Thánh Thư
Joseph Smith—Lịch Sử 1


Joseph Smith—Lịch Sử

Những Đoạn Trích Ra từ Lịch Sử của Tiên Tri Joseph Smith

Chương 1

Joseph Smith kể về tổ tiên, những người trong gia đình của ông, và những nơi cư ngụ đầu tiên của họ—Một sự giao động khác thường về tôn giáo lan khắp miền tây New York—Ông quyết tâm tìm kiếm sự thông sáng như Gia Cơ chỉ dẫn—Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con hiện ra, và Joseph được kêu gọi vào giáo vụ tiên tri. (Các câu 1–20.)

1 Vì lý do có nhiều bài tường thuật do những người có tà ý và đầy âm mưu phổ biến ra, liên quan đến sự ra đời và sự phát triển của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả những bài tường thuật này là do những tác giả của nó có dụng ý làm tổn thương uy tín Giáo Hội và chống lại sự phát triển của Giáo Hội trên thế giới—nên tôi phải viết ra lịch sử này để đánh tan sự ngộ nhận của quần chúng, và để cho tất cả những ai muốn tìm hiểu lẽ thật có thể nắm được những sự kiện, như chúng đã xảy ra, liên quan đến cả cá nhân tôi lẫn Giáo Hội, trong phạm vi những sự kiện tôi nắm giữ được.

2 Trong lịch sử này, tôi sẽ trình bày những biến cố khác nhau liên quan tới Giáo Hội này, bằng sự thật và ngay chính, như chúng đã xảy ra, hoặc chúng còn đang tồn tại cho tới nay [1838], là năm thứ tám kể từ ngày Giáo Hội này được thành lập.

3 Tôi sinh năm Thiên Chúa một ngàn tám trăm lẻ năm, vào ngày hai mươi ba tháng Mười Hai, tại thị xã Sharon, hạt Windsor, Tiểu Bang Vermont. … Khi tôi được chừng mười tuổi thì cha tôi, Joseph Smith, Sen., rời Tiểu Bang Vermont và dời về Palmyra, hạt Ontario (hiện nay là Wayne) thuộc Tiểu Bang New York. Lối bốn năm sau khi cha tôi đến Palmyra, ông cùng với gia đình ông dời về Manchester ở cùng hạt Ontario—

4 Gia đình cha tôi gồm có mười một người kể ra như sau: Cha tôi, Joseph Smith; mẹ tôi, Lucy Smith (nhũ danh của bà là Mack, ái nữ của Solomon Mack); các anh em của tôi, Alvin (chết ngày 19 tháng Mười Một năm 1823, khi được hai mươi sáu tuổi), Hyrum, tôi, Samuel Harrison, William, Don Carlos; và các chị em gái của tôi, Sophronia, Catherine và Lucy.

5 Vào khoảng năm thứ hai sau khi chúng tôi dời về Manchester, có một sự giao động khác thường về vấn đề tôn giáo ở tại nơi chúng tôi đang sống. Bắt đầu là do giáo phái Methodist, rồi ít lâu sau lan tràn ra tất cả các giáo phái trong vùng ấy. Thật vậy, sự giao động dường như bao trùm cả quận, và nhiều người liên kết lại với nhiều giáo phái khác nhau, khiến gây xáo trộn và chia rẽ không nhỏ trong quần chúng. Một số kêu gọi: “Trông kìa, đây!” và một số khác nói: “Trông kìa, kia!” Một số bênh vực giáo phái Methodist, một số ủng hộ giáo phái Presbyterian, và một số theo giáo phái Baptist.

6 Vì mặc dù những người cải đạo đều tỏ ra tình thương rất thiết tha đối với những giáo phái này vào lúc họ mới cải đạo, và các giáo sĩ của từng giáo phái đều tỏ ra rất nhiệt thành hăng hái hoạt động để gây một cao trào về ý thức tôn giáo, hầu cho mọi người được cải đạo, như họ hài lòng gọi như vậy, hãy để cho mọi người gia nhập giáo phái nào mà họ thích; nhưng khi những người cải đạo bắt đầu lần lượt theo giáo phái này hay giáo phái kia, thì người ta thấy những tình cảm tốt đẹp bề ngoài của các giáo sĩ lẫn người cải đạo đều có vẻ giả tạo hơn là thành thật; vì một cao trào vô cùng hỗn độn và hiềm khích đã tiếp đến—giáo sĩ tranh chấp với giáo sĩ, người cải đạo tranh chấp với người cải đạo; đến đỗi tất cả những cảm tình tốt đẹp của họ dành cho nhau, nếu có chút nào chăng nữa, đều hoàn toàn bị mất đi vì sự tranh chấp về ngôn từ và sự tranh cãi về quan điểm.

7 Vào lúc này tôi được mười lăm tuổi. Gia đình cha tôi được giáo phái Presbyterian truyền đạo, và có bốn người trong gia đình gia nhập giáo hội ấy, đó là mẹ tôi, Lucy; các anh em của tôi, Hyrum và Samuel Harrison; và chị tôi, Sophronia.

8 Trong thời gian xảy ra sự giao động lớn lao nói trên, tâm trí tôi băn khoăn và bất ổn trầm trọng; mặc dù những cảm nghĩ của tôi sâu xa và thường buốt nhói, nhưng tôi vẫn đứng ngoài tất cả các giáo phái này, dù rằng tôi đã tham dự vài buổi họp của họ mỗi khi có thời giờ thuận tiện. Thời gian dần trôi qua, tâm trí tôi có hơi thiên về phái Methodist và trong lòng tôi có ý định muốn gia nhập với họ; nhưng vì sự tranh chấp và sự hỗn loạn giữa các giáo phái lúc bấy giờ quá lớn lao, nên một người trẻ tuổi, và ít quen thuộc với nhân tình thế thái như tôi lúc đó không thể nào đi đến kết luận chắc chắn là ai đúng và ai sai.

9 Tâm trí tôi đôi khi vô cùng giao động, vì tiếng la hét và sự hỗn loạn thật là lớn lao và bất tận. Phái Presbyterian quyết định chống phái Baptist và phái Methodist rất mãnh liệt, và dùng mọi sức mạnh của cả lý luận lẫn ngụy biện để chứng minh những sự sai lầm của hai giáo phái kia, hay ít ra, cũng làm cho quần chúng tin rằng hai giáo phái kia lầm lẫn. Đối lại, hai giáo phái Baptist và Methodist cũng không kém hăng hái trong việc thiết lập các giáo lý riêng của mình và bác bỏ tất cả các giáo lý khác.

10 Ở giữa trận khẩu chiến và xung đột về quan điểm này, tôi thường tự hỏi: Bây giờ mình phải làm gì đây? Trong số các giáo phái này, giáo phái nào đúng, hay là tất cả họ đều sai lầm? Nếu có một giáo phái nào đúng, thì đó là giáo phái nào, và làm sao tôi biết được?

11 Trong khi tôi đang vất vả vì những nỗi khó khăn cực điểm gây ra bởi những sự tranh chấp của những nhóm người cuồng tín này, thì nhân một hôm tôi đọc Bức Thư của Gia Cơ, chương nhất câu năm có viết rằng: Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Thượng Đế, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.

