Đại Hội Trung Ương
Nơi Đây Có Tình Yêu Thương
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


Nơi Đây Có Tình Yêu Thương

Cầu xin cho mỗi người chúng ta học cách nói và nghe được tình yêu thương của Ngài nơi đây, trong tấm lòng, trong tổ ấm gia đình, và trong những chức vụ kêu gọi, những sinh hoạt, việc phục sự, và phục vụ của chúng ta.

Các trẻ em trong Hội Thiếu Nhi của chúng ta thường hát: “Nơi Đây Có Tình Yêu Thương.”1

Có lần tôi đã tặng cho Chị Gong một mặt dây chuyền nhỏ. Trên đó, tôi cho khắc các ký hiệu chấm chấm, chấm chấm, chấm chấm gạch. Những ai quen thuộc với mã Morse sẽ nhận ra đó là các chữ cái I, I, U (đọc là “ai - ai - du” trong tiếng Anh). Nhưng tôi cũng dùng thêm một mật mã thứ hai. Trong tiếng Quan Thoại, “ai” có nghĩa là “yêu.” Vậy nên, thông điệp đó khi được giải mã trọn vẹn sẽ là “Anh Yêu Em.” Susan vợ yêu ơi, “I (Anh), ai (yêu), U (em).”

Chúng ta nói lời yêu thương bằng nhiều ngôn ngữ. Tôi được biết rằng gia đình nhân loại có đến 7.168 ngôn ngữ.2 Trong Giáo Hội, chúng ta có 575 ngôn ngữ chính được ghi nhận, với nhiều phương ngữ. Chúng ta cũng bày tỏ ý định, suy nghĩ, và cảm xúc của mình qua nghệ thuật, âm nhạc, nhảy múa, các ký hiệu, cũng như sự giao tiếp giữa các cá nhân với nhau và sự giao tiếp với bản thân mình.3

Hôm nay, chúng ta hãy nói về ba ngôn ngữ tình yêu trong phúc âm, đó là: ngôn ngữ bởi sự thân thiện và tôn trọng, ngôn ngữ bởi sự phục vụ và hy sinh, và ngôn ngữ bởi việc được thuộc vào giao ước.

Trước hết, ngôn ngữ phúc âm được thể hiện qua sự thân thiện và tôn trọng.

Với sự thân thiện và tôn trọng, Chị Gong hỏi các em thiếu nhi và thanh thiếu niên: “Làm thế nào mà các em biết cha mẹ và gia đình yêu thương các em?”

Ở Guatemala, câu trả lời là: “Vì cha mẹ con làm việc vất vả để nuôi cả nhà.” Ở Bắc Mỹ, các em nói: “Vì cha mẹ đọc truyện và đắp chăn cho con vào giờ đi ngủ.” Câu trả lời ở Đất Thánh là: “Vì cha mẹ giữ cho con được an toàn.” Còn ở Ghana, Tây Phi, lại là: “Vì cha mẹ giúp đỡ con thực hiện các mục tiêu Trẻ Em và Giới Trẻ của con.”

Một em nhỏ đã nói: “Dù mẹ rất mệt sau một ngày dài làm việc, mẹ vẫn ra sân chơi với con.” Mẹ của em ấy đã khóc khi nghe được rằng những sự hy sinh hằng ngày của mình có ý nghĩa đến vậy. Một thiếu nữ đã nói: “Mặc dù đôi khi mẹ bất đồng ý kiến với con, nhưng con vẫn tin cậy mẹ.” Mẹ của em ấy cũng bật khóc.

Đôi khi, chúng ta cần biết là tình yêu thương được ghi nhận và trân trọng trên thế gian này.

