Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional năm 2022
Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu


Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu

Buổi Họp Đặc Biệt Toàn Cầu dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi với Chủ Tịch Nelson

Chủ Nhật, ngày 15 tháng Năm năm 2022

Các em yêu quý của tôi, Chị Nelson và tôi đã mong đợi buổi tối này trong nhiều tháng nay. Vợ tôi, Wendy, là một người phụ nữ có đức tin và sự khôn ngoan lớn lao. Tôi gửi gắm những lời giảng dạy của cô ấy cho các em.

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell<nb/>M. Nelson và Chị Wendy<nb/>W. Nelson

Thật là tuyệt vời được họp mặt với các em vào ngày kỷ niệm Sự Phục Hồi Chức Tư Tế A Rôn. Như các em biết đấy, vào ngày 15 tháng Năm năm 1829, Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery đã quỳ xuống tại một nơi vắng vẻ trong khu rừng gần nhà của Joseph và Emma ở Harmony, Pennsylvania. Chị Nelson và tôi đã đến rừng cây phong đường đó.

Hình Ảnh
Giăng Báp Tít truyền giao Chức Tư Tế A Rôn cho Joseph Smith và Oliver Cowdery

Khu rừng này trở nên thiêng liêng khi Giăng Báp Tít truyền giao Chức Tư Tế A Rôn cho Joseph Smith và Oliver Cowdery.

Hình Ảnh
Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cho Joseph Smith và Oliver Cowdery

Về sau, Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng đã phục hồi Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cũng ở trong khu vực này.

Vào tháng Chín năm 2015, tôi đã làm lễ cung hiến Địa Điểm Nơi Chức Tư Tế Được Phục Hồi. Trong tất cả các nhiệm vụ trước đây mà tôi đã nhận được, thì sự chỉ định này là quan trọng nhất đối với tôi. Địa điểm đó là để kỷ niệm sự phục hồi thẩm quyền và các chìa khóa của chức tư tế cho người nam trên thế gian. Các chìa khóa này cùng các chìa khóa khác đều cần thiết để dẫn dắt Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và giúp chúng ta có thể thực hiện và tiếp nhận các giáo lễ thiết yếu, kể cả việc làm lễ gắn bó các gia đình lại với nhau cho thời vĩnh cửu. Cái ngày mà tôi làm lễ cung hiến chính là khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời tôi!

Đây là thời điểm đặc biệt trong cuộc đời các em. Sẽ không có thời điểm nào giống như thời điểm này đâu. Các em đang đặt ra những ưu tiên và mẫu mực mà sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến cả cuộc sống trần thế lẫn cuộc sống vĩnh cửu của các em.

Chúng ta hãy nói về cuộc sống nhé. Đó là lĩnh vực mà tôi có chút ít kinh nghiệm. Tôi lớn lên trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng. Tôi chỉ là một thiếu niên trong thời Chiến Tranh Thế Giới thứ Hai. Tôi đã suýt chết vài lần. Tôi đã nhiều lần đi đến sáu lục địa và dân tộc hoặc văn hóa nào cũng đều truyền cảm ứng cho tôi.

Tôi cũng đã trải qua sự buồn khổ. Tôi cũng đã chứng kiến hai người con gái yêu quý bị căn bệnh ung thư hủy hoại dần dần, đầy đau đớn, và cướp đi mạng sống. Và tôi đã mất đi một người vợ tuyệt vời, Dantzel, người mẹ của 10 đứa con của chúng tôi. Vì biết rằng người nam ở một mình thì không tốt,1 nên tôi đã chọn đi bước nữa. Tôi đã kết hôn với một phụ nữ phi thường khác, là Wendy yêu quí.

Tôi đã thấy bạn bè và những người trong gia đình đưa ra những lựa chọn quả cảm khác thường và sống những cuộc sống gương mẫu. Và tôi đã thấy những người khác đưa ra những quyết định tai hại làm lệch hướng tiềm năng của họ.

Nói tóm lại, tôi đã sống thọ, và vào lúc này, tôi không còn mua chuối xanh nữa, vì tuổi tôi đã cao, sợ chờ chuối chín không kịp! Và tôi cũng không còn dành thời gian cho những điều không quan trọng nữa. Nhưng các em thì quan trọng đối với tôi! Và tương lai của các em rất quan trọng đối với tôi! Tôi cảm thấy rất vinh dự là có rất nhiều em đã đến đây buổi tối hôm nay. Và tôi cảm ơn các những người đảm trách phần âm nhạc đã mở đầu chương trình với một giai điệu thật tuyệt vời.