12 Thật chưa có một đoạn thánh thư nào lại có tác dụng xúc động tâm hồn con người mãnh liệt bằng đoạn thánh thư này đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi tưởng chừng như có một sức mạnh lớn lao xuyên thẳng vào tận đáy tim tôi. Tôi suy ngẫm mãi về đoạn thánh thư trên và ý thức được rằng nếu có người nào cần đến sự khôn ngoan từ Thượng Đế, thì người ấy chính là tôi; vì lẽ tôi không biết phải hành động ra sao, và trừ phi tôi nhận được thêm sự khôn ngoan hơn tôi có lúc đó, bằng không thì tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được; vì các vị giảng đạo của các giáo phái đã hiểu cùng những đoạn thánh thư theo một ý khác biệt nhau, đến nỗi làm cho tôi mất hết tin tưởng vào việc giải đáp câu hỏi đó bằng cách cầu cứu đến Kinh Thánh.

13 Cuối cùng tôi đi đến kết luận rằng hoặc là tôi phải ở mãi trong tình trạng tối tăm và hoang mang, hoặc là tôi phải làm theo lời chỉ dẫn của Gia Cơ, nghĩa là cầu vấn Thượng Đế. Sau cùng tôi quyết định “cầu vấn Thượng Đế,” vì đã kết luận rằng nếu Ngài ban sự khôn ngoan cho những ai thiếu khôn ngoan, và ban cho một cách rộng rãi và không trách móc, thì tôi có thể thử liều xem sao.

14 Vì vậy, để thực hiện quyết định này, quyết định cầu vấn Thượng Đế, tôi đi vào rừng để thử làm việc ấy. Đó là buổi sáng của một ngày xinh đẹp, quang đãng, vào đầu xuân năm một ngàn tám trăm hai mươi. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi, tôi đã thử làm một việc như vậy, vì lẽ giữa tất cả mọi bối rối lo âu của tôi, tôi vẫn chưa bao giờ thử cầu nguyện thành lời.

15 Sau khi đến nơi mà tôi đã định trước để đi, và nhìn quanh thấy chỉ có mình tôi, tôi mới quỳ xuống và bắt đầu dâng lên Thượng Đế những ước muốn của lòng tôi. Khi tôi vừa mới bắt đầu cầu nguyện, thì liền bị một sức mạnh hoàn toàn chế ngự tôi, và có một ảnh hưởng thật lạ lùng trên tôi đến nỗi lưỡi tôi như bị buộc lại, khiến tôi không thể nói được. Một bóng tối dày đặc bủa vây lấy tôi, và trong lúc đó tôi tưởng chừng như mình bất thần bị hủy diệt.

16 Nhưng tôi đã vận dụng hết tất cả mọi năng lực của tôi để kêu cầu Thượng Đế giải thoát cho tôi khỏi quyền lực của kẻ thù này đang trói chặt lấy tôi, và ngay lúc tôi quá tuyệt vọng và sắp sửa buông tay phó mặc cho mình bị hủy diệt—không phải là một sự hủy diệt tưởng tượng, mà quả thật có quyền lực của một kẻ nào đó từ thế giới vô hình, kẻ có một quyền lực phi thường mà từ trước đến nay tôi chưa hề cảm thấy ở bất cứ người nào—ngay trong lúc cực kỳ nguy nan đó, tôi thấy một luồng ánh sáng ngay trên đầu tôi, sáng hơn cả ánh sáng mặt trời, ánh sáng ấy từ từ hạ xuống cho đến khi phủ lên tôi.

17 Liền đó, tôi cảm thấy được giải thoát ngay khỏi kẻ thù đã trói buộc tôi. Khi ánh sáng chan hòa trên người tôi, tôi thấyhai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!

18 Mục đích của tôi là đi cầu vấn Chúa để được biết giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng, ngõ hầu tôi có thể biết giáo phái nào để gia nhập. Một khi vừa trấn tĩnh lại và nói lên được, tôi bèn hỏi Hai Nhân Vật đang đứng bên trên tôi trong ánh sáng trước mặt tôi là giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng (vì vào lúc này trong tâm trí tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tất cả đều sai lầm)—và giáo phái nào tôi nên gia nhập.

19 Tôi được trả lời rằng tôi không được gia nhập giáo phái nào cả, vì tất cả đều sai lầm; và Nhân Vật ngỏ lời cùng tôi còn nói rằng tất cả các giáo điều của họ là sự khả ố trước mặt Ngài; rằng những giáo sĩ ấy đều hoàn toàn bại hoại; rằng: “Chúng gần ta bằng môi lưỡi, nhưng lòng dạ chúng xa cách ta; chúng dạy các giáo lý bằng điều răn của con người, có hình thức bề ngoài rất tin kính, nhưng chúng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó.”

20 Một lần nữa Ngài lại cấm tôi gia nhập bất cứ giáo phái nào; và nói cho tôi biết nhiều điều khác, mà tôi không thể viết ra trong lúc này. Khi tôi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm ngửa dưới đất, mắt nhìn lên trời. Khi ánh sáng đó đi khỏi, tôi mất hết sinh lực; nhưng chỉ một lát sau tôi đã phục hồi được đôi phần sức khỏe, tôi bèn đi về nhà. Và khi tôi đang đứng dựa bên lò sưởi thì mẹ tôi hỏi tôi làm sao vậy. Tôi đáp: “Thưa mẹ, con chẳng sao hết, con vẫn như thường.” Kế đó tôi nói với mẹ tôi: “Con vừa khám phá ra rằng giáo phái Presbyterian không đúng.” Có thể nói rằng, ngay từ những ngày thơ ấu của đời tôi, kẻ thù nghịch đã nhận biết rằng tôi đã lãnh một thiên chức để xáo trộn và quấy rầy vương quốc của hắn, nếu không vậy thì tại sao những sức mạnh của bóng tối lại liên kết với nhau để chống lại tôi? Tại sao những sự chống đối và ngược đãi lại nổi lên chống tôi ngay từ khi tôi còn nhỏ dại?

Một số những người giảng đạo và các giáo sĩ bác bỏ câu chuyện về Khải Tượng Thứ Nhất—Sự ngược đãi chồng chất lên Joseph Smith—Ông làm chứng về sự thực của khải tượng. (Các câu 21–26.)

21 Ít ngày sau khi tôi được mục kích khải tượng này, tôi có dịp hội kiến với một vị giảng đạo của phái Methodist, là người rất tích cực trong cao trào phát động tôn giáo nói trên; và trong lúc đàm luận với ông về vấn đề tôn giáo, tôi nhân cơ hội kể lại cho ông ta nghe về khải tượng mà tôi đã được mục kích. Tôi rất đỗi ngạc nhiên về thái độ của ông ta; không những ông ta coi nhẹ sự giao tiếp của tôi, mà còn miệt thị tôi nữa, bảo rằng tất cả câu chuyện đó là do ma quỷ mà ra, vì ngày nay làm gì còn những chuyện khải tượng hay là mặc khải như vậy nữa; rằng những chuyện kiểu đó đã chấm dứt theo với các sứ đồ và không bao giờ còn xảy ra nữa.

22 Tuy nhiên, chẳng bao lâu tôi nhận thấy câu chuyện tôi thuật lại đã khiến các vị trong giới giáo sĩ có thành kiến chống đối tôi dữ dội, và đã là nguyên nhân cho sự ngược đãi lớn lao càng ngày càng lan rộng; và mặc dù lúc đó tôi chỉ là một thiếu niên tầm thường, chỉ mới mười bốn mười lăm tuổi, và hoàn cảnh của tôi trong cuộc sống giống như là một thiếu niên không có chút quan trọng nào trong xã hội, nhưng những người có địa vị cao đã lưu tâm đến độ họ tìm cách khơi động tâm trí quần chúng chống đối tôi, và tạo ra sự ngược đãi khắc nghiệt; và chuyện này đã lan rộng trong tất cả các giáo phái—tất cả đều liên kết với nhau để ngược đãi tôi.