Với sự thân thiện và tôn trọng, lễ Tiệc Thánh và các buổi họp khác của chúng ta tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta nói đến Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô một cách kính cẩn vì Sự Chuộc Tội có thật và có ý nghĩa cá nhân cho mỗi chúng ta, chứ không chỉ là giáo lý suông. Chúng ta gọi Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô bằng danh của Ngài, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ cầu nguyện đầy tôn kính khi ngỏ lời với Cha Thiên Thượng và ngôn ngữ thân thiện, tôn trọng khi trò chuyện với nhau. Khi biết Chúa Giê Su Ky Tô chính là trọng tâm trong các giao ước đền thờ, chúng ta không chỉ “đi đền thờ” mà còn tập trung hơn vào việc “đến với Chúa Giê Su Ky Tô trong nhà của Chúa.” Mỗi giao ước đều thầm nhắc nhở: “Nơi đây có tình yêu thương.”

Các tín hữu mới hay nói những từ ngữ trong Giáo Hội thường cần phải được giải mã. Chúng ta cười thầm với ý nghĩ “thầy trợ tế” là “thầy hỗ trợ y tế”, hay nhầm lẫn đã có “Anh Cả” phải có luôn “Chị Cả”, hoặc tự hỏi “tộc trưởng” có phải “trưởng tộc dòng họ” hay không. Nhưng, xin anh chị em hãy thông cảm và tử tế khi chúng ta cùng nhau học ngôn ngữ tình yêu mới mẻ này. Khi mới gia nhập Giáo Hội, một người cải đạo bị nói là váy của chị ấy quá ngắn. Thay vì bực bội, chị ấy đưa ra câu trả lời đáng suy ngẫm: “Tấm lòng tôi đã thực sự được cải đạo; xin kiên nhẫn chờ cho chiếc váy của tôi thay đổi theo.”4

Những lời lẽ mà chúng ta thốt ra có thể mang chúng ta đến gần hoặc đẩy chúng ta ra xa bạn bè và các tín hữu Ky Tô khác. Đôi khi, chúng ta nói về công việc truyền giáo, công việc đền thờ, hay những việc thiện nguyện và an sinh phúc lợi theo cách có thể khiến cho người khác cho là chúng ta tin mình tự làm được những công việc này. Chúng ta hãy luôn tỏ thái độ tử tế và tôn kính khi nói về công việc và vinh quang của Thượng Đế và về công lao, lòng thương xót, và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài.5

Thứ hai, ngôn ngữ phúc âm được thể hiện qua sự phục vụ và sự hy sinh.

Khi chúng ta nhóm họp lại mỗi tuần ở nhà thờ để tôn trọng và vui mừng trong ngày Sa Bát, chúng ta có thể cho Chúa Giê Su Ky Tô và những người khác thấy được cam kết của chúng ta với giao ước trong Tiệc Thánh qua những sự kêu gọi trong nhà thờ, tình bằng hữu, sự thân thiện, và sự phục vụ của mình.

Khi tôi hỏi các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương về điều làm họ lo ngại, ai cũng nói rằng: “Một số tín hữu của chúng tôi không chấp nhận sự kêu gọi từ Giáo Hội.” Những sự kêu gọi để phục vụ Chúa và người khác trong Giáo Hội của Ngài là cơ hội để gia tăng lòng trắc ẩn, năng lực, và sự khiêm nhường. Khi chúng ta được phong nhiệm, chúng ta có thể nhận được sự soi dẫn của Chúa để nâng đỡ và củng cố những người khác và chính bản thân mình. Dĩ nhiên, có những giai đoạn và hoàn cảnh thay đổi trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến khả năng của chúng ta để phục vụ, nhưng tôi mong điều đó không làm suy giảm ước muốn phục vụ của chúng ta. Cùng với Vua Bên Gia Min, chúng ta nói, “nếu tôi có thì tôi sẽ cho”6 và trao đi tất cả trong khả năng của mình.

