2015
Anh Cả Richard G. Scott: Cống Hiến Hết Mình cho Công Việc của Chúa
Tưởng NhớAnh Cả Richard G. Scott


Anh Cả Richard G. Scott: Cống Hiến Hết Mình cho Công Việc của Chúa

“Là một trong số Các Sứ Đồ của Ngài đã được cho phép để làm chứng về Ngài, tôi xin long trọng làm chứng rằng tôi biết Đấng Cứu Rỗi hằng sống, Ngài là Đấng phục sinh, đầy vinh quang với tình thương yêu trọn vẹn.”1

Hình Ảnh
Richard G. Scott with wood panel background

Phía trên cùng: Ảnh do nhã ý của Deseret News

Từ khi còn trẻ, Anh Cả Richard G. Scott đã có một mong muốn làm theo điều gì đúng đắn, thậm chí khi điều đó là khó khăn đi chăng nữa. Anh Cả Scott đã nói: “Khi tôi còn rất trẻ, tôi đã lập một giao ước với Chúa rằng tôi sẽ hiến dâng hết sức lực của mình vào công việc của Ngài.”2 Sự ngay thẳng của ông với giao ước đó đã hướng dẫn cho các quyết định của ông trong suốt cuộc đời ông. Ông đã phục vụ với tư cách là một người truyền giáo trọn thời gian, là một thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, và sau đó là một Vị Sứ Đồ của Chúa.

Richard Gordon Scott sinh tại Pocatello, Idaho, Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng Mười Một năm 1928. Khi ông năm tuổi, ông và gia đình đã di chuyển tới Washington, D.C, là nơi cha ông làm việc cho Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ dưới sự điều hành của Anh Cả Ezra Taft Benson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ lúc bấy giờ đang làm bộ trưởng bộ nông nghiệp.

Hình Ảnh
Kenneth and Mary Scott family

Phía trên bên trái: Với sự động viên của cha mẹ mình, Richard đã rất thích việc tách rời các đồ vật, học cách hoạt động của chúng, và lắp ráp chúng lại. Phía trên: Ông Kenneth và Bà Marry Scott cùng với con cái của họ (tính từ bên trái): Gerald, Wayne, Walter, Mitchel, và Richard.

Khi Richard còn trẻ, gia đình ông đã không tham dự nhà thờ thường xuyên. Cha mẹ ông là Ông Kenneth và Bà Mary, đã dạy cho ông về những giá trị tốt, nhưng Ông Kenneth không phải là tín hữu của Giáo Hội lúc đó, và Bà Mary thì là người kém tích cực. (Về sau Ông Kenneth đã gia nhập Giáo Hội, và vợ chồng ông đã trở nên tích cực, và phục vụ trong Đền Thờ Washington D.C trong nhiều năm). Richard thỉnh thoảng đến tham dự nhà thờ, nhờ sự khuyến khích của những người bạn tốt, vị giám trợ và thầy giảng tại gia.

Khi học trung học, Richard đã là một người rất năng động. Ông đã được bầu làm lớp trưởng, đã chơi kèn trong một ban nhạc, và là người đánh trống xuất sắc cho ban nhạc diễu hành. Mặc dù ông rất giỏi ở trường và có nhiều bạn bè, nhưng ông vẫn cảm thấy cô đơn và thiếu tự tin. Về sau khi là một người truyền giáo, ông nhận ra rằng “những cảm xúc khi đó có lẽ không có trong cuộc sống của tôi nếu như tôi đã hiểu về phúc âm trước đó.”3

Hình Ảnh
brothers playing musical instruments

Phía trên: Richard (ở giữa) cùng với các em trai của mình. Phía trên bên trái: Richard tốt nghiệp đại học năm 1950 với bằng kỹ sư cơ khí. Bên trái: Richard, đang chơi kèn, cùng với những người anh và em của ông.