23 Và từ đó, việc này đã thường làm tôi băn khoăn trầm trọng, thật là kỳ lạ thay, một đứa trẻ tầm thường, mới hơn mười bốn tuổi đầu, và lại là đứa trẻ phải chịu số phận lao đao, vất vả hằng ngày mới kiếm đủ miếng ăn thanh bần, thì tại sao tôi lại được xem như một nhân vật có tầm quan trọng đủ để thu hút được sự chú ý của các nhân vật có uy thế nhất trong các giáo phái tiếng tăm nhất thời bấy giờ, và đến một mức độ tạo ra trong họ một tinh thần ngược đãi và sỉ vả cay đắng nhất. Nhưng dù có lạ lùng hay không, thì chuyện đó cũng đã xảy ra rồi, và nó thường là mối ưu sầu vô hạn của tôi.

24 Tuy nhiên, dù sao đi nữa vẫn là sự thật tôi đã mục kích khải tượng. Từ dạo đó, tôi đã nghĩ rằng tôi cảm thấy mình thật giống như Phao Lô, khi ông tự biện hộ trước vua Ạc Ríp Ba và thuật lại câu chuyện về khải tượng mà ông được mục kích khi ông trông thấy một ánh sáng và nghe một tiếng nói; nhưng vẫn không mấy người tin lời ông; người thì bảo ông không thành thật, kẻ lại cho là ông điên rồ; và ông đã bị nhạo báng và chửi rủa. Nhưng, tất cả những hành động trên không làm sao phá đổ được sự thật về khải tượng của ông. Ông đã trông thấy khải tượng, ông biết là ông đã trông thấy, và tất cả những sự ngược đãi dưới gầm trời này không thể làm đảo lộn sự thật được; và dù cho họ có ngược đãi ông đến chết, thì ông vẫn biết, và biết cho đến hơi thở cuối cùng của mình, rằng ông đã trông thấy một ánh sáng và nghe một tiếng nói phán với ông, và tất cả thế gian không thể làm cho ông suy nghĩ hay tin tưởng ngược lại được.

25 Trường hợp của tôi cũng vậy. Quả thật tôi đã trông thấy một ánh sáng, và giữa ánh sáng ấy, tôi đã trông thấy hai Nhân Vật, và hai vị đó đã thật sự ngỏ lời cùng tôi; và mặc dù tôi bị thù ghét và ngược đãi vì tôi đã nói là tôi đã trông thấy khải tượng, nhưng đó vẫn là sự thật; và trong lúc họ ngược đãi, sỉ vả tôi, và lấy mọi điều xấu xa vu cáo cho tôi, vì tôi đã nói ra như thế, tôi vẫn thường tự vấn lòng tôi rằng: Tại sao lại ngược đãi tôi chỉ vì tôi đã nói ra sự thật? Quả thật tôi đã trông thấy một khải tượng; vả lại tôi là ai mà dám chống đối Thượng Đế? Hay tại sao thiên hạ lại muốn tôi phủ nhận điều tôi đã thực sự trông thấy? Vì tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được, tôi cũng không dám làm thế; ít nhất tôi biết rằng nếu tôi làm thế, tôi sẽ xúc phạm đến Thượng Đế, và sẽ chuốc lấy sự đoán phạt.

26 Bây giờ tâm trí tôi đã được hài lòng về vấn đề đạo giáo—rằng tôi không có bổn phận phải gia nhập giáo phái nào, mà chỉ sinh sống như hiện tại cho đến khi nào tôi nhận được chỉ thị mới. Tôi nhận thấy chứng ngôn của Gia Cơ là đúng—rằng một người thiếu sự khôn ngoan có thể cầu xin Thượng Đế, và sẽ được ban cho mà không bị trách móc.

Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith—Tên của Joseph sẽ được biết tới như điều thiện và điều ác ở giữa tất cả các quốc gia—Mô Rô Ni nói cho ông biết về Sách Mặc Môn và về những phán xét sẽ đến của Chúa cùng trích dẫn nhiều thánh thư—Chỗ chôn giấu các bảng khắc bằng vàng được tiết lộ—Mô Rô Ni tiếp tục chỉ dạy Vị Tiên Tri. (Các câu 27–54.)

27 Cho tới ngày hai mươi mốt tháng chín năm một ngàn tám trăm hai mươi ba, tôi vẫn tiếp tục sinh sống với nghề cũ, và vẫn liên tục chịu đựng sự ngược đãi thậm tệ của đủ mọi hạng người trong xã hội, cả người có tôn giáo lẫn kẻ vô thần, vì lẽ lúc nào tôi cũng quả quyết là tôi đã trông thấy một khải tượng.

28 Suốt thời gian từ tôi mục kích khải tượng đến năm một ngàn tám trăm hai mươi ba—vì tôi đã bị cấm đoán không được gia nhập giáo phái nào thời ấy, và vì tôi còn ở vào lứa tuổi niên thiếu mà đã bị ngược đãi bởi những người đáng lý ra phải là bạn bè của tôi, và đáng lẽ phải đối xử với tôi một cách tử tế, và đáng lẽ phải cố gắng khuyên nhủ tôi một cách ôn hòa thân ái, nếu họ cho rằng tôi đã bị lầm lạc—tôi đã bị bỏ phó mặc cho mọi cám dỗ; và khi chung sống với mọi hạng người trong xã hội, tôi thường vấp phải nhiều lỗi lầm dại dột, và đã biểu lộ sự non kém của tuổi trẻ cùng bản chất nhược điểm của con người; mà tôi rất ân hận để nói rằng, sự kiện trên đã dẫn dắt tôi đến nhiều cám dỗ lầm lạc, xúc phạm trước mặt Thượng Đế. Khi thú nhận điều này, xin đừng ai nghĩ rằng tôi đã phạm những tội tày đình. Một khuynh hướng phạm tội như thế không bao giờ có trong bản tính của tôi. Nhưng tôi có lỗi tính coi nhẹ, và đôi khi tôi giao du với những người thích vui chơi, vân vân, không phù hợp với tư cách của một người được Thượng Đế kêu gọi. Nhưng điều này không có vẻ lạ đối với những ai nhớ rõ thời niên thiếu của tôi, và từng biết bản tính vui vẻ của tôi.

29 Do hậu quả của những sự kiện này, tôi thường có mặc cảm tội lỗi về những yếu đuối và khuyết điểm của mình, nên vào buổi tối ngày hai mươi mốt tháng Chín nói trên, sau khi lui về phòng đi ngủ, tôi đã thành tâm cầu nguyện và khẩn cầu Thượng Đế Toàn Năng tha thứ cho tôi tất cả những tội lỗi và những điều khờ dại của tôi, và cũng cầu xin Ngài ban cho tôi một biểu hiện, ngõ hầu tôi có thể được biết về tình trạng và vị thế của tôi trước mặt Ngài; vì tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tôi sẽ nhận được một sự biểu hiện thiêng liêng, như tôi đã được một lần trước đây.

30 Trong lúc tôi đang thành tâm kêu cầu Thượng Đế như vậy, tôi bỗng thấy một ánh sáng xuất hiện trong phòng tôi, ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏa, đến khi căn phòng sáng rực hơn ánh nắng ban trưa, rồi bất thần một nhân vật xuất hiện bên giường tôi, đứng lơ lửng trên không, vì chân ông không chạm đất.

