Thư Viện
Các Đề Tài Giáo Lý


Các Đề Tài Giáo Lý

1. Thiên Chủ Đoàn

Có ba Đấng riêng biệt trong Thiên Chủ Đoàn: Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu; Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh. Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử có thể xác hữu hình bằng xương bằng thịt, và Đức Thánh Linh là một Đấng linh hồn (xin xem GLGƯ 130:22–23). Các Ngài hiệp một trong mục đích và hoàn toàn đoàn kết trong việc mang lại kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng.

Thượng Đế Đức Chúa Cha

Thượng Đế Đức Chúa Cha là Đấng Trị Vì Tối Cao mà chúng ta thờ phượng. Ngài là Cha linh hồn của chúng ta (xin xem Hê Bơ Rơ 12:9). Ngài là Đấng hoàn hảo, có tất cả quyền năng, và biết tất cả mọi điều. Ngài cũng là Đấng công bình, thương xót, và nhân từ. Thượng Đế yêu thương mỗi con cái của Ngài một cách trọn vẹn, và đối với Ngài tất cả mọi người đều giống nhau (xin xem 2 Nê Phi 26:33). Công việc và vinh quang của Ngài là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.

Chúa Giê Su Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô là Con Đầu Sinh của Đức Chúa Cha trong thể linh và là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha trong thể xác. Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su Ky Tô đã tạo ra trời và đất. Ngài là Đức Giê Hô Va của thời Cựu Ước và Đấng Mê Si của thời Tân Ước.

Chúa Giê Su Ky Tô làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha trong mọi điều. Ngài đã sống một cuộc đời vô tội và chuộc tội lỗi của tất cả nhân loại (xin xem 3 Nê Phi 11:10–11). Cuộc đời của Ngài là tấm gương hoàn hảo về cách chúng ta phải sống (xin xem 3 Nê Phi 12:48). Ngài là con đầu tiên trong số các con cái của Cha Thiên Thượng được phục sinh. Trong thời kỳ chúng ta, cũng như trong thời xưa, Ngài đứng đầu Giáo Hội của Ngài. Ngài sẽ trở lại trong quyền năng và vinh quang và sẽ trị vì trên thế gian trong Thời Kỳ Ngàn Năm (xin xem GLGƯ 29:10–11). Ngài sẽ phán xét tất cả nhân loại.

Vì Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và là Đấng Trung Gian của chúng ta với Đức Chúa Cha, nên tất cả những lời cầu nguyện, các phước lành và các giáo lễ chức tư tế cần phải được thực hiện trong danh của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 18:15, 20–21).

Đức Thánh Linh

Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn. Ngài là Đấng linh hồn và không có thể xác bằng xương và bằng thịt. Ngài thường được nói đến là Thánh Linh, Đức Thánh Linh, Thánh Linh của Thượng Đế, Thánh Linh của Chúa, và Đấng An Ủi.

Đức Thánh Linh làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, mặc khải lẽ thật của tất cả mọi sự việc cùng thánh hóa những người nào hối cải và chịu phép báp têm. Qua quyền năng của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể nhận được các ân tứ thuộc linh, tức là các phước lành hay khả năng được Chúa ban cho vì lợi ích riêng của chúng ta và để giúp chúng ta phục vụ và ban phước cho những người khác.

2. Kế Hoạch Cứu Rỗi

Trong cuộc sống tiền dương thế, Cha Thiên Thượng đã giới thiệu một kế hoạch để cho chúng ta có thể trở thành giống như Ngài, và nhận được sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Môi Se 1:39). Để thực hiện kế hoạch này và trở thành giống như Cha Thiên Thượng, chúng ta phải tiến đến việc biết Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và có một sự hiểu biết đúng đắn về thiên tính và các thuộc tính của hai Ngài (xin xem Giăng 17:3).

Thánh thư gọi kế hoạch này của Cha Thiên Thượng là kế hoạch cứu rỗi, kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, kế hoạch cứu chuộc, và kế hoạch thương xót. Kế hoạch này gồm có Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và tất cả các luật pháp, giáo lễ, và giáo lý của phúc âm. Quyền tự quyết về mặt đạo đức—khả năng lựa chọn và tự mình hành động—cũng là điều cần thiết trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng ân tứ này (xin xem Giô Suê 24:15; 2 Nê Phi 2:27).

Chúa Giê Su Ky Tô là nhân vật chính yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Kế hoạch cứu rỗi làm cho chúng ta có thể trở nên hoàn thiện, nhận được niềm vui trọn vẹn, vui hưởng các mối quan hệ gia đình trong suốt thời vĩnh cửu, và sống vĩnh viễn nơi chốn hiện diện của Thượng Đế.

