2016
Những Người Truyền Giáo Cao Niên: Được Cần Đến, Ban Phước và Yêu Thương
April 2016


Những Người Truyền Giáo Cao Niên:Được Cần Đến, Ban Phước và Yêu Thương

Việc phục vụ với tư cách là một cặp vợ chồng truyền giáo có thể linh động, ít tốn kém, và vui vẻ hơn các anh chị em nghĩ.

Hình Ảnh
the Malmroses serving in Ghana

“Anh chị có thể đến giúp đỡ được không?”

Đó là một câu hỏi mà Gerald và Lorna Malmrose ở Washington, Hoa Kỳ, đã trả lời trước đây. Họ nói vâng khi vị cựu giám trợ của họ, lúc đó là chủ tịch phái bộ truyền giáo, đã hỏi họ có thể phục vụ với ông ở Tây Ấn không. Họ nói vâng một lần nữa khi chủ tịch giáo khu của họ kêu gọi họ phục vụ truyền giáo tại trụ sở Giáo Hội ở Salt Lake City, Utah, Hoa Kỳ, làm việc với máy vi tính và phòng nhân sự.

Khi vị cựu giám trợ và chủ tịch phái bộ truyền giáo của họ là Reid Robison, kêu gọi họ một lần nữa, thì lần này với tư cách là chủ tịch của trung tâm huấn luyện truyền giáo ở Accra, Ghana, ông hỏi Anh Chị Malmrose có chịu giúp một lần nữa không.

Anh Cả Malmrose nói: “Chúng tôi biết là chúng tôi có thể tin cậy Chúa. Vậy nên chúng tôi quyết định sẽ tin cậy Ngài một lần nữa.” Họ nói vâng, hoàn tất các mẫu giấy giới thiệu của họ, nhận được sự kêu gọi và chẳng bao lâu sau đó họ đã ở Ghana.

Vợ Chồng Phục Vụ Chung Với Nhau

Những kinh nghiệm của Anh Chị Malmrose cho thấy một số nguyên tắc về việc các cặp vợ chồng cao niên phục vụ truyền giáo mà nhiều người có thể không hiểu được:

  • Có hai loại công việc truyền giáo. (1) Chủ Tịch của Giáo Hội kêu gọi các cặp vợ chồng cao niên phục vụ hoặc từ nhà của họ hoặc xa nhà. (2) Chủ tịch giáo khu kêu gọi các cặp vợ chồng truyền giáo phục vụ Giáo Hội để bổ khuyết các nhu cầu ở địa phương hoặc khu vực bán thời gian, từ 8 đến 32 giờ mỗi tuần. Họ thường sống và phục vụ ở địa phương nhưng đôi khi có thể phục vụ xa nhà.

  • Các chủ tịch phái bộ truyền giáo được khuyến khích để tìm kiếm những cặp vợ chồng có thể đáp ứng nhu cầu trong phái bộ truyền giáo của họ, và các cặp vợ chồng có thể cho biết ý thích của họ. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích: “Chúng tôi không nói rằng các cặp vợ chồng có thể chọn những công việc chỉ định truyền giáo của họ. Một sự kêu gọi vẫn là một sự kêu gọi. … [Nhưng] chúng tôi nói chuyện với các cặp vợ chồng cao niên về những sở thích phục vụ của họ, và tất cả mọi điều đều được cân nhắc để cho phép họ phục vụ ở đâu và cách mà họ muốn phục vụ.”1

  • Các chủ tịch phái bộ truyền giáo bàn bạc với các cặp vợ chồng về cách sử dụng tốt nhất các kỹ năng và khả năng của họ. Chủ Tịch Robison nói: “Để có được kinh nghiệm có ý nghĩa nhất với tư cách là một cặp vợ chồng cao niên, các anh chị cần phải có cơ hội để làm việc trong các lãnh vực mình ưa thích và nơi các anh chị có một trình độ kỹ năng mà làm cho các anh chị cảm thấy mình có một điều gì đó để ban phát.”

Ví dụ, Chủ Tịch Robison biết rằng Anh Cả Malmrose nói được tiếng Pháp, điều đó rất hữu ích vì nhiều người châu Phi nói tiếng Pháp. Chủ Tịch Robison nói: “Tôi đã có ý định cho anh ấy tham gia vào việc lo vấn đề đi lại và thủ tục thị thực. Nhưng khi anh ấy đến đây thì tôi cảm thấy đó không phải là sở thích thực sự của anh ấy. Vậy nên tôi đã mời anh ấy sử dụng các kỹ năng về máy vi tính. Anh ấy đã giúp cho chúng tôi không phí nhiều thời giờ.” Anh Cả Malmrose cũng giúp những người truyền giáo, nhất là những người truyền giáo nói tiếng Pháp, chuẩn bị tên của gia đình họ và làm công việc đền thờ cho gia đình của họ. Chị Malmrose, một phụ tá y khoa có chứng thực, được chỉ định làm việc với bác sĩ và y tá trong phái bộ truyền giáo.