31 Vị ấy mặc một chiếc áo dài rộng màu trắng đẹp đẽ lạ thường. Đó là một màu trắng mà tôi chưa từng thấy một vật gì ở trên thế gian này trắng như vậy, và tôi cũng không tin trên thế gian này lại có thể có được màu cực trắng và vô cùng rực rỡ như vậy. Hai bàn tay ông để trần, cánh tay cũng vậy, lộ tới cườm tay; và bàn chân ông cũng để trần, chân ông cũng vậy, lộ đến phía trên mắt cá. Đầu và cổ của ông cũng đều để trần. Tôi có thể nhận ra rằng ông chỉ mặc mỗi một chiếc áo dài trắng này, vì cổ áo ông để hở khiến tôi trông thấy được cả phần ngực của ông.

32 Không những áo dài của ông cực kỳ trắng xóa mà toàn thân ông cũng rực rỡ khôn tả, và gương mặt ông sáng rực như chớp vậy. Gian phòng của tôi sáng choang nhưng không rực rỡ bằng ánh sáng bao quanh người ông. Thoạt tiên tôi mới nhìn thấy ông, tôi sợ hãi; nhưng chẳng bao lâu sự sợ hãi đó rời khỏi tôi.

33 Ông gọi tên tôi và nói với tôi rằng, ông là sứ giả từ chốn hiện diện của Thượng Đế được sai đến gặp tôi, và tên ông là Mô Rô Ni; rằng Thượng Đế có một công việc giao cho tôi thực hiện; và rằng tên tôi sẽ được mọi quốc gia, sắc tộc, và sắc ngữ nhắc nhở tới như điều thiện và điều ác, hoặc vừa là điều thiện lẫn điều ác được nói đến trong khắp mọi dân tộc.

34 Ông nói rằng có một quyển sách đã được chôn giấu, được ghi chép trên các bảng khắc bằng vàng, tường thuật lại câu chuyện của các dân cư thời xưa sống trên lục địa này, và nguồn gốc nguyên thủy của họ. Ông cũng nói rằng sách ấy chứa đựng Phúc Âm trọn vẹn vĩnh viễn, do chính Đấng Cứu Rỗi đã ban cho dân chúng thời xưa;

35 Ông cũng nói thêm rằng, còn có hai viên đá nằm trong hai cái khung hình vòng cung bằng bạc—và hai viên đá này được buộc vào một tấm giáp che ngực, được gọi là U Rim và Thu Mim—được chôn giấu chung với các bảng khắc; và vào thời xa xưa hay thời trước đây ai có quyền sở hữu và sử dụng hai viên đá này đều thành những “vị tiên kiến” và rằng Thượng Đế đã chuẩn bị những vật này cho mục đích phiên dịch quyển sách.

36 Sau khi cho tôi biết những điều này, ông bắt đầu trích dẫn những lời tiên tri trong Cựu Ước. Đầu tiên ông trích dẫn một phần của chương ba trong sách Ma La Chi; và ông cũng trích dẫn chương bốn tức là chương cuối cùng của lời tiên tri ấy, mặc dù nội dung hơi khác so với Kinh Thánh của chúng ta. Thay vì trích dẫn câu đầu như trong sách của chúng ta, ông trích dẫn như sau:

37 Vì này, ngày đến sẽ cháy đỏ như lò lửa, và tất cả những kẻ kiêu ngạo, phải, và tất cả những kẻ làm điều gian ác sẽ cháy như rơm rạ; vì những người đến sẽ thiêu đốt chúng nó chẳng để lại cho chúng nó rễ hoặc cành, lời Đức Chúa Muôn Quân phán.

38 Và rồi ông lại trích dẫn câu thứ năm rằng: Này, nhờ tay đấng tiên tri Ê Li, ta sẽ tiết lộ cho các ngươi Chức Tư Tế trước khi đến ngày trọng đại và khủng khiếp của Chúa.

39 Ông cũng trích dẫn câu kế tiếp khác hẳn: Và người sẽ gieo vào lòng các con cái những lời đã hứa với ông cha chúng, và lòng các con cái trở lại cùng ông cha chúng. Nếu không được như vậy thì cả trái đất này sẽ hoàn toàn bị hoang tàn khi Ngài đến.

40 Thêm vào các đoạn trên, ông trích dẫn chương mười một trong sách Ê Sai và nói rằng lời tiên tri đó sắp được ứng nghiệm. Ông cũng trích dẫn chương ba trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, các câu hai mươi hai và hai mươi ba, đúng như trong Tân Ước của chúng ta. Ông bảo rằng vị tiên tri đó là Đấng Ky Tô; nhưng ngày ấy chưa đến khi mà “những kẻ không muốn nghe tiếng nói của Ngài sẽ bị khai trừ khỏi dân chúng,” tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa ngày ấy cũng sẽ tới.

41 Ông cũng trích dẫn chương hai của sách Giô Ên, từ câu hai mươi tám tới câu cuối cùng. Ông cũng bảo rằng lời tiên tri này chưa được ứng nghiệm, nhưng sắp được ứng nghiệm. Và ông nói thêm rằng chẳng bao lâu sự trọn vẹn của Dân Ngoại sẽ đến. Ông trích dẫn nhiều đoạn khác trong thánh thư và cho tôi nhiều lời giải thích mà tôi không thể viết hết ra đây được.

42 Một lần nữa, ông bảo tôi rằng, khi tôi lấy được những bảng khắc mà ông đã nói tới—vì thời gian để nhận được các bảng khắc ấy chưa đến—tôi không được đưa cho ai xem, kể cả tấm giáp che ngực cùng hai viên đá U Rim và Thu Mim; tôi chỉ được đưa cho những người mà tôi được lệnh cho xem mà thôi; nếu tôi cho xem, tôi sẽ bị hủy diệt. Trong lúc ông đàm luận với tôi về các bảng khắc, thì khải tượng được mở ra trong tâm trí tôi, khiến tôi có thể thấy được chỗ những bảng khắc này chôn giấu, và tôi có thể thấy rõ ràng và phân minh đến độ tôi nhận ra ngay được chỗ đó khi tôi đến viếng.

43 Sau cuộc giao tiếp này, tôi thấy ánh sáng trong phòng bắt đầu tụ lại ngay chung quanh người của vị đang nói chuyện với tôi, và ánh sáng càng lúc càng thu dần cho đến khi căn phòng lại trở nên tối đen, trừ lớp hào quang chung quanh ông; rồi bất thần tôi trông thấy hào quang ấy trở thành một vệt sáng chiếu thẳng lên trời, và ông thăng lên mãi cho đến khi hoàn toàn biến dạng, và căn phòng tôi lại chìm đắm trong bóng tối như trước khi ánh sáng thiên thượng này xuất hiện.

44 Tôi nằm suy nghĩ mãi về sự khác thường của cảnh tượng vừa qua, và trong lòng hết sức kinh ngạc về những điều mà vị sứ giả lạ thường này vừa nói với tôi. Trong lúc đang chìm đắm trong suy tư, tôi bỗng thấy căn phòng lại dần dần sáng sủa trở lại, và chỉ trong khoảnh khắc, có thể nói như thế, vị thiên sứ vừa rồi lại hiện ra bên giường tôi.

45 Ông bắt đầu lặp lại cũng chính những điều mà ông đã nói vào lúc hiện đến lần thứ nhất của ông, không sửa đổi mảy may; nói xong ông báo tin cho tôi biết rằng những sự đoán phạt vĩ đại sẽ đến trên thế gian, với những tiêu điều khủng khiếp vì nạn đói, gươm đao và bệnh dịch; và rằng những sự đoán phạt nghiêm trọng này sẽ đến trên thế gian trong thế hệ này. Sau khi nói xong những điều này, ông lại thăng lên trời như ông đã làm lần trước.