Cuộc Sống Tiền Dương Thế

Trước khi được sinh ra trên thế gian, chúng ta sống nơi chốn hiện diện của Cha Thiên Thượng với tư cách là con cái linh hồn của Ngài (xin xem Áp Ra Ham 3:22–23). Trong cuộc sống tiền dương thế này, chúng ta đã tham dự vào một đại hội với những con cái linh hồn khác của Cha Thiên Thượng. Trong đại hội đó, Cha Thiên Thượng trình bày kế hoạch của Ngài và Chúa Giê Su Ky Tô trong tiền dương thế đã giao ước sẽ là Đấng Cứu Rỗi.

Chúng ta đã sử dụng quyền tự quyết của mình để tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Những người nào tuân theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đều được phép đến thế gian để nhận được kinh nghiệm về sự hữu diệt và sự tiến triển đến cuộc sống vĩnh cửu. Lu Xi Phe, một đứa con linh hồn khác của Thượng Đế, phản nghịch chống lại kế hoạch đó. Nó trở thành Sa Tan và cùng những người theo nó bị đuổi ra khỏi thiên thượng và bị bác bỏ đặc ân tiếp nhận một thể xác và trải qua cuộc sống hữu diệt.

Sự Sáng Tạo

Chúa Giê Su Ky Tô đã tạo dựng trời và đất dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha (xin xem GLGƯ 76:22–24). Sự Sáng Tạo thế gian là thiết yếu cho kế hoạch của Thượng Đế. Thế gian cung cấp một chỗ để chúng ta có thể nhận được một thể xác, được thử thách và gặp khó khăn, và phát triển các thuộc tính thiêng liêng.

A Đam là người đầu tiên được sáng tạo trên trái đất. Thượng Đế sáng tạo A Đam và Ê Va theo hình ảnh của Ngài. Tất cả mọi người—nam lẫn nữ—được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế (xin xem Sáng Thế Ký 1:26–27). Phái tính là một đặc điểm cơ bản của từng người cho riêng mục đích về trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu.

Sự Sa Ngã

Trong Vườn Ê Đen, Thượng Đế kết hợp A Đam và Ê Va trong hôn nhân. Trong khi A Đam và Ê Va đang ở trong khu vườn, thì họ vẫn còn ở trong sự hiện diện của Thượng Đế và có thể đã sống vĩnh viễn. Họ đã sống trong vô tư, và Thượng Đế đã lo liệu cho nhu cầu của họ.

Thượng Đế đã ban cho A Đam và Ê Va quyền tự quyết trong khi họ đang ở trong Vườn Ê Đen. Ngài truyền lệnh cho họ không được ăn trái cấm—trái cây của sự hiểu biết về điều thiện và điều ác. Việc tuân theo lệnh truyền này có nghĩa rằng họ có thể ở lại trong khu vườn. Tuy nhiên, A Đam và Ê Va đã chưa hiểu rằng nếu họ vẫn ở trong khu vườn thì họ không thể tiến triển bằng cách trải qua sự tương phản trong cuộc sống trần thế. Họ không thể biết được niềm vui vì họ không thể trải qua nỗi buồn khổ và đau đớn. Hơn nữa, họ không thể có con.

Sa Tan cám dỗ A Đam và Ê Va ăn trái cấm, và họ đã chọn để làm như vậy. Vì sự lựa chọn này nên họ bị đuổi ra khỏi sự hiện diện của Ngài và trở nên sa ngã và hữu diệt. Sự phạm giới của A Đam và Ê Va cùng những thay đổi do hậu quả đó mà họ đã trải qua, kể cả cái chết thuộc linh và thể xác được gọi là Sự Sa Ngã. Cái chết thuộc linh là sự tách rời khỏi Thượng Đế. Cái chết thể xác là sự tách rời linh hồn khỏi thể xác hữu diệt.

Sự Sa Ngã là một phần thiết yếu của kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Do Sự Sa Ngã, nên A Đam và Ê Va đã có thể có con. Họ và con cháu của họ đã có thể trải qua niềm vui và nỗi buồn, biết được điều tốt với điều xấu và sự tiến triển (xin xem 2 Nê Phi 2:22–25). Là con cháu của A Đam và Ê Va, chúng ta thừa hưởng một tình trạng sa ngã trong cuộc sống hữu diệt. Chúng ta bị tách rời khỏi sự hiện diện của Thượng Đế và chịu cái chết thể xác. Chúng ta cũng bị thử thách với những khó khăn của cuộc sống trần thế và những cám dỗ của kẻ nghịch thù. Mặc dù không chịu trách nhiệm về sự phạm giới của A Đam và Ê Va nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của chính mình. Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của Sự Sa Ngã, nhận được sự tha thứ cho tội lỗi của chúng ta, và cuối cùng có được kinh nghiệm về niềm vui trọn vẹn.