Ngài Chuẩn Bị Con Đường

Giống như Anh Chị Malmrose, các cặp vợ chồng khác thấy rằng khi họ tin cậy Chúa, thì Ngài chuẩn bị con đường cho họ. Đó là điều đã xảy ra cho Alvin và Corazon Rieta ở Kawit, Cavite, Philippines.

Hình Ảnh
the Rietas serve in the Philippines

Anh Cả Rieta giải thích: “Hai năm trước khi quyết định đi phục vụ, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch vững chắc cho doanh nghiệp của gia đình chúng tôi. Con trai và con gái của chúng tôi đã tốt nghiệp đại học và có thể trông coi thay cho chúng tôi, nhưng chúng tôi tự hỏi ai sẽ giải quyết các vấn đề kinh doanh và khách hàng sẽ phản ứng như thế nào với các kế hoạch của chúng tôi.”

Chị Rieta cũng lo lắng về việc rời bỏ người mẹ già của mình. Chị nói: “Tôi sợ rằng mẹ tôi có thể qua đời trong khi chúng tôi ở xa. Tôi cũng cảm thấy không thích hợp với thử thách của việc giảng dạy phúc âm.”

Họ hội ý với vị giám trợ của họ và với một cặp vợ chồng mới gần đây phục vụ ở Davao. Chị Rieta nói: “Tất cả họ đều chia sẻ chứng ngôn hùng hồn rằng Chúa sẽ hướng dẫn từng cặp vợ chồng để biết cách đối phó với các vấn đề của họ ở nhà, gia đình của họ, và tiền bạc dành cho công việc truyền giáo của họ.”

Anh Cả Rieta nói: “Trong khi chúng tôi tìm kiếm sự hướng dẫn, thì nỗi lo sợ của chúng tôi được giải quyết—doanh nghiệp của chúng tôi rất khá mặc dù có những thử thách, khách hàng bày tỏ niềm vui và sự hỗ trợ, và gia đình chúng tôi trở nên gần gũi với nhau trong việc chăm sóc người mẹ bị bệnh của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng Chúa thực sự giúp đỡ chúng tôi.”

Anh Chị Rietas hiện đang phục vụ trong việc hỗ trợ tín hữu và giới lãnh đạo ở Phái Bộ Truyền Giáo Philippines Cagayan de Oro.

Các Anh Chị Có Thể Làm Được Rất Nhiều Điều

Một số cặp vợ chồng tự hỏi về những hạn chế của thể xác, nhưng Keith và Jennilyn Mauerman ở Utah, Hoa Kỳ, thì không. Cách đây nhiều năm, bốn tháng sau khi họ kết hôn trong Đền Thờ Los Angeles California, thì Keith bị bắt đi quân dịch và gửi ra mặt trận. Với tư cách là một người chỉ huy đội nhảy dù, anh ta đang đi trước những người lính khác thì một quả mìn nổ. Anh mất cả hai chân. Khi anh trở về nhà, Jennilyn đã chạy đến bên anh.

Keith nói: “Tôi biết là tôi không phải lo lắng vì chúng tôi có một cuộc hôn nhân vĩnh cửu. Vợ tôi đã luôn luôn hỗ trợ tôi. Bà ấy vẫn còn giúp đỡ tôi mỗi ngày.”

Hình Ảnh
the Mauermans serving in military relations

Khi Chị Mauerman nghỉ hưu, họ quyết định đi phục vụ truyền giáo. Nhưng việc Anh Cả Mauerman bị cụt cả hai chân có gây ra vấn đề không? Anh ấy nói “Luôn luôn có những điều tôi không thể làm được, nhưng có rất nhiều điều tôi có thể làm được, chúng tôi biết là sẽ có một chỗ cho chúng tôi.”

Trong khi hoàn tất các mẫu giới thiệu của họ, anh ấy đã đánh dấu vào ô mà cho thấy anh ta đã phục vụ trong quân đội. Chẳng bao lâu, họ đã nhận được một sự kêu gọi từ văn phòng Liên Lạc Quân Sự của Giáo Hội. “Tôi đã có một thẻ quân nhân mà cho phép chúng tôi vào các căn cứ quân sự, vì vậy họ xin phép chúng tôi để giới thiệu chúng tôi cho một phái bộ truyền giáo liên lạc quân sự.”

