2016
Vai Trò Làm Cha Mẹ Là một Bổn Phận Thiêng Liêng
tháng chín 2016


Sứ Điệp Thăm Viếng Giảng Dạy của Hội Phụ Nữ, tháng Chín năm 2016

Vai Trò Làm Cha Mẹ Là một Bổn Phận Thiêng Liêng

Thành tâm nghiên cứu tài liệu này và tìm kiếm sự soi dẫn để biết phải chia sẻ điều gì. Việc hiểu rõ “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn Cùng Thế Giới” sẽ gia tăng đức tin của các chị em nơi Ngài và ban phước cho những người mà các chị em trông nom chăm sóc qua việc thăm viếng giảng dạy như thế nào? Để biết thêm chi tiết, xin vào trang mạng reliefsociety.lds.org.

Hình Ảnh
Biểu tượng của Hội Phụ Nữ

Đức tin, Gia đình, Trợ giúp

Cha Thiên Thượng của chúng ta thiết lập gia đình để nhằm giúp chúng ta giảng dạy các nguyên tắc đúng đắn trong một môi trường yêu thương. Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy: “Hãy khen ngợi và ôm hôn đứa con của các anh chị em; hãy thường xuyên nói ‘cha mẹ thương con’ nhiều hơn; hãy luôn luôn nói lời cám ơn. Đừng bao giờ để cho một vấn đề sẽ được giải quyết trở nên quan trọng hơn một người cần được yêu thương.”1

Susan W. Tanner, cựu chủ tịch trung ương Hội Thiếu Nữ dạy rằng: “Cha Trên Trời của chúng ta để ra mẫu mực mà chúng ta phải noi theo. Ngài yêu thương, giảng dạy chúng ta, kiên nhẫn với chúng ta, và giao phó cho chúng ta quyền tự quyết. … Đôi khi kỷ luật, có nghĩa là ‘dạy dỗ’, bị nhầm lẫn với chỉ trích. Con cái—cũng như mọi người ở mọi lứa tuổi—dễ cải thiện thái độ của mình nhờ vào tình yêu thương và lời khuyến khích hơn là lời chê bai bắt bẻ.”2

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói: “Nếu chúng ta trung thành cầu nguyện chung với gia đình, học thánh thư, buổi họp tối gia đình, các phước lành chức tư tế, và tuân giữ ngày Sa Bát, thì con cái chúng ta sẽ … được chuẩn bị cho một ngôi nhà vĩnh cửu trên thiên thượng bất kể điều gì xảy đến trong một thế giới khó khăn.”3

Các Câu Thánh Thư Bổ Sung

1 Nê Phi 8:37; 3 Nê Phi 22:13; GLGƯ 93:40; 121:41

Các Câu Chuyện về Những Người Thời Nay

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói: “Trong khi tôi đang đọc báo thì một đứa cháu nội đến ngồi sát bên tôi. Trong khi đọc, tôi vui mừng được nghe tiếng nói dễ thương của nó loáng thoáng bên tai. Hãy tưởng tượng nỗi ngạc nhiên của tôi trong một vài giây phút sau, khi nó xen vào giữa tôi và tờ báo. Nó lấy đôi tay ôm mặt tôi và ấn mũi nó vào mũi tôi, nó hỏi: ‘Ông Nội ơi! Ông Nội có nghe con nói không?’

“… Lắng nghe có nghĩa là thấu hiểu tấm lòng của giới trẻ chúng ta và liên kết với họ. Và liên kết với họ có nghĩa là không những nói chuyện với họ mà còn sinh hoạt chung với họ nữa. …

“Chúng ta cần phải hoạch định đồng thời tận dụng những giây phút giảng dạy. …

“… Càng sống lâu, tôi càng nhận thấy rằng những giây phút giảng dạy trong thời niên thiếu của mình, nhất là những giây phút giảng dạy của cha mẹ tôi, đã định hướng cuộc sống của tôi và làm cho tôi trở thành con người hiện tại.”4

Ghi Chú

  1. Thomas S. Monson, “Tình Yêu Thương trong Nhà—Lời Khuyên Dạy từ Vị Tiên Tri của Chúng Ta,” Liahona, tháng Tám năm 2011, 4.

  2. Susan W. Tanner, “Mẹ Có Nói Cho Con Biết Chưa … ?” Liahona, tháng Năm năm 2003, 74.

  3. Quentin L. Cook, “Chúa Là Sự Sáng của Tôi,” Liahona, tháng Năm năm 2015, 64.

  4. Robert D. Hales, “Bổn Phận của Chúng Ta đối với Thượng Đế: Sứ Mệnh của Cha Mẹ và Những Người Lãnh Đạo đối với Thế Hệ Đang Vươn Lên,” Liahona, tháng Năm năm 2010, 95.

Hãy Suy Nghĩ về Điều Này

Tại sao phúc âm được giảng dạy một cách hữu hiệu nhất qua ngôn ngữ và tấm gương về tình yêu thương?