Cuộc Sống Trần Thế

Cuộc sống trần thế là một thời gian học tập, mà trong thời gian đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta sẽ sử dụng quyền tự quyết để làm tất cả những gì Chúa đã truyền lệnh và chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu bằng cách phát triển các thuộc tính thiêng liêng. Chúng ta làm điều này khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, hối cải, tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và giao ước như phép báp têm và lễ xác nhận, và kiên trì chịu đựng đến cùng trong cuộc sống trần thế của chúng ta trong việc noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô.

Trên trần thế, linh hồn của chúng ta được kết hợp với thể xác, cho chúng ta cơ hội để tăng trưởng và phát triển theo những cách mà không thể thực hiện được trong cuộc sống tiền dương thế. Vì Cha Thiên Thượng có một thể xác hữu hình bằng xương và bằng thịt nên thể xác của chúng ta là cần thiết để tiến triển và trở nên giống như Ngài. Thể xác của chúng ta là thiêng liêng và cần phải được quý trọng như là một ân tứ từ Cha Thiên Thượng của chúng ta (xin xem 1 Cô Rinh Tô 6:19–20).

Cuộc Sống sau khi Chết

Khi chúng ta chết, linh hồn của chúng ta đi vào thế giới linh hồn và chờ đợi Sự Phục Sinh. Linh hồn của người ngay chính được tiếp nhận vào một trạng thái hạnh phúc, được gọi là thiên đường. Những người nào chết mà không có sự hiểu biết về lẽ thật và những người không vâng lời trên trần thế sẽ bước vào một nơi tạm thời trong thế giới sau khi chết gọi là ngục tù linh hồn.

Cuối cùng, mỗi người sẽ có cơ hội học hỏi các nguyên tắc phúc âm và nhận được các giáo lễ và các giao ước của phúc âm. Nhiều người trung tín sẽ thuyết giảng phúc âm cho những người ở trong ngục tù linh hồn. Những người nào chọn tiếp nhận phúc âm, hối cải, và chấp nhận các giáo lễ cứu rỗi mà đã được thực hiện cho họ trong đền thờ đều sẽ ở thiên đường cho đến khi Sự Phục Sinh (xin xem 1 Phi E Rơ 4:6).

Sự Phục Sinh là sự tái hợp của thể linh của chúng ta với thể xác hoàn hảo bằng xương và bằng thịt của chúng ta. Tôi biết rằng chúng ta sẽ được đoàn tụ vào một ngày nào đó và sẽ không bao giờ bị chia cách nữa. Mỗi người sinh ra trên thế gian sẽ được phục sinh nhờ Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục được cái chết (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:20–22). Người ngay chính sẽ được phục sinh trước kẻ tà ác và sẽ bước ra trong Ngày Phục Sinh Đầu Tiên.

Ngày Phán Xét Cuối Cùng sẽ xảy ra sau Ngày Phục Sinh. Chúa Giê Su Ky Tô sẽ phán xét mỗi người để xác định sự vinh quang vĩnh cửu mà người ấy sẽ nhận được. Sự phán xét này sẽ tùy thuộc vào ước muốn và sự vâng lời của mỗi người đối với các lệnh truyền của Thượng Đế (xin xem Khải Huyền 20:12).

Có ba vương quốc vinh quang: thượng thiên giới, trung thiên giới, và hạ thiên giới (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:40–42). Những người dũng cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su và tuân theo các nguyên tắc phúc âm sẽ ở trong thượng thiên giới với sự hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô cùng với những người ngay chính trong gia đình của họ.

3. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Chúa Giê Su Ky Tô được tiền sắc phong trong đại hội trên tiền dương thế để làm Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài đến thế gian và sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc tất cả nhân loại khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của Sự Sa Ngã và đền trả cho tội lỗi của chúng ta. Sự chiến thắng của Chúa Giê Su Ky Tô đối với cái chết thuộc linh và thể xác bằng nỗi đau khổ, cái chết và Sự Phục Sinh của Ngài được gọi là Sự Chuộc Tội. Sự hy sinh của Ngài có lợi ích cho mỗi người chúng ta và cho thấy giá trị vô hạn của mỗi một người trong số con cái của Cha Thiên Thượng (xin xem GLGƯ 18:10–11).

Chỉ qua Chúa Giê Su Ky Tô mà chúng ta mới có thể được cứu rỗi vì Ngài là Đấng duy nhất có khả năng thực hiện một Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu cho tất cả nhân loại (xin xem An Ma 34:9–10). Chỉ có Ngài mới có quyền năng để khắc phục cái chết thể xác. Từ người mẹ trần thế của Ngài, là Ma Ri, Ngài đã thừa hưởng khả năng chết. Từ Thượng Đế, Đức Chúa Cha bất diệt của Ngài, Ngài thừa hưởng quyền năng để sống vĩnh viễn hoặc hy sinh mạng sống và lấy lại mạng sống của Ngài. Chỉ có Ngài mới có thể cứu chuộc chúng ta khỏi các tội lỗi của chúng ta. Vì Ngài đã sống một cuộc sống hoàn hảo, vô tội, nên Ngài đã không bị những đòi hỏi của công lý và có thể trả nợ cho những ai hối cải.

