Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Giáng Sinh
Chia Sẻ Những Mẩu Bánh Vụn của Mình


Chia Sẻ Những Mẩu Bánh Vụn của Mình

Các anh chị em và các bạn thân mến, tôi mang đến các anh chị em lời chào mừng và phước lành của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson. Ông biết ơn những lời cầu nguyện và tình yêu thương của các anh chị em trong mùa Giáng Sinh này và mãi mãi.

Tôi luôn luôn yêu thích thời gian này của năm. Buổi Họp Giáng Sinh của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn này đã trở thành một truyền thống yêu dấu của nhiều người, kể cả gia đình tôi. Chúng ta mong đợi thời gian bắt đầu mùa lễ Giáng Sinh với âm nhạc tuyệt vời của dàn nhạc Orchestra at Temple Square và Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle luôn luôn kỳ diệu này. Các sứ điệp và âm nhạc giúp tạo ra bầu không khí cho mùa lễ Giáng Sinh và nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa sâu sắc của điều và lý do tại sao chúng ta kỷ niệm lễ Giáng Sinh.

Giáng Sinh ở Đức

Trong thời thơ ấu của tôi, những ước mơ trong mùa lễ Giáng Sinh của tôi luôn luôn gồm có hình ảnh của một mùa đông lý tưởng và tôi biết là không phải chỉ một mình tôi nghĩ như vậy. Đối với tôi điều này có nghĩa là không khí mùa đông lạnh giá, bầu trời màu trong xanh, và một màn tuyết dầy trắng tươi bao phủ. Thay vì thế, thời tiết hầu như luôn luôn khác so với những giấc mơ của tôi về mùa đông lý tưởng, thường có bầu trời sương mù màu xám, tuyết ẩm ướt lầy lội, hoặc thậm chí còn có mưa nữa.

Tuy nhiên, vào đêm trước Giáng Sinh, mẹ tôi thường mặc cho chúng tôi quần áo ấm mùa đông và cha chúng tôi thường đi bộ với chúng tôi xuyên qua các đường phố trong thị trấn của chúng tôi.

Bọn trẻ chúng tôi đã biết được lý do thực sự cho cuộc đi bộ hàng năm này—Mẹ chúng tôi cần thời gian để trang trí cây Giáng Sinh, đặt quà dưới gốc cây, và chuẩn bị phòng khách của chúng tôi cho đêm thánh. Chúng tôi đã cố gắng mọi cách để làm cho cuộc đi bộ này càng ngắn càng tốt. Nhưng cha của chúng tôi có óc rất sáng tạo trong việc thêm vào một vòng đi bộ hoặc một chỗ rẽ nữa để cho Mẹ chúng tôi có đủ thời gian cần thiết.

Trong thời đó, những đường phố ở Zwickau, Đức, đều khá tối vào ban đêm. Điều này chỉ xảy ra sau Đệ Nhị Thế Chiến, và có rất ít đèn đường. Chỉ có một vài tiệm mở cửa, và một số nằm bên cạnh các căn nhà bị bỏ bom, mà vẫn còn ngửi được mùi chiến tranh kỳ lạ.

Có một phần trong cuốc đi bộ đó mà tất cả chúng tôi đều thích—một điểm dừng chân tại nhà thờ ở giữa thị trấn Zwickau, nơi mà chúng tôi đã lắng nghe những bài hát mừng Giáng Sinh tuyệt vời và tiếng đại phong cầm thánh thót dường như luôn luôn diễn ra vào đêm trước Giáng Sinh. Bằng cách nào đó, phần âm nhạc này làm cho ánh sáng khiêm tốn của thành phố chúng tôi đột nhiên dường như sáng hơn—gần giống như những vì sao lấp lánh—và làm tràn ngập tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi với tinh thần mong đợi tuyệt vời.

Đến lúc chúng tôi trở về, Mẹ chúng tôi đã hoàn thành sự chuẩn bị của bà, và chúng tôi sẽ lần lượt từng người một đi vào phòng khách để thấy được sự kỳ diệu của cây thông Giáng Sinh Tannenbaum mới vừa được trang trí xong. Trong những ngày đó, rất khó tìm ra cây cối, và chúng tôi đã lấy bất cứ cây nào có sẵn. Đôi khi chúng tôi phải thêm vào vài cành cây để làm cho nó trông giống như một cái cây thật. Nhưng đối với đôi mắt trẻ thơ của tôi, cây thông Giáng Sinh luôn luôn trông thật là vinh quang.