Khi trường nghỉ hè, Richard đã đi tìm một vài công việc khác nhau để kiếm tiền đi học đại học. Vào một mùa hè, ông đã làm việc trên một con thuyền săn bắt hàu phía ngoài bờ biển Long Island, New York. Một mùa hè khác, ông đã đi tới Utah để làm công việc chặt cây; ông cũng sửa chữa các toa tàu hỏa. Mùa hè khác, ông đã xin một công việc ở Công Ty Utah Parks, thậm chí họ đã cho biết rằng không còn chỗ trống nào. Ông đã đề nghị rửa bát chén miễn phí trong hai tuần. Ông tính toán ra rằng ít nhất ông sẽ có một nơi để ở và thức ăn để ăn. Ông đã được thuê làm sau khi trình bày được sáng kiến giúp cho việc nấu ăn và cả việc rửa bát chén.4

Sau khi tốt nghiệp trung học, Richard đã theo học tại Đại Học George Washington ở Washington, D.C, và nhận bằng cử nhân về kỹ sư cơ khí vào năm 1950.

Suy Nghĩ về việc Đi Truyền Giáo

Hình Ảnh
Richard G. Scott as a missionary

Phía dưới: Anh Cả Scott đã phục vụ với tư cách là người truyền giáo ở Uruguay. Phần dưới cùng: Sau khi truyền giáo, ông đã kết hôn với Jeanene Watkins trong Đền Thờ Manti Utah vào tháng Bảy năm 1953.

Trước năm 22 tuổi, ông không nghĩ nhiều đến việc đi phục vụ truyền giáo. Nhưng ông đã suy nghĩ về điều đó sau khi một thiếu nữ mà ông đang hẹn hò, là Jeanene Watkins, đã nói với ông rằng “Khi em kết hôn, đó sẽ là ở trong đền thờ với một người truyền giáo giải nhiệm trở về.”5 Ông đã bắt đầu cầu nguyện về việc đi phục vụ truyền giáo và sau đó đã tới gặp vị giám trợ của ông về việc đó. Ông đã được kêu gọi phục vụ ở Uruguay từ năm 1950 đến năm 1953.

Jeanene đã học ngành múa hiện đại và xã hội học tại trường Đại Học George Washington. Bà tốt nghiệp năm 1951 và sau đó đi phục vụ truyền giáo ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Hai tuần sau khi Anh Cả Scott trở về từ công việc phục vụ truyền giáo, ông và bà Jeanene đã được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Manti Utah vào tháng Bảy năm 1953. Nói về lễ gắn bó đó, ông đã chia sẻ trong đại hội trung ương rằng: “Tôi không có khả năng để mô tả cảm giác bình an và thanh thản đến từ sự bảo đảm rằng nếu tôi tiếp tục sống xứng đáng, thì tôi sẽ sống vĩnh viễn với Jeanene yêu quý và với con cái của chúng tôi nhờ vào giáo lễ thiêng liêng đó đã được thực hiện với thẩm quyền chức tư tế thích đáng trong nhà của Chúa.”6

Hình Ảnh
Richard and Jeanene Scott on wedding day

Nhiều lần trong cuộc sống của mình, Anh Cả Scott đã đưa ra các quyết định ngay chính bất kể có sự phản đối và áp lực nào từ bạn bè. Một trường hợp như vậy là khi ông chấp nhận sự kêu gọi đi truyền giáo. Ông nhớ lại: “Các giáo sư và bạn bè đã cố gắng khuyên can tôi đừng chấp nhận sự kêu gọi truyền giáo, và khuyên rằng điều đó sẽ làm trở ngại nghiêm trọng tới sự nghiệp kỹ sư đang sáng lạn của tôi. Nhưng chỉ ít lâu sau khi truyền giáo trở về, tôi đã được tuyển chọn vào Chương Trình Hạt Nhân Hải Quân còn rất mới mẻ. … Trong một buổi họp tôi được cử đi hướng dẫn, tôi đã nhìn thấy một trong các vị giáo sư đã khuyên tôi từ bỏ việc đi truyền giáo lại đang có một chức vụ thấp hơn đáng kể so với tôi. Đó là một chứng ngôn mạnh mẽ đối với tôi về cách thức Chúa đã ban phước cho tôi khi tôi sắp xếp các mức độ ưu tiên của tôi một cách đúng đắn.”7

Khoảng 5 năm sau khi kết hôn, Anh Cả và Chị Scott đã trải qua điều mà ông đã mô tả như là “một kinh nghiệm đang càng ngày càng gia tăng”— một thử thách khó khăn mà cuối cùng đã trở thành một phước lành trong cuộc sống gia đình ông. Lúc đó họ có một con trai 2 tuổi và một con gái 3 tuổi. Chị Scott đã mang thai một bé gái. Đáng buồn thay, đứa bé đó đã qua đời khi sinh ra.