Sự Chuộc Tội của Ngài gồm có nỗi thống khổ của Ngài vì tội lỗi của nhân loại trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, sự đổ máu của Ngài, nỗi đau khổ và cái chết của Ngài trên thập tự giá, và Sự Phục Sinh thực sự của Ngài. Ngài là Đấng đầu tiên phục sinh. Ngài sống lại từ ngôi mộ với một thể xác vinh quang, bất diệt bằng xương và bằng thịt (xin xem Lu Ca 24:36–39). Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài nên tất cả nhân loại sẽ được phục sinh với thể xác hoàn hảo, bất diệt và được mang trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế để được phán xét. Sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến cách duy nhất cho chúng ta được thanh tẩy và được tha thứ tội lỗi để chúng ta có thể sống vĩnh viễn trong chốn hiện diện của Thượng Đế (xin xem Ê Sai 1:18; GLGƯ 19:16–19).

Là một phần của Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô không những chịu thống khổ vì tội lỗi của chúng ta mà còn mang lấy những nỗi đau đớn, bệnh tật, và yếu đuối của tất cả nhân loại (xin xem Ê Sai 53:3–5; An Ma 7:11–13). Ngài hiểu nỗi đau khổ của chúng ta vì Ngài đã trải qua rồi. Khi chúng ta đến cùng Ngài bằng đức tin, Đấng Cứu Rỗi sẽ củng cố chúng ta để mang gánh nặng và hoàn thành nhiệm vụ mà chúng ta không thể nào tự mình làm được (xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30; Ê The 12:27).

Trong việc đền trả hình phạt cho tội lỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô đã không loại bỏ trách nhiệm cá nhân của chúng ta. Để chấp nhận sự hy sinh của Ngài, được thanh tẩy khỏi tội lỗi của mình, và thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải thực hành đức tin nơi Ngài, hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và kiên trì chịu đựng cho đến cuối đời.

Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Nguyên tắc đầu tiên của phúc âm là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin của chúng ta có thể dẫn đến sự cứu rỗi chỉ khi nào đức tin đó được tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Hê La Man 5:12).

Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô gồm có một niềm tin vững chắc rằng Ngài là Con Độc Sinh của Thượng Đế và Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Chúng ta nhận ra rằng cách duy nhất có thể trở về sống với Cha Thiên Thượng của mình là bằng cách trông cậy vào Sự Chuộc Tội vô hạn của Vị Nam Tử của Ngài và bằng cách tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo những lời giảng dạy của Ngài. Còn nhiều hơn niềm tin thụ động, đức tin chân thật nơi Chúa Giê Su Ky Tô dẫn đến hành động và được thể hiện bằng cách chúng ta sống (xin xem Gia Cơ 2:17–18). Đức tin của chúng ta có thể gia tăng khi chúng ta cầu nguyện, học thánh thư và tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế.

Sự Hối Cải

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tình yêu mến của chúng ta dành cho Ngài và Cha Thiên Thượng dẫn chúng ta đến sự hối cải. Sự hối cải là một phần kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả con cái của Ngài, là những người chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của họ. Ân tứ này có thể nhận được qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự hối cải là sự thay đổi ý nghĩ và tâm hồn. Sự hối cải gồm có việc từ bỏ tội lỗi và xoay những ý nghĩ, hành động, và ước muốn của chúng ta hướng đến Chúa và làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Ngài (xin xem Mô Si A 3:19).

Sự hối cải gồm có việc nhận ra tội lỗi của chúng ta; cảm thấy hối tiếc, hoặc buồn rầu theo ý Thượng Đế, vì đã phạm tội; thú tội với Cha Thiên Thượng và, nếu cần, với những người khác; từ bỏ tội lỗi, tìm cách phục hồi càng nhiều càng tốt tất cả những gì đã bị thiệt hại vì tội lỗi của chúng ta; và sống một cuộc sống tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 58:42–43). Tại phép báp têm, Chúa hứa sẽ tha thứ cho tội lỗi của chúng ta, và chúng ta tái lập giao ước đó mỗi lần chúng ta chân thành dự phần Tiệc Thánh với ý định tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Qua sự hối cải chân thành và ân điển được ban cho qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể nhận được sự tha thứ của Thượng Đế và cảm thấy bình an. Chúng ta cảm nhận được ảnh hưởng của Thánh Linh một cách dồi dào hơn, và chúng ta sẵn sàng hơn để sống vĩnh viễn với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài.

