2010–2019
Chúng Ta Nhờ Đấng Yêu Thương Mình mà Thắng Hơn Bội Phần
Tháng tư 2011


Chúng Ta Nhờ Đấng Yêu Thương Mình mà Thắng Hơn Bội Phần

Các thử thách này không phải chỉ để thử thách chúng ta. Các thử thách đó còn rất quan trọng đối với tiến trình khoác lên thiên tính nữa.

Cuộc sống trên thế gian gồm có những thử thách, gian nan và thống khổ, và một số thử thách chúng ta gặp phải trong cuộc sống có thể rất gay go. Cho dù đó là bệnh tật, sự phản bội, cám dỗ, mất mát người thân, thiên tai hoặc một thử thách nào khác, thì nỗi đau đớn là một phần của kinh nghiệm trần thế của chúng ta. Nhiều người tự hỏi tại sao chúng ta phải đương đầu với những thử thách khó khăn. Chúng ta biết được rằnglý do là để thử thách đức tin của chúng ta xem chúng ta có làm tất cả những gì mà Chúa đã truyền lệnh hay không.1 May mắn thay, cuộc sống trần thế này là nơi hoàn hảo để đối phó—và vượt qua—những thử thách này.2

Nhưng các thử thách này không phải chỉ để thử thách chúng ta. Các thử thách này còn rất quan trọng đối với tiến trình khoác lên thiên tính nữa.3 Nếu chúng ta giải quyết những nỗi thống khổ này một cách thích hợp thì chúng sẽ trở thành lợi ích cho chúng ta.4

Anh Cả Orson F. Whitney nói: “Không có nỗi đau đớn nào chúng ta gánh chịu, không có thử thách nào chúng ta trải qua là vô ích cả. …Tất cả những gì chúng ta gánh chịu và chịu đựng, nhất là khi kiên trì chịu đựng thì sẽ xây dựng cá tính, thanh tẩy tấm lòng, mở rộng tâm hồn của chúng ta cũng như làm cho chúng ta dịu dàng và bác ái hơn. … Chính là qua nỗi buồn phiền và đau khổ, nỗi lao nhọc và thống khổ mà chúng ta được rèn luyện, chính là điều chúng ta đến nơi đây để đạt được.”5

Mới gần đây, một đứa bé trai chín tuổi được chẩn đoán là mắc một căn bệnh ung thư xương rất hiếm thấy. Bác sĩ giải thích rằng phương pháp chẩn đoán và điều trị sẽ gồm có nhiều tháng trị liệu bằng bức xạ và một cuộc giải phẫu nghiêm trọng. Ông bác sĩ ấy nói rằng đó sẽ là một thời gian rất khó khăn cho đứa bé và gia đình của nó, rồi nói thêm: “Người ta hỏi tôi: ‘Tôi sẽ giống như xưa sau khi chữa khỏi bệnh không?’ Tôi nói với họ: ‘Không, quý vị sẽ không giống như xưa. Quý vị sẽ mạnh hơn. Quý vị sẽ khỏe hơn!’”’”

Đôi khi dường như những thử thách của chúng ta được chú trọng vào những lãnh vực của cuộc sống và những phần của tâm hồn chúng ta mà dường như chúng ta có ít khả năng để chịu đựng. Vì sự tăng trưởng cá nhân là kết quả mong đợi của những thử thách này nên không ngạc nhiên gì khi những thử thách này có thể rất riêng tư—hầu như nhắm vào nhu cầu đặc biệt hoặc yếu điểm của chúng ta. Không một ai được miễn khỏi những thử thách, nhất là các Thánh Hữu đang cố gắng làm điều đúng cũng không được miễn khỏi. Một số Thánh Hữu tuân phục có thể hỏi: “Tại sao lại là tôi? Tôi đang cố gắng để sống tốt lành mà! Tại sao Chúa để cho điều này xảy ra vậy?” Lò gian khổ giúp thanh tẩy ngay cả các Thánh Hữu tốt nhất bằng cách đốt trụi những điều ô uế trong cuộc sống của họ và làm cho chúng ta càng thanh khiết hơn.6 Ngay cả quặng kim loại rất quý báu cũng cần được tinh lọc để bỏ đi những chất cặn bã. Sống tốt không thôi cũng chưa đủ. Chúng ta muốn trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi, là Đấng học biết khi Ngài chịu “đau đớn, khổ sở và cám dỗ đủ loại.”7

