2015
Các Thuộc Tính của Chúa Giê Su Ky Tô: Nhịn Nhục và Kiên Nhẫn
March 2015


Sứ Điệp Thăm Viếng Giảng Dạy của Hội Phụ Nữ, tháng Ba năm 2015

Các Thuộc Tính của Chúa Giê Su Ky Tô: Nhịn Nhục và Kiên Nhẫn

Thành tâm nghiên cứu tài liệu này và tìm cách biết phải chia sẻ điều gì. Làm thế nào việc hiểu biết về cuộc sống và vai trò của Đấng Cứu Rỗi sẽ gia tăng đức tin của các chị em nơi Ngài và ban phước cho những người mà các chị em trông nom chăm sóc qua việc thăm viếng giảng dạy? Để biết thêm chi tiết, xin vào trang mạng reliefsociety.lds.org.

Hình Ảnh
Biểu tượng của Hội Phụ Nữ

Đức tin, Gia đình, Trợ giúp

Lòng kiên nhẫn thường được coi như là một đặc điểm thụ động lặng lẽ, nhưng như Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói: “Tính kiên nhẫn không phải là việc thụ động cam chịu, cũng như không phải là không hành động vì nỗi sợ hãi của chúng ta. Kiên nhẫn có nghĩa là tích cực chờ đợi và chịu đựng. Nó có nghĩa là bền bỉ trong một điều gì đó … ngay cả khi những ước muốn trong lòng mình bị trì hoãn. Tính kiên nhẫn không chỉ đơn thuần là chịu đựng không thôi; mà còn là kiên trì chịu đựng nữa!”

Trong cuộc sống tiền dương thế của chúng ta, Cha Thiên Thượng đã chuẩn bị một kế hoạch cho chúng ta—con cái linh hồn của Ngài—và chúng ta đã reo hò mừng rỡ trước cơ hội được đến thế gian (xin xem Gióp 38:7). Khi chúng ta đã chọn để sắp xếp ý muốn của chúng ta theo với ý muốn của Ngài trong cuộc sống trên trần thế của mình, thì Ngài “sẽ làm cho [chúng ta] trở thành những công cụ trong tay [Ngài] để đem lại sự cứu rỗi cho nhiều người” (An Ma 17:11).

Chủ Tịch Uchtdorf nói tiếp: “Tính kiên nhẫn có nghĩa là chấp nhận điều không thể thay đổi và đương đầu với điều đó bằng lòng can đảm, ân điển và đức tin. Như thế có nghĩa là ‘sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho [chúng ta], chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy’ [Mô Si A 3:19]. Cuối cùng tính kiên nhẫn có nghĩa là ‘vững chắc và bền bỉ, và bất di bất dịch trong việc tuân giữ các lệnh truyền của Chúa’ [1 Nê Phi 2:10] mỗi giờ, mỗi ngày ngay cả khi rất khó để làm như vậy.”1

Các Câu Thánh Thư Bổ Sung

Thi Thiên 40:1; Ga La Ti 5:22–23; 2 Phi E Rơ 1:6; An Ma 17:11

Từ Thánh Thư

Thánh thư cho chúng ta biết rằng trong cuộc sống trần thế của mình, chúng ta nên “kiên nhẫn trong những nỗi thống khổ, vì [chúng ta] sẽ gặp rất nhiều.” Sau đó Thượng Đế ban cho chúng ta lời hứa đầy an ủi này: “Hãy chịu đựng, vì trông kìa, ta ở cùng ngươi cho đến ngày cuối cùng của đời ngươi” (GLGƯ 24:8).

Câu chuyện sau đây trong Kinh Thánh là một tấm gương về tính kiên nhẫn và đức tin.

“Bấy giờ, có một người đàn bà đau bịnh mất huyết mười hai năm rồi, … đến đằng sau [Đấng Ky Tô] rờ trôn áo; tức thì huyết cầm lại.

“Đức Chúa Giê Su bèn phán rằng … Có người đã rờ đến ta, vì ta nhận biết có quyền phép từ ta mà ra.

“Người đàn bà thấy mình không thể giấu được nữa, thì run sợ, đến sấp mình xuống nơi chân Ngài, tỏ thật trước mặt dân chúng vì cớ nào mình đã rờ đến, và liền được lành làm sao.

“Nhưng Đức Chúa Giê Su phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình an” (Lu Ca 8:43–48).

Giống như người đàn bà này, chúng ta có thể tìm thấy các phước lành và sự an ủi, và ngay cả sự chữa lành, khi chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô—mà Sự Chuộc Tội của Ngài có thể chữa lành chúng ta.

Ghi Chú

  1. Dieter F. Uchtdorf, “Tiếp Tục Kiên Nhẫn,” Liahona, tháng Năm năm 2010, 57, 59.