4. Sự Phục Hồi

Thượng Đế đã phục hồi phúc âm của Ngài trong những ngày sau này bằng cách tái lập các lẽ thật của Ngài, thẩm quyền chức tư tế, và Giáo Hội trên thế gian. Các vị tiên tri thời xưa đã báo trước Sự Phục Hồi ngày sau của phúc âm (xin xem Ê Sai 29:13–14; Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21).

Sự Phục Hồi bắt đầu vào năm 1820. Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hiện đến cùng Joseph Smith để đáp lại lời cầu nguyện của Joseph, và hai Ngài đã kêu gọi ông với tư cách là Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–20). Thượng Đế kêu gọi Joseph Smith làm một nhân chứng ngày sau của Đấng Ky Tô hằng sống. Với tư cách là Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi, Joseph Smith đã phiên dịch Sách Mặc Môn bằng ân tứ và quyền năng của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 135:3). Sách Mặc Môn cùng với Kinh Thánh làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và chứa đựng phúc âm trọn vẹn (xin xem Ê Xê Chi Ên 37:15–17). Sách Mặc Môn cũng là một chứng thư về sự kêu gọi làm vị tiên tri của Joseph Smith và lẽ trung thực của Sự Phục Hồi.

Là một phần của Sự Phục Hồi, Thượng Đế đã sai các thiên sứ đến phục hồi Các Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc. Sau đó, Ngài đã chỉ thị rằng Giáo Hội của Ngài phải được tổ chức một lần nữa trên thế gian vào ngày 6 tháng Tư năm 1830. Vì Giáo Hội do chính Thượng Đế thành lập nên Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này” (GLGƯ 1:30).

Sự Bội Giáo

Sự cần thiết cho Sự Phục Hồi vào ngày sau của các lẽ thật của Thượng Đế, thẩm quyền chức tư tế, và Giáo Hội đều phát sinh vì sự bội giáo. Sự bội giáo xảy ra khi một hoặc nhiều người xa lánh các lẽ thật của phúc âm.

Sau khi Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và sau cái chết của Các Sứ Đồ của Ngài, nhiều người xa lánh các lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập (xin xem 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1–3). Các nguyên tắc của phúc âm và các phần thánh thư đã bị sửa đổi sai lạc hoặc bị mất. Những thay đổi trái phép đã được thực hiện trong tổ chức Giáo Hội và các giáo lễ của chức tư tế. Bởi vì sự tà ác tràn lan này, nên Chúa đã rút lại thẩm quyền và các chìa khóa của chức tư tế khỏi thế gian. Mặc dù có nhiều người tốt và chân thật tôn thờ Thượng Đế theo ánh sáng mà họ có và nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của họ, nhưng thế gian cũng bị bỏ mặc mà không có sự mặc khải thiêng liêng qua các vị tiên tri tại thế. Thời kỳ này được gọi là Sự Đại Bội Giáo.

Những thời kỳ tổng bội giáo khác đã xảy ra trong suốt lịch sử của thế gian.

Gian Kỳ

Khi con cái của Thượng Đế rơi vào một tình trạng bội giáo, thì Ngài đã ưu ái giúp đỡ họ bằng cách kêu gọi các vị tiên tri và một lần nữa ban các phước lành phúc âm cho các tín hữu qua các vị tiên tri của Ngài. Một thời kỳ mà Chúa mặc khải các lẽ thật của Ngài, thẩm quyền chức tư tế, và các giáo lễ được gọi là một gian kỳ. Đó là một thời kỳ mà trong đó Chúa có ít nhất một người tôi tớ có thẩm quyền trên thế gian, là người mang thánh chức tư tế và có một nhiệm vụ thiêng liêng phải rao giảng phúc âm và thực hiện các giáo lễ của phúc âm đó.

Chúng ta có thể nhận ra các gian kỳ với A Đam, Ê Nót, Nô Ê, Áp Ra Ham, Môi Se, Chúa Giê Su Ky Tô và những vị khác. Sự Phục Hồi ngày sau của phúc âm, đã được Chúa khai mở qua Tiên Tri Joseph Smith, là một phần khuôn mẫu này của các gian kỳ.

Trong mỗi gian kỳ, Chúa và các vị tiên tri của Ngài đã tìm cách thiết lập Si Ôn. Si Ôn ám chỉ dân giao ước của Chúa là những người có lòng thanh khiết, đoàn kết trong sự ngay chính, và chăm sóc lẫn nhau (xin xem Môi Se 7:18). Si Ôn cũng ám chỉ đến một nơi mà những người có tâm hồn thanh khiết đang sống.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong gian kỳ cuối cùng—gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Đó là gian kỳ duy nhất mà sẽ không kết thúc trong sự bội giáo. Cuối cùng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tràn ngập thế gian và đứng vững vĩnh viễn (xin xem Đa Ni Ên 2:44).

5. Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải

Một vị tiên tri là một người đã được Thượng Đế kêu gọi để nói thay cho Ngài (xin xem Giê Rê Mi 1:4–5; A Mốt 3:7; Giăng 15:16; GLGƯ 1:37–38). Các vị tiên tri làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy phúc âm của Ngài. Họ cho biết về ý muốn và thiên tính đích thực của Thượng Đế. Họ lên án tội lỗi, cảnh báo về những hậu quả của nó, và giúp chúng ta tránh bị lừa dối (xin xem Ê Xê Chi Ên 3:16–17; Ê Phê Sô 4:11–14). Đôi khi, họ nói tiên tri về các sự kiện trong tương lai. Các vị tiên tri có thể thi hành những trách nhiệm này vì họ nhận được thẩm quyền và sự mặc khải từ Thượng Đế.

Sự Mặc Khải là sự giao tiếp từ Thượng Đế đến con cái của Ngài. Đa số sự mặc khải có được qua các ấn tượng, ý nghĩ và cảm nghĩ từ Đức Thánh Linh. Sự mặc khải cũng có thể đến qua những khải tượng, giấc mơ, và sự hiện đến của các thiên sứ.

Trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài và một lần nữa trong thời kỳ chúng ta, Chúa đã tổ chức Giáo Hội của Ngài trên nền tảng của các vị tiên tri và các sứ đồ (xin xem Ê Phê Sô 2:19–20). Vị Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vị tiên tri của Thượng Đế cho tất cả mọi người trên thế gian ngày nay. Chúng ta tán trợ Vị Chủ Tịch của Giáo Hội là vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải và là người duy nhất trên thế gian nhận được sự mặc khải để hướng dẫn toàn thể Giáo Hội. Nếu chúng ta trung thành tiếp nhận và vâng theo những lời dạy của Chủ Tịch Giáo Hội thì Thượng Đế sẽ ban phước cho chúng ta khắc phục được sự lừa dối và điều ác (xin xem GLGƯ 21:4–6). Chúng ta cũng tán trợ các cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải.

Thánh thư—Kinh Thánh, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá—chứa đựng những điều mặc khải được ban cho qua các vị tiên tri thời xưa và ngày sau. Khi học những lời của các vị tiên tri, chúng ta có thể học lẽ thật và nhận được sự hướng dẫn.

Mặc dù Thượng Đế ban cho sự mặc khải qua các vị tiên tri để hướng dẫn tất cả con cái của Ngài, nhưng các cá nhân cũng có thể nhận được sự mặc khải để giúp đỡ họ về các nhu cầu cụ thể, trách nhiệm, và những thắc mắc và giúp củng cố chứng ngôn của họ. Tuy nhiên, sự soi dẫn cho cá nhân từ Chúa sẽ không bao giờ mâu thuẫn với sự mặc khải mà Thượng Đế ban cho qua các vị tiên tri.

6. Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Chức tư tế là quyền năng và thẩm quyền vĩnh cửu của Thượng Đế. Qua chức tư tế, Thượng Đế đã tạo ra và điều khiển trời và đất. Qua quyền năng đó Ngài cứu chuộc và làm tôn cao con cái của Ngài.

Thượng Đế ban thẩm quyền chức tư tế cho các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội để họ có thể hành động trong danh của Ngài vì sự cứu rỗi và sự gây dựng của tất cả con cái Ngài (xin xem GLGƯ 121:36, 41–42).

Các chìa khóa của chức tư tế là quyền chủ tọa, hoặc quyền năng mà Thượng Đế ban cho con người để điều khiển và hướng dẫn vương quốc của Thượng Đế trên thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 16:15–19). Các chìa khóa của chức tư tế là cần thiết để hướng dẫn việc thuyết giảng phúc âm và thực hiện các giáo lễ cứu rỗi.

Chúa Giê Su Ky Tô nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế liên quan đến Giáo Hội của Ngài. Ngài đã truyền giao cho mỗi Sứ Đồ của Ngài tất cả các chìa khóa liên quan đến vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Vị Tiên Tri của Giáo Hội là người duy nhất được phép sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế đó. Các chủ tịch đền thờ, chủ tịch phái bộ truyền giáo, chủ tịch giáo khu, giám trợ, và chủ tịch nhóm túc số cũng nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế mà cho phép họ chủ tọa và hướng dẫn công việc họ đã được ủy nhiệm để làm.

Tất cả những người phục vụ trong Giáo Hội—nam lẫn nữ—đều được kêu gọi dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Do đó, họ có quyền có được quyền năng cần thiết để phục vụ và làm tròn các trách nhiệm của chức vụ kêu gọi của họ (xin xem GLGƯ 42:11).

Những người nào được sắc phong cho các Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc sẽ lập lời thề và giao ước của chức tư tế. Nếu họ làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ và trung thành tiếp nhận Chúa và các tôi tớ của Ngài, thì họ sẽ nhận được các phước lành của sự tôn cao. Phụ nữ cũng được hứa sẽ có được các phước lành của sự tôn cao khi họ trung thành với giao ước mà họ đã lập với Chúa.