Ánh sáng nhấp nháy của những ngọn nến bằng sáp mang đến một nét rực rỡ bí ẩn, hầu như quyến rũ cho căn phòng. Chúng tôi háo hức và thích thú nhìn những món quà dưới gốc cây và hy vọng rằng mình sẽ nhận được những món quà mà chúng tôi mong ước.

Nỗi háo hức khi nhận quà hầu như bằng với niềm hào hứng của việc tặng quá. Thường thì những món quà này được làm bằng tay. Có năm khi tôi còn rất nhỏ, món quà của tôi tặng cho anh tôi là một tấm hình của anh mà tôi đã vẽ. Tôi rất hãnh diện về kiệt tác đó của mình. Và anh ấy rất tử tế và lịch sự khi nói lời biết ơn và khen ngợi.

Tôi sẽ luôn luôn trân quý những kỷ niệm tuyệt vời này của thời thơ ấu của tôi ở Đông Đức.

Tình Yêu Thương Vô Tận

Những truyền thống Giáng Sinh được kỷ niệm trong các nền văn hóa và các quốc gia trên thế giới này bằng những cách tuyệt vời và độc đáo. Mỗi truyền thống này đều tuyệt mỹ và đáng kể tuy vẫn còn rất khác nhau.

Nhưng những truyền thống này đều có một cảm nghĩ, một tinh thần chung mà dường như luôn luôn hiện hữu khi chúng ta kỷ niệm sự giáng sinh của Vua Ky Tô, Đấng An Ủi và Đấng Tin Tưởng của chúng ta, Đấng Khuyên Giải của Y Sơ Ra Ên!

Người ta có thể sử dụng nhiều từ để mô tả cảm nghĩ này: niềm vui, hy vọng, chờ đợi, hân hoan. Mỗi một từ này mô tả một phần của cái mà chúng ta gọi là “tinh thần Giáng Sinh.”

Đối với tôi, một từ mô tả đúng nhất những cảm nghĩ của chúng ta vào mùa Giáng Sinh. Từ đó là tình yêu thương.

Xét cho cùng, món quà mà chúng ta kỷ niệm vào lễ Giáng Sinh là một món quà yêu thương—sự ban cho của Thượng Đế về Vị Nam Tử của Ngài. “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy sự yêu thương ở tại đây.”1

Do ảnh hưởng của tình yêu thương đó, nên lòng chúng ta đã được xoa dịu. Chúng ta cảm thấy một sự dịu dàng khiến chúng ta tìm đến những người khác bằng lòng nhân từ và trắc ẩn.

Lễ Giáng Sinh soi dẫn chúng ta để yêu thương nhiều hơn.

Cho dù như tôi nói như vậy, nhưng tôi cũng thừa nhận rằng từ tình yêu thương là không thích đáng. Trong tiếng Anh, cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác, “tình yêu thương” có thể có nhiều nghĩa lắm. Ví dụ, tôi có thể nói tôi “yêu thương” mưa, hoặc tôi “yêu thươngh” bộ trang phục mới của các anh chị em, hoặc thậm chí tôi còn có thể nói “yêu thương” mùi của một cái hộp đựng quả bóng tennis mới được mở ra.

Nhưng tình yêu thương mà tôi nói đây là một điều gì sâu sắc hơn. Khái niệm của con người chúng ta về tình yêu thương là rất nhỏ bé so với tình yêu thương mà Thượng Đế cảm thấy đối với chúng ta.

Tình yêu thương của Ngài là vô hạn và trắc ẩn vô tận. Tình yêu thương thiêng liêng đầy tràn tới thời vĩnh cửu. Nó tràn ngập với ân điển vĩnh cửu. Nó tìm đến và nâng lên. Nó tha thứ. Nó ban phước. Nó cứu chuộc.