Chỉ sáu tuần sau đó, đứa con trai 2 tuổi của họ là Richard đã chết sau một ca phẫu thuật để sửa một khuyết tật tim bẩm sinh. Anh Cả Scott kể lại:

“Cha tôi, khi đó không phải là một tín hữu của Giáo Hội, đã rất yêu quý bé Richard. Ông nói với người mẹ không tích cực của tôi rằng ‘Anh không thể hiểu được sao mà Richard và Jeanene có thể chấp nhận được sự mất mát của những đứa trẻ này.”

Để đáp ứng một sự thúc giục đến với mình, mẹ ông nói rằng ‘Kenneth, chúng đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ rồi. Chúng biết con cái của chúng sẽ ở cùng với chúng trong suốt thời vĩnh cữu nếu chúng sống một cách ngay chính. Nhưng anh và em sẽ không ở cùng với năm đứa con trai của chúng ta vì chúng ta không lập các giao ước đó.’

“Cha tôi đã suy ngẫm về những lời đó. Ông bắt đầu gặp gỡ với những người truyền giáo của giáo khu và sau đó ít lâu đã chịu phép báp têm. Chỉ hơn một năm sau, Cha Mẹ ông và con cái của họ đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ.”8

Anh Chị Scott sau đó đã nhận nuôi thêm bốn đứa con.

Hình Ảnh
Richard and Jeanene Scott family

Phía trên: Gia đình Scott năm 1965, vào lúc ông được kêu gọi phục vụ làm chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Argentina, cùng với các con Mary Lee, Linda, và Kenneth. Phía dưới (từ bên trái): Kenneth, David, Linda, Jeanene, Elder Scott, Michael, và Mary Lee. Trang đối diện: Làm việc cho Hải Quân Hoa Kỳ, Anh Cả Scott đã giúp thiết kế lò phản ứng hạt nhân cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên.

Phục Vụ với tư cách là Chủ Tịch Phái Bộ Truyền Giáo

Làm việc trong chương trình hải quân ở Oak Ridge, Tennessee, Anh Cả Scott đã hoàn tất bằng cấp tương đương với bằng tiến sỹ về kỹ thuật hạt nhân. Bởi vì lĩnh vực này thuộc nhóm bí mật cao nhất, nên bằng cấp đó không thể được tưởng thưởng. Một sĩ quan hải quân tiên phong trong lĩnh vực này tên là Hyman Rickover, đã mời Richard tham dự vào chương trình hạt nhân. Họ đã cùng làm việc với nhau trong 12 năm — cho tới khi Richard được kêu gọi đi phục vụ với tư cách chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Argentina năm 1965. Anh Cả Scott giải thích về cách ông nhận được sự kêu gọi này:

Hình Ảnh
Richard G. Scott in navy uniform

Phía trên: Gia đình Scott năm 1965, vào lúc ông được kêu gọi phục vụ làm chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Argentina, cùng với các con Mary Lee, Linda, và Kenneth. Phía dưới (từ bên trái): Kenneth, David, Linda, Jeanene, Elder Scott, Michael, và Mary Lee. Trang đối diện: Làm việc cho Hải Quân Hoa Kỳ, Anh Cả Scott đã giúp thiết kế lò phản ứng hạt nhân cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên.

“Tôi đang ở trong một buổi họp tối với những người đang phát triển một phần thiết yếu của nhà máy điện hạt nhân. Thư ký của tôi đi vào và nói rằng ‘Có một người đàn ông gọi điện và nói rằng nếu tôi nói cho ông biết tên ông ta thì ông sẽ nghe điện thoại.’

“Tôi nói ‘Tên ông ấy là gì?

Cô ấy nói ‘Harold B. Lee.’

Tôi nói ‘Ông ấy đúng rồi đó.’ Tôi đã nghe cú điện thoại đó. Anh Cả Lee, người về sau trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội, đã hỏi xem ông ấy có thể gặp tôi vào đúng buổi tối hôm đó được không. Ông ấy đang ở New York City, còn tôi thì đang ở Washington, D.C. Tôi đã bay tới gặp ông ấy, và chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn mà đã dẫn đến sự kêu gọi của tôi làm một chủ tịch phái bộ truyền giáo.”