Tôi rất thích đi bộ trên Con Đường Mòn Crimson ở Hẻm Núi Logan. Đoạn chính của con đường mòn đó chạy quanh co dọc theo đỉnh vách đá vôi cao và từ đây có thể thấy quang cảnh tuyệt mỹ của hẻm núi và thung lũng phía dưới. Tuy nhiên, việc đi tới đỉnh vách đá không phải dễ dàng. Con đường mòn ở chỗ đó buộc người ta phải liên tục trèo qua và ngay trước khi tới đỉnh, người trèo núi gặp phải phần dốc nhất của con đường mòn; và tầm nhìn ở chỗ hẻm núi bị các vách đá che khuất. Nhưng cuối cùng, nỗ lực đó cũng được đền bù xứmg đáng, vì khi đứng ở trên đỉnh sẽ quan sát được một quang cảnh vô cùng ngoạn mục. Cách duy nhất để thấy được quang cảnh ngoạn mục đó là trèo lên đỉnh núi.

Một mẫu mực trong thánh thư và trong cuộc sống cho thấy nhiều lần rằng những thử thách gay go, nguy hiểm nhất đều lập tức kéo theo những sự kiện phi thường và sự phát triển lớn lao. “Vì sau nhiều cơn hoạn nạn, phước lành sẽ đến.”8 Con cái của Y Sơ Ra Ên bị sa lầy trong Biển Đỏ trước khi nước được rẽ ra.9 Nê Phi phải đối phó với nỗi hiểm nguy, cơn tức giận của các anh ông và nhiều thất bại trước khi ông có thể lấy được các bảng khắc bằng đồng.10 Joseph Smith bị một quyền năng tà ác khắc phục mãnh liệt đến nỗi dường như ông bị bắt phải chịu sự hủy diệt hoàn toàn. Khi ông gần như sắp tuyệt vọng, thì ông đã cố gắng kêu cầu Thượng Đế, và ngay vào lúc đó ông đã được Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hiện đến cùng ông.11 Những người tầm đạo thường gặp phải sự chống đối và gian khổ khi họ gần đến lúc chịu phép báp têm. Những người mẹ biết rằng thử thách của việc sinh đẻ đều diễn ra trước phép lạ của sự sinh đẻ. Chúng ta nhiều lần thấy các phước lành kỳ diệu xảy ra ngay sau những thử thách gian nan.

Khi bà ngoại tôi khoảng 19 tuổi, bà mắc phải một căn bệnh khiến cho bà ốm nặng. Về sau bà nói: “Tôi không thể đi được. Bàn chân trái của tôi hoàn toàn yếu sau khi tôi nằm vài tháng trên giường. Xương của tôi mềm giống như một miếng cao su xốp, và khi tôi đặt chân xuống sàn nhà thì tôi cảm thấy giống như bị điện giật.”12 Trong khi nằm trên giường và đau đớn cùng cực, bà nhận được các quyển sách nhỏ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Bà được cải đạo và về sau chịu phép báp têm. Một thử thách cá biệt nhiều lúc giúp chuẩn bị chúng ta cho một điều nào đó vô cùng quan trọng.

Trong khi găp những vấn đề khó khăn, gần như khó có thể nhận thức được các phước lành sắp đến sẽ lớn lao hơn nỗi đau đớn, cảnh nhục nhã hoặc buồn khổ mà chúng ta có thể trải qua vào lúc ấy. “Thật sự những sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.”13 Sứ Đồ Phao Lô dạy: “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên.”14 Thật là thú vị khi Phao Lô sử dụng từ “sự hoạn nạn nhẹ.” Điều này đến với một người bị đánh đập, bị ném đá, bị đắm tàu, bị cầm tù và trải qua nhiều thử thách khác nữa.15 Tôi không tin rằng nhiều người chúng ta sẽ cho rằng những điều hoạn nạn của mình là nhẹ. Vậy mà khi so sánh các phước lành và sự tăng trưởng mà cuối cùng chúng ta sẽ nhận được trong cuộc sống này lẫn thời vĩnh cửu, thì những điều hoạn nạn của chúng ta thật sự là nhẹ.

Chúng ta không tìm kiếm các thử thách, gian nan và thống khổ. Cuộc hành trình riêng của chúng ta trong suốt cuộc đời sẽ cung ứng đủ cho nhu cầu của chúng ta. Nhiều thử thách chỉ là một phần đương nhiên của cuộc sống trần thế, nhưng chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự tiến triển của chúng ta.

