Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Lớp Giáo Lý, Viện Giáo Lý, và Những Điều Khác Có Hiệu Quả


Lớp Giáo Lý, Viện Giáo Lý, và Những Điều Khác Có Hiệu Quả

Buổi Phát Sóng Thường Niên của LGL&VGL năm 2023

Thứ Sáu, ngày 27 tháng Một năm 2023

Chủ Tịch Steven J. Lund: Ôi, thật là vui khi được mời chia sẻ chứng ngôn của tôi với anh chị em, là những người mà tôi ngưỡng mộ rất nhiều ngày hôm nay và được nói chuyện giữa hai giảng viên có lẽ là tài giỏi nhất mà tôi biết trong Giáo Hội.

Mới đây, tôi đã tham dự một bài thuyết trình của Arthur Brookes, giáo sư trường Harvard. Và ông nói: “Mọi người biết đấy, chúng ta đã đặt quá nhiều áp lực lên các giảng viên của mình; chúng ta yêu cầu họ thay đổi tiến trình lịch sử của nhân loại.” Ông không biết là điều đó đúng đến dường nào. Ngoại trừ, trong trường hợp của anh chị em, chúng ta không bận tâm nhiều đến lịch sử nhân loại; mà là thời vĩnh cửu. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào anh chị em và biết ơn về vai trò và công việc của anh chị em, và cương quyết hướng đến kết quả đó.

Lần trước khi nói chuyện trong đại hội trung ương, tôi đã nói về việc muốn đặt tay lên vai của một người truyền giáo nghiêm túc sắp trở về nhà và chia sẻ với anh ấy những suy nghĩ và ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Với chỉ định này để nói chuyện với anh chị em, tôi cũng muốn làm điều đó ở đây—rằng tôi sẽ đặt tay lên vai và nhìn vào mắt của anh chị em để bày tỏ cảm nghĩ của tôi về những cơ hội và thử thách của anh chị em. Thực ra, chúng ta sẽ không thân mật với nhau như vậy, nhưng có lẽ nếu được, do cảm nghĩ của tôi dành cho anh chị em, tôi muốn nghe những điều trong lòng mà anh chị em muốn cho tôi biết.

Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lớp giáo lý sáng sớm, được giảng dạy hầu hết trong một lớp học di động nhỏ bên cạnh một trường cao đẳng ở California. Chúng tôi lần lượt được giảng dạy bởi một người vợ cải đạo người Thụy Điển của một thành viên trong giám trợ đoàn của mình, và sau đó trong những năm về sau bởi hai người bà đã ngoài bảy mươi tuổi—cả ba người có đủ tiêu chuẩn giảng dạy vì họ có đủ niềm tin để thức dậy lúc 5 giờ sáng, và vì họ có lòng tin tuyệt đối về tính xác thực của Sự Phục Hồi. Hầu hết những gì tôi biết về phúc âm—và tôi muốn nói theo nghĩa đen—hầu hết những gì tôi biết về phúc âm, tôi đều đã học được trong lớp giáo lý. Và hầu hết những điều mới mẻ mà tôi đang học bây giờ về phúc âm chỉ đơn giản là khám phá lại những điều họ đã cố gắng giảng dạy cho tôi lúc đó.

Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu với những lời quan trọng nhất mà tôi có thể nói: xin cảm ơn về vai trò và công việc của anh chị em. Xin cám ơn anh chị em vì đã sẵn lòng làm công việc to lớn được đòi hỏi để thay đổi chương trình giảng dạy, các kế hoạch bài học, và lịch trình của mình để phù hợp với tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta. Không có nhiều người trong Giáo Hội hoàn toàn thấy được điều được đòi hỏi ở anh chị em. Xin cảm ơn anh chị em vì đã dành nhiều nỗ lực để thực hiện sự thay đổi này, và biết rằng anh chị em sẽ còn tiếp tục cải thiện chương trình giảng dạy. Công việc lao nhọc của các anh chị em đã bắt đầu kết trái.

