Đại Hội Trung Ương
Tình Yêu Thương của Thượng Đế
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2021


Tình Yêu Thương của Thượng Đế

Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta đã ban phước cho chúng ta với những giáo lệnh, và khi tuân theo các giáo lệnh của Hai Ngài, chúng ta cảm nhận tình thương yêu hoàn hảo của Hai Ngài một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn.

Cha Thiên Thượng thương yêu chúng ta một cách sâu sắc và hoàn hảo. 1 Với tình thương yêu đó, Ngài đã tạo ra một kế hoạch, một kế hoạch cứu chuộc và hạnh phúc để mở ra cho chúng ta tất cả các cơ hội và niềm vui mà chúng ta sẵn sàng đón nhận, bao gồm tất cả những gì Ngài có và ngay cả việc được trở nên giống như Ngài. 2 Để đạt được điều này, Ngài thậm chí đã sẵn lòng ban Vị Nam Tử Yêu Quý của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để làm Đấng Cứu Chuộc cho chúng ta. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” 3 Đó là tình yêu thương thuần khiết từ một người Cha—một tình yêu thương chung cho tất cả mọi người, nhưng vẫn riêng cho từng người.

Giống như Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su Ky Tô cũng có tình thương yêu hoàn hảo như vậy. Khi Đức Chúa Cha lần đầu tiên giới thiệu kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Ngài, Ngài đã kêu gọi một người làm Đấng Cứu Rỗi để cứu chuộc chúng ta—là một phần quan trọng trong kế hoạch đó. Chúa Giê Su đã tình nguyện: “Tôi đây, xin phái tôi đi.” 4 Đấng Cứu Rỗi “không làm việc gì trừ phi có lợi ích cho thế gian; vì Ngài rất yêu mến thế gian, đến đỗi Ngài phải bỏ mạng sống của mình để thu hút tất cả loài người đến với Ngài. Vậy nên, Ngài không truyền lệnh cho một ai không được hưởng sự cứu rỗi của Ngài.” 5

Tình yêu thương thiêng liêng này sẽ mang lại cho chúng ta niềm an ủi và sự tự tin dồi dào khi chúng ta cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong tôn danh của Đấng Ky Tô. Không ai trong chúng ta là người xa lạ đối với Hai Ngài. Chúng ta không cần do dự khi cầu khẩn Thượng Đế, ngay cả khi chúng ta cảm thấy không xứng đáng. Chúng ta có thể nương cậy vào ân điển và công lao của Chúa Giê Su Ky Tô để được lắng nghe. 6 Khi sống trong tình thương yêu của Thượng Đế, chúng ta ngày càng ít phụ thuộc vào sự chấp thuận của người khác để hướng dẫn mình.

Tình Thương Yêu của Thượng Đế Không Biện Minh Cho Tội Lỗi; Thay Vào Đó, Nó Mang Đến Sự Cứu Chuộc

Bởi vì tình thương yêu của Thượng Đế dành cho tất cả mọi người, một số người cho rằng tình yêu thương đó là “vô điều kiện,” và trong tâm trí họ, có thể họ suy luận rằng điều đó có nghĩa là các phước lành từ Thượng Đế là “vô điều kiện” và rằng sự cứu rỗi là “vô điều kiện.” Nhưng không phải như họ nghĩ. Một số người thường nói: “Đấng Cứu Rỗi thương yêu tôi vô điều kiện”, và điều đó dĩ nhiên là đúng. Nhưng Ngài không thể đưa bất kỳ ai trong chúng ta vào vương quốc của Ngài nếu không đưa ra điều kiện, “vì không có một vật ô uế nào có thể ở trong đó, hay ở trong chốn hiện diện của Ngài.” 7 Tội lỗi của chúng ta phải được thanh tẩy trước.