Thưa các vị lãnh đạo giáo khu và tiểu giáo khu, chúng ta hãy làm phần vụ của mình. Khi chúng ta kêu gọi (và giải nhiệm) các anh chị em để phục vụ trong Giáo Hội của Chúa, xin hãy làm vậy với sự nghiêm trang và soi dẫn. Hãy giúp mỗi tín hữu cảm thấy được trân trọng và tin rằng họ có thể thành công. Xin tham vấn và lắng nghe các chị em lãnh đạo. Chúng ta hãy nhớ lời mà Chủ Tịch J. Reuben Clark đã dạy rằng, trong Giáo Hội của Chúa chúng ta phục vụ khi được kêu gọi để làm “nhiệm vụ mà mình không tìm kiếm lẫn từ chối.”7

Khi Chị Gong và tôi kết hôn, Anh Cả David B. Haight đã khuyên: “Hãy luôn giữ một chức vụ kêu gọi trong Giáo Hội”. Ông nói: “Đặc biệt khi cuộc sống trở nên bận rộn, anh chị cần cảm nhận được tình yêu thương của Chúa dành cho những người mà mình phục vụ và cho chính bản thân mình trong khi anh chị phục vụ.” Tôi hứa rằng có tình thương yêu ở đây, ở đó, và ở khắp nơi khi chúng ta cho các vị lãnh đạo Giáo Hội câu trả lời đồng ý phục vụ Chúa trong Giáo Hội của Ngài qua Thánh Linh của Ngài và các giao ước của chúng ta.

Giáo Hội phục hồi của Chúa có thể là một nơi ươm mầm cho một cộng đồng Si Ôn. Khi chúng ta cùng nhau thờ phượng, phục vụ, vui hưởng, và tìm hiểu về tình yêu thương của Ngài, chúng ta giúp nhau bám chặt vào phúc âm Ngài. Chúng ta có thể bất đồng về các vấn đề chính trị hoặc xã hội, nhưng sẽ tìm được sự hòa hợp khi cùng nhau hát trong ca đoàn của tiểu giáo khu. Chúng ta nuôi dưỡng sự kết nối và chống lại sự cô lập khi thường xuyên hết lòng phục sự trong nhà của nhau và cho hàng xóm láng giềng.

Trong những chuyến thăm tín hữu cùng các vị chủ tịch giáo khu, tôi cảm nhận được tình thương yêu sâu sắc của họ dành cho các tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Khi chúng tôi lái xe ngang qua nhà của các tín hữu trong giáo khu, vị chủ tịch giáo khu đã thấy rằng cho dù chúng ta sống trong một ngôi nhà có hồ bơi riêng hay là một căn nhà với nền đất, sự phục vụ trong Giáo Hội vẫn là một đặc ân mà thường đi kèm với sự hy sinh. Tuy nhiên, ông ấy sáng suốt nhận ra rằng khi cùng nhau phục vụ và hy sinh trong phúc âm, chúng ta ít bắt lỗi nhau hơn và có nhiều sự bình an hơn. Nếu chúng ta cho Ngài cơ hội, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ giúp chúng ta mang tình thương yêu của Ngài đến nơi đây.

Mùa hè năm nay, gia đình chúng tôi đã gặp được các tín hữu Giáo Hội và những người bạn tuyệt vời ở Loughborough và Oxford, Anh Quốc. Những buổi tụ họp đầy ý nghĩa này gợi nhắc cho tôi rằng các sinh hoạt vui chơi và phục vụ trong tiểu giáo khu có thể tạo ra những mối liên kết mới và bền chặt trong phúc âm. Đôi khi, tôi đã cảm thấy rằng, ở nhiều nơi trong Giáo Hội, chỉ cần một vài sinh hoạt tiểu giáo khu thường xuyên hơn một chút, dĩ nhiên là được hoạch định và thực hiện vì mục đích phúc âm, thì đã có thể gắn kết chúng ta với nhau trong cảm giác được thuộc về và tình đoàn kết mạnh mẽ hơn.

Một hội đồng và người lãnh đạo đầy soi dẫn phụ trách các sinh hoạt sẽ nuôi dưỡng các cá nhân và cộng đồng Các Thánh Hữu. Các sinh hoạt được hoạch định kỹ sẽ giúp tất cả mọi người cảm thấy được trân trọng, được cần đến, và được mời đóng một vai trò cần thiết. Những sinh hoạt như vậy kết nối mọi độ tuổi, mọi hoàn cảnh, tạo ra các ký ức sống mãi, và có thể được thực hiện với rất ít hoặc không tốn chi phí. Những sinh hoạt phúc âm thú vị cũng mời gọi bạn bè và những người lân cận.

