Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 26 tháng Chín–ngày 2 tháng Mười. Ê Sai 50–57: “Người Đã Mang Sự Đau Ốm của Chúng Ta, Đã Gánh Sự Buồn Bực của Chúng Ta”


“Ngày 26 tháng Chín–ngày 2 tháng Mười. Ê Sai 50–57: ‘Người Đã Mang Sự Đau Ốm của Chúng Ta, Đã Gánh Sự Buồn Bực của Chúng Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 26 tháng Chín–ngày 2 tháng Mười. Ê Sai 50–57,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô đang đội mão gai và bị quân lính nhạo báng

The Mocking of Christ (Sự Nhạo Báng Đấng Ky Tô), tranh do Carl Heinrich Bloch họa

Ngày 26 tháng Chín–ngày 2 tháng Mười

Ê Sai 50–57

“Người Đã Mang Sự Đau Ốm của Chúng Ta, Đã Gánh Sự Buồn Bực của Chúng Ta”

Hãy suy ngẫm những lời sâu sắc từ Ê Sai 50–57 mà giúp anh chị em đến gần với Đấng Cứu Rỗi hơn. Hãy ghi lại những ấn tượng mà anh chị em nhận được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Suốt giáo vụ của mình, Ê Sai đã nói về một Đấng giải cứu hùng mạnh (để có ví dụ, xin xem Ê Sai 9:3–7). Những lời tiên tri này có lẽ là đặc biệt quý báu đối với dân Y Sơ Ra Ên trong nhiều thế kỷ sau, khi mà họ bị tù đày tại Ba By Lôn. Một người nào đó có thể làm sụp đổ các tường thành của Ba By Lôn thì thật sự sẽ là một người chinh phục đầy dũng mãnh. Nhưng đó không phải là Đấng Mê Si mà Ê Sai đã mô tả trong các chương 52–53: “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; … Mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ” (Ê Sai 53:3–4). Bằng cách gửi xuống một Đấng giải cứu theo cách ngoài mong đợi như vậy, Thượng Đế đã dạy chúng ta về sự giải thoát thật sự. Để cứu chúng ta khỏi sự đàn áp và nỗi thống khổ, Thượng Đế đã gửi đến một Đấng mà chính Ngài “bị hiếp đáp và … chịu sự khốn khổ.” Khi một số người trông mong một con sư tử, thì Ngài lại gửi đến con chiên non (xin xem Ê Sai 53:7). Chắc chắn rằng, đường lối của Thượng Đế chẳng phải là đường lối của chúng ta (xin xem Ê Sai 55:8–9). Chúa Giê Su Ky Tô giải thoát chúng ta không phải chỉ bằng cách mở cửa ngục tù mà còn bằng cách thế chỗ cho chúng ta trong đó. Ngài giải thoát chúng ta khỏi những đau đớn, khổ sở bằng cách tự mình mang lấy chúng (xin xem Ê Sai 53:4–5,12). Ngài không giải cứu chúng ta từ xa. Ngài chịu khổ cùng với chúng ta, trong một nghĩa cử của “lòng nhân từ vô cùng” mà sẽ “chẳng rời khỏi [chúng ta]” (Ê Sai 54:8, 10).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ê Sai 50–52

Tương lai thật tươi sáng cho dân của Chúa.

Mặc dù dân Y Sơ Ra Ên đã trải qua nhiều năm trong cảnh tù đày—và mặc dù sự tù đày đó là kết quả của chính những lựa chọn sai lầm của họ—nhưng Chúa muốn họ nhìn về tương lai với niềm hy vọng. Anh chị em tìm thấy các sứ điệp đầy hy vọng nào trong Ê Sai 50–52? Chúa dạy chúng ta điều gì về chính Ngài trong những chương này, và tại sao điều này lại cho anh chị em hy vọng? (để có ví dụ, xin xem Ê Sai 50:2, 5–9; 51:3–8, 15–16; 52:3, 9–10).

Anh chị em cũng có thể liệt kê bất kỳ điều gì trong các chương 51–52 mà Chúa mời dân Y Sơ Ra Ên làm để biến tương lai đầy hy vọng đó thành hiện thực. Anh chị em cảm thấy Chúa đang mời mình làm điều gì qua những lời này? Ví dụ, anh chị em nghĩ “thức dậy” và “mặc lấy sức mạnh” có nghĩa là gì? (Ê Sai 51:9; xin xem thêm Ê Sai 52:1; Giáo Lý và Giao Ước 113:7–10). Tại sao anh chị em nghĩ lời mời để “nghe” (hoặc “lắng nghe với ý định vâng theo”) được lặp lại nhiều lần đến vậy? (Russell M. Nelson, “Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89).

Xin xem thêm Mô Si A 12:20–24; 15:13–18; 3 Nê Phi 20:29–46.

Hình Ảnh
bức tượng Đấng Ky Tô vác thập tự giá

Because of Love (Bởi Tình Yêu Thương), do điêu khắc gia Angela Johnson thực hiện

Ê Sai 53

Chúa Giê Su Ky Tô đã mang vào Ngài những tội lỗi và nỗi đau khổ của tôi.