Một lá thư ngắn gửi đến văn phòng của chúng tôi kể lại một câu chuyện phổ biến. Lá thư này viết: “Thành thật mà nói, gia đình tôi thường không có buổi họp tối gia đình. Chúng tôi không đọc thánh thư nhiều riêng cá nhân hoặc chung với gia đình, hoặc cùng nhau học phúc âm. Chúng tôi tích cực trong Giáo Hội; tuy nhiên, gần đây, kể từ khi tham dự lớp giáo lý, tôi đã có thể chia sẻ những điều mình học được từ lớp giáo lý với họ. Tôi tin rằng lớp giáo lý không chỉ đang giúp ảnh hưởng đến tôi trong việc đọc thánh thư, mà còn giúp tôi ảnh hưởng đến gia đình của mình nữa.”

Vâng, đó là điều chúng ta hy vọng, phải không? Sự hỗ trợ của Giáo Hội sẽ trở lại để củng cố sự tập trung của Giáo Hội vào mái gia đình. Tiến trình đó là một phần của Sự Phục Hồi liên tục, và nó là một nguyên tắc có hiệu quả. Giáo Hội cố gắng hết sức để hiểu điều gì có hiệu quả và điều gì không có hiệu quả. Các anh chị em thực sự đang ở trung tâm của một số điều mà chúng ta biết là tạo ra những mối liên kết lâu dài với Chúa.

Vậy nên, trong khi tôi đặt tay lên vai anh chị em—hoặc choàng tay quanh cổ anh chị em—thì tôi có thể nêu lên một vài điều mà chúng tôi biết là hữu hiệu để anh chị em có thể biết điều gì là quan trọng nhất trong việc giảng dạy của mình không? Họ nói rằng nguyên tố đầu tiên để thành công là đến lớp. Trung bình, các em giới trẻ nào có mặt trong lớp giáo lý thì sẽ có kết quả tốt hơn trong suốt cuộc đời. Họ có nhiều khả năng hơn được làm lễ thiên ân, có nhiều khả năng hơn để phục vụ truyền giáo, có nhiều khả năng kết hôn trong đền thờ hơn. Những em nào tham dự bốn năm học lớp giáo lý sẽ nhận được một mối liên kết với phúc âm mà hiếm khi bị phá vỡ. Thứ hai, khi giới trẻ đóng tiền thập phân đầy đủ, họ tạo nên một mối liên kết lâu dài với Cha Thiên Thượng. Mỗi lần họ tuân theo lệnh truyền đó và đóng tiền thập phân, thì một mối ràng buộc hy sinh và kết nối mới được tạo ra.

Tôi hy vọng rằng mỗi giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý đang liên tục cải thiện cách họ giảng dạy về quyền năng kết nối của luật thập phân. Có lần cha tôi đã hỏi tôi khi tôi khoảng 10 tuổi là tôi có luôn luôn đóng tiền thập phân không. Tôi có làm như vậy. Nhưng hầu như không nhiều, vì không có nhiều hoạt động buôn bán trên đoạn đường đất nơi chúng tôi sống. Nhưng ông tiếp tục nói: “Con biết không, nếu con quyết định, thì con có thể sống một cách hoàn hảo như con đang làm.” Ông nói: “Một trong những điều mà cha hối tiếc”—đây là cha tôi—“là khi cha ở trong Hải Quân trên một con tàu trong vài tháng và không có chỗ để đóng tiền thập phân, và cha đã mất đi thói quen đóng tiền thập phân. Sau đó, cha đã luôn đóng tiền thập phân đầy đủ. Nhưng cha vẫn hổ thẹn về thời gian đó khi không đóng tiền thập phân đầy đủ. Nếu con quyết định, thì con có thể trở nên hoàn hảo trong việc đó.” Và các học viên của anh chị em cũng có thể được như vậy.

Điều thực sự hữu hiệu thứ ba mà tôi muốn các anh chị em chú ý chính là đại hội Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ (FSY). Các đại hội FSY này thật là tuyệt vời. Mùa hè vừa qua, nhiều hoặc hầu hết trong số 200.000 thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi trên khắp thế giới đã kết thúc đại hội với một sự hiểu biết phong phú và có động lực hơn về nguồn gốc của họ và về lý do của những điều mà Chúa phán bảo. Đại hội FSY thành công đến nỗi chúng tôi đã phải tự hỏi: Bí quyết của nó là gì? Ảnh hưởng của FSY là gì?