Anh Chị Mauerman được kêu gọi phục vụ tại một căn cứ quân sự ở North Carolina, Hoa Kỳ. Anh Cả Mauerman nhớ lại: “Tấm bảng hiệu tại cổng vào ghi là ‘Fort Bragg, Căn Cứ Nhảy Dù.’ Khi người lính canh chào đón chúng tôi với khẩu hiệu nhảy dù ‘Dấn Thân!’ thì đó là lần đầu tiên tôi đã nghe lại khẩu hiệu đó sau nhiều năm. Tôi cảm thấy quen thuộc như đang ở nhà, mặc dù tôi chưa bao giờ đến Fort Bragg. Tôi biết sự kêu gọi đi phục vụ truyền giáo của chúng tôi là hoàn toàn phù hợp và Chúa quan tâm đến tôi.”

Chị Mauerman nói: “Chúng tôi dạy các bài học về việc trở nên tự lực cánh sinh, kiên cường và về việc củng cố hôn nhân.” “Lúc đầu, chúng tôi không muốn chia sẻ câu chuyện của mình, nhưng chúng tôi thấy rằng việc chia sẻ câu chuyện đó đã hoàn toàn tạo ra sự khác biệt. Những người lính và những người phối ngẫu của họ nhìn chúng tôi và nói: ‘Nếu anh chị có thể làm điều đó, thì chúng tôi cũng có thể làm được.’”

Anh Chị Mauerman đã có được một kinh nghiệm tích cực ở North Carolina đến mức họ được yêu cầu phục vụ một lần nữa. Ngày nay họ đi khoảng 40 dặm (64 kilômét) từ nhà của họ ở Orem đến Salt Lake City hai lần một tuần để phục vụ trong văn phòng Liên Lạc Quân Sự của Giáo Hội. Họ cũng giảng dạy các cặp vợ chồng cao niên tại trung tâm huấn luyện truyền giáo ở Provo, nơi mà họ thấy rằng hầu như mỗi nhóm đều có một người nào đó đã vượt qua những trở ngại để phục vụ.

Các Ngôn Ngữ Phổ Thông

Randy và Lou Ellen Romrell Utah rất lo lắng khi được kêu gọi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Brazil Cuiabá. Mặc dù Anh Cả Romrell đã phục vụ ở Brazil khi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, nhưng anh đã không còn nói giỏi tiếng Bồ Đào Nha nữa. Và Chị Romrell không biết tiếng Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, việc học tập và nỗ lực đã giúp Anh Cả Romrell có lại được khả năng nói tiếng Bồ Đào Nha và khả năng nói tiếng Bồ Đào Nha của Chị Romrell cũng tiến bộ. Khả năng chơi đàn ghi ta ukulele cũng thế.

Chị Romrell nói: “Tôi đã không thực sự dự định mang theo cây đàn đó, nhưng Anh Cả Romrell được soi dẫn để mang nó theo, và thật là tuyệt vời để thấy sự hữu dụng của cây đàn đó. Khi chúng tôi giảng dạy những người tầm đạo và làm công việc giúp các tín hữu tích cực lại và kết tình thân hữu thì thật là thú vị để sử dụng cây đàn đó để mọi người hát thánh ca. Chúng tôi học ngôn ngữ, và các bài thánh ca mang lại một tinh thần mạnh mẽ với những bài thánh ca đó.”

Hình Ảnh
the Romrells playing a ukulele

Mặc dù khả năng nói tiếng Bồ Đào Nha của chị vẫn còn đang phát triển, nhưng chị đã thành thạo trong âm nhạc. Chị nói: “Âm nhạc mang mọi người lại với nhau. Mặc dù tôi không thể hiểu tất cả mọi điều họ nói trong khi đến thăm, nhưng khi chúng tôi hát, thì chúng tôi thông cảm nhau.” Khi được mời đến nói chuyện tại các trường học về ngày lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ, Anh Chị Romrell hát các bài thánh ca về lòng biết ơn—và có tiếng đàn ukulele đệm theo. Và Chị Romrell cũng sử dụng một công cụ thông thường hơn, cây dương cầm, để đệm theo các bài thánh ca ở nhà thờ.

Còn tiếng Bồ Đào Nha thì sao? Chị nói: “Dù không có thông thạo, thì ta chỉ cần học một vài từ cũng hữu ích. Việc chỉ cần chào hỏi người khác thì cũng có tác dụng đáng kể. Hãy để cho họ biết rằng mình đang học. Hãy dùng câu đơn giản và trông cậy vào Thánh Linh.” Và dĩ nhiên, Thánh Linh là một ngôn ngữ khác mà mọi người đều có thể chia sẻ.

Phục Vụ từ Nhà

Paul và Jean Mar Lewis từ Utah đã ba lần phục vụ truyền giáo cùng với nhau (Đền Thờ Palmyra New York; Đền Thờ Hồng Kông Trung Quốc; và Croatia, Serbia và Slovenia với các lớp giáo lý và các học viện). Họ đang chuẩn bị để phục vụ truyền giáo một lần nữa thì chủ tịch giáo khu của họ hỏi: “Anh chị có sẵn lòng phục vụ ngay tại giáo khu của chúng ta ở đây để hỗ trợ phái bộ truyền giáo nơi chúng ta đang sống không?”