Những mối quan hệ xã hội và sự phục vụ thường đi đôi với nhau. Những người thành niên trẻ tuổi biết rằng nếu mình thật sự muốn làm quen với một ai đó thì hãy đứng cạnh nhau trên một cái thang trong một dự án phục vụ ý nghĩa.

Hình Ảnh
Những người thành niên trẻ tuổi đang sơn tường trong một dự án phục vụ.

Tất nhiên là không có cá nhân hay gia đình nào hoàn hảo cả. Tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ thêm để đem tình yêu thương đến đây. “Sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi.”8 Đức tin, sự phục vụ, và sự hy sinh kéo chúng ta vượt lên chính mình và đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Chúng ta càng cảm thông, trung tín, và vô vị kỷ trong khi phục vụ và hy sinh trong Ngài, thì chúng ta càng bắt đầu hiểu được lòng trắc ẩn và ân điển chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho chúng ta.

Và điều đó mang chúng ta đến với ngôn ngữ phúc âm qua sự thuộc vào giao ước.

Chúng ta sống trong một thế giới rất vị kỷ. Có nhiều người đặt lợi ích cá nhân lên trên hết. Họ tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất cho bản thân họ và cách để mưu cầu điều đó.

Nhưng thật sự, suy nghĩ đó không đúng. Chính Chúa Giê Su Ky Tô đã minh chứng cho lẽ thật hùng hồn, vĩnh cửu này:

“Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại.

“Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?”9

Chúa Giê Su Ky Tô đưa ra một cách thức tốt hơn—đó là những mối quan hệ được thiết lập trên giao ước thiêng liêng, mạnh hơn cả dây trói buộc của sự chết. Việc được thuộc vào giao ước với Thượng Đế và với nhau có thể chữa lành và thánh hóa những mối quan hệ quý giá nhất của chúng ta. Quả thật, Chúa hiểu chúng ta và yêu thương chúng ta nhiều hơn cả chính chúng ta. Quả thật, khi chúng ta giao ước hết lòng mình, chúng ta có thể trở thành con người tốt hơn hiện tại. Quyền năng và sự thông sáng của Thượng Đế có thể ban phước cho chúng ta với mọi ân tứ tốt, theo kỳ định và cách thức của Ngài.

Trí thông minh nhân tạo AI đã tạo ra những bước tiến lớn trong lĩnh vực phiên dịch ngôn ngữ. Đã qua rồi những ngày mà máy vi tính phiên dịch câu nói giàu ý nghĩa “Tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt lại yếu đuối” thành “Rượu ngon, nhưng thịt lại hôi ê.” Thú vị thay, việc cho máy tính tiếp xúc nhiều lần và nhiều câu đa dạng trong một ngôn ngữ có thể dạy cho nó ngôn ngữ đó hiệu quả hơn nhiều so với việc dạy cho nó các quy tắc ngữ pháp.

Tương tự, các trải nghiệm thực tế và lặp đi lặp lại của chính chúng ta có thể là cách thức thuộc linh tốt nhất để học các ngôn ngữ của phúc âm qua sự thân thiện và tôn trọng, sự phục vụ và hy sinh, và việc được thuộc về giao ước.

Vậy thì, Chúa Giê Su Ky Tô nói ngôn ngữ yêu thương với anh chị em ở đâu và bằng cách nào?

Ở đâu và làm sao để anh chị em nhận ra tình yêu thương của Ngài?

Cầu xin cho mỗi người chúng ta học cách nói và nghe được tình yêu thương của Ngài nơi đây, trong tấm lòng, trong tổ ấm gia đình, và trong những chức vụ kêu gọi, những sinh hoạt, việc phục sự, và phục vụ của chúng ta.

Theo kế hoạch của Thượng Đế, mỗi chúng ta đều sẽ bước sang cuộc sống kế tiếp một ngày nào đó. Khi gặp lại Chúa, tôi tưởng tượng Ngài sẽ nói những lời chỉ dẫn đầy hứa hẹn: “Nơi đây có tình yêu thương của Ta.” Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.