Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
18. Thực Hiện Các Giáo Lễ và Các Phước Lành của Chức Tư Tế


“18. Thực Hiện Các Giáo Lễ và Các Phước Lành của Chức Tư Tế,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“18. Thực Hiện Các Giáo Lễ và Các Phước Lành của Chức Tư Tế,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

Hình Ảnh
gia đình đi bộ gần đền thờ

18.

Thực Hiện Các Giáo Lễ và Các Phước Lành của Chức Tư Tế

18.0

Lời Giới Thiệu

Các giáo lễ và các phước lành là những hành động thiêng liêng được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế và trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi những người nắm giữ chức tư tế thực hiện các giáo lễ và ban các phước lành, họ noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi để ban phước cho người khác. Các giáo lễ và các phước lành của chức tư tế tạo điều kiện để tiếp cận với quyền năng của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:20).

Các giáo lễ và các phước lành phải được thực hiện với đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và theo như sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng các giáo lễ này được thực hiện với sự chấp thuận thích hợp (khi nào cần), với thẩm quyền chức tư tế cần thiết, theo cách thích hợp và bởi những người tham gia xứng đáng (xin xem phần 18.3).

Đối với những chính sách về các giáo lễ và các phước lành của chức tư tế, xin xem phần 38.2.

18.1

Các Giáo Lễ về Sự Cứu Rỗi và Tôn Cao

Chức tư tế gồm có thẩm quyền để thực hiện các giáo lễ phúc âm cần thiết cho sự cứu rỗi và sự tôn cao. Người ta lập giao ước thiêng liêng với Thượng Đế khi họ nhận được các giáo lễ này. Các giáo lễ về sự cứu rỗi và sự tôn cao được liệt kê dưới đây:

  • Phép báp têm

  • Lễ xác nhận và ân tứ Đức Thánh Linh

  • Lễ truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và lễ sắc phong một chức phẩm (cho những người nam)

  • Lễ thiên ân trong đền thờ

  • Lễ gắn bó trong đền thờ

Để có thông tin về việc thực hiện các giáo lễ này cho những người bị thiểu năng trí tuệ, xin xem như sau:

  • Về phép báp têm và lễ xác nhận (mục 38.2.8.1)

  • Về lễ sắc phong chức phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (mục 38.2.9.7)

  • Về lễ thiên ân và lễ gắn bó trong đền thờ (mục 27.2.1.3 và mục 27.3.1.2)

Nếu một đứa trẻ được sinh ra trong giao ước chết trước 8 tuổi, thì không cần có hoặc không cần phải thực hiện một giáo lễ nào. Nếu một đứa trẻ không được sinh ra trong giao ước, thì giáo lễ duy nhất mà đứa trẻ ấy cần là phải được làm lễ gắn bó với cha mẹ. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, tất cả các trẻ em chết trước 8 tuổi đều “được cứu rỗi trong vương quốc thượng thiên” (Giáo Lý và Giao Ước 137:10; xin xem thêm Mô Rô Ni 8:8–12).

18.2

Các Giáo Lễ và Các Phước Lành Khác

Các giáo lễ và các phước lành khác làm cho con cái của Thượng Đế có thể nhận được quyền năng, sự chữa lành, an ủi và hướng dẫn của Ngài. Các giáo lễ và các phước lành này được liệt kê dưới đây:

  • Lễ đặt tên và ban phước cho trẻ em

  • Tiệc Thánh

  • Lễ truyền giao Chức Tư Tế A Rôn và lễ sắc phong một chức phẩm (cho các thiếu niên và những người nam)

  • Lễ phong nhiệm các tín hữu để phục vụ trong các chức vụ kêu gọi

  • Thánh hóa dầu

  • Ban phước cho người bệnh

  • Các phước lành để an ủi và khuyên bảo, kể cả các phước lành của người cha

  • Làm lễ cung hiến nhà ở

  • Làm lễ cung hiến mộ phần

  • Các phước lành tộc trưởng bởi các tộc trưởng đã được sắc phong

Hình Ảnh
em bé được ban phước

18.3

Sự Tham Gia vào một Giáo Lễ hoặc Lễ Ban Phước

Những người thực hiện hoặc tham gia vào một giáo lễ hoặc lễ ban phước phải có thẩm quyền chức tư tế cần thiết và phải xứng đáng. Nói chung, tiêu chuẩn của sự xứng đáng liên quan đến việc nắm giữ một giấy giới thiệu đi đền thờ. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn bởi Thánh Linh và những chỉ dẫn trong chương này, các giám trợ và các chủ tịch giáo khu có thể cho phép những người cha và người chồng giữ chức phẩm chức tư tế cần thiết để thực hiện hoặc tham gia vào một số giáo lễ và các lễ ban phước cho dù họ không hoàn toàn xứng đáng đi đền thờ. Một người nắm giữ chức tư tế mà có những tội lỗi nghiêm trọng chưa được giải quyết thì không nên tham gia.

Nói chung, chỉ những người lãnh đạo chức tư tế và những người khác nắm giữ chức tư tế là những người trong gia đình và bạn bè thân thiết mới tham gia trong một giáo lễ hoặc lễ ban phước.

Người đang tiếp nhận giáo lễ, những người trong gia đình và những người lãnh đạo chức tư tế cùng nhau hội ý để xác định ai và bao nhiêu người sẽ tham gia. Quyết định này nên được đưa ra từ lâu trước khi giáo lễ được thực hiện.

Khi chỉ có một hoặc hai người nắm giữ chức tư tế tham gia, mỗi người đặt nhẹ hai tay lên đầu của người thụ lễ. Khi có nhiều người tham gia thì họ đứng thành một vòng tròn xung quanh người đang tiếp nhận giáo lễ hoặc phước lành. Mỗi người đặt nhẹ tay phải lên trên đầu của người thụ lễ (hoặc ở bên dưới đứa bé sơ sinh đang được ban phước) và đặt tay trái lên trên vai của người anh em đứng ở bên trái của mình. Một người sẽ đại diện để nói khi thực hiện giáo lễ hoặc ban phước lành.

Thực hiện hoặc tiếp nhận các giáo lễ và phước lành nào đó cần có sự chấp thuận từ một vị lãnh đạo chủ tọa là người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế cần thiết (xin xem đoạn 3.4.1). Nếu cần, sự chấp thuận có thể được đưa ra bởi một người cố vấn mà vị ấy cho phép. Xin xem các biểu đồ sau đây. Những điều nói đến các chủ tịch giáo khu cũng áp dụng cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo. Những điều nói đến các giám trợ cũng áp dụng cho các chủ tịch chi nhánh.

Các Vị Lãnh Đạo Nào Nắm Giữ Các Chìa Khóa để Chấp Thuận Việc Thực Hiện hoặc Tiếp Nhận Các Giáo Lễ về Sự Cứu Rỗi và Tôn Cao?

Giáo Lễ

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Giáo Lễ

Phép Báp Têm

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Vị giám trợ (dành cho trẻ em 8 tuổi và cho các tín hữu có tên trong hồ sơ tín hữu từ 9 tuổi trở lên mà lễ báp têm bị trì hoãn do thiểu năng trí tuệ)

Chủ tịch phái bộ truyền giáo (dành cho những người cải đạo)

Giáo Lễ

Lễ xác nhận và ân tứ Đức Thánh Linh

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Vị giám trợ (dành cho trẻ em 8 tuổi và cho các tín hữu có tên trong hồ sơ tín hữu từ 9 tuổi trở lên mà lễ báp têm bị trì hoãn do thiểu năng trí tuệ)

Chủ tịch phái bộ truyền giáo (dành cho những người cải đạo)

Giáo Lễ

Lễ truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và lễ sắc phong một chức phẩm (cho những người nam)

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Chủ tịch giáo khu

Giáo Lễ

Lễ thiên ân trong đền thờ

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Giám trợ và chủ tịch giáo khu

Giáo Lễ

Lễ gắn bó trong đền thờ

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Giám trợ và chủ tịch giáo khu

Các Vị Lãnh Đạo Nào Nắm Giữ Các Chìa Khóa để Chấp Thuận Việc Thực Hiện hoặc Tiếp Nhận Các Giáo Lễ và Các Phước Lành Khác?

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Lễ đặt tên và ban phước cho trẻ em

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Giám trợ

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Tiệc Thánh

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Giám trợ

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Lễ truyền giao Chức Tư Tế A Rôn và lễ sắc phong một chức phẩm (cho các thiếu niên và những người nam)

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Giám trợ

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Lễ phong nhiệm các tín hữu để phục vụ trong các chức vụ kêu gọi

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Xin xem phần 30.8

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Thánh hóa dầu

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Không cần có sự chấp thuận

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Ban phước cho người bệnh

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Không cần có sự chấp thuận

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Các phước lành để an ủi và khuyên bảo, kể cả các phước lành của người cha

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Không cần có sự chấp thuận

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Làm lễ cung hiến nhà ở

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Không cần có sự chấp thuận

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Làm lễ cung hiến mộ phần

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Vị lãnh đạo chức tư tế là người chủ tọa buổi lễ

Giáo Lễ hoặc Phước Lành

Các phước lành tộc trưởng

Người Nắm Giữ Các Chìa Khóa

Giám trợ

18.4

Các Giáo Lễ dành cho Trẻ Em Tuổi Vị Thành Niên

Một đứa trẻ vị thành niên có thể được ban phước, được báp têm, được làm lễ xác nhận, được phong nhiệm vào một chức vụ kêu gọi chỉ khi có sự đồng ý của (1) cha mẹ có quyền hợp pháp để tham gia vào quyết định hoặc (2) những người giám hộ hợp pháp. Đối với những thắc mắc về các quyền hợp pháp của cha mẹ không có quyền giám hộ con cái, vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu tìm kiếm lời khuyên pháp lý từ Office of General Counsel (Văn Phòng Đại Diện Pháp Lý) của Giáo Hội hay từ văn phòng giáo vùng (xin xem đoạn 38.8.23).