46 Vào lúc này, những cảm tưởng ghi khắc trong tâm trí tôi quá sâu đậm, khiến tôi không tài nào chợp mắt được, và tôi hết sức bàng hoàng kinh ngạc về những điều tôi vừa được thấy và nghe. Nhưng thật là ngạc nhiên, tôi lại thấy vị thiên sứ vừa rồi một lần nữa xuất hiện bên giường tôi, và tôi lại nghe ông nhắc lại hay lặp lại cho tôi nghe những gì đã nói như hai lần trước; và thêm lời cảnh cáo tôi, bảo tôi rằng Sa Tan sẽ tìm đủ mọi cách để cám dỗ tôi (vì gia đình cha tôi lúc đó rất nghèo túng), xúi giục tôi chiếm đoạt những bảng khắc đó để làm giàu. Điều này ông nghiêm cấm tôi, và căn dặn tôi rằng tôi không được có mục đích nào khác hơn trong việc lấy các bảng khắc đó ngoại trừ mục đích làm vinh hiển Thượng Đế, và không được để cho bị lôi cuốn bởi một nguyên do nào khác hơn là việc xây đắp vương quốc của Ngài; nếu không thì tôi không thể lấy được các bảng khắc đó.

47 Sau lần hiện đến thứ ba, ông lại thăng lên trời như những lần trước, và một lần nữa tôi lại đắm mình suy ngẫm về tính chất kỳ lạ của những việc tôi vừa trải qua; hầu như ngay sau khi vị thiên sứ thăng lên trời lần thứ ba, thì có tiếng gà gáy, và tôi biết rằng bình minh đang lên, như vậy những cuộc hội kiến của chúng tôi hẳn đã chiếm trọn đêm ấy.

48 Chẳng bao lâu tôi trở dậy ra khỏi giường, và như thường lệ, tôi đi làm những công việc lao động cần thiết hằng ngày; nhưng dù cố gắng làm việc như mọi khi, tôi cảm thấy sức lực kiệt quệ và mỏi mệt quá độ hầu như không đứng vững được. Cha tôi lúc ấy đang làm việc bên cạnh tôi, ông nhận thấy điều bất thường nơi tôi, và bảo tôi hãy về nhà. Tôi bắt đầu có ý định đi về; nhưng lúc định trèo qua hàng rào nơi cánh đồng chúng tôi làm việc, bao nhiêu sức lực của tôi tiêu tán hết, và tôi ngã xuống đất ngất đi, và trong một lúc tôi hoàn toàn không biết gì hết.

49 Điều đầu tiên tôi có thể nhớ lại được là có tiếng ai gọi đến tên tôi. Tôi ngước nhìn lên và tôi trông thấy vị thiên sứ đêm qua đang đứng lơ lửng trên đầu tôi, hào quang tỏa quanh người như những lần trước. Rồi ông cũng nhắc lại tất cả những điều mà ông đã nói cho tôi nghe đêm qua, và truyền lệnh cho tôi hãy trở lại gặp cha tôi và thuật cho ông nghe về khải tượng và những lệnh truyền mà tôi đã nhận được.

50 Tôi vâng lời; tôi trở lại gặp cha tôi ở cánh đồng và kể lại hết vấn đề này cho cha tôi nghe. Cha tôi đáp lời tôi rằng đó là do từ Thượng Đế, và bảo tôi đi và làm theo như vị sứ giả đã truyền lệnh. Tôi rời cánh đồng và đi đến nơi mà vị sứ giả đã bảo tôi các bảng khắc đã được chôn giấu; và nhờ sự rõ rệt của khải tượng mà tôi đã trông thấy, nên tôi biết chỗ đó ngay khi vừa tới nơi.

51 Gần làng Manchester, hạt Ontario, New York, có một ngọn đồi khá lớn, nó cao hơn tất cả các đồi khác quanh vùng. Bên sườn đồi phía tây, cách đỉnh không xa, dưới một tảng đá khá lớn, là nơi những bảng khắc được đựng trong một cái hộp cũng bằng đá. Tảng đá này dày và tròn, ở giữa gồ lên, và cạnh mép mỏng dần đi, cho nên phần giữa lộ lên khỏi mặt đất trông thấy ngay, còn các cạnh mép chung quanh đều bị đất phủ lấp.

52 Sau khi bới hết đất, tôi tìm được một cây đòn bẩy, rồi kê vào dưới cạnh tảng đá và bẩy nó lên không mấy khó khăn. Tôi nhìn vào bên trong, và quả thật tôi trông thấy các bảng khắc, hai viên đá U Rim và Thu Mim cùng với tấm giáp che ngực, đúng như vị sứ giả đã nói. Hộp đựng các vật này được làm bằng cách ghép những phiến đá đặt cạnh nhau bằng một loại xi măng nào đó. Đáy hộp là hai phiến đá đặt nằm ngang, và trên đó những bảng khắc được xếp chung với các vật khác.

53 Tôi định lấy các vật ấy ra, nhưng bị vị sứ giả nghiêm cấm, và một lần nữa lại được cho biết rằng, thời gian để lấy những vật ấy ra chưa đến mà phải đợi tới bốn năm sau kể từ hôm đó; nhưng ông bảo tôi rằng, đúng một năm sau kể từ hôm đó, tôi phải trở lại gặp ông tại nơi ấy, và tôi phải tiếp tục làm như vậy cho đến ngày tôi được phép lấy các bảng khắc ra.

54 Theo đó, như tôi đã được truyền lệnh, vào cuối mỗi năm tôi đều đi tới chốn ấy, và lần nào tôi cũng gặp vị sứ giả ở đó, và mỗi lần hội kiến như vậy tôi lại nhận được những lời chỉ dẫn và những tin tức liên quan tới những gì Chúa sắp làm, và những phương cách và thể thức mà vương quốc của Ngài sẽ được điều hành trong những ngày sau cùng.

Joseph Smith cưới Emma Hale—Ông nhận các bảng khắc từ Mô Rô Ni và phiên dịch một số chữ—Martin Harris cho Giáo Sư Anthon xem những chữ này và bản dịch; ông này nói: “Tôi không thể đọc một cuốn sách bị niêm phong được.” (Các câu 55–65.)

55 Vì gia cảnh của cha tôi rất eo hẹp, nên chúng tôi phải lam lũ chân tay, làm thuê làm mướn hằng ngày, hoặc lãnh công khi chúng tôi có dịp. Có lúc chúng tôi được làm gần nhà và có lúc phải đi xa, và nhờ làm việc liên tục, nên gia đình chúng tôi đã có được một mức sống dễ chịu.

56 Trong năm 1823, gia đình cha tôi phải chịu nỗi đau buồn lớn lao vì cái chết của người anh cả tôi, Alvin. Vào tháng Mười năm 1825, tôi đi làm thuê cho một ông chủ đã cao niên tên là Josiah Stoal, người ở hạt Chenango, Tiểu Bang New York. Ông ta có nghe đồn về một mỏ bạc do người Tây Ban Nha đào ở Harmony, hạt Susquehanna, Tiểu Bang Pennsylvania; và trước khi mướn tôi, ông đã bắt đầu đào bới để có thể tìm kiếm mỏ ấy. Sau khi tôi đến làm việc với ông, ông dẫn tôi cùng những người giúp việc khác đi đào mỏ bạc. Tôi làm công việc này gần một tháng nhưng không đem lại kết quả nào, và cuối cùng tôi thuyết phục ông chủ cao niên này nên thôi đi. Do đó mà có tiếng đồn loan truyền rằng tôi đã từng là một người đào tiền.

57 Trong thời gian tôi được thuê làm như vậy, tôi được gửi đến ở trọ tại nhà ông Isaac Hale, người thuộc vùng này. Chính tại nơi đó, tôi gặp vợ tôi lần đầu tiên (con gái của ông ấy), Emma Hale. Vào ngày 18 tháng Giêng năm 1827 chúng tôi kết hôn, trong lúc tôi vẫn còn giúp việc cho ông Stoal.