Buổi tối hôm nay, tôi muốn nói với các em về tương lai. Mới đây, Chị Nelson và tôi đã tham dự một buổi lễ nhậm chức của một vị chủ tịch trường đại học. Trong sự kiện tuyệt vời đó, tôi đã nghĩ đến vô số các nhà giáo dục trên toàn cầu đã tận tâm giảng dạy các thành niên nam nữ ở lứa tuổi của các em. Học vấn rất quan trọng. Tôi xem đó là một trách nhiệm tôn giáo. Vinh quang của Thượng Đế là tri thức.2

Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa trách nhiệm của các nhà giáo dục thế tục và trách nhiệm của tôi với tư cách là Vị Sứ Đồ trưởng trên thế gian. Công việc của họ là để giáo dục và chuẩn bị các em cho kinh nghiệm hữu diệt của các em—nghĩa là cách để được thành công trong sự nghiệp của các em. Trách nhiệm của tôi là để giáo dục và chuẩn bị các em cũng cho kinh nghiệm bất diệt của các em—nghĩa là cách để có được cuộc sống vĩnh cửu.

Những điều được giảng dạy ở các cơ sở đào tạo bậc cao tốt nhất đều có những giới hạn, bởi vì giáo dục thế tục thường bỏ qua ba lẽ thật quan trọng ít được đề cập đến:

  1. Thứ nhất, mỗi người chúng ta đều sẽ chết.3

  2. Thứ hai, nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, nên mỗi chúng ta đều sẽ được phục sinh và trở nên bất diệt.4

  3. Và thứ ba, Ngày Phán Xét sẽ xảy đến với mỗi người chúng ta.5

Nền tảng của sự học hỏi thuộc linh của các em nên được tạo thành từ ba lẽ thật tuyệt đối này.

Nhờ Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta biết rất nhiều về những khả năng của mình sau khi chết. Chúng ta biết rằng nhà của Đức Chúa Cha có nhiều chỗ ở.6 Chúng ta biết rằng Thượng Đế yêu thương con cái Ngài nhiều đến mức, như Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “tất cả con cái của Thượng Đế”—với một số ít ngoại lệ—“cuối cùng sẽ đến một vương quốc vinh quang.”7 Hãy nghĩ về điều đó! Đức Chúa Cha của chúng ta sáng tạo ra các vương quốc vinh quang—hạ thiên giới, trung thiên giới, và thượng thiên giới—nhằm cung ứng một nơi chốn vinh quang cho con cái Ngài.

Mục đích của tôi buổi tối hôm nay là để chắc chắn rằng mắt các em sẽ được mở ra để thấy được cuộc sống này thực sự thời gian mà các em có quyền quyết định cuộc sống nào các em muốn sống mãi mãi. Bây giờ thời gian các em “chuẩn bị để gặp Thượng Đế.”8

Cuộc sống trên trần thế chỉ chưa đầy một na-nô giây ngắn ngủi khi so sánh với cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng, các em yêu quí của tôi, đó thật là một na-nô giây quan trọng biết bao! Trong cuộc sống này, chúng ta có quyền chọn lựa luật pháp nào chúng ta sẵn lòng tuân theo—luật pháp của vương quốc thượng thiên, hay trung thiên, hay hạ thiên9—và do đó, vương quốc vinh quang nào mà chúng ta sẽ sống vĩnh viễn trong đó.

Mỗi lựa chọn ngay chính mà các em đưa ra trên trần thế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích bây giờ. Nhưng những lựa chọn ngay chính trên trần thế sẽ mang lại những lợi ích còn phi thường hơn nữa trong cuộc sống vĩnh cửu. Nếu các em chọn lập các giao ước với Thượng Đế và trung thành với các giao ước này, thì các em sẽ có lời hứa “được nhận thêm nhiều vinh quang [lên đầu các em] mãi mãi và đời đời.”10

Các lẽ thật này đáng lẽ phải khiến các em mắc hội chứng tâm lý FOMO tột bậc—hay là hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội. Các em có tiềm năng để đến được vương quốc thượng thiên. Hội chứng tâm lý FOMO tột bậc sẽ là bỏ lỡ cơ hội thừa hưởng được vương quốc thượng thiên, hài lòng với một vương quốc thấp hơn vì trên trần thế các em chỉ chọn sống theo các luật pháp của một vương quốc thấp hơn.