Để có những chỉ dẫn về phép báp têm và lễ xác nhận cho con cái tuổi vị thành niên, xin xem mục 38.2.8.2.

18.5

Các Giáo Lễ Được Thực Hiện cho và bởi Những Người Khuyết Tật

Xin xem đoạn 38.2.4 và đoạn 38.2.5.

18.6

Lễ Đặt Tên và Ban Phước cho Trẻ Em

“Mọi tín hữu trong giáo hội của Đấng Ky Tô có con cái đều phải đem chúng đến các anh cả trước giáo hội, là những người phải làm phép đặt tay lên chúng trong danh Chúa Giê Su Ky Tô, và ban phước lành cho chúng trong danh Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 20:70).

Trẻ em thường được làm lễ đặt tên và ban phước lành trong buổi họp nhịn ăn và chia sẻ chứng ngôn trong tiểu giáo khu nơi cha mẹ của các em cư ngụ. Điều này đúng như vậy bất kể cha mẹ của đứa trẻ đã kết hôn hay chưa. Nếu cha mẹ không ở chung với nhau, giáo lễ thường được thực hiện tại tiểu giáo khu ở nơi mà đứa trẻ sẽ chủ yếu thuộc vào.

Các trường hợp ngoại lệ liên quan đến thời gian và địa điểm thông thường để ban phước cho một đứa trẻ đều phải được vị giám trợ chấp thuận. Các trường hợp ngoại lệ có thể gồm có việc thực hiện các lễ ban phước không vào ngày Chủ Nhật nhịn ăn, nhất là trong các tiểu giáo khu có nhiều em bé sơ sinh, và các lễ ban phước tại một tiểu giáo khu khác trong khu vực, là nơi mà ông bà hoặc nhiều người trong gia đình của đứa bé đó đang sinh sống. Vị giám trợ cũng có thể cho phép những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc ban phước cho đứa trẻ tại nhà. Một thành viên trong giám trợ đoàn chủ tọa.

Để biết thông tin về cách đặt tên và làm lễ ban phước cho trẻ em trong những hoàn cảnh đặc biệt, xin xem đoạn 38.2.7.

18.6.1

Người Làm Lễ Ban Phước

Giáo lễ đặt tên và ban phước cho một đứa bé được thực hiện bởi những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, phù hợp với Giáo Lý và Giao Ước 20:70. Các vị lãnh đạo chức tư tế cần cho các tín hữu biết về điều này trước khi con họ được làm lễ đặt tên và ban phước. Các vị lãnh đạo nên cố gắng hết sức để tránh làm cho các cá nhân hoặc gia đình cảm thấy ngượng ngùng hoặc bị xúc phạm.

Một người hoặc một gia đình mong muốn một đứa trẻ được đặt tên và nhận một lễ ban phước thì sẽ yêu cầu vị giám trợ để phối hợp giáo lễ đó. Vị này nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để làm lễ đặt tên và ban phước cho các trẻ em trong tiểu giáo khu.

Một giám trợ có thể cho phép một người cha nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc làm lễ đặt tên và ban phước cho con mình cho dù người cha này không hoàn toàn xứng đáng để đi đền thờ (xin xem phần 18.3). Các giám trợ khuyến khích những người cha tự chuẩn bị bản thân để làm lễ ban phước cho con cái của họ.

Để được đại diện nói trong lễ ban phước cho một đứa trẻ, một người ở bên ngoài tiểu giáo khu của mình cần phải trình cho vị lãnh đạo chủ tọa xem một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành. Hoặc người này có thể trình ra một Recommend to Perform an Ordinance (Giấy Giới Thiệu Thực Hiện một Giáo Lễ) đã được ký bởi một thành viên trong giám trợ đoàn của người ấy.

18.6.2

Những Chỉ Dẫn

Dưới sự hướng dẫn của giám trợ đoàn, những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đứng thành một vòng tròn để làm lễ đặt tên và ban phước cho một đứa trẻ. Họ để ngửa tay đỡ thân của một em bé hoặc đặt nhẹ tay lên đầu nếu là một đứa trẻ lớn hơn. Sau đó người đại diện thay mặt để nói:

  1. Thưa cùng Cha Thiên Thượng như trong lời cầu nguyện.

  2. Nói rõ rằng lễ ban phước này được thực hiện bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  3. Ban cho đứa trẻ ấy một cái tên.

  4. Ngỏ lời cùng đứa trẻ ấy.

  5. Ban một phước lành cho đứa trẻ khi được Thánh Linh hướng dẫn.

  6. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

18.6.3

Mẫu Hồ Sơ Trẻ Em và Giấy Chứng Nhận Lễ Ban Phước

Trước khi một đứa trẻ được ban phước, người thư ký sử dụng hệ thống Leader and Clerk Resources (Những Nguồn Tài Liệu của Vị Lãnh Đạo và Thư Ký) để chuẩn bị một Child Record Form (Mẫu Hồ Sơ Trẻ Em). Sau lễ ban phước, người này tạo ra hồ sơ tín hữu trong hệ thống đó và chuẩn bị một Giấy Chứng Nhận Lễ Ban Phước. Giấy chứng nhận này được vị giám trợ ký và đưa cho cha mẹ hoặc người giám hộ của đứa trẻ ấy.

Tên trong hồ sơ tín hữu và giấy chứng nhận phải đúng với tên trong giấy khai sinh, giấy đăng ký khai sinh dân sự hoặc tên hợp pháp hiện hành.

18.7

Phép báp têm

Phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước bởi một người có thẩm quyền là cần thiết để một người trở thành tín hữu của Giáo Hội và nhận được Đức Thánh Linh. Tất cả những người tìm kiếm sự tôn cao đều phải noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi bằng cách tiếp nhận các giáo lễ này. (Xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17; Giăng 3:3–7; Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37–38; 2 Nê Phi 31:5–21.)

Để có thông tin về phép báp têm trong những hoàn cảnh đặc biệt, xin xem đoạn 38.2.8.

Hình Ảnh
cậu bé trai đang chịu phép báp têm

18.7.1

Chấp Thuận cho một Người Được Báp Têm và Được Làm Lễ Xác Nhận

18.7.1.1

Trẻ Em Có Tên Trong Hồ Sơ Tín Hữu

Vị giám trợ nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để làm phép báp têm cho các tín hữu 8 tuổi có tên trong hồ sơ tín hữu trong một tiểu giáo khu. Các em này nên được làm phép báp têm và được làm lễ xác nhận vào hoặc ngay sau sinh nhật lần thứ 8 của các em khi hợp lý (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:27). Đây là các trẻ em đã có tên trong hồ sơ tín hữu của Giáo Hội (xin xem đoạn 33.6.2). Khi trẻ em được 8 tuổi, vị giám trợ phải chắc chắn rằng các em có mọi cơ hội để chấp nhận phúc âm và chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận.

Để có thông tin về việc làm phép báp têm và lễ xác nhận cho một người bị thiểu năng trí tuệ, xin xem đoạn 38.2.4 và mục 38.2.8.1.

Vị giám trợ hoặc một cố vấn được chỉ định phỏng vấn những trẻ em có tên trong hồ sơ tín hữu để làm báp têm và lễ xác nhận. Những chỉ dẫn nằm trong mục 31.2.3.1.

Để có thông tin về việc điền vào Hồ Sơ Báp Têm và Lễ Xác Nhận, xin xem đoạn 18.8.3.

Các vị giám trợ đặc biệt chú ý đến các em 7 tuổi trong tiểu giáo khu, bảo đảm rằng cha mẹ, các vị lãnh đạo và giảng viên Hội Thiếu Nhi của các em, và những người phục sự cho gia đình của các em giúp các em chuẩn bị cho phép báp têm và lễ xác nhận. Các vị lãnh đạo nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ cũng khuyến khích cha mẹ nên chuẩn bị con cái của họ cho các giáo lễ này.

18.7.1.2

Người Cải Đạo

Chủ tịch phái bộ truyền giáo nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để làm phép báp têm cho những người cải đạo trong một phái bộ truyền giáo. Vì lý do này, những người truyền giáo toàn thời gian phỏng vấn những người cải đạo cho phép báp têm và lễ xác nhận. Những chỉ dẫn nằm trong mục 31.2.3.2.

Để có thông tin về việc điền vào Hồ Sơ Báp Têm và Lễ Xác Nhận, xin xem đoạn 18.8.3.

18.7.2

Lễ Báp Têm

Một buổi lễ báp têm cần phải đơn giản, ngắn gọn và nâng cao tinh thần. Buổi lễ này gồm những điều sau đây:

  1. Nhạc dạo mở đầu

  2. Một người anh em là người điều khiển buổi lễ đưa ra một lời chào mừng ngắn gọn

  3. Một bài thánh ca và lời cầu nguyện mở đầu

  4. Một hoặc hai bài nói chuyện ngắn về các đề tài phúc âm, chẳng hạn như phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh

  5. Một bài hát tuyển chọn

  6. Phép báp têm

  7. Một thời gian nghiêm trang trong khi những người đã tham gia vào phép báp têm thay quần áo khô (có thể chơi nhạc hoặc hát các bài thánh ca hoặc các bài ca Thiếu Nhi trong thời gian này)

  8. Lễ xác nhận của các tín hữu 8 tuổi có tên trong hồ sơ tín hữu; lễ xác nhận của những người cải đạo nếu được vị giám trợ xác nhận (xin xem phần 18.8)

  9. Những người mới cải đạo chia sẻ chứng ngôn, nếu muốn

  10. Một bài thánh ca và lời cầu nguyện kết thúc

  11. Phần nhạc dạo kết thúc

Khi một buổi lễ báp têm cho trẻ em 8 tuổi có tên trong hồ sơ tín hữu chỉ liên quan đến một tiểu giáo khu, thì một thành viên trong giám trợ đoàn hoạch định và điều khiển buổi lễ đó. Ông có thể yêu cầu những người lãnh đạo Hội Thiếu Nhi giúp hoạch định buổi lễ.

