Hãy Đến Mà Theo Ta
Ngày 8–14 tháng Sáu. An Ma 8–12: Chúa Giê Su Ky Tô Sẽ Đến để Cứu Chuộc Dân Ngài


Ngày 8–14 tháng Sáu. An Ma 8–12: Chúa Giê Su Ky Tô Sẽ Đến Để Cứu Chuộc Dân Ngài,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Sách Mặc Môn năm 2020 (2020)

“Ngày 8–14 tháng Sáu. An Ma 8–12,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2020

Hình Ảnh
An Ma đang thuyết giảng

Teaching True Doctrine (Giảng Dạy Giáo Lý Chân Chính), do Michael T. Malm họa

Ngày 8–14 tháng Sáu

An Ma 8–12

Chúa Giê Su Ky Tô Sẽ Đến để Cứu Chuộc Dân Ngài

Học tập thánh thư mời gọi sự mặc khải. Khi anh chị em đọc An Ma 8–12, hãy ghi lại những ấn tượng của Thánh Linh khi Ngài giảng dạy anh chị em từ những sứ điệp của An Ma và A Mu Léc.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Công việc của Thượng Đế sẽ không thất bại. Nhưng những nỗ lực của chúng ta để giúp đỡ công việc của Ngài đôi khi dường như thất bại—ít nhất, chúng ta có thể không thấy ngay lập tức những kết quả mà chúng ta hy vọng. Có những lúc chúng ta có thể cảm thấy giống An Ma một chút khi ông thuyết giảng phúc âm ở A Mô Ni Ha—bị từ chối, khạc nhổ và đuổi đi. Nhưng khi một thiên sứ hướng dẫn ông quay lại và thử một lần nữa, An Ma can đảm “cấp tốc trở lại” (An Ma 8:18), và Thượng Đế đã chuẩn bị con đường cho ông. Ngài không chỉ cung cấp cho An Ma thức ăn và chỗ ở, Ngài còn chuẩn bị A Mu Léc, là người trở thành bạn đồng hành, một người bảo vệ mạnh mẽ cho phúc âm, và một người bạn trung tín. Khi chúng ta gặp những thất bại và thất vọng khi phục vụ trong vương quốc của Chúa, chúng ta có thể nhớ đến cách Chúa đã hỗ trợ và dẫn dắt An Ma, và chúng ta có thể tin tưởng rằng Thượng Đế cũng sẽ hỗ trợ và dẫn dắt chúng ta, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

An Ma 8

Những nỗ lực của tôi để chia sẻ phúc âm có thể đòi hỏi sự kiên trì và kiên nhẫn.

Kể cả người khác có thể từ chối chứng ngôn của anh chị em về phúc âm, điều đó không có nghĩa là anh chị em nên đánh mất hy vọng—sau cùng, Chúa sẽ không bỏ cuộc với người đó, và Ngài sẽ hướng dẫn anh chị em cách hành động. Trong trường hợp của An Ma, một thiên sứ truyền lệnh cho ông quay lại A Mô Ni Ha để thuyết giảng phúc âm mặc dù người dân ở đó đã từ chối ông một cách thô bạo (xin xem An Ma 8:14–16). Anh chị em học được điều gì từ tấm gương của An Ma về việc chia sẻ phúc âm bất chấp những thử thách và sự chống đối? Câu nào trong An Ma 8 gia tăng ước muốn của anh chị em để chia sẻ phúc âm?

Xin xem thêm 3 Nê Phi 18:30–32; Jeffrey R. Holland, “Cái Giá—và Phước Lành—để Làm Môn Đồ,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 6–9.

An Ma 9:18–25; 10:16–23

Thượng Đế phán xét con cái của Ngài theo ánh sáng và sự hiểu biết mà họ có.

Khi đọc về cách mà dân Nê Phi ở A Mô Ni Ha đối xử với các tôi tớ của Chúa, thật dễ để quên đi rằng họ đã từng sống theo phúc âm, “là một dân tộc được rất nhiều ưu đãi của Chúa” (An Ma 9:20). Thực tế, một phần sứ điệp của An Ma dành cho người dân ở A Mô Ni Ha là bởi vì họ đã cứng lòng cho dù được ban phước dồi dào, trạng thái của họ tồi tệ hơn trạng thái của dân La Man, là những người phạm tội trong sự ngây thơ. Sự tương phản này dạy chúng ta điều gì về cách Thượng Đế phán xét con cái của Ngài?

Khi anh chị em đọc về những phước lành lớn lao Thượng Đế đã ban cho dân Nê Phi (đặc biệt xin xem An Ma 9:19–23), hãy suy ngẫm về những phước lành lớn lao mà Ngài đã ban cho anh chị em. Anh chị em đang làm gì để trung tín với những phước lành này? Những thay đổi nào anh chị em cảm thấy mình cần phải thực hiện?

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 82:3.

An Ma 11–12

Kế hoạch của Cha Thiên Thượng là kế hoạch cứu chuộc.