Anh Cả Scott sau đó đã cảm thấy được rằng mình nên cho Đô Đốc Rickover, là một người làm việc chăm chỉ và đòi hỏi yêu cầu cao, biết về sự kêu gọi của ông ngay tức khắc.

“Khi tôi giải thích sự kêu gọi truyền giáo với ông ấy và điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải từ bỏ công việc của tôi, ông ấy đã trở nên rất tức giận. Ông ấy đã nói những điều không thể lặp lại được, bẻ gãy cái khay đựng giấy trên bàn làm việc của ông, và nhấn mạnh rõ hai điểm chính trong lời bình luận sau đây:

“Scott, điều cậu đang làm trong chương trình quốc phòng này là rất thiết yếu và sẽ mất một năm để tìm được ai đó thay cậu, vì thế cậu không thể đi. Thứ hai, nếu cậu đi, cậu sẽ là một kẻ đào ngũ của quốc gia cậu.’

Tôi nói rằng ‘Tôi có thể huấn luyện người thay thế tôi trong hai tháng còn lại, và sẽ không có bất cứ sự nguy hiểm nào đối với quốc gia.’

Chúng tôi đã nói chuyện nhiều nữa. Rồi cuối cùng ông ấy nói: ‘Tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với cậu nữa. Tôi không muốn nhìn thấy cậu nữa. Cậu thế là xong rồi, không chỉ ở đây đâu, mà thậm chí đừng bao giờ nghĩ rằng cậu sẽ làm việc trong lĩnh vực hạt nhân một lần nữa.’”

Tôi đã trả lời “Thưa Đô Đốc, ông có thể cấm tôi tới văn phòng, nhưng trừ khi ông cản trở tôi, tôi sẽ chuyển công việc này cho một người khác.’”

Đúng như ông ấy đã nói, vị đô đốc đó đã thôi không nói chuyện với Anh Cả Scott. Khi phải đưa ra các quyết định quan trọng, ông ấy đã gửi một người để truyền tin. Ông ấy đã chỉ định một người thay vào chức vụ của Anh Cả Scott, là người Anh Cả Scott đã huấn luyện.

Vào ngày cuối cùng ở phòng làm việc, Anh Cả Scott đã yêu cầu một buổi hẹn với ông đô đốc. Thư ký của ông ấy đã rất sốc. Anh Cả Scott bước vào phòng làm việc với một quyển Sách Mặc Môn. Anh Cả Scott giải thích điều đã xảy ra sau đó:

“Ông ấy nhìn tôi và nói ‘Ngồi đi, Scott, cậu có điều gì? Tôi đã thử mọi cách để tôi có thể ép buộc cậu thay đổi. Cậu có cái gì vậy?’ Tiếp theo đó là một cuộc trò chuyện thú vị và yên tĩnh. Lúc này là lúc dễ lắng nghe hơn.

Ông ấy nói rằng ông sẽ đọc Sách Mặc Môn đó. Sau đó có một điều đã đến mà tôi không bao giờ nghĩ là sẽ xảy ra. Ông ấy nói thêm: ‘Khi cậu quay trở lại từ công việc truyền giáo, tôi muốn cậu gọi điện thoại cho tôi. Sẽ có một công việc dành cho cậu.’”9

Anh Cả Scott đã chia sẻ bài học mà ông đã học từ kinh nghiệm đó: “Các anh chị em sẽ có những thử thách và phải đưa ra những quyết định khó khăn trong cuộc sống của mình. Nhưng hãy xác định ngay bây giờ để luôn làm điều đúng và để cho kết quả theo sau. Kết quả sẽ luôn là điều tốt nhất dành cho các anh chị em.”10

Khi phục vụ ở Argentina, Chủ Tịch Richard G. Scottt là một chủ tịch phái bộ truyền giáo hữu hiệu và đầy lòng trắc ẩn. Một trong những người truyền giáo của ông là Wayne Gardner, nhớ đã phải sắp xếp một buổi đại hội người truyền giáo cách xa phái bộ truyền giáo và chịu trách nhiệm đón Chủ Tịch Scott từ sân bay. Vào phút cuối, tòa nhà nơi Anh Cả Gardner dự định cho buổi đại hội đã không còn có sẵn. Sau đó anh ấy và bạn đồng hành đã tới sân bay muộn để đón Chủ Tịch Scott. Họ còn quên nói với người lái xe taxi chờ họ và khi đó không còn taxi nào khác nữa, vì thế họ đã bế tắc.