Dĩ nhiên, kẻ nghịch thù không muốn các em thậm chí nghĩ tới tương lai, huống chi cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng xin hãy đừng thiếu hiểu biết hoặc ngây thơ về những cơ hội và thử thách của cuộc sống trần thế. Với thái độ này, các em cần phải hiểu ba lẽ thật căn bản mà sẽ giúp các em chuẩn bị cho kế hoạch tương lai của mình:

  1. Thứ nhất, hãy biết lẽ thật về việc các em là ai.

  2. Thứ hai, hãy biết lẽ thật về những gì Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài ban cho các em.

  3. Và thứ ba, hãy biết lẽ thật liên quan đến sự cải đạo của các em.

Tôi sẽ nói về mỗi điểm này.

Thứ nhất: Hãy biết lẽ thật về việc các em là ai. Tôi tin là nếu Chúa đang trực tiếp phán cùng các em buổi tối hôm nay, thì điều đầu tiên Ngài muốn chắc rằng các em hiểu được là danh tính thực sự của các em.11 Các bạn thân mến của tôi, các em là con cái linh hồn thực sự của Thượng Đế. Các em đã hát lên lẽ thật này kể từ khi các em học lời bài thánh ca “Tôi Là Con Đức Chúa Cha.”12 Những lẽ thật vĩnh cửu đó có được ghi khắc vào lòng các em không? Lẽ thật này đã giải cứu các em khi đương đầu với cám dỗ chưa?13

Tôi e rằng các em đã nghe thấy lẽ thật này quá thường xuyên đến mức nó nghe giống như là một khẩu hiệu hơn là một lẽ thật thiêng liêng. Và tuy vậy, cách các em nghĩ về con người thật sự của mình ảnh hưởng đến mọi quyết định các em từng đưa ra.

Năm 2006, khi kết hôn với Wendy, tôi đã gặp phải một vài bất ngờ—hầu hết đều khá tuyệt vời. Một trong những điều bất ngờ này là số lượng quần áo của cô ấy có in hình lô-gô của những trường đại học cô ấy đã tốt nghiệp, những nơi cô ấy đã đi du lịch, và vân vân. Mỗi khi cô ấy mặc những quần áo đó, tôi thường nói đùa là “Hôm nay em quảng cáo cho ai đấy?” Cô ấy rủ tôi cùng góp vui!

Hình Ảnh
Chủ Tịch Russell<nb/>M. Nelson và Chị Wendy<nb/>W. Nelson

Nhãn hiệu có thể rất vui và cho biết là các em ủng hộ cho bất kỳ điều gì tốt lành. Theo thời gian, các em sẽ có thêm nhiều biệt danh. Và không phải biệt danh nào cũng có giá trị như nhau. Nhưng nếu có bất kỳ biệt danh nào thay thế các danh hiệu quan trọng nhất của các em, thì kết quả có thể làm suy yếu phần thuộc linh.

Ví dụ, nếu tôi xếp hạng theo thứ tự tầm quan trọng những tên gọi mà có thể được áp dụng cho tôi, thì tôi sẽ nói: Thứ nhất, tôi là con của Thượng Đế—một người con trai của Thượng Đế, rồi đến một người con trai của giao ước, rồi đến một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và một tín hữu tận tụy của Giáo Hội phục hồi của Ngài.

Kế đến là các danh hiệu vinh dự của tôi với tư cách là một người chồng và người cha, rồi đến Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tất cả các danh hiệu khác có áp dụng cho tôi—chẳng hạn như bác sĩ y khoa, bác sĩ phẫu thuật, nhà nghiên cứu, giáo sư, trung úy, đại tá, Tiến Sĩ, người Mỹ, và vân vân—đều nằm ở phía dưới đâu đó trên bản liệt kê.

Bây giờ chúng tôi sẽ chuyển hướng câu hỏi này đến các em. Các em là ai?

Trước hết và trên hết, các em là con cái của Thượng Đế.

Thứ hai, là tín hữu của Giáo Hội, các em là con cái giao ước. Và thứ ba, các em là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Buổi tối hôm nay, tôi khẩn nài với các em đừng nên thay thế ba danh hiệu tối quan trọng và bất biến này với bất kỳ danh hiệu nào khác, vì khi làm như vậy có thể làm cản trở sự tiến triển của các em hoặc phân loại các em theo một định kiến mà có thể có khả năng ngăn cản sự tiến triển vĩnh cửu của các em.