Tình yêu thương thiêng liêng vượt qua những khác biệt về cá tính, văn hoá, hoặc tín ngưỡng. Nó không cho phép thành kiến ​​và thiên kiến cản trở sự an ủi, lòng trắc ẩn, và sự thông cảm nguyên vẹn. Nó hoàn toàn không có sự bắt nạt, phân biệt đối xử, hoặc kiêu ngạo. Tình yêu thương thiêng liêng soi dẫn chúng ta để làm theo như Đấng Cứu Rỗi đã làm: “Hãy cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”2

Đây là loại tình yêu thương mà chúng ta cố gắng để có. Nó phải là đặc tính quan trọng của chúng ta là riêng cá nhân và chung một dân tộc.

Chúng ta có thể không phát triển được một tình yêu thiêng liêng trọn vẹn trong cuộc sống này, nhưng chúng ta đừng bao giờ ngừng cố gắng. Nếu có một mùa trong năm mà chúng ta đến gần hơn một chút đối với bất cứ mùa nào khác, thì đó có thể là thời gian Giáng Sinh, khi mà tâm hồn và ý nghĩ của chúng ta hướng tới sự giáng sinh của sự biểu hiện sống động của tình yêu thương thiêng liêng, chính là Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô.

Vị Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố và Cậu Bé

Tôi xin được chia sẻ một câu chuyện để minh họa cách tình yêu thương này có thể tác động cuộc sống của chúng ta. Vào một đêm Giáng Sinh cách đây 85 năm, trong Thời Kỳ Đại Suy Thoái, một nghị viên hội đồng thành phố đi kiểm tra các con đường của thành phố Salt Lake City sau một cơn bão mùa đông. Trong lúc đang lái xe, ông thấy một cậu bé ở bên đường, đứng trong cái lạnh giá mà không có áo khoác, găng tay, hoặc giày ống. Vị nghị viên hội đồng thành phố đã ghé xe lại, mời cậu bé ấy vào trong chiếc xe ấm cúng của mình và hỏi cậu bé đó có phấn khởi với lễ Giáng Sinh không. Cậu bé đáp: “Chúng cháu sẽ không có lễ Giáng Sinh ở nhà mình. Cha chúng cháu qua đời cách đây ba tháng, bỏ lại Mẹ, cháu và một em trai và một em gái nhỏ.”

Vị nghị viên hội đồng thành phố bật máy sưởi trong xe và nói: “Cháu à, hãy cho bác tên và địa chỉ của cháu. Sẽ có người đến nhà cháu—cháu sẽ không bị bỏ quên đâu.”

Vị nghị viên hội đồng thành phố này cũng là chủ tịch giáo khu ở trung tâm Salt Lake City. Ông đã làm việc với các tín hữu trong giáo khu của mình để cung cấp thực phẩm và quà tặng cho các gia đình không thể tự lo liệu được. Cậu bé này không phải là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng điều đó không thành vấn đề đối với vị nghị viên hội đồng thành phố. Đêm đó, ông và một trong các giám trợ trong giáo khu của ông đã chắc chắn rằng gia đình của cậu bé ấy nhận được một giỏ tràn đầy quà Giáng Sinh.3

Cuộc gặp gỡ cậu bé này đã ảnh hưởng sâu xa đến vị chủ tịch giáo khu này. Điều này đã làm cho ông quyết tâm hơn bao giờ hết để tìm kiếm và làm giảm bớt đau khổ bất cứ nơi nào ông thấy được. Điều này còn trở thành một dấu ấn của cuộc đời ông.

Vị ủy viên hội đồng thành phố ấy tên là Harold Bingham Lee, và 40 năm sau, ông trở thành Chủ Tịch thứ 11 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ Tịch Lee là nhân vật chính yếu trong việc phát triển chương trình rộng lớn của Giáo Hội để làm giảm bớt nỗi đau khổ của những người đang gặp khó khăn và giúp tất cả con cái của Thượng Đế trở nên tự lực hơn.

Đến cuối cuộc đời của mình, Chủ Tịch Lee nói rằng ông đã thông cảm với những người đau khổ và khao khát được giúp đỡ là nhờ vào cuộc đời thơ ấu nghèo khó và đạm bạc của ông.4

Vấn Đề Không Phải Là Ta Có Bao Nhiêu Mà Là Ta Yêu Thương Bao Nhiêu

Tôi nghĩ là tôi biết được cảm nghĩ của Chủ Tịch Lee.