Các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã sử dụng nhiều cái tên để mô tả kế hoạch của Thượng Đế cho con cái của Ngài, như kế hoạch cứu rỗi hay kế hoạch hạnh phúc. Trong An Ma 11–12, An Ma và A Mu Léc đã đề cập đến kế hoạch đó là kế hoạch cứu chuộc. Khi anh chị em đọc những chương này, hãy suy ngẫm tại sao từ “cứu chuộc” được sử dụng để mô tả kế hoạch này. Anh chị em cũng có thể viết mọt đoạn tóm tắt về điều mà An Ma và A Mu Léc đã dạy về những khía cạnh sau đây của kế hoạch.

Sự Sa Ngã:

Đấng Cứu Chuộc:

Sự Hối Cải:

Cái Chết:

Sự Phục Sinh:

Sự Phán Xét:

Hãy để ý ảnh hưởng của những lời của A Mu Léc lên người dân (xin xem An Ma 11:46). Anh chị em nghĩ tại sao những nguyên tắc này đã có một tác động mãnh liệt như vậy? Chúng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của anh chị em như thế nào?

Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 111–114.

An Ma 12:8–18

Nếu tôi không cứng lòng, tôi có thể nhận thêm lời của Thượng Đế.

Một số người thường tự hỏi tại sao Cha Thiên Thượng không cho chúng ta biết hết mọi điều. Trong An Ma 12:9–14, An Ma đã giải thích một lý do khả thi là những điều bí ẩn của Thượng Đế đôi khi được giữ khỏi chúng ta. Những câu hỏi này có thể giúp anh chị em suy ngẫm điều ông đã giảng dạy:

  • Chúng ta cứng lòng có nghĩa là gì? Anh chị em có từng để ý thấy khuynh hướng này xảy ra trong bản thân mình không?

  • Tại sao Chúa có thể giữ lời của Ngài khỏi những người cứng lòng?

  • Làm thế nào anh chị em kinh nghiệm được lời hứa của việc nhận một “phần lớn lời của Ngài”? (An Ma 12:10). Kinh nghiệm đó như thế nào?

  • Anh chị em có thể làm gì để chắc chắn rằng lời của Thượng Đế được “tìm thấy … trong [mình]”? (An Ma 12:13). Nếu anh chị em có lời của Thượng Đế bên trong mình, thì có ảnh hưởng gì đến “lời nói,” “việc làm” và “tư tưởng” của anh chị em? (An Ma 12:14).

Để có ví dụ cho những nguyên tắc này, hãy so sánh A Mu Léc với những người dân khác ở A Mô Ni Ha. Kinh nghiệm của A Mu Léc (đặc biệt xin xem An Ma 10:1–11) minh họa điều mà An Ma đã giảng dạy trong những câu này như thế nào?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Sau đây là một số ý kiến.

An Ma 8:10–18

Chúng ta có thể học được điều gì từ An Ma về việc “cấp tốc” (câu 18) vâng lời Chúa, kể cả khi có thể khó khăn để làm điều đó? Để củng cố nguyên tắc này với các trẻ nhỏ, anh chị em có thể chơi một trò chơi mà anh chị em đưa ra những sự hướng dẫn cho một nhiệm vụ và xem các thành viên trong gia đình hoàn thành nó nhanh như thế nào. Ví dụ, anh chị em có thể thấy ai có thể nhanh chóng gấp xong một chiếc quần hoặc áo.

An Ma 10:1–12

Chúng ta có thể học được điều gì từ kinh nghiệm của A Mu Léc trong các câu này? Chứng ngôn của ông đã ảnh hưởng như thế nào lên những người lắng nghe? Mời các thành viên trong gia đình lập một kế hoạch để làm một việc trong tuần này dựa trên điều họ đã học được từ tấm gương của A Mu Léc.

An Ma 10:22–23

Chúng ta học được điều gì từ những câu này về ảnh hưởng của một nhóm người ngay chính ở một thành phố tà ác?

An Ma 11:34–37

Sự khác biệt giữa việc Chúa Giê Su cứu chúng ta trong tội lỗi của chúng ta và cứu chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta là gì? (xin xem Hê La Man 5:10; xin xem thêm 1 Giăng 1:9–10). Để minh họa điều A Mu Léc đã dạy, anh chị em có thể chia sẻ câu chuyện ở đầu sứ điệp của Anh Cả Allen D. Haynie “Nhớ Mình Đã Đặt Lòng Tin Cậy Nơi Ai” ( Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 121–123). Chúa Giê Su Ky Tô cứu chúng ta khỏi tội lỗi của mình như thế nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Học những lời của các vị tiên tri và sứ đồ ngày sau. Đọc những điều các vị tiên tri và sứ đồ ngày sau giảng dạy về các lẽ thật anh chị em tìm thấy trong thánh thư. Ví dụ, anh chị em có thể nhân ra một chủ đề trong An Ma 8–12 và tìm kiếm chủ đề đó trong đại hội trung ương gần nhất (xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 21).

Hình Ảnh
An Ma đang ăn cùng A Mu Léc

Minh họa An Ma đang ăn cùng A Mu Léc, tranh do Dan Burr họa