Ví dụ, nếu các em chủ yếu được nhận định là người Mỹ, thì những người không phải là người Mỹ có thể nghĩ “Tôi biết tất cả mọi điều cần biết về bạn” và quy cho các em những điều lầm tưởng.

Nếu các em tự nhận mình theo đảng phái chính trị của mình, thì các em lập tức được phân loại là có một số niềm tin nhất định—mặc dù tôi không biết có ai tin hết mọi điều mà đảng phái chính trị ưa thích của họ hiện đang đi theo.

Chúng ta có thể tiếp tục đưa ra nhiều ví dụ nữa, miêu tả những mối ràng buộc của các danh hiệu khác nhau mà chúng ta tự đặt cho mình hoặc do người khác đặt cho chúng ta.

Một số người có thể đặt cho tôi biệt danh là “ông già.” Nhưng tôi còn trẻ hơn A Đam—và cả Nô Ê nữa.14 Sự phân biệt tuổi tác, chủng tộc, quốc tịch, giới tính, và hàng loạt hình thức “phân biệt” khác đều là những giới hạn phổ biến.

Thật là bi thảm khi ai đó tin vào biệt danh mà một người khác đặt cho họ. Hãy tưởng tượng nỗi tuyệt vọng của một đứa trẻ khi bị gọi là “Bạn thật là ngu ngốc.” Danh hiệu và biệt danh thật là mạnh mẽ!

Kẻ nghịch thù rất thích những biệt danh vì chúng chia cắt chúng ta và hạn chế cách chúng ta suy nghĩ về bản thân mình và về nhau. Thật đáng buồn khi chúng ta tôn trọng biệt danh hơn là tôn trọng lẫn nhau.

Biệt danh có thể dẫn đến việc xét đoán và thù hận. Bất kỳ hình thức lạm dụng hoặc thành kiến nào đối với người khác vì quốc tịch, chủng tộc, khuynh hướng tình dục, giới tính, bằng cấp giáo dục, truyền thống văn hóa, hoặc những danh hiệu quan trọng khác đều xúc phạm đến Đấng Sáng Tạo của chúng ta! Những hình thức ngược đãi như vậy khiến chúng ta sống không đúng theo địa vị của chúng ta với tư cách là các con trai và con gái giao ước của Ngài!

Dĩ nhiên đây là nhiều biệt danh khác nhau mà có thể rất quan trọng đối với các em. Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không nói rằng các tên gọi và danh hiệu khác là không quan trọng. Tôi chỉ nói rằng không có danh hiệu nào nên chiếm chỗ, thay thế, hoặc ưu tiên hơn ba tên gọi vĩnh cửu này: “con của Thượng Đế,” “con của giao ước,” và “môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Bất kỳ danh hiệu nào không phù hợp với ba tên gọi cơ bản này thì cuối cùng sẽ làm cho các em thất vọng. Với thời gian, những biệt danh khác rồi sẽ làm các em thất vọng vì chúng không có quyền năng để dẫn dắt các em hướng tới cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc thượng thiên của Thượng Đế.

Các danh hiệu của thế gian sẽ không bao giờ mang đến cho các em một viễn cảnh về con người mà các em cuối cùng có thể trở thành. Chúng sẽ không bao giờ xác nhận gen ADN thiêng liêng của các em hoặc tiềm năng thiêng liêng, vô hạn của các em.

Bởi vì có một kế hoạch cứu rỗi vĩ đại đã được Cha Thiên Thượng cho phép, đó chẳng phải là điều hợp lý rằng các em cũng có một số mệnh thiêng liêng hay sao?15

Xin đừng nhầm lẫn về điều này: Tiềm năng của các em rất thiêng liêng. Khi các em chuyên cần tìm kiếm, Thượng Đế sẽ cho các em có cái nhìn thoáng qua về con người mà các em có thể trở thành.

Vậy thì các em là ai? Trước hết và trên hết, các em là con cái của Thượng Đế, con cái giao ước, và môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi các em chấp nhận những lẽ thật này, Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ giúp các em đạt được mục tiêu tột bậc của các em là sống vĩnh viễn trong sự hiện diện thánh thiện của Ngài.