Khi một buổi lễ báp têm cho các em này liên quan đến nhiều hơn một tiểu giáo khu, thì một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu hoặc một ủy viên hội đồng thượng phẩm đã được chỉ định sẽ hoạch định và điều khiển buổi lễ đó. Ông có thể yêu cầu những người lãnh đạo Hội Thiếu Nhi giúp hoạch định buổi lễ. Một thành viên của giám trợ đoàn từ mỗi tiểu giáo khu mà có một đứa trẻ chịu phép báp têm nên tham dự.

Các tín hữu không nên yêu cầu thời gian riêng cho lễ báp têm của một đứa trẻ. Họ cũng không nên quyết định nội dung của buổi lễ.

Các buổi lễ báp têm cho những người cải đạo nên được lên lịch ngay khi họ đáp ứng những điều kiện trong mục 31.2.3.2. Buổi lễ báp têm của một người trong gia đình không nên bị hoãn lại cho đến khi người cha có thể nhận được chức tư tế và chính ông thực hiện phép báp têm.

Dưới sự hướng dẫn của giám trợ đoàn, người lãnh đạo truyền giáo trong tiểu giáo khu (nếu có một người được kêu gọi) hoặc một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả là người lãnh đạo công việc truyền giáo trong những kế hoạch của tiểu giáo khu và điều khiển các buổi lễ báp têm cho những người cải đạo. Họ phối hợp với những người truyền giáo toàn thời gian.

18.7.3

Người Thực Hiện Giáo Lễ

Giáo lễ báp têm được thực hiện bởi một thầy tư tế hoặc người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Người thực hiện phép báp têm cần phải được chấp thuận bởi vị giám trợ (hoặc bởi chủ tịch phái bộ truyền giáo nếu một người truyền giáo toàn thời gian sẽ thực hiện phép báp têm).

Một vị giám trợ có thể cho phép một người cha là một thầy tư tế hoặc một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc để làm phép báp têm cho con của mình cho dù người cha chưa hoàn toàn xứng đáng đi đền thờ (xin xem phần 18.3). Các giám trợ khuyến khích những người cha tự chuẩn bị bản thân để làm phép báp têm cho con cái của họ.

Để thực hiện phép báp têm, một người ở bên ngoài tiểu giáo khu của mình phải trình cho vị lãnh đạo chủ tọa xem một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành. Hoặc người này có thể trình ra một Recommend to Perform an Ordinance (Giấy Giới Thiệu Thực Hiện một Giáo Lễ) đã được ký bởi một thành viên trong giám trợ đoàn của người ấy.

18.7.4

Nơi Thực Hiện Giáo Lễ

Các phép báp têm nên được thực hiện trong một hồ báp têm nếu có sẵn. Nếu không có hồ báp têm, thì có thể sử dụng một nơi nào có số lượng nước an toàn. Nơi này cần phải đủ chỗ đủ cho cả người thực hiện giáo lễ lẫn người chịu phép báp têm đứng vào. Không được làm lễ cung hiến nước để sử dụng cho phép báp têm.

Cần phải lên lịch với một tín hữu đã được chỉ định trong tiểu giáo khu của giám trợ đại diện để sử dụng hồ báp têm.

Để được an toàn, một người thành niên có trách nhiệm cần phải có mặt trong khi hồ báp têm được đổ đầy nước và phải ở lại đó cho đến khi cái hồ đã được xả cạn hết nước, rửa sạch và đóng lại. Hồ nước cần phải được xả cạn hết nước ngay sau mỗi buổi lễ báp têm. Cửa của hồ nước nên được khóa lại khi không sử dụng.

18.7.5

Quần Áo Báp Têm

Người thực hiện phép báp têm và người chịu phép báp têm mặc y phục màu trắng mà không thể nhìn xuyên thấu khi ướt. Một người đã nhận lễ thiên ân mặc bộ trang phục đền thờ ở bên trong y phục này trong khi làm phép báp têm. Các đơn vị địa phương mua y phục báp têm bằng tiền ngân sách và không được thu lệ phí sử dụng.

18.7.6

Các Nhân Chứng

Hai nhân chứng, đã được vị lãnh đạo chủ tọa chấp thuận, quan sát mỗi phép báp têm để bảo đảm rằng giáo lễ này được thực hiện đúng cách. Các tín hữu đã chịu phép báp têm của Giáo Hội, kể cả trẻ em và giới trẻ, có thể phục vụ với tư cách là nhân chứng.

Một phép báp têm cần phải được làm lại nếu những lời không được nói chính xác như đã được ghi trong Giáo Lý và Giao Ước 20:73. Giáo lễ này cũng cần phải làm lại nếu một phần thân thể, tóc hoặc y phục của người thụ lễ không được dìm hoàn toàn xuống nước.

18.7.7

Những Chỉ Dẫn

Để thực hiện giáo lễ báp têm, một thầy tư tế hoặc người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc:

  1. Đứng trong nước với người sắp được báp têm.

  2. Giữ cổ tay phải của người thụ lễ bằng tay trái của mình (để cho thuận tiện và an toàn). Người được báp têm nắm cổ tay trái của người nắm giữ chức tư tế bằng tay trái của mình.

  3. Giơ cánh tay phải của mình lên thành hình góc vuông.

  4. Đọc rõ họ và tên đầy đủ của người thụ lễ và nói: “Với tư cách là người đã được Chúa Giê Su Ky Tô phong quyền, tôi làm phép báp têm cho anh (chị, em) trong danh của Đức Chúa Cha, và của Đức Chúa Con, và của Đức Thánh Linh. A Men” (Giáo Lý và Giao Ước 20:73).

  5. Bảo người thụ lễ bịt mũi của người ấy lại bằng bàn tay phải (để cho thuận tiện); rồi đặt bàn tay phải của mình đỡ sau lưng của người thụ lễ và dìm người ấy hoàn toàn dưới nước, kể cả quần áo. Việc dìm xuống nước sẽ dễ dàng hơn nếu người thụ lễ khuỵu đầu gối của mình xuống.

  6. Giúp người thụ lễ ra khỏi nước.

18.7.8

Hồ Sơ Báp Têm

Để có thông tin về việc lập hồ sơ báp têm, xin xem đoạn 18.8.3.

18.8

Lễ Xác Nhận và Ân Tứ Đức Thánh Linh

Sau khi đã được báp têm, một người được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội và tiếp nhận Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:41; Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1–6). Người ấy trở thành tín hữu của Giáo Hội sau khi cả hai giáo lễ này được hoàn tất và ghi chép lại một cách thích hợp (xin xem Giăng 3:5; Giáo Lý và Giao Ước 33:11; 3 Nê Phi 27:20).

Để biết thông tin về lễ xác nhận trong những hoàn cảnh đặc biệt, xin xem đoạn 38.2.8.

Vị giám trợ nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để làm lễ xác nhận cho các tín hữu 8 tuổi có tên trong hồ sơ của tiểu giáo khu của vị ấy. Chủ tịch phái bộ truyền giáo nắm giữ các chìa khóa để làm lễ xác nhận cho những người cải đạo (để có được định nghĩa về phép báp têm của một người cải đạo, xin xem mục 31.2.3.2).

Vị giám trợ giám sát việc thực hiện lễ xác nhận. Các em tám tuổi thường được xác nhận vào ngày các em được báp têm. Những người cải đạo thường được làm lễ xác nhận trong bất cứ buổi lễ Tiệc Thánh nào ở tiểu giáo khu nơi họ thuộc vào, tốt hơn hết là vào ngày Chủ Nhật ngay sau lễ báp têm của họ. Tuy nhiên, vị giám trợ có thể cho phép lễ xác nhận diễn ra tại lễ báp têm như là một ngoại lệ.

Một thành viên của giám trợ đoàn tuân theo các hướng dẫn trong mục 29.2.1.1 khi giới thiệu các tín hữu mới.

Hình Ảnh
người thiếu nữ đang được làm lễ xác nhận

18.8.1

Người Thực Hiện Giáo Lễ

Giáo lễ xác nhận được thực hiện bởi những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Người đại diện để nói cần phải được chấp thuận bởi vị giám trợ (hoặc bởi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo nếu một người truyền giáo toàn thời gian sẽ thực hiện lễ xác nhận).

Chỉ một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là người xứng đáng để đi đền thờ mới có thể đại diện để nói trong một lễ xác nhận. Tuy nhiên, một giám trợ có thể cho phép một người cha nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được đứng trong vòng tròn để làm lễ xác nhận cho đứa con của mình cho dù người cha ấy chưa hoàn toàn xứng đáng để đi đền thờ (xin xem đoạn 18.3).

Ít nhất một thành viên trong giám trợ đoàn tham gia vào giáo lễ này. Khi các anh cả truyền giáo đã giảng dạy một người cải đạo, thì vị giám trợ có thể mời các anh cả này tham gia.