Anh Cả Gardner nhớ lại “Mặc dầu tôi có thể thấy vẻ khó chịu trong đôi mắt của vị chủ tịch, nhưng ông đã quàng tay lên tôi và nói với tôi rằng ông yêu mến tôi. Ông đã rất kiên nhẫn và thấu hiểu. Tôi hy vọng sẽ không bao giờ quên bài học đó.”11

Hình Ảnh
Richard G. Scott holding up Book of Mormon

Chủ Tịch Scott tin rằng quyển Sách Mặc Môn là một nguồn soi dẫn cho mình và cho những người truyền giáo. Vào một dịp, có một người truyền giáo tới văn phòng của ông với một vấn đề. Anh Cả Scott nhớ lại:

“Khi anh ấy nói chuyện, tôi đã bắt đầu tổng hợp những lời nhận xét trong tâm trí tôi để giúp anh ta giải quyết được thử thách của mình. Khi anh ấy kết thúc, tôi nói: ‘Tôi biết cách để giúp anh rồi.’ Anh ấy háo hức nhìn vào tôi, và bỗng nhiên tâm trí tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi không thể nhớ bất cứ điều gì tôi đã chuẩn bị để nói với anh ta.

“Trong mối lo ngại đó, tôi đã bắt đầu giở quyển Sách Mặc Môn tôi đang có trên tay cho tới khi bắt gặp một câu thánh thư rất quan trọng, và tôi đã đọc câu đó cho anh ta. Điều này đã xảy ra ba lần. Mỗi câu thánh thư đều áp dụng một cách hoàn hảo với tình huống của anh ta. Sau đó, giống như một tấm màn đã được kéo lên trong tâm trí tôi, tôi đã nhớ được lời khuyên mà tôi đã dự định nói với anh ta. Giờ đây điều đó còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều, vì điều đó đã dựa trên một nền tảng của những câu thánh thư quý giá đó. Khi tôi kết thúc, anh ấy nói: ‘Tôi biết lời khuyên mà Chủ Tịch đã đưa ra cho tôi đã được soi dẫn bởi vì chủ tịch đã nhắc lại ba câu thánh thư mà đã được ban cho tôi khi tôi được phong nhiệm là một người truyền giáo.’”12

Sự Phục Vụ Liên Tục ở Nhà và ở Nước Ngoài

Khi vợ chồng Anh Cả Scott kết thúc công việc truyền giáo và quay lại Washington, D.C, Anh Cả Scott đã tiếp tục công việc trong ngành công nghiệp kỹ thuật hạt nhân. Một vài đồng nghiệp đã cùng làm với ông trước khi ông đi truyền giáo đã mời ông tham gia vào công ty tư vấn tư nhân của họ. Ông đã làm việc với công ty đó từ năm 1969 đến 1977. Ở nhà thờ, ông đã phục vụ với tư cách là cố vấn trong chủ tịch đoàn giáo khu và sau đó là người đại diện giáo phận.

Vào năm 1977, tám năm kể từ khi được giải nhiệm với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo, Anh Cả Scott đã được kêu gọi vào Đệ Nhất Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Những công việc chỉ định đầu tiên của ông bao gồm sự phục vụ với tư cách là Giám Đốc Chấp Hành của Sở Chức Tư Tế và sau đó là Quản Trị Viên Chấp Hành ở Mexico và Trung Mỹ. Ông và gia đình mình đã sống ở Mexico City trong ba năm cho công việc chỉ định đó. Các tín hữu Mỹ Latin biết ơn phong cách lãnh đạo nồng ấm của ông, khả năng nói tiếng Tây Ban Nha, và tình yêu thương thật lòng của ông đối với dân chúng.

Hình Ảnh
Richard G. Scott with Mexican Saints

Phía trên: Chủ Tịch Spencer W. Kimball và Chị Camilla Kimball đã tới thăm Phái Bộ Truyền Giáo Phía Bắc Argentina, là nơi Anh Cả Scott phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo. Anh Cả Scott cũng mở một công việc truyền giáo giữa những người Dân Da Đỏ Quechua ở phía Nam Bolivia. Phía dưới: Anh Cả Scott, là người nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha, chủ tọa buổi thành lập giáo khu thứ 100 tại Mexico.