Đôi khi gia đình tôi cũng sống trong những hoàn cảnh khiêm tốn. Hai lần trong vòng bảy năm, chúng tôi đã bỏ nhà trốn chạy với tư cách là người tị nạn và bỏ lại mọi thứ. Ở Tây Đức chúng tôi đã sống trong một gác mái thuê trong một căn nhà nông trại cũ. Nó có hai phòng nhỏ, và tất cả chúng tôi ngủ trong một phòng ngủ. Không gian chật chội đến nỗi tôi đã phải đi ngang giữa mấy cái giường ngủ.

Mẹ tôi có một cái đĩa nóng để dùng làm lò. Và khi nào muốn đi từ phòng này đến phòng khác, chúng tôi phải bước ngang qua một đống chướng ngại vật của các dụng cụ nông trại, đủ loại tủ và nhiều loại thịt hun khói lủng lẳng từ trần nhà. Có lần, khi bị bệnh và phải nằm trong giường cả ngày, tôi đã nhìn mấy con chuột cũng ở trong gác mái của chúng tôi chạy vụt qua trên sàn nhà. Nước phải được mang vào phòng của chúng tôi, và phòng tắm nằm ở ngoài nhà bên kia một cái sân, bên cạnh chuồng gia súc. Vào ngày Chủ Nhật, chúng tôi đi bộ vài giờ để đến nhà thờ ở Frankfurt và trở về. Hiếm khi nào chúng tôi có đủ khả năng để dùng xe điện.

Tôi vẫn còn nhớ những ngày đó với nỗi buồn lẫn niềm vui. Cha mẹ tôi đã làm hết sức mình để lo liệu cho chúng tôi, và chúng tôi biết rằng họ yêu thương chúng tôi. Vâng, đây là thời điểm nhiều hoạn nạn, nhưng tôi nghĩ đó là thời gian hạnh phúc, vì tôi đã có thể cảm nhận được tình yêu thương chúng tôi dành cho nhau, cho Chúa, và cho Giáo Hội của Ngài.

Không có gì xấu hổ khi nghèo. Hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi của thế gian đã giáng sinh trong một chuồng gia súc và được đặt nằm trong máng cỏ “vì nhà quán không có đủ chỗ ở cho [Ngài].”5 Một thời gian ngắn sau đó, Ngài, Ma Ri và Giô Sép đã trở thành người tị nạn, chạy trốn đến Ai Cập để có được sự che chở khỏi Hê Rốt sát nhân. Trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã sống giữa những người đau khổ, đói khát, và đau yếu. Những ngày của Ngài đầy dẫy sự phục vụ cho họ. Ngài đến “đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo.”6 Trong nhiều phương diện, Ngài là một trong số họ, vì Ngài cũng “không có chỗ mà gối đầu.”7

Ngài đã khen ngợi người đàn bà góa nghèo khổ, mặc dù nghèo, nhưng đã ném hai đồng tiền vào kho bạc Do Thái8 Và một trong các sứ điệp cuối cùng của Ngài trên trần thế chính là sự cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào cách chúng ta đối xử với người khác—nhất là những người được coi là “hèn mọn”—vì Ngài phán: “hễ các ngươi làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng làm cho ta.”9

Một nhà thơ Anh trong thế kỷ 19 đã viết những dòng này:

Ở giữa đám mưa tuyết băng giá,

Con chim cổ đỏ rụt rè bay đến;

Hãy có lòng thương hại, chớ đuổi nó đi,

Mà hãy chia sẻ những mẩu bánh vụn của mình. …

 

Không có ai quá nghèo đến mức không chia sẻ được,

Khi mùa đông đến thì ai cũng cần;

Ổ bánh không còn của riêng ta nữa,

Vậy thì hãy bẻ bánh ra chia sẻ.