Để được đại diện nói trong giáo lễ này, một người ở bên ngoài tiểu giáo khu của mình cần phải trình cho vị lãnh đạo chủ tọa xem một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành. Hoặc người này có thể trình ra một Recommend to Perform an Ordinance (Giấy Giới Thiệu Thực Hiện một Giáo Lễ) đã được ký bởi một thành viên trong giám trợ đoàn của người ấy.

18.8.2

Những Chỉ Dẫn

Dưới sự hướng dẫn của giám trợ đoàn, một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể tham gia vào lễ xác nhận. Họ đặt nhẹ tay lên đầu của người thụ lễ. Sau đó người đại diện thay mặt để nói:

  1. Gọi người thụ lễ bằng họ và tên đầy đủ của người ấy.

  2. Nói rõ rằng giáo lễ này được thực hiện bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  3. Xác nhận người thụ lễ là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

  4. Nói rõ “hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh” (chứ không phải là “hãy tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh”).

  5. Đưa ra những lời ban phước theo như Thánh Linh hướng dẫn.

  6. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

18.8.3

Hồ Sơ và Giấy Chứng Nhận Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận

Trước khi một đứa trẻ là tín hữu có tên trong hồ sơ tín hữu được phỏng vấn để chịu phép báp têm, người thư ký sử dụng hệ thống LCR để chuẩn bị một Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận. Vị giám trợ hay một cố vấn đã được chỉ định tiến hành cuộc phỏng vấn này và ký vào mẫu đó. Sau phép báp têm và lễ xác nhận, người thư ký sử dụng mẫu này để cập nhật hồ sơ tín hữu của đứa trẻ trong hệ thống LCR.

Khi một người truyền giáo toàn thời gian phỏng vấn một người cải đạo để chịu phép báp têm, người ấy điền vào Hồ Sơ Báp Têm và Lễ Xác Nhận bằng cách sử dụng ứng dụng Sổ Hoạch Định của Giáo Vùng (ABP). Sau phép báp têm và lễ xác nhận, những người truyền giáo ghi lại thông tin trong ABP và nộp bằng điện tử cho thư ký tiểu giáo khu. Thư ký tiểu giáo khu xem xét thông tin trong hệ thống LCR và lập hồ sơ tín hữu.

Sau khi đã lập ra hồ sơ tín hữu, một thư ký chuẩn bị một Giấy Chứng Nhận Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận. Giấy chứng nhận này do vị giám trợ ký vào và đưa cho người thụ lễ.

Tên trong hồ sơ tín hữu và giấy chứng nhận phải đúng với tên trong giấy khai sinh, giấy đăng ký khai sinh dân sự hoặc tên hợp pháp hiện hành.

18.9

Tiệc Thánh

Các tín hữu Giáo Hội nhóm họp vào ngày Sa Bát để thờ phượng Thượng Đế và dự phần Tiệc Thánh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:75; 59:59; Mô Rô Ni 6:5–6). Trong giáo lễ này, họ dự phần bánh và nước để tưởng nhớ đến sự hy sinh thể xác và máu của Đấng Cứu Rỗi và để tái lập các giao ước thiêng liêng của họ (xin xem Ma Thi Ơ 26:26–28; Bản Dịch Joseph Smith, Mác 14:20–25; Lu Ca 22:15–20; 3 Nê Phi 18; Mô Rô Ni 6:6). Mọi người tham dự cần phải nghiêm trang trong lúc ban phước và chuyền Tiệc Thánh.

18.9.1

Sự Chấp Thuận để Thực Hiện Tiệc Thánh

Vị giám trợ nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để thực hiện Tiệc Thánh trong tiểu giáo khu. Tất cả những người nào tham gia trong việc chuẩn bị, ban phước và chuyền Tiệc Thánh cần phải nhận được sự chấp thuận từ vị giám trợ hoặc một người nào đó dưới sự hướng dẫn của ông.

Nếu các tín hữu trong tiểu giáo khu của ông không thể dự phần Tiệc Thánh vì họ bị bệnh không thể ra khỏi nhà, trung tâm chăm sóc hoặc bệnh viện, thì vị giám trợ có thể cho phép những người nắm giữ chức tư tế để thực hiện Tiệc Thánh cho họ. Ông ấy có thể cho phép điều này cho dù họ đang tạm thời ở bên ngoài ranh giới tiểu giáo khu của ông. Tuy nhiên, ông có thể không cho phép Tiệc Thánh được thực hiện cho các tín hữu ở bên ngoài ranh giới tiểu giáo khu của ông trong những trường hợp khác.

Trong những trường hợp hiếm hoi, buổi lễ Tiệc Thánh có thể không được tổ chức trong một thời gian dài. Trong những tình huống này, một giám trợ có thể cho phép những người nắm giữ chức tư tế xứng đáng trong tiểu giáo khu của ông chuẩn bị và thực hiện Tiệc Thánh trong nhà của họ mỗi ngày Sa Bát. Các giám trợ cũng có thể cho phép họ chuẩn bị và thực hiện Tiệc Thánh cho các tín hữu trong tiểu giáo khu mà không có người nắm giữ chức tư tế trong nhà của họ.

Khi vị giám trợ cho phép Tiệc Thánh được chuẩn bị và thực hiện ở bên ngoài các buổi lễ tiêu chuẩn của Giáo Hội, thì những chỉ dẫn trong đoạn 18.9.2 về người thực hiện giáo lễ vẫn được áp dụng.

18.9.2

Người Thực Hiện Giáo Lễ

  • Các thầy giảng, thầy tư tế, và những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể chuẩn bị Tiệc Thánh.

  • Các thầy tư tế và những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể ban phước Tiệc Thánh.

  • Các thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế, và những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể chuyền Tiệc Thánh.

Khi có đủ những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn thì họ thường thực hiện các bổn phận này. Khi không có đủ các thầy trợ tế để chuyền Tiệc Thánh, thì chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế hội ý với vị giám trợ về người nào nên được mời phụ giúp. Thường thường, ông yêu cầu các thầy giảng và các thầy tư tế giúp đỡ trước khi nhờ các anh cả và các thầy tư tế thượng phẩm.

18.9.3

Những Chỉ Dẫn để Thực Hiện Tiệc Thánh

Vì tính chất thiêng liêng của Tiệc Thánh nên các vị lãnh đạo chức tư tế nên chuẩn bị kỹ để có sự trật tự và tôn kính. Khăn trải bàn Tiệc Thánh cần phải là màu trắng, sạch sẽ, và ủi thẳng. Khay Tiệc Thánh cần phải được giữ sạch. Khay và ly Tiệc Thánh đều phải được đặt hàng sẵn từ trước.

Những người thực hiện Tiệc Thánh nên làm như vậy một cách nghiêm trang và nhận biết rằng họ đang đại diện cho Chúa. Giám trợ đoàn khuyến khích họ suy ngẫm về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi trong khi họ chuẩn bị, ban phước, và chuyền Tiệc Thánh.

Những người thực hiện Tiệc Thánh cần phải ăn mặc chỉnh tề và sạch sẽ. Họ không nên mặc quần áo hoặc đồ trang sức mà có thể làm giảm giá trị của sự thờ phượng và việc lập giao ước vốn là mục đích của Tiệc Thánh. Nếu vị giám trợ cần phải khuyên bảo một người nắm giữ chức tư tế về những vấn đề như vậy, thì ông ta làm như thế với tình yêu thương. Ông cũng xem xét sự chín chắn của người đó trong Giáo Hội.

Việc chuyền Tiệc Thánh cần phải được tự nhiên và không quá trịnh trọng. Ví dụ, không cần có một số hành động nhất định (như để tay trái ở đằng sau lưng) hoặc dáng điệu bề ngoài (như mặc quần áo giống nhau).

Giáo đoàn hát một bài thánh ca Tiệc Thánh trong khi bánh được bẻ ra. Phần hát đơn ca hoặc nhạc không lời không thể thay thế bài thánh ca Tiệc Thánh. Không nên chơi nhạc trong lúc chuyền Tiệc Thánh hoặc ngay sau đó.

Nếu các tín hữu bị dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp được gluten trong thực phẩm thì họ thảo luận với một thành viên của giám trợ đoàn xem cần phải có những sự thích ứng nào cho Tiệc Thánh. Khi cần, giám trợ có thể sửa đổi thủ tục để thực hiện Tiệc Thánh cho họ.

Nói chung, bánh phải được bẻ ra như là một phần của giáo lễ Tiệc Thánh. Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của một tín hữu cụ thể, người tín hữu đó có thể cung cấp bánh mì không có chất gây dị ứng hoặc một thực phẩm thay thế khác giống như bánh mì bẻ ra trong một túi nhựa hoặc một cái ly được bịt kín. Họ đưa cái này cho một người nắm giữ chức tư tế để đặt trong một khay riêng. Giám trợ đoàn giúp những người chuyền Tiệc Thánh biết các tín hữu nào cần được chuyền bánh không có chất gây dị ứng.

Xin xem trang mạng disability.ChurchofJesusChrist.org để có các chỉ dẫn về thực phẩm gây dị ứng.

Mặc dù Tiệc Thánh là dành cho các tín hữu của Giáo Hội, nhưng không nên làm điều gì để ngăn cản những người khác dự phần Tiệc Thánh.

Hình Ảnh
thiếu niên chuyền Tiệc Thánh

18.9.4

Những Chỉ Dẫn

  1. Những người nào chuẩn bị, ban phước hoặc chuyền Tiệc Thánh phải trước tiên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa khác.

