 38.4.2 để biết thêm các chính sách về việc chứng kiến lễ gắn bó và được làm lễ gắn bó với cha mẹ.

Hình Ảnh
thanh thiếu niên cầm giấy giới thiệu ở bên ngoài đền thờ

26.5

Cấp Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ trong Những Trường Hợp Đặc Biệt

26.5.1

Các Tín Hữu Tiếp Nhận Lễ Thiên Ân của Họ

Những chỉ dẫn để cấp giấy giới thiệu cho một người sẽ tiếp nhận lễ thiên ân của chính mình đều được ghi trong tập giấy giới thiệu đi đền thờ 2. Các tín hữu xứng đáng mong muốn nhận được lễ thiên ân của mình có thể làm như vậy khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây:

  • Họ phải được ít nhất 18 tuổi.

  • Họ đã hoàn tất hoặc không còn học trung học hoặc tương đương.

  • Tròn một năm đã trôi qua kể từ khi họ được làm lễ xác nhận.

  • Họ cảm thấy có ước muốn để tiếp nhận và tôn vinh các giao ước đền thờ suốt cuộc đời của họ.

Ngoài ra, một người nam cần phải nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trước khi tiếp nhận lễ thiên ân của mình. Để có thông tin về các tín hữu chuẩn bị tiếp nhận lễ thiên ân của họ, xin xem đoạn 25.2.8. Để biết thông tin về ai có thể tiếp nhận lễ thiên ân, xin xem đoạn 27.2.1.

26.5.2

Các Tín Hữu Mới Chịu Phép Báp Têm

Các tín hữu thành niên và xứng đáng có thể nhận được lễ thiên ân riêng của họ trong vòng một năm sau khi được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội (xin xem mục 27.2.1.1). Các vị lãnh đạo chức tư tế bảo đảm rằng cái ngày mà người tín hữu sẽ nhận được lễ thiên ân sẽ ít nhất là tròn một năm sau ngày làm lễ xác nhận của người ấy, chứ không phải là ngày báp têm. Chỉ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới có thể cho phép trong các trường hợp ngoại lệ.

Các tín hữu mới và xứng đáng nên được cấp giấy giới thiệu đi đền thờ chỉ để thực hiện phép báp têm và lễ xác nhận thay cho người chết (xin xem đoạn 26.4.2).

26.5.3

Những Người Truyền Giáo Trẻ Tuổi Trở về từ Công Việc Phục Vụ Xa Nhà

Trước khi một người truyền giáo trẻ tuổi phục vụ xa nhà hoàn tất công việc phục vụ truyền giáo của mình, vị chủ tịch phái bộ truyền giáo thực hiện một cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ. Nếu người truyền giáo ấy xứng đáng thì vị chủ tịch cấp một giấy giới thiệu. Chủ tịch phái bộ truyền giáo đề ngày tháng và kích hoạt giấy giới thiệu để nó sẽ hết hạn ba tháng kể từ ngày người truyền giáo đó trở về nhà.

Vị giám trợ phỏng vấn những người truyền giáo giải nhiệm trở về nhà để cấp một giấy giới thiệu mới để đi đền thờ vào gần cuối thời hạn ba tháng. Trong những trường hợp khẩn cấp, khi vị giám trợ vắng mặt, thì ông có thể cho phép một trong các cố vấn của ông thực hiện các cuộc phỏng vấn này.

Trong các tiểu giáo khu lớn dành cho người thành niên trẻ tuổi độc thân, các giám trợ có thể cho phép các cố vấn có kinh nghiệm thực hiện các cuộc phỏng vấn này.

Sau đó, những người truyền giáo được giải nhiệm trở về sẽ gặp một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu của họ để phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ.

Trong những cuộc phỏng vấn này về giấy giới thiệu đi đền thờ, vị giám trợ và thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu cũng xem xét lời khuyên bảo được đưa ra trong cuộc phỏng vấn giải nhiệm người truyền giáo (xin xem đoạn 24.8.2). Họ thảo luận về sự tiến bộ, sự an lạc và sự kêu gọi hiện tại từ Giáo Hội. Họ cũng khuyến khích người đó tiếp tục con đường phát triển và phục vụ thiêng liêng suốt đời.

Nếu người truyền giáo giải nhiệm trở về không có một sự kêu gọi từ Giáo Hội thì vị giám trợ và chủ tịch giáo khu phải chắc chắn rằng một sự kêu gọi phải được đưa ra. Những người truyền giáo được giải nhiệm trở về có thể được đề nghị phục vụ với tư cách là những người thực hiện giáo lễ đền thờ hoặc tình nguyện viên nếu một ngôi đền thờ ở gần đó (xin xem phần 25.5).

26.5.4

Những Tín Hữu Đã Không Sống trong Cùng Một Tiểu Giáo Khu Ít Nhất Một Năm

Nếu một tín hữu đã không sống trong cùng một tiểu giáo khu liên tục trong ít nhất một năm, vị giám trợ xem xét hồ sơ của tín hữu để kiểm chứng rằng hồ sơ này không có phần chú thích về các hạn chế về tư cách tín hữu của Giáo Hội.