Vâng, một phần của bí quyết này là giúp các tham dự viên loại bỏ những điều xao lãng hàng ngày của họ trong một tuần, để giúp tâm trí của họ trở nên dễ dạy và tập trung nhiều hơn. Và sau khi tâm trí của các em ấy đã sẵn sàng giống như một đứa trẻ ở nhà, thì đó là lúc mà anh chị em, với tư cách là các giảng viên và người điều khiển phiên đại hội hầu hết đều từ lớp giáo lý và viện giáo lý, đến để giảng dạy cho các em ấy những giáo lý thanh khiết và hữu ích nhằm thay đổi tâm hồn.

Anh chị em cung cấp cho họ các công cụ mà họ cần để vào ngày thứ Bảy, họ quay trở lại cuộc sống đầy những bấp bênh và thử thách. Các bài học, tấm gương và mỗi lời nói của anh chị em sẽ trở thành hành trang kỹ năng sống cho họ. Đối với vài người trong số họ, FSY có thể là cơ hội tốt nhất cuối cùng để họ có được sự bình an với bản thân và với Thượng Đế. Xin cám ơn về sự cam kết của anh chị em để mang đến cho họ những điều tốt nhất về mặt thuộc linh, trí tuệ lẫn sư phạm. Các nghiên cứu trong Giáo Hội xác nhận rằng một trong những tác nhân mạnh mẽ nhất dẫn đến vai trò môn đồ suốt đời là mối quan hệ với những người thành niên trung tín như anh chị em, là những người đã tìm ra cách vượt qua những thử thách của cuộc sống và tìm thấy niềm vui nơi Đấng Ky Tô.

Cách đây khoảng một tháng, Chủ Tịch Bonnie H. Cordon và tôi được yêu cầu báo cáo với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn về chương trình FSY và chương trình này đã được triển khai vào mùa hè vừa qua ở Hoa Kỳ và Canada như thế nào. Chúng tôi đã hoàn tất phần trình bày của mình và trả lời một vài câu hỏi sâu sắc về các kế hoạch của chúng tôi để cải thiện thêm, và buổi họp dường như sắp kết thúc. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu bước ra khỏi ghế, Chủ Tịch Nelson nghiêng người về phía trước, và ông nói: “Chúng ta cần phải dạy họ cầu nguyện” Chúng tôi ngay lập tức ngồi xuống trở lại. Ông nói: “Chúng ta cần phải dạy họ biết cách cầu nguyện, biết rằng họ cầu nguyện lên Đấng nào, và ngôn ngữ của sự cầu nguyện.” Và rồi ông tiếp tục nói rằng ông lo ngại rằng chúng ta có thể trở nên quá tùy tiện trong cách chúng ta ngỏ lời cùng Cha Thiên Thượng. Và rồi ông lặp lại cụm từ “Chúng ta cần phải dạy họ biết cách cầu nguyện, biết rằng họ cầu nguyện lên Đấng nào, và ngôn ngữ của sự cầu nguyện.” Vậy chúng ta hãy dạy họ cách cầu nguyện. Mỗi khi dâng lên lời cầu nguyện, chúng ta mời Cha Thiên Thượng can thiệp vào cuộc sống của mình. Mỗi lời cầu nguyện là một lời cầu xin để có được một phép lạ. Ngay cả những lời cầu nguyện để tỏ lòng biết ơn cũng hy vọng sẽ làm gia tăng mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế.

Giờ đây, chúng ta hãy nói đến một công cụ khác của chứng ngôn mà có hiệu quả. Sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Tôi xin lỗi—Sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn, để dạy chúng ta phải thay thế sự tập trung vào luật lệ bằng sự tập trung vào mối quan hệ của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi và trở nên giống như Ngài. Câu nói quen thuộc “Chúa Giê Su sẽ làm gì?“ vẫn còn là một quy luật tuyệt vời của cuộc sống. Nền tảng mà chúng ta dựa vào đó để đưa ra quyết định của mình không còn là một quyển sách nhỏ nữa; thay vì thế, đó là sứ mệnh do Thượng Đế ban cho chúng ta.

Chủ Tịch Nelson nhiều lần nói với chúng ta rằng điều quan trọng nhất đang xảy ra trên thế gian này và lý do mà chúng ta được bảo tồn để đến thế gian này vào lúc này là sự quy tụ Y Sơ Ra Ên. Vì vậy, khi đưa ra quyết định về phương châm của mình, chúng ta nên được thúc đẩy bởi câu hỏi “Quyết định này sẽ giúp đỡ hay cản trở khả năng của tôi để làm tròn các mục đích trần thế của mình?” Khi cố gắng sống xứng đáng để gia nhập đạo quân của Chúa, chúng ta cố gắng đưa ra những lựa chọn phù hợp với sứ mệnh trong cuộc sống của mình.

Câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta là “Chúng ta có tin Đấng Ky Tô khi Ngài mặc khải qua các vị tiên tri của Ngài về các mục đích thiêng liêng của chúng ta không?” Vì nếu tin Ngài, chúng ta sẽ muốn đưa ra những quyết định lớn lao. Các anh chị em giảng viên trong Lớp Giáo Lý & Viện Giáo Lý là những bậc thầy trong việc giúp họ trả lời câu hỏi đó. Trong một thế giới đang thay đổi, một bản liệt kê những sự cấm đoán sẽ không bảo vệ chúng ta, nhưng các nguyên tắc phúc âm sẽ có thể làm điều đó.

Sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ mới hướng dẫn đưa ra các quyết định sẽ đòi hỏi giới trẻ của chúng ta phải thực hành cách tiếp cận cuộc sống bằng sự nhạy cảm thuộc linh thay vì qua sự nhạy cảm văn hóa không đáng tin cậy. Sách hướng dẫn FSY mới này không phải chỉ là một cuốn sách để người lớn nói chuyện với giới trẻ về các giá trị đạo đức. Thay vì thế, sách này thiết lập lại cách giới trẻ tiếp cận cuộc sống khi biết được nguồn gốc thực sự của họ với tư cách là con cái của Thượng Đế—một Thượng Đế có một công việc giao cho họ làm, là Đấng đã gửi họ đến đây vì các mục đích cụ thể để giúp cho cuộc sống của họ thêm nhiều ý nghĩa. Cuộc sống của họ sẽ vững chắc trong phúc âm.

Sách hướng dẫn mới này để giúp đưa ra những lựa chọn là một phần của mẫu mực đã được mặc khải từ lâu nhằm hướng chúng ta đến nếp sống thuộc linh sâu sắc hơn; đó là phần mới nhất của một thời kỳ phục hồi dài gồm có sự chuyển đổi thành công từ việc giảng dạy trong tiểu giáo khu đến giảng dạy tại gia và sau đó đến việc phục sự—buổi họp tối gia đình thay vì buổi tối gia đình, mỗi tín hữu là một người truyền giáo, nâng cao tiêu chuẩn, thay thế các bài thảo luận mà người truyền giáo học thuộc lòng bằng sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và thay thế chương trình hướng đạo và Sự Tiến Triển Cá Nhân bằng chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ—nơi mà giới trẻ được mời kiểm soát cuộc sống thuộc linh của họ.

Những yêu cầu bài đọc mới cho lớp giáo lý cũng phù hợp với phương pháp dựa trên nguyên tắc và được Thánh Linh hướng dẫn này. Chúng ta càng ngày càng tiến tới một cách thức cao quý và thánh thiện hơn để đưa ra quyết định được thúc đẩy về phần thuộc linh. Ngày càng quan trọng rằng giới trẻ của chúng ta và bản thân chúng ta phải học cách quyết định bằng cách đáp ứng các nguyên tắc thiêng liêng thay vì quan tâm đến những điều cấm đoán cụ thể. Giới trẻ của chúng ta đang đối mặt với những câu hỏi về mặt đạo đức mà cách đây vài thập niên không ai cần hỏi. Nếu ngày hôm nay giới trẻ đang đắn đo cân nhắc về việc xăm mình, thì hãy chờ xem thế gian sẽ còn cám dỗ họ với những điều gì khác nữa.

Chủ tịch Russell M. Nelson giải thích cách đưa ra những quyết định đó. Anh chị em không thể chỉ đưa ra một bản liệt kê. Ông đã dạy: “Nếu các anh chị em chịu chân thành và liên tục làm công việc thuộc linh cần thiết để phát triển kỹ năng thuộc linh và quan trọng của cách học nghe những thúc giục của Đức Thánh Linh, thì các anh chị em sẽ có được tất cả mọi chỉ dẫn mà các anh chị em sẽ luôn cần trong cuộc đời mình.”1