  2. Các thầy giảng, thầy tư tế hoặc những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc phải chắc chắn rằng khay để bánh có bánh chưa được bẻ, khay để nước có đầy đủ những cái ly đã được đổ đầy nước sạch, và khăn trải bàn sạch sẽ được để đúng vào chỗ trước buổi họp.

  3. Trong khi các tín hữu tiểu giáo khu hát bài thánh ca Tiệc Thánh, những người nào sẽ ban phước Tiệc Thánh phải nghiêm trang đứng dậy, giở tấm khăn che phủ các khay bánh, và bẻ bánh thành những miếng nhỏ vừa ăn.

  4. Sau bài thánh ca, người ban phước bánh quỳ xuống và dâng lên lời cầu nguyện Tiệc Thánh dành cho bánh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77).

  5. Vị giám trợ bảo đảm rằng những lời cầu nguyện Tiệc Thánh được dâng lên một cách rõ ràng, chính xác, và với sự tôn kính. Nếu một người nào đó nói vấp và tự sửa lại, thì không cần phải sửa thêm nữa. Nếu người ấy không sửa chỗ mình đã nói vấp, thì vị giám trợ nhẹ nhàng yêu cầu người ấy lặp lại lời cầu nguyện đó. Vị giám trợ phải thận trọng khi yêu cầu lặp lại lời cầu nguyện. Ông bảo đảm rằng khi làm như vậy sẽ không gây ra cảm giác bối rối quá đáng hoặc làm giảm giá trị của giáo lễ. Một người khác tại bàn Tiệc Thánh có thể giúp đỡ khi cần.

  6. Sau lời cầu nguyện, những người nắm giữ chức tư tế cung kính chuyền bánh cho các tín hữu. Vị lãnh đạo chủ tọa nhận được bánh trước, sau đó thì khay không cần phải được chuyền theo thứ tự nữa. Một khi khay đã được chuyền đến cho các tín hữu, thì họ có thể chuyền cái khay đó cho nhau.

  7. Các tín hữu dùng tay phải của họ khi có thể được để lấy bánh.

  8. Khi bánh đã được chuyền xong cho tất cả các tín hữu thì những người chuyền Tiệc Thánh mang các khay đó trở lại bàn Tiệc Thánh. Những người ban phước Tiệc Thánh phủ miếng vải che lên trên các khay bánh và mở ra các khay nước.

  9. Người ban phước cho nước quỳ xuống và dâng lời cầu nguyện Tiệc Thánh cho nước (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:79). Người này thay thế từ rượu bằng từ nước.

  10. Sau lời cầu nguyện, những người nắm giữ chức tư tế nghiêm trang chuyền nước cho các tín hữu. Vị lãnh đạo chủ tọa nhận được nước trước, sau đó thì khay không cần phải được chuyền theo thứ tự nữa.

  11. Khi nước đã được chuyền xong cho tất cả các tín hữu thì những người chuyền Tiệc Thánh mang các khay đó trở lại bàn Tiệc Thánh. Những người đã ban phước Tiệc Thánh phủ miếng vải che lên trên các khay và những người đã ban phước và chuyền Tiệc Thánh nghiêm trang trở lại chỗ ngồi của họ.

  12. Sau buổi họp, những người nào đã chuẩn bị Tiệc Thánh sẽ dọn dẹp, gấp khăn trải bàn và bỏ đi bất cứ miếng bánh nào đã không được dùng.

18.10

Truyền Giao Chức Tư Tế và Sắc Phong một Chức Phẩm

Có hai phần của chức tư tế: A Rôn và Mên Chi Xê Đéc (xin xem phần 3.3; Giáo Lý và Giao Ước 107:1, 6). Khi chức tư tế được truyền giao cho một người, thì người đó cũng được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế đó. Sau khi một trong hai chức tư tế này đã được truyền giao, một người chỉ cần được sắc phong các chức phẩm khác trong chức tư tế đó.

Để biết thông tin về lễ sắc phong chức tư tế trong những hoàn cảnh đặc biệt, xin xem đoạn 38.2.9.

18.10.1

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

Chủ tịch giáo khu nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và sắc phong các chức phẩm anh cả và thầy tư tế thượng phẩm. Tuy nhiên, vị giám trợ thường đưa ra những đề nghị cho các lễ sắc phong này.

18.10.1.1

Các Anh Cả

Các anh em xứng đáng có thể nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và được sắc phong làm anh cả khi họ 18 tuổi trở lên. Căn cứ vào hoàn cảnh cá nhân, vị giám trợ xác định liệu một thiếu niên có nên được đề cử để được sắc phong anh cả sau sinh nhật thứ 18 của em ấy hay nên ở lại với nhóm túc số thầy tư tế lâu hơn. Những trường hợp này gồm có những yếu tố sau đây của một thiếu niên:

  • Chứng ngôn và sự chín chắn.

  • Tốt nghiệp ở trường học.

  • Mong muốn tiếp tục với bạn bè.

  • Đi học đại học.

Khi đưa ra quyết định này, vị giám trợ hội ý trước với người thiếu niên và cha mẹ hay người giám hộ của em ấy. Những người nam xứng đáng nên là các anh cả đã được sắc phong trước khi 19 tuổi hoặc trước khi họ rời nhà để đi học đại học, phục vụ truyền giáo toàn thời gian, phục vụ trong quân đội hoặc chấp nhận một việc làm toàn thời gian.

Những người nam từ 18 tuổi trở lên mới chịu phép báp têm được sắc phong anh cả sau khi họ:

  • Đã nhận Chức Tư Tế A Rôn và phục vụ với tư cách là thầy tư tế.

  • Đã phát triển sự hiểu biết đầy đủ về phúc âm.

  • Cho thấy sự xứng đáng của họ.

Không đòi hỏi phải làm tín hữu được một thời gian nhất định.

18.10.1.2

Các Thầy Tư Tế Thượng Phẩm

Những người nam được sắc phong thầy tư tế thượng phẩm khi họ được kêu gọi vào chủ tịch đoàn giáo khu, hội đồng thượng phẩm hoặc giám trợ đoàn. Họ cũng có thể được sắc phong vào những thời điểm khác như đã được chủ tịch giáo khu xác định qua sự thành tâm suy ngẫm và sự cảm ứng.

18.10.1.3

Phỏng Vấn và Tán Trợ

Với sự chấp thuận của chủ tịch đoàn giáo khu, vị giám trợ phỏng vấn người anh em này như đã được chỉ dẫn trên Hồ Sơ Lễ Sắc Phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Sau đó, một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu cũng phỏng vấn người ấy. Với sự chấp thuận của chủ tịch phái bộ truyền giáo, vị chủ tịch giáo hạt có thể phỏng vấn một người anh em để được sắc phong anh cả (xin xem phần 6.3). Để có được những chỉ dẫn về các cuộc phỏng vấn này, xin xem đoạn 31.2.6.

Sau cuộc phỏng vấn, chủ tịch đoàn giáo khu yêu cầu hội đồng thượng phẩm tán trợ sự quyết định để sắc phong cho người anh em đó. Một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu đọc tên người anh em này để tán trợ trong phiên họp chung của đại hội giáo khu (xin xem đoạn 18.10.3). Với sự chấp thuận của chủ tịch phái bộ truyền giáo, vị chủ tịch giáo hạt có thể đọc tên một người anh em để được tán trợ và sắc phong làm anh cả (xin xem phần 6.3).

18.10.2

Chức Tư Tế A Rôn

Vị giám trợ nắm giữ các chìa khóa chức tư tế để truyền giao Chức Tư Tế A Rôn và sắc phong các chức phẩm thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế. Những người nam xứng đáng thường được sắc phong các chức phẩm này ở các độ tuổi sau đây, nhưng không được sớm hơn:

  • Thầy trợ tế vào lúc bắt đầu của năm các em lên 12 tuổi

  • Thầy giảng vào lúc bắt đầu của năm các em lên 14 tuổi

  • Thầy tư tế vào lúc bắt đầu của năm các em lên 16 tuổi

Vị giám trợ hoặc một cố vấn được chỉ định phỏng vấn các em nào sẽ được sắc phong thầy trợ tế hoặc thầy giảng để xác định xem các em ấy có chuẩn bị phần thuộc linh hay không. Vị giám trợ phỏng vấn các em trai sẽ được sắc phong thầy tư tế.

Trước khi phỏng vấn một thiếu niên để nhận lễ sắc phong chức tư tế, một thành viên của giám trợ đoàn cần phải có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ của thiếu niên đó. Nếu cha mẹ ly dị, thì vị ấy phải có được sự cho phép của (những) cha mẹ có quyền giám hộ hợp pháp.

Nếu em ấy được thấy là xứng đáng trong một cuộc phỏng vấn thì một thành viên của giám trợ đoàn đọc tên em ấy để được tán trợ trong buổi lễ Tiệc Thánh (xin xem đoạn 18.10.3).

Để biết thông tin về việc sắc phong cho các anh em mới được báp têm, xin xem mục 38.2.9.1.

18.10.3

Đọc Tên một Tín Hữu để Được Tán Trợ trước khi Được Sắc Phong

Sau khi được phỏng vấn và thấy là xứng đáng để được sắc phong chức phẩm chức tư tế, một người anh em sẽ được đọc tên để tán trợ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:65, 67). Các anh em được sắc phong anh cả hoặc thầy tư tế thượng phẩm đều được một thành viên chủ tịch đoàn giáo khu đọc tên trong phiên họp chung của đại hội giáo khu (xin xem phần 6.3 để biết những chỉ dẫn dành cho các chủ tịch giáo hạt). Các anh em được phong chức thầy trợ tế, thầy giảng hoặc thầy tư tế được một thành viên của giám trợ đoàn đọc tên trong buổi lễ Tiệc Thánh.