58 Vì tôi vẫn khăng khăng quả quyết rằng tôi đã trông thấy một khải tượng nên sự ngược đãi vẫn tiếp tục theo đuổi tôi mãi, và gia đình bên cha vợ tôi hết sức phản đối việc hôn nhân của chúng tôi. Vậy nên, tôi thấy cần phải đem nàng đi nơi khác; do đó chúng tôi đã ra đi và kết hôn tại nhà của Squire Tarbill, ở South Bainbridge, hạt Chenango, New York. Liền sau cuộc hôn nhân của tôi, tôi bỏ công việc làm với ông Stoal và trở về nhà cha tôi để phụ giúp ông làm vụ mùa năm đó.

59 Sau cùng là đến kỳ hạn đi lấy các bảng khắc, hai viên đá U Rim và Thu Mim cùng tấm giáp che ngực. Vào ngày hai mươi hai tháng Chín năm một ngàn tám trăm hai mươi bảy, theo như thường lệ cuối mỗi năm, tôi đi đến nơi mà những vật ấy được chôn giấu, vị thiên sứ cũ đã trao những vật ấy cho tôi với lời dặn rằng: tôi phải chịu trách nhiệm về những vật này; rằng nếu vì bất cẩn hay khinh suất mà tôi để mất đi thì tôi sẽ bị khai trừ, nhưng nếu tôi dùng hết mọi nỗ lực để giữ gìn chúng, cho đến ngày ông, vị sứ giả, đến lấy lại, thì chúng sẽ được bảo tồn.

60 Chẳng bao lâu sau tôi đã hiểu lý do tại sao tôi lại nhận được những chỉ thị nghiêm mật về việc giữ gìn các vật ấy cho được an toàn, và tại sao vị sứ giả lại bảo rằng khi tôi làm xong những điều đòi hỏi nơi bàn tay tôi, ông sẽ đến lấy đi. Vì chỉ ít lâu sau người ta đã biết được tôi có những vật ấy; thế là tất cả mọi cố gắng mãnh liệt đều được tận dụng triệt để nhằm chiếm đoạt chúng khỏi tôi. Mọi mưu chước có thể nghĩ ra được đều nhằm vào mục đích đó. Sự ngược đãi càng ngày càng đắng cay và khắc nghiệt hơn trước, và các đám đông dân chúng luôn luôn chực sẵn chờ có cơ hội là chiếm đoạt chúng khỏi tôi. Nhưng nhờ sự thông sáng của Thượng Đế nên những vật này vẫn được tiếp tục an toàn trong tay tôi, cho đến ngày tôi hoàn tất những gì đòi hỏi ở nơi bàn tay tôi. Theo như đã dự định, khi vị sứ giả đến lấy, tôi giao hoàn cho ông, và ông vẫn gìn giữ chúng cho đến ngày nay, tức là ngày hai tháng Năm, năm một ngàn tám trăm ba mươi tám.

61 Tuy nhiên, sự giao động vẫn còn tiếp tục, và tin đồn với hàng trăm ngàn miệng lưỡi không ngớt thêu dệt lắm điều thất thiệt về gia đình cha tôi và về chính bản thân tôi. Nếu tôi phải kể lại một phần ngàn những chuyện đó, có lẽ nó sẽ tràn ngập cả mấy pho sách. Tuy nhiên, về sau sự ngược đãi đã trở nên cùng cực đến nỗi tôi buộc lòng phải rời khỏi Manchester, và đi với vợ tôi đến hạt Susquehanna, ở Tiểu Bang Pennsylvania. Trong khi chuẩn bị lên đường—nhà thì nghèo mà sự ngược đãi lại quá đè nặng trên chúng tôi, nên chúng tôi chẳng biết phải xoay xở ra sao—trong lúc đang khốn đốn chúng tôi gặp một người bạn hào hiệp, tên là Martin Harris. Ông đã đến gặp chúng tôi và cho tôi năm mươi Mỹ Kim để giúp chúng tôi trong cuộc hành trình. Ông Harris là một dân cư của huyện Palmyra, hạt Wayne thuộc Tiểu Bang New York, và là một nhà nông khả kính.

62 Nhờ sự giúp đỡ kịp thời này, tôi đã có thể đến được nơi tôi đã định ở Pennsylvania; và ngay sau khi đến đó tôi bắt đầu chép lại các chữ từ những bảng khắc. Tôi đã chép lại được phần lớn những chữ trong đó, và nhờ hai viên đá U Rim và Thu Mim, tôi đã dịch được một số chữ trong khoảng thời gian từ lúc tôi đến nhà cha vợ tôi, trong tháng Chạp cho đến tháng Hai năm sau.

63 Một ngày trong tháng Hai này, Martin Harris, là người được nói đến ở trên, tới chỗ chúng tôi đang ở, lấy những chữ mà tôi đã chép ra từ các bảng khắc, và mang đến thành phố New York. Về những gì đã xảy đến cho ông và những chữ này, tôi xin chép lại lời tường thuật của ông, như ông kể lại cho tôi nghe sau khi ông trở lại, câu chuyện như sau:

64 “Tôi đi đến thành phố New York và trình những chữ đã được phiên dịch, cùng với bản dịch, cho Giáo Sư Charles Anthon, một nhà nổi tiếng uyên thâm về văn chương. Giáo Sư Anthon nói rằng bản dịch này chính xác, chính xác hơn bất cứ bản dịch nào được dịch từ tiếng Ai Cập mà ông đã được thấy từ trước tới giờ. Kế đó tôi đưa cho ông ta xem những chữ chưa dịch, và ông ta bảo đó là những chữ Ai Cập, Canh Đê, A Si Ri và Á Rập; và ông nói rằng những chữ đó là những chữ thật. Ông cấp cho tôi một giấy chứng nhận chứng thật với dân ở Palmyra rằng những chữ ấy là những chữ thật và bản dịch những chữ ấy cũng đã được phiên dịch rất đúng. Tôi cầm giấy chứng nhận bỏ túi, và vừa lúc sắp sửa rời khỏi căn nhà đó thì Ông Anthon gọi tôi lại và hỏi tôi làm thế nào người thanh niên ấy khám phá được rằng có những bảng khắc bằng vàng ở nơi mà anh ta tìm thấy? Tôi trả lời rằng một vị thiên sứ của Thượng Đế đã tiết lộ cho anh ta biết.

65 “Kế đó ông ta bảo tôi: ‘Cho tôi xem tờ giấy chứng nhận đó.’ Tôi theo lời móc túi lấy đưa cho ông ta, thì ông ta cầm lấy nó xé ra từng mảnh, và nói rằng thời buổi này làm gì còn có chuyện các thiên sứ phù trợ nữa, và rằng nếu tôi đem những bảng khắc ấy lại cho ông, thì ông sẽ phiên dịch chúng. Tôi cho ông ta hay rằng một phần những bảng khắc đó đã bị niêm phong, và tôi bị nghiêm cấm không được đem những bảng khắc ấy đi. Ông ta trả lời: ‘Tôi không thể đọc một cuốn sách bị niêm phong được.’ Tôi rời ông và đi đến nhà Tiến Sĩ Mitchell, ông này đã xác nhận những điều Giáo Sư Anthon đã nói về những chữ ấy lẫn bản dịch.”

· · · · · · ·

Oliver Cowdery phục vụ với tư cách là người biên chép trong công việc phiên dịch Sách Mặc Môn—Joseph và Oliver nhận được Chức Tư Tế A Rôn từ Giăng Báp Tít—Họ chịu phép báp têm, được sắc phong và nhận được tinh thần tiên tri. (Các câu 66–75.)

