2000–2009
Two Principles for Any Economy
October 2009 General Conference


Hai Nguyên Tắc dành cho Bất Cứ Hệ Thống Kinh Tế Nào

Thường trong thử thách của nghịch cảnh, chúng ta mới học đuợc những bài học có khả năng quyết định nhất để tạo nên cá tính và định hướng cho vận số của mình.

Hình Ảnh
President Dieter F. Uchtdorf

Trong những chuyến đi thăm các tín hữu Giáo Hội trên khắp thế giới và nhờ hệ thống chức tư tế đã được thiết lập, chúng tôi thường xuyên là người đầu tiên nhận được ý kiến phản hồi về tình trạng và thử thách của các tín hữu chúng ta. Trong nhiều năm, nhiều tín hữu của chúng ta bị ảnh hưởng bởi tai họa trên khắp địa cầu, cả thiên nhiên lẫn nhân tạo. Chúng tôi hiểu rằng có nhiều gia đình đã phải thắt lưng buộc bụng và lo lắng về việc chịu đựng thời kỳ thử thách này.

Thưa các anh em, chúng tôi rất thông cảm với các anh em. Chúng tôi yêu mến và cầu nguyện cho các anh em. Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã thấy đủ những thăng trầm để biết rằng thời kỳ khó khăn chắc chắn sẽ nhường chỗ cho thời kỳ tốt hơn đầy sáng lạn và hy vọng. Tôi rất lạc quan về tương lai. Thưa các anh em, về phần mình, chúng ta vẫn phải luôn luôn kiên định trong niềm hy vọng, làm hết sức mình và tin cậy nơi Thượng Đế.

Mới đây, tôi nghĩ về một thời trong cuộc đời tôi khi gánh nặng lo âu và lo lắng về một tương lai bấp bênh thường xuyên xảy ra. Tôi được 11 tuổi và sống với gia đình ở trên gác mái của một căn nhà nằm trong trang trại gần Frankfurt, Đức. Chúng tôi là những người tị nạn lần thứ hai và chỉ kéo dài một vài năm, đang vất vả tự ổn định trong một chỗ ở mới rất xa căn nhà cũ của chúng tôi. Tôi có thể nói rằng chúng tôi nghèo, nhưng có lẽ đó là lời nói nhẹ đi không đúng với sự thật. Chúng tôi đều ngủ trong một căn phòng nhỏ đến nỗi không có chỗ để đi quanh giường. Trong một căn phòng nhỏ khác, chúng tôi có một vài bộ bàn ghế khiêm tốn và một cái bếp lò Mẹ tôi dùng để nấu ăn. Để đi từ phòng này sang phòng kia, chúng tôi phải đi ngang qua một khu vực dùng làm nhà kho nơi người nông dân cất đầy máy móc, dụng cụ nông nghiệp cùng đủ loại thịt và xúc xích được treo trên xà nhà. Mùi thơm của thịt và xúc xích đó luôn luôn làm tôi thấy đói. Chúng tôi không có buồng tắm nhưng có được một cái cầu tiêu ở bên ngoài —ở dưới lầu và cách xa 15 mét—một khoảng cách mà dường như còn xa hơn nữa vào mùa đông.

Vì là người tị nạn và nói giọng Đông Đức nên những đứa trẻ khác thường chế nhạo tôi và lôi tên tôi ra giễu cợt khiến tôi cảm thấy bị tổn thương rất nhiều. Trong suốt thời thơ ấu của mình, tôi tin rằng điều này có lẽ là điều nản lòng nhất.

Giờ đây, sau nhiều thập niên, tôi có thể nhớ lại những ngày đó với sự hiểu biết đến từ kinh nghiệm. Mặc dù tôi vẫn còn nhớ cảm giác tổn thương và nỗi thất vọng đó, nhưng bây giờ tôi vẫn có thể thấy điều mà tôi không thể thấy lúc đó: Đây là thời kỳ tăng trưởng của cá nhân tôi. Trong thời gian này, gia đình chúng tôi gắn bó với nhau. Tôi quan sát và học được từ cha mẹ mình. Tôi ngưỡng mộ sự quyết tâm và tính lạc quan của họ. Tôi học được từ họ rằng khi đối phó với đức tin, lòng can đảm và sự kiên trì thì có thể khắc phục được nghịch cảnh.

Khi biết rằng một số các anh em đang trải qua thời kỳ lo âu và thất vọng, ngày hôm nay, tôi muốn nói về hai trong số các nguyên tắc quan trọng mà đã hỗ trợ tôi qua thời kỳ trưởng thành của cuộc đời tôi.