Vị giám trợ hoặc một cố vấn được chỉ định liên lạc với vị giám trợ trước đây của người tín hữu đó trước khi thực hiện một cuộc phỏng vấn về giấy giới thiệu đi đền thờ. Nếu một cố vấn biết rằng có thông tin kín nhiệm thì vị này kết thúc cuộc trò chuyện. Ông thông báo cho vị giám trợ của mình để liên lạc với vị giám trợ trước đây của người tín hữu đó trước khi phỏng vấn.

26.5.5

Sau Khi Ly Dị, Ly Thân, hoặc Hủy Hôn

Vị giám trợ và chủ tịch giáo khu có thể cảm thấy có ấn tượng để phỏng vấn một tín hữu đã ly dị hoặc ly thân hợp pháp hay đã hủy hôn kể từ lần cuối cùng nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ. Trong cuộc phỏng vấn này, họ giúp củng cố phần thuộc linh của người tín hữu. Họ cũng kiểm chứng sự xứng đáng liên tục để đi đền thờ.

26.5.6

Các Tín Hữu Có Thân Nhân Ruột Thịt Công Khai Chống Đối Giáo Hội hoặc Thuộc vào Các Nhóm Bội Giáo

Các giám trợ và các cố vấn của họ nên nhạy cảm khi cấp giấy giới thiệu cho các tín hữu có thân nhân ruột thịt công khai chống đối Giáo Hội hoặc thuộc vào các nhóm bội giáo. Các tín hữu trong những trường hợp này không nên cảm thấy rằng họ không thể có được giấy giới thiệu đi đền thờ vì các mối quan hệ gia đình của họ. Họ nên được khuyến khích phải duy trì mối quan hệ yêu thương với những thân nhân ruột thịt. Họ có thể được cấp giấy giới thiệu đi đền thờ nếu họ trả lời tất cả các câu hỏi về giấy giới thiệu đi đền thờ một cách thích hợp và chân thành.

26.5.7

Các Tín Hữu Tự Nhận là Người Chuyển Giới

Các tín hữu xứng đáng tự nhận là người chuyển giới nhưng không theo đuổi sự chuyển đổi y khoa, phẫu thuật hoặc trong sự giao tiếp xã hội sang giới tính khác với giới tính sinh học của họ khi ra đời (“chuyển đổi giới tính”) đều có thể nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ và các giáo lễ của đền thờ.

Các giáo lễ đền thờ được tiếp nhận tùy theo giới tính sinh học của một người khi sinh ra. Vì lý do này, các tín hữu sau đây không thể nhận được một giấy giới thiệu đi đền thờ, kể cả giấy giới thiệu thực hiện phép báp têm và lễ xác nhận thay cho người chết:

  • Các tín hữu đã nhận được sự phẫu thuật y khoa tự chọn hoặc sự can thiệp bằng phẫu thuật để cố gắng chuyển đổi giới tính

  • Các tín hữu đã chuyển đổi về mặt giao tiếp xã hội sang giới tính trái với giới tính sinh học của họ khi ra đời

Chủ tịch giáo khu nên hội ý với Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng để giải quyết từng tình huống một với sự nhạy cảm và tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô (xin xem đoạn 38.6.23 và đoạn 38.7.7).

26.5.8

Các Tín Hữu Đã Phạm một Tội Nghiêm Trọng

Một tín hữu đã phạm một tội nghiêm trọng thì không thể nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ cho đến khi người đó đã hối cải (xin xem phần 32.6). Khoảng thời gian giữa sự phạm tội và việc cấp giấy giới thiệu là tùy theo quyết định của vị giám trợ và chủ tịch giáo khu. Chỉ cần xác định rằng người đó đã thực sự hối cải là đủ.

26.5.9

Các Tín Hữu Đã Được Thu Nhận Lại sau khi Đã Bị Thu Hồi hoặc Từ Bỏ Tư Cách Tín Hữu của Giáo Hội

26.5.9.1

Các Tín Hữu Chưa Được Làm Lễ Thiên Ân Trước Kia

Sau khi một tín hữu chưa được làm lễ thiên ân trước kia đã được thu nhận lại qua phép báp têm và lễ xác nhận, vị giám trợ có thể phỏng vấn người đó để nhận giấy giới thiệu đi đền thờ để thực hiện phép báp têm và lễ xác nhận thay cho người chết (xin xem đoạn 26.4.2). Cuộc phỏng vấn này thường diễn ra trong vòng một tuần kể từ khi người tín hữu được làm lễ xác nhận. Những nam tín hữu Giáo Hội cần phải được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế trước khi tiếp nhận giấy giới thiệu đi đền thờ.

Các tín hữu này không thể được cấp giấy giới thiệu để tiếp nhận lễ thiên ân riêng của họ cho đến tròn một năm sau ngày họ được thu nhận lại vào Giáo Hội qua phép báp têm và lễ xác nhận.

26.5.9.2

Các Tín Hữu Đã Được Làm Lễ Thiên Ân Trước Kia

Các tín hữu nào đã được làm lễ thiên ân trước kia thì không thể nhận được bất cứ loại giấy giới thiệu nào cho đến khi các phước lành đền thờ của họ được phục hồi qua giáo lễ phục hồi các phước lành (xin xem mục 32.17.2). Khi các phước lành của họ được phục hồi, họ có thể được cấp một giấy giới thiệu đi đền thờ dành cho các tín hữu đã làm lễ thiên ân.