Có một câu chuyện đang lan truyền về việc một thiếu nữ 14 tuổi đã nói với mẹ vào cái ngày sau đại hội trung ương rằng sách hướng dẫn mới này không cấm việc xỏ nhiều khuyên tai, vì vậy em ấy dự định sẽ đeo thêm vài khuyên tai vào ngày thứ Năm. Người mẹ hít một hơi thật sâu và nói với em ấy: “Con biết bố mẹ cảm nhận thế nào về việc đó, nhưng đây không chỉ liên quan đến ý muốn của bố mẹ; đây là cơ hội để con cầu vấn xem Cha Thiên Thượng muốn con làm gì. Con phải bỏ thời gian ra, nghiên cứu, cầu nguyện về nó, và chờ đợi câu trả lời.” Vâng, cô bé 14 tuổi ấy đã tìm thấy câu trả lời của mình, và người mẹ đã thay đổi cuộc sống của em ấy.

Sau khi trở về nhà từ công việc truyền giáo, tôi gia nhập Quân Đội Hoa Kỳ. Một ngày nọ, tôi đến Trung Tâm Kết Nạp Quân Đội ở Oakland, nơi tôi được gia nhập đơn vị quân đội mới của mình. Những người bạn mới được chỉ định cho tôi đều rất khác biệt với tôi và khác biệt với nhau. Nhưng 24 giờ sau, tất cả chúng tôi đều được cắt tóc giống nhau và mặc đồng phục giống nhau. Và trong khi đi vào doanh trại của mình đêm đó, tất cả chúng tôi đều trông rất sạch sẽ và chỉnh tề. Trong những tháng huấn luyện tiếp theo cùng với nhau, tôi đã không còn phân biệt được sự khác biệt giữa chúng tôi như lúc vừa đến trung tâm kết nạp quân đội nữa. Chúng tôi tập luyện cùng nhau, phàn nàn cùng nhau và tâm sự với nhau, và không có sự ngăn cách giữa chúng tôi. Tôi đã học được một bài học suốt đời về tầm quan trọng của đồng phục: những gì chúng ta mặc có thể chia rẽ hoặc đoàn kết. Quần áo cho thấy chúng ta đứng về phía bên nào và người mặc chúng được trông đợi điều gì.

Tôi vừa đọc về một người Lính Thủy Đánh Bộ từng tham gia chiến đấu ở Trung Đông đã chuyển vài người Lính Thủy Đánh Bộ bị thương khác đến một chiếc trực thăng sơ tán và sau đó trở lại chiến trường và tiếp tục chuyển một người lính bị thương khác đến. Một vài người lính đồng đội địa phương đã giật mình: “Này”—và họ có ý nhục mạ—“Này, anh Lính Thủy Đánh Bộ, anh có để ý rằng anh đang mang một kẻ thù không?” Anh ấy chỉ nói: “Này, tôi là Lính Thủy Đánh Bộ đây; các anh không thấy rằng anh ấy cũng bị thương sao?” Bộ đồng phục của anh ấy đại diện cho một điều gì đó siêu việt.

Vị tiên tri đã mời gọi giới trẻ gia nhập các đạo quân của Chúa. Khi gia nhập quân đội, chúng ta mặc quân phục. Khi có nguy hiểm hoặc thảm họa, quân phục của một đạo quân cho dân chúng biết rằng sự giúp đỡ đã đến, các đạo quân ngay chính giải thoát cho người bị áp bức, hoa được rải trên đường đi của họ, có nước mắt, sự giúp đỡ đã đến. Những người truyền giáo mặc đồng phục; Đội quân của Thượng Đế hoàn thành nhiệm vụ của họ một cách hiệu quả nhất khi họ nổi bật hơn những người mà họ được phái đến để giải cứu.

Sách hướng dẫn này viết: “Ngài biết”—nói về Cha Thiên Thượng—“Ngài biết em có thể tạo ra sự khác biệt trong thế gian, và điều đó trong nhiều trường hợp đòi hỏi em phải khác biệt so với thế gian.”2

Khi còn trong Quân Đội, người bạn của tôi là Rich và tôi đã đi nghỉ phép và đến Giê Ru Sa Lem. Và khi chúng tôi đi bộ trên những con đường ở Giê Ru Sa Lem trong lúc mặc quần jeans và áo đánh gôn, một người bán hàng người Ả Rập nhận xét rằng chúng tôi làm việc ở BYU Jerusalem Center. Chúng tôi nói với ông rằng không phải; chúng tôi chỉ là một vài người lính Mỹ.

“Vâng, nhưng các anh cũng đến từ Jerusalem Center.”