Hình Ảnh
the Lewises serving at home

Chị Lewis nói. “Chúng tôi mới dọn đến đây, vì vậy đó là một cơ hội thật tuyệt vời.” “Chúng tôi phục vụ với các anh cả và các chị truyền giáo trẻ tuổi, có một mối liên kết chặt chẽ với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, đi dự các buổi họp chi bộ và khu bộ, và làm việc với những người lãnh đạo công việc truyền giáo tiểu giáo khu.” Họ cũng đi thăm những người tầm đạo và những người kém tích cực.

Chị Lewis nói: “Chúng tôi đã gặp những người thật tuyệt vời mà chúng tôi sẽ không bao giờ biết được nếu không phục vụ ở đây, kể cả một số người đang kém tích cực. Thật là một phước lành tuyệt vời được thấy họ trở lại, tiếp nhận các giáo lễ, và đi đền thờ.”

Anh Cả Lewis nói: “Khi nghĩ về công việc phục vụ truyền giáo, nhiều cặp vợ chồng lo lắng về điều họ sẽ làm với nhà cửa, xe cộ của họ hay điều họ sẽ bỏ lỡ không làm với gia đình của họ. Chúng tôi đã có thể sống trong nhà của mình và lái xe của mình. Chúng tôi được khuyến khích đi dự các sinh hoạt của gia đình, miễn là những điều đó không làm trở ngại các trách nhiệm truyền giáo. Và thậm chí chúng tôi còn có mặt ở đây khi một đứa cháu ra đời nữa.”

Các Phước Lành cho Gia Đình

Mặt khác, Jill và Kent Sorensen, là những người cũng sống trong cùng giáo khu đó, nói rằng một trong những cách tốt nhất để củng cố gia đình của họ là phục vụ xa nhà. Chị Sorensen nói: “Một trong những lý do chính để bào chữa mà các cặp vợ chồng đưa ra để không đi là vì các cháu, con cái đã lập gia đình đang gặp khó khăn, con gái sắp sinh con, cha mẹ già—và còn nhiều hoàn cảnh như vậy nữa. Gia đình là một ưu tiên, và ta nhớ họ mỗi ngày. Nhưng việc đi truyền giáo gửi ra một sứ điệp hùng hồn rằng công việc truyền giáo cũng rất là quan trọng.”

Ngoài ra, Anh Cả Sorensen cũng nói: “bây giờ có rất nhiều cách để luôn luôn giữ liên lạc.”

Cuộc hành trình truyền giáo của Anh Chị Sorensen bắt đầu cách đây ba năm, khi giám trợ của họ yêu cầu họ tổ chức các buổi họp đặc biệt fireside hàng tháng cho các cặp vợ chồng đang có ý định đi phục vụ truyền giáo. Chị Sorensen nói: “Sau khi nói chuyện liên tục về điều đó, chính chúng tôi cũng phải đi thôi!” Họ đã nhận được một sự kêu gọi phục vụ ở Cook Islands, nơi ông bà của chị Jill đã phục vụ cách đây 50 năm.

Hình Ảnh
the Sorensons teaching Bible classes

Ngày nay, trong số các bổn phận khác, họ được yêu cầu giảng dạy lớp Kinh Thánh trong các trường học.

Anh Cả Sorensen nói: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô là đá. Chúng tôi đưa cho học sinh một viên đá nhỏ và khuyến khích họ luôn luôn rắn chắc như đá trong Đấng Ky Tô. Bây giờ chúng tôi đi đâu người ta cũng nói: ‘Rắn chắc như đá!’ khi họ thấy chúng tôi.”

Hãy Đến Giúp Đỡ

Nếu các anh chị đang có ý định đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian hoặc một công việc truyền giáo phục vụ Giáo Hội, thì tất cả những cặp vợ chồng này sẽ hỏi các anh chị cùng một câu hỏi mà Chủ Tịch Robison hỏi Gerald và Lorna Malmrose: “Anh chị có thể đến giúp đỡ được không?” Và họ sẽ nói với các anh chị rằng, cho dù các anh chị tham gia bằng cách nào đi nữa thì lời hứa này chắc chắn là: Các anh chị đang được cần đến, các anh chị có thể đóng góp, và các anh chị sẽ được ban phước và được yêu thương.

Ghi Chú

  1. “Anh Cả Jeffrey Holland: LDS Church Desperately Needs More Senior Missionaries,” Deseret News, ngày 14 tháng Chín năm 2011, deseretnews.com.