66 Vào ngày 5 tháng Tư năm 1829, Oliver Cowdery đến nhà tôi, cho đến lúc ấy tôi chưa hề gặp mặt ông. Ông nói với tôi rằng ông đang dạy học ở trường trong vùng lân cận nơi cha tôi cư ngụ, và bởi vì cha tôi là một trong số những người gửi con đến ngôi trường ấy, nên ông có đến ở trọ tại nhà cha tôi một dạo, và trong lúc ở đó, gia đình cha tôi có kể cho ông nghe trong những trường hợp nào tôi đã nhận được những bảng khắc, và vì vậy ông đã đến để hỏi tôi.

67 Hai ngày sau khi ông Cowdery đến (tức là ngày 7 tháng Tư), tôi khởi sự phiên dịch Sách Mặc Môn, còn ông thì bắt đầu chép lại giùm tôi.

· · · · · · ·

68 Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc phiên dịch cho đến tháng sau (tháng Năm năm 1829), một ngày nọ chúng tôi đi vào rừng để cầu nguyện và cầu vấn Chúa về phép báp têm để được xá miễn tội lỗi, mà chúng tôi thấy có đề cập trong khi phiên dịch các bảng khắc. Trong lúc chúng tôi đang cầu nguyện và kêu xin Chúa như vậy, thì từ trên trời một vị sứ giả hiện xuống giữa ánh hào quang rực rỡ, và sau khi đặt tay lên đầu chúng tôi, vị ấy sắc phong chúng tôi, nói rằng:

69 Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; và chức tư tế này sẽ không bao giờ lại bị cất khỏi thế gian, cho đến ngày các con trai của Lê Vi lại hiến dâng một của lễ lên Chúa trong sự ngay chính.

70 Ông nói rằng Chức Tư Tế A Rôn này không có quyền năng đặt tay lên đầu để ban ân tứ Đức Thánh Linh, nhưng quyền năng này sẽ được truyền giao cho chúng tôi sau; và ông truyền lệnh cho chúng tôi phải đi chịu phép báp têm, và cho chúng tôi những lời chỉ dẫn rằng tôi phải làm phép báp têm cho Oliver Cowdery, và sau đó anh ấy phải làm phép báp têm cho tôi.

71 Chúng tôi tuân lời đi chịu phép báp têm. Tôi làm phép báp têm cho anh ấy trước, và sau đó anh ấy làm phép báp têm cho tôi—sau đó tôi đặt tay lên đầu anh ấy và sắc phong cho anh ấy Chức Tư Tế A Rôn, và sau đó anh ấy đặt tay lên đầu tôi và sắc phong cho tôi cùng Chức Tư Tế đó—vì chúng tôi được truyền lệnh như vậy.*

72 Vị sứ giả viếng thăm chúng tôi lần này và truyền giao Chức Tư Tế này cho chúng tôi nói rằng tên ông là Giăng, chính là người được gọi là Giăng Báp Tít trong Tân Ước, và rằng ông hành động theo chỉ thị của Phi E Rơ, Gia CơGiăng, là những vị nắm giữ các chìa khóa của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, mà ông nói rằng chức tư tế này sẽ được truyền giao cho chúng tôi khi đến lúc, và rằng tôi sẽ được gọi là Anh Cả thứ nhất của Giáo Hội, và anh ấy (Oliver Cowdery) sẽ được gọi là Anh Cả thứ hai. Hôm đó là ngày mười lăm tháng Năm năm 1829, chúng tôi được sắc phong bởi tay vị sứ giả này và chịu phép báp têm.

73 Ngay khi chúng tôi lên khỏi mặt nước sau khi chúng tôi đã chịu phép báp têm, chúng tôi nhận được những phước lành lớn lao và vinh quang từ Cha Thiên Thượng. Vừa khi tôi làm phép báp têm cho Oliver Cowdery, Đức Thánh Linh liền giáng trên anh, và anh đứng dậy nói tiên tri nhiều việc sắp xảy ra. Và cũng vậy, vừa khi tôi được anh làm phép báp têm, tôi cũng có được tinh thần tiên tri, khi đứng lên, tôi nói tiên tri về việc ra đời của Giáo Hội này, và nhiều điều khác có liên quan đến Giáo Hội, và thế hệ này của con cái loài người. Chúng tôi được đầy dẫy Đức Thánh Linh, và vui mừng nơi Thượng Đế của sự cứu rỗi chúng tôi.

74 Vì tâm trí chúng tôi giờ đây được soi sáng, nên chúng tôi bắt đầu thông hiểu thấu đáo thánh thư; ý tưởng và nghĩa thật của những đoạn bí ẩn nhất trong đó, nay cũng được sáng tỏ trong tâm trí chúng tôi một cách mà từ trước tới giờ chúng tôi chẳng hề đạt được, cũng như chẳng hề nghĩ tới. Trong thời gian này, chúng tôi buộc lòng phải giữ kín trường hợp chúng tôi đã nhận được Chức Tư Tế và chịu phép báp têm, vì tinh thần ngược đãi đã xuất hiện trong vùng lân cận.

75 Thỉnh thoảng chúng tôi bị hăm dọa khủng bố, và việc này cũng là do chính các giáo sĩ. Và những ý định khủng bố của họ bị cản trở bởi ảnh hưởng của gia đình cha vợ tôi (nhờ sự che chở của Đấng Thiêng Liêng), là những người đã trở nên rất thân thiện với tôi, và đã chống lại những đám khủng bố, và muốn cho tôi tiếp tục công việc phiên dịch mà không bị gián đoạn; và vì thế họ hứa sẽ bảo vệ chúng tôi chống lại mọi hành động bất hợp pháp trong phạm vi khả năng của họ.

  • Oliver Cowdery mô tả những biến cố này như sau: “Đây là những ngày mà tôi không bao giờ có thể quên được—ngồi lắng nghe giọng đọc ra bởi sự soi dẫn của thiên thượng, làm thức tỉnh niềm biết ơn sâu xa nhất của tấm lòng này! Ngày lại ngày tôi tiếp tục biên chép không ngừng những lời phát xuất từ miệng của anh ấy, trong khi anh ấy dùng hai viên đá U Rim và Thu Mim, mà người Nê Phi thường gọi là ‘dụng cụ phiên dịch,’ để phiên dịch lịch sử hay biên sử được gọi là ‘Sách Mặc Môn.’

    “Việc đề cập, dù chỉ vài chữ, câu chuyện đầy hứng thú do Mặc Môn và con trai trung tín của ông, Mô Rô Ni, kể lại về một dân tộc đã có lần được thiên thượng yêu thương và ưu đãi, không phải là mục đích hiện giờ của tôi; vậy nên tôi xin hoãn nó lại tới một thời gian sau, và như tôi đã nói trong phần mở đầu, xin đề cập thẳng tới một vài sự kiện có liên hệ đến sự ra đời của Giáo Hội này, đó là những sự kiện có thể làm thích thú hàng ngàn người đã tiến lên tiếp nhận Phúc Âm của Đấng Ky Tô, trước nét mặt cau có của những kẻ cố chấp và những lời phỉ báng của những kẻ đạo đức giả.

    “Không một ai, nếu đủ lương tri, có thể phiên dịch và chép lại những lời chỉ dẫn từ miệng của Đấng Cứu Rỗi ban cho dân Nê Phi, về phương cách chính xác mà loài người phải xây dựng Giáo Hội của Ngài, và nhất là trong thời kỳ mà sự sa đọa đã gây ra một điều mơ hồ đối với mọi hình thức và mọi phương pháp do người thế gian áp dụng, mà lại không mong muốn được đặc ân chứng tỏ thiện chí của lòng mình bằng cách được chôn mình trong ngôi mộ bằng nước, để đáp ứng ‘một lương tâm tốt nhờ bởi sự phục sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.’