Nguyên Tắc Thứ Nhất: Sự Làm Việc

Cho đến ngày nay, tôi vô cùng cảm kích cách gia đình tôi làm việc sau khi mất hết mọi thứ sau Đệ Nhị Thế Chiến! Tôi còn nhớ cha tôi—một công chức có học thức và dày dạn kinh nghiệm—nhận làm vài công việc khó khăn, trong số đó là thợ mỏ urani, thợ máy và tài xế xe vận tải. Ông đi làm từ sáng sớm và thường trở về nhà trễ để nuôi sống gia đình. Mẹ tôi mở một hiệu giặt ủi và lao động vô số giờ. Bà bắt chị tôi và tôi làm việc cho tiệm của bà. Với chiếc xe đạp của mình, tôi trở thành người đi thu góp và giao quần áo giặt ủi. Tôi cảm thấy hài lòng để có thể giúp đỡ gia đình trong một cách nhỏ nhặt và mặc dù lúc bấy giờ tôi không biết, nhưng việc lao nhọc của thân thể đã biến thành một phước lành cho sức khỏe của tôi.

Công việc làm không phải dễ dàng nhưng đã giữ cho chúng tôi không nghĩ ngợi quá nhiều vào hoàn cảnh khó khăn của mình. Mặc dù tình cảnh của chúng tôi không thay đổi một sớm một chiều, nhưng nó cũng đã thay đổi. Đó là sự làm việc. Nếu chúng ta chỉ cần tiếp tục—đều đặn và kiên định—thì chắc chắn mọi việc sẽ tiến bộ.

Tôi ngưỡng mộ biết bao những người nam nữ và trẻ em biết cách làm việc! Chúa yêu thương người lao động biết bao! Ngài phán: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn,”1 và “Người làm công đáng được tiền lương của mình.”2 Ngài cũng đưa ra lời hứa: “Hãy hết lòng sử dụng lưỡi hái của mình, rồi tội lỗi ngươi sẽ được tha.”3 Những người không sợ phải xắn tay áo lên để quên mình làm việc và tập trung vào việc theo đuổi những mục tiêu đáng giá, đều là một phước lành cho gia đình, cộng đồng, quốc gia của họ và Giáo Hội.

Chúa không kỳ vọng chúng ta phải làm việc khó nhọc hơn khả năng của mình. Ngài không (và chúng ta cũng không nên) so sánh nỗ lực của mình với những người khác. Cha Thiên Thượng chỉ phán bảo chúng ta phải làm hết sức mình—để chúng ta làm việc theo khả năng trọn vẹn của mình, cho dù điều đó có thể quan trọng hay nhỏ nhặt.

Sự làm việc là liều thuốc giải độc cho nỗi lo âu, là thuốc mỡ làm lành nỗi buồn phiền và ngưỡng cửa đưa đến điều có thể thực hiện được. Thưa các anh em, dù hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống có ra sao đi nữa thì hãy cố gắng hết sức mình để làm và thể hiện tính xuất sắc trong tất cả những gì chúng ta làm. Chúng ta hãy tập trung ý nghĩ và bản thân mình vào cơ hội vinh quang để làm công việc mà mỗi ngày mới mang lại.

Khi chiếc xe kéo của chúng ta bị kẹt trong bùn, dường như Thượng Đế sẽ giúp người đàn ông bước ra khỏi xe để đẩy hơn là người đàn ông chỉ dâng lên lời cầu nguyện không thôi—dù lời cầu nguyện đó có văn vẻ đến đâu đi nữa. Chủ Tịch Thomas S. Monson nói điều đó như sau: “Khi muốn chịu khó mà lại chỉ nói mình sẽ chịu khó thì không đủ… Chính là trong việc làm chứ không phải trong ý nghĩ mà chúng ta hoàn thành các mục tiêu của mình. Nếu thường xuyên bỏ qua một bên các mục tiêu của mình, thì chúng ta sẽ không bao giờ thấy những mục tiêu đó được hoàn thành”4

Sự làm việc có thể cao quý và đầy mãn nguyện nhưng hãy nhớ lời cảnh cáo của Gia Cốp là “đừng lao nhọc sức lực về những gì không thể làm thỏa mãn được”5. Nếu chúng ta tự dâng hiến đời mình để theo đuổi của cải thế gian và vẻ hào nhoáng của danh lợi cuộc đời rồi để cho gia đình thiệt thòi và hạn chế tăng trưởng phần thuộc linh của mình, thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng mình đang có dự tính của một kẻ rồ dại. Công việc ngay chính chúng ta làm trong nhà mình là thiêng liêng nhất; lợi ích của điều đó đều có tính chất vĩnh cửu. Công việc đó không thể giao phó cho ai cả. Đó là nền tảng của công việc chúng ta với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế.

Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ là những người lữ khách tạm thời trên thế gian này. Chúng ta đừng hiến dâng tài năng và nghị lực do Thượng Đế ban cho chỉ để tạo nên danh lợi và thu góp của cải thế gian, mà thay vì thế hãy dành thời gian để làm tăng trưởng phần thuộc linh của mình. Bởi vì, với tư cách là các con trai của Thượng Đế Chí Cao, chúng ta được sáng tạo ra để tìm kiếm những kinh nghiệm cao quý hơn.

Bây giờ, tôi xin có một lời dành cho các anh em lớn tuổi: việc nghỉ hưu không phải là một phần kế hoạch hạnh phúc của Chúa. Không có chương trình nghỉ hưu hay nghỉ phép từ các trách nhiệm của chức tư tế—bất kể tuổi tác hoặc khả năng thể chất. Mặc dù cụm từ “xong phần tôi rồi” có thể là lý do bào chữa hữu hiệu để tránh xa trò chơi trượt ván, từ chối lời mời đi xe gắn máy, hoặc bỏ không ăn món cà ri cay ở nhà hàng, nhưng không thể nào chấp nhận lý do bào chữa để lẩn tránh trách nhiệm của giao ước là hiến dâng thời giờ, tài năng và của cải của chúng ta cho công việc của vương quốc Thượng Đế.

Có thể có những người, sau nhiều năm phục vụ Giáo Hội, tin rằng họ được quyền có một thời gian nghỉ ngơi trong khi những người khác vẫn tiếp tục làm việc. Thưa các anh em, nếu nói thẳng thì đó là một loại suy nghĩ không xứng đáng với môn đồ của Đấng Ky Tô. Phần lớn công việc của chúng ta trên thế gian này là vui vẻ kiên trì cho đến cùng—mỗi ngày của cuộc sống.

Giờ đây, cũng có một lời cho các anh em nhỏ tuổi hơn của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đang theo đuổi các mục tiêu ngay chính nhằm đạt được một nền học vấn và tìm ra bạn đời vĩnh cửu. Thưa các anh em, đây là những mục tiêu đúng đắn, nhưng hãy nhớ rằng việc siêng năng làm việc trong vườn nho của Chúa sẽ thêm vào bản lý lịch cá nhân và gia tăng cơ hội để được thành công trong cả hai nỗ lực xứng đáng này.

Cho dù các anh em là thầy trợ tế trẻ nhất hoặc thầy tư tế thượng phẩm lớn tuổi nhất thì cũng có công việc để làm!

Nguyên Tắc Thứ Nhì: Học Hỏi

Trong tình trạng kinh tế khó khăn của thời hậu chiến ở Đức, không có nhiều cơ hội học tập như ngày nay. Nhưng bất chấp những lựa chọn bị giới hạn, tôi luôn luôn ham mê học hỏi. Tôi còn nhớ một ngày, trong khi đang đạp xe đạp đi giao đồ giặt ủi, tôi vào nhà một người bạn cùng lớp. Trong một căn phòng của họ, có hai bàn học nhỏ kê sát tường. Thật là một cảnh tượng tuyệt vời! Các đứa trẻ đó thật may mắn biết bao có được bàn học riêng cho mình! Tôi có thể tưởng tượng ra họ đang ngồi xuống mở sách ra học và làm bài tập. Dường như đối với tôi việc có một cái bàn học của riêng mình là điều tuyệt diệu nhất trên thế gian.

Tôi đã chờ một thời gian rất lâu trước khi mong ước đó được đáp ứng. Nhiều năm về sau, tôi làm tại một viện nghiên cứu có thư viện rộng lớn. Tôi còn nhớ đã dành ra rất nhiều thời gian rảnh rỗi trong thư viện đó. Nơi đó, cuối cùng tôi có thể ngồi tại một cái bàn viết—riêng một mình tôi— đọc thông tin và kiến thức trong các quyển sách. Tôi thích đọc và học biết bao! Trong những ngày đó, tôi đã trực tiếp hiểu được câu nói cổ xưa: Học không phải chỉ là thu thập kiến thức mà là làm một điều gì đó với kiến thức của mình.”

Đối với các tín hữu của Giáo Hội, học hành không phải chỉ là một ý kiến hay—mà đó là một lệnh truyền. Chúng ta phải học “về những việc ở trên trời, lẫn ở trên thế gian, và phía dưới trái đất; những việc trong quá khứ, những việc trong hiện tại, những việc sẽ xảy đến trong tương lai gần đây; những việc ở trong nước, những việc ở hải ngoại.”6

Joseph Smith thích học hỏi mặc dù ông có ít cơ hội để học. Trong nhật ký của mình, ông đã vui mừng nói về những ngày dành riêng cho việc học hành và thường bày tỏ niềm say mê học hỏi của ông.7