Chức Tư Tế A Rôn

Chức Tư Tế A Rôn thường được gọi là chức tư tế dự bị. Chức Tư Tế A Rôn “nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải và của phép báp têm” (GLGƯ 13:1). Lễ Tiệc Thánh được chuẩn bị, ban phước, và thực hiện qua việc sử dụng chức tư tế này. Các chức phẩm của Chức Tư Tế A Rôn là thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế và vị giám trợ.

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là chức tư tế cao hơn, hoặc lớn hơn và “nắm giữ quyền chủ tọa, và có quyền năng cùng thẩm quyền đối với tất cả các chức vụ trong giáo hội, trong mọi thời đại trên thế gian, để điều hành các công việc thuộc linh” (GLGƯ 107:8). Tất cả các phước lành, giáo lễ, giao ước, và tổ chức của Giáo Hội đều được thực hiện dưới thẩm quyền của Chủ Tịch Giáo Hội cũng là Chủ Tịch của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chức tư tế này đã được ban cho A Đam và đã có ở trên thế gian bất cứ khi nào Chúa mặc khải phúc âm của Ngài. Trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là các chức phẩm anh cả, thầy tư tế thượng phẩm, tộc trưởng, Thầy Bảy Mươi và Sứ Đồ.

7. Các Giáo Lễ và Các Giao Ước

Các giáo lễ

Một giáo lễ là một hành động thiêng liêng được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế. Mỗi giáo lễ được Thượng Đế tạo ra nhằm giảng dạy các lẽ thật thuộc linh, thường là qua các biểu tượng.

Một số giáo lễ là thiết yếu cho sự tôn cao và được gọi là các giáo lễ cứu rỗi. Chỉ bằng cách tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tuân theo các giao ước liên quan chúng ta mới có thể đạt được tất cả các phước lành dành sẵn qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu không có các giáo lễ cứu rỗi này thì chúng ta không thể trở nên giống như Cha Thiên Thượng của mình hoặc trở về sống vĩnh viễn trong chốn hiện diện của Ngài (xin xem GLGƯ 84:20–22). Các giáo lễ cứu rỗi được thực hiện dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế.

Giáo lễ cứu rỗi đầu tiên của phúc âm là phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước bởi một người có thẩm quyền. Phép báp têm là cần thiết cho một cá nhân để trở thành tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và để bước vào thượng thiên giới (xin xem Giăng 3:5).

Sau khi một người đã chịu phép báp têm, một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc làm lễ xác nhận người ấy là tín hữu của Giáo Hội và ban cho người ấy ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 27:20). Ân tứ Đức Thánh Linh khác với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Trước khi chịu phép báp têm, một người có thể cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh và nhận được chứng ngôn về lẽ thật. Sau khi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, nếu một người tuân giữ các giao ước của mình thì có quyền được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh.

Các giáo lễ cứu rỗi khác bao gồm lễ sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (cho nam giới), lễ thiên ân trong đền thờ, và lễ gắn bó hôn nhân. Trong đền thờ, các giáo lễ cứu rỗi này cũng có thể được thực hiện thay cho người chết. Các giáo lễ làm thay cho người chết chỉ trở nên có hiệu lực khi người chết chấp nhận trong thế giới linh hồn và tôn trọng các giao ước liên quan.

Các giáo lễ khác, chẳng hạn như ban phước cho người bệnh và làm lễ đặt tên và ban phước cho trẻ em, cũng rất quan trọng cho sự phát triển thuộc linh của chúng ta.

Các giao ước

Một giao ước là sự thỏa thuận thiêng liêng giữa Thượng Đế và con người. Thượng Đế ban ra các điều kiện cho giao ước, và chúng ta đồng ý làm điều mà Ngài phán bảo chúng ta phải làm; rồi Thượng Đế hứa với chúng ta một số phước lành vì sự vâng lời của chúng ta (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5–6; GLGƯ 82:10). Nếu chúng ta không tuân theo các giao ước của mình thì chúng ta sẽ không nhận được các phước lành đã được hứa.

Tất cả các giáo lễ cứu rỗi của chức tư tế đều được đi kèm theo các giao ước. Ví dụ, chúng ta giao ước với Chúa qua phép báp têm (xin xem Mô Si A 18:8–10), và những người nam nào nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc sẽ lập lời thề và giao ước của chức tư tế. Chúng ta tái lập các giao ước chúng ta đã lập bằng cách dự phần Tiệc Thánh.