“Điều gì khiến anh nghĩ như vậy?”

“Chúng tôi có thể nhận ra điều đó nơi các anh từ rất xa cơ.”

Chúng tôi nhìn nhau; chúng tôi trông không khác gì những Binh Sĩ Lực Lượng Phòng Vệ Israel đang đi ngang qua và cũng mặc quần áo như chúng tôi đang mặc—cùng kiểu tóc, mọi thứ đều giống nhau. Nhưng hiển nhiên là có một điều gì đó khác biệt.

Trong suốt mọi thời đại, những môn đồ của Chúa hầu hết đã sống cùng các dân tộc khác với các nền văn hóa, giá trị và ưu tiên khác nhau. Vậy thì làm thế nào chúng ta tôn trọng người lân cận của mình trong khi cũng nỗ lực sống theo văn hóa độc đáo của phúc âm? Chúng ta được yêu cầu phải là ánh sáng cho thế gian khi Chúa quy tụ dân Y Sơ Ra Ên lần cuối cùng này để chuẩn bị cho sự trở lại của Ngài. Các tín hữu của Giáo Hội thường mang ánh sáng mà chúng ta thường không nhận ra nhưng những người khác có thể thấy được. Tôi cho rằng họ nhìn thấy Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, đôi khi không rõ ràng nhưng thực sự chiếu xuyên qua bản chất sa ngã của chúng ta. Xét cho cùng, chính Đấng Ky Tô là sức mạnh của giới trẻ. Bất cứ điều gì chúng ta làm để làm xao lãng hoặc giảm bớt hoặc ngụy trang hoặc che giấu ánh sáng đó đều làm hỏng các mục đích của việc được sinh ra vào thời kỳ này.

Sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ có thể giúp chúng ta chia sẻ ánh sáng đó khi chúng ta tìm kiếm sự soi dẫn về cách mà các mục đích độc đáo thiêng liêng của chúng ta có thể được làm tròn một cách tốt nhất qua cuộc sống và lối sống của chúng ta. Việc được phái đến để làm dân đặc biệt của Thượng Đế thực sự đáng khen ngợi. Điều đó có nghĩa là trở nên nổi bật giữa đám đông khi mà qua những lựa chọn của mình, chúng ta cho họ biết mình tuân theo Đấng nào. Nhiệm vụ của chúng ta trong hệ thống giáo dục của Giáo Hội và trong chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ và trong vương quốc của Thượng Đế trên thế gian không phải chỉ để giữ cho thế hệ này không bị mất đức tin và lạc vào lối sống không xứng đáng với họ; vị tiên tri đang kêu gọi các thiếu niên và thiếu nữ có khả năng hãy giúp tái sinh thế gian này.

Vị tiên tri của Chúa đang kêu gọi các phụ nữ hãy đứng lên và lãnh đạo trong một thế giới mà nhiều người phụ nữ kiên quyết muốn khẳng định vị trí chính đáng của họ trên thế gian, muốn trở nên quan trọng và có nhiều ảnh hưởng, nhưng đối với nhiều người trong số họ, tôn giáo dường như đang ngăn cản những khát vọng đầy ý nghĩa của họ. Và các phụ nữ Si Ôn vẫn sẽ khoác lên mình quyền năng của sự tin kính và sẽ dời trọng tâm.

Và Ngài cần chúng ta tạo ra những người nam có quyền năng lớn lao, đạt được tất cả các thuộc tính của các con trai của Thượng Đế như được mô tả trong thánh thư. Cuộc sống trần thế chỉ có được một Lãnh Binh Mô Rô Ni thôi sao? Đó không phải là điều tôi nghe Chủ Tịch Russell M. Nelson khi ông nói về thế hệ hoàng gia này. Ông tuyên bố với họ rằng: “Cha Thiên Thượng đã dành riêng nhiều linh hồn cao quý nhất của Ngài— … có lẽ là nhóm người tốt nhất của Ngài—cho giai đoạn cuối cùng này. Những linh hồn cao quý đó—những người lành nghề nhất, những anh hùng đó—chính là [anh chị] em!”3

Vì vậy, một lần nữa xin cảm ơn anh chị em đã trở thành một lực lượng không thể thiếu giúp hướng đến sự cải đạo lâu dài cho giới trẻ trong Giáo Hội và vương quốc của Chúa này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.