Joseph đã dạy cho Các Thánh Hữu biết rằng kiến thức là một phần thiết yếu đối với cuộc sống trần thế tạm bợ của chúng ta, vì “một người không được cứu rỗi nhanh hơn việc người ấy thu hoạch kiến thức,”8 và rằng “bất cứ nguyên tắc tri thức nào chúng ta thu hoạch được trong cuộc sống này cũng sẽ tồn tại với chúng ta khi chúng ta phục sinh.”9 Trong những lúc thử thách, việc học hỏi càng quan trọng hơn nữa. Tiên Tri Joseph đã dạy: “Sự hiểu biết cất đi bóng tối, [mối lo âu] và nghi ngờ; vì những điều này không thể tồn tại nơi nào mà có sự hiểu biết.”10

Thưa các anh em, các anh em có bổn phận phải học hỏi càng nhiều càng tốt. Hãy khuyến khích gia đình, các thành viên trong nhóm túc số của các anh em, mọi người phải học hỏi và có được học vấn cao. Nếu không thể chọn có được một học vấn, thì đừng để cho điều đó ngăn cản mình không cho thu thập tất cả kiến thức có thể đạt được. Trong những hoàn cảnh như vậy, các quyển sách hay nhất, theo một ý nghĩa nào đó, có thể trở thành “trường đại học” của các anh em—một lớp học luôn luôn rộng mở và có đủ chỗ cho mọi người làm đơn xin theo học. Hãy cố gắng gia tăng kiến thức của các anh em về tất cả những gì “đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen.”11 Hãy tìm kiếm kiến thức “bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” 12 Hãy tìm kiếm với một tinh thần khiêm nhường và tâm hồn thống hối.13 Khi các anh em áp dụng khía cạnh thuộc linh của đức tin vào việc học hỏi—thậm chí là việc học hỏi những điều thế tục—thì các anh em cũng có thể mở rộng khả năng trí tuệ của mình, vì “nếu con mắt các ngươi chỉ duy nhất hướng về vinh quang [của Thượng Đế], thì thể xác các ngươi sẽ được tràn đầy ánh sáng, … và [hiểu thấu] được tất cả mọi vật.”14

Trong việc học hỏi, chúng ta đừng thờ ơ với nguồn mặc khải. Thánh thư và những lời của các sứ đồ và vị tiên tri hiện đại là những nguồn thông sáng, hiểu biết và mặc khải thiêng liêng để giúp chúng ta tìm ra giải đáp cho tất cả những thử thách trong cuộc sống. Chúng ta hãy học hỏi nơi Đấng Ky Tô; chúng ta hãy tìm kiếm sự hiểu biết mà đưa đến sự bình an, lẽ thật và những điều kín nhiệm.15

Kết Luận

Thưa các anh em, tôi nghĩ lại về cậu bé 11 tuổi đó ở Frankfurt, Đức đã lo lắng biết bao về tương lai của mình và cảm thấy đau đớn về những lời nói tàn nhẫn. Tôi còn nhớ thời gian đó với niềm thích thú nhưng đầy buồn bã. Mặc dù không muốn sống lại những ngày thử thách và chông gai đó, nhưng tôi chắc rằng chính những bài học tôi đã học được là một sự chuẩn bị cần thiết cho cơ hội trong tương lai. Giờ đây, nhiều năm về sau, tôi biết chắc điều này: thường trong thử thách của nghịch cảnh, chúng ta mới học đuợc những bài học có khả năng quyết định nhất để tạo nên cá tính và định hướng cho vận số của mình.

Tôi cầu nguyện rằng trong thời gian sắp tới, chúng ta có thể dành hết thời giờ của mình cho công việc ngay chính. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ chịu tìm cách học hỏi và cải tiến trí óc cùng tâm hồn của mình bằng cách tận dụng nguồn lẽ thật tinh khiết. Tôi để lại cho các anh em tình yêu thương và các phước lành của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Sáng Thế Ký 3:19.

  2. GLGƯ 84:79.

  3. GLGƯ 31:5.

  4. Thomas S. Monson, “Chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua,” Liahona tháng Mười Một năm 2007, 59.

  5. 2 Nê Phi 9:51.

  6. Xin xem GLGƯ 88:79–80.

  7. Xin xem Journals, Volume 1: 1832–1839, tập 1 của loạt Biên Bản về The Joseph Smith Papers, do Dean C. Jessee, Ronald K. Esplin, và Richard Lyman Bushman xuất bản (2008), 84, 135, 164.

  8. Joseph Smith, trong History of the Church, 4:588.

  9. Xin xem GLGƯ 130:18–19.

  10. Joseph Smith, trong History of the Church, 5:340.

  11. Những Tín Điều 1:13.

  12. GLGƯ 109:7.

  13. Xin xem GLGƯ 136:33.

  14. GLGƯ 88:67.

  15. Xin xem GLGƯ 42:61.