Giáo sư Hugh Nibley đã từng lưu ý rằng vương quốc của Thượng Đế không thể bền vững nếu nó chấp nhận dù là một tội lỗi nhỏ nhặt nhất: “Dấu vết nhỏ nhất của sự mục nát có nghĩa là thế giới bên kia không thể nào trường tồn hoặc vĩnh cửu được. Một sai sót nhỏ nhất trong một tòa nhà, tổ chức, luật pháp, hoặc tính cách chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại trong thời kỳ vĩnh cửu.” 8 Các giáo lệnh của Thượng Đế thật “nghiêm nhặt” biết bao 9 bởi vì vương quốc của Ngài và các công dân trong đó chỉ có thể đứng vững nếu họ nhất quyết bỏ điều tà ác và chọn điều ngay, mà không có ngoại lệ. 10

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã nhận xét: “Chúa Giê Su hiểu rõ điều mà nhiều người trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta dường như đã quên: rằng có một sự khác biệt quan trọng giữa lệnh truyền để tha thứ tội lỗi (mà Ngài đã có một khả năng vô hạn để làm như vậy) và lời cảnh cáo chống lại việc dung túng cho tội lỗi đó (mà Ngài không bao giờ làm dù chỉ một lần).” 11

Tuy nhiên, bất kể những khuyết điểm hiện tại của chúng ta, chúng ta vẫn có thể hy vọng để đạt được “danh và vị thế,” 12 tại một nơi, trong Giáo Hội của Ngài và trong thượng thiên giới. Sau lời phán rõ ràng rằng Ngài không thể miễn trừ hoặc phớt lờ tội lỗi, Chúa đã trấn an chúng ta:

“Tuy nhiên, kẻ nào hối cải và làm theo các giáo lệnh của Chúa thì sẽ được tha thứ.” 13

“Và bất cứ lúc nào dân của ta biết hối cải, thì ta sẽ tha thứ cho họ về những điều họ đã xúc phạm đến ta.” 14

Sự hối cải và ân điển thiêng liêng giải quyết vấn đề nan giải:

“Và cũng hãy nhớ những lời A Mu Léc đã nói với Giê Rôm, tại thành phố Am Mô Ni Ha; vì ông đã nói rằng: Chúa chắc chắn sẽ đến để cứu chuộc dân Ngài, nhưng Ngài sẽ không đến để cứu chuộc họ trong tội lỗi của họ, mà để cứu chuộc họ khỏi tội lỗi của họ.

“Và Ngài được Đức Chúa Cha ban cho quyền năng để cứu chuộc họ khỏi tội lỗi của họ nhờ sự hối cải; do đó Ngài đã phái các thiên sứ đi rao truyền tin mừng về những điều kiện hối cải, là những điều kiện dẫn đến quyền năng của Đấng Cứu Chuộc và dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn họ.” 15

Với điều kiện là sự hối cải, Chúa có thể ban cho lòng thương xót mà không cướp đi công lý, và “Thượng Đế lúc nào cũng vẫn là Thượng Đế.” 16

Đường lối của thế gian, như anh chị em biết, là nghịch lại Đấng Ky Tô, hoặc “bất kỳ điều gì khác ngoài Đấng Ky Tô.” Thời kỳ của chúng ta là sự tái hiện lại lịch sử của Sách Mặc Môn mà trong đó các nhân vật có sức ảnh hưởng theo đuổi sự thống trị một cách bất công đối với người khác, tán dương sự tự do tình dục, và thúc đẩy việc tích lũy tài sản như là mục đích tồn tại của chúng ta. Triết lý của họ “biện minh khi người ta chỉ phạm một tội nhỏ” 17 hoặc ngay cả việc phạm nhiều tội lỗi, nhưng không triết lý nào mang đến sự cứu chuộc. Điều đó chỉ đến qua huyết của Chiên Con. Điều duy nhất mà đám đông ủng hộ “nghịch lại Đấng Ky Tô” hoặc “không cần sự hối cải” có thể làm là các tuyên bố vô căn cứ rằng tội lỗi không tồn tại, hoặc nếu có tồn tại, thì cuối cùng nó cũng chẳng gây ra hậu quả gì. Tôi không thấy hiệu quả của lập luận đó vào Ngày Phán Xét. 18