Thứ hai: Hãy biết lẽ thật về những gì Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô ban cho các em.

Nói tóm lại, Hai Ngài ban cho các em mọi thứ!

Kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái Ngài cho phép chúng ta sống ở đâu và theo cách Ngài sống và để cuối cùng càng trở nên giống Ngài hơn. Kế hoạch của Ngài thực sự sẽ làm cho tất cả các phước lành dồi dào của suốt thời vĩnh cửu có sẵn cho chúng ta, bao gồm cả tiềm năng để cho chúng ta trở thành “kẻ đồng kế tự với Đấng [Ky Tô]”16

Thượng Đế biết hết tất cả và nhìn thấy tất cả mọi điều. Trong suốt thời vĩnh cửu, sẽ không có ai biết đến các em hoặc quan tâm đến các em nhiều hơn Ngài. Sẽ không có ai gần gũi với các em nhiều hơn Ngài. Các em có thể trút hết nỗi lòng mình với Ngài và tin cậy Ngài sẽ gửi đến Đức Thánh Linh và các thiên sứ đến chăm sóc cho các em. Ngài biểu lộ tình yêu thương tột bậc khi Ngài gửi Con Trai Độc Sinh của Ngài đến để chết cho các em—để trở thành Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của các em!

Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã thắng thế gian.17 Do đó, Ngài là “Đấng có quyền năng để … tẩy sạch [các em khỏi] mọi điều bất chính.”18 Ngài sẽ giải cứu các em khỏi những hoàn cảnh cùng cực nhất theo cách thức và kỳ định riêng của Ngài.19 Khi các em đến cùng Ngài trong đức tin, Ngài sẽ hướng dẫn, gìn giữ, và bảo vệ các em. Ngài sẽ chữa lành tấm lòng đau khổ và an ủi các em trong những lúc đau buồn.20 Ngài sẽ ban cho các em khả năng tiếp cận quyền năng của Ngài. Và Ngài sẽ làm cho điều bất khả thi trong cuộc sống các em trở nên khả thi.

Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn hy vọng, bình an, và niềm vui vĩnh cửu duy nhất dành cho các em. Sa Tan không bao giờ có thể bắt chước được bất kỳ điều gì trong những điều này. Và Sa Tan sẽ không bao giờ giúp đỡ các em.

Trái lại, công việc của Thượng Đế và vinh quang của Ngài là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”21 Trừ việc vi phạm quyền tự quyết của các em, Thượng Đế sẽ làm mọi điều Ngài có thể để giúp các em không bỏ lỡ các phước lành lớn lao nhất trong suốt vĩnh cửu.

Thượng Đế có một tình yêu thương đặc biệt dành cho mỗi người lập giao ước với Ngài trong nước báp têm.22 Và tình yêu thương thiêng liêng đó càng sâu đậm hơn khi các giáo lễ khác nữa được lập và trung thành tuân giữ. Rồi vào lúc kết thúc cuộc sống trần thế, cuộc hội ngộ của mỗi người con giao ước với Cha Thiên Thượng của chúng ta thật là quý giá biết bao.23

Ngài cũng quan tâm sâu sắc rằng tất cả các con cái của Ngài đều có cơ hội để nghe các tin vui về phúc âm phục hồi. Cha Thiên Thượng đã gửi con cái Ngài xuống thế gian trong hơn sáu thiên niên kỷ. Hầu hết những người này chưa tiếp nhận các giáo lễ mà sẽ giúp họ hội đủ điều kiện nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao các đền thờ là vô cùng quan trọng. Đó là lý do tại sao sự quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che là công việc lớn lao nhất trên thế gian ngày nay. Thưa các em, các đồng sự của tôi trong công việc thánh thiện này, có một vai trò thiết yếu trong việc quy tụ này, và tôi biết ơn các em về điều đó.

Bây giờ điều này dẫn tôi đến điểm thứ ba.

Hãy biết lẽ thật liên quan đến sự cải đạo của các em. Sự thật là các em cần phải biết rõ sự cải đạo của riêng mình. Không ai khác có thể làm điều này thay cho các em.

Giờ đây, tôi xin mời các em xem xét một vài câu hỏi. Các em có muốn cảm thấy bình yên trước những lo lắng hiện đang ám ảnh các em không? Các em có muốn biết rõ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô không? Các em có muốn học hỏi cách mà quyền năng tuyệt diệu và xoa dịu của Sự Chuộc Tội của Ngài có thể chữa lành các vết thương và yếu kém của các em không? Các em có muốn kinh nghiệm được quyền năng tuyệt diệu và xoa dịu của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô tác động trong cuộc sống của các em không?