Phía dưới cùng: ảnh do nhã ý của Deseret News.

Thậm chí khi là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ông đã rất khiêm nhường học hỏi từ các giảng viên và các vị lãnh đạo địa phương. Ông nhớ lại lần nhận được sự mặc khải khi ngồi trong buổi họp chức tư tế ở một chi nhánh tại Mexico City:

“Tôi nhớ lại như in cách thức mà một vị lãnh đạo chức tư tế khiêm nhường người Mexico đã gặp khó khăn khi truyền đạt những lẽ thật của phúc âm trong bài dạy của mình. … Qua cách thức của anh ấy, đó chính là một bằng chứng về một tình yêu thương thuần khiết đối với Đấng Cứu Rỗi và tình yêu thương đối với những người anh ta giảng dạy.

“Sự chân thành, tâm ý thuần khiết và lòng yêu thương của anh ta đã cho phép một sức mạnh thuộc linh bao phủ lấy phòng học. Tôi đã vô cùng cảm động. Sau đó tôi đã bắt đầu nhận được những ấn tượng cá nhân khi được giảng dạy sự mở rộng từ các nguyên tắc bởi người giảng viên khiêm nhường này. …

“Khi mỗi ấn tượng đến, tôi đều cẩn thận viết nó xuống. Trong khi làm như vậy, tôi đã được ban cho các lẽ thật quý báu mà tôi rất cần để trở thành một tôi tớ hữu hiệu hơn của Chúa.”13

Sau khi trở về từ Mexico, ông đã nhận được một công việc chỉ định quý giá khác: phục vụ với tư cách là giám đốc điều hành Sở Lịch Sử Gia Đình. Ông không chỉ giúp trông coi công việc lịch sử gia đình của Giáo Hội mà còn đích thân tham gia vào công việc lịch sử gia đình của riêng ông nữa. Bởi vì cha của Anh Cả Scott là một người cải đạo vào Giáo Hội, do đó có nhiều việc tìm kiếm cần làm về gia phả. Anh Cả Scott và vợ, cùng với cha mẹ mình, đã dành thời gian để nghiên cứu về lịch sử gia đình họ.

Giữa những năm 1980, công nghệ đã đóng một vai trò to lớn hơn trong công việc lịch sử gia đình, Anh Cả Scott đã nói “thậm chí khi có sự giúp đỡ của máy vi tính, thì vẫn luôn cần có sự tham gia của cá nhân vào công việc này, để cho các tín hữu Giáo Hội sẽ có được những kinh nghiệm thuộc linh lớn lao đi kèm theo với công việc này.”14

Hình Ảnh
Quorum of the Twelve Apostles

Bên Trái: Anh Cả Richard G. Scott (xa về bên phải) đã được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ năm 1988, là nơi ông phục vụ trong suốt 27 năm. Phía dưới bên trái: Ông chào đón Chủ Tịch Thomas S. Monson. Phía dưới: Anh Cả Scott đã được kêu gọi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi năm 1983. Ở dưới cùng: Đang rời khỏi đại hội trung ương cùng với Anh Cả Jeffrey R. Holland và M. Russell Ballard.

Năm 1988, một chức vụ kêu gọi rất lớn lao đã tới. Ông đã họp với Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899-1994), là người “nhân từ và yêu thương và có sự thấu hiểu lớn lao,” đã đưa ra lời kêu gọi Anh Cả Scott trở thành một Vị Sứ Đồ của Chúa. Anh Cả Scott nói về kinh nghiệm đó “Tôi đã không ngừng khóc.” “Và sau đó Chủ Tịch Benson đã rất tử tế nói về sự kêu gọi của ông để cho tôi được vững lòng. Ông đã làm chứng về chức vụ kêu gọi của tôi đã đến như thế nào. Tôi đã luôn luôn nhớ tới sự chu đáo và thấu hiểu đó của vị tiên tri của Chúa.”15 Anh Cả Scott đã được tán trợ tại đại hội trung ương ngày 1 tháng Mười.