Chúng ta không cần phải cố gắng hợp lý hóa tội lỗi của mình vì điều đó là không thể. Và mặt khác, chúng ta không cần phải làm điều bất khả thi là xóa đi hậu quả của tội lỗi chỉ bằng công lao của riêng mình. Tôn giáo chúng ta không hướng về sự hợp lý hóa hoặc chủ nghĩa hoàn hảo, mà là một tôn giáo của sự cứu chuộc—sự cứu chuộc qua Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu chúng ta chịu hối cải, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, những tội lỗi của chúng ta sẽ bị đóng đinh lên thập tự giá của Ngài, và “bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” 19

Tình Yêu Thương Khao Khát của Các Vị Tiên Tri Cũng Giống Như Tình Yêu Thương của Thượng Đế

Từ lâu, tôi đã có ấn tượng, và cũng đã cảm nhận được, tình yêu thương khao khát của các vị tiên tri của Thượng Đế khi họ cảnh báo về tội lỗi. Họ không bị thúc đẩy bởi mong muốn lên án những tội lỗi đó. Mong muốn thực sự của họ cũng giống như tình yêu thương của Thượng Đế; thực ra, đó chính là tình yêu thương của Thượng Đế. Họ yêu thương những người mà vì đó họ được phái đến, bất kể những người đó là ai và là người như thế nào. Cũng như Chúa, các tôi tớ của Ngài không muốn bất kỳ ai phải chịu sự đau đớn của tội lỗi và lựa chọn sai lầm. 20

An Ma đã được phái đi để rao truyền sứ điệp về sự hối cải và sự cứu chuộc cho một dân tộc đầy thù hận, những người sẵn sàng ngược đãi, tra tấn, và thậm chí giết hại các tín đồ Ky Tô Hữu, bao gồm cả chính An Ma. Tuy nhiên, ông đã yêu thương họ và khao khát sự cứu rỗi cho họ. Sau khi rao truyền về Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô cho dân Am Mô Ni Ha, An Ma đã cầu xin: “Và giờ đây, hỡi đồng bào, từ trong thâm tâm tôi mong mỏi, phải, tôi mong mỏi với một nỗi lo lắng lớn lao gần như đau đớn, rằng đồng bào nên nghe theo lời của tôi mà từ bỏ các tội lỗi của mình, … để các người có thể được nâng cao vào ngày sau cùng và được bước vào chốn an nghỉ của [Thượng Đế].” 21

Theo lời của Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Hoàn toàn đúng như vậy, bởi vì chúng tôi vô cùng quan tâm đến tất cả con cái của Thượng Đế nên chúng tôi mới rao giảng lẽ thật của Ngài.” 22

Thượng Đế Thương Yêu Anh Chị Em; Anh Chị Em Có Yêu Mến Ngài Không?

Tình thương yêu của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử tuy được ban cho rộng rãi nhưng cũng bao gồm những kỳ vọng. Một lần nữa, tôi xin trích dẫn lời của Chủ Tịch Nelson: “Luật pháp của Thượng Đế được thúc đẩy hoàn toàn bởi tình yêu thương vô hạn của Ngài dành cho chúng ta và ước muốn của Ngài cho chúng ta là được trở thành người tốt với hết khả năng của mình.” 23

Vì thương yêu anh chị em, Hai Ngài không muốn bỏ mặc anh chị em “trong tình trạng hiện tại.” Vì thương yêu anh chị em, Hai Ngài muốn anh chị em có được niềm vui và sự thành công. Vì thương yêu anh chị em, Hai Ngài muốn anh chị em hối cải bởi đó là con đường dẫn đến sự hạnh phúc. Nhưng đó là lựa chọn của anh chị em—Hai Ngài tôn trọng quyền tự quyết của anh chị em. Anh chị em phải chọn để thương yêu, phục vụ, và tuân giữ những giáo lệnh của Hai Ngài. Để rồi, Hai Ngài có thể ban phước cũng như thương yêu anh chị em một cách dồi dào hơn.