 

Rồi cũng đến cuối đời mình,

Ngày phán xét đến:

Quyền năng trên cao

Sẽ đo đếm điều tội lỗi với điều thiện của chúng ta.10

Bất luận vị trí của chúng ta trong cuộc đời, mỗi người chúng ta đều là một con chim cổ đỏ rụt rè—một người ăn xin—trước mặt Thượng Đế. Chúng ta trông mong vào ân điển của Ngài. Chính là nhờ vào sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là một phần của kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, mà chúng ta có được hy vọng nơi sự cứu rỗi và lòng thương xót. Ân tứ thiêng liêng này soi dẫn cho chúng ta để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và tiếp cận với những người xung quanh mình bằng lòng trắc ẩn. Cho dù chỉ có một nhúm mẩu bánh vụn nhưng chúng ta cũng vui lòng chia sẻ chúng với những người hoạn nạn về mặt tình cảm, tinh thần hoặc vật chất như là một sự thể hiện về lòng biết ơn của mình đối với yến tiệc thiêng liêng mà Thượng Đế đã chuẩn bị cho chúng ta.

Ban Phước cho Những Người Khác vào Lễ Giáng Sinh

Trong mùa lễ Giáng Sinh thân yêu này, thật là điều thích hợp cho chúng ta để thích thú với ánh sáng, âm nhạc, quà tặng và đèn đuốc lấp lánh. Đây là tất cả lý do tại sao chúng ta yêu thích rất nhiều thời gian này của năm.

Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta là môn đồ và tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế hằng sống. Để thực sự tôn vinh sự giáng sinh của Ngài đến thế gian, chúng ta cần phải làm theo như Ngài đã làm và tiếp cận với lòng trắc ẩn và thương xót đồng bào chúng ta. Chúng ta có thể làm điều này hằng ngày, bằng lời nói và việc làm. Hãy để điều này trở thành truyền thống Giáng Sinh của chúng ta, cho dù chúng ta đang ở đâu—hãy trở nên tử tế, tha thứ hơn một chút, bớt phê phán lại, biết ơn hơn và rộng rãi hơn trong việc chia sẻ sự dồi dào của chúng ta với những người hoạn nạn.

Cầu xin cho sự suy ngẫm về sự giáng sinh của Chúa Giê Su ở Bết Lê Hem có thể soi dẫn cho chúng ta được giống như Ngài hơn. Cầu xin cho sứ mệnh và tấm gương của Đấng Ky Tô có thể làm cho tâm hồn chúng ta mở rộng với tình yêu thương thiêng liêng dành cho Thượng Đế và lòng trắc ẩn sâu thẳm dành cho đồng bào chúng ta. Và cầu xin cho chúng ta có thể chia sẻ vật chất của mình bằng sự rộng rãi bao la và tình yêu thương vô tận. Đây là lời cầu nguyện và phước lành của tôi trong mùa lễ Giáng Sinh này và mãi mãi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. 1 Giăng 4:9–10.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 81:5.

  3. Xin xem Harold B. Lee, Ye Are the Light of the World (1974), 346–47.

  4. Xin xem L. Brent Goates, Harold B. Lee: Prophet and Seer (1985), chương 32.

  5. Lu Ca 2:7.

  6. Lu Ca 4:18, Phiên Bản Tiêu Chuẩn Tiếng Anh

  7. Ma Thi Ơ 8:20, Phiên Bản Tiêu Chuẩn Tiếng Anh

  8. Xin xem Mác 12:42–44.

  9. Xin xem Ma Thi Ơ 25:32–46.

  10. Alfred Crowquill, “Scatter Your Crumbs,” trong Robert Chambers, hiệu đính, The Book of Days (1881), 2:752. Nguyên văn bài thơ là như sau:

    Ở giữa đám mưa tuyết băng giá,

    Con chim cổ đỏ rụt rè bay đến;

    Hãy có lòng thương hại, chớ đuổi nó đi,

    Mà hãy chia sẻ những mẩu bánh vụn của mình.

    Và chớ cài then cửa của mình

    Đối với bất cứ ai đến;

    Những người nghèo khó hơn càng được chào đón nồng nhiệt hơn,

    Và hãy chia sẻ những mẩu bánh vụn của mình.

    Không có ai quá nghèo đến mức không chia sẻ được,

    Khi mùa đông đến thì ai cũng cần;

    Ổ bánh không còn của riêng ta nữa,

    Vậy thì hãy bẻ bánh ra chia sẻ.

    Rồi cũng đến cuối đời mình,

    Ngày phán xét đến:

    Quyền năng trên cao

    Sẽ đo đếm điều tội lỗi với điều thiện của chúng ta.