Việc tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ cần phải có nỗ lực—rất nhiều nỗ lực. Tôi khẩn nài các em hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy sở hữu chứng ngôn đó. Hãy chăm sóc cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Hãy áp dụng chứng ngôn đó bằng lẽ thật. Đừng làm chứng ngôn đó mất đi tính thiêng liêng với những triết lý sai lầm của những người không tin và rồi tự hỏi tại sao chứng ngôn của các em lại suy yếu.

Hãy cầu nguyện tha thiết, khiêm nhường mỗi ngày. Hãy nuôi dưỡng bản thân mình bằng những lời của các vị tiên tri thời xưa và thời hiện đại. Cầu xin Chúa giảng dạy cho các em cách để nghe Ngài rõ hơn. Dành thời gian nhiều hơn trong đền thờ và trong công việc lịch sử gia đình.

Khi các em đặt ưu tiên cao nhất cho chứng ngôn của mình, hãy chờ đợi những phép lạ xảy đến trong cuộc sống của các em.

Nếu các em có thắc mắc—và tôi hy vọng là các em có—thì hãy tìm kiếm câu trả lời với ước muốn tha thiết để tin tưởng. Học hỏi tất cả những gì các em có thể về phúc âm và hãy chắc chắn tìm đến những nguồn lẽ thật để được hướng dẫn. Chúng ta sống trong gian kỳ khi mà “không có một điều gì bị giữ lại cả.”24 Vì thế, khi đến kỳ định, Chúa sẽ giải đáp hết những thắc mắc của chúng ta.

Trong thời điểm hiện tại, hãy đắm mình trong nguồn mặc khải dự trữ phong phú mà chúng ta có sẵn trong tầm tay. Tôi hứa rằng việc làm như vậy cũng sẽ củng cố chứng ngôn của các em, ngay cả khi một số những thắc mắc của các em vẫn chưa được giải đáp. Những thắc mắc chân thành của các em, khi được cầu vấn trong đức tin, sẽ luôn luôn dẫn dắt các em đến đức tin lớn lao hơn và sự hiểu biết dồi dào hơn.

Nếu bạn bè và gia đình có xa rời Giáo Hội, thì hãy tiếp tục yêu thương họ. Các em không nên phán xét những lựa chọn của người khác cũng như các em không đáng bị chỉ trích vì luôn tiếp tục trung tín.

Giờ đây, xin hãy lắng nghe khi tôi nói: Đừng để bị lạc lối bởi những người mà có mối nghi ngờ có thể bị thúc đẩy bởi những điều các em không thể thấy được trong cuộc sống của họ. Trên hết, hãy để cho những người bạn đầy hoài nghi của các em nhận thấy các em yêu mến Chúa và phúc âm của Ngài biết bao. Hãy làm cho lòng hoài nghi của họ ngạc nhiên bởi lòng tin tưởng của các em!

Khi các em chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình và làm cho chứng ngôn đó phát triển, các em sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ trong bàn tay của Chúa. Các em sẽ “được khích lệ bởi một chính nghĩa tốt đẹp hơn”25—chính nghĩa của Chúa Giê Su Ky Tô!

Không có điều gì đang diễn ra trên thế gian này lại quan trọng hơn việc quy tụ Y Sơ Ra Ên cho Ngài. Hãy cho Cha Thiên Thượng của các em biết rằng các em muốn giúp đỡ. Cầu xin Ngài giao phó cho các em công việc trong chính nghĩa vinh quang này. Rồi sau đó đứng ở đằng sau và chiêm ngưỡng những điều xảy ra khi các em để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình.

Các bạn trẻ thân mến của tôi, tôi yêu mến các em. Tôi cảm ơn các em! Tôi tin ở các em. Là vị tiên tri của Chúa, tôi ban phước cho các em để biết được lẽ thật về việc các em là ai và để trân quý lẽ thật về tiềm năng vinh quang của các em thực sự là gì. Tôi ban phước cho các em để chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của riêng mình. Và tôi ban phước cho các em có được ước muốn và sức mạnh để tuân giữ các giao ước của mình.