Kỳ vọng chính của Hai Ngài cho chúng ta là chúng ta cũng sẽ phải yêu thương. “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.” 24 Như Giăng đã viết: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau.” 25

Cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nhi Joy D. Jones kể lại rằng khi còn là một cặp vợ chồng trẻ, chị và chồng được kêu gọi để đến thăm và phục sự cho một gia đình đã không đi nhà thờ trong nhiều năm. Điều rõ ràng ngay lập tức khi họ đến thăm lần đầu tiên là gia đình đó không muốn họ đến. Sau khi nản lòng vì thất bại trong những lần cố gắng viếng thăm tiếp theo, và sau những lời cầu nguyện và suy ngẫm chân thành, Anh và Chị Jones đã nhận được câu trả lời cho lý do về sự phục vụ của họ trong câu thánh thư này trong Giáo Lý và Giao Ước: “Các ngươi yêu thương Chúa Thượng Đế của các ngươi với tất cả tấm lòng, tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh; và các ngươi phải phục vụ Ngài trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô.” 26 Chị Jones nói:

“Chúng tôi nhận biết rằng mình đã chân thành cố gắng phục vụ gia đình này và phục vụ vị giám trợ, nhưng chúng tôi phải tự hỏi liệu chúng tôi có thực sự phục vụ vì tình yêu mến dành cho Chúa không. …

“… Chúng tôi bắt đầu mong đợi những chuyến đi thăm của mình với gia đình thân mến này vì tình yêu mến của chúng tôi dành cho Chúa [xin xem 1 Nê Phi 11:22]. Chúng tôi đã làm điều đó vì Ngài. Ngài đã làm cho sự khó khăn không còn là một gánh nặng nữa. Sau nhiều tháng chúng tôi đứng trước ngưỡng cửa nhà, gia đình ấy bắt đầu cho chúng tôi vào. Cuối cùng, chúng tôi đã có những lần cầu nguyện và thảo luận phúc âm thường xuyên với nhau. Một tình bạn lâu dài phát triển. Chúng tôi thờ phượng và yêu mến Ngài bằng cách yêu thương con cái của Ngài.” 27

Khi thừa nhận rằng Thượng Đế thương yêu chúng ta một cách hoàn hảo, mỗi người chúng ta có thể hỏi: “Tôi yêu mến Thượng Đế đến mức nào? Ngài có thể trông cậy vào tình yêu mến của tôi như tôi nương cậy tình thương yêu của Ngài không?” Vậy đó chẳng phải là một khát vọng xứng đáng được sống để Thượng Đế có thể thương yêu chúng ta không chỉ vì những khuyết điểm mà còn tiềm năng của chúng ta hay sao? Thật vậy, để Ngài có thể nói về anh chị em và tôi như Ngài đã nói về Hyrum Smith, ví dụ, “Ta, là Chúa, yêu thương hắn vì sự thanh liêm của lòng hắn.” 28 Xin chúng ta hãy nhớ lời khuyên ân cần của Giăng: “Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” 29

Thật vậy, các giáo lệnh của Ngài không hề nặng nề—mà là ngược lại. Các giáo lệnh đó đánh dấu con đường dẫn đến sự chữa lành, hạnh phúc, bình an và niềm hân hoan. Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta đã ban phước cho chúng ta với những giáo lệnh, và khi tuân theo các giáo lệnh của Hai Ngài, chúng ta cảm nhận tình thương yêu hoàn hảo của Hai Ngài một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn. 30

Đây là giải pháp cho thời kỳ đầy những tranh chấp của chúng ta—tình thương yêu của Thượng Đế. Vào thời kỳ vàng son trong lịch sử của Sách Mặc Môn sau giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, “trong xứ không có chuyện tranh chấp nào xảy ra, nhờ tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân.” 31 Khi chúng ta cố gắng hướng về Si Ôn, chúng ta ghi nhớ lời hứa trong sách Khải Huyền: “Phước thay cho những kẻ giặt áo mình đặng có phép đến nơi cây sự sống và bởi các cửa mà vào trong thành [thánh]!” 32

Tôi xin làm chứng về sự có thật của Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, và về tình yêu thương kiên định bất diệt của Hai Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.