Ít có chương nào trong thánh thư mô tả sứ mệnh cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô một cách đẹp đẽ hơn Ê Sai 53. Hãy dành thời gian suy ngẫm những từ này. Với mỗi câu, hãy ngừng lại để ngẫm nghĩ điều Đấng Cứu Rỗi phải chịu đựng—những “đau ốm,” “buồn bực,” và “tội lỗi” mà Ngài gánh chịu—vì tất cả mọi người và đặc biệt vì anh chị em. Anh chị em có thể thay thế những từ như “chúng ta” và “của chúng ta” thành “tôi” và “của tôi” trong khi đọc. Những câu này soi dẫn trong anh chị em các cảm nghĩ hay ý nghĩ nào? Hãy cân nhắc viết chúng xuống.

Anh chị em có thể muốn xem lại Mô Si A 14; 15:1–13 để thấy cách tiên tri A Bi Na Đi sử dụng lời của Ê Sai giảng dạy về Đấng Cứu Rỗi.

Ê Sai 54; 57:15–19

Chúa Giê Su Ky Tô muốn tôi quay trở về với Ngài.

Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy xa cách Chúa bởi vì những tội lỗi và yếu kém của mình. Một vài người đã từ bỏ hy vọng rằng Ngài sẽ tha thứ cho họ. Ê Sai 5457 là các chương tuyệt hay nên đọc để được trấn an và khích lệ trong những lúc như vậy. Cụ thể trong Ê Sai 54:4–10; 57:15–19, anh chị em học được điều gì về lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi và những cảm nghĩ Ngài dành cho anh chị em? Việc biết những điều này về Ngài tạo ra sự khác biệt gì trong cuộc sống của anh chị em?

Các phước lành được mô tả trong Ê Sai 54:11–17 áp dụng cho anh chị em như thế nào?

Ê Sai 55–56

Chúa mời tất cả “cầm vững lời giao ước Ta.”

Trong nhiều thế hệ, Y Sơ Ra Ên đã được định là dân giao ước của Thượng Đế. Tuy nhiên, kế hoạch của Thượng Đế luôn bao gồm nhiều hơn một quốc gia, vì “những kẻ nào khát” đều được mời “đến suối nước” (Ê Sai 55:1). Hãy ghi nhớ điều này trong khi anh chị em đọc Ê Sai 5556, và suy ngẫm ý nghĩa của việc là dân của Thượng Đế. Sứ điệp của Thượng Đế dành cho những người cảm thấy bị “biệt ra khỏi” Ngài là gì? (Ê Sai 56:3). Hãy cân nhắc đánh dấu những câu mô tả các thuộc tính và hành động của những người “cầm vững lời giao ước [của Ngài]” (xin xem Ê Sai 56:4–7).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ê Sai 51–52.Trong khi thảo luận những lời mời của Chúa trong các chương này, anh chị em có thể mời mọi người trong gia đình diễn tả lại những lời đó. Ví dụ, các hành động “ngước mắt lên các từng trời,” “thức dậy, và đứng lên,” hoặc “dũ bụi bặm đi” trông như thế nào? (Ê Sai 51:6,17; 52:2). Những cụm từ này dạy chúng ta điều gì về việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô?

Ê Sai 52:9.Sau khi đọc câu này, gia đình anh chị em có thể hát chung về một bài thánh ca hoặc bài ca thiếu nhi mà mang niềm vui đến cho họ. Những lời hứa nào trong Ê Sai 52 khiến chúng ta “trỗi giọng hát mừng”?

Ê Sai 52:11; 55:7.Những câu này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về ý nghĩa có thể có của cụm từ “hãy làm cho sạch mình.” Là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em có thể xem lại các đề tài trong Cổ Vũ Sức Mạnh cho Giới Trẻ (sách mỏng, năm 2011) hoặc đọc các thánh thư về những phước lành của việc trong sạch về mặt thuộc linh (xin xem 3 Nê Phi 12:8; Giáo Lý và Giao Ước 121:45–46).

Ê Sai 53.Để giới thiệu lời miêu tả của Ê Sai về Đấng Cứu Rỗi, gia đình anh chị em có thể nói chuyện về cách mà những câu chuyện, bộ phim, hoặc các phương tiện truyền thông khác thường mô tả các anh hùng giải cứu dân chúng. Anh chị em có thể so sánh sự khác biệt giữa những mô tả đó với những lời miêu tả Đấng Cứu Rỗi mà anh chị em đọc trong Ê Sai 53. Anh chị em cũng có thể nói về cách mà những lời tiên tri trong Ê Sai 53 được ứng nghiệm. Đấng Cứu Rỗi đã mang giúp chúng ta những nỗi đau đớn và buồn khổ nào?

Ê Sai 55:8–9.Mọi vật nhìn khác biệt như thế nào khi anh chị em ở trên cao so với mặt đất? Việc các đường lối và ý nghĩ của Thượng Đế thì cao hơn của chúng ta có ý nghĩa gì đối với anh chị em?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 22.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy sử dụng âm nhạc. Các bài thánh ca giảng dạy các nguyên tắc phúc âm với đầy quyền năng. Hãy cân nhắc lắng nghe hoặc đọc các bài thánh ca Tiệc Thánh để giúp anh chị em hiểu các lẽ thật về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô được giảng dạy trong Ê Sai 53. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 22.)

Hình Ảnh
ảnh Đấng Ky Tô

His Light (Ánh Sáng của Ngài), tranh do MichaelT. Malm họa