Vị ấy điều khiển việc tán trợ yêu cầu người anh em đứng lên. Vị ấy thông báo lời đề nghị về việc truyền giáo Chức Tư Tế A Rôn hoặc Mên Chi Xê Đéc (nếu cần) và sắc phong cho người anh em đó vào chức phẩm của chức tư tế. Sau đó, vị ấy mời các tín hữu tán trợ lời đề nghị đó. Ví dụ, để giới thiệu một người anh em được sắc phong anh cả, vị ấy có thể dùng những lời như sau:

“Chúng tôi đề nghị [tên] nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và được sắc phong anh cả. Những ai tán trợ xin giơ tay lên. [Tạm dừng một chút.] Những ai phản đối, nếu có, cũng xin giơ tay lên. [Tạm dừng một chút.]”

Người đang được đọc tên nên tham gia vào việc biểu quyết tán trợ. Nếu có nhiều hơn một người được đọc tên, họ thường có thể được tán trợ chung một nhóm.

Nếu một tín hữu ngoan đạo phản đối sự sắc phong thì vị lãnh đạo chủ tọa hoặc một vị lãnh đạo chức tư tế khác được chỉ định sẽ gặp riêng người tín hữu đó sau buổi họp. Vị lãnh đạo tìm hiểu lý do tại sao người tín hữu kia bị phản đối. Vị này tìm hiểu xem người tín hữu này có biết về hành vi mà có thể làm cho người tín hữu kia không đủ điều kiện để được sắc phong cho chức phẩm của chức tư tế hay không.

Chỉ những tín hữu ngoan đạo mới có thể tham gia vào việc tán trợ. Tuy nhiên, nếu một tín hữu không ngoan đạo hoặc một người không phải là tín hữu phản đối hành động này thì vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu có thể gặp riêng bên ngoài buổi họp để nghe mối quan tâm của họ.

Trong một số trường hợp, một người anh em có thể cần phải được sắc phong anh cả hoặc thầy tư tế thượng phẩm trước khi người ấy có thể được đọc tên trong đại hội giáo khu. Khi điều này xảy ra, người ấy được đọc tên trong buổi lễ Tiệc Thánh của tiểu giáo khu người đó để tán trợ. Sau đó, người ấy được đọc tên trong đại hội giáo khu lần tới để thông qua lễ sắc phong (thích ứng với tiến trình tán trợ được mô tả ở trên). Điều này gồm có việc tạo cơ hội cho các tín hữu giáo khu tán trợ hoặc phản đối hành động đó.

Hình Ảnh
người đàn ông được sắc phong

18.10.4

Người Thực Hiện Giáo Lễ

Chủ tịch giáo khu hoặc một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc dưới sự hướng dẫn của ông có thể sắc phong cho một người chức phẩm anh cả. Với sự chấp thuận của chủ tịch phái bộ truyền giáo, vị chủ tịch giáo hạt hoặc một người nào đó dưới sự hướng dẫn của ông có thể thực hiện lễ sắc phong (xin xem phần 6.3). Chỉ những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc mới có thể đứng trong vòng tròn.

Chủ tịch giáo khu hoặc một thầy tư tế thượng phẩm dưới sự hướng dẫn của ông có thể sắc phong cho một người chức phẩm thầy tư tế thượng phẩm. Chỉ những thầy tư tế thượng phẩm mới có thể đứng trong vòng tròn.

Một người sắc phong cho một người nam chức phẩm Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc phải được xứng đáng đi đền thờ. Chủ tịch giáo khu hoặc một người mà ông chỉ định cần phải có mặt.

Một thầy tư tế hoặc người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể sắc phong cho một người anh em chức phẩm thầy trợ tế, thầy giảng hoặc thầy tư tế. Người này cần phải được vị giám trợ cho phép. Vị giám trợ hoặc người mà ông chỉ định cần phải có mặt.

Để tham gia vào một lễ sắc phong Chức Tư Tế A Rôn, một người cần phải là một thầy tư tế hoặc người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Một giám trợ có thể cho phép một người cha là một thầy tư tế hoặc người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc để sắc phong cho con trai của mình chức phẩm thầy trợ tế, thầy giảng hoặc thầy tư tế cho dù người cha chưa hoàn toàn xứng đáng đi đền thờ (xin xem phần 18.3). Các giám trợ khuyến khích những người cha tự chuẩn bị bản thân để sắc phong cho con trai của họ.

Để được đại diện nói trong giáo lễ này, một người ở bên ngoài tiểu giáo khu của mình cần phải trình cho vị lãnh đạo chủ tọa xem một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành. Hoặc người này có thể trình ra một Recommend to Perform an Ordinance (Giấy Giới Thiệu Thực Hiện một Giáo Lễ) đã được ký bởi một thành viên trong giám trợ đoàn của người ấy.

18.10.5

Những Chỉ Dẫn

Để truyền giao chức tư tế và sắc phong cho một người một chức phẩm chức tư tế, một hoặc nhiều người nắm giữ chức tư tế đã được phép đặt nhẹ tay của họ lên đầu của người thụ lễ. Sau đó người đại diện thay mặt để nói:

  1. Gọi người ấy bằng họ và tên đầy đủ.

  2. Nói rõ thẩm quyền cá nhân mình đang nắm giữ để thực hiện giáo lễ (Chức Tư Tế A Rôn hoặc Mên Chi Xê Đéc).

  3. Truyền giao Chức Tư Tế A Rôn hoặc Mên Chi Xê Đéc trừ khi chức tư tế này đã được truyền giao rồi.

  4. Sắc phong cho người thụ lễ một chức phẩm trong Chức Tư Tế A Rôn hoặc Mên Chi Xê Đéc và ban cho quyền hạn, quyền năng và thẩm quyền của chức phẩm đó. (Các chìa khóa của chức tư tế không được ban cho khi truyền giao chức tư tế hoặc sắc phong một chức phẩm, trừ khi sắc phong một giám trợ.)

  5. Đưa ra những lời ban phước theo như Thánh Linh hướng dẫn.

  6. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Để sắc phong cho một người một chức phẩm sau khi người ấy đã có chức tư tế thích hợp được truyền giao cho rồi, thì người thực hiện lễ sắc phong sẽ bỏ qua bước 3.

Lễ sắc phong là một cơ hội để ban cho một phước lành. Lời khuyên bảo và chỉ dẫn chi tiết về các bổn phận của một người được đưa ra trước và sau lễ sắc phong. Những lời này không nên chú trọng đến phước lành. Những lời cầu nguyện, chứng ngôn, hoặc chỉ dẫn khi một người được sắc phong là không cần thiết.

18.10.6

Hồ Sơ và Giấy Chứng Nhận Lễ Sắc Phong

Trước khi một người được phỏng vấn để được sắc phong một chức phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, một thư ký sử dụng hệ thống LCR để chuẩn bị một Hồ Sơ Lễ Sắc Phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn đã được chỉ định tiến hành cuộc phỏng vấn và ký vào mẫu này nếu tất cả các điều kiện về sự xứng đáng đều được đáp ứng.

Sau lễ sắc phong, chủ tịch giáo khu hoặc người đại diện đã được chỉ định của ông hoàn tất mẫu này và đưa cho một thư ký. Người thư ký ghi lại lễ sắc phong trong hệ thống LCR và chuẩn bị một giấy chứng nhận lễ sắc phong. Giấy chứng nhận này được ký bởi chủ tịch giáo khu và đưa cho người này.

Trước khi một người anh em được phỏng vấn để được sắc phong một chức phẩm trong Chức Tư tế A Rôn, một thư ký sử dụng hệ thống LCR để chuẩn bị một Hồ Sơ Lễ Sắc Phong Chức Tư Tế A Rôn. Vị giám trợ hoặc một cố vấn đã được chỉ định tiến hành cuộc phỏng vấn và ký vào mẫu này nếu tất cả các điều kiện về sự xứng đáng đều được đáp ứng.

Sau lễ sắc phong, vị giám trợ hoặc người cố vấn đã được chỉ định hoàn tất mẫu này và đưa cho một thư ký. Người thư ký ghi lại lễ sắc phong trong hệ thống LCR và chuẩn bị một giấy chứng nhận lễ sắc phong.

Tên hợp pháp hiện hành của một người nên được ghi trên hồ sơ và giấy chứng nhận lễ sắc phong.

18.11

Lễ Phong Nhiệm Các Tín Hữu để Phục Vụ trong Các Chức Vụ Kêu Gọi

Những tín hữu nào được kêu gọi và tán trợ cho hầu hết các chức vụ trong Giáo Hội nên được phong nhiệm để phục vụ trong chức vụ đó (xin xem Giăng 15:16; Giáo Lý và Giao Ước 42:11; xin xem thêm 3.4.3.1 trong sách hướng dẫn này). Trong lúc phong nhiệm, người ấy được ban cho (1) thẩm quyền để hành động trong chức vụ kêu gọi và (2) những lời ban phước như được Thánh Linh hướng dẫn.

Các chủ tịch giáo khu, giám trợ, và chủ tịch nhóm túc số nhận được các chìa khóa của chủ tịch đoàn khi họ được phong nhiệm (xin xem mục 3.4.1.1). Tuy nhiên, từ các chìa khóa không nên được sử dụng khi phong nhiệm các tín hữu để phục vụ trong các chức vụ kêu gọi khác, kể cả các cố vấn trong các chủ tịch đoàn.

Để biết thông tin về sự kêu gọi, sắc phong và phong nhiệm các giám trợ, xin xem phần 30.7.