    “Sau khi chép lại câu chuyện về giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi đối với dòng dõi còn sót lại của Gia Cốp trên lục địa này, thì có thể dễ nhận thấy, như lời vị tiên tri đã nói sẽ xảy ra, rằng sự tối tăm vây phủ đất và sự u ám dày đặc bao phủ lấy tâm trí loài người. Suy nghĩ sâu xa hơn, chúng ta dễ nhận thấy rằng giữa sự tranh chấp lớn lao và ồn ào về tôn giáo, chẳng có ai được thẩm quyền từ Thượng Đế để thực hiện các giáo lễ của Phúc Âm. Người ta có thể nêu lên câu hỏi: Có ai chối bỏ những điều mặc khải của Chúa mà lại có thẩm quyền thừa hành nhân danh Đấng Ky Tô chăng, khi chứng ngôn của Ngài không gì khác hơn là tinh thần tiên tri, và tôn giáo của Ngài được căn cứ, được xây dựng, và được duy trì bằng những điều mặc khải trực tiếp, trong tất cả mọi thời đại trên thế gian khi còn có dân của Ngài trên đó? Nếu những sự kiện này đã bị chôn vùi và bị giấu kín bởi những người sợ rằng nghề nghiệp của mình sẽ bị đe dọa nếu một khi những sự kiện này được cho phép chiếu sáng trước mặt loài người, thì đối với chúng tôi chúng không còn bị giấu kín nữa; và chúng tôi chỉ đợi lệnh truyền ban ra ‘Hãy đứng dậy và chịu phép báp têm.’

    “Điều này không còn phải đợi chờ lâu mới được thực hiện. Chúa, là Đấng đầy lòng thương xót, và luôn luôn sẵn sàng đáp ứng lời cầu nguyện bền bỉ của những kẻ khiêm nhường, sau khi chúng tôi đã cầu khẩn Ngài một cách nồng nhiệt thiết tha, ở xa những nơi có đông người cư ngụ, đã hạ cố để biểu hiện ý muốn của Ngài cho chúng tôi biết. Bỗng bất thần, như thể từ chốn vĩnh cửu, tiếng nói của Đấng Cứu Chuộc phán lên sự bình an cho chúng tôi, trong khi đó bức màn che được vén lên, và thiên sứ của Thượng Đế mình khoác đầy vinh quang giáng xuống, và trao cho chúng tôi một sứ điệp mà chúng tôi hằng mong đợi, cùng các chìa khóa của Phúc Âm về sự hối cải. Mừng thay! Kỳ diệu thay! Ngạc nhiên thay! Trong lúc thế gian đang lo âu và điên đảo—trong khi có hàng triệu người đang dọ dẫm không khác gì những người mù tìm kiếm bức tường, và trong lúc tất cả mọi người đang tùy thuộc vào điều mơ hồ, như toàn thể nhân loại, thì đôi mắt chúng tôi được trông thấy, tai chúng tôi được nghe, rõ ràng như giữa ánh sáng ban ngày; phải, còn hơn thế nữa—hơn cả sự rực rỡ của tia ánh sáng mặt trời tháng Năm, mà nó tỏa ánh sáng chói chan lên vạn vật! Rồi tiếng nói của vị đó, tuy rất dịu dàng, nhưng nó xuyên thấu tâm hồn chúng tôi, và những lời của vị ấy ‘Ta là đồng bạn tôi tớ như các ngươi,’ đã đánh tan mọi sợ hãi. Chúng tôi lắng nghe, chúng tôi nhìn thấy, chúng tôi chiêm ngưỡng! Đó là tiếng nói của một thiên sứ, từ chốn vinh quang, đó là một sứ điệp từ Đấng Tối Cao! Và khi chúng tôi nghe, chúng tôi vui mừng, trong khi tình thương yêu của Ngài nhóm lên trong tâm hồn chúng tôi, và chúng tôi được bao trùm trong khải tượng thấy Đấng Toàn Năng. Còn có chỗ nào để nghi ngờ? Không chỗ nào hết, sự lưỡng lự đã biến mất, sự nghi ngờ đã chìm đắm để không còn nổi lên được nữa, trong khi giả tưởng cùng sự lừa dối đã chạy trốn mãi mãi!

    “Nhưng hỡi người anh em thân mến, hãy suy nghĩ, hãy suy nghĩ thêm một lát nữa, lòng chúng tôi tràn đầy vui sướng biết bao, và chúng tôi kinh ngạc biết bao khi chúng tôi phải quỳ xuống (thử hỏi ai mà không phải quỳ gối khi nhận được một phước lành như vậy?) khi chúng tôi nhận được Thánh Chức Tư Tế từ tay vị đó, thì vị đó nói: ‘Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế này và thẩm quyền này, nó sẽ tồn tại trên thế gian, để các Con Trai của Lê Vi có thể hiến dâng một của lễ lên Chúa trong sự ngay chính!’

    “Tôi không có ý định diễn tả lại những cảm nghĩ của tâm hồn này, cũng như vẻ đẹp và vinh quang huy hoàng bao trùm chúng tôi trong dịp này; nhưng các người sẽ tin tôi khi tôi nói rằng cả thế gian lẫn loài người, dù với sự hùng biện nhất của thời đại, cũng không có thể sử dụng một ngôn ngữ nào hay ho và cao quý hơn nhân vật thánh thiện này. Không; thế gian này cũng không có quyền năng để đem lại sự vui mừng, để ban cho sự bình an, hay hiểu nổi sự thông sáng chứa đựng trong mỗi câu nói khi nó được thốt ra bởi quyền năng của Đức Thánh Linh! Loài người có thể lừa gạt đồng loại của mình, sự lừa gạt này có thể tiếp theo sự lừa gạt khác, và con cái của kẻ tà ác có thể có khả năng cám dỗ những kẻ khờ dại và dốt nát, đến nỗi đa số loài người chỉ được nuôi dưỡng bằng giả tưởng, và kết quả của sự giả tạo cuốn những kẻ nhẹ dạ trôi theo nó đến nhà mồ; nhưng chỉ cần ngón tay tình thương của Ngài sờ vào, phải, chỉ cần một tia vinh quang từ thế giới trên cao, hay một lời từ miệng Đấng Cứu Rỗi phát ra, từ lòng vĩnh cửu, cũng đủ biến đổi tất cả những sự việc ấy thành vô ý nghĩa, và tẩy xóa nó khỏi tâm trí mãi mãi. Sự quả quyết rằng một thiên sứ đã được ở trước mắt chúng tôi, sự tin chắc rằng chúng tôi đã nghe được tiếng nói của Giê Su, và lẽ thật không hoen ố khi nó phát xuất ra từ một nhân vật thanh khiết, được đọc ra theo ý muốn của Thượng Đế, đối với tôi thật không thể nào tả xiết, và tôi sẽ luôn luôn coi sự diễn đạt này về lòng nhân từ của Đấng Cứu Rỗi là một sự kỳ diệu và bằng một tấm lòng biết ơn khi tôi còn được sống trên thế gian này; và trong những nơi chốn mà chỉ có sự hoàn hảo và không bao giờ có tội lỗi, tôi hy vọng được thờ phượng Ngài vào ngày đó mà sẽ không bao giờ chấm dứt.”—Messenger and Advocate, quyển 1 (tháng Mười năm 1834), các trang 14–16.

In