Khi làm như vậy, tôi hứa rằng các em sẽ kinh nghiệm được sự phát triển về mặt thuộc linh, thoát khỏi nỗi lo sợ, và có được sự tự tin mà bây giờ các em khó có thể tưởng tượng được. Các em sẽ có sức mạnh để có ảnh hưởng tích cực vượt quá khả năng vốn có của mình. Và tôi hứa rằng tương lai của các em sẽ đầy hào hứng hơn bất kỳ điều gì các em có thể hiện đang tin tưởng.

Tôi ban phước cho các em như vậy, và một lần nữa tôi bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu thương của tôi dành cho mỗi em, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Sáng Thế Ký 2:18; Môi Se 3:18; Áp Ra Ham 5:14.

  2. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:36.

  3. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:22.

  4. Xin xem Giăng 11:25.

  5. Xin xem Mặc Môn 3:20.

  6. Xin xem Giăng 14:2; Bản Dịch Joseph Smith, 1 Cô Rinh Tô 15:40; Giáo Lý và Giao Ước 76:89–98; 131:1.

  7. Dallin H. Oaks, “Tình Yêu Thương Thiêng Liêng trong Kế Hoạch của Cha Thiên Thượng,”Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 101.

  8. Xin xem An Ma 12:24; 34:32.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:22–24.

  10. Áp Ra Ham 3:26.

  11. Đây là những điều Chúa giảng dạy cho dân chúng ở Châu Mỹ thời xưa khi Ngài phán cùng họ. Sau khi nhận diện Ngài là ai, Ngài phán cùng những người đến nghe Ngài về họ là ai: “Và này, các ngươi là con cháu của các tiên tri; và các ngươi thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên; và các ngươi thuộc giao ước” (3 Nê Phi 20:25; sự nhấn mạnh được thêm vào). Các lẽ thật chính xác này cũng đã được tuyên bố cho dân chúng trong thời Kinh Thánh (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:25).

  12. Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” ‘Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 58.

  13. Là các thiếu niên và thiếu nữ, các em trích dẫn các chủ đề bắt đầu là “Tôi là con cái yêu dấu của cha mẹ thiên thượng với thiên tính và số mệnh vĩnh cửu” và “Tôi là một người con trai yêu dấu của Thượng Đế và Ngài có một công việc giao cho tôi thực hiện” (Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, 11.1.2, 10.1.2, ChurchofJesusChrist.org).

  14. A Đam qua đời lúc 930 tuổi (xin xem Sáng Thế Ký 5:5); Nô Ê qua đời lúc 950 tuổi (xin xem Sáng Thế Ký 9:29).

  15. Chủ Tịch Orson Hyde (1805–1878), Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã nói rằng “chúng ta hiểu rõ sự việc [trong tiền dương thế] hơn là trong thế giới thấp hơn này.” Ông nói tiếp, phỏng đoán về những lời hứa mà chúng ta có thể sẽ lập ở đó: “Không phải là điều bất khả thi mà chúng ta ký vào bài viết bằng chính bàn tay của mình, mà bài viết có thể được giữ lại trong văn khố ở bên trên, để được trình bày cho chúng ta khi chúng ta sống lại từ cõi chết, và được phán xét từ chính miệng của chúng ta, tùy theo những gì được viết trong các sách này” (“Remarks,” Deseret News, ngày 21 tháng Mười Hai năm 1859, trang 322).

  16. Rô Ma 8:17.

  17. Xin xem Giăng 16:33; Giáo Lý và Giao Ước 50:41.

  18. An Ma 7:14.

  19. Chúa đầy quyền năng sẽ giải thoát chúng ta, giống như Ngài đã giải thoát Nê Phi khỏi La Ban (xin xem 1 Nê Phi 4:3).

  20. Xin xem Lu Ca 4:18; An Ma 7:10–12.

  21. Môi Se 1:39.

  22. Trong tiếng Hê Bơ Rơ của Kinh Cựu Ước, từ ngữ dành cho tình yêu thương giao ước của Thượng Đế là hesed.

  23. Xin xem Thi Thiên 116:15.

  24. Giáo Lý và Giao Ước 121:28.

  25. An Ma 43:45: “Vì họ không chiến đấu cho một chính thể quân chủ hay cho một quyền thống trị nào, mà họ chiến đấu cho gia đình, cho tự do, cho vợ con của họ, và cho tất cả những gì họ có, phải, cho những nghi lễ thờ phượng cùng giáo hội của họ.”