Khi giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi sắp kết thúc, Ngài đã trải qua thử thách gay go nhất hơn bao giờ hết—là nỗi đau đớn không thể tin được trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên Đồi Sọ. Điều này đi trước Sự Phục Sinh đầy vinh quang và lời hứa rằng một ngày nào đó nỗi đau khổ của chúng ta sẽ chấm dứt. Nỗi đau khổ của Ngài là cần thiết cho ngôi mộ trống vào buổi sáng Phục Sinh đó và cho sự bất diệt trong tương lai cũng như cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta.

Đôi khi, chúng ta muốn được tăng trưởng nhưng không gặp thử thách và phát triển sức mạnh mà không gặp khó khăn. Nhưng sự tăng trưởng không thể có được bằng cách dễ dàng. Chúng ta hiểu rõ rằng nếu một vận động viên không chịu được sự huấn luyện khắt khe thì sẽ không bao giờ trở thành một vận động viên tầm cỡ thế giới. Chúng ta cần phải thận trọng đừng bực bội đối với chính những điều mà giúp mình khoác lên thiên tính.

Chúng ta không đương đầu với một thử thách và nỗi thống khổ nào vượt quá giới hạn của mình vì chúng ta có thể có được sự giúp đỡ từ Chúa. Chúng ta có thể làm tất cả mọi điều nhờ Đấng Ky Tô củng cố chúng ta.16

Sau khi bình phục khỏi những thử thách nghiêm trọng về sức khỏe, Anh Cả Robert D. Hales đã chia sẻ điều sau đây trong đại hội trung ương: “Trong một vài dịp, tôi thưa cùng Chúa rằng chắc chắn là tôi đã học được các bài học ban cho và rằng tôi không còn cần phải chịu đựng đau đớn thêm nữa. Những lời kêu nài như thế dường như cũng vô hiệu quả, bởi vì điều đó cho tôi thấy rõ rằng tôi phải chịu đựng tiến trình thanh lọc để thử thách này theo kỳ định và trong cách thức riêng của Chúa. … Tôi … biết được rằng tôi sẽ không bị bỏ mặc một mình để đương đầu với những thử thách và hoạn nạn này, mà những thiên sứ hộ mạng sẽ giúp đỡ tôi. Có một số người gần giống như thiên sứ trong hình dáng bác sĩ, y tá, và đáng kể hơn hết là người bạn đời dịu hiền của tôi là Mary. Và thỉnh thoảng, khi Chúa muốn, thì tôi được an ủi nhờ những cuộc viếng thăm của các thiên binh đem lại niềm an ủi và sự tin chắc vĩnh cửu trong lúc tôi gặp hoạn nạn.”17

Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và chúng ta biết rằng “kẻ nào tin cậy nơi Thượng Đế thì sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, nhưng khó khăn và những thống khổ của mình, và sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng.”18 Một ngày nào đó khi chúng ta đi qua bên kia tấm màn che, chúng ta còn muốn thêm hơn nữa ngoài một người nào đó chỉ nói với chúng ta “Được lắm, ngươi xong phận sự rồi.” Thay vì thế, chúng ta muốn Chúa phán rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm.”19

Tôi yêu thích những lời của Phao Lô:

“Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Ky Tô? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? …

“Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.”20

Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hằng sống. Tôi cũng biết rằng qua sự giúp đỡ của hai Ngài, chúng ta có thể “thắng hơn bội phần” những hoạn nạn mình gặp phải trong cuộc sống này. Chúng ta có thể trở nên giống như hai Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. Xin xem1 Phi E Rơ 1:6–8; Áp Ra Ham 3:25.

  2. Xin xem 1 Phi E Rơ 2:20.

  3. Xin xem 2 Phi E Rơ 1:4.

  4. Xin xem 2 Nê Phi 2:2.

  5. Orson F. Whitney, trong Spencer W. Kimball, Faith Precedes the Miracle (1972), 98.

  6. Xin xem Ê Sai 48:10; 1 Nê Phi 20:10.

  7. Xin xem An Ma 7:11–12.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 58:4.

  9. Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 14:5–30.

  10. Xin xem 1 Nê Phi 3–4.

  11. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–17.

  12. Amalie Hollenweger Amacher, lịch sử chưa xuất bản thuộc quyền sở hữu của tác giả.

  13. Hê Bơ Rơ 12:11.

  14. 2 Cô Rinh Tô 4:17.

  15. Xin xem 2 Cô Rinh Tô 11:23–28.

  16. Xin xem Phi Líp 4:13.

  17. Robert D. Hales, “The Covenant of Baptism: To Be in the Kingdom and of the Kingdom,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 6.

  18. An Ma 36:3.

  19. Ma Thi Ơ 25:21.

  20. Rô Ma 8:35, 37.