Hôn nhân

Anh Cả Scott và vợ là Jeanene, vui thích nhiều sinh hoạt với nhau, như là xem chim, vẽ tranh (ông sử dụng màu nước; còn bà sử dụng phấn màu), và nghe nhạc jazz và nhạc dân tộc Nam Mỹ.

Hình Ảnh
Richard and Jeanene Scott reading scriptures

Những ai đã từng nghe các bài nói chuyện đại hội trung ương của Anh Cả Scott đều biết tới tình yêu của ông dành cho bà Jeanene. Ông thường xuyên nói về bà, thậm chí ngay cả sau khi bà ấy đã qua đời. Trong bài nói chuyện đại hội trung ương đầu tiên của ông với tư cách là một thành viên của Đệ Nhất Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, Anh Cả Scott đã ca ngợi người vợ của mình là “một người bạn đời yêu dấu, và trân quý. … Jeanene đã luôn là một tấm gương về chứng ngôn, tình yêu và sự dâng hiến thuần khiết; cô ấy là ngọn tháp sức mạnh đối với tôi.”16

Mới gần đây, trong một bài nói chuyện đại hội về hôn nhân đầy soi dẫn, ông đã nói đến nhiều cách biểu lộ tình yêu mà ông và Jeanene đã chia sẻ nhằm củng cố hôn nhân của họ. Ông kết luận: “Tôi biết ý nghĩa của việc yêu thương một người con gái của Cha Thiên Thượng là người đã sống một cách huy hoàng trọn vẹn trong vai trò phụ nữ ngay chính của mình với ân điển và lòng tận tụy. Tôi tin rằng trong tương lai khi tôi gặp lại bà một lần nữa ở bên kia bức màn che, chúng tôi sẽ nhận ra rằng chúng tôi sẽ trở nên yêu nhau thắm thiết hơn. Chúng tôi sẽ còn biết ơn nhau nhiều hơn nữa sau khi đã sống xa cách nhau bởi bức màn che.”17

Giờ đây họ đã được đoàn tụ.

Ghi Chú

  1. Richard G. Scott, “He Lives,” Liahona, Tháng Giêng năm 2000, 108.

  2. Trong “Elder Richard G. Scott of the Quorum of the Twelve,” Ensign, Tháng Giêng năm 1988, 101.

  3. Trong Marvin K. Gardner, “Elder Richard G. Scott: ‘The Real Power Comes from the Lord,’” Tambuli, Tháng Hai năm 1990, 18.

  4. Xin xem Gardner, “Elder Richard G. Scott: ‘The Real Power Comes from the Lord,’” Tambuli, Tháng Hai năm 1990, 19.

  5. Jeanene Watkins, trong Gardner, “Elder Richard G. Scott: ‘The Real Power Comes from the Lord,’” Tambuli, Tháng Hai năm 1990, 20.

  6. Richard G. Scott, “Các Phước Lành Vĩnh Cửu của Hôn Nhân,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 94.

  7. Trong “Elder Richard G. Scott of the First Quorum of the Seventy,” Ensign, Tháng Năm năm 1977, 102–3.

  8. Richard G. Scott, “Receive the Temple Blessings,” Liahona, tháng Bảy năm 1999, 31.

  9. Richard G. Scott, “Making Hard Decisions,” Liahona, Tháng Sáu năm 2005, 8–9, 10.

  10. Richard G. Scott, “Do What Is Right,” Liahona, Tháng Ba năm 2001, 14.

  11. Wayne L. Gardner, in Gardner, “Elder Richard G. Scott: ‘The Real Power Comes from the Lord,’” Tambuli, Tháng Ba năm 1990, 21.

  12. Richard G. Scott, “The Power of the Book of Mormon in My Life,” Ensign, Tháng Mười năm 1984, 9.

  13. Richard G. Scott, “To Acquire Spiritual Guidance,” Liahona, Tháng Mười Một năm 2009, 7.

  14. Trong “Elder Richard G. Scott of the Quorum of the Twelve,” Ensign, Tháng Giêng năm 1988, 102.

  15. Trong “Elder Richard G. Scott of the Quorum of the Twelve,” Ensign, Tháng Giêng năm 1988, 101.

  16. Richard G. Scott, “Gratitude,” Ensign, Tháng Năm năm 1977, 70.

  17. Richard G. Scott, “Các Phước Lành Vĩnh Cửu của Hôn Nhân,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 97.