18.11.1

Người Thực Hiện Lễ Phong Nhiệm

Lễ phong nhiệm được thực hiện bởi một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Người này cần phải nhận được sự chấp thuận từ vị lãnh đạo đang nắm giữ các chìa khóa chức tư tế thích hợp. Những người được cho phép thực hiện một lễ phong nhiệm được cho thấy trong phần 30.8. Một anh cả không được đại diện để nói hoặc đứng trong vòng tròn khi một người được phong nhiệm một chức phẩm mà đòi hỏi người ấy phải là một thầy tư tế thượng phẩm.

Dưới sự hướng dẫn của vị lãnh đạo chủ tọa, một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể tham gia vào lễ phong nhiệm. Các chủ tịch đều được phong nhiệm trước các cố vấn của họ.

Một vị lãnh đạo chủ tọa có thể cho phép một người chồng hoặc một người cha nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đứng trong vòng tròn để làm lễ phong nhiệm cho vợ hay con cái mình cho dù người ấy chưa hoàn toàn xứng đáng để đi đền thờ (xin xem phần 18.3).

18.11.2

Những Chỉ Dẫn

Một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đã được phép sẽ đặt nhẹ tay của họ lên đầu của người thụ lễ. Sau đó người đại diện thay mặt để nói:

  1. Gọi người thụ lễ bằng họ và tên đầy đủ của người ấy.

  2. Nói rõ rằng mình đang hành động bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  3. Phong nhiệm cho người ấy chức vụ trong giáo khu, tiểu giáo khu, nhóm túc số, hoặc lớp học.

  4. Truyền giao các chìa khóa nếu người ấy cần phải nhận các chìa khóa đó.

  5. Đưa ra những lời ban phước theo như Thánh Linh hướng dẫn.

  6. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Lễ phong nhiệm không phải là một buổi họp chính thức với những lời cầu nguyện hoặc chứng ngôn. Cũng không phải là thời gian để đưa ra những chỉ dẫn chi tiết. Những chỉ dẫn đó được đưa ra trong lúc huấn luyện chứ không phải là một phần của lễ ban phước.

18.12

Thánh Hóa Dầu

Một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cần phải thánh hóa dầu ô liu trước khi được sử dụng để xức dầu cho người bệnh hoặc người đau khổ (xin xem Gia Cơ 5:14). Không được sử dụng loại dầu nào khác.

Các tín hữu không được uống dầu đã được thánh hóa hoặc bôi lên những chỗ đau trên thân thể.

18.12.1

Người Thực Hiện Giáo Lễ

Một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể thánh hóa dầu. Họ không cần phải xin sự chấp thuận từ một vị lãnh đạo chức tư tế.

18.12.2

Những Chỉ Dẫn

Để thánh hóa dầu, một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc:

  1. Cầm một bình đựng dầu ô liu đã mở nắp.

  2. Thưa cùng Cha Thiên Thượng như trong lời cầu nguyện.

  3. Nói rõ rằng mình đang hành động bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  4. Thánh hóa dầu (chứ không phải cái bình đựng) và biệt riêng nó ra cho việc xức dầu và ban phước cho người bệnh và người đau khổ.

  5. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

18.13

Ban Phước cho Người Bệnh

Thường thường, việc ban phước cho người bệnh nên được thực hiện khi có lời yêu cầu của người sẽ nhận được lễ ban phước hoặc lời yêu cầu của những người khác quan tâm để phước lành đó sẽ tùy thuộc vào đức tin của họ (xin xem Gia Cơ 5:14; Giáo Lý và Giao Ước 24:13–14; 42:43–44, 48–52).

Việc ban phước cho người bệnh “bằng phép đặt tay lên đầu” có hai phần: xức dầu và ấn chứng lễ xức dầu với một phước lành. Nếu không có sẵn dầu đã được thánh hóa thì một phước lành vẫn có thể được ban cho bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc mà không có lễ xức dầu.

Nếu một người yêu cầu nhiều hơn một phước lành cho cùng một căn bệnh, thì không cần một lễ xức dầu khác nữa. Một người nắm giữ chức tư tế có thể ban cho một phước lành khác bằng phép đặt tay lên đầu và bằng thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Tuy nhiên, cũng có thể thực hiện một lễ xức dầu khác.

Những người nắm giữ chức tư tế đến thăm các bệnh viện không nên nài xin cơ hội để ban phước cho người bệnh.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang tiếp nhận một phước lành chức tư tế

18.13.1

Người Làm Lễ Ban Phước

Chỉ có những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc mới có thể ban phước cho người bệnh hoặc người đau khổ. Họ không cần phải xin sự chấp thuận từ một vị lãnh đạo chức tư tế. Nếu có thể được, một người cha nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc ban phước cho những người bị bệnh trong gia đình mình.

Thông thường, hai hay nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc ban phước cho người bệnh. Tuy nhiên, một người có thể thực hiện lễ xức dầu lẫn ấn chứng lễ xức dầu.

18.13.2

Những Chỉ Dẫn

Việc ban phước cho người bệnh gồm có hai phần: xức dầu và ấn chứng lễ xức dầu.

Lễ xức dầu được thực hiện bởi một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Người ấy:

  1. Nhỏ một giọt dầu đã được thánh hóa lên trên đầu của người bệnh.

  2. Đặt nhẹ tay lên trên đầu của người bệnh và gọi người thụ lễ bằng họ và tên đầy đủ của người ấy.

  3. Nói rõ rằng mình đang hành động bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  4. Nói rõ rằng mình đang xức dầu mà đã được thánh hóa để xức dầu và ban phước cho người bệnh và người đau khổ.

  5. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Để ấn chứng lễ xức dầu, một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đặt nhẹ tay lên đầu của người bệnh. Sau đó, người ấn chứng lễ xức dầu:

  1. Gọi người thụ lễ bằng họ và tên đầy đủ của người ấy.

  2. Nói rõ rằng mình đang ấn chứng lễ xức dầu bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  3. Đưa ra những lời ban phước theo như Thánh Linh hướng dẫn.

  4. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

18.14

Các Phước Lành để An Ủi và Khuyên Bảo, Kể Cả Các Phước Lành của Người Cha

18.14.1

Người Làm Lễ Ban Phước

Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể ban các phước lành để an ủi và khuyên bảo cho những người trong gia đình và cho những người khác khi họ yêu cầu. Những phước lành này thường được ban cho bởi những người trong gia đình, những người anh em phục sự hoặc các vị lãnh đạo chức tư tế.

Một người cha nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể ban các phước lành của người cha cho con cái mình. Những phước lành này có thể đặc biệt hữu ích khi con cái đi học, đi truyền giáo, kết hôn, nhập ngũ hoặc gặp phải những thử thách đặc biệt. Cha mẹ khuyên con cái mình nên xin các phước lành của người cha khi cần. Những phước lành của người cha có thể được ghi lại để sử dụng riêng.

Một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc không cần phải xin sự chấp thuận từ một vị lãnh đạo chức tư tế để ban một phước lành về sự an ủi và khuyên bảo hoặc một phước lành của người cha.

18.14.2

Những Chỉ Dẫn

Để ban một phước lành về sự an ủi và khuyên bảo hoặc một phước lành của người cha, một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đặt nhẹ tay lên đầu của người thụ lễ. Sau đó người đại diện thay mặt để nói:

  1. Gọi người thụ lễ bằng họ và tên đầy đủ của người ấy.

  2. Nói rõ rằng lễ ban phước này được thực hiện bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  3. Đưa ra những lời ban phước, an ủi và khuyên bảo theo như Thánh Linh hướng dẫn.

  4. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
những người truyền giáo đang ban phước cho một phụ nữ

18.15

Làm Lễ Cung Hiến Nhà Ở

Các tín hữu Giáo Hội có thể làm lễ cung hiến nhà ở của họ bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Nhà ở không cần phải được sở hữu hoặc không mắc nợ mới được làm lễ cung hiến. Không giống như các tòa nhà của Giáo Hội, nhà ở không được cung hiến lên Chúa.

18.15.1

Người Thực Hiện Lễ Cung Hiến

Nhà ở được làm lễ cung hiến bởi một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Nếu không có một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trong nhà:

  • Một gia đình có thể mời một người bạn thân, người bà con hoặc người anh em phục sự đang nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc để làm lễ cung hiến nhà ở. Người đó không cần xin sự chấp thuận từ một vị lãnh đạo chức tư tế.

  • Một gia đình có thể quy tụ lại và dâng lời cầu nguyện theo như sự hướng dẫn của Thánh Linh. Lời cầu nguyện có thể gồm có các yếu tố được đề cập trong đoạn 18.15.2, số 3.

18.15.2

Những Chỉ Dẫn

Để làm lễ cung hiến nhà ở, một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc:

  1. Thưa cùng Cha Thiên Thượng như trong lời cầu nguyện.

  2. Nói rõ rằng mình đang hành động bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  3. Cung hiến nhà ở thành một chỗ thiêng liêng nơi mà Đức Thánh Linh có thể ngự vào và nói ra những lời khác theo như sự hướng dẫn của Thánh Linh. Ví dụ, người ấy có thể ban phước cho nhà ở của mình làm một nơi mà những người trong gia đình có thể thờ phượng, tìm thấy sự an toàn khỏi thế gian, tăng trưởng về mặt thuộc linh, và chuẩn bị cho những mối quan hệ gia đình vĩnh cửu.

  4. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

18.16

Làm Lễ Cung Hiến Mộ Phần

18.16.1

Người Làm Lễ Cung Hiến Mộ Phần

Một người làm lễ cung hiến mộ phần cần phải nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và được cho phép bởi vị lãnh đạo chức tư tế là người điều khiển buổi lễ.