Chúng ta lập thêm các giao ước khi chúng ta tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi của lễ thiên ân và lễ gắn bó hôn nhân trong đền thờ. Chúng ta chuẩn bị để tham gia vào các giáo lễ và lập các giao ước trong đền thờ bằng cách sống theo các tiêu chuẩn xứng đáng mà Chúa đã định (xin xem Thi Thiên 24:3–4). Là điều thiết yếu để chúng ta được xứng đáng vào đền thờ vì đền thờ thật sự là nhà của Chúa. Đó là nơi thờ phượng thiêng liêng nhất trên thế gian.

8. Hôn Nhân và Gia Đình

Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm của kế hoạch cứu rỗi và hạnh phúc của Ngài (xin xem Sáng Thế Ký 2:24; GLGƯ 49:15–17). Chỉ bằng cách lập và trung thành tuân giữ giao ước hôn nhân thượng thiên mà một người nam và một người nữ mới có thể làm tròn tiềm năng thiêng liêng vĩnh cửu của họ (xin xem 1 Cô Rinh Tô 11:11; GLGƯ 131:1–4).

Thượng Đế đã truyền lệnh cho con cái của Ngài phải sinh sôi nẩy nở và làm đầy dẫy trái đất (xin xem Sáng Thế Ký 1:28). Những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản chỉ có thể được sử dụng giữa người nam và người nữ đã cưới hỏi hợp pháp với tư cách là chồng và vợ (xin xem Sáng Thế Ký 39:9; An Ma 39:9). Người chồng và người vợ có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và con cái của mình. Cha mẹ phải nuôi nấng con cái của họ trong tình yêu thương và sự ngay chính, và cung cấp những nhu cầu vật chất và tinh thần của con cái họ.

Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được dựa trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Theo kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính cũng như chu cấp cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình. Trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng.

Kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng giúp mối liên hệ gia đình có thể được tồn tại sau cái chết. Thế gian được sáng tạo và phúc âm được mặc khải để gia đình có thể được hình thành, được làm lễ gắn bó, và được tôn cao vĩnh viễn. Qua lịch sử gia đình và sự phục vụ đền thờ, chúng ta có thể làm cho các giáo lễ và các giao ước của phúc âm có sẵn cho tổ tiên của mình (xin xem Ma La Chi 4:5–6).

(Phỏng theo “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.)

9. Các Giáo Lệnh

Các giáo lệnh là các luật pháp và những đòi hỏi mà Thượng Đế ban cho để giúp chúng ta tiến triển và trở thành giống như Ngài. Các giáo lệnh là một cách biểu lộ về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta. Chúng ta bày tỏ tình yêu mến của mình lên Ngài bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Ngài (xin xem Giăng 14:15). Việc tuân giữ các giáo lệnh sẽ mang lại hạnh phúc và các phước lành từ Chúa (xin xem Mô Si A 2:41; An Ma 41:10). Thượng Đế sẽ không ban cho chúng ta một giáo lệnh mà không chuẩn bị một cách thức để chúng ta tuân theo (xin xem 1 Nê Phi 3:7).

Hai giáo lệnh cơ bản nhất là “hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. … Hãy yêu kẻ lân cận như mình” (xin xem Ma Thi Ơ 22:36–39). Chúng ta có thể yêu thương và phục vụ Thượng Đế bằng cách chọn yêu thương và phục vụ người khác (xin xem Mô Si A 2:17; Mô Rô Ni 7:45, 47–48).

Một trong số các giáo lệnh đầu tiên nhất được ban cho con người là phải giữ ngày Sa Bát được thánh. Thượng Đế truyền lệnh cho con cái của Ngài phải tôn kính Ngài bằng cách làm theo ý muốn của Ngài thay vì ý muốn của chúng ta về ngày Sa Bát, và Ngài hứa các phước lành lớn lao cho những người nào tuân giữ ngày thánh của Ngài (xin xem Ê Sai 58:13–14).

Mười Điều Giáo Lệnh là một phần thiết yếu của phúc âm và là những nguyên tắc vĩnh cửu cần thiết cho sự tôn cao của chúng ta (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–17). Chúa mặc khải các giáo lệnh này cho Môi Se trong thời xưa, và Ngài đã tuyên phán lại những giáo lệnh này trong những điều mặc khải ngày sau.

Các giáo lệnh của Thượng Đế gồm có việc cầu nguyện hàng ngày, học hỏi lời của Thượng Đế, hối cải, tuân theo luật trinh khiết, đóng tiền thập phân đầy đủ (xin xem Ma La Chi 3:8–10), nhịn ăn (xin xem Ê Sai 58:6–7), tha thứ cho người khác (xin xem GLGƯ 64:9–11), tuân theo Lời Thông Sáng (xin xem GLGƯ 89:18–21), và giảng dạy phúc âm cho người khác (xin xem Ma Thi Ơ 5:14–16; GLGƯ 18:15–16).

Để biết thêm chi tiết về những đề tài này, hãy vào gospeltopics.lds.org hoặc xem Trung Thành cùng Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm (2004).