Nếu tang quyến mong muốn, thì một lời cầu nguyện nơi mộ phần có thể được dâng lên thay vì lời cầu nguyện cung hiến mộ phần. Lời cầu nguyện này có thể được dâng lên bởi bất cứ người nào mà tang quyến chọn.

Để được đại diện nói trong lễ cung hiến mộ phần, một người ở bên ngoài tiểu giáo khu của mình cần phải trình một giấy giới thiệu đi đền thờ hiện hành cho vị lãnh đạo chức tư tế đang chủ tọa buổi lễ. Hoặc người này có thể trình ra một Recommend to Perform an Ordinance (Giấy Giới Thiệu Thực Hiện một Giáo Lễ) đã được ký bởi một thành viên trong giám trợ đoàn của người ấy.

18.16.2

Những Chỉ Dẫn

Để làm lễ cung hiến mộ phần, một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc:

  1. Thưa cùng Cha Thiên Thượng như trong lời cầu nguyện.

  2. Nói rõ rằng mình đang hành động bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

  3. Làm lễ cung hiến và thánh hóa mộ phần này làm nơi an nghỉ cho thi hài của người chết.

  4. Cầu nguyện rằng chỗ đó sẽ được thánh hóa và bảo vệ cho đến Ngày Phục Sinh (ở nơi nào thích hợp).

  5. Cầu xin Cha Thiên Thượng an ủi gia đình và bày tỏ những cảm nghĩ theo như Thánh Linh hướng dẫn.

  6. Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Nếu thi hài của một tín hữu Giáo Hội được hỏa táng, thì vị lãnh đạo chủ tọa sử dụng óc xét đoán của mình để quyết định liệu có làm lễ cung hiến cho nơi giữ tro không. Vị ấy xem xét nguyện vọng của tang quyến và những phong tục tập quán và luật pháp ở địa phương. Người anh em nào đại diện để nói sẽ sửa lại cho hợp với những chỉ dẫn để làm lễ cung hiến mộ phần.

18.17

Các Phước Lành Tộc Trưởng

Mọi tín hữu xứng đáng, đã chịu phép báp têm đều có quyền nhận được một phước lành tộc trưởng, mà cung ứng sự hướng dẫn đầy soi dẫn từ Cha Thiên Thượng (xin xem Sáng Thế Ký 48:14–1649; 2 Nê Phi 4:3–11). Cha mẹ và các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyến khích các tín hữu nên chuẩn bị phần thuộc linh để nhận được các phước lành tộc trưởng của mình.

Vị giám trợ hoặc một cố vấn đã được chỉ định sẽ phỏng vấn các tín hữu mong muốn nhận được một phước lành tộc trưởng. Nếu một tín hữu xứng đáng, thì người phỏng vấn sẽ chuẩn bị một Patriarchal Blessing Recommend (Giấy Giới Thiệu Nhận Phước Lành Tộc Trưởng). Người này nộp giấy qua Patriarchal Blessing System trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org.

Người cấp Giấy Giới Thiệu Tiếp Nhận Phước Lành Tộc Trưởng phải bảo đảm rằng người tín hữu này đủ chín chắn để hiểu được ý nghĩa và tính chất thiêng liêng của phước lành đó. Lý tưởng nhất là người tín hữu nên đủ trẻ để vẫn còn có nhiều quyết định quan trọng phía trước trong cuộc sống. Tuy nhiên, những người lớn tuổi hơn cũng được khuyến khích để tiếp nhận các phước lành tộc trưởng của họ. Các vị lãnh đạo chức tư tế không nên quy định một độ tuổi tối thiểu cho một tín hữu để tiếp nhận một phước lành tộc trưởng.

Một người mới cải đạo nên hiểu giáo lý cơ bản của phúc âm trước khi tiếp nhận một phước lành tộc trưởng.

Để có thông tin về các phước lành tộc trưởng trong những hoàn cảnh đặc biệt, xin xem đoạn 38.2.10.

18.17.1

Nhận một Phước Lành Tộc Trưởng

Sau khi nhận được một giấy giới thiệu, người tín hữu liên lạc với vị tộc trưởng để sắp xếp cuộc hẹn nhằm nhận được một phước lành tộc trưởng. Vào ngày hẹn, người tín hữu nên đến gặp vị tộc trưởng với một thái độ thành tâm và mặc đồ đi nhà thờ ngày Chủ Nhật. Các tín hữu có thể nhịn ăn, nhưng không bắt buộc phải nhịn ăn.

Mỗi phước lành tộc trưởng đều là thiêng liêng, kín nhiệm, và riêng tư. Do đó, phước lành này được ban cho một cách riêng tư ngoại trừ một con số giới hạn những người trong gia đình có thể hiện diện.

Một người nhận được một phước lành tộc trưởng nên trân trọng và suy ngẫm những lời lẽ trong đó, và sống để xứng đáng nhận được những phước lành đã hứa trong cuộc sống này và trong thời vĩnh cửu.

Các tín hữu Giáo Hội không nên so sánh các phước lành với nhau và không nên chia sẻ các phước lành của mình ngoại trừ với những người thân trong gia đình. Không nên đọc các phước lành tộc trưởng trong các buổi họp Giáo Hội hoặc các buổi tụ họp công khai khác.

Nếu một phước lành tộc trưởng không gồm có lời tuyên bố về dòng dõi, thì về sau, vị tộc trưởng có thể thêm vào một phần bổ sung tuyên bố về dòng dõi.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang tiếp nhận một phước lành chức tư tế

18.17.2

Có Được Các Bản Sao Phước Lành Tộc Trưởng

Một người đã nhận được một phước lành tộc trưởng cần giữ gìn cẩn thận bản sao mình nhận được. Tuy nhiên, nếu bản sao này bị mất hoặc bị hủy, thì người này có thể yêu cầu một bản sao mới. Người ấy có thể đưa ra lời yêu cầu này tại Patriarchal Blessings (Phước Lành Tộc Trưởng) trên ChurchofJesusChrist.org. Nếu không thể làm như vậy, thì người này liên lạc với vị giám trợ của mình để được phụ giúp.

18.17.3

Thêm Thông Tin

Để biết thêm thông tin về phước lành tộc trưởng, xin xem đoạn 38.2.10 và “Phước Lành Tộc Trưởng.”

18.18

Lễ Thiên Ân và Lễ Gắn Bó trong Đền Thờ

Để có thông tin về lễ thiên ân và các giáo lễ gắn bó trong đền thờ, xin xem chương 27.

18.19

Sơ Đồ Các Lễ Sắc Phong

Chức Phẩm

Được đề cử bởi

Được chấp thuận bởi

Được tán trợ bởi

Được phỏng vấn và sắc phong bởi

Chức Phẩm

Tộc Trưởng

Được đề cử bởi

Chủ tịch đoàn giáo khu

Được chấp thuận bởi

Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ

Được tán trợ bởi

Các tín hữu trong đại hội giáo khu

Được phỏng vấn và sắc phong bởi

Chủ tịch giáo khu sau khi nhận được sự chấp thuận của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ; hoặc một thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hoặc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ

Chức Phẩm

Thầy tư tế thượng phẩm

Được đề cử bởi

Vị giám trợ và chủ tịch đoàn giáo khu

Được chấp thuận bởi

Chủ tịch đoàn giáo khu và hội đồng thượng phẩm

Được tán trợ bởi

Các tín hữu trong đại hội giáo khu

Được phỏng vấn và sắc phong bởi

Được phỏng vấn bởi vị giám trợ và bởi chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn được chỉ định; được sắc phong dưới sự hướng dẫn của chủ tịch giáo khu

Chức Phẩm

Anh Cả

Được đề cử bởi

Giám trợ

Được chấp thuận bởi

Chủ tịch đoàn giáo khu và hội đồng thượng phẩm

Được tán trợ bởi

Các tín hữu trong đại hội giáo khu hoặc đại hội giáo hạt

Được phỏng vấn và sắc phong bởi

Được phỏng vấn bởi vị giám trợ và bởi chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn được chỉ định (trong một giáo hạt, được phỏng vấn bởi một thành viên của chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo hoặc bởi chủ tịch giáo hạt nếu được chỉ định; xin xem phần 6.3)

Được sắc phong dưới sự hướng dẫn của chủ tịch giáo khu (trong một giáo hạt, được sắc phong dưới sự hướng dẫn của chủ tịch phái bộ truyền giáo hoặc chủ tịch giáo hạt nếu được chỉ định)

Chức Phẩm

Giám trợ

Được đề cử bởi

Chủ tịch đoàn giáo khu, sử dụng LCR

Được chấp thuận bởi

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ

Được tán trợ bởi

Các tín hữu trong lễ Tiệc Thánh

Được phỏng vấn và sắc phong bởi

Chủ tịch giáo khu sau khi nhận được sự chấp thuận của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn (xin xem phần 30.7)

Chức Phẩm

Thầy tư tế

Được đề cử bởi

Giám trợ

Được chấp thuận bởi

Giám trợ đoàn

Được tán trợ bởi

Các tín hữu trong lễ Tiệc Thánh

Được phỏng vấn và sắc phong bởi

Được phỏng vấn bởi vị giám trợ; được sắc phong dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ

Chức Phẩm

Thầy giảng hoặc thầy trợ tế

Được đề cử bởi

Giám trợ

Được chấp thuận bởi

Giám trợ đoàn

Được tán trợ bởi

Các tín hữu trong lễ Tiệc Thánh

Được phỏng vấn và sắc phong bởi

Được phỏng vấn bởi vị giám trợ; được sắc phong dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